PDA

View Full Version : Muối mặn gừng cay‏



TAM73F
12-10-2011, 10:00 PM
Muối không những đi vào trong văn hóa đời thường, tín ngưỡng mà còn đi vào trong văn thơ, ca dao, vè của người dân. Dưới đây là những câu thơ nói về muối.

Tay nâng chén muối, đĩa gừng
Gừng cay muối mặn, xin đừng có quên
Trong câu hát dân ca quan họ Bắc Ninh có câu
Tay tiên chuốc chén rượu đào
Đổ đi thì tiếc uống vào thì say
Tay bưng chén muối, đĩa vừng
Gừng cay muối mặn, xin đừng quên nhau
Dân ca Bình Trị Thiên
Tay bưng đĩa muối chấm gừng
Gừng cay muối mặn, xin đừng bỏ nhau
Tay bưng đĩa muối sàng rau
Căn duyên ông trời định, bỏ nhau sao đành.
Ca dao Quảng Nam – Đà Nẵng thì có câu
Tay bưng đĩa muối chấm gừng
Gừng cay muối mặn, ta biểu đừng tưởng tơ
Gió ngọt ngào nhiều ngọn xơ rơ
Con chim vào lồng thậm khó, con cá vào lờ thậm gay
Hạt muối mặn ba năm còn mặn
Lát gừng cay chín tháng còn cay
Hai ta ơn trượng nghĩa dày
Chưa bao năm tháng dứt rày nghĩa nhơn
Hạt muối ba năm còn mặn
Lát gừng cay sắc chín nước còn cay
Anh thương em cha mẹ không hay
Ngọn đèn trao trước gió, chẳng biết xoay phương nào.


Ca dao Nghệ Tĩnh có bài:

Muối ba năm muối đang còn mặn
Gừng chín tháng, gừng hãy còn cay
Đôi ta tình nặng nghĩa dày
Có xa nhau đi nữa, ba vạn sáu ngàn ngày mới xa.
Ca dao Bình - Trị - Thiên có:
Muối để ba năm muối hãy còn mặn
Gừng ngâm chín tháng gừng hãy còn cay
Đã có lời chàng đó thiếp đây
Can chi lo chuyện đổi thay rứa chàng
Muối mặn ba năm còn mặn
Gừng cay chín tháng còn cay
Dù ai xuyên tạc lá lay
Sắt son nguyệt giữ lòng này thuỷ chung

Muối mặn ba năm còn mặn,
Gừng cay chín tháng còn cay
Để anh lên xuống cho dày,
Bao giờ thầy mẹ không gả, em cũng bày mùi cho
Muối ba năm muối hãy còn mặn
Gừng chín nước gừng hãy còn cay
Nợ nhà giàu có thì trả, không thì vay
Duyên chàng nợ thiếp chớ đổi thay bạn cười
Muối ba năm muối hãy còn mặn
Gừng chín nước gừng hãy còn cay
Đạo vợ chồng chớ có đổi thay
May thì đặng câu danh vọng, rủi ăn mày cũng theo nhau.


"Tay bưng dĩa muối chấm gừng
Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau"
"Muối mặn ba năm còn mặn
Gừng cay chín tháng còn cay
Dù ai xuyên tạc lá lay
Sắc son nguyện giữ lòng này thủy chung."

"Tay bưng dĩa muối sàng rau
Căn duyên ông Trời định, bỏ nhau sao đành"
"Có mặt mình ăn muối cũng vui
Vắng mặt mình một bữa, không vui chút nào"
"Ở nhà cơm hẩm, muối rang
Bữa ăn có thiếp có chàng vẫn vui."
Họ còn so sánh tình yêu với nghề nghiệp cũng hay lắm:
"Bấy lâu ăn ở thuyền trên
Bởi anh hàng muối cho nên mặn mà
Xuống thuyền nhịp bảy nhịp ba
Trách anh hàng trứng ở ra hai lòng" .

Như trên đã nói về vị cay của gừng, là một vị cay khá dễ chịu, luôn tượng trưng cho
sự nồng ấm:

"Ước gì em biến nên gừng
Anh biến nên cá, ở chung một nồi"
Nhưng ớt có vị cay "muốn khóc", đại diện cho các nàng Hoạn Thư:
"Ớt nào là ớt chẳng cay
Gái nào là gái chẳng hay ghen chồng
Ớt nào là ớt chẳng nồng
Gái nào là gái có chồng không ghen"
"Thân em như ớt chín cây
Càng tươi ngoài vỏ, càng cay trong lòng."
Vậy mà tình yêu có thể làm thay đổi vị cay của ớt đó, bạn tin không?
"Nhác trông thấy bóng anh đây
Ăn chín lạng ớt ngọt ngay như đường."
Ăn 900g, tức gần một ký ớt mà khen ngọt thì một là... ớt Đà Lạt, hai là mất vị giác như cô cung nữ trong phim "Báu vật Hoàng cung" rồi! Nhưng tình yêu có sức mạnh khiến người ta vượt qua đắng cay như thế đấy!


Còn vị chua thì sao? Đó là vị có ma lực quyến rũ khiến người ta chảy nước bọt nhưng
nếm thử thì nhăn mặt:

"Trèo lên cây chanh, ngã áo bọc chanh
Ơi người quân tử tài danh
Chớ thấy chanh chua mà chép miệng
Chớ thấy gái lành mà mê
Chanh chua tui cũng không thèm
Quít ngọt tôi cũng không mua
Bởi thằng em tôi dại miệng, nên thấy chanh chua nó thèm."

Vị ngọt đã được đề cập khá kỹ trong "Vị ngọt quê hương". Còn mớ hành, tiêu, tỏi,
hẹ thường được gộp chung, nó tuy được dùng với lượng nhỏ nhưng không thể thiếu,
như đời không thể thiếu tình yêu:

"Ăn tiêu nhớ tỏi bùi ngùi
Ngồi bên đám hẹ, nhớ mùi rau răm"
Đây cũng là một kiểu "đứng núi này trông núi nọ" một cách "nữ công gia chánh" hơn. Nhưng nó cũng chứng minh người ấy không hề "có mới nới cũ":

"Ăn tiêu lại nhớ mùi hành
bạn có nem gà, chả vị cũng nhớ rau canh thuở nào"

Có lẽ bị phụ tình là nỗi đau khó thể diễn tả cho chính xác, nên cô gái này bèn "tổng hợp" một mớ gia vị phong phú với nhiều mùi chọi nhau chan chát:

"Em đây thiệt khó chớ không giàu
Giả như lá hẹ bỏ màu thơm tho
Lá hẹ thơm tho cũng nhờ nước nóng
Anh ở làm răng cho đằm đẹ như nơm
Chớ ở bờm xờm như muối lâu năm
Ra đứng vạt gừng rưng rưng nước mắt
Ra đứng vạt tỏi, vòi vọi trông hành
Chim kêu xấu xa xấu vói trên cành
Đây chưa bỏ đó, đó đành bỏ đây."

SOURCE: http://www.cadaotucngu.com/diendan/topic.asp?TOPIC_ID=239

Sưu -Tầm