PDA

View Full Version : Megaupload bị đóng cửa



tieuchuy
02-01-2012, 02:55 AM
Ai xử dụng internet mà chưa có lần vào trang megaupload (megaupload.com) để tải phim ảnh hay các chương trình ứng dụng miễn phí được upload trên đây. Đặc biệt cho đến hôm nay, vào các trang mạng Việt, những đường link tải các bộ phim truyện, audio... vẫn còn đầy trong các bài viết. Một cú đánh thật bất ngờ của FBI vào giới giang hồ internet làm tê liệt hầu như tất cả các trang web từ lâu quen dùng trang megaupload vốn rất tiện lợi và dễ dàng để trao đổi các loại "hàng" nêu trên. Bất ngờ quá khiến người ta như hụt hẩng, chết lặng. Có những bộ phim hay bộ truyện dài hàng trăm tập không phải dễ dàng một lúc có thể tìm một nơi khác để upload trở lại, lại tốn rất nhiều thời gian. Đây cũng là một nhắc nhở đến bạn bè thân hữu cần thận trọng hơn khi xữ dụng các sản phẩm trí tuệ của người khác. Dưới đây xin tóm tắt một số tin tức liên quan được sưu tầm trên mạng.

Megaupload bị đóng cửa


http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd/HQPD_1328062217.jpg

Một trong những site chia sẻ file nổi tiếng nhất thế giới vừa bị đóng cửa hôm nay (19.01.2012). Các nhà sáng lập và một số nhân viên của Megaupload bị bắt vì tội download bất hợp pháp hàng triệu bộ phim, đĩa nhạc và các nội dung khác.

Megaupload.com bị tố cáo vi phạm bản quyền, làm tổn thất doanh thu ít nhất là 500 triệu USD. Bản cáo trạng được đưa ra một ngày sau khi hàng loạt trang web nổi tiếng, như Wikipedia, Google và Craigslist đóng cửa trang web để phản đối dự luật về vi phạm bản quyền Internet SOPA và PIPA (18.01.2012). Hai dự luật này được xem là rất vô lý và có thể “giết chết Internet” khi ngăn chặn không cho phép người dùng truy cập vào các website có chứa nội dung vi phạm bản quyền, thậm chí có thể yêu cầu các công ty cung cấp máy chủ tại Mỹ xóa bỏ chúng nếu các trang web đó chứa trên máy chủ tại Mỹ. Ngoài ra, dự luật còn yêu cầu các dịch vụ tìm kiếm trực tuyến như Google, Yahoo hay Bing… phải loại bỏ các trang web vi phạm này ra khỏi công cụ tìm kiếm của mình.

Thậm chí, nếu 1 website có dẫn đường liên kết đến một trang web khác có chứa nội dung vi phạm bản quyền, trang web đó cũng sẽ bị quy kết “đồng lõa” và bị trừng phạt.
Megaupload đặt trụ sở ở Hong Kong, nhưng một số nội dung vi phạm bản quyền được đặt trên các máy chủ ở Virginia. Chính vì thế, Megaupload.com là “nạn nhân” đầu tiên của dự luật “giết chết Internet”.

Theo phòng Tư pháp Mỹ, nhà sáng lập của Megaupload là Kim Dotcom, 37 tuổi, và 3 nhân viên khác bị bắt sáng nay ở New Zealand.

Trước khi bị đóng cửa, Megaupload đã đang tải một thông điệp trên trang web của mình cho rằng các cáo buộc site này vi phạm nghiêm trọng các điều luật về bản quyền là “hoàn toàn vô lý”.

Cáo buộc của Bộ Tư Pháp Mỹ đã khiến nhóm tin tặc khét tiếng Anonymous “nóng mặt” và ngay lập tức đã đánh sập trang web của tổ chức này và Hiệp hội hình ảnh của Mỹ.

Megaupload nằm trong top 100 website hàng đầu thế giới, với 150 triệu thành viên đăng ký, và mỗi ngày có khoảng 50 triệu nội dung được đăng tải. Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng bất kỳ ai download các nội dung vi phạm bản quyền đều vi phạm pháp luật, nhưng tổ chức này truy trách nhiệm cho những người thành lập công ty, chứ không phải là người dùng cuối.
Bat rang web “anh em” với Megaupload cũng bị đóng cửa, trong đó có một trang bị kết tội chia sẻ các nội dung khiêu dâm trẻ em.

Khôi Linh (theo AP)

********

Ai sẽ thắng trong vụ đóng cửa Megaupload?

- Theo luật sư Jeff Ifrash (Hội Luật sư Mỹ), cáo buộc của FBI với Megaupload tương tự như vụ kiện không thành của Viacom đối với YouTube về khoảng 160.000 nội dung vi phạm bản quyền hồi năm 2010.

Quyết định bất ngờ

Ngày 19/1, Cục điều tra Liên bang Mỹ FBI đột ngột đóng cửa trang chia sẻ dữ liệu Megaupload. Ông chủ trang này là Kim Dotcom cũng bị bắt vì tội danh vi phạm bản quyền, rửa tiền và kiếm tiền phi pháp. Sự việc xảy ra sau khi nhiều website đồng loạt ngừng hoạt động nhằm phản đối dự luật SOPA (Chống vi phạm bản quyền trên mạng) và PIPA (Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ) của Mỹ.

Các công tố viên Mỹ cho rằng nội dung trên Megaupload phần lớn đều vi phạm bản quyền, gây thiệt hại khoảng 500 triệu USD cho các nạn nhân nhưng lại giúp ông Dotcom kiếm được 175 triệu USD kể từ năm 2005. Theo họ, một số tài liệu bị cho là vi phạm bản quyền trên Megaupload đã được lưu tại các máy chủ của trang web này ở Virginia (Mỹ). Sự việc đang được tiến hành điều tra.

Về phần mình, ông Dotcom khăng khăng đây là hoạt động kinh doanh hợp pháp bởi họ thu tiền từ quảng cáo và các khoản phí thành viên cho người sử dụng.

Nếu Megaupload bị chứng minh là phạm luật thì sự việc này sẽ có thể trở thành một ví dụ về cách các cơ quan thực thi luật pháp truyền thống giải quyết vấn đề liên quan tới các trang chia sẻ tài liệu.

Tuy nhiên, luật sư Jeff Ifrash cho biết: “Chính phủ Mỹ dường như bỏ qua một thực tế rằng các trang chia sẻ nội dung nổi tiếng khác đã thành công trong việc tự bảo vệ mình trước những vụ kiện dân sự bằng cách sử dụng điều khoản của Đạo luật Bản quyền kĩ thuật số Thiên Niên kỷ (DMCA) của Mỹ”. Theo Đạo luật này, một trang web sẽ được miễn truy cứu nếu họ không nắm được thông tin về những tài liệu vi phạm bản quyển mà các thành viên tải lên, đồng thời nhanh chóng dỡ bỏ các nội dung đó sau khi nhận được thông báo từ người giữ bản quyền hay các cơ quan chức năng.

Như vậy, các công tố viên buộc phải chứng minh được rằng DMCA không có hiệu lực trong trường hợp của Megaupload. Song ông Ifrah cho rằng chưa thể khẳng định rằng việc không dỡ bỏ một số nội dung của Megaupload là phạm pháp, bởi có thể họ không nhận được thông báo vi phạm, hoặc chưa đồng tình với những yêu cầu này.



http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd/HQPD_1328062401.jpg

FBI có thể bị kiện

Sau khi FBI đóng cửa Megaupload, người sử dụng khi truy cập vào trang này chỉ nhận được thông báo về việc trang web “bị thu hồi theo quyết định do Tòa án Tối cao Mỹ ban hành”, mà không có bất cứ thông tin chỉ dẫn về nơi lưu trữ tài liệu hay kho hình ảnh cá nhân của họ.

Phát biểu với tờ Sydney Morning Herald (Úc) , giảng viên Steve Chu bức xúc: “Nó giống như thể tịch thu điện thoại của mọi người chỉ vì những kẻ khủng bố cũng sử dụng chúng”. Ông cho biết ông không thể tiếp cận với các tài liệu hợp pháp mà ông tải lên để chia sẻ cho các sinh viên của mình.

Tuy nhiên, Bộ Tư Pháp Mỹ lại cho rằng điều khoản dịch vụ của Megaupload đã cảnh báo người sử dụng phải tạo bản lưu dự phòng cho tài liệu của mình.

Theo Pirate Party, một tổ chức chính trị quốc tế đấu tranh vì tự do thông tin, sự việc này là “không công bằng và hoàn toàn không xứng với mục tiêu đề ra”.

Họ đã lên kế hoạch nộp đơn khiếu nại chống lại các cơ quan chức trách Mỹ “ở tất cả các nước có thể, nhằm đảm bảo một kết quả tích cực và công bằng”. Tổ chức này cũng đang kêu gọi người dùng Megaupload liên kết với nhau để cùng kiện ngược lại FBI vì quyết định đóng cửa trang này “đã làm gián đoạn việc truy cập hàng triệu tài liệu lưu trữ của các tổ chức, cá nhân, đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng về hình ảnh, lợi ích kinh tế và các vấn đề riêng tư của nhiều người”.
Megaupload.com cho phép các thành viên có thể chia sẻ những tập tin kích cỡ lớn, không thể gửi và nhận qua email. Nó là một trong những trang chia sẻ dữ liệu hàng đầu thế giới với khoảng 150 triệu thành viên và 50 triệu truy cập mỗi ngày.

Ông chủ trang này hiện đang bị giam giữ tại New Zealand. Yêu cầu bảo lãnh cho ông Dotcom không được chấp nhận. Ông đang phải đối mặt với lệnh dẫn độ sang Mỹ sẽ được đưa ra trong vòng 45 ngày kể từ ngày bắt giam ông. Luật sư của ông khẳng định ông Dotcom sẽ không rời khỏi New Zealand. Dinh thự của ông và 9 nơi khác tại New Zealand cũng như trụ sở của Megaupload toàn cầu đồng loạt bị khám xét.

Lê My (tổng hợp)

***************************

Các tin liên quan:

Đạo luật giết chết Internet!

Ngày 18.01.2012, khi truy cập vào Wikipedia, tất cả những gì chúng ta nhận được chỉ là một “màn đen” cùng thông điệp mang nội dung kêu gọi tất cả các công dân mạng (từ đây sẽ sử dụng khái niệm ‘netizen’ để thay thế) cùng đứng lên phản đối hai đạo luật mới của chính phủ Mỹ, với cái tên viết tắt SOPA và PIPA. Không chỉ có Wikipedia, mà một danh sách dài những trang web tham gia vào sự kiện “January blackout” cũng đã được thu thập. Đáng chú ý, trong số những trang web đó còn có cả những “ông lớn” trên bản đồ Internet toàn cầu như Google, Mozilla hay cả Reddit...


http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd/HQPD_1328062792.jpg

Thông điệp của Wikipedia.

Vậy câu hỏi được nhiều người đặt ra là, SOPA và PIPA là gì, và chúng ảnh hưởng đến cộng đồng mạng như thế nào mà trong khoảng thời gian ngắn vừa qua có nhiều hành động và lời kêu gọi tẩy chay chúng đến như vậy? Bài viết này hy vọng sẽ đem đến câu trả lời cho độc giả.

Bản dự luật đầy tham vọng

SOPA, viết tắt của Stop Online Piracy Act (Chặn đứng các hành vi vi phạm bản quyền trực tuyến) kỳ thực là tên “viết nôm” của bản dự thảo đạo luật mang mã hiệu H.R.3261, được Ủy viên thường trực Viện kiểm sát Liên bang Lamar Smith đệ trình lên Hạ viện Mỹ vào ngày 26/10/2011. Theo đó, nếu dự luật này được chính thức thông qua, thì sức mạnh của những bộ luật bảo vệ quyền tác giả cũng như những tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ tác quyền sẽ được tăng lên rất nhiều trong cuộc chiến “không cân sức” với những trang web hay cá nhân vi phạm bản quyền (bằng cách chia sẻ hay download những tài sản trí tuệ một cách miễn phí trên mạng internet).



http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd/HQPD_1328062898.jpg

Lamar Smith.

Trong khi đó, PIPA (Protect IP Act – tên mã S.968) lại được Nghị sĩ Patrick Leahy trình lên Thượng viện Mỹ vào ngày 12/5/2011. PIPA liệt kê đầy đủ những hành động trên internet được quy về những hành động vi phạm tác quyền và quyền sở hữu trí tuệ cũng như những biện pháp đối phó mới chưa có trong cách bộ luật hiện hành. Nói cách khác, PIPA chính là tiền đề để SOPA có thể ra đời và có thêm một số điều khoản liên quan đến các doanh nghiệp kinh doanh trên lĩnh vực internet như PayPal, Google hay Facebook.


http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd/HQPD_1328062952.jpg

Patrick Leahy.

Một cách khái quát, nếu như một trang web ở bất kỳ nơi nào trên thế giới có những hành động vi phạm bản quyền, thì tòa án tại Hoa Kỳ hoàn toàn có thể đâm đơn khởi kiện trang web đó. Và nếu ngài Chánh án Tòa án kết luận trang web này vi phạm điều luật SOPA, thì đó có thể là cái kết không mấy êm đẹp cho trang web xấu số kia. Nhờ có SOPA, tòa án sẽ ra lệnh cho các nhà cung cấp internet (ISP) tại Mỹ thay đổi DNS để người sử dụng không thể truy cập đến trang web này, từ đó khiến cho nó “mất” hoàn toàn truy cập từ Mỹ.

Thêm vào đó, những công cụ tìm kiếm có trụ sở cũng như trung tâm thông tin đặt tại Mỹ (trớ trêu thay, hầu hết những search engine nổi tiếng đều có suất xứ từ “Đất nước tự do”) sẽ phải loại bỏ hoàn toàn những kết quả tìm kiếm có liên quan đến trang web kể trên. Không chỉ có vậy, mọi công việc làm ăn của trang web đối với các đối tác tại Mỹ như PayPal hay Google AdSense cũng bị “cấm tiệt”. Nguy hiểm hơn, nếu trang web có nguồn gốc tại Mỹ, thì chủ trang web cũng như những người có liên quan rất có thể bị truy tố hình sự.

Rút gọn lại, một khi đã bị rơi vào tầm ngắm của SOPA, cũng như có đầy đủ bằng chứng chứng minh rằng trang web vi phạm bản quyền, thì coi như trang web đó “tuyệt đường làm ăn” và đóng cửa là điều sớm muộn.


Con dao hai lưỡi


“Giấc mơ” tạo ra một internet “trong sạch” và không có dấu hiệu của sự ăn cắp (vi phạm bản quyền) của các chính trị gia người Mỹ hóa ra lại vô cùng khó thực hiện. Đồng ý là người sử dụng internet vẫn còn tình trạng download lậu các bộ phim độ phân giải cao, những bản nhạc hay bản ‘crack’ của các tựa game nổi tiếng, tuy nhiên nếu dự thảo luật SOPA cũng như PIPA được chính thức đưa vào hoạt động, nó sẽ là một “nút bấm hạt nhân” đúng nghĩa đối với toàn bộ internet.

Nếu bạn vẫn chưa hình dung ra internet sẽ ra sao khi SOPA được thông qua, thì hãy nghĩ tới Trung Quốc. Với hệ thống tường lửa “Great Firewall of China”, người sử dụng internet ở quốc gia đông dân nhất thế giới này hoàn toàn “mù tịt” khi được hỏi về YouTube, Facebook hay thậm chí là cả Google Search. Tương tự như vậy với các nước như Iran và Syria, nơi có hệ thống kiểm soát Internet “hà khắc” tương đương Trung Quốc.

Lợi và hại.

Lấy một ví dụ đơn giản, đó là dịch vụ chia sẻ video lớn nhất thế giới YouTube. Ngày hôm nay, bạn có thể tìm ra hàng loạt những đoạn video ca nhạc, trailer phim hay thậm chí là cả bản hoàn chỉnh của một bộ phim (Downfall là một ví dụ). Thông thường, khi phát hiện ra nội dung vi phạm bản quyền, chủ sở hữu bản quyền đó có thể thông báo trực tiếp cho ban quản trị của YouTube và nhờ họ gây áp lực buộc người ‘uploader’ kia phải gỡ bỏ đoạn video vi phạm xuống, hay mạnh tay hơn là tự đống xóa cả đoạn video lẫn tài khoản kia mà không cần báo trước.

Tuy nhiên, một khi SOPA có hiệu lực, thì “kẻ chịu trận” sẽ không chỉ là những người upload những video vi phạm bản quyền, mà còn là chính bản thân YouTube. Lý do? Rất đơn giản, vì trang web của họ là “công cụ” tiếp tay để những nội dung số vi phạm bản quyền có cơ hội tồn tại. Chiểu theo đạo luật mới này, YouTube cũng như những điều hành viên trang web (cụ thể hơn là các nhân viên thuộc biên chế Google) sẽ bị khởi kiện và chịu những án phạt không hề nhẹ nhàng. Và kết cục, YouTube sẽ vĩnh viễn ra đi vì những lỗi lầm mà họ không hề gây ra!

Suy rộng ra, với SOPA, các công ty có những hoạt động liên quan đến internet hoàn toàn có thể lợi dụng những lỗ hổng từ SOPA để “triệt hạ” không thương tiếc các trang web của các đối thủ cạnh tranh.

Với các netizen, việc hợp thức hóa SOPA sẽ đóng cửa gần như hoàn toàn cánh cửa dẫn đến kho tri thức miễn phí khổng lồ trên mạng internet, vốn là một trong những điều tự hào của con người về mạng toàn cầu. Gần như toàn bộ các bài viết trên các trang bách khoa toàn thư mở (đặc biệt là Wikipedia) sẽ bị “censor” vì có nội dung vi phạm tác quyền của các tác phẩm đang được bán trên thị trường như sách báo, phim ảnh hay âm nhạc.

Đối với những công dân mạng có sở thích download miễn phí các bộ phim hay game, thì ngày “treo niêu” của họ sẽ tới rất nhanh một khi SOPA được thông qua. Đối với các quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, thì phí bản quyền thực sự là một gánh nặng nếu như các netizen muốn bắt kịp với tốc độ cập nhật của thế giới giải trí. Tuy nhiên, chủ đề bài viết này không cho phép đề cập cũng như phân tích vấn đề kể trên một cách toàn diện.

Phản kháng

Một bộ luật không chỉ phục vụ cho lợi ích của bộ phận nhỏ người sử dụng internet, mà còn đe dọa đến chính bộ mặt của internet hiện đại, thì việc bị đào thải chỉ là vấn đề thời gian. Như các bạn đã biết, hiện tại Wikipedia đang thực hiện chiến dịch “blackout” trang web của họ, tất cả các bài viết trên Wikipedia tiếng Anh ngoại trừ hai bài viết về SOPA và PIPA đều tự động đưa người sử dụng đến một trang màn hình đen. Không chỉ có vậy, nhiều trang web có tên tuổi khác như Reddit, Google hay 9Gag cũng đã, đang và sẽ thay đổi nền trang web của mình thành màu tối, đi kèm với đó là thông điệp “đây sẽ là bộ mặt của internet một khi SOPA được thông qua”.



http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd/HQPD_1328063573.jpg

Trên mạng internet thời gian này, bạn hoàn toàn có thể tìm thấy những tấm ảnh, những đoạn tin nhắn dưới dạng status Facebook hay những đoạn tweet với nội dung phản đối đạo luật đầy tranh cãi này, cũng như phê phán những tổ chức, công ty, cá nhân công khai ủng hộ việc thông qua SOPA/PIPA như Viacom (chủ sở hữu thương hiệu và studio phim Paramount), kênh truyền hình ESPN hay hiệp hội các nhạc sĩ Mỹ (AFM). Thậm chí một số netizen “quá khích” đã tạo ra hẳn một ứng dụng dành cho Android để hiển thị những sản phẩm của các công ty công khai ủng hộ sự hợp pháp hóa SOPA, từ đó kêu gọi tẩy chay sản phẩm của các công ty này.

Trở lại thung lũng Silicon, trước đây đã có không ít các công ty âm thầm phản đối dự luật đầy tranh cãi SOPA. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, những gã khổng lồ công nghệ đã chính thức cất lên tiếng nói của mình. Bản danh sách những công ty công nghệ công khai phản đối SOPA không chỉ có Google mà còn có cả Microsoft lẫn Apple. Vốn là hai đối thủ không đội trời chung, tuy nhiên tình hình hiện tại đã buộc họ phải “đứng chung chiến tuyến” không chỉ để bảo vệ lợi ích cá nhân, mà còn bảo vệ cả cộng đồng internet đang đứng trước mối nguy hiểm mà SOPA tạo ra.


http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd/HQPD_1328063668.jpg

Tạm kết

Rõ ràng là “giấc mơ về một internet sạch” của các nghị sĩ Hoa Kỳ đang ấp ủ sẽ rất khó có thể được thực hiện khi nó vấp phải một làn sóng phản đối không chỉ từ những người sử dụng internet vô danh, mà còn từ những tập đoàn lớn. Thậm chí cả đương kim tổng thống cũng như phó tổng thống Mỹ là Barack Obama và Joe Biden đều đã công khai ý kiến phản đối của mình thông qua các cuộc phỏng vấn cũng như video trên YouTube đối với SOPA và cho rằng nó sẽ “hủy hoại hoàn toàn bộ mặt của internet”.


http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd/HQPD_1328063731.jpg

Thiết nghĩ, sau khi vấp phải những sự phản đối quyết liệt từ nhiều phía như vậy, Hạ viện Hoa Kỳ sẽ xem xét lại việc hợp thức hóa bộ luật “lợi bất cập hại” này, vì nó sẽ đặt quá nhiều sức mạnh vào tay những người nắm giữ tác quyền cũng như bộ máy hành pháp Mỹ.

***********

Tin giờ chót:

Chính thức hủy bỏ hai dự luật SOPA và PIPA

Trong nhiều ngày qua, hai dự luật SOPA và PIPA liên tục là đề tài nóng hổi bởi những bất lợi mà nó mang lại cho người dùng internet trên toàn thế giới nếu cả hai được thông qua.

Vào ngày hôm qua, tác giả của dự luật SOPA, ông Lammar Smith đã chính thức đệ đơn xin rút lại việc xem xét dự luật này tại Hạ Viện. Dân biểu đến từ Texas này thừa nhận rằng ông đã nhận được rất nhiều ý kiến về việc bác bỏ đạo luật này. Và thừa nhận rằng SOPA không thật sự ngăn chặn nạn vi phạm bản quyền.

Bên cạnh việc rút lui của Lammar Smith, Thượng Viện Mỹ mới đây cũng công bố việc tạm hoãn cả dự luật PIPA. Đây là một thông tin khá bất ngờ vì mọi người đều biết đến tận 24/01 Thượng Viện mới nhóm họp để biểu quyết cho PIPA.

Người đứng đầu Thượng Viện Mỹ, Thượng Nghị Sĩ Harry Reid đã lên tiếng công bố việc Thượng Viện chính thức không đưa ra xem xét dự luật PIPA tại Thượng Viện. Ông cũng cho biết thêm rằng việc vi phạm bản quyền là một vấn đề rất nghiêm trọng và nó ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế Mỹ. Mặc dù vậy, dự luật PIPA vẫn còn nhiều bất cập và nó khó có thể ngăn chặn vấn nạn trên một cách hiệu quả. Như vậy sau nhiều ngày đấu tranh chiến thắng đã thuộc về cộng đồng người dùng intenet trên thế giới.

Mọi việc vẫn chưa thật sự kết thúc. Cả hai dự luật SOPA và PIPA chắc chắn sẽ không còn được nhắc đến trong năm 2012, nhưng những đạo luật tương tự hoàn toàn có thể xuất hiện trong những năm tới.

Thế nhưng có thể thấy được những điểm sáng rất tích cực thông qua cuộc đấu tranh chống lại SOPA và PIPA. Tiếng nói của hàng trăm triệu người dùng trên thế giới đã mang lại được một kết quả như mong đợi.


http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd/HQPD_1328063953.jpg