PDA

View Full Version : Về Vùng 4



chimtroi
06-07-2008, 12:12 AM
VỀ VÙNG 4
Để tưởng nhớ TRẦN VĂN HÒA

Hoa tiêu Chinook CH47 Phi đoàn 249 Cần Thơ,
hy sinh 1974 ở Mộc Hoá

*******

http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd2/HQPD_1357238734.JPG

Qua khỏi khu vực phi đạo, rẽ phải, là đường đi về phòng họp của các Phi đoàn, và của đơn vị tôi, Phi Đội Tản Thương 259H. Con đường chỉ dài chừng 500 thước sao thấy bải hoải, không muốn cất bước. Rời khu vĩ sắt, chân tôi giẫm lên bãi cỏ để tìm chút yên bình, căng thẳng quá bước chân khập khễnh trên nền phi đạo cứng cũng làm mình mỏi mệt. Trước mặt, bên kia đường là quán Hồng Điểu của Đại úy Út, tôi định bước qua tìm cái ghế ngồi, kiếm chút đồ ăn may ra dằn xuống được cái bụng đang trạo trực vì đói và cũng vì đang lắc lư với cảm giác bàng hoàng lúc ban chiều nhưng chợt nhớ là quán Hồng Điểu giờ này đâu còn gì ăn nữa, hoạ chăng là chỉ có trà đá nước chanh vì hầu như là quán chỉ bán đồ ăn sáng cho các phi hành đoàn ghé qua trước khi ra tàu. Thôi thì đành phải về phòng họp Phi Đội, ký vào Sổ phi lệnh đã rồi tính sau, thế là tôi cất bước chân nặng nề rời bãi cỏ, đưa cái túi helmet lên vai, chậm chạp hướng về Phòng họp.

Trong bóng tối chập choạng, thấy có mấy người đi ngược chiều phía bên kia đuờng nên tôi nán giữ lề bên nay, định chờ họ qua khỏi để tránh cho họ khỏi phải ngửi thấy mùi mồ hôi, mùi thịt khét, máu me và bùn sình trên bộ áo bay của mình . Nhưng ngạc nhiên thay, họ bắt đầu băng qua đường, hướng thẳng về phía mình, níu kéo nhau, có tiếng kêu khóc văng vẳng, tôi không nghĩ là họ muốn gặp mình nên bước lần ra phía đường định băng qua bên kia thì có tiếng kêu: “Anh ơi… Anh ơi…” và đám đông tiến lại gần, một thiếu phụ trẻ trong bộ đồ mặc ở nhà, níu lấy áo tôi, giọng thất thanh , hụp hưởi :

“Anh ơi… anh ơi… anh đi bay về có gặp chồng tui không anh… chồng tui đó anh…”

Thì ra đây là một người thân của phi hành đoàn Chinook vừa mới rớt chiều nay, tôi không biết chồng chị là ai, mà cũng không dám hỏi, và ngay cả cũng không biết phi hành đoàn nầy gồm những ai , chỉ nghe nói có vị Phi đoàn trưởng mới về nhậm chức và hôm nay ông bay chuyến đầu tiên làm quen vùng, thường gọi là Orientation. Bây giờ trước mắt tôi, người thiếu phụ đau đớn hoảng loạn, đang bấu víu vào tôi như bấu víu vào một cái phao hy vọng nào đó, trông chờ phép lạ xảy ra, và những người đi theo chị chắc là thân nhân hoặc các anh chị ở kế cận trong cư xá, họ đi theo để khuyên lơn an ủi chị mà chắc cũng để tìm xem có thêm tin tức gì nữa về tai nạn hay không. Sau một thời gian làm pilot tản thương, đã chở biết bao nhiêu thương binh, tử sĩ, tôi chưa bao giờ lâm vào hoàn cảnh như hiện tại, những cha mẹ, vợ con họ người thì kêu gào than khóc, họ lăn lộn bên xác người thân, bên quan tài, người thì sững sờ, tê liệt, mắt ráo hoảnh như cứ nhìn vào hư không… nhưng chưa có ai bấu víu vào tôi như lúc nầy làm tôi rất lýnh quýnh, không dám nói thiệt mà cũng không biết nói láo ra sao, tôi biết mình không phải là cái phao của chị rồi, nhưng cũng không đành dứt áo bỏ đi.

Mấy người đi theo chắc họ tỉnh táo hơn nên tìm cách khuyên can, đại để là : “Anh nầy cũng mới đi bay về, có biết gì hơn mình đâu…thôi để vô Phi đoàn hỏi thăm nghen…” nhờ đó tôi mới nghĩ ra một câu nói láo rất vô duyên: “Dạ, tôi cũng không biết gì hơn mấy anh chị, tôi đi bay ở hướng nầy mà…” và tôi chỉ về hướng ngược lại với nơi xảy ra tai nạn.

Chị không nghe câu nói của tôi, mà chắc chị cũng không nghe ai nói gì chung quanh cả nên chị cứ tiếp tục lắp bắp:

“Anh ơi…anh ơi, họ tìm ra ảnh chưa anh, chồng tui đó anh, anh Hoà đó anh…”

Đến lượt tôi rụng rời tay chân, vì Hoà bạn tôi đang ở Phi đoàn Chinook nầy . Hoà đang là phi đội trưởng hay phi đội phó chi đó, và theo tôi đưọc biết từ trên tần số chiều nay thì tân Phi đoàn trưởng bay chung với một người trong “ staff ”, không ngờ lại là Hòa, vậy là Trần văn Hòa, bạn tôi, về từ Phi đoàn 229, bay chuyến đầu tiên với tân Phi đoàn trưởng, Thiếu tá Trung. Tôi bàng hoàng vì chiến trường lúc nầy không có gì hot lắm, vả lại Chinook cũng được xem là khá an toàn, pilot trực thăng mà lái Chinook thì xem như chữ thọ chắc hơn so với UH , vậy mà không những Chinook rớt mà người chết lại bạn mình nên tôi khá rúng động, không còn giữ được bình tĩnh, sáng suốt nữa, do đó khi chị hỏi tìm ra Hòa chưa thì tôi lúng túng: “ …hình như họ tìm thấy rồi”, chắc chị nghe được nên hỏi tới dồn dập: Tìm ra rồi hả anh, ảnh có sao không anh, chở ảnh về chưa, ảnh đâu rồi anh ….một loạt các câu hỏi mà tôi không dám trả lời, đành phải từ từ gỡ tay chị ra với sự giúp đỡ của những người đi theo rồi xách nón dọt lẹ qua bên kia đường. Quay lại thấy chị vẫn trì kéo đi tới, mấy người kia cố gắng giữ lại, kéo lui, để rồi tôi đau đớn thấy chị rủ xuống trong tay họ, miệng vẫn kêu nài, lắp bắp. Một bóng người khác đang đi tới, chắc là một người nữa trong phi hành đoàn của tôi, cũng bị níu lại hỏi han…

Trả lời với chị như thế nào bây giờ, khi cách đây chỉ mới 1 tiếng đồng hồ, chúng tôi rời vùng thì xác của 2 phi công và ngay cả của cái cockpit vẫn chưa tìm ra. Trời đã tối và xác người vung vãi trên một diện tích quá lớn, đơn vị Bộ Binh phải ngưng công việc tìm kiếm tử thi và phi hành đoàn để lo bao vùng phòng thủ vì chắc chắn rằng Việt Cộng sẽ mò vô đêm nay lục lạo

**************

Trần văn Hòa, bóng hình như hiện ra trước mắt, chúng tôi gặp nhau rất thường, hắn lúc nào cũng vui vẻ, khoái chí vì 2 việc mà hắn mơ ước đều thành hiện thực, qua bay Chinook, và về vùng 4 Chiến thuật, sau này khi hắn đưa vợ con về Cần Thơ chúng tôi ít có dịp ăn uống, cà phê cà pháo với nhau nhưng cũng gặp thường ngoài phi đạo, trên đường ra check tàu mỗi sáng.

Ngày còn ở Pleiku, là vào thời gian Phi đoàn tân lập của chúng tôi đang vừa hành quân vừa huấn luyện, chiến trường cũng vẫn đang êm ả, bay bổng rất vui, chiều tối về còn ở lại Phòng hành quân Phi đoàn đấu láo vì đa số còn độc thân, chưa có xe đi, từ phi trường ra ngoài phố Pleiku rất xa, lên núi xuống đèo mấy lần, mà thiệt ra cũng không biết đi đâu nơi cái xứ phố núi đi năm phút đã về chốn cũ nầy.

Lúc đó Hòa đang được dợt để check out Hoa tiêu chánh hành quân nên hắn hơi lo, tuy vậy lúc nào cũng thổ lộ với tôi mơ ước chuyển qua bay Chinook, rồi xin về vùng 4. Hắn thường xuýt xoa: Đã lắm, mầy dzề dzùng 4 bay ê.ê..m lắm, hổng có núi non như dzầy đâu. Còn nhậu nhẹt… thôi…hết biết, tôm cua rùa rắn cua đinh cần đước, muốn con gì cũng có, gái Cần Thơ thì ...chậc...chậc...hết xẩy, hết xẩy luôn, hổng có như ở đây đâu...lần nào nói chuyện hắn đều miên man “tán” về cái vùng 4 mà hắn mơ ước làm tôi nghe riết cũng bắt phát thèm, lúc đó chưa biết cái “ở đây” mà cũng chưa biết cái Cần Thơ ra sao nên còn rạo rực lắm, nghe hắn tán riết tôi cũng đâm ra có ý tưởng nơi thuyên chuyển kế tiếp sẽ là Cần Thơ, và rồi nhờ có số phận đưa đẩy, sau đó tôi và hắn đều chuyển về Cần Thơ. Trần văn Hoà được cho đi học bay Chinook như nguyện vọng, và chuyển về Phi đoàn 249 Mãnh Long, còn tôi rời Pleiku đầu 1974 sau 3 năm biên trấn, về Phi đoàn 217, hành quân khoảng nửa năm, được cho đi học lái Chinook, đang làm thủ tục xuất ngoại thì có lệnh hủy bỏ khóa học vì không có ngân khoản viện trợ , mà BTL/KQ thì không chịu đài thọ nên các SQ khoá sinh đuợc trả về đơn vị gốc, Phi đoàn 217 không muốn cưu mang tôi nữa nên chuyển qua Phi đội Tản thương 259H, và trở thành pilot “Dust-off” từ đó. Vì vậy tôi và Hòa tuy khác đơn vị, nhưng cùng ở chung một phi trường, đó là Căn Cứ 40 Chiến Thuật Không Quân, thường được gọi là phi trường Cần Thơ, vì ở gần thành phố Cần Thơ, để phân biệt với phi trường Bình Thủy, có phi đạo dài hơn cho L19, khu trục, A37 và là BTL của SĐ4KQ.

****************

Trở lại cái ngày định mệnh, đó là một phi vụ chuyển quân, mà lâu quá tôi đã quên tên đơn vị cũng như địa danh, chỉ nhớ vùng đó là khu Tứ giác Dinh điền Phước Xuyên, nằm giữa phía nam của Mộc Hóa và phía bắc của Cai Lậy, Định Tường, tình hình trong khu tứ giác sôi động nên số lượng quân trấn đóng chung quanh luôn được bổ sung đầy đủ và thường hoán chuyển để họ không bị căng thẳng, VC cũng hay quấy rối giữ chân quân ta hầu dễ dàng phá phách những chỗ khác, nơi đây ghi nhận có SA7, một loại hỏa tiễn tầm nhiệt cầm tay để chống phi cơ vì KQVN phải yểm trợ vùng nầy hằng ngày với máy bay đủ loại.

Hoạt động ở đây chúng tôi rất cẩn thận, vì bay thấp thì bị đạn súng cá nhân, tàu bị bắn thủng lỗ là chuyện thường, còn bay thì cao coi chừng SA7, hỏa tiễn tầm nhiệt. Như tên gọi, SA7 hoạt động theo nguyên tắc dò tìm hơi nóng thoát ra từ exhaust phi cơ, nhất là những động cơ phản lực nhiệt độ exhaust cao rất dễ cho SA7 định hướng, dù là vùng đồng bằng nhưng SA7 cũng không bắn ngang hoặc với góc độ thấp được vì vướng cây cối hoặc chướng ngại vật nên thường được bắn với góc độ phải từ trên 30, 45 độ, vừa khai hỏa và còn ở dưới cao độ 3000ft, hoả tiễn bay chậm để tự điều chỉnh hướng, đàng sau đuôi vẫn còn một vùng lửa màu da cam do đó nếu canh chừng kỹ lưỡng có thể thấy được để tránh né, còn khi đã lên cao vùng lửa đỏ không còn nữa và hoả tiễn cũng vụt lên tốc độ rất nhanh, đến giai đoạn nầy thì đã trễ. Đối với UH-1, SA7 cũng “ dễ trị”, biết mình bị bắn, liền cúp ga đưa engine xuống idle để giảm hơi nóng, cơ phi xạ thủ tung ra vài trái sáng tay (được trang bị nếu hoạt động trong vùng có SA7), pilot chúi đầu xuống giảm cao độ tức khắc và quẹo tàu lại 180 độ , hỏa tiễn sẽ đuổi theo hơi nóng của mấy trái hỏa châu và nổ ở đó, hoặc mất phương hướng, bay thẳng lên và nổ đâu đó trên cao luôn. Nguyên tắc tránh né là như vậy, và sẽ thoát nạn nếu thấy được sớm, không biết vị thế của cơ phi, xạ thủ và áp tải Chinook ngồi ra sao, còn trên UH1 họ ngồi nhìn xuống 2 bên nên việc quan sát không khó, vấn đề là khi tránh SA7 đảo xuống thấp thì sẽ đối đầu với những hỏa lực phòng không khác nữa, tránh vỏ dưa rồi sẽ gặp vỏ dừa.

Ngày hôm đó phi đội tôi hết ca nghỉ, một phi cơ ở Cần Thơ đưa những bạn xuống ca về Sài Gòn, đáp tàu ở W7, chúng tôi từ SG sẽ bay chiếc nầy về Cần Thơ để ngày mai bắt đầu 5 ngày làm việc. Cất cánh lúc 3 rưởi hay 4 giờ gì đó, sau khi rời tần số phi trường qua Kiểm báo Paris (Sài Gòn) báo cáo phi vụ, lộ trình… thì vài phút sau, khi vừa qua khỏi Long An, Paris gọi lại, bảo liên lạc với Paddy (Cần Thơ) trên cùng tần số, Paddy chuyển lệnh của Phòng Hành Quân Chiến Cuộc KĐ64CT:

“ Hồng Điểu ### bạn đáp phi trường Mộc Hóa, thả hết hành khách xuống đó, lên lạc với Tiểu khu Kiến Tường và ALO đang có mặt để nhận phi vụ tản thương khẩn cấp, giới chức ra lệnh là :….”

Chúng tôi nhìn nhau, phi vụ khẩn cấp là chuyện thường xảy ra, có thể bị điều động bất cứ giờ phút nào, nhưng lần nầy phải thả hành khách xuống một phi trường nhỏ và thỉnh thoảng bị pháo kích là việc khác, nhỡ có chuyện gì xảy ra thì rắc rối lắm, nhưng giới chức ra lệnh là KĐT ( hay Tư lệnh SĐ, tôi không còn nhớ) nên hẳn là việc quan trọng, thôi thì cứ đáp xem tình hình rồi tính sau. Dĩ nhiên là hành khách nghe tin có vẻ bất mãn lắm. Một anh càu nhàu: Đi Cần Thơ mà bỏ xuống Mộc Hoá là sao? Chúng tôi cũng đành lắc đầu.

Đáp Mộc Hóa, nghe tin dữ, một Chinook PĐ249 chuyển quân bị SA7 bắn rớt, PHĐ và nguyên một trung đội Bộ binh tử nạn, hiện đang điều động thêm phi cơ thả lính xuống bảo vệ khu vực rớt tàu và gom góp xác chết lại vì phi cơ nổ trên trời, xác văng tung tóe khắp nơi. Chúng tôi cũng bị chấn động vì sự thiệt hại lớn quá, không có lựa chọn bàn cãi gì nữa, tất cả hành khách, gồm phần lớn là nhân viên của Phi đội hết ca nghỉ, một vài anh bạn của đơn vị khác quá giang, kể cả vài người bạn Bộ binh, đều phải xuống tại phi trường, chúng tôi gỡ hết ghế để trống sàn tàu, rồi cất cánh lên vùng.

Giữ vòng bay phía bắc khu tứ giác, ở cao độ 1000ft để quan sát, một quang cảnh hãi hùng hiện ra, thân chiếc Chinook chỉ còn thấy được phần sau nám đen, rách te tua như bị xé, nằm không xa bờ kinh Ấp Bắc là mấy, chắc lộ trình của họ là bay dọc bờ kinh, nơi được xem là an toàn nhất, còn xác chết thì ôi thôi, nằm vương vãi khắp nơi, trên một diện tích quá lớn, dù đã được các sĩ quan Tiểu khu thuyết trình lúc nãy, chúng tôi vẫn thấy bàng hoàng vì cảnh tượng trước mắt, thật là thảm thương, như thế nầy, không ai có hy vọng sống sót.

Lực lượng lính vừa tăng cường lo gom xác lại, cả vùng nước ngập lúp xúp, cỏ năng cỏ lác mọc cao ngập đầu người, xác chết dễ thấy từ trên cao, nhưng càng xuống thấp càng khó thấy, nhiều chỗ nước sâu, xác nằm dập dình nửa trên nửa dưới đi sát bên cạnh đám cỏ rậm rạp chưa chắc đã nhìn thấy được, công việc của những người lính thu nhặt xác chết quả là gian nan, và chắc chắn là kéo dài, mà giờ đó trời đã về chiều, chỉ vài giờ nữa thôi mặt trời sẽ lặn, họ sẽ làm sao đây?

Những xác thu gom được, trong đó có người của phi hành đoàn, đã được xếp nằm trên bờ đê, nơi chúng tôi sẽ xuống bốc, mấy tiếng đồng hồ vừa qua, họ đã gom được khoảng trên 2,30 xác, và vẫn đang lùng xục trong đám “rừng” cỏ để tìm kiếm, hơn nữa, phần đầu phi cơ với 2 pilot vẫn chưa được tìm thấy nên công cuộc tìm kiếm chắc khó thể chấm dứt đêm nay.

Chúng tôi đáp xuống bờ đê, xác chết được tuần tự khiêng lên, nhìn gần mới thấy kinh hãi, tàu phát nổ nên nhiệt độ và áp suất quá lớn, phần lớn thi thể đều bị cháy đen, nứt nẻ, đa số cũng bị bể bụng, ruột gan lòng thòng ra ngoài, xác nào cũng ướt sũng máu và nước ruộng, nhiều xác bị sức ép mạnh quá bay mất quần áo, có xác chỉ còn lại chiếc dây nịt và dây thẻ bài. Một pilot tản thương đã nhìn thấy bao nhiêu xác chết mà tôi cũng còn thấy rúng động. Thật là thảm khốc. Thi thể một người trong PHĐ còn lại được một phần áo, trên tay vẫn còn phù hiệu SD4KQ, khuôn mặt ướt đẫm, đầu gục xuống vai, đằng sau họ là cả đống ba lô bèo nhèo tơi tả, gia tài của những người lính, và xa hơn chút nữa là mớ vũ khí thu nhặt lại được. Xác chết lần lượt được chở về sân bay Mộc Hóa, từ đó có xe Hồng thập tự đưa về nhà xác lo phần việc kế tiếp. Sau mấy chuyến đầu đơn độc, chúng tôi được tăng cường thêm nhiều phi cơ nữa, nhưng lúc đó thì việc nhặt xác bị chậm lại , vì chỉ còn những xác chết rớt sâu bên trong khu vực, cần đổ thêm quân và Trực thăng võ trang để bảo vệ họ, và bảo vệ vùng phi cơ rớt để tiếp tục tìm phần đầu và 2 pilot của chiếc phi cơ xấu số.

Lúc chúng tôi rời vùng để về Cần Thơ, trời đã tối mịt, quay trở lại Mộc Hóa đón hành khách của mình theo lời hứa ban chiều thì không còn thấy ai nữa, họ đã theo những chiếc khác về hết rồi, nhìn lại tàu của mình, chở ai được nữa đây khi tàu không ghế, sàn tàu ướt sũng những máu, nước, bùn sình và hôi mùi khét lẹt, chúng tôi cũng không khá hơn gì con tàu, cũng dính đầy máu, nước, bùn sình và mùi thịt cháy khét lẹt trên quần áo, là những bộ đồ đẹp nhất để mặc những ngày về phép .

Trên đường bay về Cần Thơ, chúng tôi im lặng, thương cho số phận các bạn mặc dù chưa biết họ, ai cũng ngậm ngùi nghĩ đến chữ Phi hành đoàn: đơn giản, nhưng lại gắn bó, một tai nạn xảy ra là cả PHĐ đều theo nhau vĩnh biệt.

Dường như chưa đủ thấm thía, số phận lại éo le hơn nữa khi vài hôm sau, tôi lại lái một trong hai chiếc đưa xác PHĐ Chinook bị nạn về Tân Sơn Nhất. Vì là một Phi đoàn trưởng, Cố Trung tá Trung được đưa tiễn bằng một nghi lễ từ giã của Bộ chỉ huy Căn cứ 40 và các Sĩ quan đồng đẳng cấp, chúng tôi đưa tàu đến dưới chân Đài kiểm soát Không lưu chờ đợi, và rồi thì sau cùng, 2 chiếc UH-1 cất cánh đưa thi hài các tử sĩ vĩnh viễn lìa khỏi chiến trường để về nơi an nghỉ. Trong nắng mai, 2 chiếc phi cơ lần lượt vượt qua sông Hậu Giang, lấy cao độ, bỏ lại sau lưng thuyền ghe ngược xuôi dập dềnh trên sông nước, bến phà Cần Thơ vẫn lao xao chen chúc bóng người, đó chắc là hình ảnh mà Trần văn Hòa hằng mong ước được thấy như đã từng tâm sự. Nhìn lại xác bạn đàng sau, tôi nói với hắn lần cuối:

Hòa ơi, mầy mong về vùng 4, về được rồi sao không chịu ở mà lại bỏ đi ...

cổ họng tôi nghèn nghẹn, mắt thấy cay cay.

Mây trắng vẫn lững lờ trôi, trời vùng 4 vẫn trong xanh, nắng vùng 4 vẫn rực rỡ. Hai chiếc phi cơ im lặng theo nhau. Không xa, hướng 10 giờ dưới thấp là Dinh điền Phước Xuyên, nơi trái SA7 hôm đó đã nổ.

*************

Hơn 30 năm sau, trong một lần mò mẫm trên internet, tôi tình cờ lọt vào một website liệt kê các phi cơ mà quân đội Mỹ đã xử dụng, trong danh mục phi cơ trực thăng Chinook, có giòng chữ vô tri như sau:

Chinook CH47A(?) sn19010 crashed MocHoa, Vietnam by SA7 12/12/74. 50 killed.

30 năm sau , tất cả chỉ còn có vậy. Hòa ơi.


Vĩnh Toàn.

Tn07
01-02-2013, 05:30 AM
Thiếu Tá Phạm Văn Trung PĐT 249 Chinook

Chuyện kể của Anh Năm Nguyễn Hồng Tuyền.
Sáu Ròm chép lại
(Mến tặng cố Tr/Tá Phạm văn Trung PĐT 249 Chinook đã ra đi vĩnh viễn nơi vùng trời Mộc Hóa).

Chiều hôm nay ngày 8/12/1974, sau buổi họp bất thường với Đại Tá Trần đình Vỵ tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng cuối cùng của tỉnh Bình Định, nói về tình hình cấp bách của tỉnh. Ông đang lo lắng việc phòng thủ trong những ngày sắp tới cho 3 quận phía Bắc là Hoài Ân, Hoài Nhơn, Tam Quan, vì lòng dân và tinh thần binh sĩ đang hoang mang về tin chiến trường sôi động ở các nơi như Bình Long, Quảng Trị, Buôn Mê Thuột, Kontum… Ông đã hỏi tôi một câu: Thiên Phong ơi ! Những con Bò Ung 55 (CBU 55) Mỹ còn để lại đó, nếu trong trường hợp bất cấp anh có thể dùng để bảo vệ dân Bình Định, bảo toàn SĐ22, căn cứ không quân Phù Cát và anh em chúng mình như những ngày mùa hè đỏ lửa hay không? Tôi mỉm cười và trả lời: Chuyện đó dĩ nhiên! Sau khi dùng bữa cơm thân mật với anh Vỵ, Trung tá Bông và tôi ra trực thăng cất cánh trở về Phù Cát. Bông hơi lo và hỏi tôi: Anh năm nghĩ sao về gia đình anh em trong căn cứ, chứ còn Sư đoàn 3 Sao Vàng, mối hận thù bốn trái con bò Ung 55 (đánh không có phép của Bộ Tổng Tham Mưu) vẫn còn đó, chuyến này nó mà over run được căn cứ Phù Cát chắc anh em chúng mình, vợ và các tí nhỏ sẽ được làm sạch sẽ ráo trọi như đồng bào ở sông Hương núi Ngự kỳ Tết Mậu Thân đau thương đó anh năm… Chắc mình phải thi hành lại kế hoạch Alfa Tango (ăn tết) vào đầu tháng 2 -1975, cho các bà và tí nhỏ về Sài Gòn ăn tết năm tới, như vậy mình mới yên tâm uýnh giặc!
Phi cơ vừa vào ụ đậu, đã thấy xe jeep Thành Lai và có cả (Nẫu) Khoa Thái Bá ra đón, Bông lên tiếng: Có Nẫu ra đón chắc anh Năm có chuyện gì gắp đó! Có gì đó Khoa? Trình Đại Tá có công điện khẩn từ BTLKQ, hồ sơ của Thiếu Tá Phạm Văn Trung PĐP 241 Thiên Bằng đã để sẵn trên bàn ở văn phòng. Về đến văn phòng đã hơn 10 giờ 45 đêm, công điện khẩn từ BTLKQ yêu cầu thuyên chuyển Th/Tá Phạm văn Trung về gấp SĐ4KQ để đảm nhiệm chức vụ mới, được bổ nhiệm làm PĐT phi đoàn 249 Chinook Cần Thơ. Theo thường lệ, nếu không có gì trở ngại, con rùa hành chánh của BTLKQ cũng phải ba bốn ngày thủ tục rời đơn vị mới xong, tôi chỉ phê xuống KĐ82 Cần Thơ và Trung Tá Hiếu Đỗ PĐT 241 Thiên Bằng lời thuận để Trung có đường tiến thân .
Lần dở hồ sơ cá nhân của Trung, gia nhập KQ 1/1/1963 khóa 63A, như vậy cùng đợt với các anh em sau nầy giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Lê văn Bút KĐT ở Pleiku, Huỳnh văn Bông CHT PĐ 243 Mãnh Sư Phù Cát, Trung Tá Nguyễn văn Thân cựu PĐT 243 đã tử nạn ở Bà Gi Bình Định. Sau khi Trung tốt nghiệp khóa hoa tiêu trực thăng tại Fort Ruckers Alabama, trở về nước phục vụ tại Phi đoàn 215 Nha Trang cho đến năm 1967 được thuyên chuyển đến phi đoàn 219 Đà Nẵng. Đầu năm 70 trong chương trình Việt Nam hóa chiến tranh, được chuyển từ H-34 qua UH-1 thì Trung được chọn để qua Mỹ học chuyển tiếp CH-47 Chinook, sau khi mãn khóa trở về VN phục vụ tại Phi đoàn 237 Chinook Biên Hòa. Vào khoảng cuối tháng 5 năm 1972 được thuyên chuyển ra Phù Cát làm PĐP 241 Thiên Bằng ở căn cứ 60 chiến thuật SĐ6KQ.
Như một cuốn phim quay lại ngày cuối tháng 5 năm 1972 mùa hè đỏ lửa, ba quận phía Bắc tỉnh Bình Định, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Tam Quan mất vào tay Sư đoàn 3 sao vàng VC. Để tái chiếm phần đất đã mất, cuộc hành quân đại qui mô do Sư đoàn 22BB do Trung Tướng Nguyễn văn Toàn tư lệnh quân đoàn 2 chỉ định phải lấy lại 3 quận phía Bắc, vì UH-1 không đủ nên cuối cùng quyết định đổ quân bằng Chinook tại mặt trận, đây là lần đầu tiên trên chiến trường VN do KQVN thi hành. Đây là một cuộc thử thách cam go và nguy hiểm nên cần người có kinh nghiệm; thành ra lead 1 do Trung Tá Hiếu PĐT, lead 2 do Thiếu Tá Trung PĐP gánh vác trực tiếp trong cuộc đổ bộ không tiền khoáng hậu nầy… Vì 2 anh không nỡ để các phi công chưa đủ kinh nghiệm chiến trường vừa mới về phi đoàn tân lập thi hành. Dù rằng Hiếu Sữa nhưng anh có quyết định vững chắc của người chỉ huy can đảm quá gồ. Trung với kinh nghiệm nhiều chiến trường, càm vuông 2 chân mày cách xa quá chì Tôi còn nhớ rõ đêm tiền đổ quân tôi và các anh trong KĐ60CT gồm: Trung Tá Trương, Thiếu Tá Kim, Thiếu Tá Yên Khều, Thiếu Tá Trai, Thiếu Tá Đạt Đen Thiếu Tá Ân Hiệp Sĩ Mù, 532 Gấu Đen, Thiếu Tá Hiếu, Thiếu Tá Trung, Thiếu Tá Thân và Trung úy Đỉnh Hắc Sư gunship 243 cùng bàn thảo dự định kế hoạch bảo vệ chinook ra quân lần đầu tại chiến trường Bình Định suốt 2 giờ đồng hồ mới xong, kế hoạch được quyết định như sau
- 6 A-37 cơ hữu chia ra ba phi tuần: Lead 1 Trai, Đạt. Lead 2 Yên, Ân. Lead 3 Trương, Kim. Bay trên cao độ 700 bộ hộ tống chinook vào vùng …Alpha phía nam cầu Hoài Nhơn.
- 6 gunships bay kè từ điểm xuất phát English LZ, Phù Mỹ, cho đến khi thả quân xong ở LZ Bravo. Nhờ có UH-1 đổ quân một Trung đoàn 40 làm đầu cầu do Trung Tá Trần đình Vỵ Trung đoàn trưởng nên cuộc đổ bộ trực thăng vận bằng chinook được trong 3 giờ từ 11 giờ trưa đến 2 giờ chiều, đổ hoàn tất Trung đoàn 47 của Trung Tá Đức. Cũng nhờ sự hộ tống A 37 Gấu Đen cùng Hắc Sư quá hiệu nghiệm nên các phi cơ chinook chỉ lãnh vài viên AK cho cuộc thử lửa hiên ngang đầy vinh quang… Một kinh nghiệm về Chinook và một kỷ niệm trong đời khó quên đời chỉ huy của tôi ở Phù Cát đối với anh em CH-47 241 Thiên Bằng. Xin gửi một bó hoa hồng đến Hiếu Sữa, Trung và các anh em trong phi đoàn 241.
Sáng nay, sau buổi họp hàng tháng cùng Thiếu Tướng Tư lệnh Sư đoàn 22 bộ binh Phan Đình Niệm, cũng bàn về tình hình rối ren của quân đoàn 1 và quân đoàn 2, Thiếu Tướng Phan Đình Niệm vừa cười vừa bảo đảm với các trung đoàn cơ hữu của SĐ22BB: Tr/Đ 40, TR/Đ 42, Tr/Đ 47 với câu: chẳng có gì lo ngại cả! Có Thiên Phong đây! Anh em mình ráng bảo vệ vòng đai cho căn cứ Phù Cát để anh Tuyền rảnh tay đối phó với Sư đoàn 3 sao vàng vc bằng những con bò Ung 55, ThiếuTướng Niệm vừa dứt lời với nụ cười tủm tỉm, dễ mến của người anh cả sư đoàn 22 bộ binh. Trung Tá Bông Phi đoàn Trưởng PĐ 243 Mãnh Sư trực thăng cùng tôi có tháp tùng Trung úy Diệp tình báo lãnh thổ , anh là người địa phương Bình Định xã Cát Tường, anh yêu cầu tôi cho trực thăng cất cánh từ bãi đáp căn cứ Bà Gi SĐ22 bay lên phía bắc núi Bà rồi vòng qua quận Phù Cát, bay ngang đồn địa phương quân (đồn Đại Hàn cũ) xã Cát Trinh quẹo về phía tây nam theo các xã Bình Thuận, Bình Thành, Bình Hòa dọc theo bắc nam dãy núi căn cứ chiến địa 226 của Sư đoàn 3 sao vàng VC, để anh quan sát theo dõi các con đường mòn vc thường cõng gạo nhảy núi do tình báo địa phương cung cấp. Trực thăng vừa qua khỏi quận bình Khê đang hướng 90 về đồi 151 phòng thủ phía tây phi trường Phù Cát:
- Mãnh Sư 1…Mãnh Sư 1…Phi Yến gọi over …Mãnh Sư 1 nghe 5/5. Phi Yến nhờ Mãnh Sư 1 báo cho Thiên Phong có Đại Tá Ông Lợi Hồng Sư đoàn phó SĐ4KQ gọi khẩn… Phi Yến đây Thiên Phong …trình Đại Tá SĐP…Thiên Phong sẽ gọi lại trong vòng 10 phút nữa…1:40 Over Phi Yến nghe 5/5. Phi cơ vào vòng bay đáp. Thành Lai tài xế chờ xe jeep sẵn ở bãi đậu, trời vào thu bắt đầu khá lạnh, tôi vừa bước xuống phi cơ Thành đã trao cho tôi áo bluson. Xe về đến văn phòng đúng 1 giờ 39 phút, tôi gọi liền cho Đại Tá Hồng, chuông điện thoại reo :

- Ê Mập, sao bữa nay Chú Ba đúng giờ vậy?
- Sư đoàn phó gọi khẩn … không đúng giờ sợ …bị cho ăn khoai …
- Tao tưởng Chú Ba mày ăn 122 /130 ly…của VC và 15 ngày khinh cấm của Trung Tướng Ngô Du quân đoàn 2 đủ no sợ gì khoai củ …
- Lúc này trời lạnh rồi … các anh em sinh Bắc tử Nam cũng ít quậy phá vì sợ mấy con Bò Ung 55, Phù cát tương đối yên tịnh… nghe nói đâu chúng nó VC chê miền Bình Định khô cằn sỏi đá…Gò Găng trơn lu… chỉ thích đồng bằng cỏ non xanh tươi và cây trái xum xuê. Cửu Long, Mộc Hóa thích hơn vì có cá lóc, cá trê, cá he rô mề…nên tụi sinh Bắc tử Nam mê lắm, chúng nó đang âm mưu gì đó phải không anh Ba?
- Thì cũng có nhưng không thể nói trong điện thoại được...Ê!, Chú Ba cho Thiếu Tá phi đoàn phó 241 về ngày mai 10/12/1974 sắp nhận lãnh chức vụ Phi đoàn trưởng 249 chinook ở Cần Thơ, vì ngày 14/12/1975 Sư đoàn 4 KQ có đi Hotel Quebec đó (HQ) .
-Tuân lệnh sư đoàn phó 5/5! Bye… anh Ba.
Tôi bảo trung úy Thái Bá Khoa chánh văn phòng gọi Đại Tá Trương KĐT 60 CT,Trung Tá Hiếu PĐT 241 và Thiếu Tá Trung PĐP họp khẩn tại văn phòng CHTCC60CT. Các anh em sỉ quan được mời họp đều có mặt đầy đủ. Trung Tá Hiếu và Thiếu Tá Trung vẻ mặt hơi lo lắng, không biết việc gì nữa đây đến với phi đoàn 241. Tôi vừa bắt tay Trương, Hiếu, Trung xong, Hiếu liền hỏi: Ông thầy có chuyện gì khẩn cấp không? giọng Hiếu hơi lo …
- Có khẩn nhưng là tin vui, chiều hôm qua tôi được công điện khẩn của khối nhân viên BTLKQ cho thuyên chuyển gấp Thiếu Tá Trung về SĐ4KQ để giữ chức vụ CHTPĐ 249 tại Cần Thơ, vừa rồi có Đại Tá Hồng SĐP Sư đoàn 4 gọi cho tôi yêu cầu cho anh Trung về gấp ngày mai để nhận nhiệm vụ mới.
- Hiếu không có gì thắc mắc nói: Trung đi là bước tiến cũng vui, nhưng 241 đang thiếu nhân viên phi hành trầm trọng, vì phải chia cho các phi đoàn mới thành lập 247 Đà Nẵng, 249 Cần Thơ. Mỹ đã Việt Nam hóa, bây giờ PĐP lại ra đi ai lo việc biệt phái Pleiku… Buôn Mê Thuột. Chiến trường đang nóng bỏng, đàng nào mình cũng phải chịu thôi…
-Tôi nhìn qua Bảo Trương lo xin C-7, ngày mai có mặt tại Phù Cát lúc 9:00 sáng để đưa Trung về Cần Thơ ghé qua Tân Sơn Nhất để vợ và 2 con về Sài Gòn tạm trú cùng gia đình bên vợ, chừng nào Trung an bề sẽ rước vợ con xuống Cần Thơ. Bây giờ là 4 giờ rồi, chiều nay tôi mời Trương, Hiếu, Trung lúc 7 giờ cùng dùng cơm ở câu lạc bộ sĩ quan để tiễn Trung lên đường nhận nhiệm vụ mới. OK … chúng tôi chia tay.
Đúng 7 giờ, tôi đến CLBSQ, các anh em của Bộ Chỉ huy CC60CT Phù Cát có mặt gần đầy đủ. Đại Tá Phạm Hữu Phương KĐYC, Đại Tá Trương KĐT, Trung Tá Hiếu, Thiếu Tá Trung, Trung Tá Xuân Hy An Ninh, Trung Tá Hai (đen) Liên đoàn phòng thủ, Trung Tá Bông CHT 24, Thiếu Tá Nguyễn văn Xuân phòng huấn luyện, Thiếu Tá Long chuyển vận, chỉ thiếu Trung Tá Nguyễn Đức Hòa KĐTKT, Trung Tá Lê Tuấn Đạt PĐT 532 Gấu Đen bận đi công tác Sài Gòn. Vào phòng ăn đãi khách hôm nay được khăn bàn trắng khang trang có hoa hồng, chén đĩa, muỗng , đũa, thêm 2 ly để uống rượu chát và thực đơn để sẵn trên bàn ăn. Sau khi các anh vào bàn ngồi xong, như thường lệ hai chú hầu bàn bất đắc dĩ là tài xế của tôi, Thành Lai, đọc thực đơn và Xuân khểnh lo mở rượu chát. Trên một bàn nhỏ trong góc phòng, Xuân đã đem tới từ tư thất của tôi sáu chai rượu chát trắng Vin De Sancerre và sáu chai rượu đỏ Cabernay Savignon.Thành Lai cất tiếng thưa Đại Tá CHT và quí vị sĩ quan thực đơn hôm nay gồm có:
- Ba món lai rai gồm: bánh xèo tôm hùm, bê thui tái chanh, sườn dê chả chìa.
- Cơm: canh chua lá vang tôm rằn, cá bóng cát trứng kho tộ, Cá lưỡi trâu chiên giòn sốt chua ngọt, cary dê. Xin hết!
Thành Lai vừa dứt lời, có tiếng Hai Đen lên tần số ngay, Trung Tá Đắc Trưởng liên đoàn tiếp liệu kiếm đâu ra tôm hùm, tôm rằn và cá bóng trứng giỏi quá ta!

Vừa lúc đó Đắc (là quản lý CLB sĩ quan) lăng xăng chạy lên ngồi vào bàn ăn vừa chỉ tay về Trung Tá Hy chánh sở mật thám.
- Có ai dâng cúng vậy? Hy đỡ lời ngay: sáng nay tôi có người em là sĩ quan Đại úy Hải quân ở Qui Nhơn đem lên cho tôm hùm, tôm thẻ và cá bóng cát trứng. Hôm trước chú có nhờ tôi xin anh Long (xe đò) chuyển vận cho máy bay vợ con chú ấy về Sài Gòn …
- Chuyện gì mà có Long xe đò trong đó, có ăn hôm nay nhưng người nhận không phải là tôi đó nghe! Anh em đều cười rộ lên chưa dứt, Long xe đò vẻ mặt đang lo âu: hôm nay mình ăn bê thui tái chanh, ngày mai phải xem lại con bê mới đẻ tháng rồi của anh em đoàn chuyển vận còn hay mất, sao tui lo lo quá vậy cà! Tui sợ anh em phòng thủ đêm hôm qua đi tuần gặp bê đi lạc, rọi đèn thấy mắt xanh xanh tưởng đâu là Mễn phóng sanh nó rồi quá! Hai Đen lên tiếng liền: Đoàn phòng vệ của Thiếu Tá Đoàn Đức Long mừng 3 năm thành lập đoàn, làm con bê đàn bò của liên đoàn phòng thủ đó! Anh em ăn bánh xèo giòn nhưng tôm hùm ngọt lịm quá đặc biệt đặc sãn miền quê Bình Định.
Tới món sườn dê chả chìa, bà vợ Trung Tá Đắc người miền Bắc ướp thịt mùi vị thơm ngon dễ làm ấm lòng người xa quê hương đất Bắc… Thiếu Tá Xuân rỗ đứng lên, tay trái chả chìa, tay phải ly rượu chát đỏ mở lời chúc Thiếu Tá Trung thượng lộ bình an, thành công mỹ mãn…trong chức vụ mới, và cũng xin cám ơn bà Đắc cho món chả chìa ngon hết cỡ…thợ lái! Anh em đứng lên vui vẻ cụng ly chúc Trung vạn sự an lành. Trung Tá Hiếu (sữa) chúc Trung …Mud in your eyes Trung… tiếng la… vô… vô… chưa dứt Hiếu thêm câu: anh em chừng chúng mình hôm nay cùng thầy …ăn…thịt thầy … (là máy Lawn Mower) của thầy để tiễn đưa Trung .

Hiếu xoay qua chú Thành Lai, Xuân khểnh bảo: Ngày mai xem đếm lại bầy dê nuôi để ăn cỏ trước sân cờ và bộ chỉ huy căn cứ coi có thiếu con nào không? Anh em cười rộ lên hoan hô Hiếu Sữa không hết lời. Tới phần cơm 4 món, canh chua lá vang tôm rằn (lá vang Phù Cát mọc cả rừng), cá lưỡi trâu sốt cà chua, cary dê, cá bóng cát trứng kho tộ cũng đặc biệt của miền biển Qui Nhơn. Anh em vui vẻ thưởng thức các món ăn đặc sản của miền quê hương vua Quang Trung. Chỉ còn thiếu Chìn Mun đầm Trà Ổ và chim Mía Phú Phong của quận Bình Khê thôi! Có lẽ vì cuối thu lạnh nên chim mía di tản hết rồi
Trung ngồi kế bên tôi có vẻ lo, tôi liền lên tiếng: Trung rời Phù Cát chắc còn mơ cô lái đò Hoài Ân chứ gì?
- Dạ không đâu anh Năm, em lo là lo cho vợ con về đó biết có nhà cửa như ở Phù Cát này hay không? Không sao đâu! Tôi có nhờ Đại Tá Ông Lợi Hồng rồi, tôi sẽ điện cho Đại Tá Khương KĐT KĐYC sẽ lo cho vợ con anh phòng ốc đàng hoàng. Nhưng, chỉ có một điều là về SĐ4KQ đừng bao giờ chấp nhận đổ quân bằng chinook mà không có đầu cầu vững chắc, tôi không biết anh có được hộ tống và bảo vệ như ở đây không? Ở Phù Cát này anh em chúng mình là dân tứ xứ bị đì, từ anh Đại Tá cho đến ông binh nhì kết chặt nghĩa giang hồ… vườn xoài Phù Cát ngọt ơi! cùng thân thương như thủ túc, không tị hiềm, không ác cảm, sống trong một căn cứ lục bề thọ địch, như cù lao riêng cái tên Phù Cát (VC tứ bề… còn thêm… trên thiên pháo kích … dưới địa đặc công đào hầm chung vô!) các anh em chúng mình vẫn giữ mảnh đất thân yêu ngàn đời của anh hùng dân tộc vua Quang Trung để lại cho con cháu Lạc Hồng.

Trung, em nên để ý vùng đồng bằng cò bay thẳng cánh… chó chạy cong đuôi! Cần Thơ, Rạch Giá, Cà Mau, Trà Vinh, nhất là biên giới Việt Miên vùng Mộc Hóa, mấy người anh em sinh Bắc tử Nam tầm nhìn xa dễ ngắm SA-7 sẽ gây khó khăn nhiều cho chinook. Ráng cố gắng giử gìn thân thể nghe Trung!
- Cám ơn anh Năm, Trung bắt tay tôi trong thân tình đầy cảm mến, sau đó Trương KĐT82CT mời cử tạ cùng nâng ly cầu chúc Trung được mọi sự may mắn trong nhiệm vụ mới. Buổi tiệc tan vào khoảng 11 giờ đêm.
Sáng ngày 10/12/1974 vào lúc 9:00 chúng tôi đưa Trung, vợ cùng 2 con lên C-7 Caribou để về SĐ4KQ Cần Thơ. Khi từ giã, Trung rất mủi lòng bắt tay anh em và chào tôi với đôi mắt ngấn lệ.
- Cám ơn anh Năm đãi em …món bánh xèo tôm hùm đặc biệt… và em luôn luôn nhớ những ngày làm việc dưới sự chỉ huy của anh Năm và căn cứ Phù Cát thân thương… ngày nào Trung trở lại thăm Phù Cát, anh em mình sẽ làm một chầu bánh xèo tôm hùm nữa… cùng rượu chát trắng Sancerre…
Trời ơi! chỉ 2 ngày sau…


Chiều ngày 12/12/1974, cú điện thoại của Đại Tá Hồng SĐP SĐ4 cho hay: Trung vừa tử nạn trong cuộc hành quân đổ bộ dọc biên giới Việt Miên vùng Mộc Hóa, lấy được xác phi hành đoàn và các quân nhân tháp tùng… nghe nói cobil là Đại úy Trần văn Hòa, cựu nhân viên 241 Phù Cát vừa thuyên chuyển về SĐ4 - PĐ249 chừng 2 tháng trước. Tôi lịm người đi, lòng se thắt, tim như ngưng nhịp vì tôi đã mất đi 2 em phi công tài giỏi vừa rời khỏi hợp đoàn và tổ ấm Không Quân để về cỏi vĩnh hằng…Trung ơi! Bánh xèo tôm hùm và rượu vang Phù Cát vẫn còn chờ em đây… Vĩnh Biệt Trung!
Từ ngày bỏ nước ra đi cho đến nay, chúng tôi cố tìm vợ con Trung mà vẫn biệt vô âm tín… Hơn 33 năm rồi tôi vẫn còn canh cánh bên lòng vì không biết tai nạn của cố Trung Tá Trung PĐT 249 xảy ra thế nào?

Giờ đây anh Tuyền. Xin giao lại phần tai nạn của cố Trung Tá Trung cho em SAUROM tiếp tục tường thuật…để các anh em ở Phù Cát tỏ tường …!

Thiên Phong, cuối Thu năm 2008. Ngày buồn Cali.

——————————
Tường trình chi tiết tổng quát:

- Chiều ngày 10/12/1974, Cố Trung Tá Trung về đến Cần Thơ trình diện Không đoàn 64 chiến thuật, trình diện Đại Tá Ông Lợi Hồng. Được tạm cấp một trailler thiếu tiện nghi (máy lạnh) nên cố Trung Tá Trung ngủ tạm phòng nghỉ phi đoàn.

- Sáng ngày 11/12/1974, Cố Trung Tá Trung trực không đoàn, chiều về ăn cơm CLBSQ, vẫn ngủ tạm phòng nghỉ.

- 7 giờ sáng 12/12/1974, phi hành đoàn gồm: Cố Thiếu Tá Hòa, Trung úy Be, Cố Trung sỉ nhất Trung Nguyễn , Hạ sĩ Thạch Đang , Cố Hạ sĩ Quí. Số tàu 010. Tiền phi xong, tàu tốt chuẩn bị quay máy.

- Xe pick up chở cố Trung Tá Trung ra tàu, sau đây là đối thoại ngắn giữa cố Trung Tá Trung, Trung úy Be và Hạ sĩ Thạch Đang. Lời anh Be tường thuật: “Lúc đó Be và cố Thiếu Tá Hòa check tiền phi xong hết rồi sẵn sàng quay máy là đi thôi. Xe pick up chở Cố Trung Tá Trung ra và nói với Be: "em ở lại, anh bay thay em". Lên phi cơ thì Thạch Đang nói với Be: "Thiếu Tá thay cho Trung úy". Câu nói mà đến giờ này, Be không biết là Thạch Đang muốn nói gì? Thiếu Tá Trung thay Be đi bay hay thay mạng; bởi vì người Miên có linh tính nhạy bén lắm! Đến trưa thì được tin phi hành đoàn bị nạn”.
Rất tiếc, nhân chứng sống hiện giờ là anh Đang vẫn chưa liên lạc được, nếu có gì thiếu sót mong các anh bổ túc.

- 7 giờ chiều 10/12/1974 đến 12 giờ trưa 12/12/1974 tính ra thời gian của Tân Phi Đoàn Trưởng chỉ vỏn vẹn 41 giờ đồng hồ .

GIỜ PHÚT NGHIỆT NGÃ …

Mãnh Long 010 trình diện tại phi trường Tân Tịch Cao Lảnh, nhận nhiệm vụ chuyển quân được chia làm 4 chuyến. Lộ trình bay từ phi trường Tân Tịch đi đến Phước Xuyên Mộc Hóa, lộ trình ngắn đi và về chỉ mất khoảng 20 phút, bên dưới là làng mạc dân cư ngụ. Lộ trình cố Trung Tá Trung bay được mô tả là cố định, phải nói là lộ trình chết không xê dịch. Chuyến thứ nhất anh Thạch Đang bị ói , chuyến thứ 2 anh Đang vẫn ói nên cố Trung Tá Trung bảo Đang nằm lại Tân Tịch, Đang cũng muốn nhưng ngại vì CHT còn mới mẻ nên anh cố đi chuyến thứ 3.

Chuyến thứ 4 là chuyến cuối cùng, lời cố Trung Tá Trung nói với Đang: Anh lấy tư cách phi đoàn trưởng lệnh cho em phải nằm lại, tụi anh đi được vì lộ trình rất êm không sao… anh đi chuyến này quay lại đón em về Cần Thơ ăn cơm rồi nghỉ luôn. Chỉ 7 phút sau Thạch Đang nghe báo cáo từ phòng hành quân phát ra là Mãnh Long đã bị SA-7 bắn rớt khi bay qua làng dân. Lúc này, thiết giáp và bộ binh được lệnh phong tỏa, lục soát tìm dấu vết. Thì ra người điều khiển SA-7 chỉ là 1 thằng du kích một chân nằm vùng mở khóa chờ đợi từ lúc nào, như đã nói ở trên; nếu như lộ trình xê dịch chuyến cuối cùng thì có lẽ giớ phút nghiệt ngã sẽ không đến với 010 .

Rõ ràng, cố Trung Tá Trung đã chết thay cho anh Be, và giây phút kề với tử thần, cố Trung Tá Trung đã cứu anh Thạch Đang thoát nạn. Anh ra đi để lại hụt hẫng cho tất cả anh em, con chim đầu đàn mới về mà có tới 2 phần 3 nhân viên chưa được diện kiến. Cái gì đã khiến anh đi bay khi chỉ mới 2 ngày nhận nhiệm vụ? Có lẽ vì tinh thần trách nhiệm quá nặng nề khi đối diện với một gia đình (249) đã phải hứng chịu nhiều cái tang cùng năm1974, anh đã quên đi mối gian nguy đang chờ đợi, như muốn lĩnh hội tất cả mọi khó khăn để sớm giãi tỏa mọi lo nghĩ an nguy trong tâm tư mỗi anh em?

Ngày anh về đơn vị mới với nhiệm vụ mới, chưa tiệc tùng, chưa chiêu đãi dù là ly café đơn vị, ăn cơm nhà binh, ngủ tạm phòng nghỉ, anh chưa kịp làm gì riêng cho bản thân anh với trăm mối lo toan cho đơn vị mới. Sự ra đi của anh để lại ngậm ngùi đau đớn cho tất cả anh em trong đơn vị, xót xa cho anh và cũng xót xa cho chính bản thân trong mỗi người còn lại …

Xin phép anh, chúng em được gọi anh bằng tiếng anh, người anh cả chúng em chưa hề biết mặt. Giờ này hương linh anh đã mờ xa… Thân xác anh đã ngấm mặn lòng đất mẹ… Nhưng hình ảnh của anh, hình ảnh đẹp một Phi Đoàn Trưởng ra đi cuối cùng sẽ sống mãi trong chúng em

…Anh Trung…
SauRom , 06/06/2009