PDA

View Full Version : Giữa Anh & Em là Cánh Hồng Nhung Đầy Gai



Tinh Hoai Huong
03-18-2012, 01:08 AM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd1/HQPD_1332032660.jpg
Giữa Anh & Em là Cánh Hồng Nhung Đầy Gai






Mặt trời đan trong mây, bơi trong mây và trờI hồng hòa tan trong sương, ngâm mình trong sương, rồi “chàng bình minh” hé nụ cười chúm chím quyền-quyện trong mây với sương. Đà Lạt yên ắng đến độ tiếng cá quẫy đuôi trên hồ Than Thở nghe rõ mồn một. Người bạn đường cuả Nam lại hồn nhiên vui ca như chim hót, trong sáng như giọt sương rung rinh, long lanh mọng thắm trên cành lá vui tươi gieo mùa.
Ngày lại ngày qua nhanh! qua nhanh! Nam và Mười quấn quít bên nhau như hình với bóng, như mười ngón tay khắng khít đan kín cuộc tình thơ dại. Họ dìu nhau đi giữa xứ lạnh mộng mơ, đi dưới phố thấp lên đường vòng núi cao. Từ thị thành hoa đèn mộng mơ, đến tận vùng gió núi mây ngàn. Từ đỉnh thác cao ngất chân mây cuối ghềnh, bên dòng suối bạc lẩn khuất nhờ mặt trời rụng xuống đáy suối, mà khí hậu thêm an hoà ấm áp. Không nơi nào là không có dấu chân tình yêu cuả đôi trẻ dẫm lên từng bước, từng bước kỷ niệm ngọt ngào. Họ yêu nhau đằm thắm như hương hoa cây đồng cỏ nội mộc mạc, như núi rừng sạch mát mỗi buổi nắng lên nơi rừng thông già trùng điệp. Tình yêu của họ êm ái nhẹ nhàng như áng mây nghiêng nghiêng bay. Họ đến bên nhau mang theo làn gió mới, không kém phần trang trọng làm nồng thắm, xúc động, xôn xao cõi lòng nhau sau mỗi buổi vào lớp hoặc tan trường, hai bạn đã thì thầm ca:
Em tan trường về Đường mưa nho nhỏ. Em tan trường về. Đường mưa nho nhỏ. Ôm nghiêng tập vở. Tóc dài tà áo vờn bay. Em đi dịu dàng. Bờ vai em nhỏ. Chim non lề đường. Nằm im giấu mỏ. Anh theo Ngọ về. Gót giày lặng lẽ đường quê. Em tan trường về. Anh theo Ngọ về. Chân anh nặng nề. Lòng anh nức nở. Mai vào lớp học. Anh còn ngẩn ngơ ngẩn ngơ. Em tan trường về. Mưa bay mờ mờ. Anh trao vội vàng. Chùm hoa mới nở. Ép vào cuốn vở. Muôn thuở còn thương còn thương… (*)
Lữ quán Thanh niên rất rộng lớn, an toạ trên ngọn đồi cao. Lữ quán có đầy đủ tiện nghi dành cho đoàn thể, công, cán, chính, sinh viên học sinh và giới cần lao. Câu Lạc Bộ lữ quán có bán cơm bình dân, giá rẽ. Hội trường rộng mênh mông, đầy đủ phòng ốc cho mọi giới thuê mướn, hội họp, ở trọ.
Dưới chân đồi Lữ Quán là đường Hàm Nghi, nhìn xuống thấp là phố Phan Đình Phùng khá dài chạy từ ngã ba Duy Tân đến cuối Ấp số Bốn. Từ Lữ Quán Thanh Niên nhìn về góc phải là khu Số Bốn là có “thành phố buồn” an nghỉ của bao người “chán sống”, họ quyết vĩnh viễn ra đi, không thèm ngoảnh lại thế trần ô trọc... Đối diện với đỉnh đồi Lữ Quán là khu Domain de Marie. Bên trái là ngả ba chùa Linh Sơn an tọa trên một ngọn đồi rợp bóng cây, gần sát trường Trung-học Bồ Đề. Đi lên khỏi ngọn đồi cao thấy trường nữ Trung-học Bùi Thị Xuân. Đứng sau lưng trường nầy nhìn qua viện Đại Học Đà Lạt uy nghi, xa thật xa là trường Lycé Yersin.
Một buổi canh khuya gần rạng sáng chủ nhật kia, các trường trong Thị xã Đà Lạt của Tỉnh, Quận, Hạt đã tập trung lên Lữ Quán Thanh Niên. Bởi do qúy ông bà Hiệu-trưởng cẩn thận chấp hành thông tư của Phó Tỉnh-trưởng Nội An, bắt học sinh đến chầu chực từ năm giờ sáng. Thầy cô tưởng mấy ông bà bự sẽ đến dự lễ lúc sáu giờ sáng ấy chắc!? Dạ thưa!… giờ nầy qúy vị đó còn "úm" trong nệm ấm chăn êm, sức mấy ngu dại đi làm cái chuyện khờ me! Học sinh không dám cải lệnh thầy cô, thì ráng nai lưng ra chịu rét! Chiều hôm qua dưới sân cờ, thầy cô tuyên bố học sinh sẽ bị trừ mười điểm trong học bạ, nếu em nào đi trễ, hoặc vắng mặt, dù bất cứ lý do gì. Các em học sinh sợ một phép, không chấp hành sao được.
Trời trở lạnh kinh khủng, cho nên mọi người ai nấy đều co ro, cúm rúm xuýt xoa run rẩy. Họ đứng chịu trận dưới bầu trời tối mờ, ướt đẫm sương khuya. Đom đóm nhấp nháy bay chập chờn thành một chuỗi sao xinh xinh. Họ thở ra từng làn khói, mặt mày ai nấy đều xám xịt, xanh lét như màu lá vẽ trên khung lụa ướt. Nước sương mọng dính từng chùm tóc rối trên trán, ở mấy đầu ngón tay ngón chân ai ai cũng bị teo tóp. Học sinh đứng như thế khoảng ba giờ liền, có hàng ngũ chỉnh tề, dần dần không ai bảo ai, mọi người ngồi bẹp xuống bãi cỏ trước sân lữ quán, mặc sương giá thấm ướt đủng quần, người duỗi thẳng chân, người co tay giật cẳng, vặn mình kêu răn rắc, người gục đầu lên gối, ôm bộ giò mỏi mệt cứng đơ ngủ gà ngủ gật.
Mãi đến hơn chín giờ sáng, tức là dân chúng thức dậy lúc bốn giờ sáng, đến nơi nầy chầu chực suốt gần năm giờ liền, thì loa phóng thanh ngừng phát nhạc hòa tấu, xướng ngôn viên vặn lớn haut parleur, thông báo mọi người chỉnh tề chờ đón quan khách.
Có thiệp mời đến lữ quán, nên Nam đi với phái đoàn, chàng ngồi trên khán đài nói chuyện với Tuấn. Đám học sinh đau khổ ngồi bệt dưới đất, coi thật bệ rạc, dĩ nhiên họ tức lộn ruột lộn gan, vì nụ cười của một thanh niên trẻ trung nhất trong phái đoàn. Sau ngôi sao sáng chói của đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân thì, “chàng” là thí điểm, là bình phông, là cái rốn vũ trụ, để các cô cậu học sinh choai choai dé dé xiú xíu nho nhỏ nhìn vào… Một số ít bạn trai gái của Mười có biết “nàng” là người yêu của “chàng”, nên họ cố ý châm chọc, phê bình Nam, khiến bọn con trai càng cay cú rủa sã Nam trắng trợn. Họ muốn cho Mười mất mặt mà. Nhóm học sinh chỉ chỏ Nam, cay cú và không ngại nói huỵch toẹt ra giữa đám đông nhiều từ chẳng hay ho chút nào, mà họ không hề ngượng miệng:
- Thằng nào mặt còn hôi sữa, ngồi chễm chệ đó, bắt tụi mình chào đón hắn vậy?
- Nó chả ra cái thớ gì, mà bố láo.
- Phì phèo hút thuốc, coi cà chớn, dễ giận thấy mẹ à.
- Tao muốn lên dộng một cái, cho nó lọt xuống đài ghê.
- Lát nữa, thì mày nhừ đòn với chúng tao, nghe con!
Nàng rất bực bội khó chịu, nhưng nhớ lời ba dặn nàng:
- Thấy người hung ác, con im lặng chỉ ngả mũ cúi chào, "kính nhi viễn chi" mỉm cười, mà lẹ bước đi xa. Nghe.
Thế nên Mười im re. Không biết họ ganh tức chàng cái nỗi gì? Buổi lễ kết thúc lúc một giờ. Nàng cảm thấy khó chịu, buồn bực trong lòng, tức tức muốn điên, Mười lầm lũi ra về.
Xế chiều chàng đến nhà anh chị của Mười để dạy thêm cho Mai, Mười môn Toán, Lý, Hoá. Học xong, cất sách tập vào cặp, Nam đã kể lại chuyện bọn học sinh ban sáng là: Trương Anh, Điều, Thiên, Tuấn Anh, Khôi, Lang, Bích, đã chận đường gây sự, đòi khiêu chiến với Nam. Chàng thật sự ngạc nhiên, vì Nam không hề quen biết bọn họ, mà bọn ấy nói: "nghinh há". Vã lại, Nam nghinh làm gì với hạng người bặm trợn, du côn du kề, cô hồn hết biết hỉ.
Nam có nghe Mười kể sơ sơ về bọn họ ở trong lớp, chúng ưa quậy tưng trời đất. Nam có biết về trình độ thấu hiểu học thức của họ chỉ vừa đến đấy, đến đấy thôi. Nhưng về việc yêu đương, côn đồ, ma lanh, gian trá, thì họ tiến nhanh rất xa. Mặt trơ trán bóng, tính tình lông bông, buông thả tình cảm trong những hộp đêm rẻ tiền, họ dang díu lăng nhăng với gái ăn sương, rồi hèn hạ trắng trợn đi rêu rao trong lớp, cười ha hả; giống tên ma cô ở đầu đường xó chợ, lại hoan hỉ tự hào ta là kẻ bay bướm dày dạn, sành sỏi nhất.
Dẫu sao… là con trai lêu lổng chuyên đi cua gái, thì cừ khôi, chứ sao người đời ưa gọi chúng là “mặt chai mày đá” hì? Họ thành công vì đã làm cho các cô sợ hãi và tức cành hông, với kiểu phun khói thuốc lá phù phù vào mặt người đối diện. Họ bắt chước nhau, bĩu môi cà nghinh cà bật, đi kênh kênh so vai nhún lên nhún xuống, thân nhô lên hụp xuống ra oai cho khác đời. Họ tự xưng là “cha, bác”, và thích nghe “đàn em” kêu mình là “đại ca”. Nam nghĩ đó là đứa trẻ miệng còn hôi sữa tự kiêu, khinh bạc.
Mỉa mai thay cái thứ ngu như bò tót, mà cứ nghĩ mình là đại ca, là cha là bác thiên hạ. Ở đâu trồi ngoi ra từ trong lớp nầy lại tập họp cái bọn du thủ du thực, mặt mày chẳng sáng sủa, chả đôn hậu, chẳng đẹp hơn ai, có thể nói là dị hợm xấu xí. Bọn “ngưu đầu mã diện, đá cá lăn dưa” như vậy, như vậy đó, vậy đó… mà cứ tưởng bở ta đây là "yên hùng mã tấu", ưa nổi đám nổi đình, càng làm ô danh học sinh đoan chính. Nam dại gì mà dây dưa vào chứ.
*
Ở gần nhà chị Ba, Tuấn Anh là bạn học cùng lớp với Mười, hắn tới nhà chị Ba và mách lẽo với chị, hắn không tiếc lời chỉ trích, nhạo cười Nam là tên hèn nhát, mà bày đặt kênh đời! Chuyện nhỏ không ra gì ấy đã đến tai các chị. Thế là hai bà chị lên án chàng dữ dội, nào là:
- Nam ở trong băng quậy, chuyên môn đi đánh lộn, giành gái giếc, đàng điếm…
Hai bà chị của Mười không chịu tìm hiểu nguyên nhân dữ kiện, chỉ nhìn sự kiện xảy ra trước mắt, rồi vội vàng kết luận. Thật buồn thay! Mấy hôm nay Mười buồn bã vô cùng, chán trường, chán lớp, nhất là chán đám bạn bè cư xử thiếu tế nhị, ganh ghét ra mặt. Họ cố ý ngồi trước mặt Mười, dùng lời lẽ thô tục để bêu rếu Nam, cốt cho mình mất mặt giữa đám đông. Rõ ràng họ muốn gây hấn cả với nàng nữa (mà Mười lầm tưởng họ là mấy bạn thân quen, tử tế). Nhớ khi trước chưa xảy ra chuyện, MườI nhìn họ sao mà dễ chịu thế! Bây giờ, họ đã tự lột mặt nạ ra lúc nào, khiến Mười kinh hãi, sợ họ hết biết, không dám xớ rớ lại gần chạm mặt! Thầy Đệ văn võ song toàn còn khiếp sợ họ, muốn rút lui không dạy lớp nầy, huống gì ai.
Mười đã cúp cua hai giờ toán, Nam và Mười đi lang thang suốt đường Hoàng Diệu, Duy Tân, lên Phạm Phú Thứ, Huỳnh Thúc Kháng, Pasteur. Đi trên đường, Nam đọc chuyện Bonjour Tristesse của Francoise Sagan. Bà nầy theo chủ thuyết hiện sinh. Mười không thích chủ thuyết ấy tí nào. Vì: không vì nguồn cội, không vì tha nhân, không vì người yêu qúy, mà chỉ vì chính mình. Thì thật quá ích kỷ.
Ngồi trên hàng rào xi măng, bên khu biệt thự vắng. Mở tập học cuả Mười ra, Nam hỏi:
- Chiều nay, em cúp cua hả?
- Mười "dạ" lí nhí trong cổ họng. Anh ta lắc đầu, nói tiếp:
- Ôi trời! Cái gì đây. Em?
Mười giật mình, nhìn vào hướng chỉ tay, không dám cười, nàng cúi đầu nói nhỏ:
- Hai con… oóc toọt.
- Vì sao vậy?
- Lâu lắm rồi, em lỡ dại quậy phá trong lớp. Không thuộc bài nữa. Nên bị...
- Nếu em không hiểu bài nầy, thì sẽ không hiểu bài khác. Em hiểu không? À, hiểu rồi... làm ơn cho anh mượn cây thước kẻ.
Mười sợ Nam, chứ em không sợ cây thước kẻ đâu anh. Hai mái đầu xanh chụm lại dưới hàng cây giao nhánh bên đường, cùng chia sẻ học bài một hồi lâu. Khi thấy Mười thực hiểu bài, Nam cười khen:
- Em của anh thông minh, nhưng phải cái tội… em "lì và lười" kinh khủng.
Hờn mát, Mười ôm cặp bỏ đi. Nam đi theo sau Mười, gọi:
- Đứng lại! Một tiếng. Hai tiếng. Ba tiếng… Đứng lại! Không đứng lại thì anh... đi theo em luôn.
Nhưng chàng đi ngược lại phiá cổng sắt, Nam mở cửa vào ngôi biệt thự kế cạnh. Mười chưng hửng, đứng ở ngoài. Không hiểu Nam tán hay ho thế nào, mà người gác dan đã cắt cho chàng năm cành nhung hồng tuyệt đẹp. Nam đến bên Mười, đầu chàng nghiêng nghiêng, miệng cười chúm chím, Nam đặt hoa giữa làn môi hai người, họ ỏn ẻn cười tình, ríu ra ríu rít hôn lên đóa hoa hồng thơm ngát. Qua kẽ hở đều giữa những phiến lá răng cưa xanh xanh, Mười e e thẹn thẹn, nhìn nhìn, liếc liếc, hít hít, hôn hôn. Hơi thở Nam ấm nồng... ngất ngây len len từ bờ môi nầy, chuyền sang vành môi kia; quyện với hương hoa hồng thoang thoảng thơm thơm, khiến Mười càng ngây ngây, ngất ngất... bừng bừng nhột nhạt đến dại khờ. Chàng quàng tay qua vai nàng dìu nhau đi về lối nhà, và hai bạn chia tay ở đầu con dốc đứng cong cong uốn lên uốn xuống, khi phố núi giăng mắc sương mù dày đặc đã lên đèn.
*
Các bè mây xô xô đẫy đẫy, gặp gỡ nhau trên bầu trời vàng tím buổi hoàng hôn lảo đảo. Chiều lụi tàn dần dần trong ánh sáng mờ mờ, đục đục. Gió nhè nhẹ phe phẫy hàng bông giấy đong đong, đưa đưa. Chim chóc hót líu lo, ríu rít chuyền cành, chen nhau vào tổ ấm.
Cắm mấy cánh nhung hồng vào lọ sứ, nàng đem đặt trên phòng khách. Thay áo quần xong, Mười vừa ngồi vào bàn ăn, thì chị Khánh cho biết:
- Chị đã đến trường em học hồi chiều.
Nàng bủn rủn cả tay chân, thân thể chân tay hầu như lảo đảo muốn rụng rời. Chị Khánh giận dữ la mắng, tra hỏi Mười đủ thứ chuyện. Dù nàng có nói thế nào, chị Khánh vẫn không tin việc Mười cúp cua hôm nay, là do tự ý nàng thấy chán trường, chán bạn bè trong lớp. Chứ hoàn toàn không hề có chuyện do Nam xúi giục. Chị Khánh quả quyết chính là do Nam rủ rê xúi giục, nên Mười mới trốn học đi lêu lỗng, phá phách trong lớp. Chị có trăm lý do để buộc tội Nam dụ dỗ em của chị. Mười không có cách gì thuyết phục, hay gây dựng niềm tin trong lòng chị. Chị đùng đùng nổi giận, phẫn nộ thực sự, sự phẫn nộ bùng nổ như lửa cháy; làm tiêu tan căn nhà tình yêu lý tưởng đơn sơ trong sáng của Nam Mười chỉ trong nháy mắt.
Mười biết mình có lỗi trong việc nghỉ học, nên không dám dùng ngày giờ ngắn ngủi còn lại đi gặp chàng, hầu chia sẻ, và xóa đi nỗi đớn đau trong lòng. Mười thấy lòng vỡ tan từng mãnh vụn, không dám nghĩ tới ngày mai sẽ ra sao, khi chị Khánh buộc Mười bốn điều:
- Đi nói lời tuyệt giao với chàng.
- Nghỉ học.
- Chị trả Mười về Huế ở với cha mẹ.
- Chị đã đánh điện tín gọi má vào rước Mười về quê.
Chị nói:
- Nếu thằng Nam thực sự yêu thương mầy, thì trong vòng mấy ngày nay, khi ba má lên tới Đà Lạt, là thằng Nam liệu mà tới đây làm đám hỏi. Nghe. Còn bây giờ, tao cấm cửa.
Trời! Đi hỏi vợ, chứ có phải chỉ là một món hàng trao đổi, tầm thường, không cần chuẩn bị gì cả sao ta? Mười ứa nước mắt, khóc thầm trong lòng. Mình không có quyền hạn về mọi quyết định cho chính bản thân. Nàng không trách chị quá khắt khe, độc đoán, hay Mười nghi ngờ lòng chị mến thương em. Mười chỉ kinh ngạc là chuyện đâu đến nỗi nào to tát đến thế. Ví dù em bỏ học vài giờ, thì chưa đến nỗi nào bị thất học, khiến chị có thể nghiêm cấm và hành xử em đủ mọi điều. Chị chỉ la mắng em, răn đe em đây là lần đầu tiên, cũng có thể là lần cuối cùng em sẽ không dám tái phạm. Sau đó, nếu chị thấy em tính nào vẫn tật ấy, em không sữa đổi, thì chị quyết chí ra tay, vẫn chưa muộn kia mà!
Nhưng... Vấn đề chính không phải là ở chỗ đó, nhân chuyện Mười bỏ học hai giờ, thêm chuyện em còn trẻ mà yêu thương Nam, thì chị muốn trả Mười về cho ba má “coi chừng nó”, để chị khỏi có trách-nhiệm-vụ, lo cái bổn-phận-sự là nuôi em. Khỏi mang tiếng với gia đình chồng là nuôi "báo cô". Sự thật thì ba má vẫn gửi ngân phiếu vào cho Mười đóng tiền ăn học. Làm chị, thì chị Khánh phải biết lúc nào chị nên cứng rắn, lúc nào chị nên ôn hòa, ngọt ngào thân thiết; thì em cúi đầu kính phục và ngưỡng trọng chị. Cách xử sự của chị quá gay gắt, khắt khe, khiến lòng Mười càng đau đớn, tái tê hơn. Em sợ gia đình chị vì em mà ồn ào, nhưng em không phục chị!
Phần Nam, anh ta không thể tự biện hộ điều gì cả, khi chị Khánh không muốn tiếp Nam. Thấy chàng, chị im lặng, mặt chị lạnh như tiền, chị đùng đùng đóng cửa cái “rầm”, rồi hầm hầm quày quả bỏ đi.

(*) Thơ Phạm Thiên Thư
*


tìnhhoàihương