Log in

View Full Version : Nếu không có ngày 30/4



Longhai
04-19-2012, 07:55 AM
Nếu không có ngày 30/4


Lê thị Hạ Anh

Hằng năm, cứ đến ngày hai - mươi tám tháng tư là chúng tôi ( Tôi và các bạn cũ thời cùng học Trung học Đệ nhất cấp ) tổ chức tưởng nhớ đến nhỏ bạn bị VC pháo kích chết vào năm 1975. Khi thì tại nhà tôi, khi thì nhà của đứa bạn khác, không năm nào chúng tôi quên cả, đã qui ước với nhau bất cứ giá nào cũng phải gặp nhau để "cúng giỗ " KH, đứa bạn hiền hậu, dễ thương, và xinh đẹp. Tội nó lắm, nhà nó bị pháo kích, chỉ còn mỗi chị Ba là sống sót, tôi nhớ hoài hình ảnh chị Ba của KH như điên như dại, xĩu lên, xĩu xuống, khóc rồi cười, mỗi khi nhớ đến cảnh tượng hãi hùng đó tôi không sao ngăn dòng lệ. Tại sao ? Tôi muốn gào thét lên thật lớn, tôi ước mình là người mất trí để không còn nhớ gì cả, như người ta thường nói :

" Người điên không biết nhớ, người say không biết buồn !"

Tháng Tư đen lại đến, tôi buồn lắm ! Tôi không ngồi bên các bạn tôi mà tưởng nhớ đến KH, vì tôi đang lưu lạc xứ người, một bình hoa với ít trái cây tôi ngồi đó thì thào một mình, nhớ bạn quá tôi khóc đến lịm người, tại sao chỉ có mình tôi thế này ? Buồn chịu không nổi !

- KH ơi, từ cõi xa xăm nào mầy có nhớ đến tao như tao đang nhớ mầy không ? Tôi lẩm bẩm .

Ai đã cướp mất bạn tôi trong khi bạn còn quá trẻ, ước vọng tương lai bạn đành bỏ dở , tôi biết ở quê nhà tụi bạn vẫn " Giỗ " nó nhưng năm nay chả biết nhà của đứa nào. Nhớ mãi ngày trường tổ chức mừng xuân năm 1968 ( Mậu - Thân ),KH hát bài " Kẻ ở miền xa", cô hát không hay nhưng rất dạn dĩ, và thích hát lắm, cô còn giã giọng Duy Khánh khiến chúng tôi cười quá chừng. Tôi nhớ bài hát mà KH đã hát :

" Tôi ở miền xa, trời quen đất lạ, nhiều Đông lắm Hạ, nối tiếp đi qua, thiếu bóng đàn bà ..."

Bỗng KH ngưng hát và thè lưỡi ra rồi KH hát tiếp "...Hát bởi câu ca vì tình hay thiết tha...", chúng tôi không biết tại sao KH lại thè lưỡi, chúng tôi biết cô nàng không thuộc bài hát, cứ hát đoạn này leo qua đoạn khác, có khi hát một đoạn hai lần, chúng tôi cố nín cười nhưng vẫn vỗ tay tán thưởng. Tôi hỏi :

- Mầy không thuộc bài, hát đại quê quá rồi thè lưỡi hù tụi tao hả ?

- Đâu phải mậy, ai mà biết tao không thuộc bài. Tại tao hát tới chỗ " thiếu bóng đàn bà " tao thấy mắc cười lẫn mắc cở nên phản xạ tự nhiên chớ có nhát ma ai đâu .

- Sao kỳ vậy ?

- Bộ tao " Pê đê " hả tụi bây .

Chúng tôi lại cười. Tết năm Mậu Thân KH bị thương vì bị pháo kích, nhưng không nặng lắm, cô ở trong trại gia binh, chỉ nghỉ học có vài tuần thôi, tội nghiệp KH quá ! Rồi mùa xuân 1975 chúng tôi vĩnh viễn mất KH, người bạn vui tính, có cuộc sống giản dị, tốt với mọi người, bạn bè ai cũng mến, bạn đã ra đi với thân xác không còn nguyên vẹn.

Mùa Xuân năm nay lại đến khắp nơi trên xứ người, buổi giao mùa trời se lạnh tôi đi lang thang ngoài đường để tìm chút dễ chịu, và cũng để cho đầu óc mình bớt sự căng thẳng, buồn bực, tức tối. Tự nhiên tôi nhớ lại ba mươi bốn năm về trước, tôi chớp nhẹ mắt, dĩ - vãng như sừng sững trước mặt. Đời sống thật ngắn ngủi, tôi chợt nhớ hai câu thơ mà lòng thấy nghẹn ngào, đôi lúc hơi hoang mang với cuộc sống tôi nhớ đến bạn KH của tôi vô cùng :

Tối nay giày dép cởi ra hết ,
Chẳng biết ngày mai xỏ lại không !

Đức Phật bảo đời sống là vô thường, biết vậy nhưng một sự mất mát quá lớn ai lại không buồn cho được,sẽ không bao giờ gặp lại người mình thương mến, có những chuyện chưa kịp nói thì sẽ không bao giờ nói, có nói chỉ theo làn gió cuốn đi .

Những ngày cuối tháng Tư năm 1975 thật là kinh hãi, đầu này pháo kích ì đùng, đầu kia có tiếng la ơi ới của thân nhân người bị thương. Nhà tôi ở phía trên của phi trường Cần Đốt cách Thị xã cũng khá xa, nên ba mẹ tôi có mua căn nhà nho nhỏ gần Thị xã cho chị em tôi ở đi học cho tiện, cuối tuần thì về hoặc mẹ mang lương thực đến. Những ngày đó thật kinh hoàng tôi nghe nhiều tiếng súng đạn ở phía nhà ba mẹ, chị em tôi lo lắm không biết làm sao đi về thăm, sợ ba mẹ có chuyện gì. Trong nhà, ngoài chị em tôi còn có cô em họ con của cậu cũng ở đó để đi học, cậu Út của tôi là lính ở Đại - Đội Hành Chánh cũng về ăn trưa mỗi ngày, có khi về chơi một vài tiếng đồng hồ với tụi tôi rồi cậu trở vô đơn vị. Cậu dặn :

- Các con tuyệt đối không được ra ngoài, cậu về bữa nay thôi vì cấm trại, đứa nào cải đi ra ngoài cậu đánh đòn đó.

- Dạ ! Nhưng tụi con sợ quá, con muốn về với ba mẹ .

Cậu Út la lên : - Đừng có cải !

Đứa nào cũng im lặng nhìn cậu đi mà ứa nước mắt. Ngoài ra chúng tôi còn phải săn sóc một " sản phụ " và " bé by" mới sanh có một tuần, nó là đứa cháu con của người chị cả của tôi, nó mới sinh đứa con đầu lòng. Nơi Tấn ( Tên đứa cháu ) ở giặc đang pháo kích dữ dội nên chị tôi mới gửi mẹ con Tấn cho chúng tôi,chị về thu xếp xong sẽ xuống chăm sóc, không ngờ chị không thể nào xuống được vì đường bị bế tắc. Tôi lo lắm, trong nhà chưa có đứa nào được hai mươi tuổi cái tuổi " ăn chưa no, lo chưa tới " làm sao biết cách chăm sóc một người đàn bà với một bé sơ sinh, lúc đó không làm sao liên lạc được chị cả của tôi, thỉnh thoảng nghe tiếng súng văng vẳng chúng tôi càng lo. Một hôm, tôi thấy nơi rốn cháu bé ( Chỉ 10 ngày tuổi ) bị sưng vù đỏ tấy lên to lắm và bé cứ khóc thét lên, chúng tôi không biết phải làm sao và cũng khóc theo, tôi nghĩ đến việc đưa bé đi Bác sĩ để khám cho bé, dù cậu Út bảo không được ra ngoài. Louis ( Tên con của cậu tôi ) và tôi đưa bé đi Bác sĩ, tôi ôm cháu bé, Louis lái chiếc "Honda đame " đến Bác sĩ Tâm ỡ gần đầu cầu Đúc, Bác sĩ thoa thuốc và chỉ cách chăm sóc cháu bé cũng như đưa thuốc cho bé uống, Bác sĩ Tâm không lấy tiền và bảo chúng tôi chạy về nhanh vì lúc đó tiếng pháo kích mỗi lúc một nhiều và một gần, hôm ấy là ngày 30 tháng Tư năm 1975 khoảng 10 giờ rưởi. Chúng tôi chạy về khoảng năm phút sau tôi nghe một tiếng nổ thật lớn, rung rinh cả mặt đường bé khóc thét lên, hai đứa tôi cũng khóc, sau này tôi biết được tiếng nổ đó là tiếng pháo kích ngay tại phòng mạch của Bác sĩ Tâm , nơi mà chúng tôi vừa bước ra. Ôi, tôi không biết nói sao,chúng tôi may mắn thoát chết hôm đó, nhưng Bác sĩ Tâm thì sao ? Không ai biết, sau này tôi có hỏi thăm chả ai trả lời và tôi không còn gặp Bác sĩ Tâm nữa .

Tôi vẫn đi lê bước ngoài đường lòng miên man nghĩ ngợi, mới đó mà đã ba mươi bốn năm rồi, và mình cũng lưu lạc xứ người hơn mười năm, nhớ về quê hương xứ sở, nhớ về nơi chôn nhao cắt rốn, nơi có mồ mã Ông Bà, Tổ Tiên, có còn không. Biết đến bao giờ mới trở về thăm ? Gió Xuân mát, hoa xuân rực rỡ, trời xuân trong xanh, lưng trời đàn chim tung cánh, tôi tự hỏi chúng bay về đâu, có hiểu nổi buồn, nổi nhớ quê nhà da diết của tôi, tôi chợt nhớ hai câu thơ của Nguyễn Du :

Ngày xuân con én đưa thoi ,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi .

Có phải đó là đàn én báo hiệu xuân về, nhớ và nhớ ngày này năm xưa, tôi phải làm gì ? " Một con én không làm nên mùa xuân ! ", tôi khẽ thở dài. Tôi quay về nhà ngồi bên bình hoa mà tưởng đến người bạn đã mất đúng ba mươi bốn năm.

Nếu không có ngày ba mươi táng tư, bạn KH không chết, anh tôi không bị tù, nhà cửa ruộng vườn không bị giải tỏa mồ mã Ông Bà không bị đào xới, và tôi không tha phương lạc lỏng ở xứ lạ quê người, nhớ thương đành gặp nhau trong những giấc mơ. Gía không có Ngày Ba Mươi Tháng Tư !



Ngày 28 tháng 04 năm 2009.
Lê thị Hạ Anh