PDA

View Full Version : Đoản khúc 30 tháng Tư



chimtroi
05-01-2008, 01:36 AM
Thân tặng các bạn của tôi đã may mắn vượt thoát đuợc khỏi VN vào ngày 30.4.1975 hay về sau nầy. Một sự may mắn thật nhiệm mầu...


https://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd417/1493642039-1-90.jpg

Đọc những bài viết về ngày 30 tháng Tư thì nhiều nhưng chưa khi nào tôi cảm thấy nhiều xót xa khi đọc lại bài BTL Không Quân 30.4.1975... (https://hoiquanphidung.com/showthread.php?1926). Đây không biết là lần thứ mấy tôi đọc lại bài nầy, mỗi lần vào dịp kỷ niệm 30 tháng Tư. Đầu tiên là cảm giác thật gần gũi, thân thiết với tác giả, NT Liệt Lão Đào Huy Ngọc, dù chưa bao giờ có hân hạnh biết qua ông trước đây. Ông chọn biệt danh là Liệt Lão nhưng khi đọc qua bài viết, một điều tôi đoan chắc chữ Liệt ở đây ông không dùng cho ý nghĩa "oanh liệt".

BTLKQ là cơ cấu chỉ huy cao nhất của chúng ta, nơi tập hợp những vị SQ chỉ huy cao cấp ưu tú nhất trong Binh Chủng. Tất cả sự tùng phục và kỳ vọng của chúng mình đều hướng về nơi đây. Tương lai và tuổi xuân đều trút hết cho một ván cờ khi chọn làm người của Không Gian. Nhưng ngày tan hàng sao mà chua xót quá, cay đắng quá. Một SQ cao cấp của Tư Lệnh Bộ mà còn phải ngược xuôi vất vả tìm đường bôn tẩu, bỏ lại bà mẹ già một mình không người chăm sóc. Còn gì đau lòng hơn.

Nói chi đến chúng ta, những cánh chim non vừa tập tễnh bay, không quyền thế, không vây cánh, không phương tiện. Thật cảm phục những bạn bè cùng trang lứa đã thoát được trong dịp nầy, thuần túy là một sự may mắn. Anh bạn tôi là một trong những người mai mắn đó. Vào những giờ phút cuối cùng nầy tại TSN, anh đã cùng với một số SQ trẻ khác mai mắn "bắt gặp" một trực thăng của AA đang bốc người di tản, các anh không thuộc diện có "thân thế" để được chiếu cố bèn nổi "khùng" để trở thành "không tặc" bất đắc dĩ. Khi tàu vừa đáp xuống mẫu hạm thì có cả tiểu đội TQLC Mỹ "dàn chào" , anh ta cứ tưởng sẽ bị đem đi xuống hầm "câu cá mập". Cũng may số anh chưa hết, còn trẻ quá, chắc người ta nghĩ bạn ta hoảng quá làm càn thôi nên dẫn cả nhóm đến một khoang hầm, cho mỗi anh một đạp nhào xuống hầm, tưởng đi đong ai dè là phe ta bên dưới lóp ngóp, hằng hà sa số, hú hồn hú vía. Người Mỹ thật rộng lượng....

Chiến tranh đã qua đi bao năm rồi nhưng sao mỗi dịp 30 tháng Tư lòng vẫn còn trĩu nặng. Biến cố 30.4.1975 lớn quá, bất ngờ quá, tang thương quá. Tôi chợt nhớ những lời nhạc mà một ca sĩ trước đây thường hát " Tôi nào yêu sa trường, và nào yêu lửa khói, bởi thương quê hương nên quyết tâm lên đường...". Không một ai yêu thích chiến tranh, tình yêu quê hương lúc đó cũng thật trừu tượng.
Xin thật lòng mình, lên đường bỏ lại bao nhiêu luyến thương của tuổi hồng không phải dễ dàng gì. Tuy nhiên trong dòng thác lũ của cả một thế hệ không thể cưỡng lại, niềm an ủi là đã có thể chọn lựa cho mình một hướng bay, Không Quân VNCH. Cho dù cất cánh chưa trọn vẹn nhưng cũng tự hào đã thuộc về một loài chim quý, dù bây giờ chim đà gãy cánh...

taubay
05-01-2008, 12:24 PM
Chimtroi ơi, bạn diễn tả lại ngày 30 tháng 4 năm đó làm tôi tưởng như mới xảy ra hôm qua....Con nguới ai cũng có số phận, chúng ta thoát được cảnh khổ nhục dưới chế độ CS là may mắn lắm, chỉ buồn cho kẻ ở lại...

Tôi trích bày nầy từ báo Người-Việt.com nói về sự thay đồi sau 1975:

_____________
Ngô Nhân Dụng


Mỗi năm sắp đến ngày 30 Tháng Tư, nhiều người Việt Nam lại tự hỏi ngày lịch sử đó có ý nghĩa thế nào. Năm 1975, các lãnh tụ Cộng Sản vào Nam ăn mừng tuyên bố rằng đó là ngày “chiến thắng” của nhân dân Việt Nam. Sự thật ra sao?

Trước ngày 30 Tháng Tư năm 1975, trẻ em miền Nam có lời nói, cử chỉ kính trọng các thầy cô giáo hơn bây giờ. Chỉ 3 năm sau năm 75 là các em đã thay đổi rồi, theo kịp các trẻ em miền Bắc. Mà các thầy cô hồi đó cũng nhiều người giữ được tư cách đạo đức hơn bây giờ. Trước năm 1975 trẻ em miền Nam dưới 10 tuổi đều được đi học, các trường công lập không thu học phí. Ngay cả trong các trại tị nạn của các đồng bào chạy xa chiến trận, cũng có các lớp học miễn phí. Trẻ em ngoan ngoãn, biết nói năng lễ phép với cha mẹ, với những người lớn tuổi trong lối xóm. Bây giờ đã thay đổi hẳn.

Trước ngày 30 Tháng Tư 75 ở miền Nam trai thiếu gái thừa, nhưng chưa có người mẹ nào bán con đi lấy những người chồng ngoại quốc không hề quen biết, với giá mấy trăm đô la Mỹ. Không có những cô gái xếp hàng trưng bầy cho đàn ông ngoại quốc chọn. Không có người mẹ nào đem con gái bán cho các mụ Tú Bà. Bây giờ phong cảnh đã khác.

Trước ngày 30 Tháng Tư năm 1975, trong miền Nam cũng có nạn tham nhũng, mà một nước đang chiến tranh khó tránh khỏi nạn đó. Nhưng những quan lại tham nhũng thường cố tìm cách che đậy, giấu giếm, khi bị lộ thì biết hổ thẹn, vì bị họ hàng, bạn hữu coi khinh. Bây giờ cả nước đầy những tay tham nhũng, nhưng họ không biết hổ thẹn. Nếu bị phe đảng tranh ăn tố cáo, thì bắt rồi lại thả, coi như vô tội!

Trước ngày 30 Tháng Tư 1975 trong Nam cũng có nạn ma túy, nhưng tỷ lệ thanh niên ghiền ma túy thấp hơn, chỉ bằng một phần mười ngày nay. Hồi đó cảnh sát công an ít hơn bây giờ so với dân số, nhưng họ lùng bắt những kẻ buôn ma túy mạnh hơn. Người ta đồn hồi đó có những ông tướng buôn ma túy, nhưng chỉ là đồn đại. Còn bây giờ, số công an cảnh sát đông như thế, nhưng con buôn ma túy vẫn hoành hành, không biết mạng lưới ma túy đã được ai bảo trợ!

Trước ngày 30 Tháng Tư 75, dân miền Nam lâu lâu vẫn tổ chức biểu tình phản đối chính phủ, không thua gì dân Nam Hàn cùng thời gian đó mặc dù đang có chiến tranh. Sinh viên Sài Gòn biểu tình đòi giáo sư phải dậy bằng tiếng Việt, ký giả biểu tình phản đối bộ thông tin đóng cửa báo, các công nhân đình công, bãi thị, các học sinh lâu lâu bãi khóa vì những nguyên do khác nhau. Ðến những ngày chót của chế độ Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn những cuộc biểu tình đòi bài trừ tham nhũng, bất công. Tinh thần độc lập, tự chủ của người dân rất cao, chính quyền không dám bắt họ. Ngày nay công an đi lùng bắt những người “có thể” đi biểu tình chống Trung Cộng xâm chiếm Hoàng Sa, hàng tháng trước ngày cuộc biểu tình có thể diễn ra! Và như vậy, người ta gọi là dân miền Nam đã “được giải phóng.”

Trước ngày 30 Tháng Tư 1975 trong miền Nam có đủ thứ báo chí. Có báo ủng hộ nhà nước, có báo chống chính quyền, phần lớn những tờ báo đều độc lập và nếu không chống mạnh thì cũng chống nhà nước nhè nhẹ. Báo Thần Chung, Ðuốc Nhà Nam chống ông Nguyễn Văn Thiệu một cách, báo Chính Luận chống cách khác, báo Ðại Dân Tộc (trong đó ký giả này viết hàng ngày) lại chống cách khác nữa. Những nhà báo kỳ cựu như Trần Tấn Quốc, Nam Ðình, Chu Tử, Nguyễn Vĩ, vân vân, mỗi người một vẻ. Bây giờ tất cả báo chí do một nhóm người lãnh đạo, bảo viết thì được viết, bảo im thì phải im. Và như vậy, người ta gọi là “giải phóng.”

Trước ngày 30 Tháng Tư 1975 ở Sài Gòn có một Quốc Hội, trong đó có những người đối lập dám lên tiếng chỉ trích, có khi còn tuyệt thực để phản đối chính phủ. Họ hoạt động mạnh không thua gì những dân biểu đối lập ở Nam Hàn và Ðài Loan cùng thời. Chưa nói chuyện ai đúng ai sai, nhưng không khí sinh hoạt hào hứng. Những đại biểu Quốc Hội còn nêu tấm gương đạo đức trong sáng, tư cách bất khuất, như Trần Văn Văn, Phan Khắc Sửu, Nguyễn Văn Huyền, Trần Văn Tuyên, đến giờ nói tới vẫn khiến nhiều người dân hãnh diện. Bây giờ không ai biết các đại biểu Quốc Hội đang làm gì, ở đâu, trong lúc lạm phát lên tới 20%, trong lúc Trung Cộng đang in bản đồ Hoàng Sa thuộc nước họ đi phô bầy khắp nơi!

Trước ngày 30 Tháng Tư 1975 ở miền Nam báo chí có tự do, chính trị được tự do, rất nhiều con mắt nhắm vào chính quyền để quan sát và chỉ trích, khiến những kẻ cầm quyền có muốn làm bậy cũng phải e ngại. Chính vì thế mà nạn tham nhũng không bột phát mạnh như bây giờ.

Vậy thì ở Sài Gòn bây giờ ai vui mừng kỷ niệm ngày 30 Tháng Tư, sau cuộc rước quác Thế Vận Bắc Kinh được chế độ Cộng Sản gồng mình bảo vệ?

Hồi sinh thời, ông Nguyễn Hữu Chung, cựu dân biểu Việt Nam Cộng Hòa mươi năm trước đã viết trên báo Người Việt rằng có hai nơi nhiều người ăn mừng ngày 30 Tháng Tư, một là ở Ban Mê Thuột, hai là ở Sài Gòn. Ở Ban Mê Thuột thì có nhiều người đã kéo lên đó chiếm đồn điền, chiếm đất, nếu không nhờ ngày 30 Tháng Tư thì cả đời họ có đổ mồ hôi sôi máu mắt cũng không được hưởng những chiến lợi phẩm lớn như vậy. Còn ở Sài Gòn, số người hưởng lộc nhờ ngày 30 Tháng Tư còn đông hơn. Họ từ rừng kéo ra hay từ Bắc kéo vô, chiếm được những ngôi nhà, những cửa tiệm, có khi chiếm cả vợ con người khác. Từng lớp tư bản đỏ phát triển lên bắt đầu từ những cuộc chiếm đoạt đó, họ thuộc lớp người muốn bảo vệ chế độ để bảo vệ những “chiến lợi phẩm” thu được từ năm 1975 đến nay. Nhờ một chế độ kiểm soát các công đoàn, kiểm soát báo chí, ngăn cấm những người có ý kiến độc lập, thì giới tư bản đỏ mới có cơ hội lợi dụng guồng máy kinh tế hoang dã, đổi mới nửa nạc nửa mỡ, để thủ lợi.

Cứ nghĩ đến những gì đã thay đổi ở miền Nam Việt Nam kể từ năm 1975 thì chỉ buồn. Nếu có niềm vui, thì ở miền Bắc được hưởng nhiều hơn; cho nên bà con miền Nam cũng nên chia sẻ nỗi vui mừng với đồng bào miền Bắc. Sau năm 1975 nhiều người ở miền Bắc đã khá giả hơn nhờ chiến tranh chấm dứt. Nhờ chế độ Cộng Sản sụp đổ ở Âu Châu và Liên Xô, guồng máy kìm kẹp của đảng Cộng Sản cũng được tháo lỏng hơn. Người dân dễ thở hơn, nên những vụ cãi cọ nhau, đánh lộn nhau, giữa hàng xóm láng giềng, giữa vợ chồng, cha con, cũng giảm bớt. Những cảnh mà nhà văn Nguyễn Huy Thiệp mô tả bây giờ cũng bớt đi. Nhiều người ở miền Bắc khi mua hàng đã biết nói cám ơn những người bán hàng, hai bên cùng bầy tỏ lòng tương kính. Nhiều bậc cha mẹ ở miền Bắc lấy lại được quyền dậy dỗ con cái thay vì hoàn toàn để cho đảng Cộng Sản nhồi sọ, cho nên trẻ em cũng học được lễ độ, phép tắc con nhà. Tất nhiên, đời sống kinh tế người dân miền Bắc đã vượt cao lên bằng trăm lần những ngày trước năm 1975.

Nhắc đến ngày 30 Tháng Tư năm 1975, nhưng trong cả bài này quên chưa nhắc đến khẩu hiệu “chống Mỹ cứu nước” mà Hồ Chí Minh đã dùng để cổ động cho hàng triệu thanh niên miền Bắc hy sinh mạng sống. Quên, cũng dễ hiểu thôi. Bởi vì bây giờ chẳng ai nhắc đến khẩu hiệu đó nữa. Chống Mỹ? Bây giờ ai bỏ cả triệu đô la đăng một trang quảng cáo trên nhật báo Wall Street, chỉ để đem về nói dối với dân khoe rằng tờ báo lớn nhất của tư bản Mỹ cũng phải viết về thành tích làm giầu của đảng Cộng Sản! Chống Mỹ? Vậy ai đưa con cái qua Mỹ lấy cớ du học để mua nhà, mua cơ sở thương mại và dần dần đưa vợ con sang Mỹ sống?

Còn cứu nước thì sao? Có chính phủ miền Nam nào đã viết thư nhượng đất đai, hải đảo cho nước Mỹ hay không? Chỉ có ông Phạm Văn Ðồng ký cho Trung Quốc hưởng! Chính phủ Mỹ có bao giờ tính chiếm lấy một mảnh đất nào của người Việt Nam không? Chính quân đội Trung Quốc đã cướp Hoàng Sa sau khi giết chết các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa giữ đảo! Tại sao đảng Cộng Sản ngăn cấm không cho dân Việt Nam biểu tình phản đối tội xâm lăng Hoàng Sa của chính quyền Cộng Sản Bắc Kinh?

Từ năm 1954 cho đến năm ông chết, trong 15 năm mỗi năm ông Hồ đều hô hào chống Mỹ cứu nước. Chắc trong đảng Cộng Sản không còn ai muốn nhắc đến khẩu hiệu đó nữa.

Ðể kết thúc bài này, xin kể một câu chuyện gia đình.

Một người cháu ở Hà Nội vào Sài Gòn thăm ông chú đã từng bị giam giữ nhiều năm trong trại cải tạo. Ông cháu là đảng viên Cộng Sản muốn an ủi chú, nói rằng, cuối cùng đất nước ngày nay đã đổi mới, đời sống dân hai miền Nam Bắc đã được cải thiện hơn trước nhiều so với trước đây, chắc chú cũng vui trong cuộc sống mới.

Người chú nói: “Nếu như đảng Cộng Sản của cháu không phát động kế hoạch xâm chiếm miền Nam từ năm 1959 thì dân trong Nam không cần chính sách đổi mới nào cả cũng vẫn tiến được. Chắc chắn người miền Nam đã có mức sống cao như vầy từ nhiều năm trước rồi. Bây giờ nói chung người mình cũng chỉ mới tiến lên bằng dân Ðại Hàn vào khoảng năm 1975 thôi. Giả thử dân mình không giỏi như dân Nam Hàn chăng nữa, dù mình chậm hơn họ 5 đến 10 năm, nếu không bị ‘giải phóng’ thì vào năm 1980, 85 miền Nam cũng tiến lên không kém gì bây giờ rồi.”

“Tại sao người mình lại chịu thua kém, chậm tiến hơn các nước trong vùng Á Ðông, tụt hậu đi sau họ đến 30 năm? Vì đảng Cộng Sản đã gây chiến tranh Nam Bắc. Từ năm 1960 họ đã phá hoại liên tục, cái gì cũng phá, khiến cho miền Nam không xây dựng gì được. Sau năm 1975 họ lại tìm cách Cộng Sản hóa người miền Nam, theo đúng lối Nga Xô, Trung Cộng như ông Hồ Chí Minh vẫn mong muốn. Họ tập thể hóa nông nghiệp, xóa bỏ công thương nghiệp tư nhân. Vì thế mà kinh tế suy sụp, lần đầu tiên dân miền Nam cũng thiếu ăn, trong khi ở miền Bắc thì nhiều người chết đói. Làm dân tộc thụt lùi như thế, họ còn khoe công đổi mới làm gì nhỉ? Tại sao họ không thú nhận đã lầm lẫn, đã gây nên tội với đất nước, với tổ tiên và con cháu? Tại sao không can đảm tuyên bố thẳng là tất cả đảng họ đã sai lầm đi theo chủ nghĩa Cộng Sản, hãy đổi tên đảng đi, vì đằng nào thì cũng đang đi theo đường lối tư bản rồi? Mà lại đi theo thứ hình thức tư bản lạc hậu nhất trong các chế độ tư bản nữa chứ!”

ThDaiHan
05-01-2008, 12:36 PM
Thanks CT & TB ...

chimtroi
04-29-2012, 02:38 AM
Viết cho bạn tôi, những người còn ở lại...

Đã 4 năm qua khi những dòng xúc cảm 30 tháng Tư trào dâng nhân dịp tái ngộ bạn bè cũ cùng khóa, tôi nghĩ ra đi tức là may mắn, không ngờ đã có những may mắn hơn, đó là những người ở lại đã vượt qua mọi khó khăn và vẫn tồn tại trong kiêu hãnh và vươn tới.
Hội Quán Phi Dũng cũng đã được bốn tuổi với biết bao cố gắng của anh chị em thành viên và BĐH thuộc Liên Khóa 72-73 SVSQKQ, cũng như qua biết bao lần đổi thay da thịt. Tuy nhiên có một điều không hề thay đổi, đó là cố tạo dựng mối dây liên lạc giữ anh em khắp nơi trong Liên Khóa. Từ những cuộc trùng phùng bất ngờ thật cảm động cho đến những trợ giúp dù nhỏ nhoi giửa bạn bè nhưng đầy ắp tình tương trợ, chia sẻ, trải dài theo thời gian góp mặt của HQPD trên diễn đàn là những niềm vui to tát và thật đáng kính phục. Gần đây nhất, khi mối liên lạc giữa anh em trong nước và bên ngoài được tạo dựng, những hình ảnh chiến hữu một thời gắn bó đã mang đến nhiều xúc động và vui mừng. Sự may mắn cứ tưởng dành cho người ra đi vượt thoát khỏi thiên đường cs trước đây, giờ đã trở thành niềm hạnh phúc khi được biết tin những bạn bè ở lại được bình yên, khỏe mạnh.
Xin cám ơn HQPD, cám ơn quý Niên Trưởng và bạn bè đã mang những niềm vui tái ngộ bạn bè vào cuộc sống mà sau bao nhiêu năm xa cách vì ngày 30 tháng tư oan nghiệt, tưởng chừng như không bao giờ còn gặp lại nhau. Hình ảnh bạn bè thân thương đây đó, dù có phai tàn theo năm tháng, vẫn đầy nét lạc quan, yêu đời vốn luôn tìm thấy trong mỗi người SVSQ trẻ trước đây.

thiennga7A
05-01-2012, 04:43 AM
Từ ngày biết Hội Quán Phi Dũng, thiennga7A rất vui vì thỉnh thoảng có chỗ trút niềm tâm sự với các NT. Qua HQPD, biết và cám ơn thanhdaihan ; khongquan2 ; hieunguyen11; philan.; tam73F.... Rất cám ơn HQPD.

hieunguyen11
05-01-2012, 05:38 AM
Đọc những lời tâm tình của anh thiênnga7A tuy ngắn ngủi nhưng nó gói trọn một chân tình đáng quí cho bạn bè. Những lời chân tình này làm tôi cảm thấy rất ấm lòng. Tôi thấy được HQPD là nơi "đất lành chim đậu" cho nên tôi đã "chọn mặt gửi vàng" để trải lòng mình ra chia sẻ những vui buồn cùng anh chị em chiến hữu !

hieunguyen11