PDA

View Full Version : Lăng CHA CẢ.



chimtroi
07-01-2008, 09:55 PM
<center>http://i284.photobucket.com/albums/ll4/HQPD/Langchaca1.jpg</center>

Ðã là người Không Quân VNCH thì không ai mà không biết Lăng Cha Cả, ở xã Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình, tỉnh Gia Ðịnh. Tuy nhiên, cũng rất nhiều người Không Quân chỉ đi ngang qua Lăng Cha Cả để ra vào phi trường Tân Sơn Nhất, chưa chắc đã nhìn kỹ cái lăng đó hình dáng ra sao? Lại cũng không biết sự tích cái lăng ấy, và có lẽ cũng không biết lai lịch "Cha Cả" nầy là ai?

Cả chục ngàn chiến sĩ Không Quân đã mua bánh mì Lăng Cha Cả, đặc biệt là "dân" Sư Ðoàn 5 và Bộ Tư Lệnh Không Quân. Bánh mì ngon, nóng, rẻ, thường thêm một miếng ớt cay, ăn sáng trên máy bay là "hết xẩy". Nhưng cũng cả chục ngàn KQ ấy khi mua bánh mì thì quay lưng về phía Lăng Cha Cả, cho nên ngày nay có lẽ cũng chẳng nhớ cái lăng ấy ra sao. Ðể giúp các bạn ôn lại hình ảnh xưa, chúng tôi đã sưu tầm được tấm hình độc đáo nầy để các bạn cùng thưởng lãm. Thưởng lãm trong bùi ngùi, vì lăng nầy đã bị chính quyền VC phá bỏ năm 1983, viện lý do là để phát triễn đô thị.

<center>http://i284.photobucket.com/albums/ll4/HQPD/langchaca2.jpg</center>
Cha Cả tên thật là Pierre Pigneau de Behaine, sinh ngày 02 tháng 11 năm 1741, tại Origny-en-Thierache (Pháp Quốc). Sau khi học nhiều trường đạo các cấp, tu viện và chủng viện Missions Etrangères (Thừa Sai Ngoại Quốc), ông được phong linh mục (prêtre) năm 1765, và được gửi qua Hà Tiên, Nam Kỳ (Cochinchine) để truyền giáo. Trong thời gian nầy, ông đã soạn thảo một cuốn tự điển lớn bằng tiếng Việt. Nhưng phần vừa bị chính quyền đàn áp (ông phải đi tù một thời gian), vừa bị hải tặc khủng bố, nên sau đó, ông phải đóng cửa trường (mà ông là Hiệu trưởng), dọn về Pondicherry (Ấn Ðộ). Khi tình hình khả quan hơn, ông trở lại Hà Tiên. Lần trở lại nầy, năm 1774, ông được trao chức tổng quản giáo hội vùng Nam Kỳ, Căm Bốt và Chàm, với tước vị là Giám Mục d' Adran (Evêque d'Adran, Việt Nam gọi ông là Giám Mục Bá-Ða-Lộc).

Năm 1778, hải tặc Căm Bốt triệt hạ tỉnh đạo Hà Tiên, Ðức Cha Bá-Ða-Lộc phải rút về Sài Gòn, cư ngụ tại tư dinh Hoàng Tử Nguyễn Ánh. Năm 1782, Tây Sơn khởi nghĩa gây ra nhiều vụ tàn sát ở Sài Gòn. Sau khi vua cha bị giết hại, Nguyễn Ánh lên ngôi, cầu viện Xiêm La (Siam), nhưng quân Xiêm bị Tây Sơn đánh đại bại năm 1785. Nguyễn Ánh quay sang cầu viện Pháp qua trung gian của Giám Mục Bá-Ða-Lộc.

Năm 1786, Bá-Ða-Lộc mang ấn tín của vua Nam Kỳ (tức chúa Nguyễn Ánh) cùng Hoàng tử Nguyễn Cảnh rời Hà Tiên qua Pháp. Phái đoàn tới cảng Lorient ngày 26 tháng 02 năm 1787. Ngày 16 tháng 5, vua Louis XVI tiếp phái đoàn tại lâu đài Versailles. Một thỏa ước được ký kết giữa hai vương quốc tại Versailles ngày 28 tháng 11 năm đó, giữa Bá tước de Montmorin, Bộ trưởng Ngoại Giao Pháp quốc, và Giám Mục Bá-Ða-Lộc, Ðặc sứ toàn quyền của vua Nam Kỳ.

Nhưng bản thỏa ước nầy sau đó đã không được áp dụng. Bá tước De Conway, Thống Ðốc Pháp tại các lãnh địa thuộc Ấn Ðộ đã từ chối thi hành thỏa ước.

Chờ ở Pondicherry khá lâu, Giám Mục Bá-Ða-Lộc rất nóng ruột. Rốt cuộc, ông từ chối sự giúp đỡ của người Anh (rất bất lợi), tự thành lập một lực lượng cứu viện Nguyễn Ánh, gồm 2 tàu chiến với một nhóm chuyên viên dân sự, quân sự và binh sĩ cùng vũ khí, đạn dược, đổ bộ vào Sài Gòn ngày 14 tháng 7 năm 1789. Lực lượng nầy tuy không hùng hậu nhưng đã gây phấn khởi cho Nguyễn Ánh. Ông lấy lại thế tấn công đánh Tây Sơn (lúc đó, lực lượng chính của Tây Sơn đang bị quân Tàu cầm chân tại Bắc Kỳ), và từ đó đi đến chỗ thống nhất Nam Bắc và lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu Gia Long (1802).

Ðức Cha Bá-Ða-Lộc mất vì bạo bệnh tại Quy Nhơn ngày 09 tháng 10 năm 1799. Vì đã có thời làm Thủ tướng cho nhà vua nên tang lễ của Ðức Cha đã được vua Gia Long cho cử hành trọng thể theo nghi lễ quốc táng tại Sài Gòn ngày 16 tháng 12 năm 1799. Mộ của ông được gọi là Lăng Cha Cả.

Paris, tháng 9 năm 2000,

KQ. Vũ Thượng Văn
(Đăng lại từ LHAH/KQ Úc Châu (http://khongquan-ucchau.cjb.net/))

Bổ túc:

Trước khi di dời nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, vào năm 1980, Lăng Cha Cả ở khu vực ngã tư Lê Văn Sỹ - Hoàng Văn Thụ được cải. Chính quyền giải thích: cải để chỉnh trang đường phố, giảm ùn tắc giao thông. Cha Cả được dùng để chỉ vị tu sĩ Công giáo đứng đầu địa phận. Lăng Cha Cả là khu đất rộng khoảng 2 ngàn thước, gồm một nhà lợp ngói, cột và vách bằng gỗ quý, ở trước có bia đá lớn. Người ta nói đó là mộ phần của Giám mục Bá Đa Lộc, một Giám mục người Pháp đã sang giúp Nguyễn Ánh chống Tây Sơn Nguyễn Huệ và của một số thừa giám. Bá Đa Lộc là tên tiếng Việt được phiên âm từ tiếng Pháp (Pigneau de Behain).

Tuy nhiên, chuyện Lăng Cha Cả còn nhiều điều đáng lưu ý. Những hài cốt tại khu mộ này đã được đại diện từ nước Pháp sang nhận và mang về chôn. Nhưng riêng mộ của Giám mục Bá Đa Lộc, khi khai quật, chỉ thấy cây Thánh giá bằng vàng Tây lớn mà ông đeo khi xưa, chiếc gậy vàng của chức Giám mục, những mề đay của nhà nước Pháp và Việt trao tặng.

Nhà nghiên cứu Lý Nhân Phan Thứ Lang, người Công giáo, lật ngược vấn đề: "Nhiều người nghĩ đó là mộ thật của Đức Giám mục, nhưng tờ Nam Phong Tạp Chí của Phạm Quỳnh, quyển XVI, 92, phát hành tháng 2 năm 1925, có bài: "Bá Đa Lộc: mộ ông... hiện nay ở đâu?" của Vương Gia Bật, chỉ rõ: Lăng Ngọc Hội cách thành phố Nha Trang 8 cây số. Phía trước mộ có một cái miếu nhỏ ở giữa đề chữ Hán: "Bá Đa Lộc chi mộ". Phía sau miếu có khắc cây Thánh giá. Ngày 13/3/1925, quan Công sứ và Linh mục nhà thờ Bình Can (Nha Trang) ra lệnh cải táng. Bên trong, xương cốt đã mục, hàm còn dính 3 cái răng, có 2 - 3 cái rơi ra ngoài...".

"Như vậy đích là mộ Đức Cha Bá Đa Lộc chôn ở Nha Trang" - Ông Lý Nhân Phan Thứ Lang thành kính - "Theo tôi, ngay sau khi cải táng, hài cốt của Đức Cha đã được đưa về Pháp, ngôi mộ ở khu Lăng Cha Cả tại Sài Gòn chỉ là tượng trưng. Tôi nghĩ, khi Gia Long mới lên ngôi, sợ Tây Sơn có ngày lật ngược thế cờ, nên phải cho dựng lăng ở Gia Định để đánh lạc hướng. Còn việc di dời lăng phục vụ dân sinh là đúng".

Phạm Cường (VNN)

Longhai
08-01-2012, 12:30 AM
Lăng Cha Cả ở nơi nào?

Nguyễn Ðạt / Người Việt

Mới đây trong chuyến thăm gia đình chúng tôi ở Sài Gòn, một người bà con từ Hà Nội có dịp đi tới một khu vực gọi là Lăng Cha Cả ở quận Tân Bình, ông nói: “Ở Sài Gòn đặt tên đường phố tên khu phố bừa bãi quá.

Chả thấy cái lăng cái mộ nào sất, ấy thế lại cứ gọi là Lăng Cha Cả. Mà Cha Cả là cái ông cha đạo nào vậy, ông ta có tài đức công cán gì với đất nước, để đặt tên cho cả một khu vực rộng lớn của một quận nội thành ? ”

Chúng tôi phải giúp người chú nguyên là giáo viên dạy Sử, ôn lại về thân thế lai lịch một nhân vật đã in đậm hình ảnh trong một giai đoạn lịch sử của Việt Nam.

Cha Cả xuất thân từ một chủng viện Thừa Sai tại Pháp, thụ phong linh mục năm 1765, và được gửi sang Hà Tiên để truyền giáo. Trong thời gian đầu ở Hà Tiên, Cha Cả đã soạn thảo một cuốn từ điển lớn để truyền giáo bằng tiếng Việt. Gặp nhiều khó khăn rắc rối với chính quyền và hải tặc Cambodge ở Hà Tiên, ông phải tạm lánh sang Ấn Ðộ, và trở lại Hà Tiên năm 1774.

Cha Cả được ủy nhiệm chức tổng quản giáo hội Nam Kỳ-Cambodge-Chăm, với tước vị là Giám Mục Adran, người Việt Nam gọi ông là Giám Mục Bá Ða Lộc. Khi hải tặc Cambodge triệt phá tỉnh đạo Hà Tiên, Cha Cả phải lui về Sài Gòn. Năm Tây Sơn khởi nghĩa, Nguyễn Ánh cầu viện Xiêm La; quân Xiêm bị Tây Sơn đánh đại bại. Nguyễn Ánh phải cầu viện Pháp, qua trung gian là Cha Cả.

Cha Cả cùng Hoàng tử Cảnh qua Pháp; một thỏa ước tiếp viện được ký kết, nhưng sau đó lại không được thực hiện. Cha Cả tự thành lập một lực lượng để cứu viện Nguyễn Ánh. Tuy lực lượng do Cha Cả lập nên không mấy hùng hậu, nhưng đã giúp Nguyễn Ánh có được niềm hưng phấn, thuận lợi cho thế tấn công quân Tây Sơn, lúc đó lực lượng chính của Tây Sơn đang bị quân Tàu cầm chân ở Bắc Kỳ. Cũng từ đó Nguyễn Ánh thống nhất được Nam Bắc, lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Gia Long.

Cha Cả mất vì bạo bệnh vào năm cuối cùng của thế kỷ 18 (năm 1799) trong khi trận chiến giữa quân của Nguyễn Ánh và quân Tây Sơn diễn ra ở Thị Nại-Qui Nhơn. Vua Gia Long rất trọng vọng Cha Cả, xem ông là Giám mục Thượng sư. Ông được đưa về an táng tại tỉnh Gia Ðịnh, ở khu vực gọi là Vườn Xoài-Tân Sơn Nhứt. Kiến trúc của Lăng Cha Cả hoàn toàn theo phong cách Việt Nam, có bình phong, bái đường và hậu cung. Ngôi lăng mái lợp ngói âm dương, những kèo cột đều bằng gỗ quý. Tấm bia lớn dựng phía trước ngôi lăng. Nguyên diện tích Lăng Cha Cả rộng tới 2,000 m2. Khi khu vực Tân Sơn Nhứt phát triển, với phi trường Tân Sơn Nhứt được xây dựng ở xế phía Bắc Lăng Cha Cả, thì ngôi lăng bị thu hẹp lại thành một điểm hình tròn, nằm lọt giữa đường Võ Tánh (bây giờ là đường Hoàng Văn Thụ).

Năm 1980, nhà nước cộng sản lên tiếng sẽ phá hủy Lăng Cha Cả. Tổng Lãnh Sự Pháp ở Sài Gòn đã thu xếp, di chuyển hài cốt Cha Cả về Pháp vào năm 1983. Ngay sau đó ngôi lăng bị san bằng; điểm tròn là vị trí ngôi lăng, hiện nay trở thành bùng binh, là vòng xoay cho 5 ngả đường thuộc các phường 1-2-4; gồm cuối các con đường: Lý Thường Kiệt (đường Nguyễn văn Thoại cũ)-Hoàng Văn Thụ (đường Võ Tánh cũ) -Bùi Thị Xuân (đường mới lập sau 30 tháng tư, 1975), và đường Cộng Hòa ( mới lập sau 30 Tháng Tư, dẫn ra quốc lộ 22 đi Tây Ninh ).

Nói tới Lăng Cha Cả, các bạn của chúng tôi từng là quân nhân thuộc Bộ Tư Lệnh và Sư Ðoàn 5 Không Quân, đều xúc động nhắc nhớ thời gian trước 30 Tháng Tư. Hàng ngày, các bạn cùng bao nhiêu đồng ngũ đã ăn điểm tâm bằng bánh-mì-Lăng-Cha-Cả.

Một bạn nói : “Không chỉ vì tiện đường đi ngang qua Lăng Cha Cả gần bên doanh trại Bộ Tư Lệnh Không Quân, mà còn vì bánh mì Lăng Cha Cả vừa thơm ngon vừa nóng hổi, lại giá rẻ nữa. Ổ bánh mì ấy, kèm với miếng ớt đỏ tươi, điểm tâm trên máy bay thì thật là 'hết sẩy' ! ”

Chúng tôi lấy tấm hình từ mạng Google, tấm ảnh Lăng Cha Cả; người chú nguyên giáo viên Sử thấy tận mắt, lắc đầu nói : “Một kiến trúc điển hình Á Ðông như thế này mà phá bỏ đi, thật uổng cực kỳ ! Mà ông Cha Cả như vậy thì đâu có gì đến nỗi để gọi là một tên phản động ! ”

Chúng tôi không nói gì, nhưng hẹn với người chú họ là sẽ dẫn ông đi thăm lăng mộ nhà bác ngữ Trương Vĩnh Ký tại góc đường Trần Hưng Ðạo-Trần Bình Trọng ở quận 5. Lăng mộ nhà bác ngữ rất có công trong việc phát triển bồi đắp quốc ngữ ấy, sau 30 Tháng Tư, 1975, đã suýt bị phá bỏ, theo lời cương quyết đề nghị của ông cán bộ lớn về văn hóa Việt cộng Trần Bạch Ðằng !