PDA

View Full Version : Mùa Xuân BETTINA - Kim Thanh



LKTho
07-15-2011, 09:13 PM
MÙA XUÂN BETTINA


Người về còn nhớ khúc hát
Người yêu dấu bên bờ thành Vienne
(Nguyễn Văn Đông, “Nhớ một chiều xuân”)

Tháng ba, 1992. Nguyễn trở lại Paris lần này cùng với mùa xuân. Buổi chiều có những cơn mưa nhè nhẹ, và gió lùa qua tóc bồng bềnh. Làm gợi nhớ cái lạnh hắt hiu của Đà Lạt và Pleiku ngày xưa và mối sầu viễn xứ. Nắng mai vẫn thắm tươi trên sông Seine lững lờ, và phố phường vẫn
tấp nập người qua lại. Bên cầu Mirabeau, còn vang vọng lời thơ Apollinaire, chàng lặng nhìn dòng nước vẫn trôi đi như thời gian hờ hững, như những cuộc tình không may:


http://hoiquanphidung.com/user-upload/users/HQPD_1310764301.JPG
Passent les jours et passent les semaines
Ni temps passé
Ni les amours reviennent
Sous le pont Mirabeau coule la Seine

Có ai hay nỗi xót đau trong lòng kẻ đang mất quê hương. Bất cứ nơi đâu, trước hạnh phúc vô tư của người, Nguyễn không khỏi chạnh nghĩ đến cô đơn riêng mình và cảnh cơ cực, đắng cay mà đồng bào, mẹ già, em gái, và bằng hữu phải chịu bên kia trời xa tắp. Nước mắt có khi lưng tròng như mùa hè năm ngoái một mình lang thang trên bãi biển Nice rực nắng hay trầm ngâm bên bờ tường Berlin đổ nát.

Lần này Nguyễn không muốn ray rứt bởi nỗi nhớ Việt Nam. Chàng phải thành công trong buổi hội thảo sắp tới về văn sĩ Stendhal, tức Henri Beyle, với chủ đề: Stendhal, Paris et le mirage italien (Stendhal, Paris và ảo ảnh Ý quốc), tưởng niệm lần thứ 150 ngày mất của ông. Từ Vienne, hai hôm sau, Bettina nghỉ học, đáp xe lửa đến, theo lời đã hẹn. Để nâng đỡ tinh thần, như mẹ, như em. Như người rất yêu dấu.

Vẫn môi cười rạng rỡ, tóc huyền phủ đôi vai, và mắt tím màu hoàng hôn. Không khác chi đêm gặp nàng trên chuyến xe lửa miền Đông, hai năm trước, từ Madrid đi Monaco và Rome. Một tuần bên nhau, ở Paris, chưa vơi tâm sự và kỷ niệm như tơ trời quấn quít. Ban ngày thả bộ qua các con phố đông người, các công viên vắng vẻ, các lối mòn còn đầy xác lá. Ngồi trong quán nhỏ Khu Latin ăn bánh madeleine, bên tách trà thơm, mà chợt nhớ về Marcel Proust và những nẻo thời gian đã mất. Đi dưới mưa Paris mà ngỡ như trong bài thơ "Barbara" của Prévert, hay như còn lênh đênh trên dòng Danube chiều nào. Tối đến, nàng chăm chú nghe Nguyễn đọc thử bài thuyết trình viết cho cuộc họp, sửa từ dáng điệu đến âm lượng một cách kỹ càng. Bởi em muốn anh thành công vẻ vang và hãnh diện vì anh. Lời nàng làm Nguyễn nhớ những câu chúc lên đường của các sinh viên và đồng nghiệp Eastern Washington University, ở Cheney... Tại Mỹ, chàng đã thuyết trình vài nơi, nhưng đây là lần đầu được mời tham dự một cuộc hội thảo quốc tế về văn chương Pháp, với tư cách một giáo sư đại diện Mỹ quốc và thành viên hội Stendhal Club Paris. Các diễn giả (interve-nants) khác đáng bậc thầy, có người là thầy cũ cách đây hai mươi chín năm tại đại học Grenoble, giáo sư Victor del Litto, trưởng ban tổ chức -người đã điện thoại mời học trò, sau khi đọc sách hắn viết về “tù ngục trong tiểu thuyết Stendhal” (La prison dans l’œuvre ro- manesque de Stendhal).


http://hoiquanphidung.com/user-upload/users/HQPD_1310764612.JPG
Stendhal (Henri Beyle) 1783-1842

Làm sao không khỏi lo lắng? Từ Cheney, Nguyễn gọi Bettina. Anh cần em, hãy đến với anh.

Và nàng đã đến cùng với mùa xuân. Với tình yêu không tính toán. Khi chàng không còn gì -tuổi trẻ, danh vọng, tương lai- ngoài chuỗi mùa đông sầu thảm và trái tim khô héo bởi trăm ngàn nỗi buồn không tên. Tháng ba tại Paris không thấy "cỏ non xanh tận chân trời", nhưng có nàng lòng chàng mở hội, phơi phới như Kim Trọng lần đầu gặp Thúy Kiều:

Dưới hoa nép mặt gương lồng bóng
Ngàn liễu rung cương sóng gợn tình.
(Chu Mạnh Trinh, thơ vịnh Kiều)

Vinh dự và tình yêu, khi bóng đời đã xế, Nguyễn tự nhủ, là một phép mầu hồi sinh nào Thượng Đế ban cho để bù đắp những tháng năm đày ải trong ngục tù Cộng sản và giông tố dập vùi. Sự chăm sóc ân cần, lòng tin yêu đằm thắm của Bettina làm Nguyễn quên thực tại phũ phàng, xấu xí, đưa chàng vào những cơn mộng êm đềm. Từng đêm, tay đan tay -như hồi ở nhà nàng tại kinh thành Vienne thả hồn theo gió mênh mang và tiếng vĩ cầm sérénade ai đàn dìu dặt giữa đồi trăng- cả hai lặng thinh cùng ngắm không gian Paris vời vợi qua khung cửa mờ sương, cùng ước bao nhiêu mùa xuân không tàn phai có hoa, có bướm, có mây hồng trôi trên tóc. Có bóng dáng thiên đường xa. Có yêu đương đồng lõa. Có đắm đuối môi hôn, qua tận cùng cõi chết. Có nồng nàn tưởng tiếc Trương Chi và Mỵ Nương, Tristan và Yseult, Romeo và Juliet, Orphée và Eurydice, Trọng Thủy và Mỵ Châu...


http://hoiquanphidung.com/user-upload/users/HQPD_1310764714.JPG
Sông Danube tại Vienne, Áo quốc, trong chiều tà

Một lần, ngồi nghe kể chuyện, nàng ngủ vùi bên ngực Nguyễn lúc nào không hay, thơ ngây và bình yên, như vì sao nhỏ, đẹp nhất, tinh khiết nhất, đã rơi lạc xuống vai anh mục đồng trong truyện "Les étoiles" của Alphonse Daudet. Mùi tóc nàng ngọt ngào, nhẹ thơm, làm Nguyễn nhớ hương cau, hương bưởi của những ngày xưa hành quân qua các thôn ấp. Mùi tóc, hay hương thời gian chưa xóa mờ kỷ niệm dấu yêu. Nguyễn ngồi im không dám nhúc nhích, sợ chỉ một làn hơi thở nhỏ sẽ làm tan giấc mơ hoa của nàng, hay của chàng... Bên em, anh bỗng gặp lại hình ảnh mơ hồ như sương khói của một Áo quốc đã vì em trở thành thân thương, của một vận nước cũng nổi trôi được tô vẽ tuyệt vời với những lâu đài cổ kính và rừng núi mang màu thần tiên. Đất nước của nữ hoàng Sissi được tưởng tượng qua đôi mắt biếc của Romy Schneider kiều diễm làm mê đắm hồn anh thời niên thiếu. Đất nước của Mozart, của Johann Strauss và bản Dòng Sông Xanh bất tử. Và bây giờ của em, Bettina! Bên anh, ngày đó, em nhớ không, em cười vui, lắng nghe gió từ ngọn đồi xa đong đưa lời tình tự, rồi hỏi khẽ, không biết tại ai mà sao em cũng thấy nhớ quá Việt Nam, và Sài Gòn của một thời yêu thương và mộng mơ đã chết?

Trên chuyến tàu Madrid đêm ấy, tôi kể cho nàng nghe về lịch sử kiêu hùng của dân tộc Việt, thăng trầm qua bao thế kỷ chiến tranh tàn khốc, giống nước Áo của nàng, bị xâu xé bởi các cường lực ngoại bang, và ngày nay đang quằn quại trong nanh vuốt bầy quỉ đỏ. Một đất nước Việt Nam xưa kia giàu đẹp, nhưng hỡi ơi còn gì đâu dưới thảm họa Cộng sản? Có chăng chỉ là một trại tập trung khổng lồ, một đại dương nước mắt lầm than. Bao nhiêu căm hờn chất chứa không biết tỏ cùng ai được dịp tuôn tràn. Nàng lắng nghe mà hai hàng lệ ứa. Hơn ai hết, nàng hiểu nỗi khổ đau của tôi và những người đang sống kiếp lưu đày. Ông nội nàng chết trong trại tập trung Auschwitz, thời Đức quốc xã, và cha mẹ nàng khi còn rất trẻ đã phải đi tỵ nạn phiêu bạt khắp nơi. Nàng sinh ra, lớn lên với kỷ niệm tan tác của gia đình và tình thương đồng loại bao la. Nàng hỏi, sao anh không về thăm Việt Nam như những người khác. Tôi ngập ngừng, có ai không mong thấy lại quê hương hở em, nhưng... Làm sao anh quên được mình là một người tỵ nạn chính trị không thỏa hiệp với Cộng sản, một sĩ quan bại trận không hèn hạ trước địch thù? Nàng bỗng ngước nhìn tôi, mắt long lanh, không chớp. Cái nhìn diễm ảo thay cho muôn lời trìu mến, khiến tim tôi muốn ngừng thở. Tôi thấy có cả thiên thu ở khoảnh khắc diệu kỳ ấy, chỉ đến một lần trong đời, dù phải xuống tuyền đài uống cạn nước sông Léthé thần thoại cũng không sao quên được. Tôi siết tay nàng. Nàng choàng vai ôm tôi, vỗ về. Em hiểu và quý trọng anh. Đừng buồn nữa anh, em tin một ngày không xa chế độ Cộng sản tại Việt Nam sẽ sụp đổ như ở các nước Đông Âu, vì bạo lực nào rồi cũng phải bị tiêu diệt, và anh sẽ đưa em về thăm quê cũ như kẻ chiến thắng. Khi xuống ga Barcelona đổi tàu về Áo quốc qua ngả Milan, Ý, nàng không ngớt dặn dò, thế nào anh cũng ghé Vienne thăm em, nghe anh. Từ nay có em, anh sẽ không còn độc hành như trước nữa đâu...

Sáng thứ bảy khai mạc hội thảo, Bettina đánh thức Nguyễn dậy sớm, pha cà phê, ủi lại bộ complet, nắn cà-vạt cho chàng, đảm đang như cô gái Việt. Nàng cười bảo, anh đúng dân Mỹ, nghĩa là ăn mặc lôi thôi lắm đấy, nhưng lần này thì phải lịch sự như Tây nhé! Nguyễn cười theo, giòn tan. Chàng cũng từng được "mắng yêu" như thế bởi những người đàn bà trước đây dù chỉ một lần thoáng đi qua đời -những người đã xa rời, trả hết tình si cho liễu tàn trăng úa. Nhưng "cố tật" ấy, Nguyễn vẫn chưa chừa được.
Thành phố vừa thức dậy, rộn ràng. Vì muốn hít không khí trong lành buổi sáng, nên sau bữa điểm tâm vội vã, hai người đi bộ dọc sông Seine -lúc ấy còn chìm trong giấc ngủ, với những bateaux-mouches đậu bến im lìm và làn sương mai phủ trắng xa trông như giải lụa mỏng vắt ngang, mơ màng không thua một bức tranh thủy mạc, hoặc, nàng thêm, đẹp hơn những họa phẩm về "giang cảnh" (vue de rivière) của Van Goyen. Sau hơn một giờ, đến Thư viện Lịch sử của Thành phố Paris (Bibliothèque historique de la Ville de Paris), đường Pavée, địa điểm hội thảo. Thư viện, có tên Hôtel d’Angoulême-Lamoignon, nguyên là lâu đài của công chúa Diane de France, thế kỷ XVI. Bên trong thấy thấp thoáng bóng người. Chín giờ rưỡi, Tổng thống François Mitterrand tới, mặc dù, vì an ninh, trên chương trình không ghi tên ông. Đáng lẽ phải có Thị trưởng Jacques Chirac nữa, nhưng vì kỵ Mitterrand, nhất là đang vào mùa bầu cử nghị viên vùng, ông đã lánh mặt, chỉ định cô phụ tá đi thay. Lần đầu tiên Nguyễn và Bettina được thấy tổng thống tận mắt. Ông người tầm thước, vẻ phúc hậu, thâm trầm, ít nói, trẻ hơn số tuổi. Bettina chụp hình ông lia lịa, tuy không được phép, vì đã có thợ chính thức. Ông nhìn nàng, biết không phải dân Pháp, gật đầu thông cảm, nên các gorilles (hộ vệ) không làm khó dễ. Nàng tiếc không đến kịp lúc Nguyễn được giới thiệu, bắt tay ông, mất đi một tấm ảnh "lịch sử".
Quá trưa mới tới phiên Nguyễn phát biểu. Chàng đã mời bạn bè ở Paris đến dự "cho vui". Các bạn Pháp hiện diện đầy đủ: Alain Bichet, đồng nghiệp dạy Pháp văn tại trường Đại học Văn Khoa Đà Lạt từ 1973; Béatrice, bác sĩ quen tại trại tỵ nạn Palawan, Philippines; và hai cô bạn mới, Nathalie và Ghislaine, những người đã đọc bản văn của Nguyễn bằng chính giọng parisien. Việt Nam không thấy ai, kể cả một vài bà con và bạn cố tri từ quê nhà. Chàng hơi thất vọng, nhưng kịp hiểu rằng họ còn bận nhiều việc quan trọng hơn cho cuộc sống. Cuộc sống là thực tế, là áo cơm, tiền bạc, nợ nần, là vợ đẹp con khôn, là bon chen, đố kỵ nữa, còn văn chương là huyễn mộng, phù phiếm, làm sao đi với nhau được? Tìm đâu giữa cảnh đời ô trọc này phong thái ung dung, thoát tục của cổ nhân biết "vui cùng phong nguyệt một câu thơ" (Nguyễn Công Trứ)? Cuối cùng Nguyễn là người Việt Nam duy nhất có mặt. Đôi lúc bị lẫn lộn với thính giả Tàu, Nhật, Đại Hàn, hoặc được thầy Victor del Litto chính thức giới thiệu là notre collègue Américain (đồng nghiệp Mỹ của chúng ta) -điều chàng không thích chút nào. Chàng muốn nói to, tôi là người Việt Nam trăm phần trăm, và tỵ nạn nữa, và rất hãnh diện về điều đó.

http://hoiquanphidung.com/user-upload/users/HQPD_1310764781.JPG
Tổng thống Mitterrand bước vào phòng hội thảo


http://hoiquanphidung.com/user-upload/users/HQPD_1310764877.JPG
TT Mitterrand lắng nghe một thuyết trình viên. Bên phải ông là bà đại diện Thị trưởng Paris Jacques Chirac. Người đầu từ phải là giáo sư Pierre G Castex, soạn giả những sách giáo khoa Pháp.
Trên bục nhìn xuống cử tọa, Nguyễn vững tâm khi bắt gặp nụ cười khuyến khích của Bettina và bạn hữu, và vẻ chăm chú của tổng thống Pháp. Bài đọc có tựa: Stendhal et Paris, ou la nostalgie d’un bonheur impossible. Stendhal và Paris, hay nỗi nhớ cho một hạnh phúc hư ảo. Nói về, và cắt nghĩa, qua tác phẩm Stendhal, thái độ của ông đối với Paris. Paris bạc bẽo, tẻ nhạt, tự phụ, Paris mà ông thù ghét, trốn chạy, để dồn hết thiện cảm cho Ý quốc, đúng hơn cho thành phố Milan, nơi có Métilde, người thiếu phụ đẹp kiêu sa, tàn nhẫn, và mối tình vô vọng, đớn đau -đã trao cho ông một vết thương lòng không bao giờ lành được, kể cả và nhất là sau khi nàng chết giữa tuổi thanh xuân. Ôm trái tim rướm máu, ông đành trở về Paris như đứa con hoang đàng tìm lại vòng tay mẹ ấm êm. Để cố quên, bằng vài cuộc tình dễ dàng, chóng phai. Để càng nhớ nàng thêm, nhức buốt. Và để gục chết vì tai biến mạch máu não (apoplexie), đêm 22 tháng 3, 1842, trên lề đường Neuve des Capucines, hưởng thọ 59 tuổi. Như thế, Nguyễn kết luận, Milan và Paris trở thành hai địa danh đối nghịch, nhưng không tách rời, của một thời để yêu, để viết, và một thời để chết, trong huyền thoại Stendhal, người đã mất cả đời đuổi theo bóng của một hạnh phúc hoang đường. Milan và Paris, hai chương lớn của một chuyện tình đau khổ không bao giờ chấm dứt như mọi chuyện tình đau khổ khác trên đời (“Milan et Paris, ces deux noms si doux d’un temps d’aimer, d’écrire, et d’un temps de mourir, deviennent ainsi deux lieux inséparables dans la légende d’un homme qui a passé toute sa vie à guetter l’ombre d’un bonheur impossible, deux grands chapitres d’une belle histoire d’amour qui, comme toute autre, ne saura jamais finir”).


http://hoiquanphidung.com/user-upload/users/HQPD_1310764925.JPG
Nguyễn trên bàn chủ tọa. Người giữa là giáo sư đại học London, Christopher Thompson

Nguyễn được vỗ tay, vừa phải, không hơn không kém so với các diễn giả khác, kể cả Jacques Laurent, viện sĩ Hàn lâm viện Pháp, rất khiêm tốn, hay Michel Crouzet, giáo sư kỳ cựu Sorbonne, vẻ kênh kiệu. Không ai ngạc nhiên. Tuy lòng phục đấy, dân Pháp vẫn không muốn ai thấy mình khen người khác, nhất là trong lãnh vực văn chương. Nguyễn gọi đó là snobisme, tức bệnh thượng lưu tự phong -đã lây sang cho nhiều người Việt mình.

Hai ngày hội thảo trôi nhanh. Vinh dự có thật, nhưng sau những nôn nao ban đầu và gặp gỡ, tiệc tùng tiếp đó với các đồng nghiệp, Nguyễn thấy lòng dửng dưng, chán chường, mệt mỏi, không muốn đọc lại bài mình được in thành sách, bày bán, cùng với bài của các diễn giả khác. Mọi thứ sẽ tàn mau như cánh phù du. Trừ Bettina và mùa xuân nàng mang đến. Sáng thứ hai, 23 tháng 3, hai người đi viếng mộ Stendhal tại nghĩa trang Montmartre cùng với các hội viên Stendhal Club. Thị trưởng Chirac cũng đến, sớm hơn, đặt vòng hoa tưởng niệm cho chính người trước kia đã không tiếc lời chê bai thành phố mà ông đại diện, và đã yêu cầu khắc trên bia mộ mình dòng chữ bằng tiếng Ý: Enrico Beyle, Milanese, visse, scrisse, amò... (Henri Beyle, người Milan, đã sống, đã viết, đã yêu...)

http://hoiquanphidung.com/user-upload/users/HQPD_1310765131.JPG
Hội viên Stendhal Club trước mộ của văn sĩ tại Montmartre có sự hiện diện của Thị trưởng Chirac và vòng hoa của ông. Trích từ nguyệt san Stendhal Club.

Tôi mê Stendhal từ hồi còn học tại trường Jean-Jacques Rousseau bởi những nhân vật nữ đẹp tuyệt trần và thế giới ngạt ngào hương phấn, nửa hư nửa thực, trong các tác phẩm của ông. Đời ông cũng là chuỗi ngày tuyệt vọng tìm kiếm một tình yêu đích thực và một hạnh phúc vĩnh cửu. Cho nên, qua tiểu thuyết, ông đã tưởng tượng một thực tế khác, đầy thơ đầy mộng, không có trên cõi đời này, kể cả những truyện về tù ngục, Le Rouge et le Noir và La Chartreuse de Parme. Tôi mê Stendhal có lẽ vì cùng nòi lãng mạn như những nhân vật ông tạo dựng, cô đơn, đi bên lề cuộc sống, suốt đời ôm khư khư trong tay ảo ảnh của một thiên đường đã mất, nơi đó tình yêu không có vết nhăn, không có lọc lừa, phản bội.

Yên ngủ ngàn năm tại Montmartre còn có Dalida, nữ danh ca tài sắc vẹn toàn mà tôi hằng ngưỡng mộ. Cô đã đến trình diễn tại rạp Rex Sài Gòn vào đầu thập niên 60 và được bà Ngô Đình Nhu tiếp đón long trọng. Một số sinh viên nam nữ Văn khoa Pháp, có tôi, được chọn làm hướng dẫn viên. Cô đẹp rực rỡ, vừa hát vừa múa, như một nàng tiên giáng trần. Tôi vốn thương những ai có cảm tình với Việt Nam Cộng Hòa, và ngược lại. Chế độ quốc gia tuy có khuyết điểm, như mọi chế độ, vẫn tốt đẹp gấp trăm lần hơn cái chủ nghĩa Cộng sản quái thai đang còn được tôn thờ bởi một bọn vượn người ngu si, ngoan cố, ở Bắc bộ phủ. Năm 1988, mỹ nhân Dalida tự tìm cái chết để mãi mãi "bất hứa nhân gian kiến bạch đầu". Lúc ấy, tôi đang học hè ở London, nghe tin, hồn bỗng rụng rời, thương tiếc. Giờ này, dưới lòng đất lạnh, biết ai còn nhớ tới cô? Bên mộ Dalida, tôi liên tưởng đến Đạm Tiên và khi ra về kể sơ truyện Thúy Kiều cho Bettina nghe. Nàng thoáng vẻ tư lự, rồi mỉm cười bảo mong sao đừng có điềm gì xấu cho em, vì em rất thực tế, lỡ hứa với nhân gian rằng sẽ yêu anh cho đến lúc bạc đầu...

Người yêu dấu bên bờ thành Vienne, 1990

Mỗi buổi chiều Nguyễn và Bettina đều đến ăn tại các nhà hàng Việt Nam, quận 13. Không phải chỉ nàng thích, mà Nguyễn cũng rất thèm những món thuần túy quê hương. Ở Cheney, thị trấn buồn hiu của chàng, không có một bóng người Việt, nói chi tiệm ăn.
Paris thời gian này đang chiếu hai phim về Việt Nam, Điện Biên Phủ và The Lover. Phim trên do Pierre Schoendoerffer, một cựu lê dương và tù binh, đạo diễn. Phim được quay tại chỗ, dựng lại khá trung thực những ngày địa ngục của đoàn quân bại trận, với đạn pháo, chết chóc, tuyệt vọng. Nhưng hết cuốn phim không ai hiểu mục đích của đạo diễn. Quay cảnh chiến bại nhục nhã của nước mình để nói lên cái gì? Lịch sử không thể giải thích đơn thuần bằng xúc động cá nhân thiên vị, hay phản ứng tập thể bồng bột, hay cả thời gian quên làng, nhưng bằng những uẩn khúc chính trị mà đạo diễn không hiểu, hoặc cố tình lẩn tránh, nên vấp nhiều sai lầm. Còn The Lover dựa trên tự truyện L’amant của Marguerite Duras. Chuyện xảy ra thời Tây đô hộ. Nhân vật chính là một cô gái
Pháp sinh trưởng ở Sa Đéc, học trường Sài Gòn. Tại đây, lúc mười sáu tuổi, vì tiền đã cặp bồ, bán thân cho một anh Tàu Chợ Lớn (Cholen trong sách), con nhà giàu, đẹp trai, học không giỏi. Ít lâu sau, cô nàng phải theo gia đình về mẫu quốc, và anh Tàu bị cha bắt cưới vợ Tàu, nếu không sẽ mất gia tài. Nhiều năm trôi qua, tình cờ một hôm, cô -nay trở thành một nhà văn nổi tiếng- nhận được một cú điện thoại của anh từ Paris hỏi thăm, nói rằng anh vẫn yêu cô, như trước kia, cho đến chết, vân vân... Chuyện ngừng ở đó. Cuốn tiểu thuyết, vào năm 1984, là một best-seller nhờ bối cảnh lạ, cách hành văn độc đáo, viết theo lối nouveau roman (tân tiểu thuyết), khó dịch đúng. Đưa lên màn ảnh, cả một chuyện gọi là tình buồn, đậm nét văn chương ấy đã bị hủy hoại một cách thê thảm để biến thành một phim X chánh hiệu. Phim do tài tử Hồng Kông Tony Leung và Anh quốc Jane Marsch đóng, nói tiếng Mỹ, phụ đề Pháp ngữ, chỉ quay đi quay lại những màn thoát y và làm tình nóng bỏng, thô bạo. Qua trung gian của Nathalie, Nguyễn và Bettina có đến thăm Marguerite Duras. Bà đã 78, hút thuốc, nghiện rượu, da mặt nhăn nhúm, nhưng vẫn minh mẫn, còn nhớ và hỏi từng kỷ niệm Việt Nam. Bà nói rất buồn lòng về cuốn phim. Nguyễn đưa Bettina đi xem cốt để giới thiệu cảnh trí quê hương. Nhưng vô cùng thất vọng, vì chỉ thấy một Việt Nam đắm chìm trong khói lửa, một Việt Nam nghèo nàn, lạc hậu dưới thời thực dân. Bettina hiểu ý, đã an ủi chàng. Em yêu tất cả những gì anh yêu.


http://hoiquanphidung.com/user-upload/users/HQPD_1310765185.JPG

Một ngày trước khi tôi trở lại Mỹ, nàng về Áo, bằng Air France. Phi trường Charles de Gaulle sương mù phủ kín. Như cõi lòng chúng tôi. Như đêm trắng giã từ ở sân ga Vienne mùa hè cũ. Như tháng ngày sắp sửa chia phôi. Khi hôn nhau lần cuối, mắt nàng đẫm lệ. Những giọt lệ chưa bao giờ được ai khóc cho tình tôi. Những giọt lệ mà Stendhal, hay thi sĩ Heinrich Heine, suốt đời đã hoài công ngóng đợi. Tôi may mắn hơn họ. Nàng về, mùa xuân cũng bay theo. Và mưa rả rích suốt ngày trên Paris, đồng lõa với tâm sự não nề. Buổi tối, nàng gọi từ Vienne. Anh yêu, bên này, mùa xuân chưa đến, trời vẫn tàn đông băng giá. Cũng tại anh hết. Anh có nghe nước sông Danube réo gọi anh trở lại thăm em và tiếng em thầm nhắc tên anh, Paris, Việt nam, ngàn lần tha thiết?
Tôi ra đứng tựa cửa nhìn bầu trời đêm. Tìm một vì sao lẻ loi. Có một vầng trăng xẻ nửa. Trăng Đoạn trường tân thanh, trăng biệt ly, lạnh lẽo như cung nguyệt cầm dang dở. Nửa in trên chiếc gối bỏ trống, ơ thờ, còn vương mùi tóc. Nửa kia lẩn quất bên bờ thành Vienne, như cả linh hồn tôi đêm ấy chết theo mùa xuân Paris tàn úa. ■

Kim Thanh
Portland, 3/2004




Tiếp theo là bài thuyết trình của Nguyễn Kim Quý, được in thành sách cùng với bài của các thuyết trình viên khác.