PDA

View Full Version : Lễ tưởng niệm thiếu tướng nguyễn cao kỳ tại cali .



TAM73F
09-10-2011, 10:37 PM
LỄ TƯỞNG NIỆM THIẾU TƯỚNG NGUYỄN CAO KỲ TẠI CALI - PART 1.


<iframe width="853" height="510" src="http://www.youtube-nocookie.com/embed/6NCyQqyCE-I" frameborder="0" allowfullscreen></iframe>



LỄ TƯỞNG NIỆM THIẾU TƯỚNG NGUYỄN CAO KỲ TẠI CALI - PART 2


<iframe width="853" height="510" src="http://www.youtube-nocookie.com/embed/xNdvkKlXBRI" frameborder="0" allowfullscreen></iframe>

TAM73F
09-12-2011, 11:30 AM
Tướng Kỳ từng bị Nguyễn Tấn Dũng chặn đường về
Sunday, September 11, 2011 2:21:24 PM

Vũ Quí Hạo Nhiên/Người Việt


WESTMINSTER (NV) - Lần đầu tiên phía Mỹ đề nghị Việt Nam cấp visa cho cựu Thủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ về nước, ông Nguyễn Tấn Dũng giận dữ, đỏ mặt, mất bình tĩnh và gọi tất cả các cựu viên chức chính quyền miền Nam là “tội đồ” và sẽ “không bao giờ được chào đón” về Việt Nam, theo tiết lộ của các công điện ngoại giao được Wikileaks tiết lộ. Các công điện này cũng cho thấy, trong hai lần đầu về Việt Nam, Tướng Kỳ dành nhiều thời giờ vận động cho việc tu bổ Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa.



Cựu Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ (trái) cùng vợ ông, bà Lê Kim, trả lời báo chí trong lần đầu ông về lại Việt Nam, tháng 1 năm 2004. Công điện ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trước đó khi phía Mỹ đề nghị Việt Nam cấp visa cho Tướng Kỳ, ông Nguyễn Tấn Dũng đã giận dữ bác bỏ và gọi ông Kỳ và các viên chức Việt Nam Cộng Hòa là “tội đồ”. (Hình: Hoàng Ðình Nam/AFP/Getty Images)

Chuyện ông Nguyễn Tấn Dũng, khi đó là phó thủ tướng, nổi giận với Ðại Sứ Raymond Burghardt được tường thuật lại trong một công điện từ tòa đại sứ ở Hà Nội gởi về Bộ Ngoại Giao, ngày 11 tháng 3, 2003, và sau đó lại được nhắc lại trong một công điện khác, ngày 28 tháng 3, 2003.

Wikileaks không có toàn bộ các công điện ngoại giao của Hoa Kỳ, nhưng trong số những công điện mà Wikileaks có được, lần đầu tiên danh tánh Tướng Kỳ xuất hiện là trên bức công điện 11 tháng 3. Công điện đó tường thuật cuộc họp giữa Phó Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng với Ðại Sứ Burghardt, một cuộc họp do ông Dũng yêu cầu, để tìm cách nâng cao quan hệ hai nước.

Trong buổi họp, ngoài nhiều đề tài khác, Phó Thủ Tướng Dũng phàn nàn về những nghị quyết cờ vàng ở California và Virginia. Ông nói ông hiểu rằng hiến pháp Mỹ không cho phép Bộ Ngoại Giao ngăn chặn những nghị quyết đó, nhưng yêu cầu Bộ Ngoại Giao Mỹ “tác động nhiều hơn”.

Ðại Sứ Burghardt cho rằng lý do cốt yếu là vì phía chính quyền Việt Nam chưa hết lòng kết nối với cộng đồng người Việt tại Mỹ. Ông đề nghị một số biện pháp, và nói thêm, “thậm chí mời cựu Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ về thăm quê hương”.

Lúc đó, theo công điện này, “PTT Dũng phản ứng đầy xúc cảm, cho rằng các viên chức chế độ Sài Gòn cũ phải chịu trách nhiệm đã đưa 1 triệu lính Mỹ vào và gây chết chóc cho 3 triệu người Việt Nam; họ là ‘tội đồ’ và sẽ không bao giờ được chào đón trở về.”

Cái gọi là “phản ứng đầy xúc cảm” của ông Dũng được miêu tả kỹ hơn trong công điện ngày 28: “Mặt ông bất thình lình rắn lại và ông phó thủ tướng gần như nổ tung vì giận dữ.”

Thấy vậy, Ðại Sứ Burghardt bàn rằng chắc phải “nhiều thế hệ nữa” mới có sự hàn gắn giữa hai bên, và ông Dũng “đồng ý”.

Hơn hai tuần sau, Ðại Sứ Burghardt gặp thứ trưởng ngoại giao Lê Văn Bàng, kể lại chuyện này. Ông Bàng tỏ ý là ông đại sứ nên nói những chuyện như vậy với bên ngoại giao, như “Phó Thủ Tướng Vũ Khoan, Bộ Trưởng Ngoại Giao Nguyễn Dy Niên, cựu Phó Thủ Tướng Nguyễn Mạnh Cầm, hơn là với những người từng trong quân đội hay an ninh như PTT Dũng.”

Chẳng bao lâu sau đó, quan điểm của ông Dũng bị thất bại. Chính quyền Việt Nam cấp visa cho Tướng Kỳ, và ông về thăm Việt Nam trong một chuyến đi được quảng bá rầm rộ vào tháng 1, 2004.



Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa




Sau chuyến đi đó, tới cuối năm 2004 ông Kỳ trở lại Việt Nam lần thứ nhì. Trong lần này, ông có gặp phó tổng lãnh sự và tham tán chính trị Mỹ, và buổi gặp mặt này được ghi lại trong một công điện đề ngày 9 tháng 11, 2004.

Trong cuộc nói chuyện, Tướng Kỳ cho biết trong chuyến về đầu tiên, ông đã đề cập tới việc sửa sang lại Nghĩa trang Quân đội, nhưng những người ông gặp đều không muốn làm chuyện này. Họ cho rằng việc làm này “quá nhạy cảm” đối với phái bảo thủ và quân đội. Khi đó, ông Kỳ đã nói với họ, “Nếu các ông muốn hòa giải với Việt kiều, các ông phải hòa giải với người đã chết, trước đã.”

Ba tuần trước khi về lại Việt Nam lần thứ nhì, Tướng Kỳ tổ chức một buổi tiếp tân tại nhà ở Quận Cam, cho thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Phú Bình. Lúc đó, ông Bình mới loan báo chính quyền Việt Nam đã đồng ý sẽ sửa sang lại Nghĩa trang Quân đội. Theo lời ông Bình, người được giao trách nhiệm trong việc này là Phó Thủ Tướng Phạm Gia Khiêm và Bộ Quốc Phòng.

Ông Kỳ nói, sau khi nghĩa trang được sửa sang xong, ông sẽ dẫn đầu một phái đoàn người Việt hải ngoại làm lễ khai mạc.

Trong công điện này, Tổng Lãnh Sự Seth Winnick chú thích thêm là chính phái đoàn ngoại giao Mỹ cũng nhiều lần đề nghị phía Việt Nam tu bổ Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa như một cách mở cửa với cộng đồng người Việt hải ngoại.

Ðó là chuyện xảy ra năm 2004. Tuy nhiên, sau đó, không có dấu hiệu gì là phía chính quyền Việt Nam đứng ra tu bổ Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa. Nghĩa trang vẫn nằm trong quyền cai quản của Quân khu 7 và không ai được vào “khu vực quân sự” này. Phải tới năm 2006 mới có một quyết định của ông Nguyễn Tấn Dũng, lúc đó đã là thủ tướng, “chỉ đạo việc quản lý khu nghĩa địa Bình An (tức Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa) bình thường như các nghĩa địa khác theo quy định của pháp luật”.

Sau khi quyết định đó được đưa ra, có những nhóm người Việt hải ngoại đứng ra tự bỏ công sức sang sửa các ngôi mộ trong nghĩa trang, và đó là những nỗ lực duy nhất tu bổ nghĩa trang này.

––-

Liên lạc tác giả: VuQuiHaoNhien@nguoi-viet.com

TAM73F
09-16-2011, 01:21 AM
Tường trình buổi lễ cầu siêu thất tuần
Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ tại chùa Vĩnh Nghiêm, VN.


Trước hết xin có vài lời giới thiệu về người viết. Tôi là một người hoàn toàn xa lạ với giới báo chí và trong suốt cuộc đời chưa bao giờ viết lách gì hết. Nhưng do buổi lễ cầu siêu được tổ chức gắp rút, không có phóng viên nhà nghề, tôi mạo muội viết một mẩu tin nhỏ sau đây để tường trình đến độc giả quan tâm.


Tôi là một bác sĩ Việt Nam hành nghề tại Hoa Kỳ, quen biết với ông Tướng Nguyễn Cao Kỳ và qua đó tôi cũng hân hạnh có sự hiểu biết về phu nhân của Người gần 20 năm qua. Lý do vì cùng là bạn đánh golf. Từ năm 2004 tới nay, tức là từ ngày ông Tướng trở về Việt Nam , chúng tôi trở thành thân thiết hơn. Hai năm 2007 và 2008 là thời gian chúng tôi cùng ở với nhau dưới một mái nhà, dù ở Mỹ hay ở Việt Nam . Trong những năm về sau cho đến khi Người mất thì rất tiếc vì hoàn cảnh chúng tôi không ở cùng nhau. Nào ai mà biết ông Tướng ra đi đột ngột như vậy; chứ nếu dù bận rộn tới đâu, tôi cũng sẽ sắp xếp để ở chung hoặc ở gần gũi để săn sóc sức khỏe cho Tướng, vì điều đó là điều cả hai chúng tôi đều muốn.


Ông luôn luôn giới thiệu tôi là bác sĩ riêng, một hân hạnh mà tôi xấu hổ không dám nhận vì nhiều lúc Người đau ốm, không có tôi bên cạnh, nhất là những ngày cuối cùng của Người tại Malaysia.
Lần cuối cùng Người gọi điện thoại cho tôi để tham vấn sức khỏe là năm ngày trước khi Người qua đời. Với tiếng nói sung mãn, khẩu khí và tinh thần của Người khỏe mạnh nghe qua điện thoại, không ai có thể ngờ được chỉ có mấy ngày sau là Người ra đi. Thành thử sự ra đi của Người làm tôi rất đau lòng. Tôi tiếc không qua được Malaysia để dự nghi thức an táng một người mà tôi vô cùng quý mến vì bận trực gác, cho nên đã quyết định là trong những lễ cho Người về sau tôi nhất quyết phải tham dự. Từ lúc đón tro cốt của Người tại phi trường LAX cho đến lúc để tang, đưa tro cốt vào kim tỉnh tại Rose Hill. Tôi cũng đến chùa Tây Lai Tự để cầu siêu cho Người trong những ngày sau đó. Sau lễ thất tuần tại Rose Hill, phu nhân Tướng Kỳ quyết định tổ chức lễ cầu siêu 49 ngày tại Chua Vĩnh Nghiêm – Việt Nam và Tây Lai Tự ở Malaysia. Tôi vội vã xin phép nghỉ việc để tháp tùng bà cùng tham dự các lễ cầu siêu ấy.


Chúng tôi lên máy bay ngày 5 tháng 9, về đến Việt Nam ngày 6 tháng 9 để chuẩn bị cho ngày lễ vào ngày 8 tháng 9, đúng ngày sinh nhật của ông Tướng. Vì quyết định đột ngột, phu nhân Tướng Kỳ ngại rằng không đủ thời gian để chuẩn bị chu đáo. Chỉ có một ngày chuẩn bị làm sao mà đăng báo kịp, dùng email thì chỉ có giới hạn. Tuy vậy buổi lễ diễn ra tại chùa Vĩnh Nghiêm rất long trọng và quy mô ngoài sự tưởng tượng. Một lý do của sự thành công là sự ứng biến xoay xở của bà Tướng và cô Hồng Vân, người con riêng của bà. Nhưng lý do chính của sự thành công vẫn là, theo tôi nghĩ, vì tên tuổi Nguyễn Cao Kỳ
.
Chúng tôi đến chùa Vĩnh Nghiêm vào ngày 7 tháng 9 để làm việc với vị trụ trì của chùa. Trước hết Đại Đức Thanh Phong, vị trụ trì của chùa và Hòa thượng chưởng môn Miền Vĩnh Nghiêm tiếp đón chúng tôi và hướng dẫn nghi thức chương trình buổi lễ.
Đối với người theo Đạo Phật thì không có gì tốt hơn là có cơ duyên với nhà Phật. Cơ duyên của ông Tướng đúng là cơ duyên kỳ ngộ. Hòa thượng kể rằng ngày xưa lúc còn làm Thủ Tướng vào năm 1965, Tướng Kỳ đã ký lệnh cho Bộ Tài chánh xuất quỹ 10 triệu đồng đề xây ngôi chùa, và ông Tướng còn là người đặt viên đá đầu tiên. Hòa thượng còn kể lại rằng ngày xưa năm 1965 chùa đã làm lễ cầu siêu cho thân mẫu của Thiếu tướng. Hơn một tháng trời, người con hiếu thảo Nguyễn Cao Kỳ mặc áo gai đến chùa để cúng cầu siêu cho Mẹ. Chúng tôi hoàn toàn không biết gì đến sự kiện vừa nêu, nên hết sức ngỡ ngàng.


Thầy còn phán rằng chùa đã chuẩn bị làm lễ cầu siêu cho ông Tướng trong dịp thất tuần, dù tang gia không có lời yêu cầu. Vì vậy công việc cúng thất tuần đã có một phần chuẩn bị trước. Sư ưu tư bối rối của chúng tôi về việc tổ chức một cách chớp nhoáng cũng được vơi bớt phần nào. Thầy đã phát lệnh triệu hồi gần 100 sư sãi, ni cô thuộc Miền Vĩnh Nghiêm ở khắp các tỉnh về tụng kinh cầu siêu cho ông Tướng. Theo tôi biết nghi lễ quan trọng tầm cỡ này chỉ dành cho các bậc lãnh đạo đất nước hoặc là vua chúa.


Ngày 8 tháng 9, lễ cúng thất tuần bắt đầu với nghi thức rước vong từ lúc 7 giờ sáng trong đó có sự hiện diện của một ni sư thuộc chùa Tây Lai Tự từ Malaysia sang dự. Lễ được cử hành tại hậu điện, nơi thờ Địa tạng vương Bồ tát. Tượng Bồ tát ở giữa và trên cao, thấp xuống là tượng Hộ pháp, bên dưới là bàn thờ trưng bày bức hình của ông Tướng. Hai bên bức hình, giữa khói hương nghi ngút là chuông mõ, các gói hoa quả đủ loại. Bên dưới nữa là đồ vàng mã và các vòng hoa phúng điếu. Đồ vàng mã thì đủ loại, từ nhà cửa, xe cộ, hai chiếc máy bay khu trục cho đến áo quần, gậy đánh golf, tiền bạc để Người dùng khi về thế giới bên kia. Tiền bạc thì tôi nghĩ Người không cần đâu, có tiền thì Người cũng cho người khác thôi, vì ở trên dương gian Người có bao giờ cần tiền đâu!
Nổi bật giữa quan cảnh trang nghiêm đó là tấm hình của Tướng trong lễ phục TUN của Hoàng Gia Malaysia . Hình lớn cỡ 62x32 inches, mà ở kích cỡ ấy thì chỉ có chùa cho phép mới trưng bày được.
Trong cuộc đời, Tướng có rất nhiều hình ảnh đẹp. Nào là hình ảnh hào hùng trong bộ đồ bay. Nào là hình ảnh trong bộ đại bạch phục. Nào là bộ quần áo đánh golf màu mè sặc sỡ mà ai cũng công nhận chỉ có ông mặc thì trông mới đẹp. Nhưng bộ lễ phục TUN mà Người mặc vào có lẽ đẹp nhất và uy nghi nhất trong buổi lễ này. Với đôi mắt trìu mến bao dung Người nhìn xuống kẻ quỳ lạy tiễn đưa Người ra đi.


Phần thứ hai của buổi lễ vào lúc 9 giờ 45 do vị sư mặc trang phục Địa tạng vương phụ trách. Thầy vừa tụng kinh, vừa bắt ấn xua đuổi ma quỷ.
Đến 10 giờ 30 chúng tôi ra chính điện làm lễ Phật. Số người đến dự càng lúc càng đông hơn. Có chừng 200 người trong chính điện, số người bên ngoài thì không đếm được. Chúng tôi đứng nghiêm chỉnh để đón gần 100 sư sãi ni cô vào chính điện tụng niệm trong tiếng chuông trống bát nhã. Trước mắt tôi là một cảnh tượng ngoạn mục mà tôi chưa từng thấy trong đời. Gần trăm chiếc áo cà sa vàng óng ánh đứng lên quỳ xuống với lời cầu kinh thanh thoát.


Sau đó mọi người trở lại hậu điện để cúng cơm. Trong đám người tham dự có hai cán bộ cao cấp đại diện Nhà Nước, một vị từ Bộ Ngoại giao, một vị từ Ủy ban Nhân dân Thành phố. Dĩ nhiên có những anh em cựu quân nhân và nhân viên cao cấp thuộc chính phủ VNCH. Điều đáng ngạc nhiên là đứng chung với họ thì có một số cựu quân nhân VNDCCH. Tôi còn nhận thấy có những người thuộc tín ngưỡng Thiên chúa giáo, gia đình thân hữu của Tướng lúc còn sinh thời cũng tham dự. Đứng bên cạnh tôi là hai người giúp việc hàng ngày của Tướng.


Trước hết là đại diện của chùa đọc tiểu sử và công đức của Tướng. Tiếp theo là phần cúng cơm. Cuối cùng Hòa thượng chưởng môn Miền Vĩnh Nghiêm một lần nữa nhắc lại tiểu sử và công đức của ông Tướng.
Có ba sự kiện nổi bật làm tôi rất cảm xúc và ngạc nhiên: Thứ nhất là mọi người khác tôn giáo, địa vị sánh vai nhau cùng bái lạy Tướng. Thứ hai là hai cán bộ cao cấp của Nhà Nước đã dâng hương cầu nguyện vong linh Tướng. Thứ ba là hai vị đại diện chùa và Hòa thượng chưởng môn nhắc đến chức vụ của Tướng đúng nguyên văn mà ngày xưa vẫn thường dùng: Thiếu tướng Tư lệnh Không Quân, Thủ tướng, Phó Tổng thống của nền Đệ nhị Cộng Hòa.


Nên nhớ rằng Thiếu tướng Kỳ không bao giờ làm việc trong chính quyền Việt Nam hiện tại, cũng không dính líu gì đến đảng Cộng Sản Việt Nam . Như vậy chỉ có một lý do để giải thích sự kiện kể trên là sự kính trọng và ngưỡng mộ của họ đối với lòng yêu nước của ông Tướng.


Buổi lễ cúng cơm chấm dứt, mỗi người tham dự được chùa mời đi về phía hậu liêu để dùng cơm chay do chùa tổ chức một cách hết sức chu đáo, vừa thịnh soạn vừa có phẩm chất cao. Ngoài ra vị sư trụ trì đích thân mang thức uống đến từng bàn và chúc mọi người có một bữa ăn ngon. Chưa kể mỗi thực khách lại được chùa thân tặng một hộp trà Ô-long loai đặc biệt.


Sau bữa ăn, phu nhân Thiếu tướng, cô Hồng Vân đến gặp vị sư trụ trì để ngỏ lời cám ơn và để xin cúng dường 10 ngàn Mỹ kim nhằm trang trải phí tổn của việc tổ chức buổi lễ. Trước sự ngạc nhiên của chúng tôi, Thầy trụ trì từ chối không nhận. Bà Tướng năn nỉ muốn rơi nước mắt, Thầy trụ trì vẫn cương quyết không nhận.Thầy bảo rằng đây là công quả của chùa vì việc tổ chức lễ cầu siêu cho ông Tướng là diễm phúc cho chùa.


Điều xảy ra ở trên củng cố quyết định về Việt Nam của bà Tướng làm lễ thất tuần tại chùa Vĩnh Nghiêm là đúng. Các Thầy quả là bậc chân tu. Chùa Vĩnh Nghiêm là nơi cửa Thiền rộng mở.
Nhân đây, tôi muốn nói đến một sự kiện bên lề. Khi nghe tin ông mất, tôi rất lo âu về phí tổn hậu sự cho ông, vì tôi biết hai ông bà không có nhiều tiền của. Nên khi gặp lại bà tại Hoa Kỳ thì tôi tự nguyện đóng góp một số tiền không nhỏ để giúp bà trang trải phần nào sở phí. Bà đã khéo léo từ chối, nói rằng đây là lần cuối cùng mà gia đình chúng tôi còn 1 cơ hội để trả nghĩa cho chồng và trả hiếu cho cha, nên Bà đã không nhận một đồng tiền giúp đỡ nào. Theo tôi biết, ngoài tôi ra, bà còn từ chối tất cả những bằng hữu khác đã đề nghị giúp đỡ bà.


Trên đường đi về nhà, tôi miên man suy nghĩ về hai chữ Định Mệnh và Duyên Phật.


Tướng được vua Mã Lai tấn phong chức TUN năm 1965, nhưng vì không ham danh, Tướng không bao giờ sử dụng quyền lợi của danh vị này. Cho đến những năm gần đây, vì nhu cầu xây dựng một trường Đại học cho sinh viên nghèo Việt Nam tại Malaysia , Tướng phải dùng chức vụ này để cho tiến trình thực hiện nhanh chóng hơn. Vì thế, nên khi qua đời tại Malaysia , Tướng được hưởng lễ nghi quốc táng TUN của Hoàng Gia Malaysia . Tướng ra đi đột ngột, không chọn trước cho mình nơi an nghỉ, thế mà chùa Tây Lai tự và nghĩa địa Rose Hill đã cấp tốc chọn được một chỗ an nghỉ cho Tướng mà theo tôi là đẹp nhất trong nghĩa địa đó. Kim tĩnh đựng tro cốt của Tướng nằm trên đỉnh đồi cao, nhìn xuống một thung lũng cỏ xanh giống như một sân golf, môn thể thao mà Tướng ưa chuộng nhất lúc sinh thời.


Cuối cùng là buổi lễ tại chùa Vĩnh Nghiêm rất long trọng, có tầm cỡ cho cấp lãnh đạo hay vua chúa. Điều đáng chú ý là những tín đồ Thiên chúa giáo cũng quỳ lạy Tướng như người Phật giáo. Đáng kể nhất là phu nhân Tướng Kỳ và cô Hồng Vân đều là dòng dõi tín đồ Thiên chúa giáo truyền thống, đã vào chùa ăn chay niệm phật trong 49 ngày liền sau khi Tướng qua đời. Nếu không có tình yêu, niềm kính trọng ngưỡng mộ ông Tướng thì họ không thể làm như thế được.


Người ta thường nói chết là hết. Nhưng câu đó không thể áp dụng cho Tướng Kỳ. Tôi còn nhớ ngày đầu tiên Tướng về Việt Nam , người ta có hỏi rằng: “Về Việt Nam , ông mang gì theo về để giúp nước Việt Nam ?” Không do dự một phút, ông đáp ngay: “Tôi mang Nguyễn Cao Kỳ về đây”!
Tướng mất đi, nhưng phương danh Nguyễn Cao Kỳ vẫn còn đó. Vì đó là một di sản của dân tộc Việt Nam .

Bác sĩ Lê cảnh Hoạt
Ngày 9 tháng 9 năm 2011, tại Sài Gòn.