PDA

View Full Version : Tạ Ơn Đời Đãi Ngộ



Tinh Hoai Huong
11-24-2011, 03:27 PM
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd/HQPD_1322147963.jpg


Tạ Ơn Đời Đãi Ngộ
Thương kính trao về đại gia đình Trần Ngô




Vào tháng ngày gần cuối đời có lẽ ba má Mười ngao ngán cảnh đời ô trọc, nhân tình thế thái lọc lừa, dối trá. Nay ba má chọn nơi Mỹ Chánh nầy làm quê hương thứ hai chăng? Không đi tu ở đâu tốt bằng chốn rừng sim bạt ngàn nầy thật! Nơi cái xứ mà bầu trời hầu như rực lửa, chẳng bao giờ dịu mát lớp da đất. Mùa hè gió phương Nam thổi từng cơn nóng khô hừng hực, xoáy theo nhiều con trốt bốc hốt tất cả mọi thứ gì có trong tầm cuốn, tàn phá, cướp giật nhà cửa ít nhiều.
Mười ví ba má giống như Khuất Nguyên, thời Chiến Quốc lưu loạn liên miên. Cổ nhân là người trí thức hữu ngã, hữu nghì, tài trí, đức hạnh, là bậc trượng phu ngay thẳng, nhưng gặp Sở Hoài Vương bất tài, nghe lời xu nịnh nên Khuất Nguyên bị lưu đày, rồi chết thảm. Hoàn cảnh cổ nhân ngày xưa, và ông thầy thuốc sắp đến tuổi "cổ lai hi" nầy, không khác chi mấy. Có khác chăng là ở chỗ biết vận nước đến thời kỳ tha hóa, ba tự giam mình trong góc núi, lánh xa bể đời luân lạc, mong phục hồi mảnh đất trống, khô cằn sỏi đá đã bị đời vùi dập tơi tả, chính phủ chưa cần trưng dụng, lịch sử bỏ quên. Quên Đất Nước, quên con người. Nhưng, có hai người không quên ba; Một người là em của ba: chú Trần văn Lý, người làng Cây Đa, Phủ Hải Lăng, chú đã đứng ra lập Hội Đồng Chấp Chánh tại Trung Kỳ. Chú làm Thủ Hiến Trung Việt năm 1948. Người thứ hai là ông Trần Văn Hữu, người lập ra Quân Đội Quốc Gia, là một chính khách lỗi lạc. Công dân quý trọng ông, đồng tiền thời đó có giá trị cao, tương xứng với mức cần lao. Đồng bào được đãi ngộ xứng đáng. Hai ông đã mời ba tham chính. Ấy vậy mà ba chỉ mỉm cười hoà nhã cám ơn, ái ngại lắc đầu. Xin không.
Ba má chỉ lặn lội tìm về nơi hoang dã. Đó là phần cuối con đường đi tìm sự sống. Bên người già nua run rẩy trên luống đất thiếu mầu mỡ, thiếu tin tưởng. Đó là kết quả một đời lao lực, cần mẫn của mẹ cha, đã nhỏ từng hàng nước mắt chan mồ hôi hột, trên luống đất khô cằn. Ba má vẫn không sờn lòng cấy lại nắm mạ đầu tiên, với hy vọng bừng lên sóng mắt bờ môi. Không có máy cày, thì con người làm thay trâu bò, vươn vai ưỡn ngực ra kéo, cổ cày vai bừa.
* * *
Trước tiên, Mười tạ ơn Thượng Đế cho con người có sức lực bền bỉ, dẻo dai, can đảm phi thường như ba má. Ngài ban cho sự sống ở môi trường nào, mức độ nào, gia đình Mười vẫn sống kiên cường, trong sạch và danh dự, cố vươn lên với đời. Khi ba má rơi vào hoàn cảnh cay đắng, Mười không hiểu ba má có hối tiếc vì quyết định (có thể sai lầm), lúc họ trở về trên bờ quê nghèo xưa cũ không? Con đường nào cũng có ánh sáng và bóng tối, có vinh hoa và cơ hàn, điều kiên định dứt khoát duy nhất là: Ba má đi trên con đường đó, có khả năng phán quyết sự vật trong bóng tối cơ cực. Hầu vượt ra ngoài ánh sáng sung mãn không? Hay, đôi khi ở ngoài ánh sáng còn bị thất bại! Mười chẳng thấy ba má thở than, mà có phần cam chịu qua nhân cách sống vị tha, ba má coi trọng hạnh phúc, tình thương, phúc lợi người khác hơn sống cho mình. Ba đúng là vị lương y như từ mẫu. Vẫn hay, ba má không muốn thổ lộ nỗi niềm, xin người khác nhỏ giọt chút lòng trắc ẩn?
Không niềm vui nào khác ngoài việc trong nhà Mười thích nghe radio thường xuyên. Gia đình bây giờ gồm có bốn người, (ba má, anh Thuyền, Mười) rất biết ơn người đã chế tạ ra chiếc radio. Người đã nghĩ ra việc thiết lập đài phát thanh. Qua làn sóng điện, chúng ta có thể nghe nhiều chương trình vui vẻ & hữu ích. Mười xin cảm ơn các nhạc sĩ đã phổ lời thơ ý nhạc vào lòng đời. Dù xa xôi muôn trùng cách trở tận góc núi đầu ghềnh. Dù tay chân bận rộn vô vàn, bên tai mình vẫn nghe được bao nhiêu chuyện buồn vui xếp lớp lăn tăn, hoặc nghe giọng ca ấm áp tình người qua lời ca tuyệt hảo: đã thở vào không gian lẫn thời gian, như: Duy Trác, Sĩ Phú, Anh Ngọc, Tôn Thất Niệm, Mai Hương, Lệ Thu, Thanh Thúy, Bạch Yến, vân vân… và giọng ngâm thơ dạt dào âm điệu trữ tình Hồ Điệp.
Nhất là gia đình Mười cần thùng thư cũ kỹ nhỏ xíu, nhưng rất quan trọng đối với gia đình Mười. Không có thùng thư, không có truyền thông báo chí, thì gia đình nầy không thể liên lạc với ai. Không hề biết tin tức xảy ra trong nước, qua tờ nhật báo mà ba đặt mua mỗi ngày. Mười cám ơn: Sở Bưu-điện, những người phát thư. Những nhà in ấn báo chí. Những văn, thi, hoạ, nhạc sĩ đã nhiệt tình trải lòng mình ra viết nhiều truyện hay khắp đó đây.
Ngày xưa ba má cho Mười tung tăng đến trường, vui vẻ vô tư lự hồn nhiên, như cánh bướm đầu xuân gặp nắng mới, Mười không biết lo đói khát, nhọc nhằn, vất vả, âu sầu. Vật chất không làm Mười lo toan phiền muộn. Còn bây giờ? Vấn đề quan trọng là làm sao có tiền mua thức ăn cho tám người lực điền dùng. Lo tiền trả công nhật cho họ vào chiều thứ bảy? Lo thu gom đống củi khô vào chất bên chái hiên nhà, để ngoài sân cơn mưa rào bất chợt, bị ướt, làm sao nấu thổi? Mười rất biết ơn người nông dân đã ra sức làm lụng vất vả, nhọc nhằn. Để người chủ và nhà nông cùng chia sẻ cơm ăn áo mặc. Tìm đâu có gạo, mắm, lương khô mà dự trữ mùa đông? Khi cơn mưa phùn gió bấc, cơn rét rừng lạnh xé ruột da, nếu không có người dệt cửi, không có thợ may thì không có áo ấm che thân! Sung sướng thay khi mình không phải chạy lo từng ngày. Nếu vườn nhà ai gần hơn, có lẽ anh Thuyền, và sẽ có Mười theo anh, hái trộm rau cải, cây trái làm món ăn. Thật thế! Vấn đề giáo dục, trí dục, đức dục, đạo đức ở học đường, qua sách vở, từ chương. Nay trở thành khôi hài đen trước nỗi cùng khổ. Thì, giờ giáo huấn công dân, "Tủ Sách Học Làm Người", là con số không rỗng tuếch. Sách vở, bút viết, giấy trắng mực tím mực xanh, mà làm gì, nếu mình đang "đói rã ruột". Khi sự đói khát đẩy con người đến cao độ, nàng tưởng tượng, thèm miếng ăn kinh khủng. Mười mơ mình giàu sang, ăn toàn cao lương mỹ vị. Chỉ cần nghĩ đến thôi, nước miếng đã ứa ra đầy miệng, là Mười cảm thấy khát khao, cố tìm mọi cách, để có món ăn. Dù là món ăn đạm bạc nhất. Thế nhưng, Mười vẫn tri ân những ngôi trường cũ, và nhất là trường đời đã dạy nàng học hỏi nhiều điều thú vị qua những năm tháng lớn khôn.
Anh Thuyền bẫy hụt con chim hoàng anh rất đẹp, anh sợ nếu nắm chặt, nó sẽ chết. Nên anh nắm nhẹ quá, nó mỗ vào tay, vùng ra thoát thân. Hai anh em đứng dưới cây tùng cụt cành, tiếc hùi hụi ngẩn người nhìn theo con chim hoảng hốt bay vút về chân núi. Trên tay anh vương lại vài lông ống, có tí máu hồng tươi. Anh Thuyền không dám bẫy bắt chim nữa. Mười thẩn thờ đem chiếc lông chim vào nhà, cắm trong lọ sứ nhỏ trên bàn học, vẩn vơ buồn suốt mấy ngày. Thời gian trôi qua, giữa bến bờ yên lặng kéo dài, cánh lông không còn tươi màu vàng sáng, sắc nét như xưa. Gợi lên lòng Mười buồn phiền nhiều hơn khi chim Lẻ Bạn:
Mỗi ngày bên khung cửa.
Nhìn qua nóc nhà xưa.
Tôi ngỡ ngàng quan sát:
Con sáo đậu dàn thưa.

Hai con kia rỉa cánh.
Một con nằm ngắm mây.
Bạn tình trên góc ngói.
Thơ thẩn nhìn mây bay.

Cho đến mãi một ngày.
Hai con kia không thấy.
Đã vỗ cánh xa bay.
Một mình sáo còn lại.

Trong gió đứng bơ vơ.
Lạc lõng và trông chờ.
Tiếng gọi đàn thương nhớ.
Mình cảm thấy ngẩn ngơ.

Buồn xa vắng mênh mông.
Lẻ bạn giữa trời đông.
Dù chỉ là chim sáo.
Tha thiết tình mặn nồng.

Giọng kêu chim lạc đàn.
Lặng lẽ hờn tiếng vang.
Còn đâu lời chim hót
Thánh thót xuân tình sang. (*)
Ít lâu sau, Mười lấp ló nơi song cửa nhìn hai con sáo làm tổ, dưới nhánh chạc ba cây vú sữa, cạnh góc hiên nhà. Cạnh cây dừa, chim ác là là thân đen nhánh, có khoan trắng ở ức, nó không biết làm tổ, nên rình tổ trống, vào đẻ trứng nhờ. Mười lắng nghe anh chị chim líu lo trò chuyện, nhẹ nhàng thánh thót. Nàng đoán nghĩ hôm nay chúng vui hoặc buồn. Nàng cười vu vơ, dõi mắt nhìn công việc xây tổ diễn tiến đến đâu. Một hôm, Mười ngồi nhặt rau bên hiên nhà, thì nghe tiếng chiêm chiếp, ríu rít non nớt trên tổ. Mười đứng dậy nhìn lên. Hai cái đầu nho nhỏ lơ thơ vài sợi lông, mỏ vàng mở lớn, chim ngóng cổ dài đưa qua đưa lại, run run, chờ mẹ mớm mồi. Sau đó ít lâu, nàng thấy bố mẹ làm huấn luyện viên, cho bầy con nhỏ chuyền cành, bay từng đoạn ngắn. Khi mọc đủ lông cánh, chim bay đi xây dựng tổ ấm riêng. Thỉnh thoảng quyến luyến quay lại chốn xưa, xôn xao, ríu rít ân tình. Lạ thay, lúc trưởng thành quay trở về chốn cũ. Chim rủ thêm nhiều bạn bè thân thuộc, nội ngoại hai bên, hội hè đình đám ríu ra ríu rít suốt tháng. Chúng cất cao tiếng hót thâm tình lảnh lót bay xa, hân hoan hòa ái, không hề biết mỏi mệt. Chúng tri ân nơi chúng đã chào đời. Cây vú sữa càng đông vui. Má vãi gạo, lúa, ra sân cho chim ăn. Chim có đàn cất tiếng hót thật hay. Như thể chim biết tạ ơn người ưu ái đãi ngộ.
Nhìn đàn chim chao cánh lên trời cao trong tiếng phi cơ gầm rú, Mười lại trang trọng nghĩ đến những người Lính Việt Nam Cộng Hòa, và tri ân họ: Anh pilot lả lướt vút cánh vào vùng đạn mũi tên. Anh Lính Dù bay bướm lơ lửng trong không trung. Anh Hải Quân hào hoa trên những giang thuyền dập dồn sóng vỗ. Anh lính Bộ Binh, Thủy Quân Lục Chiến. Thiết Giáp. Cảnh Sát. Địa Phương Quân, vân vân… Họ băng rừng vượt núi, lội đầm lầy, hầu giữ gìn non sông Việt Nam gấm vóc không hổ danh là Hòn Ngọc Viễn Đông. Lính đem an cư bình yên đến từng ngỏ nhà. Thì, Nếu Anh Là... Người Thương
Nếu anh: Lính Nhảy Dù
Can trường giữ biên khu
Sánh vai ta cùng bước
Nắm tay diệt quân thù.

Nếu anh là Bộ Binh
Hay là lính Pháo Binh
Đọc thư em dịu ngọt
Những vần thơ chân tình.

Anh là Thiết Giáp quân
Em là mây mùa xuân
Lang thang trên đầu núi
Che nắng cho người thân.

Nếu anh là Phi Công
Lả lướt trên thinh không
Em là vì sao sáng
Soi đường giữa đêm đông.

Nếu anh : Lính Hải Quân
Em mơ là Nữ Hoàng
Nối nhịp cầu tao ngộ
Tình yêu xuyên đại dương.

Nếu anh yêu QUÊ HƯƠNG
Cùng chung một con đường
Em nguyện làm thi sĩ
Đem thơ trải tình thương. (*)
* * *
Tháng ngày dần qua, dần qua trong niềm tiếc nhớ không cùng về dĩ vãng đậm mầu, đã một thời đượm nét phong phú hân hoan. Một mình Mười trở về len lỏi trên con đường mòn vắng khuất, nàng lặng lẽ nghe tiếng lá khô lao xao trở mình… Tiếng vạc kêu đàn lẻ loi. Tiếng còi tàu buồn bã rúc trong sương chiều phủ sớm. Con tàu đã đi xa khuất, còn để lại một dải khói trắng đục cuồn cuộn kéo dài lướt thướt đến tận chân mây, trôi trôi trên phiến trời mùa đông xanh xanh bàng bạc. Nhìn con tàu kéo theo dải lụa xám đục, khiến lòng Mười buồn bã vô hạn, trong lúc tiếng bước chân Mười quạnh hiu, cô lẽ dẫm trên sỏi đá lạo xạo. Mùa Hè gió Lào thổi qua dãy trường sơn, nóng muốn lột da. Tiếng lá tranh xào xạc lùa trong gió mùa Thu rì rào. Mùa Đông gió Bắc thổi về, lạnh run cầm cập, cảnh vật thảm sầu, cây cối tàn tạ bật gốc, ngả nghiêng. Phiền úa. Chao đảo.
Tất cả... Mười nghe rõ, như tiếng lòng vang vọng. Buồn thiu. Còn đâu nữa những ngày yên vui bên mái trường xưa. Nơi có chuỗi cười giòn hồn nhiên vỡ toang cổ họng! Còn đâu tháng ngày tung tăng dạo bước, cùng bạn bè qua bao thác mộng hồ mơ! Đâu còn ngày cũ vai kề vai, tay trong tay, mắt nhìn mắt, môi tìm môi. Hai người chụm đầu bên nhau, ngắm nhìn mặt trời êm ả gửi muôn tia nắng vàng rạo rực thương tặng trái đất!? Còn đâu suối gần đồi xa, cánh đồng cỏ nâu vàng êm mịn như nhung, lấp ló ngàn tia nắng lung linh đuổi nhau trên lá cỏ. Mặt trời âu yếm nhảy nhót trên hai mái đầu xanh chụm lại. Ta đọc cho nhau nghe bức thư tình thắm thiết. Tìm đâu thấy con đường đất đỏ, ngoằn ngoèo uốn lượn thấp cao, xẻ sườn đồi ra làm đôi. Đâu đêm đông buốt giá xứ lạnh Lâm Viên Đà Thành. Dưới bầu trời đầy sương mù, có đôi bạn nhìn lên chòm cây tìm đếm các vì sao e lệ qùy gối bên nhau nép mình bên đài mây. Mình cùng ngắm nhìn đời sống phù dung trần thế. Còn đâu buổi trưa Hạ rạo rực tình thư. Ngày Thu xôn xao nỗi nhớ. Chiều mùa Đông ấm áp mật ngọt tình hồng cạnh lò sưởi! Ôi! Quá khứ xa xôi, tưởng đã tàn phai theo tháng năm, nào ngờ đang bừng dậy theo bước thấp bước cao, trôi về trong đời sống khổ hạnh, lắm ưu phiền. Cái tình nho nhỏ chia xa, Mười tưởng chừng có ít sợi tóc đã rụng. Thật ra, đây là một cái đầu đầy tóc rụng! Thực tế khổ đau. Thực tế buồn lắm! Và; Kỷ niệm chẳng thể phôi pha.
Mười đóng khung cuộc đời mình nơi khu rừng già hoang vắng. Không ai biết mặt biết tên. Giản dị âm thầm, chất phác nghèo nàn như cô thôn nữ đồng nội được số phận an bài. Cuộc đời nàng sẽ bình thản, không khùng câu mồi bằng miếng bả phù vinh, hầu đạt đỉnh chung trong hoàn cảnh quá ư khắc nghiệt sao!? Tuy nhiên, rảnh rang đôi chút, Mười mở lại xấp thư cũ, nhìn ảnh chụp chung với bạn ở Đà Lạt, nàng xót xa tự hỏi: "Ơ! Có một thời xa xôi nào, mình sung sướng vô tư lự, vui vẻ hồn nhiên đến thế sao? Một Thương-Mười tươi thắm giữa vườn hoa học trò, có người yêu hào hoa phong nhã. Và mình đã sống nơi chốn phồn vinh ấy sao? Thật đúng là nàng đã sống những ngày qua. Chứ không là mơ?" Chính tháng ngày sống gian khổ sau nầy nơi chốn nhà quê, vào vùng chiến tranh, đã cho Mười biết bao đấu tranh với từng cơn bão lòng. Ngắm ảnh bạn cất trong album, bên góc va ly, rồi nhìn mặt mình từ phiên gương nhỏ phai mờ, chiếu rọi lại. Mười thấy nhói buốt từng cơn đau trong tim. Ước gì đằng sau tấm gương rạn nứt nhiều miếng kia, họ đang chứng kiến Mười có cuộc sống thế nầy. Bạn sẽ cười vui, chìa tay ra đón tôi. Hay tôi chỉ thấy phản ảnh phiên gương lạnh lùng!?
Lòng Mười chợt nao nao, xót xa, nhớ nhung, ưu phiền man mác, ấy mà… nàng vẫn nhớ ơn ân tình đó bất tận. Một áo lạnh nhung mầu vàng mơ, kỷ niệm ngày ấy do chàng ân cần trao tặng. Chiếc áo sao gợi biết bao nỗi buồn phiền, không vui thích. Tại sao? Có phải nay Mười chỉ còn một chiếc áo mong manh nói lên phận nghèo, sự tàn phai theo tháng ngày đong đưa nỗi nhớ thương, mến tiếc trên nhánh thời gian? Lắm lúc, Mười nằm vắt tay lên trán, nhìn mái tranh thủng lỗ, đem ánh mặt trời xuyên qua, nhảy nhót trên nền đất nện mốc meo. Nàng nghe tiếng kèo cột rít khô khan, vặn mình răn rắc. Mỗi lần gió mưa chuyển mùa, thì bấy nhiêu dự tính tốt đẹp của cô gái phơi phới nét xuân-thì, chợt tiêu tan theo mây khói. Cổ nhân đã nói: "Thứ nhất vợ dại trong nhà. Thứ hai nhà dột. Thứ ba nợ đòi". Gia đình nầy hội đủ ba yếu tố đáng buồn chăng?
Dẫu sao sống trong vùng lửa đạn liên miên, Mười vẫn xin cảm ơn mái nhà tranh đơn sơ: nơi đã từng là chốn dịu êm nồng thắm cho gia đình Mười an vui trong cơ hàn thanh bạch. Vậy mà chốn đơn hèn ấy từng ấp ủ đầy tình yêu thương cuống quít mẹ cha ngọt ngào, đã cho chúng con mật ngọt tình yêu gia đình đằm thắm. Cho con biết quyến luyến tình thân thiết với tha nhân, có tình quê nồng nàn. Và hòa ái tạ ơn bếp lửa sưởi ấm mình trong ngày đông giá rét. Ánh lửa hồng nhảy lung linh tự miền quê chân chất, đã lồng vào tình người Việt Nam thấm đẫm hương yêu trong ta...


_ * _


tìnhhoàihương
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd/HQPD_1322148259.mp3