PDA

View Full Version : Đà Lạt nên thơ quyến rũ vô vàn...



Tinh Hoai Huong
10-21-2011, 11:39 PM
2113

Đà Lạt nên thơ quyến rũ vô vàn
Xin gửi đến anh DZUNGUYEN72C và qúy vị thân kính về:
"góc Đà Lạt vàng son một thuở xa xôi..."
***




Khúc xạ ánh sáng mặt trời chiếu xuyên qua lớp khí quyển ướt ẩm, khô, lạnh tỏa bảy tia quan phổ: đỏ, vàng, lam, chàm, lục, cam, tím. Mưa phản chiếu tia nắng ở góc nhọn 42 độ, tạo thành chiếc cầu vồng rất rõ, ánh đẹp, phong cảnh tuyệt diệu mờ ảo trong làn sương mù lơi lả buông. Đám mây mọng nước giăng tơ trời nũng nịu kéo lê thê sau lưng ngôi trường Grand Lycée. Du khách thơ thẩn thả gót phiêu bồng trong lòng đô thị tĩnh mịch. Khi phố đêm len lén tràn về ướt sũng mưa phùn và sương muối bện quyện lại với nhau, thì càng về khuya dường như càng lắng đọng bất tận, yên ắng lạ lùng. Cảnh vật trở nên thơ mộng giữa khí lạnh tê tê, buốt buốt, mơn man da thịt, những thứ đó đã quấn quýt ăn sâu vào lòng người. Đà Lạt càng dễ yêu. Thi vị. Duyên dáng. Thơ mộng và quyến rũ xiết bao lúc mùa xuân bừng dậy nơi nơi!
Quê hương Đà Lạt của nàng có hai mùa mưa nắng rõ rệt. Mùa Hè là đầu mùa mưa, trời tháng Hạ vần vũ mây xám, từng cuộn mây bay ngang đầu, mất hết rồi bộ cánh rừng xanh tươi trẻ đẹp ngày xuân khoe sắc lá. Mưa đêm nầy qua ngày tháng khác trên núi đồi cao ngất, ngút ngàn. Muôn triệu hạt mưa nặng trĩu to tròn rơi bồm bộp trên mái tôn. Nàng yêu tháng ngày mưa dầm không biết mệt, trời luôn ảm đạm, dù mưa nhưng ấm áp. Thỉnh thoảng… lâu thật lâu có kèm theo mưa đá hột to hột nhỏ. Dì cháu nàng thích thú nhặt mưa đá bỏ vào ly (trong khi những nhà làm vườn thấy mưa đá, là họ lo buồn rầu rĩ; vì nó hủy hoại hoa màu tan nát, hư hỏng rất nhiều loại rau). Mười thương mỗi chiều gió mùa Đông Bắc lồng lộng vút trên đỉnh núi cao, sấm sét chớp lia lịa ở góc trời lúc choạng vạng, gió uốn cong cành cây mimosa nghiêng ngả, thấy mà thương. Thân cây đau đớn rên rĩ vặn mình kêu rắc rắc, dường như muốn gãy. Chùm hoa ướt sủng nước rên rĩ quật lui quật tới tả tơi, hòa với tiếng sấm chớp gầm thét dữ dội, gió hú từng hồi kinh dị trên sườn đồi. Gió lọt qua khe cửa rít lên vút vút nghe đầy ớn lạnh, buồn bã đơn điệu vô cùng. Thấy thương làm sao! Thành phố chập chùng uốn lượn quanh những đồi thấp núi cao luôn mờ mờ, nhạt nhòa, ẩn hiện sau làn sương ẻo lả, mỏng manh. Những cơn mưa lăn tăn vào độ cuối đông chuyển hạt nhỏ, nhẹ tênh như bụi phấn, mưa phùn âm thầm lả lơi đậu trên mái tóc lữ hành. Nước ban mai ở các hóc đá, suối, hồ, khe, chưa chảy kịp, thì nước buổi chiều đã dâng lên cao, chảy xối xả về cuối nguồn. Cuối đông dật dờ cơn say gió bão còn luyến tiếc len lén mang khí lạnh ào ào bay vê,̀ lấp ló ve vuốt bên thềm năm mới; như trêu nghẹo nàng Xuân, Hạ Thu Đông se sẻ ỏn ẻn chúm chím nụ tình.
Nhà nàng ở ngay đầu ngã tư Pasteur và Yersin, khuôn viên đất khá rộng, giáp ranh bên trái là nhà thờ Tin Lành. Sát vách nhà thờ Tin Lành (bỏ hoang) là Tòa Án và đường Phạm Phú Thứ nhìn chéo xuống là nhà thờ Tịnh Tâm, cũng là Trung Tâm Công Giáo Tiến Hành nằm trên đường Đoàn thị Điểm. Lên trên đồi cao (sau lưng nhà) cuối đường Pasteur, rẻ ra một con đường đá đỏ là lên Dinh III, an tọa trên ngọn đồi cao. Dinh nầy rộng rãi và đẹp nhất trong số ba dinh. Nhà nàng ngó mặt qua bên Tiểu Khu Đà Lạt. Gần trường Trung học Kỷ Thuật Lasan (25 đại lộ Yerin) và góc đầu đường Đào Duy Từ (nhà Bò). Các “Freres” đảm nhận dạy học nghề (Kỷ Thuật) rất nổi tiếng. Đứng trên lầu nhà nàng có thể nhìn thấy gác chuông nhà thờ chính tòa cao ngất in hình con gà báo thức ở chóp đỉnh (con gà không biết gáy, dù bình minh hay hoàng hôn, hoặc trong canh khuya mặc lòng). Mỗi sáng, trưa, chiều, tối, nàng chỉ vẵng nghe tiếng kinh mõ ngân nga trong rừng thông, thoảng nghe tiếng chuông chơi vơi giữa núi đồi, báo hiệu hừng đông hay hoàng hôn thinh lặng trong bầu trời đầy rung cảm. Từ trường Kỷ thuật Lasan thẳng tới hướng Ty Cảnh Sát, nhà thờ con Gà là trường Trí Đức phía sau nhà thờ, rồi Bưu Điện và hotel Du Parc ở trên đường Yersin. Trường Kỷ Thuật Lasan do chi nhánh từ trường College A’ Dran nằm tít tắp dưới thung lũng sâu cuối đường Bá Đa Lộc. Từ ngoài đường Yersin qua ngã ba Bá Đa Lộc (và góc hotel Palace), nhìn ra hồ Xuân Hương là khu đồi hoang vu rừng Ái Ân). Du khách có thể nhìn Chủng viện Giáo Hoàng, dòng Don Bosco, Dinh I, v.v...
Mùa xuân năm ấy hoa anh đào tươi nắng rộ nở trên ngàn cây ngọn lá, gió lả lơi đùa với nội cỏ, thì nàng hồn nhiên vui vẻ lạ thường cùng bạn: Phú, Du, Hạ, Lễ, Tài, (họ ở Sài Gòn lên Đà Lạt ăn Tết, bởi do nhà ba má nàng ở số 2 Pasteur rất rộng và dư nhiều phòng, họ xin ở nhờ). Dưới bầu trời trong sáng ban mai có áng mây bàng bạc pha hồng thắm đang lững lờ trôi. Lạnh! Lạnh kinh khủng! Cái lạnh buốt giá, tê cóng nhức nhối, như muốn bại liệt cơ thể, như điếng cả hồn lẫn xác và ăn sâu vào lòng người. Hai hàm răng tự động run rẩy va vào nhau lộp cộp. Toàn thân run lập cập, thở không đều nhịp. Mặc dù thế làn hơi thoảng lạnh từ cổ họng mọi người bay ra như trêu đùa, chọc ghẹo bạn. Các bạn trai chưa đến Đà Lạt lần nào, ai cũng ngạc nhiên vui thích cười ha hả, khi thấy mình thở ra thành hơi khói. đêm ở nhà, mấy bạn pha cà phê, ăn bánh ngọt, cắn hạt dưa, ăn bánh chưng, bánh tét, uống nước trà, thật vui vẻ. Họ ngồi nói chuyện phiếm thi vị sao đâu trong phòng khách đến tận khuya. Có ngày không biết làm gì hơn, họ bày trò “thi nhau nhìn vào mắt”. Hể ai chớp mắt nhấp nháy mắt trước, hay cười, là bị phạt uống một ly đá lạnh. Eo ơi! Ở xứ nầy giữa đêm khuya, mà uống đá lạnh, thì lạnh hết biết. Lạnh nổi da gà! Trò chơi gì trẻ con lạ! Họ chơi đỗ cá ngựa, cờ duyên khóc, duyên cười, quẹt lọ nồi. Vui thật vui. Vài lần mấy bạn cùng dì cháu nàng dạo phố đêm, họ mua thuốc lá, kẹo, bánh, chewing gum, bắp nướng, bạn đi tà tà nói chuyện tếu, đi bộ giáp một vòng bờ hồ Xuân Hương dài ngót sáu cây số. Có khi họ vòng lên trường Lycée Yersin ngắm trăng lá lúa ẩn mình trong đài mây. Đường về khuya lạnh lẽo càng thêm hoang vắng, cảnh vật huyền ảo nhưng đẹp lạ lùng.
* * *
2114
Một ngày nắng tươi, nàng, Mai, các cháu làm hướng dẫn viên du lịch cho các bạn đi qua bao thắng cảnh duyên thơ hữu tình, qua bao núi rừng suối hồ mộng mơ. Cả nhóm bao taxi đi picnic mấy ngày, tình thân hữu lan dần. Trước tiên họ đi thác Cam Ly xa khu Hòa Bình độ 2,5km về hướng Tây, thác nằm trong thị xã, nên du khách dễ dàng đi lại, từ đại lộ Yersin và Pasteur nơi nhà nàng, xe chạy thẳng tắp tới ngả ba Huyền Trân Công Chúa, thì rẻ sang hướng phải, vào một quảng ngắn, hơn 1km là tới thác Cam Ly). Còn có một con đường khác là: từ dốc Minh Mạng (xe chạy một chiều) xuống ngã ba Phan Đình Phùng, qua cầu Cẩm Đô là Hai Bà Trưng, (và khu Dân Y Viện Đà Lạt) tới đầu hông sân trường Việt Anh, là đi theo đường Hoàng Diệu, thì du khách đi hoài đến cuối đường, sẽ tới đầu ngọn thác của vùng Cam Ly Hạ. (thấp, nơi có thác nước chảy xuống lòng suối).
Thác Cam-Ly vào một ngày êm đềm khi mặt trời bơi lên khoảng trời xanh mênh mông, tươi thắm, mát rượi, dìu dịu, an hòa, bình thản đến hững hờ. Lớp sương mù bắt đầu ẻo lả vật vờ bay lơ lững rồi tan dần. Lộ ra vài ba con đường mòn từ từ bốc hơi khô từng mảng một, con dốc mòn có vài người Thượng gùi măng đi chợ sớm. Ở đây quang cảnh thinh lặng êm đềm với tiếng nước len lỏi theo bờ đá chảy xuôi xuống thác. Trên ngọn đồi thông rợp bóng nằm về hướng Đông Bắc, là lăng Quận Công Long Mỹ Pierre Nguyễn Hữu Hào, (nhà đại điền chủ người Gò Công, ông làm chủ nhiều đồn điền cao su, trà, ở một số Tỉnh, Đà Lạt, và một số đất vùng Cao Nguyên Trung Phần. Ông Nguyễn Hữu Hào là thân sinh của Nam Phương hoàng hậu, vợ vua Bảo Đại. Ông Lê Phát Đạt Philippe Huyện Sĩ giàu có bậc nhất thời bấy giờ, là ông ngoại của hoàng hậu Nam Phương). Lăng Quận công Nguyễn Hữu Hào an tọa trên một khu rừng thông hùng vĩ ngút ngàn, từ dưới đường cái lên tới lăng có 20 tầng cấp, mỗi tầng có khoảng 5 cấp đến 10 cấp. Cộng chung lăng nầy có tất cả 102 bậc cấp. Đứng trên sân lăng du khách có thể nhìn thấy một phần tư góc thành phố Đà Lạt ẩn hiện, thấp thoáng xa xa dưới mỗi chòm thông. Sau lăng chập chùng những đồi sim xa xa, thì có một phi trường nhỏ, phi trường ở vùng đất nầy cao, thoáng, và bằng phẳng, nên gọi là: Cam Ly Thượng.
Sau khi leo trèo ở những mô đá trên lòng suối, chụp hình, vọc nước lạnh chán chê, họ lên xe đi thác Datanla xa thành phố Đà Lạt 5km. Chín giờ sáng xe dừng ở bên thác Datanla chìm khuất dưới những đồi thông dựng đứng, thác sâu hoắm, sâu hút tầm nhìn. Từ trên đường cái muốn đi xuống thác, chỉ có đường dốc nhỏ nhấp nhô, những bậc cấp nện đất cứng len lỏi trong rừng thông bạc ngàn (thỉnh thoảng có vài cục táp lô kê trên mỗi bậc chận, cho đất khỏi bị chuồi). Họ lần mò đi từng bậc cấp ngoằn ngoèo trơn như mỡ, bờ vực cheo leo, để xuống chân thác. Mặt trời ở dưới thác hầu như chưa thức giấc (vì dưới những vòm cây âm u rậm rạp, um tùm, thì mặt trời lười còn ngái ngủ, không thèm tỏa ánh sáng). Nước từ trên ba tầng khe đá cao ngất chảy ầm ầm, dội xuống lòng thung lũng, vỡ ra muôn triệu bụi phấn trắng xóa, quyện với từng mảng sương mờ đục phủ kín bầu trời ban mai mờ mờ màu sữa. 2115
Thác Datanla thâm u cheo leo hiểm trở là thế, mà họ quyết leo qua bên kia chân thác. Từ từ họ leo lên ngọn thác thứ nhì, đứng chênh vênh bên hốc đá chốc lát, thở hổn hển... Rồi bạn và hai cô nàng tìm cách leo lên đỉnh thác thứ nhất ở tít mù trên cao, cao ngất. Mặt mình úp sát vào vách đá, lưng quay ra phía vực sâu, hai tay bám chặt bờ cây, bụi cỏ, không ai dám ngoái cổ nhìn ra phía ngoài, hoặc nhìn xuống vực thẳm. Một trời giông bão hầu như quay cuồng chóng mặt tít dưới chân ta. Qua muôn ngàn cây đại thụ, gỗ tạp, gỗ lá rộng, lá kim quý như: cẩm lai, sao, thông hai lá, thông ba lá, chen cánh với mộc lan, tre, nứa, lồ ồ, le, dẻ, lùm cây um tùm gai góc, bờ bụi tróc lở rong rêu ẩm ướt. Cổ thụ cằn cỗi già nua không biết tháng năm, chi chít sợi dây rễ dài lòng thòng, to hơn cườm tay. Loại dây dẽo, dai, chắc chắn, xù xì thỉnh thoảng có gai quấn quýt trên thân cây cao xuống lòng thung lũng mờ mờ, sâu thẵm. Họ bám chặt vào sợi dây rễ cứng và dẽo dai nầy mà di chuyển. Tiếc rằng họ chưa đủ kinh nghiệm sống, chưa dám đu dây rừng y như Nữ Chúa rừng xanh.
Leo lên hết chóp đỉnh nhú ra ngực thác Datanla khúc khuỷu cuối lòng khe đá, thì biến thành đầu ngọn thác thứ nhất. Phía bên nầy khe đá có những ụ đất sét, (có đá cao lanh, đá quý, quặng boxit, than nâu, giống như ở gần vùng Đạ Đờn, Đạ Tẻh, Đạ Hoai). Hai bờ suối dần dần nở rộng ra; dẫn đến cánh đồng cỏ non xanh mướt trải dài, nhìn mút tầm mắt, thảm cỏ ướt đẫm sương mai còn nhiều giọt mọng tròn, long lanh ngấn thủy tinh dưới ánh mặt trời yếu ớt ló dạng, đỉnh núi nhọn hoắt muốn chọc thủng từng áng mây bay ngang đầu. Từ ngọn lá non ở trên cao vẫn có nhiều giọt sương rơi lốp đốp xuống cành lá mềm mại tỏa ra như lọng dù ở dưới thấp. Sau bao tàng cây cổ thụ mọc gần khe suối, ấy là rừng lau bạt ngàn với hoa dã qùy chen cánh cùng loài hoa sim tím, hoa mắc cỡ màu tím lá xanh đầy gai nhọn. Thiên nhiên cẩm tú thế mà hoa mắc cỡ vẫn e ấp thẹn thùng khép chặt hàng mi khi có người vô tình đụng đến. Nàng cảm thấy thú vị vô cùng khi tận mắt nhìn những thắng cảnh thiên nhiển tuyệt vời, chưa chắc sẽ hân hạnh ngắm nhìn thêm lần thứ hai. Ý thơ miên man, nàng đã cảm tác về sương và cỏ nơi đây:
Muôn thuở tình anh sương về bên cỏ.
Thao thức đêm trường chuyện ảo không thôi.
Cọng cỏ rung rinh môi hứng sương rơi.
Thời gian lắng đọng sương giao tình đó.

Bẽn lẽn thẹn thùng cùng sương nói nhỏ.
Trăng tàn sao rụng sương giọt tinh mơ.
Sương rơi lốt đốp lá cỏ đợi chờ.
Cỏ ẩn vào sương bên bờ sông ướt.

Ðào Nguyên thơ mộng cỏ non xanh mướt.
Ðà Lạt ru đời hòa nhịp hoan ca.
Cọng Cỏ dầm sương kết lá đơm hoa.
Dãi dầu mưa gió giao tình muôn ngả.

Mộng ước đêm dài luyến thương nhánh cỏ.
Nhạc sương gieo tình cọng cỏ tơ vương.
Nhún nhảy dưới trăng hoa cỏ ngậm sương
Sương rơi rụng ướt cỏ vờn đêm vắng.

Bông cỏ ngậm sương nở hoa trăng trắng.
Tình yêu thiên nhiên quyện lẫn cỏ cây.
Nghê Thường luân vũ tấu khúc đêm nầy.
Sương tưới cỏ đời ngạt ngào hương ngát.. (*)
Bạn Hòa tìm cách leo lên mấy cây gỗ qúy, hái nhiều loại lan, mỗi loài hoa có một sắc đặc biệt riêng. Mấy chú sóc đuôi xòe ra như chiếc chổi lông mềm mại, sóc leo trèo trên cây quả chín đỏ. Bầy khỉ lí lắc nhi nhô kêu chí chóe, chuyền chỗ nầy chỗ nọ nhanh nhẹn, gọn gàng, nhẹ nhàng. Hình như chúng phản đối sự có mặt của con người không mời mà đến trong giang sơn cẫm tú, đầy bình yên riêng tư của chúng. Chim hót líu lo đủ mọi giọng điệu trầm bổng véo von. Lẫn trong tiếng nhịp nhàng của bầy chim gỏ kiến đang đập mõ dài cứng ngắt vào thân cây, hòa cùng tiếng thác đổ từ nơi xa xa vọng lại. Thỉnh thoảng tiếng vượn hú kêu đàn. Cú nấc cụt từng tiếng. Dơi trong hang thấy động rừng, đã bay vù ra kêu "xít...xì" tất cả vút bay về bên trái. Bầy chồn lủi nhanh vào bụi rậm. Thỏ rừng tung tăng nhảy nhót thảnh thơi trên cánh đồng cỏ non. Tất cả âm thanh và hình ảnh sống động ấy tạo thành bản rừng ca thiên nhiên bất hủ muôn điệu.
Bạn Lễ đưa máy ảnh bấm liên tục, những hoạt cảnh tươi nguyên núi rừng hoang dã hồn nhiên, đầy tình tự quê hương hữu ái mà anh ta hằng yêu thích. Phía trên đỉnh thác khá lạnh (nhưng không lạnh bằng lòng thác lúc nãy, vì nơi đó ít thấy ánh dương). Bạn Du ngẩn ngơ xuýt xoa trầm trồ khen ngợi phong cảnh nên thơ, bạn nhìn trời nhìn đất, sau một lúc thật lâu mới tìm chỗ đặt mấy giỏ thức ăn xuống. Các bạn ngồi trên tấm ni lông đã mang theo. Họ nói chuyện cười đùa huyên thuyên. Bỗng Phú từ đằng xa chạy đến khựng lại, im bặt, thở hổn hển, nhưng tay chàng chỉ chỉ về hướng rừng, khiến các bạn ngẩng nhìn và chạy theo Phú: Có những dấu chân loài voi, cọp, dấu chân khổng lồ cạnh khúc xương ống, có một đầu lâu (mình cứ nên nghĩ là có lẽ của khỉ), cách chỗ các bạn ngồi không xa. Thế là ý định bạn nằm lăn ra bãi cỏ non mềm chợt tiêu tan ngay. Đi núi, họ không mang theo bất cứ một dụng cụ đề phòng nào, lỡ mà có bị rắn, rết, cắn bất tử, thì thật nguy to, chứ đừng nói là bị cọp vồ! Bây giờ cả nhóm mới thấy lời Hoà đề nghị leo lên thám sát núi lúc nãy, là điều dại dột, bất lợi quá.
Lòng chẳng hẹn lòng, nhưng ai ai cũng nơm nớp lo sợ sự bất an quanh quẩn đâu đây. Nỗi lo sợ ớn lạnh cùng khắp. Khí trời ban mai đã lạnh lẽo, càng thêm buốt giá kinh khủng! Họ vội vàng xếp đồ đạc vào ba lô, giỏ xách, vác trở xuống chân thác. Mất hơn hai giờ họ mới có thể lần mò trở xuống dưới chân thác. Khi leo lên đã khó, lúc tụt xuống bờ vực càng khó gấp bội. Bạn cẩn thận lần mò nhích đi từng bước một. Tay bám vào gờ đá, thân cây hoặc dây leo, gốc rễ, mà tụ tụt từ từ hoặc bò thụt lùi, bám riết từng tất đất, thật vô cùng nguy hiểm khó khăn. Nhìn xuống vực thẳm ai cũng thấy tối tăm mặt mũi, hoa cả mắt, sợ mất hồn mất vía. Cuối cùng, cả nhóm trở về được dưới chân thác. Mặt mày chân tay ai nấy đều xây xát, thân thể mệt mỏi rã rời, quần áo xốc xếch, lấm lem.
2111
Tuy vậy, mấy anh thanh niên tính không khỏi reo lên, cười ha hả vì họ đã tận hưởng giờ phút vui thú nhất qua danh lam thắng cảnh tuyệt vời. Thể hiện tính kiên cường, bất chấp gian nguy, thỏa trí tò mò, dù họ quá mệt mỏi và lòng lo sợ.
Trở lên đường cái ai nấy đều mệt nhoài, từ thác Datanla trổ xuống cuối đèo cách đó 2km là Thác Prenn nằm bên quốc lộ 20. Thác Prenn rất đẹp có chiếc cầu gỗ lòn quanh bên trong khe thác, đứng trong cầu du khách có thể tưởng tượng là: ta đang đứng trong nhà, nhìn mưa xối xả tuông chảy xuống mái hiên. Thác Prenn ngoài phong cảnh hữu tình nên thơ ra, còn có một khu thảo cầm viên kha khá, nuôi nhiều loại: rắn, khỉ, chim, công, cọp, beo, voi, ngựa, vân vân... Ở chơi và ăn trưa tại đây xong, họ đi tới Thác Liên Khương (ở quận Đức Trọng xa Đà Lạt 30km), từ dọc ven suối Prenn chạy về suối Bồng Lai (ở sát bên vệ đường, phía trái, trên quốc lộ 20) tạo thành thác Liên Khương. Thác Liên Khương không mấy đẹp vì sát quốc lộ.
Thác Gougah (Ổ Gà) còn có tên gọi “Nam Phương đệ nhất thác” ở xã Phú Hội, Huyện Đức Trọng, xa Đà Lạt độ 28km, thác nầy hùng vĩ, âm u, hoang vắng. Từ quốc lộ 20 đi theo con đường mòn rậm rạp và âm u, ta rẽ vào phía trái thì tới nơi. Thác đẹp. Trời xanh bát ngát giao hòa với đất uy nghi lẫm liệt và phong cảnh tuyệt vời thơ mộng vô cùng. Nhưng đẹp nhất là thác Pongour xa Đà Lạt 45km, ở Tân Hội, hướng Nam. Từ quốc lộ 20 đi vô thác xa 7 km, ngoằn ngoèo, quanh co, rậm rạp. Khi đến thác Pongour có 7 tầng đá trải rộng từ bờ nầy qua bờ kia, ngày đêm nước tuông xối xã ầm vang miết mãi, tung bọt trắng xóa cuồn cuộn đổ xuống những mô đá to cao nhấp nhô chôn sâu trong lòng suối. Mình cảm thấy con người thật bé nhỏ tầm thường trước thiên nhiên đa dạng hùng vĩ.
2116
Hôm đó, khi nhảy qua mấy hòn đá trơn ở thác Gougah, suýt tí nữa nàng bị nguy hiểm tính mạng, nếu Phú không nhanh tay kéo nàng ngã dúi vào lòng anh. Mất thăng bằng, cả hai người ngã lăn trên dòng suối ấm dưới chân thác. Hương hoa núi rừng mộc mạc, kèm với sự sợ hãi chợt đến, chợt đau lúc tay chân bị đập vào đá, tím bầm, khiến nàng quên nỗi bẽn lẽn thẹn thùng. Áo quần ướt sũng nước, hai người nắm chặt tay nhau từ từ lội lõm bõm vào bờ, và lóp ngóp bò lên ngồi trên tảng đá. Chỉ còn hai người, nên nàng cảm thấy ngượng ngùng, e thẹn, vì áo quần dính chặt vào da, “anh chị” loay hoay hong khô người dưới ánh nắng. Không ai nói với ai lời nào. Phú, và nàng cùng nhìn theo các bạn. Các bạn khác không bị “té suối”, thì hân hoan lò dò đi các nơi chụp ảnh. Thế nhưng, thoáng chốc quần áo khô nhanh.
Các bạn hăng hái vui vẻ trở về lối cũ đi thác Hang Cọp thuộc địa bàn thôn Túy Sơn, xã Xuân Thọ, cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 15km về phía đông bắc (qua phía Trại Mát). Thác Hang Cọp cũng hiểm trở ngoằn ngoèo rậm rịt thăm thẳm núi rừng với dốc đứng cao ngất lưng trời, thác hơi giống thác Datanla sâu thẳm & âm u. Đặc điểm: Xung quanh thác có rừng thông đặc chủng, rừng hỗn giao khá xanh tốt, thích hợp cho các chuyến du lịch dã ngoại. Chiều về họ đi đồi Thông Hai Mộ (khu Chi Lăng). Nào đi vô thăm trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam nằm ở khu Chi Lăng (và góc Thái Phiên). Hồ Than Thở (xưa có tên: Las Des Suopirs) xa thành phố độ 6km thuộc xã Thái Phiên. Hồ Than Thở luôn trầm lắng, u buồn theo tiếng thông triền miên reo vi vu trên bia mộ thiếu nữ xuân sắc và xấu số quá cố qua câu thơ:
Dù cho non sông thay đổi mãi
Ngàn năm Thảo vẫn sống trong Tân. 2117
Thăm trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Nàng kể sơ sơ cho bạn nghe: Tháng 10/1950 vua Bảo Đại cho dời trường sĩ quan Hiện Dịch tại Đập Đá Huế, về Đà Lạt, và gọi là École Militaire Inter-Armes de Dalat. Sát nhập vào trường Võ Bị Liên Quân Đặc Biệt của Pháp. (Ngôi trường Võ Bị Liên Quân Đặc Biệt của Pháp, nay đương nhiên phải trao trả lại cho Việt Nam). Đầu tiên ngôi trường nầy lấy tên là: Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt. Cuối cùng Trường sĩ quan hiện dịch nầy chính thức đổi tên thành: Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt Việt Nam theo sắc Lệnh số 325-QP ngày 10.4.1963. Đất và Trường rộng mênh mông tọa lạc giữa vùng khu ấp Chi Lăng và khu Thái Phiên. Nàng hẹn với bạn cùng đi se nói nhiều về trường Võ Bị và trường Grand Lycée trong dịp khác.
Các bạn lên xe trở về thành phố thăm Thung lũng Tình Yêu (Vallée D’ Amour) xa phố Hòa Bình 4,6km, nơi đây phong cảnh khá hữu tình và những rừng thông soi mình trên mặt hồ im ắng, nước trong xanh thỉnh thoảng gợn lăn tăn dưới pedalo. Suối Vàng xa Đà Lạt 12km về hướng Lạc Dương, (phía lên núi Lâm Viên). Suối Bạc rất đẹp với mặt hồ rộng mênh mông lấp lánh ánh bạc sáng ngần, hồ phẳng lặng mơ màng, nước trong vắt. Làm sao kể cho xiết... Ah! chùa Linh Phong (Sư Nữ) mái kép cong: long, lân, quy, phụng - ở Trại Hầm (nơi nổi tiếng có mận vàng óng giòn ngọt ngon) xa khu chợ Đà Lạt 4km. Chỉ có chùa Linh Sơn là gần phố, (trên đường Hàm Nghi về hướng Tây bắc 700m) đứng trên góc sân chùa có thể nhìn thấy khu “thành phố buồn” Nghĩa trang Số 4 chi chít bia mộ! - Chùa Tàu phong cảnh hữu tình ngày đêm chìm khuất trong đồi thông rất đẹp, với mâm quay lực cơ học tiếp tuyến đường tròn quay. Nhà thờ Domain de Marie (dân địa phương thường nói: nhà dòng Mai Anh) tuyệt đẹp với đồi hoa anh đào (nôm na gọi là hoa mai) và nữ tu Bác Ái Vinh Sơn (dòng ở đường Ngô Quyền) mặc đồng tu xanh biển, đội lúp cánh én, họ chuyên nuôi trẻ mồ côi, hằng năm Dòng nầy tổ chức làm hội chợ lấy qũy giúp người nghèo khó.
Nhà dòng Couvent des Oisaux nữ sinh mặc đồng phục sơ mi trắng tay phồng bên trong, cổ bẻ, ở ngoài khoác thêm áo lạnh dày đan tay màu xanh biển đậm, mặc ríp đầm (skirt) có nhiều xếp ly màu xanh biển, váy lót underskit, petticoat), mang sandal có bít tất trắng cao lên đầu gối, hoặc giày trắng hay đen, đầu đội mũ len có vành che nắng to rất khéo, (như kiểu nón công chúa Bạch Tuyết). Nhiều khi nữ sinh Couvent vẫn phải mặc đồng phục áo trắng, áo len xanh, chỉ thay đổi váy xếp ly màu da bò (màu nâu, giống như trường Dòng Missionaires de Marie ở Trại Mát, hướng từ Hotel Palace tới Dinh II). Đó là trường bà dòng Franciacaine Missionnaires de Marie ở Đà Lạt.
Các nữ sinh mặc váy màu da bò (nâu đậm) đó là do các em ở bên trường Franciancaine qua bên Couvent des Oiseaux học, vì ở bên dòng Franciancaine không có lớp lớn (chỉ có từ lớp Năm tới lớp Nhất, bây giờ gọi là: Một tới lớp Năm).
Đã lỡ nói về trường Pháp, trường Tây, thì nàng không quên hướng dẫn họ đi đến các trường chính và lâu nhất: *Trường Nam Trung học công lập Trần Hưng Đạo ở khu Ấp Hà Đông nam sinh mặc sơ mi trắng quần xanh học trò (trước kia tên là trường Bảo Long) và *trường Nữ Trung học công lập Bùi thị Xuân (trước kia tên trường là Phương Mai). Nữ sinh Bùi thị Xuân duyên dáng e ấp tha thướt trong tà áo màu xanh biển đậm đà, quần trắng, áo len xanh biển hoặc áo len đen, mang giày hoặc guốc, đầu đội nón lá chao nghêng, tay ôm cặp. Sau những buổi học tan, thì tốp năm tốp mười tỏa về các nẽo đường trong thành phố, hoặc từng nhóm bạn dạo ra sân Cù ngắm cảnh, học bài cả nhóm, làm bài, làm thơ. *Trường Trung học Việt Anh trên đường Hải Thượng Lãng Ông, nữ sinh mặc đồng phục áo dài màu tím hoa sim, quàng khăn tím, (rất ư là Huế thơ mộng), mang guốc, quần trắng, đội nón lá có tua nón màu tím. Nam sinh mặc quần đen, áo sơ mi trắng, áo len màu da bò. *Trường trung học Bồ Đề nữ sinh mặc áo lam, hoặc áo trắng. Nam sinh áo sơ mi trắng, quần màu xanh. *Trường Trí Đức nữ sinh mặc đồng phục trắng, (và hồng nhạt). Nam sinh mặc sơ mi trắng quần đen. Sau nầy có thêm trường Hiếu Học... Nhìn chung và thật thà mà nói, thì có trường A’ Dran và trường Grand Lycée Yersin là mặc đồng phục rất nổi: toàn sơ mi trắng, bên ngoài mặc veston đen hoặc xanh đậm, thắc cà vạt đỏ, hoặc cà vạt sọc nâu đẹp mắt, mang giày thời trang (họ là những nam nữ sinh con ông cháu cha, nhà giàu, đóng áo vét mà!).
Cả nhóm đi hồ Lãng Ông, hồ Chi Lăng. Hồ Ankroet. Hồ Dankia. Hồ Đa Thiện. Hồ Tuyền Lâm... Ôi biết bao là hồ, là suối... suối Cát Tiên tuyệt vời, vân vân. Làm sao nàng có thể tả hết vẻ đẹp nên thơ duyên dáng mơ màng êm đềm và trữ tình của Đà Lạt. Cả nhóm bạn chỉ biết lặng thinh ngẩn ngơ nhìn ngắm thiên nhiên hữu tình kỳ bí, hoặc xuýt xoa trầm trồ ngợi khen!



* * *

(*) thơ : Tìnhhoàihương

Dzung72c
10-23-2011, 05:06 PM
Cám ơn Tình Hoài Hương.Tôi đã coi bài này và các bài:Ước mong tình bất diệt,Ngày ấy Đà-lạt đầy thi vị....nhờ vậy mà tôi nhớ rõ về Đà-lạt ,khi được bạn tiếp sức.Tôi có coi cả góc thơ Tình Hoài Hương của bạn, như đi tìm một sự đồng cảm với những người bạn mà tôi vừa quen biết.

Chúc bạn sáng tác nhiều hơn nữa,luôn khoẻ mạnh và hạnh phúc bên gia đình

DZUNGUYEN 72 C

Tinh Hoai Huong
12-14-2011, 07:35 PM
Cám ơn Tình Hoài Hương.Tôi đã coi bài này và các bài:Ước mong tình bất diệt,Ngày ấy Đà-lạt đầy thi vị....nhờ vậy mà tôi nhớ rõ về Đà-lạt ,khi được bạn tiếp sức.Tôi có coi cả góc thơ Tình Hoài Hương của bạn, như đi tìm một sự đồng cảm với những người bạn mà tôi vừa quen biết.
Chúc bạn sáng tác nhiều hơn nữa,luôn khoẻ mạnh và hạnh phúc bên gia đình
DZUNGUYEN 72 C
http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd/HQPD_1323890971.jpg
THH chân thành cám ơn anh DZUNGUYEN72C đã vui lòng đọc bài viết của tôi, như một sự ân cần thầm khích lệ; thật qúy giá dường bao...
Tình thân, tôi xin kính chúc anh & gia đình & qúy vị độc giả HQPD vui vẻ, bình an, hạnh phúc mãi nhé!
THH