PDA

View Full Version : Buổi Tối Kỷ Niệm - Vũ Nam (73F)



Thuyduong
05-12-2008, 12:50 AM
Nhìn hình 102 người Bạn khóa 73F do niên trưởng Nguyễn Anh Tuấn vừa gửi đến các bạn tôi nãy sinh ra ý của bài viết này.

Lần tôi đến Hoa Kỳ, Virginia, nơi nhà nt Nguyễn Anh Tuấn cuối tháng 10, 2007 là lần đi Mỹ thứ 3. Hai lần đi Mỹ trước thì có cái vui bình thường. Nhưng phải nói lần đi thứ ba này là lần làm tôi vui nhất. Tôi sẽ nói với các Bạn tại sao là vui nhất.

Từ Âu Châu qua Mỹ thường phi cơ lúc nào cũng đáp ở phi trường Atlanta để cảnh sát Mỹ kiểm soát, trước khi cho người du lịch vào Mỹ được vung văng vung vẻ ở xứ Cờ Hoa (trong thời gian tới đã có hiệp ước giữa Hoa Kỳ và Âu Châu là phi cơ của 2 bên được đáp xuống bất cứ phi trường nào, không bị bắt buột theo những quy định như trước đây).

Buổi chiều đến phi trường những tưởng dễ dàng như kỳ đi lần trước, ai dè cảnh sát Mỹ hỏi lâu quá, làm trễ chuyến bay đến Hoa Thịnh Đốn vào khoảng 6 giờ 30 chiều. Biết là nt Nguyễn Tuấn sẽ ra phi trường đón dùm mà vào giờ nói trên mình vẫn còn loay hoay ở phi trường Atlanta nên trong bụng không thấy yên ổn chút nào. Sau khi thoát được quầy kiểm soát tôi chạy ngay đi lấy hành lý, cùng lúc đó cũng biết là chuyến bay về Washington của mình đã bay rồi. Vào quầy vé xin chuyến kế tiếp. Lo xong chuyến bay, tôi vội vã đến phòng điện thoại gọi ngay cho Nguyễn Tuấn. Nguyễn Tuấn đang ngồi xe ra phi trường nên không mở điện thoại cầm tay. Tôi gọi ngay cho Tuấn Râu. Nói đã trễ chuyến bay rồi, thôi anh em đừng có chờ nữa, về đi, 1 giờ 30 sáng tôi mới đến. Thật ra khi tôi đến còn trễ hơn giờ này! Tôi không quên được câu nói bên đầu giây của Tuấn: Ơ, Văn lo gì, ở đây chiều thứ sáu tụi này thức khuya lắm! Cứ yên chí đi! Nghe được câu Tuấn nói, tôi thấy an tâm và chắc ăn như bắp là không phải làm phiền anh em như mình lo nghĩ. Và cũng không còn sợ cảnh sẽ ngủ ở phi trường suốt đêm để chờ ngày mai trời lại sáng mới có bạn ra đón.

Nguyên nhân chậm ở phi trường Atlanta là do nhiều hành khách đến cùng một lúc quá. Mà hầu như cảnh sát Mỹ không quan tâm đến chuyện hành khách trễ chuyến bay. Chuyện họ quan tâm là hỏi kỹ lý lịch hành khách khi bước chân vào đất Hoa Kỳ. Công ăn chuyện làm, gia đình, đem theo bao nhiêu tiền và ở đâu, bao lâu, đêm đầu tiên ở nhà ai…chắc chắn là vì họ sợ khủng bố. Khi xong họ mới cho đi, khi ấy mình chỉ còn chạy chớ không còn đi nữa, vậy mà còn không kịp! Gặp Tuấn, Tuấn nói nếu cảnh sát kiếm tên mình chắc cũng không kiếm ra được vì mình đã có tên Mỹ. Nghe hết hồn, vì cảnh sát đã hỏi họ tên, số điện thoại của Tuấn, nơi tôi sẽ ngủ đêm đầu tiên ở Hoa Kỳ.

Chuyện xảy ra ở phi trường cũng vui vui. Dù đã có liên lạc trước với nt Nguyễn Tuấn (anh nt Nguyễn Thắng), người đón dùm tôi ở phi trường, đến nơi tôi vẫn không nhận ra, dù hai bên đã gửi hình cho nhau trước để nhận…diện. Nguyên nhân là khi đến phi trường cứ nhìn ai đứng một mình thì mới chú ý, với lại còn lật đật vì biết các bạn chờ mình khuya quá rồi. Thành ra khi đi vào nơi lấy hành lý, thấy có hai anh „Jango“ áo đen nào đứng xa xa như những tay anh chị ở xứ Cờ Hoa, tôi tỉnh bơ đi ngang qua luôn. Đèn phi trường Mỹ chiều tối cũng mờ mờ, y như phi trường trên đảo Rodos của Hy Lạp. khoảng cách hơi xa nên thật tình không nhận ra đó là Nguyễn Tuấn và Dương Vinh Hiển. Đang loay hoay chờ lấy hành lý thì hai ông anh tới. Thấy nt Hiển là nhận ra ngay, dù đã 32 năm kể từ ngày tan hàng cố gắng. Còn Tuấn thì tôi chỉ còn nhớ lờ mờ vì ở Nha Trang ngày đó anh em hay chỉ cho nhau biết…đó là cháu…., với lại thời gian Tuấn ở Nha Trang cũng không có lâu, đậu sinh ngữ ngay lần đầu thi thử sức là có tên để về học tiếp Anh Văn ở Sài Gòn. Hiển từ New Jersey đến, tình nguyện theo Tuấn đi đón khách ở phi trường. Tính Hiển như vậy, vui và tốt, chắc không còn lạ gì với các bạn trong khóa.

Anh em ôm nhau tay bắt mặt mừng. Tuấn chạy xe trong đêm tối tìm đường về nhà. Thỉnh thoảng trên xe, điện thoại cầm tay reo. Đầu kia Tuấn Râu hỏi: Gặp chưa? Đầu này Hiển: Gặp rồi. Đang trên đường về.

Đến Nhà Tuấn trời đã 2 giờ sáng! Ngoài vợ chồng chủ nhà, Hiển, Nguyễn Tuấn, còn có vợ chồng các nt Nguyễn Thắng, Trần Đình Huy (73H), Nguyễn Văn Tốt (72G), Vũ Nam Nhuận (72A) đang ngồi chờ…khách phương xa. Quá khuya, ai cũng mệt mõi nhưng trông có vẻ ai cũng còn…vui, làm kẻ phương xa cũng vui lây. Lại các món ăn uống đầy bàn, thật là ngon. Chắc chắn một trăm phần trăm đây là công bà xả của các bạn. Tôi đem một thùng bia Đức 5 lít ra để đải bạn hiền, vài phong chocola Đức cho các bà xả của bạn. Chụp vài tấm hình xong là mọi người đều ra về, hẹn ngày mai gặp lại ở tiệm phở, do nt NguyễnTuấn (Tuấn Sữa) mời.

Đêm đó tôi và Hiển ngủ chung phòng trong nhà Tuấn. Chủ gia lo cho rất chu đáo. Vừa nằm xuống là Hiển ngủ ngay, chắc là mệt quá. Tôi ngủ hơi chậm hơn một chút vì lạ giờ. Ở Âu Châu đã 9 giờ sáng rồi, ngủ gì nữa. Nhưng nhờ “nệm ấm chăn êm” nên cũng “làm” được một giấc. Hôm sau thức dậy thấy người khoẻ lại, chớ không như chiều hôm trước vừa đến Mỹ. Hai anh em thức dậy, sợ làm động tịnh chủ nhà, nên nằm yên trên giường nói chuyện. Hiển kể chuyến vượt biên của mình, cũng hãi hùng lắm vì gặp hải tặc. Chuyện hay, nhất là Hiển có những lời nói và hành động theo tôi là can đảm khi gặp hải tặc (anh em có thể hỏi Hiển thêm khi gặp lại nhau). Tôi may mắn, năm 80 vượt biên thẳng ra biển từ Bà Rịa, ghe vừa đi được hơn 30 tiếng đồng hồ được tàu Cap Anamur của Tây Đức vớt, nên không từng sống qua cảnh hãi hùng như Hiển đã từng trải qua.

Y như chuyện của Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Tấn Lễ và Đặng Hữu Tâm. Gặp nhau, nghe ba nt kể chuyện đời sau 30 tháng 4 năm 75 tôi cũng rùng mình. Nhất là chuyện của Hạnh! Sau ngày tan hàng, nhiều chuyện vui buồn xảy ra cho anh em, như tôi đã từng thấy, nt Cơ, cũng khóa 73F, sau 75 thỉnh thoảng gặp Cơ đánh xe bò chiều chiều chở lúa chở củi về trên con đường ở Long Điền (Bà Rịa), mặt vui cũng chưa hẳn là vui, còn buồn cũng chưa chắc đã buồn.

Trong câu chuyện Hiển có nhắc lại Hảo, người Bắc, gốc Rạch Giá, đã bị té gãy răng cửa khi chạy ra giao thông hào lúc quân trường ở Long Thành bị pháo kích. Tôi cũng có một kỷ niệm với Hảo.

Buổi sáng sớm thức dậy, bà xả Tuấn bận việc gia đình đi đâu sớm, trong nhà còn lại một đứa con .Tuấn lo nấu nước pha cà phê. Lòng tôi thấy ấm áp hơn bao giờ hết. Trời Virginia cuối tháng mười lành lạnh. Lá vàng lất phất rơi ngoài khung cửa, trước sân nhà. Ba anh em uống cà phê xong lại lo đi chụp vài tấm hình, trong nhà, ngoài sân, con đường hai bên nhà. Tôi bấm máy ghi lại vài hình ảnh của một góc nhà Tuấn ở vùng “cao nguyên” Virginia lành lạnh này. Tiết là túi xách bị mất ở phi trường (do hảng phi cơ làm mất và họ đã đền lại bằng tiền), cả máy chụp hình cũng mất, nên tôi không còn giữ hình ảnh nào chung quanh nhà Tuấn, chỉ nhận được vài tấm hình do Tuấn gửi các bạn coi chung.

Khi ngồi trên xe chạy ra tiệm phở. Tuấn kể cho tôi nghe những ngày đầu vào Mỹ, tưởng tiếng Mỹ mình đã từng học, từng chuẩn bị là lúc đến Mỹ sẽ đủ sài, ai dè, ngày đầu tiên, khi cảnh sát ở phi trường hỏi mình cũng không nghe được nó hỏi gì, ấm ớ ngay. Mới biết lý thuyết và thực hành thật là một trời một vực. Và những lúc sau này vừa đi làm cả ngày, tối về còn đi học để có thêm bằng cấp. Vô lớp học nhiều lúc vừa ngủ vừa học. Ấy vậy mà cũng xong. Rất hay. Có một chuyện vui, nếu Tuấn không kể tôi cũng không nhớ, đó là vì do Tuấn làm lỗi, không chịu hô chào khi gặp xe trung tá Lăng chạy ngang, trong một lần ở Nha Trang đang dẫn toán quân trên đường đi học quân sự về, nên buổi chiều hôm ấy cả khóa bị phạt...cạo... đầu!

May mắn là Tuấn ở Mỹ, khắp mọi nơi đều có những trường học thêm vào buổi chiều tối, chớ như ở Đức thì rất hiếm, mà cũng chỉ có ở những thành phố lớn. Còn học hàm thụ thì rất khó. Vì tiếng Đức khó cũng có, mà vì quá tốn tiền cũng có. Nghe Tuấn kể chuyện tôi cũng nhận ra được những khó khăn ban đầu ở nước Mỹ mà Tuấn đã cố gắng vượt qua. Tuấn kết luận một câu thật đầy lạc quan mà tôi thấy cũng vui lây: Ở đâu rồi tôi thấy cũng không bằng ở Mỹ.

Ngồi trong xe của Tuấn chạy theo xe Hiển ra quán. Những con đường uốn lượn trông rất hay. Buổi tối hôm trước đi với Nguyễn Tuấn tôi không thấy được gì, thì sáng hôm nay đã nhìn ra được mọi vẻ đẹp của vùng Virginia. Tiểu bang Virginia đẹp thật, du lịch ở đây thật đáng đồng tiền bát gạo. Vì chưa đến đây lần nào, nên lần đầu tiên mình thấy lạ lẫm. Ánh nắng mờ nhạt trên mặt đường. Khí hậu lành lạnh. Những nhánh cây cao, những tàn lá thấp, đã thấy treo đầy những chiếc lá vàng. Trên những thảm cỏ đã có những chiếc lá rơi. Có nơi hội tụ hàng trăm chiếc. Có nơi vài ba, như những góc đời hiu quạnh của những bằng hữu bạn bè còn ở quê nhà, hay đang lưu lạc nơi đâu, ở Âu ở Mỹ hay Úc mà chưa thấy lên tiếng gọi đàn, như nt Đặng Hữu Tâm nói giỡn, chúc mừng một con chim lạc đàn đã tìm về, khi nhận được tin một nt 73F vừa lên tiếng gọi.

Hiện tại đã có 102 (2 đã mất). Thời gian đi qua. Những hao hụt mất mát là luật của đất trời. Tuổi chúng ta, ngày nào, mười tám hai mươi cởi áo thư sinh, khoác áo lính, chỉ vì quê hương đang có chiến tranh. Bổn phận trách nhiệm thanh niên là phải làm tròn khi quê hương lên tiếng gọi. Tâm hồn trẻ trung, đi vào đời sống người lính không chút ngại ngần. Ai đến đâu mình đến đó. Thao trường đổ mồ hôi chiến trường bớt đổ máu. Thi hành trước khiếu nại sau. Tổ Quốc Không Gian. Hào hùng độc đáo. Này bao hùng binh tiếng lên, bờ cõi vàng lừng câu quyết tiến... Những điệu nhạc lời ca, khẩu hiệu.... như những lời hiệu triệu để thanh niên lên đường tòng quân nhập ngũ. Ngày ấy, dù đang ở giữa muôn điều khó khăn của đất nước, đang ở trong vòng kỹ luật của quân đội, chúng ta vẫn không vắng tiếng cười.

Trên ba trăm anh em cùng khóa, quả thật tôi không thể nhớ hết, từ khuôn mặt đến tính tình. Và cũng có những người cũng trong khóa 73F nhưng tôi hầu như hoàn toàn không biết (Nguyễn Văn Hạnh là trường hợp như vậy). Có lẽ vì khi vừa xong khoá quân sự, thi Anh Văn, những người đậu cao đã bay về Sài Gòn để học tiếp trong trường Sinh Ngữ Quân Đội. Thời gian họ ở Nha Trang chưa lâu đã về lại Sài Gòn. Nhưng có những người mà tôi không bao giờ quên, lại còn nhớ đến những tính tình nhỏ nhặt của họ. Tôi nghĩ các bạn cũng vậy.

Ngày đó nt Vũ Đình Vị và nt Nguyễn Đức Ri hay đứng ngoài hàng đếm 1, 2, 3, 4... để dẫn anh em đi học quân sự. Cứ xem như là lớp trưởng đi. Bao giờ cũng làm gương: mặc đồ trước, chạy ra sân trước, kêu gọi tập họp v.v... Qua hình ảnh đám tang của nt Lê Đình Lạc lại cũng thấy nt Vị đứng ra lo liệu. Có lẽ Vị được sinh ra đời là để lo cho anh em? ( nhưng nhớ ráng lo cho bà xã nữa nha nt Vị!). Thật sự tôi rất quý mến Vị. Nguyễn Ngọc Thạch, bây giờ trong hình vẫn ốm như những ngày ở Nha Trang. Ngày ấy Thạch nhẹ nhàng, chứ không có nét gì mạnh bạo, hào hùng. Chắc bây giờ cũng vậy? Bữu lúc ở Nha Trang đá banh rất hay. Năm 77 tôi có xem được một lần ở sân vận động Cộng Hòa. Lúc ấy Bữu đá cho đội Xi Măng Hà Tiên, mang số 18, chạy đá chung ở hàng tiền đạo với Sơn. Bây giờ nhìn hình thấy nt thay đổi rất nhiều!

Ở Nha Trang ngày ấy, tôi hay nói chuyện với nt Bảy, ở Long An. Bảy hay khen Bữu, cùng quê với Bảy, có tài đá banh, sao bây giờ nhìn hình Bảy tôi nhận không ra, hay là tôi lộn tên lộn người? Tôi cũng phải nhớ ơn đến Trần Minh Tân (tôi có lộn họ không đây), người gốc Tây Ninh, lúc học trường quân sự Phi Dũng, Tân đang làm đại đội trưởng ở đại đội tôi. Tân đã che cho tôi ”dù” về Sài Gòn trong những ngày Tết năm 1974. Nghe Nguyễn Tấn Lễ kể, Lễ cũng nằm trong trường hợp như tôi. Nếu đúng là Tân trong hình do Tuấn gửi đến anh em, thì Tân bây giờ đã thay đổi quá nhiều, tôi không còn nhận ra! Có nhiều niên trưởng, ngày ấy đến nay, dù thời gian qua đã lâu, có làm cho già hơn, nhưng không thay đổi mấy. Ngược lại, cũng có những niên trưởng thay đổi quá nhiều, gặp nhau ngoài đường đụng nhau té nhào chưa chắc đã nhận được ra!

Hảo mà Hiển kể, người Bắc, gốc Rạch Giá, buổi trưa ngày 30 tháng 4 tan hàng, tôi với Hảo chạy về nhà người bà con của Hảo ở Tân Định. Nhà đã di tản, vắng hoe, không khóa cửa. Hai anh em cứ tỉnh bơ lấy nồi nấu cơm, chiên trứng vịt, ngoài sân mấy con nhím đói cũng đang chạy kiếm ăn lung tung, chung quanh hàng xóm không ai biết nhà này đã vắng chủ. Hôm sau, thay vì về Rạch Giá, Hảo đi theo tôi về Bà Rịa. Hảo nói Hảo có bà con ở Phước Tỉnh, có ghe đánh cá, Hảo đi về đó để xem tình hình ra sao. Nếu được thì... giông, còn không thì Hảo về Rạch Giá lại. Lặn lội từ Sài Gòn từ hừng đông ngày 1 tháng 5, 75. Lúc thì đi bộ, lúc đi xe lam, xe đò, theo đường quốc lộ 15, khoảng Thủ Đức - Biên Hòa, gặp vài xác lính VNCH nằm chết, xác xe tăng còn nằm phơi mình bốc cháy trong cơn nắng tháng tư. Trên mình tôi và Hảo lúc đó chỉ có chiếc áo thung trắng, chiếc quần Kaki vàng, đôi giày Pát-đờ-sô. Theo đường du kích “30 tháng 4” chỉa súng AK, tra hỏi lung tung, nhưng rồi cũng cho đi tiếp. Về đến thị xã Bà Rịa lúc khoảng 3 giờ chiều, Hảo hỏi tôi có đi xuống Phước Tỉnh để tìm ghe... đi với Hảo không. Tôi trả lời, thôi Hảo đi đi, chắc là ông bà già đang nóng lòng chờ tôi, tôi phải về nhà trước cái đã, rồi mới tính. Đến hôm nay, chưa thấy tăm hơi gì Hảo cả. Còn ở Phước Tỉnh, Rạch Giá, hay đang ở Mỹ, Úc...? Nếu nghe tiếng “gọi đàn” thì nt hãy mau cất tiếng!

Nguyễn Văn Hải ngày đó hình như ở chung Thùy Dương với tôi? Hải nhỏ nhẹ, trầm tỉnh. Bây giờ nhìn hình thấy Hải mập ra, nhưng không thay đổi nhiều lắm. Nhìn những hình đám cưới, hình như đám cưới nào cũng có Hải, nhưng Hải lại ít lên tiếng hay email, emét gì cả, chỉ ngồi cười. Nhân ở Hố Nai, người Bắc, lúc ở Tân Sân Nhất, ra Sài Gòn cuối tuần, thỉnh thoảng tôi đi chơi với Nhân, giờ cũng biền biệt! Còn rất nhiều. Hồ Đắc Nghĩa với giọng Huế ngọt ngào, Nguyễn Di Đà, Lê Giảng, Phạm Hùng, Huỳnh Phú Hiếu, Lê Phước Lam Sơn, Thành, Hiệp, Ngô, Hoàng, Lợi, Kiên, Đạm, Khanh, Tỉnh, Dân,Toản, Minh, Đào, Thảo, Châu, Bích, v.v....

Sau khi ba anh em uống cà phê, ăn sáng xong thì bà xả Nguyễn Anh Tuấn về. Qua một đêm, tôi thấy bà xã củaTuấn không có nét mệt, nhưng Tuấn thấy hơi bơ phờ (chắc là bận bịu lo chỗ ăn ngủ cho tôi và Hiễn), bây giờ Bạn còn làm Moderator cho khóa và cùng các nt Thắng, 2 Tuấn, Hiễn, Thưởng... tổ chức cho khóa gặp mặt trong đầu tháng 7, 2008 này, thật là Bạn vừa có sức vừa có lòng cho khóa. Tôi và Nguyễn Văn Hạnh đi không được, nhưng nghe tin 2 nt Đặng Hữu Tâm và Nguyễn Tấn Lễ sẽ đi tôi rất mừng, vì tôi biết gặp nhau ở Washington chắc 2 nt sẽ có được nhiều điều vui, mặc sức nói và kể cho nhau những tâm sự đang có, những kỷ niệm ngày nào.

Gặp nhau ở tiệm phở, do Tuấn Sữa bao. Gặp lại Tuấn Sữa, vẫn như ngày nào, Tuấn vẫn có cách nói chuyện nhanh nhanh, chớ không chậm rãi từ từ như Thạch. Tuấn vẫn nhanh lẹ, hoạt bát như những ngày trước. Khi Tuấn kể chuyện về nt Tốt cả bàn đều cười. Chuyện huấn nhục ở Nha Trang đó mà. Nơi đây cũng gặp lại 2 nt Nguyễn Văn Tốt và Trần Đình Huy. Phở và cà phê ở tiệm này thật đầy “chất lượng”. Những giờ phút vui bên Tuấn Sữa qua mau, vì sau đó Tuấn bận phải đi, còn lại mấy anh em chạy theo về nhà nt Tốt theo lời mời của nt. Những ngày đầu ở Nha Trang khóa nt Tốt huấn nhục cho khóa 73F. Nhưng trực tiếp huấn nhục cho Thùy Dương tôi là nt Khánh. Hỏi nt Tốt, nt cũng còn nhớ đến nt Khánh. Vừa đến nhà nt Tốt, trong khi bà xã của nt lo mời nước tụi này, thì nt lo lục lọi đưa cho xem những cuốn Album đầy hình ảnh về Không Quân của những ngày ở Nha Trang và những Đại Hội KQ sau này ở Mỹ. Hình ảnh đẹp, quá khứ một thời lại trở về. NT có bộ Album về hình ảnh Không Quân thật là đẹp và đầy đủ. Thấy mấy tấm hình về việc huấn nhục, tôi còn sợ đến cái nắng của Nha Trang ngày đó.

Dù nt Nguyễn Thắng có rủ tôi ở lại Virginia vài ngày để Thắng chở đi “tham quan” thủ đô Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, nhưng bận quá, đành cám ơn Thắng và hẹn một dịp khác. Tôi âm thầm chia tay với các bạn ở Virginia để đi Bắc Cali vì có chuyện riêng “văn nghệ văn gừng”, nhưng trong đầu lúc nào cũng nghĩ, việc xong sẽ theo xe đò Hoàng xuống Nam Cali một ngày để thăm Trần Ngọc Hân, các bạn KQ và các bạn học ở Bà Rịa ngày nào, dù tôi đã biết Little Sàigòn trong lần đến Mỹ năm 1997. Đã có hẹn trước với Hân với 2 người bạn học Bà Rịa, vậy mà vì bận quá tôi đành thất hẹn với Hân và các bạn học cũ. Thời gian ấy nghe nt Hân nói ông già đang bịnh nặng, không biết bây giờ bác có đỡ hơn không, hả nt Hân?

Gặp lại các bạn cũ chỉ một hai ngày nhưng tôi thấy rất vui.Thời thơ mộng đã qua. Ở tuổi này chúng ta bây giờ sống nhiều với những hồi ức, kỷ niệm...Thời gian đã qua, những khuôn mặt còn, những khuôn mặt đã vĩnh viễn rời bỏ anh em, đã hòa vào với trời đất, cỏ cây lá hoa. Còn gặp nhau ngày nào, trò chuyện được giờ phút nào thì cũng nên làm ấm lòng nhau. Tuổi đời chúng ta cũng không còn bao nhiêu hãy hoà vui bằng tiếng cười. Chắc hẳn là không gian, địa hình...không thể ngăn cách được tình cảm của hơn 300 khóa sinh khoá 73F của ngày nào, đã cùng từng quỳ xuống dưới chân đại bàng để được gắn Alfa làm Sinh Viên Sĩ Quan Không Quân trong một thời tiết khí hậu tháng 3 đầu hè nóng bức, và trong một hoàn cảnh đất nước đang có chiến tranh đến hồi khóc liệt, dù ngoài kia gió và biển Nha Trang muôn đời sóng vẫn rì rào mời gọi.

Trong một email mới đây của nt nào đó tôi quên rồi (hay của đại úy Thắng ở TTHL KQ Nha Trang ngày nào?) gửi chung cho nhau đọc, tôi đã đọc, nghe được bản nhạc với lời ca rất hay: Có những lời nói làm ấm thêm cuộc sống, có những tiếng hát làm khổ đau trầm lắng... . Hy vọng chúng ta, khóa 73F vẫn cứ giữ vậy. Vẫn cứ vui như ngày nào dù đã tan hàng...cố gắng lâu rồi. Vì theo luật của trời đất chúng ta rồi cũng chỉ vui được vài chục...năm nữa là cùng!
Vũ Nam (73F)

taubay
05-14-2008, 05:45 PM
Cám ơn bạn Nam, truyện bạn viết rất hay....

Thuyduong
05-22-2008, 12:27 AM
Vũ Nam là một cây bút khá quen thuộc trong văn đàn hải ngoại cũng như có nhiều tác phẩm đã xuất bản. Ít có ai biết anh là một cựu SVSQKQ thuộc Liên khóa 72-73. Văn anh điềm đạm, bình dị dể đi vào lòng người, phản ảnh những hiện thực xã hội mà trong cuộc sống hàng ngày chúng ta thường gặp. Bài mới nhất cúa anh được gởi riêng tặng Hội Quán Phi Dũng trên đây ghi lại cuộc gặp gỡ của những cánh chim bằng, dù ngắn ngủi nhưng thật đậm tình chiến hữu.
Hiện anh đang cộng tác với Cỏ Thơm (http://cothommagazine.com), một tạp chí văn chương online tập hợp những nhà văn nổi tiếng với các bài viết chọn lọc giá trị . Một trong những sáng tác mới nhất của anh đăng trong tạp chí nầy là Bờ Vực (http://cothommagazine.com/index.php?option=com_content&task=view&id=539&Itemid=46) một khám phá mới đầy chất thiền nhưng vẫn được trình bày qua giọng văn bình dị, hiện thực và gần gủi của anh. Xin trân trọng giới thiệu cùng các bạn.

Giới thiệu về tác giả:

Vũ Nam sinh năm 1954 tại tỉnh Phước Tuy (Bà Rịa). Cho đến ngày 30 tháng 4, 75 vẫn còn là SVSQ Không Quân - nhập ngũ sau Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972.
Vượt biên cùng gia đình năm 1980, được tàu Cap Anamur của Tây Đức vớt. Định cư ở Đức năm 1981, học nghề chuyên môn, học dở dang ở năm thứ 2 ngành Kỹ Sư Cơ Khí.
Bắt đầu viết văn từ năm 1985. Cộng tác với các báo: Ở Hoa Kỳ: Văn, Gió Văn, Cỏ Thơm, Hải Ngoại Nhân Văn, Đẹp, Đặc san Biển Đông... Ở Canada: Làng Văn, Sóng, Nắng Mới... Ở Pháp: Nhân Bản, Chiến Hữu, Tin Văn... Ở Na Uy: Pháp Âm. Ở Đức: Viên Giác, Độc Lập, Tâm Giác...


Các tác phẩm đã xuất bản:

- Sau Ngày Tang - tuyển tập truyện ngắn - 1987
- Bên Dòng Sông Donau (Danube) - tuyển tập truyện ngắn - 1990
- Bên Này Bức Tường Bá Linh - tuyển tập truyện ngắn - 1993
- Nơi Cuối Dòng Sông - truyện dài - 1994
- Câu Chuyện Từ Con Tàu Cap Anamur - truyện dài - 1997
- Một Đêm Ở Genève - tuyển tập truyện ngắn - 2004

Góp Mặt Trong Các Tuyển Tập:

- Những Cây Viết Miền Nam - 1990
- Truyện Hay Hải Ngoại - 1991
- 3 tuyển tập Văn Bút Âu Châu 1989, 1994, 1996
- Nỗi Nhớ Khôn Nguôi - 1994
- Trông Vời Quê Cũ - 1996
- Trông Cơn Vật Vã – 1999
- Tập Diễm Ngưng Huy - 2003
- Thi Văn Viễn Xứ - 2005
- Nam Phong Tuyển Tập - 2006
- Giai Thoại Văn Chương - 2006
- Thi Văn Viễn Xứ 2 - 2007