PDA

View Full Version : Món nợ chưa trả



Longhai
04-20-2012, 12:33 AM
MÓN NỢ CHƯA TRẢ

Tặng các bạn tù trong ngày họp mặt
Ngày 3 tháng 7, 2010 tại Little Sài Gòn
Westminster, California

Minh Hoàng

Cơn mưa vẫn ào ạt đổ xuống như trút nước. Con đường quen thuộc vắng tanh vắng ngắt. Một vài chiếc xe vụt qua làm nước văng tung tóe vào những người bộ hành đang tìm chỗ trú mưa. Giòng sông Hương bập bềnh những chuyến đò ngang phủ một mầu trắng đục. Nơi góc quán hai mái đầu ngồi sát bên nhau.

-Ngày mai anh đi rồi, sao anh không nói một điều gì với em?

Người con gái lên tiếng giọng nói mang đầy nước mắt.

-Dĩ nhiên anh không bao giờ muốn xa em, nhưng… Người con trai ngưng bặt sau tiếng “nhưng” vừa thoát ra.

-Có khi nào anh nghĩ đây là lần cuối cùng chúng ta còn ngồi bên nhau không?

Người con trai nhìn ra bầu trời phủ một mầu đen cùng những hạt mưa trút xuống ào ạt như giận dữ.

-Anh không biết được điều gì sẽ xảy ra vào ngày mai. Chiến tranh mỗi ngày thêm khốc liệt, và bao nhiêu thằng bạn cùng lớp đã bị cuộc chiến cuốn hút và biến mất trên thế gian này. Anh chỉ có thể nói với em là lúc nào anh cũng vẫn yêu em.

Người con gái nhìn anh vừa như thương cảm vừa như giận dỗi,

-Nhưng tại sao anh không xin hoãn dịch. Anh có đầy đủ lý do vì học vấn và em có thể nói với ông chú em giúp để anh không phải nhập ngũ lần này.

-Anh xin lỗi em, nếu anh làm như vậy anh không còn là anh và anh cảm thấy không xứng đáng với tình yêu của em.

Người con trai nắm bàn tay có những ngón thon nhỏ mịn màng của người yêu,

-Xa em anh là người khổ sở nhất, nhưng anh không thể nào làm ngược lại. Em biết tính anh từ lâu rồi, anh không bao giờ nhận sự giúp đỡ của ai. Nhất là nhận sự giúp đỡ để trốn tránh trách nhiệm của chính mình.

***
Tôi đã coi người thanh niên này như một người em vì tôi là con út, rất khao khát có một người em. Anh ta là một Trung Đội Trưởng trong Đại Đội tôi sau khi rời quân trường Thủ Đức. Tuổi tác cũng không hơn nhau bao nhiêu nên ba Trung Đội Trưởng đều coi tôi như người anh cả trong đơn vị. Tất cả mọi chuyện riêng tư hầu như là tâm tình chung của bốn anh em.

Một lần Thoại đã tâm sự với tôi mối tình của cậu ta với “người em văn khoa Huế” như vậy. Khi Thoại dứt áo ra đi không biết rồi cuộc tình sẽ ngả theo chiều nào…?

Mỗi lần thoát khỏi lưỡi hái của tử thần về hậu cứ bốn anh em như hình với bóng vì vẫn còn độc thân. Đi đâu cũng đều chất lên chiếc xe Jeep cùng với mấy chú lính bám theo “mấy ông thầy chịu chơi”

Bao nhiêu lần tôi phải phân trần “phải quấy” với mấy ông Quân Cảnh Sư Đoàn. Lúc đầu mấy chàng Quân Cảnh còn khó khăn, riết rồi quen mặt nên cũng thông cảm. Nhất là sau khi anh bạn cùng khóa tôi về nắm Đại Đội Quân Cảnh Sư Đoàn thì coi như hai đơn vị chúng tôi là anh em.

Điều lý thú là ba chàng Trung Đội trưởng của tôi lại ở ba miền. Anh chàng Trung Đội trưởng Trung Đội I kiêm Đại Đội phó tên Tuần, dân Hà Nội chính gốc, rất hiền và lúc nào cũng lo toan mọi công việc trong đơn vị. Trung Đội 2 dân Huế thuộc giòng Hoàng Tộc nhà Nguyễn tên Bửu Thoại, gương mặt rầu rầu vì nhớ người yêu. Chàng miền Nam nắm Trung Đội 3. Mỗi đầu tháng mới lãnh lương ra là “xả láng nguyên tháng ăn đồ hộp ông thầy…” Đúng là tên làm sao thì người như vậy, anh tên là Lành. Lành nhậu bất kể trời đất, nhưng khi say là vội leo lên xe jeep ngủ ngáy vang cả trời đất. Anh chàng này cũng gan cùng mình. Có lần đơn vị lọt ổ phục kích không nhờ Lành chắc cả Đại Đội lãnh đủ.

Theo tin tức nhận được địch quân chỉ có khoảng 2 trung đội hoạt động trong vùng. Đại Đôi tôi được lệnh hành quân tiêu diệt. Lành xung phong nhận lãnh dẫn Trung Đội đi đầu, Trung Đội 2 của Thoại chia làm hai cánh giữ hai cạnh sườn. Trung Đội 1 của Tuấn làm thành phần trừ bị phía sau.

May mắn khi chạm súng Trung Đội Lành may mắn hầu như đã vượt hẳn lên phía trước. Ngay loạt đạn đầu tiên Trung Đội của Thoại đã phải nằm bám trụ không ngóc đầu lên nổi. Lành đã can đảm điều động Trung Đội quay trở lại xung phong tấn công thẳng vào địch quân ở hai bên sườn. Địch quân hoảng loạn vì tưởng có đơn vị khác phản phục kích. Trong lúc đó Trung Đội 1 của Tuấn cũng banh rộng ra để tiêu diệt địch.

Trong trận đánh này địch quân đã xử dụng quân số tới hai đại đội. Chúng tưởng là dựa vào lợi điểm bất thần và quân số đông áp đảo sẽ diệt gọn tụi tôi, không ngờ chúng đã mang đầu máu.

Lành được thăng cấp đặc cách lên Trung Úy tại mặt trận với một anh dũng bội tinh ngôi sao vàng. Các anh em trong Đai Đội đều nhận được tưởng thưởng xứng đáng.

Lành bô bô:

-Em chẳng khoái huy chương, giá mình được thưởng ít sấp nhậu một bữa thả giàn thì vui biết mấy.

-Cậu khỏi lo, theo đề nghị của Tiểu Đoàn “Mặt Trời” đã OK thưởng cho mình một con bò và cả chục két bia Quân Tiếp Vụ đấy. Lần này cậu tha hồ xỉn.

-Hoan hô Mặt Trời, Mặt Trờu vạn tuế. Lành vừa cười vừa la ông ổng.

-Này cậu muốn xuống trình diện Quân cảnh Sư Đoàn làm bạn với muỗi hay sao mà la lối om xòm lên như vậy?

Lành tay bịt miệng co đầu rụt cổ làm anh em binh sĩ quanh đó ôm bụng cười.

-Các cậu chuẩn bị chờ ông Thượng Sĩ Thường Vụ đi mua quà về rồi cùng tới Quân Y Viện thăm Tuấn và các anh em đang nằm điều trị bên đó.

-Thoại bị có nặng không anh? Lành có vẻ lo lắng cho bạn.

-Cũng may viên đạn xuyên qua thịt ở bắp vế mà không đụng xương, Thằng thiệt số đào hoa. Nghe đâu cô bồ của cậu ta đã bay từ Huế vào thăm rồi đấy.

Lành mặt mếu máo làm trò:

-Tôi nghiệp em cô đơn chẳng có con ma nào nó thèm ngó.

-Này đừng lấy vải thưa che mắt thánh nhé. Đứa nào cứ thì thầm với cô con gái út của bà chủ tiệm cơm vậy.

Lành bị lật tẩy cười hì hì:

-Không có gì giấu được anh cả. À mà anh đứng làm ông mai cho em được không?

-Với một điều kiện… Lành hỏi dồn;

-Điều kiện gì em cũng ký cả hai chân hai tay luôn…

-Tuyệt đối không bao giờ được xỉn nữa. chịu không?

-Ối giời đất ơi, ông anh nại bắt bí em thế nà thế lào.

Nghe Lành bắt chước giọng Bắc làm anh em binh sĩ góp thêm những trận cười thật thoải mái. Tất cả anh em tạm quên những hiểm nguy chết chóc lúc nào cũng rình rập đời lính trong thời lửa đạn.

Cuối cùng Lành cũng cười hì hì xuống nước, dơ cả hai tay lên trời:

-Em xin hứa, từ giờ em sẽ không say xỉn nữa; mỗi lần em chỉ uống một chai thôi…

-Chẳng lẽ mỗi lần cậu cầm hai chai tu cùng một lúc, không có cái kiểu hứa lơ lửng con cá vàng như vậy. À mà cậu phải xác nhận lại cho rõ ràng, một ngày cậu được quyền uống một chai bia chứ không phải một chai của cậu là nguyên lít rượu đế. Đồng ý không, ở đây có mấy thằng em này làm chứng.

Lành gãi đầu bứt tóc, nhăn nhó làm trò khỉ,

-Ông anh bắt bí em út nhiều quá, nhưng muốn được vợ cũng phải chịu thua ông anh một keo vậy. Mấy người lính lại được dịp ôm bụng cười, Lành làm bộ mặt giận xừng xộ:

-Bộ mấy đứa thấy tao thua ổng rồi cười khi dễ hả!

Vừa lúc đó chiếc xe jeep thắng lại tung lên một đám bụi đỏ mù mịt. Tôi giục mấy tên đàn em leo lên xe đi thăm anh em bị thương trong trận phục kích vừa qua.

Rất may mắn tất cả những vết thương đều không chạm xương và những bộ phận nguy hiểm. Lành và tôi châm thuốc cho tất cả các anh em, và trao cho mỗi người một gói quà của Tiểu Đoàn Trưởng gửi tặng.

Sang phòng Thoại nằm thấy cái giường trống trơn. Người nằm bên cạnh nói:

-Ông ấy chống gậy nhảy lò cò ra ngoài sân rồi. Có một nàng áo dài tìm tới thăm khóc quá trời. Ông ấy dỗ mãi mới nín, sau đó hai anh chị đưa nhau đi đâu mất tiêu rồi. Ông ấy sướng thật mới vào nằm có mấy ngày mà đã có “Em gái hậu phương tới thăm, tụi này cứ nằm vêu mõm ca bài… Đời tôi cô đơn miết…!”

Đời lính thật vô tư, còn vui được là cứ vui.

-Thôi mình về anh ạ, thằng Thoại đang hú hí với người yêu mình kiếm nó lại làm “kỳ đà cản mũi” nó oán mình chết. Lành lanh chanh đề nghị.

-Nhớ con bà chủ quán cơm rồi phải không? Quay qua mấy tên đàn em ngồi băng sau tôi đề nghị:

-Anh em mình cũng nên chiều cái ông Trung Úy này thôi. Chắc ông Trung Úy nhà mình muốn khoe người đẹp cặp lon mới, luôn tiện khao anh em mình nữa chứ.

-Đúng đấy thẩm quyền. Hôm nay thẩm quyền cho phép tụi em xỉn với Trung Úy một bữa. Mấy đứa em nhao nhao lên hưởng ứng.

-Ngộ còn lủ tền khao mỗi lứa một ly… trà lá thôi! Nhại tiếng “tào lao” xong Lành lại nhăn răng ra cười.

Đời lính thật gian nan hiểm nguy nhưng lại rất thương nhau. Sau những lần đụng trận được tử thần tha tào về hậu cứ lại vui như tết. Đa số quân nhân trong đơn vị tôi còn độc thân thật sự hay “độc thân tại chỗ”. Vài cậu lính trẻ xin phép đi thăm “người em gái tóc xõa vai gầy quán Mì-Quảng-Ba-Cô” Một số lo canh gác vị trí đóng quân, còn lại ngồi quây quần bên nhau hạ mấy nàng bia voi hay 33 cùng mấy con khô mực, cười đùa như trong một gia đình.

Ông Thượng Sĩ Thường Vụ trên chiếc xe Dodge nhảy xuống chào rất nghiêm chỉnh. Mấy vị Thượng Sĩ già lúc nào cũng giữ kỷ luật.

Tôi quay qua hỏi:

-Có gì mà coi bộ bố gìa hớt ha hớt hải quá vậy.

-Dạ, Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng mời Đại Úy về họp tại Tiểu Đoàn gấp. Nghe nói là có lệnh khẩn của Sư Đoàn vừa gửi xuống.

Theo tin tức mới nhận được của phòng nhì, các đơn vị địch đang ép sát vị trí phòng thủ của quân bạn. Lệnh Sư Đoàn là tất cả các đơn vị trực thuộc trong tư thế tác chiến, cấm trại 100%.

Bửu Thoại được chuyển về Tổng Y Viện Cộng Hòa điều trị, một Chuẩn Úy mới được Tiểu Đoàn bổ sung về thay thế. Vắng giọng Huế của Thoại anh em hết được chọc “chậm chậm xuống hang…” nữa. Chuẩn Uý Xuân, dân Quảng Trị cũng tạm thay thế được dù giọng nói nặng hơn một chút.

Tình hình coi bộ không mấy tốt đẹp. Tôi ra lệnh cho các Trung Đội chuẩn bị hầm hố cá nhân xung quanh vị trí đóng quân. Tôi chấm sẵn các tọa độ yếu điểm mà địch có thể tấn công báo cáo lên Tiểu Đoàn để xin yểm trợ pháo binh khi cần.

Nhưng “Ngày tháng tư đen” đã là đoạn kết đau thương cho cả dân tộc Việt Nam. Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã bị khai tử vì sự phản bội của người bạn đồng minh!

***
Tôi đang ngồi gõ đoạn kết truyện ngắn để gửi kịp cho tờ báo của người bạn trên tuốt miền Đông Bắc thì đứa cháu ngoại gõ cửa bước vào. Tôi ngừng lại hỏi:

-Cháu của ông lại lên xin kẹo phải không? Ăn nhiều kẹo sâu đục hết mấy cây răng, xấu gái lắm.

-Không phải cháu lên xin kẹo đâu, có người muốn gặp ông ngoại cháu mời ngồi chờ ông ở phòng khách dưới nhà. Cháu không ăn kẹo nữa đâu, bố mẹ cháu nói mỗi ngày chỉ được ăn hai cái kẹo thôi.

-Cháu ngoan lắm. Tôi xoa đầu đứa cháu gái rồi theo nó xuống nhà.

Vừa thấy tôi bước vào, người đàn bà đứng lên cúi đầu chào.

Tôi lên tiếng mời ngồi và hỏi:

-Xin lỗi không biết tôi đã hân hạnh gặp bà trong dịp nào. Già cả rồi nên trí nhớ cũng bỏ đi hết sạch.

-Dạ, trước khi trả lời anh, xin anh cho biết có phải tên anh là Hoàng hồi xưa phục vụ ở Sư Đoàn 23 không?

Đang ngạc nhiên không biết lý do gì mới gặp mà bà khách này lại “điều tra” mình kỹ như vậy, tôi vui vui nói lên điều mình đang nghĩ:

-Vâng, chị đã “điều tra” đúng rồi đấy. Nhưng không biết chị muốn biết điều này để làm gì?

-Như vậy là tụi em đã tìm đúng, nhưng xin phép hỏi anh điều kế tiếp nữa là anh có quen ai với cái tên Bửu Thoại không ạ?

Tôi có cảm giác như người phụ nữ ngồi trước mặt có liên hệ gì đến người Trung Đội trưởng của tôi khi xưa. Quá khứ như một đoạn phim buồn vụt lướt qua trí nhớ của tôi.

-Có, trong đơn vị chúng tôi coi nhau như anh em. Thoại bị thương trong một cuộc phục kích và sau đó tôi đã hoàn toàn mất tin tức của Thoại sau ngày Thoại được chuyển về Tổng Y Viện Cộng Hòa.

Nét rạng rỡ hiện trên gương mặt, người phụ nữ nói như reo lên… “Đúng là anh rồi, bao năm nay hai đứa em đã kiếm anh khắp nơi!” Rồi những giọt nước mắt trào ra từ đôi mắt thật đẹp của người phụ nữ trước mặt.

Tôi nhớ lại thật rõ anh chàng Trung Đội trưởng người Huế đẹp trai năm nào,

-Nếu tôi đoán không lầm chị là Tố Tâm người yêu của Thoại. Ngày ấy Thoại có cho tôi biết về mối tình của hai người.

-Vâng em là Tố Tâm là người yêu anh Thoại lúc xưa, nhưng giờ là vợ của Thoại.

Nghe tiếng mở cửa tôi quay lên thấy xuất hiện thêm một người đàn ông mà tôi nhận ngay được chính là Bửu Thoại. Hai anh em ôm lấy nhau mừng rỡ, mặc cho nỗi xúc động như con sóng đại dương dâng cao. Những giọt nước mắt dường như đang lăn trên hai gương mặt mà giờ đây đã mang đầy những vết nhăn của thời gian.

Qua cơn xúc động tôi đẩy Thoại ngồi xuống ngay bên cạnh,

-Làm sao hai vợ chồng kiếm ra anh mà tới thăm bất ngờ vậy?

Thoại cười như mếu,

-Câu chuyện dài như một pho tiểu thuyết mà anh hỏi dồn dập, em biết bắt đầu từ đâu mà trả lời anh. Cho em cái gì thấm giọng đã, chạy lòng vòng kiếm nhà khô cả cuống họng rồi đây này.

-Bia nhá?

-Thì cứ như xưa đi. Mỗi lần trở về hậu cứ an toàn, anh quên cái thằng “Lành mà dữ” cứ mè nheo anh đòi lấy “bia để tẩy bụi trần” là gì.

-Ừ cái thằng Lành dân “con cá gô nó nằm trong gỗ nó kêu gột gột” bây giờ không biết giang hồ đến xứ nào rồi. Trên chuyến tàu Sông Hương ra Bắc anh gặp lại Lành ở Hạ Lý Hài Phòng. Hôm sau lên xe lửa đi Yến Bái thì thất lạc nhau từ ngày ấy đến giờ.

-Từ từ em sẽ “hé màn bí mật.” Rồi cũng sẽ có một ngày anh em mình tập họp lại đầy đủ như xưa. Cả anh chàng “rau muống” Tuấn nữa. Em còn lần ra dấu của ông Thượng Sỹ “thuốc nào” của anh nữa kìa.

-Thoại giỏi thật, anh phải đề nghị thưởng cái gì cho chú mày mới được.

Thoại cười hỉ hả,

-Khỏi, khỏi. Anh đã tưởng thưởng em từ ngày xửa ngày xưa rồi mà anh quên đấy chứ, Thoại sôi nổi kể lại những chuyện quá khứ. Anh nhớ bao nhiêu lần em xin phép anh âm thầm xuất trại không? Hồi đó anh lo Quân Cảnh vồ bất tử nên anh cẩn thận ký cho em cái Sự Vụ Lệnh đi liên lạc với Tiểu Đoàn. Anh biết em đi đâu không…?

Thoại cười ha hả chỉ Tố Tâm

-Cái cục nam châm này cứ hút cứng lấy em nên em phải nại đủ mọi lý do để xin đi gặp riêng không dám bật mí sợ bị cái thằng Lành nó chọc quê. Anh đóng vai “ông tơ bà nguyệt” từ ngày đó mà anh không biết đó thôi.

Tố Tâm lườm Thoại bẽn lẽn.

-Không biết mấy chú kia có giấu diếm gì anh như Thoại không đây. Mấy ông tướng hồi đó ghê thật, qua mặt đàn anh cái vù, giờ này mới “thỏ thẻ thú tội trước bình minh”

À mà Thoại kể anh nghe giai đoạn sau ngày em được chuyển về điều trị ở Tổng Y Viện Cộng Hòa rồi em có bị kẹt lại như bọn anh không?

-Không, đời em có nhiều may mắn. Điều may mắn đầu tiên là vừa ra đơn vị lại về với anh, rồi lãnh đạn nhưng không đến nỗi nào. Nằm điều trị hơn một tháng vết thương đã lành 80% thì đến “ngày gẫy súng.” Cái may nữa là “bọn nón cối” sắp vào vào thành phố thì Tố Tâm tới thăm em. Nhờ có chiếc xe Honda của Tố Tâm chạy về tới nhà vừa lúc gia đình chuẩn bị xuống chiến hạm của người anh của Tố tâm đang phục vụ trên tàu.

Lúc đầu em không chịu đi vì gia đình em còn kẹt ngoài miền Trung, nhưng ba mạ Tâm và người anh trai thuyết phục mãi, nhất là “O ni” cứ nỉ non: “Em đã chiều anh một lần không cản anh đăng lính, bây giờ anh phải chiều lại em…”

Thế là em đành phải nhắm mắt “Thân trai mười hai bến nước trong nhờ, mà … đục cũng nhờ luôn!”

Khi tụi em xuống đến bến Bạch Đằng vừa kịp lúc tàu chuẩn bị rời bến. Em đứng chon chân trên boong nhìn Sài Gòn xa dần, thân xác rã rời. Khi con tàu ra tới cửa biển Vũng Tàu em vẫn còn chôn chân tại chỗ không nhúc nhích. Hình như em có đứng nghiêm chào thành phố biển khi hình ảnh mờ dần trong khói lửa điêu tàn. Mãi tới lúc Tố Tâm dìu em xuống căn phòng của người anh em mới như người vừa ra khỏi cơn mê.

Buồn nhất là lúc tàu tới cảng Subic của Phi Luật Tân. Hầu như từ thuyền trưởng tới thủy thủ trên tàu và tất cả dân chúng đi trên tàu đều không cầm được nước mắt khi nhìn lá cờ Việt Nam Cộng Hòa trên tàu từ từ được hạ xuống. Bản Quốc Ca vang lên cùng tiếng sóng biển rì rào. Niềm xúc động dâng lên làm mọi người nghẹn ngào cùng giòng nước mắt cứ trào ra!

Tụi em ở Phi một thời gian rất ngắn, đâu chưa đến hai tuần thì lên máy bay vào Mỹ vì được những người bạn Mỹ cùng khóa với anh của Tố Tâm bảo trợ.

-Rồi sau đó là đám cưới của hai người…

-Anh đoán lại trật nữa rồi. Em còn dò la tin tức của gia đình em nữa chứ. May mắn là ba má em di tản theo các đơn vị từ miền Trung trên một chiếc sà lan và được một tàu của Mỹ vớt khi tất cả những người trên sa lan đã nằm la liệt vì bị đói khát nhiều ngày. Cũng mấy tháng sau gia đình mới đoàn tụ lại được. Gia đình em và Tố Tâm lúc đầu tập trung ở San Diego, nhưng sau di chuyển về San Jose và trụ lại đó đến bây giờ.

Đám cưới của tụi em được tổ chức sau khi hai đứa đều tốt nghiệp đại học. Tụi em cùng học ngành điện tử nên làm cùng một hãng ngay ngay sau khi ra trường.

-Thôi anh em mình “một trăm phần trăm” mừng ngày hội ngộ. À mà hai em bây giờ được mấy Thoại con và Tố Tâm con rồi. Còn việc em gặp lại Tuấn và ông “Thượng Sỹ thuốc nào” như thế nào?

-Em gặp lại hai người này khoảng giữa năm 1987 ở San Jose. Hôm đó em xin nghỉ vì Tâm lần đầu cho em một thằng cu sau khi được hai bé gái. Em đang lơn tơn vào chợ mua đồ ăn “nuôi vợ đẻ” thì nghe tiếng ai gọi. Em quay lại thì đúng như một giấc mơ anh ạ… Hai ông “Bắc kỳ” cùng chạy lại ôm lấy em. Tụi em mừng quá chẳng thèm để ý đến mấy người Mỹ xì xào…!

Tuấn kẻ lại là sau khi ra khỏi nhà tù về Nha Trang thì vô tình gặp lại “bố già Phẩm” Mấy đứa con của bố già làm nghề đánh cá. Sau khi nghiên cứu kỹ càng đường đi nước bước, một chuyến vượt biên đã thành công đưa toàn bộ gia đình của hai ông tướng ấy tới Mã Lai. Hai ông ấy liều đến độ cướp được súng của mấy tên trên tàu trói lại rồi mặc quần áo của chúng cho tàu chạy thẳng ra khơi. Sau đó mấy tên này lạy lục tha cho họ để họ thoát được chế độ cộng sản mà từ bấy lâu nay họ phải “nín thở qua sông” để mưu sinh cho gia đình.

Bây giờ họ quay quần với nhau ở một khu và rất thân nhau.

-Nhưng sao Thoại biết anh ở đây để hai vợ chồng cùng đến thăm một lúc vậy. Rồi công ăn việc làm và mấy cháu ra sao?

-“Bố già Phẩm” là người kiếm ra địa chỉ của anh. Mỗi lần có dịp gặp nhau anh em đều thắc mắc không biết anh ở đâu. Tuần trước “bố già” gọi điện thoại cho em, ổng mừng quá vì mới kiếm ra địa chỉ của anh nhờ hỏi bên Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị. Bố ra lệnh cho em phải tới thăm anh ngay. Hên là thời gian này vợ chồng em đang “ngồi chơi sơi nước” nên vội gửi mấy đứa con cho ông bà nội ngọi để đi. Lúc đầu em tính đi một mình, nhưng vợ em cũng nóng lòng muốn gặp anh đòi đi theo.

Tới địa chỉ bố Phẩm cho thấy đóng cửa im ỉm. Em bấm chuông mấy lần mà chẳng thấy ai ra mở cửa. Em đang loay hoay tính gọi bố Phẩm để hỏi lại thì may quá có cái xe nhà bên cạnh vừa chạy ra. Ông ta đậu xe lại thì hóa ra là một người đồng hương mà cũng là một Sĩ Quan ngành Quân Vận. Ông cho biết là anh đã di chuyển về vùng phía Nam thành phố từ mấy năm nay và ông cũng không biết địa chỉ.

Em đang thất vọng trong lúc ông gọi điện thoại cho bạn bè. Cuối cùng ông ấy tìm ra địa chỉ của anh. Hai đứa tụi em mừng quá nên lái xe một mạch tới đây trong khi bụng đói cồn cào.

-Bộ từ sang đến giờ hai vợ chồng chưa ăn gì sao?

-Tụi em lên máy bay từ sáng sớm. Như anh biết bây giờ đi máy bay chỉ được ăn ba cái vớ vẩn với ly nước ngọt. Mừng quá mong gặp anh ngay nên tụi em không cảm thấy đói. Đến giờ này cái bao tử coi bộ phản đối dữ quá.

Vừa lúc đó “bà cụ thân sinh ra các cháu” cũng vừa từ nhà thằng con trai về. Sau màn giới thiệu chào hỏi Thoại lại liến thoắng:

-Thế mà hồi đó em tưởng anh còn độc thân chứ.

-Anh có nói với em bao giờ là chưa có vợ đâu, anh chỉ nói là “độc thân tại chỗ” thôi mà. Tố Tâm cũng không kém:

-Nhưng hai chữ sau anh nói nhỏ quá nên anh Thoại không nghe được phải không…!

Qua cuộc chiến, rồi những ngày nằm trong lao tù cộng sản, chúng tôi đã tìm đến nhau trên từng mảnh đất lưu vong này. Bao nhiêu bạn bè đã nằm lại ở những địa danh mà người thành thị chưa một lần tới hoặc chỉ mới nghe tên.

“Những người lính không bao giờ chết, mà chỉ mờ dần đi…” Một vị Tướng đã nói như vậy. Những người lính đã lần hồi tìm đến nhau trong vòng tay. Nhưng còn biết bao bạn bè đã gửi lại một phần thân thể trong suốt cuộc chiến trên quê hương. Bây giờ những người một thòi được xưng tụng như những anh hùng đang quằn quại với những nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần trong sự rẻ khinh trên chính quê hương của mình.

Chúng ta vẫn còn đang mang một món nợ. Món nợ với chính những chiến hữu một thời đã chiến đấu, và đã sống chết bên nhau: Đó chính là món nợ với những “THƯƠNG PHẾ BINH QLVNCH!”

Vùng gió xoáy ngày 14 tháng 6, 2010
Minh Hoàng