PDA

View Full Version : Một Mảnh Nhung Y Điểm Má Hồng - Niên Trưởng Hồ Thị Vẻ



hieunguyen11
08-17-2011, 04:58 AM
Niên Trưởng Hồ Thị Vẻ

“Một mảnh nhung y điểm má hồng” (Thơ Ðinh Hùng)


Từ 20 năm qua, mỗi khi đặt bút xuống viết bài bình luận về các niên trưởng trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, tôi không hề nghĩ rằng sẽ viết về một bậc nữ lưu. Thật không ngờ 30 năm sau ngày tan hàng mới chợt nhớ ra rằng chúng ta đã có rất nhiều anh thư liệt nữ nhập ngũ từ năm 1950, trải qua bao nhiêu là gian truân vất vả cho đến những ngày cuối cùng với 25 năm quân vụ.

Ðại tá Cẩm Hương, vị trưởng đoàn nữ quân nhân cao cấp nhất sau khi bị tù cải tạo trên 10 năm đã qua đời tại Sài Gòn. Bà là người phụ nữ duy nhất đã từng bị giam chung một thời gian với nam quân nhân cấp đại tá. Nhưng nữ chiến sĩ bị giam giữ lâu nhất là chị Thanh Thủy, Chỉ huy Biệt đoàn Thiên Nga của Cảnh Sát Quốc Gia. Ðây là một đơn vị nữ cảnh sát tình báo với nhiều thành tích đã trở thành huyền thoại để rồi con Thiên Nga đầu đàn đã phải trả nợ đến 13 năm tù cải tạo.

Lịch sử khởi thủy của Nữ Quân Nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bắt đầu từ cả 3 miền Trung, Nam, Bắc. Vào đầu thập niên 50, Hà Nội, Huế, Sài Gòn đều tuyển mộ các nữ nhân viên dân chính, các cán sự xã hội và y tế để giúp việc tại các đơn vị Tổng Hành Dinh và các Quân Y Viện.

Năm 1950 có đôi bạn trẻ của đất Thần Kinh gia nhập Việt Binh Ðoàn. Ðó là các cô Hồ Thị Vẻ và Nguyễn Hạnh Nhân. Cả hai đều bắt đầu công việc phụ tá văn phòng và sau đó cải danh thành nữ quân nhân từ cấp dưới đi lên để trở thành các sĩ quan cấp tá. Bà Vẻ với chức vụ sau cùng là trung tá chỉ huy trưởng Trường Nữ Quân Nhân nơi đào tạo cả hạ sĩ quan và sĩ quan cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Bà Hạnh Nhân là trung tá trưởng đoàn Nữ Quân Nhân của binh chủng Không quân.Cả hai đã cống hiến 25 năm của tuổi thanh xuân cho quân đội để rồi sau cùng đều phải sống nhiều năm tại trại giam nữ quân nhân Hàm Tân.

Trong số các sĩ quan cao cấp còn có Trung tá Nguyễn Thị Hằng và Trung tá Huỳnh Mai. Chị Huỳnh Mai là Trưởng đoàn Nữ Quân Nhân sau cùng của Bộ Tổng Tham Mưu. Phần lớn các sĩ quan Nữ Quân Nhân đơn vị trưởng đều có dịp tham dự các lớp huấn luyện và tu nghiệp tại Hoa Kỳ và các khóa chỉ huy tham mưu cao cấp tại Việt Nam.Cũng như đa số sĩ quan Nữ Quân Nhân, các chị không có cơ hội di tản năm 1975 nên đã phải trình diện kẻ thù để trở thành những người tù chính trị đau thương nhất của Việt Nam Cộng Hòa.


Vào những năm chiến tranh khốc liệt, quân số Việt Nam Cộng Hòa lý thuyết là một triệu binh sĩ, trong đó có 1% là nữ quân nhân tức là 10,000 chiến binh phụ nữ. Tuy nhiên, việc tuyển mộ khó khăn nên thực tế quân số hiện diện dưới cờ thường trực chỉ có trên 6,000 nữ quân nhân qua 4 vùng chiến thuật thuộc 3 quân chủng Hải, Lục, Không quân.Sau 1975, nhiều gia đình sĩ quan cả vợ chồng đều đi tù cộng sản, đành đoạn bỏ con cái cho họ hàng, bà con đùm bọc.Cũng trong suốt 25 năm chinh chiến từ 1950 đến 1975 đã có rất nhiều Nữ Quân Nhân hy sinh trên chiến trường mặc dù không trực tiếp cầm súng chiến đấu.

Trong trận rút lui của Sư đoàn 3 Bộ binh tại Quảng Trị năm 1972, Trung tá Lê Huy Linh Vũ đã tả về cái chết đau thương của một Nữ Quân Nhân với máu đào đỏ thắm chiếc cáng cứu thương nằm ở bên đường. Những người lính quân y đã bị pháo kích chết, xe cứu thương bị lật nghiêng. Pháo địch như mưa. Tất cả đều tìm đường chạy.Trung tá Linh Vũ kể rằng, khi đoàn di tản xuôi Nam thì Nữ Quân Nhân Xuân Hồng tuy bị thương nặng nhưng vẫn còn tỉnh táo. Em nói rằng: “Trung Tá về nhắn mẹ em ở Thị Nghè sau này ra tìm mộ em ở Quảng Trị.” Em Xuân Hồng 19 tuổi hoa niên đeo lon trung sĩ nhất với anh dũng bội tinh ngôi sao đồng. Chưa hề có nửa mối tình đầu. Em nằm lại trên phòng tuyến của Sư đoàn 3 tan vỡ để chờ chết từng giờ. Nơi em nằm lại sau này người ta gọi là Ðại Lộ Kinh Hoàng. Nữ Quân Nhân Xuân Hồng của Ðại đội Tổng Hành Dinh Sư đoàn 3 Bộ binh là một trong nhiều nữ quân nhân đã hy sinh cho Việt Nam Cộng Hòa.

Trong Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa có mộ bia của Thiếu úy Quỳnh Hoa bên cạnh mộ bia của Thiếu sinh quân Tô Ðình Hương. Chiến tranh khốc liệt tàn phá cả hương hoa đất nước. Những đóa hoa Quỳnh mang quân phục và các em thiếu nhi của gia đình nghĩa tử. Sau này còn nhiều nữ quân nhân đã chết trong trại tù cs ‘cải tạo’, hay chết trên đường vượt biên. Toán Nữ Quân Nhân được biết đến nhiều nhất là các cô mũ đỏ của Sư đoàn Nhảy dù. Một vài tên tuổi thường được nhắc đến là mũ đỏ ký giả Võ Thị Vui và Phan Cẩm Phi. Vui đã qua đời ở miền Nam, Cẩm Phi hiện ở San Jose. Cả hai cô sau 1975 đều sinh hoạt rất tích cực trong các lãnh vực xây dựng cộng đồng, báo chí và tổ chức ái hữu Nữ Quân Nhân ở hải ngoại. Riêng ký giả Phan Cẩm Phi là người đã có dịp tham dự nhiều chiến dịch tại Việt Nam khắp các vùng chiến thuật và cô là người hoạt động rất đắc lực cho tổ chức Phục Quốc của ông Võ Ðại Tôn ngay từ đầu thập niên 1980 tại hải ngoại.

Trong cuốn tuyển tập 16 Ngàn Tử Sĩ Ở Lại Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa, chúng tôi có đề cập đến trường hợp hai cô sĩ quan nữ quân nhân Nông Thị Thanh Nga và Mai Tố Ngọc. Thanh Nga 20 tuổi, nhập ngũ năm 1973. Ra trường xuất sắc được giữ lại làm huấn luyện viên cho Trung tá Hồ Thị Vẻ. Hai năm quân ngũ trả giá cả cuộc đời. Bây giờ, cô thiếu úy xinh đẹp một thời đang bán hàng rong trên vỉa hè Sài Gòn. Mai Tố Ngọc là thiếu úy trưởng ban xã hội của Trường Võ Bị Ðà Lạt.Năm 75, trường di tản bỏ lại cô nữ thiếu úy trong bệnh xá với thương binh. Bây giờ đang sống dở chết dở ở kinh tế mới Sông Bé.Số mệnh của những người con gái thời chiến.Một lần vào nơi gió cát, bụi suốt cuộc đời.Cả hai cô, mỗi năm hai lần được giao phó công tác về Biên Hòa tham dự vào công việc tảo mộ chui tại Nghĩa Trang Quân Ðội.

Anh nằm xuống, chợt nghe “từ đáy hồn thương tích, vẳng tiếng kèn truy điệu mộng xưa.” (Thơ Thanh Nam)


Em là hương hoa của quân đội, đi xe ôm từ xa về thắp hương trên những nấm mồ hiu quạnh cho trọn nghĩa ân tình. Ðó là những chiến hữu nam nữ Việt Nam Cộng Hòa mà chúng ta bỏ lại Sài Gòn.

Ðó là một vài nét đan thanh mà chúng ta còn có thể ghi lại về hình ảnh Gia Ðình Nữ Quân Nhân của niên trưởng Hồ Thị Vẻ.Riêng về cuộc đời của bà Vẻ là một tấm gương hoạt động đấu tranh từ gia đình, xã hội, qua hướng đạo và quân đội.Từ những ngày thơ ấu Hồ Thị Vẻ đã hoạt động hướng đạo và trở thành huynh trưởng. Khi vừa lập gia đình thì toàn quốc kháng chiến, cả hai vợ chồng đều tham gia chống Pháp và đều bị cầm tù.Sau khi chồng bị Pháp giết, vợ tần tảo đi làm nuôi con và gây dựng phong trào hướng đạo tại Huế và Ðà Nẵng.Người chồng sau này của chị là chuyên viên ngành hỏa xa cũng là một huynh trưởng hướng đạo. Cô con gái lớn của chị cũng theo con đường của mẹ đi học lớp sĩ quan Nữ Quân Nhân rồi về phục vụ tại Pleiku.

Sau 1975, chồng của chị Vẻ là anh Thanh cũng phải đi học tập, khi được tự do đã tham gia kháng chiến phục quốc và bị cộng sản Việt Nam sát hại. Riêng về phần chị Vẻ, khi được tự do sau 10 năm tù đày đã lập hồ sơ HO qua Hoa Kỳ và đã có dịp sinh hoạt với Gia Ðình Nữ Quân Nhân Việt Nam Cộng Hòa tại hải ngoại.

Tháng 4-2005, Bộ Tổng Tham Mưu họp mặt Ðêm Hội Ngộ 30 Năm của Trại Trần Hưng Ðạo, Thiếu tá Nữ quân nhân Lê Thị Nuôi của San Jose sốt sắng liên lạc khắp nơi. Trung tá Hồ Thị Vẻ, Trung tá Huỳnh Mai và chị em Nam Bắc Cali về DC để gặp lại các niên trưởng và chiến hữu của Bộ Tổng Tham Mưu.

Nhân dịp này, niên trưởng Hồ Thị Vẻ cho biết hiện còn lưu giữ một số hình ảnh của các sĩ quan Bộ Tổng Tham Mưu chụp chung với Ðại tá Trần Cẩm Hưng. Bà ước mong trong Viện Bảo Tàng Việt Nam Cộng Hòa sẽ có một nơi ghi nhận riêng về sự tham dự của phụ nữ trong quân đội và trong Cảnh Sát Quốc Gia.Tại thủ đô Hoa Kỳ trong đêm hội ngộ có chị Ðào Ðức Minh cũng là Nữ Quân Nhân và đồng thời cũng là một huynh trưởng hướng đạo miền Trung đã từng tham dự khóa đầu tiên do Hồ Thị Vẻ tổ chức.Tình đồng hương, tình hướng đạo, tình chiến hữu Nữ Quân Nhân trải qua bao nhiêu năm dâu bể đã làm cho đêm họp mặt vừa hào hứng vừa ngậm ngùi.

Ngay sau khi từ giã thủ đô về lại miền Nam Cali, bà Vẻ đã soạn sẵn một bao thư với nhiều hình ảnh tài liệu dán tem sẵn đề tên Giao Chỉ để gửi cho chúng tôi dùng làm di sản cho Viện Bảo Tàng. Bao thư lớn chưa kịp gửi thì bà lại có dịp đi thăm gia đình và chiến hữu Úc châu. Khi trở về bà đã mắc bệnh hiểm nghèo và qua đời lúc 78 tuổi.Bà mất ngày thứ Năm 26 tháng 5-2005.

Hoàn toàn tình cờ, anh em chúng tôi từ San Jose xuống dự tiệc về hưu của bạn Lê Xuân Ðịnh chiều thứ Sáu 27 tháng 5-2005, mở tờ báo Orange County thấy có cáo phó báo tang niên trưởng Hồ Thị Vẻ.Một phái đoàn đại diện Tổng Tham Mưu bèn được thành lập đến viếng linh cữu vào ngày Chủ Nhật trước khi lên máy bay trở về Bắc California. Chút duyên liên hệ muộn màng mở ra từ ngày hội ngộ tháng 4 năm 2005 tại thủ đô mới được chưa đầy hai tháng đã đóng lại.Trước khi tiễn đưa niên trưởng Hồ Thị Vẻ về nơi vĩnh cửu, Trung tá Hạnh Nhân đã thay mặt toàn thể Nữ Quân Nhân Việt Nam Cộng Hòa để đọc bài ai điếu.
Ðôi bạn Ðồng Khánh của sông Hương núi Ngự một thời cùng gia nhập binh đoàn, cùng nổi trôi với đất nước, cùng tù đày và cùng xây dựng cuộc sống tha hương nay đã đến lúc chia tay theo định mệnh.

Ðó là câu chuyện sinh ly tử biệt trong các niên trưởng của tôi. Bài tường thuật đến đây tưởng chừng đã hết. Nào ngờ, tang gia bối rối đã xong, con cháu chị Vẻ xem lại di vật của mẫu thân đã tìm thấy một bao thư dày đã dán kín đề tên Giao Chỉ - San Jose. Bèn chuyển cho chị Hạnh Nhân để duyệt lại và gửi lên miền Bắc cho người nhận. Thư đến thấy đề tên người gửi là bà Hồ Thị Vẻ, người mình vừa đi đưa đám tháng trước, thật quá ngỡ ngàng.Mở ra đọc thư tóm lược của Trung tá Hạnh Nhân kèm theo cả lá thư của Trung tá Hồ Thị Vẻ nay đã trở thành di chúc.Trong số các tài liệu của người ra đi giao lại, có một tấm hình rất quý là bản chính chụp các sĩ quan cao cấp của Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa nhân buổi họp hàng tháng.Hình các tướng lãnh, các đại tá trưởng phòng và có mặt Ðại tá Cẩm Hương của đoàn Nữ Quân Nhân Việt Nam Cộng Hòa.Niên trưởng Hồ Thị Vẻ dặn rằng hình bà Cẩm Hương là đại diện cho 6,000 nữ quân nhân, phải được lưu giữ trong Viện Bảo Tàng Việt Nam. Ðó là phấn son tô điểm sơn hà. Ðó là những bậc nữ nhi như Ðinh Hùng đã viết:

Nàng đã trao hồn cho núi sông.
Thuyền quyên vướng mắc chí tang bồng.
Chín lần gươm báu trao tay ngọc.
Một mảnh nhung y điểm má hồng.

Xin vĩnh biệt niên trưởng Hồ Thị Vẻ, và xin cảm ơn chị Hạnh Nhân. Vâng cả niên trưởng Hạnh Nhân nữa. Giao Chỉ tôi tuy lâu nay vẫn cậy mình ở tuổi cao niên nhưng bây giờ thì đã biết rằng vẫn còn thua các thuyền quyên xứ Huế về cả tuổi tác lẫn thâm niên quân vụ.

Giao Chỉ