PDA

View Full Version : 36 Năm Quốc Hận và 20 Năm Biệt Xứ



Longhai
04-19-2012, 10:37 AM
36 Năm Quốc Hận và 20 Năm Biệt Xứ:
Không quên TỔ QUỐC – DANH DỰ - TRÁCH NHIỆM


Ngô Xuân Tâm

Thời gian trôi qua thật mau, một Tháng Tư đen nữa lại đến! Nhớ lại ngày ra tù “cải tạo”, gia đình tôi đang sống ở một vùng quê hẻo lánh. Người vợ đã trải qua qúa nhiều đau khổ. Một nách nuôi 5 đứa con nhỏ và lo việc tiếp tế, thăm chồng suốt mười mấy năm tù. Tất cả chỉ bằng sức của người đàn bà chân yếu tay mềm, không của cải, tiền bạc, không nơi nhờ vả, nương tựa!

Bản thân tôi thì trong tình trạng bị dòm ngó, theo dõi bởi đám công-an; bởi các tên VC chức quyền các ôn, côn đồ tại địa phương, cứ vài ba bữa, nửa tháng chúng lại kéo tới kiếm cớ đòi ăn, đòi nhậu …!

May thay, vào một ngày đẹp trời, như từ trên trời rớt xuống. Chúng tôi nhận được giấy báo lên tỉnh nhận hộ-chiếu xuất ngoại. Thật bất ngờ và vui mừng qúa đỗi! Không bất ngờ sao được khì thấy những bạn tù quen biết chung quanh, người thì lo dịch vụ này; người chạy theo “đường giây” khác, tốn kém khá nhiều mà họ vẫn chưa ai đi được. Riêng tôi vì nghèo nên đành cam phận, đi được thì tốt, không đi thì đành chịu chứ tiền bạc đâu mà lo chạy chọt! Nhưng không biết vì sao, cho tới nay tôi vẫn chưa hiểu việc tôi được ra đi theo diện H.O6 trên 1 , mà không hề phải mất một đồng. Khi gia đình tôi về Sai-gòn phỏng vấn và khám sức khoẻ, có một vài người bạn cứ hỏi tôi “chạy” đường nào mà nhanh như vậy? Tôi tình thật trả lời không hề chạy dịch-vụ hoặc bất cứ đường giây nào cho việc ra đi bất ngờ này, thì bạn bè tôi không một ai tin cả!

Mọi thủ tục cần thiết để xuất ngoại của gia đình tôi hoàn-tất một cách tốt đẹp. Cho đến khi được ngồi trên chiếc máy bay Boeing 747 của hãng hàng không Thái Lan, cất cánh từ phi trường Tân-Sơn-Nhứt, chở gia đình tôi rời Việt Nam vào một buổi sáng nắng đẹp, bầu trời xanh lơ, với những áng mây mờ cao vút vào những ngày của tháng tư năm 1991.

Ôi! cũng lại cái Tháng Tư đã làm thay đổi hẳn cuộc đời tôi: từ voi xuống chó; từ có thành không; từ ông xuống thằng … tù cải tạo! Và kể từ ngày ấy ( 30-4-1975 ), cứ mỗi lần Tháng Tư đến là những âm thanh, hình ảnh của ngày mất nước lại hiện về, làm cho tâm tư người lính cảm thấy bồi hồi, uất hận, khổ đau!

Là một Quân-nhân trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, với 14 năm phục vụ Tổ Quốc, và bị Việt-công bắt bóc gần hết 14 cuốn lịch trong các trại tù cải tạo từ Nam ra Bắc, và từ Bắc vào Nam. Cũng may nhờ tình thế biến chuyển. Nhờ sự quan tâm, tranh đấu của những người Việt tỵ-nạn đi trước; Nhờ sự vận động của Hoa-Kỳ và sức ép của dư luận thế giới tự do, nên chúng tôi đã không bị Việt Cộng tiêu diệt theo đường lối và chủ trương của chúng, bằng sự hành hạ lao động khổ sai, bỏ đói, bỏ khát nơi rừng thiêng nước độc cho tới khi chết hết. Mà buộc bọn chúng phải buông tha và “tống xuất” chúng tôi ra nước ngoài, và đã được Hoa Kỳ và các nước tự do dang tay đón nhận, cho chúng tôi có chỗ dung thân!

Hôm ấy ngồi trên chuyến bay dài quốc tế, máy bay đang bay trên cao độ, nhìn qua khung cửa sổ thấy bầu trời cao xa, biển cả xanh biếc mênh mông, trong lòng tôi đã thoát ra được tiếng thở-phào nhẹ nhõm, với niềm cảm xúc vui, buồn lẫn lộn.

Vui, vì kể từ đây tôi đã thật sự thoát cảnh “chim lồng - cá chậu” với 14 năm trong 14 nhà tù cải tạo, và sau gần 2 năm được trở về với gia đình, dưới sự giám sát, kìm kẹp của cái gọi là “chính quyền địa phương” ở một nơi miền quê hẻo lánh. Ở đây cái cô quạnh, cảnh nghèo túng, sự hiểm nguy xẩy đến bất cứ lúc nào cho bản thân chẳng làm tôi buồn phiền, sợ hãi; mà cái sợ hãi đến với tôi hàng đêm khi nghĩ đến những đứa con đang độ trưởng thành mà không được học hành đến nơi đến chốn, ngày ngày phải lăn xả vào cuộc sống trong cái xã hội, “Xã Hội Chủ Nghĩa” lai căng, xô bồ, băng hoại, không hiểu rồi đây tương lai của chúng sẽ ra sao!

Buồn, là vì lần ra đi này chưa biết đến bao giờ trở lại. Đây là lần thứ hai trong đời tôi đánh mất quê hương. Lần thứ nhất, sau Hiệp Định Genève 1954 chia đôi đất nước. gia đình tôi đã từ bỏ nhà cửa, của cải, ruộng vườn, mồ mả cha ông để tìm cách vượt thoát xuống tàu di cư vào Nam. Lúc đó tôi mới 14 tuổi, chưa đủ trí khôn suy nghĩ và thấm thía hết được nỗi khổ đau khi phải rời bỏ nơi chôn nhău, cắt rốn của mình. Hơn nữa dù phải bỏ miền Bắc vào Nam, thì miền Nam cũng vẫn là mảnh đất của giang sơn, tổ quốc. Còn lần ra đi này tôi thật sự đã mất quê hương, nơi mà tôi đã lớn lên, học hành và khi trưởng thành theo con đường binh nghiệp, xả thân bảo vệ từng mái nhà của dân chúng, từng tấc đất quê hương mà tiền nhân đã dầy công gìn giữ và để lại. Để rồi bỗng dưng bị phản bội, trói tay, buộc phải buông súng đầu hàng kẻ địch. Thử hỏi còn nỗi uất hận, đau đớn, nhục nhã nào to lớn hơn đối với người chiến sĩ !

Trên chặng đường bay từ Sàigon đến Bangkok ngày hôm đó có gia đình tôi, và gia đình một chiến hữu ở binh chủng Không-Quân, đồng lứa đồng tù cải tạo, đi cùng danh sách H.O6. Chuyến bay để chúng tôi ở lại Bangkok 5 ngày rồi tiếp tục hành trình đi Mỹ, trên đường bay phải ghé lại phi trường Tokyo ( Nhật ) 4 tiếng đồng hồ. Ở những chặng dừng chân như thế, tôi và người bạn đồng hành đã có dịp ôn lại dĩ vãng vui buồn của đời lính, nhớ lại những đói khát, cực hình trong các trại tù cải tạo, và chúng tôi cũng phỏng định cho tương lai của chúng tôi tại nơi đất khách quê người. Rất tiếc gia đình người bạn ấy lại tới định cư không cùng một Tiểu-Bang với gia đình tôi.

Sau mười mấy giờ trên máy bay, chúng tôi tới phi trường quốc tế Honolulu, thủ phủ của tiểu bang Hawaii vào một buổi sáng sớm, bầu trời thoáng mát, lành lạnh. Trong thâm tâm tôi nghĩ rằng thế nào cũng có những chiến hữu đồng-đội, đồng-tù ở trong các hội đoàn tới đón như vài người bạn đi trước, ở các tiểu bang bên đất liền viết thư về kể lại. Nhưng nhìn ngang, ngó dọc chẳng thấy một ai, ngoài trừ một người của hội thiện-nguyện USCC ra đón, giúp làm thủ tục rồi dẫn ra cổng phi trường, và chúng tôi được một người em họ bảo-trợ ( sponsor ) đến đón, dẫn về gia đình ở tạm 3 ngày, trước khi mướn được căn nhà 2 phòng với giá một ngàn đồng một tháng.

Thật tình mà nói, khi đặt chân tới Hạ-Uy-Di, nơi mà người đời mệnh danh là “Thiên Đường Hạ Giới”, nhìn cảnh vật xa lạ, với những kiến trúc tân-kỳ, những tiện nghi tiên-tiến, người người vui tươi, rộn rã đã làm tôi cảm thấy choáng ngộp và có nhiều lo lắng. Bản thân tôi khi còn trong Quân-ngũ cũng đã từng được xuất ngoại để tham quan, hoặc học các khóa chuyên nghiệp quân sự, nhưng những lần đi ấy từ cương vị đến hoàn cảnh hoàn toàn khác biệt. Còn lần đi này, với tư cách là một người Tỵ Nạn Cộng-Sản, bên cạnh 1 người vợ và những đứa con còn dại tuy đã quá tuổi trưởng thành, không hiểu rồi đây, với vốn liếng Anh-ngữ ít ỏi, tiền bạc trắng tay, cuộc sống của mình và vợ con sẽ ra sao, mặc dù trước đó tôi đã được bạn bè đi trước gửi thư về cho biết rất nhiều tin tức. Điều mà tôi nhớ mãi và đúng mãi cho tới ngày hôm nay, là: “ở Mỹ làm giàu rất khó, nhưng chết đói lại càng khó hơn” đã một phần làm tôi bớt lo âu.

Thế rồi những khó khăn, trở ngại lúc ban đầu rồi cũng qua nhanh. Mọi người trong gia đình tôi đã sớm thích hợp với hoàn cảnh, học Anh ngữ, kiếm việc làm qua chương trình giúp đỡ của chính phủ Mỹ dành cho những người Tỵ-Nạn. Sau 5 tháng làm quen với cuộc sống mới, chúng tôi đã có công ăn việc làm thích hợp. Con cái thì vừa đi học tại College , vừa đi làm thêm cũng đủ tự-túc được vấn đề ăn - ở, và chi tiêu trong gia đình, không còn phải nương nhờ trợ cấp của chính phủ nữa.

Sau khi ổn định mọi bề, trong lòng tôi lại dấy lên tình yêu nước, và lửa hận thù lũ qủi đỏ (VC) tàn ác đang ẩn náu trong tâm-can lại bùng lên mạnh mẽ, khiến tôi chẳng cho phép mình nhắm mắt chịu-trận trước nỗi đau đớn, nhục nhằn của kẻ đánh mất quê hương. Hơn nữa khi còn ở trong các nhà tù cải tạo của địch, tôi đã cùng biết bao bạn bè hứa hẹn, thề nguyền, nếu có dịp “thoát cũi, xổ lồng” thì nhất quyết phải làm cái gì để góp phần vào đại cuộc quang phục quê hương, giải trừ chế độ Cộng Sản trong nước, đem lại dân chủ, tự do, ấm no cho toàn dân tộc. Nay đã là lúc có cơ hội thực hiện lời hứa hẹn và thề nguyền đó, nên ngoài việc kiếm sống cho gia đình, chăm lo phụ giúp con cái, tôi đã dấn thân vào hoạt động trong mọi lãnh vực đấu tranh tại địa phương, tiếp tay với một số chiến hữu thành lập hội Cựu Tù Nhân Chính Trị ( CTNCT ) vì biết rằng lúc ấy đúng vào thời điểm ( 1992) mà nhịp độ định cư các anh em CTNCT qua dồn dập, đông đảo, cần phải có ngay một tổ chức “tù” để có thể “người tù đi trước, rước người tù tới sau”, và giúp đỡ, an ủi nhau trong cảnh “lá rách đùm lá nát”. Vì thế chúng tôi đã quyết định tổ chức ngay một phiên họp để thành lập hội cựu tù. Phiên họp ấy chỉ vỏn vẹn có 18 người nhưng đã hình thành được một Ban-Chấp-Hành “khung” để anh em có thể lo thủ tục pháp lý, soạn thảo các văn bản lập qui cần thiết, củng cố và phát triển hội. May mắn là hầu hết những anh em cựu tù khi tới được bến bờ tự do đều không quên lời thề-ước khi còn trong các trại cải tạo. Ngọn lửa yêu nước vẫn nồng nàn trong lòng họ, nên sau khi ổn định gia đình, ngoại trừ một số anh em vì lý do nào đó đã “chùm mền” xa lánh các chiến hữu đồng đội, đồng tù; còn lại đa số đã tham gia vào các sinh hoạt đấu tranh một cách tích cực, không quản ngại công sức, để cùng nhau thực hiện tâm nguyện của mình. Hội CTNCT Hawaii từ con số thành viên ban đầu là 18 người, chỉ vài tháng sau đã có tới sáu, bẩy chục người và đã có thể tham gia hoạt động, phối hợp với các hội-đoàn bạn trên mọi phương diện; đem lại sinh khí mới cho các công tác đấu tranh chống Cộng tại địa phương cho tới ngày nay.

Phải nói, trong quá trình hoạt động, người CTNCT đã phải vượt qua quá nhiều “sóng gió” gây ra bởi cả “bạn” lẫn thù, và nhận chịu biết bao nhiêu lời bình phẩm khen, chê. Người khen thì cho công việc chúng tôi làm là nghĩa cử; là dấn thân; là hy sinh cao cả. Người chê thì cho là ngu dại; là hám danh; là “ăn cơm nhà vác ngà voi” ; là diều hâu, quá khích; là chống Cộng cuối mùa v.v...!

Ai cũng biết, con đường đấu tranh ở hải ngoại không có một tấc đất là của mình, không tiền bạc, không nguồn tài trợ ... , tất cả chỉ nhờ vào sự đóng góp thời giờ, tiền bạc, công sức của người tự nguyện thì làm sao thỏa mãn cho nhu cầu công tác đòi hỏi! Cho nên nhiều khi chúng tôi cảm thấy buồn rầu, thối-gan - nẫu-ruột vì không đủ tài, đủ sức. Ngay cả khi cần lo cho anh em cựu tù với nhau cũng không có điều kiện chu toàn; nhưng ngược lại nhiều khi cũng vui, và cảm thấy trong lòng thanh-thản vì đã làm được việc đúng với mong ước của mình. Không hổ-thẹn với lương tâm, không phản bội lời hứa hẹn, thề nguyền khi đang còn trong các trại tù cải tạo.

Thật ra khi đã dấn-thân vào con đường tranh đấu thì phải chấp nhận gồng mình, gan góc bước trên con đường “đắng cay” mà mình tự nguyện. Con đường đó dù gặp nhiều khó khăn, trở ngại, nhưng những người đã từng là chiến sĩ quốc gia, đã biết hy sinh tuổi trẻ, kể cả mạng sống, vượt qua gian khổ, tù tội để phục vụ tổ quốc và dân tộc còn dang dở, thì giờ này vẫn phải quyết tâm, không thể bỏ cuộc vì lý tưởng của mình. Còn những ai đi trên bước đường tranh đấu chỉ vì cần thiết trong giai đoạn, vì tư lợi, thiếu lý tưởng, kém quyết tâm thì những người ấy một sớm một chiều, trước sau gì cũng … lặn. Tệ hại và buồn hơn, còn có một thiểu số người đã quên đi lời hứa hẹn, quên cảnh vắt giờ lên cổ trốn chạy kẻ thù tìm cách vượt biển, vượt biên; quên những ngày tù tội mà VC coi không bằng con vật, đã ngoảnh mặt làm ngơ, buông suôi, phản bội, đâm sau lưng chiến sĩ, đầu hàng VC !

Lại một Tháng Tư đen nữa trở về! Ngồi kiểm lại chặng đường dài ( 20 năm ) biệt xứ, chưa thể về VN khi còn bóng dáng kẻ thù mà lòng thấy nao nao! Bạn bè thì còn nhiều, nhưng cũng lắm người đã mất. Con đường đấu tranh phục-quốc chắc còn lắm gian nan! Chỉ có một điều an ủi và hài lòng, khi nhìn thấy đa số các chiến hữu CTNCT của mình, từ những anh rửa chén, bỏ báo, làm gác-gian, bán bảo-hiểm v.v … khi mới tới Mỹ, mà bây giờ có những anh học lại lấy bằng đại học (BA, BS), bằng cao học (MA), trở thành những kỹ sư, những chuyên viên kỹ thuật cao cấp, những ông chủ của các nhà hàng, cửa tiệm, hãng xưởng. Còn những anh em lớn tuổi, nặng gánh gia đình phải làm hai, ba jobs mỗi ngày để cho con cái đi học, thì nay rất nhiều con cháu của họ đang làm luật sư, bác sĩ, kỹ sư, làm những nhân viên cao cấp trong guồng máy chính phủ, và đủ mọi ngành nghề trong xã hội Mỹ , đem lại niềm hãnh diện cho gia đình, cho cộng đồng người Việt tỵ- nạn.

Điều rất trân qúi hơn nữa là, đa số anh em tuổi đã gìà, sức đã yếu, nhưng vẫn sát cánh cùng nhau, không quên “Tổ-Quốc – Danh Dự - Trách Nhiệm”, và kiên trì tranh đấu cho lý tưởng, vun bồi thế hệ trẻ thừa kế tiếp bước cha ông, phục vụ vì chính nghĩa tự do, vì cơm no, áo ấm của toàn dân Việt-Nam./.

Ngô Xuân Tâm