PDA

View Full Version : Em Gái Dạ Lan



hieunguyen11
06-15-2011, 12:39 AM
CHÀO CÔ DẠ LAN, CÔ VẪN MẠNH KHỎE CHỨ?

__________________________________________________ ____________________________________________
Nguyễn Khắp Nơi

http://hoiquanphidung.com/user-upload/users/HQPD_1308097940.jpg

Dạ Lan 1 (Hoàng thị Xuân Lan)

Trở lại đề tài về Dạ Lan.

Không phải chỉ một mình tôi và anh em nhà binh ở Úc còn nhớ, còn nhắc nhở tới Dạ Lan, mà là rất nhiều anh em lính chiến ở khắp nơi trên thế giới cũng đều nhắc nhở tới cô. Điểm qua làng báo và websites trên toàn thế giới, từ khi tôi viết bài đầu tiên về Dạ Lan “Lá thư chưa viết từ chiến trường – Huyền thoại Dạ Lan”, đã có nhiều người nói tới Dạ Lan và chương trình Dạ Lan, mà tôi xin được tóm tắt như sau:

Cha đẻ của chương trình Dạ Lan là Đại Tá Trần Ngọc Huyến.

(Đại Tá Huyến di tản sang Hoa Kỳ vào năm 1975. Ông qua đời Vào ngày 15 Tháng Mười Một, 2004, tại Houston Texas, vì bệnh tim, hưởng thọ 80 tuổi.)

Sau năm 1963, ĐT Huyến đảm nhiệm chức vụ Thứ Trưởng Bộ Thông Tin, kiêm Giám Đốc Nha Chiến Tranh Tâm Lý. Ông có rất nhiều sáng kiến thay đổi cách thức tuyên truyền và nâng cao tinh thần binh sĩ. Từ đó, ông đã tìm hiểu, sưu tầm những chương trình tương tự của các quốc gia khác trên thế giới và đã đặt ra những chương trình phát thanh như sau:

Chương trình Gia Binh, nhắm vào gia đình của các chiến sĩ.

Chương trình Đồng Minh Vận, nhắm vào các chiến sĩ đồng minh và gia đình của họ.

Chương trình Dạ Lan, nhằm nâng cao tinh thần của các chiến sĩ.

Sau khi bàn bạc kỹ càng với Quản Đốc Ðài Phát Thanh Quân đội thời đó là Thiếu Tá Nguyễn Văn Văn Thúy, tức nhà văn Kỳ Văn Nguyên, chương trình Dạ Lan đã được ra đời (tên của chương trình phát thanh cho lính được đặt là Dạ Lan, trước khi tìm được xướng ngôn viên. Kế tục chức vụ quản đốc đài Quân Đội là Thiếu Tá Phạm Hậu, tức nhà thơ Nhất Tuấn. Cuối cùng, từ năm 1969 cho đến khi tan hàng, quản đốc đài là Trung Tá Nguyễn Quang Tuyến tức là nhà văn Văn Quang).

Xướng ngôn viên đầu tiên của chương trình Dạ Lan, do một trùng hợp bất ngờ, lại có tên là Lan. Cô không phải họ Nguyễn như tôi, mà là họ Hoàng, Hoàng thị Xuân Lan (cũng có khi không phải họ Hoàng). Mặc dù giọng đọc của cô là giọng Bắc Kỳ thứ thiệt, nhưng cô lại sinh quán ở Quảng Nam. Thời đó, thời 1963, cô Lan đang làm xướng ngôn viên cho đài phát thanh Quân Đội ở Đông Hà, phát về phía bên kia chiến tuyến, do Nhất Tuấn và Hà Huyền Chi điều khiển. Nhờ giọng đọc (Bắc Kỳ) êm ấm ngọt ngào (do Hà Huyền Chi hướng dẫn phát âm), cô đã lọt vào mắt xanh của các quan to và được đưa từ Đông Hà về tới Sài Gòn để nói trong chương trình Dạ Lan:

“Đây là chương trình Dạ Lan, tiếng nói của những người em gái Hậu Phương, gởi cho những anh trai Tiền Tuyến”

Những danh từ “Em Gái Hậu Phương” và “Anh Trai Tiền Tuyến” cũng là từ chương trình Dạ Lan mà ra, để rồi sau đó đã đi xâu vào lòng người dân Việt, vào tâm khảm những người Lính Việt Nam Cộng Hòa. Các nhạc sĩ chuyên viết nhạc Lính cũng theo đó mà lồng vào bài hát của mình những danh từ kể trên.

Chương trình Dạ Lan bắt đầu vào buổi tối, từ 7 giờ tới 9 giờ, mỗi ngày, gồm có những mục tin tức, thời sự, điểm báo, văn nghệ và thư tín.

Phần hấp dẫn nhất của chương trình Dạ lan là phần nhạc và thư tín, do Dạ Lan giới thiệu từng bản nhạc và trả lời từng bức thư của các anh trai tiền tuyến gởi về. Cho đến bây giờ, những lời nói ngọt ngào của Dạ Lan hầu như vẫn còn âm vang trong tiềm thức của các anh trai tiền tuyến.

Chương trình Dạ Lan đã được anh em quân nhân chúng ta đón nghe một cách say mê và ưa thích, nhất là những anh trai nào đóng quân ở xa nhà, những tiền đồn hẻo lánh. Những người lính viết thư về cho Dạ Lan nhiều tới nỗi đài Quân Đội phải tuyển thêm một số nữ nhân viên để phụ trách vấn đề trả lời thư của các “anh tiền tuyến” hằng đêm. Một số thiệp chúc tết, chụp hình cô Xuân Lan cũng được Nha Chiến Tranh Tâm Lý ấn hành để gởi tặng đến các chiến sĩ tiền đồn (bức hình Dạ Lan ở đầu bài là trích trong cuốn báo Xuân Cộng Hòa năm 1965) .

Tuy vậy, nhân vật “Em Gái Hậu Phương Dạ Lan” chưa bao giờ xuất hiện trên truyền hình, báo chí hay ngoài đời, mà chỉ duy nhất qua làn sóng điện mà thôi. Cũng vì thế mà có người nói tấm hình trên chỉ là hình một cô gái . . . nào đó. Tấm hình Dạ Lan không rõ mặt, tóc thề ngang vai, mặc áo dài tím, mà tôi đã nhắc tới trong bài viết đầu tiên “Huyền Thoại Dạ Lan” cũng thuộc loại . . . cô gái nào đó mang tên Dạ Lan. Cũng chính vì thế mà Dạ Lan mới trở thành huyền thoại. Để tôn trọng cái huyền thoại này, mà đã có người không đồng ý khi tôi đăng hình Dạ Lan lên báo. Theo những anh em này, Dạ Lan nổi tiếng là vì cô hư hư thực thực, không ai biết cô là ai. Chứ khi biết rồi, thì cô chỉ là một người trần gian như chúng ta thôi, thì mất vui đi rồi.

Sau biến cố 30 tháng Tư, chương trình Dạ Lan không còn nữa, đa số nhân viên làm việc cho đài phát thanh Quân Đội đều đuợc di tản. Trong thời gian đầu tiên ở đất khách quê người, ai cũng phải lo cuộc sống gia đình trước hết. Đến khi cuộc sống tạm ổn định, mọi người mới bắt đầu tìm kiếm nhau.

Kiếm tới kiếm lui mới thấy thiêu thiếu một cái gì đó.

Cái gì đó là cái chương trình Dạ Lan mà hằng đêm chúng ta vẫn thường nghe, dù là ở tiền tuyến hay là ở hậu phương. Từ đó, anh em mới đặt câu hỏi: Dạ Lan đâu?

Sau khi bài viết “Lá thư chưa viết từ chiến trường – Huyền Thoại Dạ Lan” của tôi đuợc đăng trên Việt Luận và Vietluanonline, đã rất nhiều độc giả tiếp xúc với tôi để cùng nhau tìm Dạ Lan.

Một độc giả đã tìm ra trong website của nhà văn Hoàng Hải Thủy cũng có đề cập tới Dạ Lan. Ông HHT cho biết, Dạ Lan quen biết với gia đình ông từ trước 1975, cho tới khi gia đình ông qua Mỹ vào năm 1995, vợ ông vẫn thường gọi điện thoại về nói chuyện với Dạ Lan. Chỉ sau này, tức là vào khoảng 1998, Dạ Lan vì lý do gì đó, đã vắng bóng giang hồ. Ông hứa sẽ nhờ những bạn bè còn lại ở Sài Gòn ráng tìm cho ra Dạ Lan.

Đầu tháng Muời 2008, ông HHT đã email cho tôi, báo tin: Một người quen đã tìm ra Dạ Lan và đã có địa chỉ điện thư cũng như số điện thoại của cô. Ông không biết đúng hay sai, nhưng nói cũng sẽ thử liên lạc, và nói tôi cũng thử như vậy, biết đâu sẽ đúng là người muốn tìm.

Tôi cũng thử gởi email cho Dạ Lan, kèm theo bài viết của tôi về cô và buổi tối hôm đó, vợ chồng tôi hồi hộp ngồi gọi điện thoại về Việt Nam. Tôi gọi hai ba lần mà vẫn không được. Tổng đài điện thoại cho biết, số điện thoại này đã bị cắt từ lâu rồi. Suy nghĩ mãi tôi mới nhớ rằng, gọi ra ngoại quốc, phải bỏ đi số 0 đầu tiên của số điện thoại muốn gọi. Tôi lại hì hục quay số theo cách thức này. Sau vài giây chờ đợi, đầu giây bên kia đã có người nhắc lên. Tôi lên tiếng ngay:

-“Dạ, tôi tên Nguyễn Khắp Nơi, ở bên Úc, muốn nói chuyện với Cô Dạ Lan . . .

- Thưa anh . . . Dạ Lan đang nghe đây.

- A! Dạ Lan đó hả?

Chào cô Dạ Lan, cô vẫn . . . mạnh khỏe chứ?

-Cám ơn anh, Dạ Lan vẫn khỏe. Lan đã nhận được meo (email) của anh và của anh Hoàng Hải Thủy. . .

KHÔNG NGỜ RẰNG, CHO ĐẾN BÂY GIỜ, VẪN CÒN CÓ NGƯỜI NHỚ . . .

Nói đến đây thì Dạ Lan đã không kìm được nước mắt, cô bật lên tiếng khóc , nhưng vẫn cố gằng nói tiếp:

ĐẾN BÂY GIỜ MÀ CÒN CÓ NGƯỜI NHỎ` TÓI DẠ LAN HAY SAO?

-Đúng vậy, anh em chúng tôi ở bên này vẫn luôn luôn nhớ tới Dạ Lan, người bạn năm xưa đã cùng tâm sự nói chuyện với chúng tôi hằng đêm.

-Lan đã đọc được bài viết của anh, Lan cảm động quá . . .

Rồi cô lại rơm rớm nước mắt. Vợ tôi ngồi kế bên cũng . . . góp phần nước mắt.

-Hơn bốn mươi năm qua rồi, phải không anh?

-Hơn bốn mươi năm rồi, nhưng giọng nói của Dạ Lan vẫn không có gì thay đổi, vẫn trong trẻo, vẫn . . . như xưa, không khác gì cả.

Cuộc sống của Dạ Lan hiện tại ra sao? Lý do nào mà cô vẫn còn ở Sài Gòn?

Dạ Lan đã cho tôi biết vắn tắt như sau:

Cô họ Hoàng, làm việc với chương trình Dạ Lan từ ngày đầu tiên vào năm 1963-1964. Sau đó, vì lý do gia đình, cô đã đổi về làm ở đài phát thanh Đà Lạt. Tới năm 1968, cô trở lại Sài Gòn, làm cho đài phát thanh Sài Gòn về công việc hành chánh. Tới ngày 30 tháng Tư 1975, sau khi TT Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, cô là người phụ nữ cuối cùng còn ở lại đài phát thanh, để cùng những anh em khác đốt bỏ những tài liệu cần phải bỏ. Trước đó, cô cũng được mời di tản, nhưng không hiểu tại sao, cô không đi.

Cuộc sống của những người ở lại, bạn và tôi, cũng đều đã trải qua: Ai nấy đều lo cho mạng sống, lo cho miếng ăn hàng ngày, lo né tránh bắt bớ, rồi cuối cùng là tù đầy . . . chẳng ai còn có bụng dạ nào mà tìm ai, kiếm ai. Sau đó, người thì tiếp tục bị tù đầy, người thì vượt biên ra ngoại quốc, người thì bôn ba ngược xuôi tìm sống, cố gắng tìm đường vượt biên.

Cuộc sống của Dạ Lan đầy những điều mà cô cho là không được như mong ước. Cho đến bây giờ, cô cũng vẫn còn là một người đàn bà độc thân. Trước đó, cô có một đứa con gái, nay đứa con đã yên bề gia thất ở Pháp, còn cô thì vẫn độc thân, vẫn một mình một bóng, không nhà không cửa, không thân nhân.

Dạ Lan đang ở . . . chùa.

Chùa đây có đầy đủ ý nghĩa của nó: Cô ở trong một ngôi chùa ở vùng ngoại ô đèn vàng. Cô làm công việc từ thiện cho chùa, do đó, cô ăn ở ngay tại đây. . . không phải trả tiền, tức là . . . ăn ở chùa. Cô không mặc áo cà sa, và chưa có ý định mặc áo này, nhưng cô vui vẻ với cuộc sống hiện tại.

Dạ Lan ngày nay như vậy hay sao?

Người em gái ngày xưa đem tiếng nói của mình đi tâm sự, an ủi những anh trai tiền tuyến, những người vợ hiền đang chờ chồng trở về từ miền xa, bây giờ sống một cuộc sống cô độc như vậy hay sao?

Ngày xưa, cô an ủi mọi người đang ở những chốn cô đơn, mưa gió, đạn bay súng nổ.

Ngày nay, người em gái hậu phương sống cô đơn hiu quạnh, có ai biết tới cô để an ủi cô hay không?

Chúng ta thật sự còn nhớ đến cô hay không?

Dạ Lan cho biết, cô hàng ngày đi làm việc thiện nguyện. Nhà chùa quyên được cái màn, tấm chăn, miếng cơm, manh áo, thì cô và những người thiện nguyện khác chất đầy những món quà cần thiết này lên xe, lái tới tận nơi có những người cần dùng nó mà phát cho họ. Rừng nào cô cũng đi, suối nào cô cũng tới, làng xã xa xôi tới đâu, chiếc xe từ thiện của cô cũng lăn bánh tới. Đi như vậy, tuy cực nhưng mà vui, vì mình đã đem lại niềm vui cho họ.

Thì ra, tâm nguyện của Dạ Lan là như vậy! Ngày xưa, cô đem lại niềm vui cho mọi người, đối tượng của cô lúc đó là những chàng trai chiến tuyến, nay cô cũng làm công việc đó, chỉ khác đi cái đối tượng làm việc của cô mà thôi. Đối tượng ngày nay của cô là những người nghèo đói, nghèo hơn cô nữa, đói hơn cô nữa, mặc dù cô chỉ có mỗi manh áo mặc trên người, còn mọi thứ khác, đều . . . của chùa hết.

Tương lai của Dạ Lan ra sao?

-Lan cũng không biết nữa, anh ạ! Danh sách những nơi bị nạn hỏa hoạn, lụt lội, hạn hán . . . còn rất nhiều, chương trình của nhóm cứu trợ của Lan viết trên lịch kéo dài cả mấy tháng trời nữa. Lan chỉ mong trời cho có sức khỏe, để giúp đỡ mọi người.

Cũng có thể một ngày nào đó, Lan sẽ . . . mặc áo tu hành! Biết đâu được!

Cám ơn các anh đã còn nghĩ đến Dạ Lan,

Nếu tôi ở trong hoàn cảnh của Dạ Lan, tôi sẽ làm gỉ? Tôi cũng chẳng biết nữa

Nếu bạn ở trong hoàn cảnh của Dạ Lan, bạn cũng sẽ làm sao?

Lặn lội đường xá xa xôi, công lao cực khổ để tìm ra người bạn quý năm xưa. Tìm ra rồi, bạn sẽ làm gì bây giờ?

Tôi cũng chẳng biết làm gì nữa? Chỉ biết rằng người bạn năm xưa của chúng ta đang ở tình trạng cô đơn, tứ cố vô thân, đang cần sự an ủi của những người mà năm xưa, cô đã từng an ủi họ.

-Chúng tôi, những người bạn của Dạ Lan, muốn tâm sự, muốn giúp đỡ Dạ Lan, thì . . . làm sao bây giờ?

-Thôi anh ạ! Nhớ tới nhau thì cứ nhắc nhở là được rồi! Lan cũng nhớ tới các anh lắm, đi đâu, nhìn thấy những gì còn lại năm xưa, cũng làm cho Lan nhớ lại thời gian đẹp của những ngày làm cho chương trình Dạ Lan. Có nhũng lúc buồn tủi, chỉ đứng khóc một mình.

Cuộc sống của Lan bây giờ rất là đơn giản, cứ như thế cũng được rồi.

Nói thế thì cũng không đúng, phải không anh? Phải nói như thế này:

Cần thì Dạ Lan cần nhiều thứ lắm, nhưng rồi lại chẳng biết mình cần gì!

Muốn nói chuyện với Lan, thì phải đợi khi nào Lan không đi cứu trợ, về lại nhà chùa. Lúc trước, Lan có một cái Laptop, thỉnh thoảng vào net liên lạc với mọi người, nhưng đi rừng đi núi hoài, cái máy rớt mất lúc nào không biết, Lan đang cố gắng dành dụm để mua lại cái khác, nhưng chắc là cũng phải còn lâu lắm. Hiện tại, mỗi lần muốn liên lạc với bạn bè, Lan phải ra phố, vào Internet cafe, nên cũng khá bất tiện.

Thôi thì, nếu ai có muốn liên lạc với Lan, xin anh cứ nhận rồi khi nào tiện thì chuyển dùm cho Lan. Còn, nếu anh bận . . . thì thôi.

Bạn và tôi, chúng ta có . . . “Thì Thôi” hay không?



Ở phân đầu, tôi có nói với bạn rằng, Dạ Lan chỉ làm với dài phát thanh Quân Đội tới năm 1966 thôi. Vậy thì ai tiếp tục mà chúng ta vẫn nghe chương trình Dạ Lan hằng đêm?

Người tiếp tục chương trình Dạ Lan, cũng do một sự tình cờ, lại vẫn có tên thật là Lan, Hồng Phương Lan, tức Mỹ Linh. Lúc đó, cô Mỹ Linh cũng vẫn đang làm việc cho đài phát thanh Quân Đội, ở chương trình nhạc ngoại quốc yêu cầu. Cô là người Bắc rặt, và vì cô có giọng nói giống hệt như Xuân Lan, nên đã được chọn thay thế để tiếp tục chương trình Dạ Lan mà không ai biết cả. Vì nhân viên đài phát thanh không nói ra ngoài, nên ai cũng tưởng chỉ có một Dạ Lan mà thôi.

Mỹ Linh tiếp tục chương trình Dạ Lan cho tới ngày 29 tháng Tư 1975 thì di tản sang Hoa Kỳ và định cư tại South Carolina. Cô có tham gia nhiều chương trình cộng đồng và đã giới thiệu nhạc cho băng nhạc Hoàng Oanh 2 “Thương Người Chiến Sĩ”

http://hoiquanphidung.com/user-upload/users/HQPD_1308098281.jpg


Dạ Lan 2 Hồng Phương Lan, Mỹ Linh

Khi biết được là có tới hai Dạ Lan, có người đã trách các cấp chỉ huy cũ của đài phát thanh Quân Đội, là, tại sao không nói ra cho mọi người biết?

Tôi không phụ trách đài phát thanh Quân Đội, nên không biết điều này. Nhưng nếu tôi ở trong hoàn cảnh đó, chắc tôi cũng không nói gì cả. Lý do rất dễ hiểu: Không ai biết mặt, biết tên Dạ Lan cả, Dạ Lan là bất cứ người nào cơ mà! Bởi thế mới gọi là huyền thoại. Đối với tôi, Dạ Lan nào cũng là Dạ Lan.

Cũng đã có người nói với tôi: Đã là huyền thoại thì . . . chỉ nói thôi, chứ đừng hình ảnh làm chi cho mệt, cứ để ai muốn hiểu, muốn tưởng tượng Dạ Lan như thế nào cũng được.

Điều này cũng đúng!

Ai nói gì cũng đúng hết, Dạ Lan là Dạ Lan, là một hình ảnh đẹp của chúng ta ở quá khứ, đừng ai phiền trách ai cả.

Chỉ ước mong rằng, một ngày đẹp trời nào đó, chúng ta sẽ lại được nghe lại giọng nói của cả hai Dạ Lan.



NGUYỄN KHẮP NƠI.

loibangTQLC
06-15-2011, 10:02 PM
:40:Văn Quang, Viết từ Saigon Friday, 10 June 2011


EM GÁI HẬU PHƯƠNG DẠ LAN



Xin ông cho biết ai là người đã có sáng kiến lập ra Chương trình Dạ Lan? Nghe nói hình như người có giọng nói hớp hồn chiến sĩ và sau này cô Dạ Lan đã trở thành bà Văn Quang một thời gian khá lâu?

Trả lời:
Về đề tài này đã có vài cuộc tranh cãi qua internet. Dường như mỗi người phát biểu theo nhận xét riêng của mình. Người nhìn ở góc độ tham gia sáng lập Chương trình Dạ Lan, người nhìn theo góc độ điều hành chương trình. Ở đây, tôi trả lời bạn về những gì tôi biết.

Tôi không nhớ rõ năm đó là năm nào, có lẽ là những năm 1960. Khi đó, Đại tá Trần Ngọc Huyến làm Giám đốc Nha Chiến Tranh Tâm Lý trực thuộc Bộ Quốc Phòng. Sau mới đổi tên là Cục Tâm Lý Chiến (TLC) thuộc Bộ Tổng Tham Mưu. Có thể nhận định vị đại tá này là một vị Cục Trưởng trí thức, sáng giá nhất. Chính ông là người có sáng kiến làm ra Chương trình Dạ Lan trên Đài Phát Thanh Quân Đội (PTQĐ) và lập tức được hầu hết quân nhân yêu thích. Trước đó, ông đã họp Bộ Tham Mưu của Cục TLC để thảo luận về chương trình này. Ông cũng nói đây là một mô hình theo chương trình địch vận và đồng minh vận của Nhật Bản trong thế chiến. Và cũng dựa theo chương trình binh vận của Đài Loan. Những nữ xướng ngôn viên của quân đội Nhật và Đài Loan đã rất thành công với giọng nói thánh thót, êm đềm và những bản nhạc quốc tế rất hay.

Hồi đó trong cuộc họp tham mưu của Cục TLC thường mỗi tuần 1 lần, có các trưởng khối và trưởng phòng tham dự. Lúc đó, tôi còn là Trưởng phòng Báo Chí nên thường xuyên tham dự các cuộc họp này. Tất cả đều nhận thấy chương trình đó rất hay và sau đó giao cho Thiếu Tá Nguyễn Văn Nam tìm xướng ngôn viên. Trong số một vài xướng ngôn viên (XNV) được đưa ra thử giọng qua máy ghi âm, một nữ XNV của Đài Phát thanh Đông Hà được chọn và được điều chuyển về Sài Gòn. Chương trình Dạ Lan từ đó bắt đầu. Hai tiếng Dạ Lan có thể hiểu đó là một loại hương thơm quyến rũ về đêm (chương trình này được phát vào buổi tối vào lúc 19g). Cũng có một sự trùng hợp, tên nữ XNV đó cũng lại là Lan, nhưng là Hoàng Thị Xuân Lan nên có thể hiểu là một tên chung và cũng là tên riêng.

Tất nhiên, chương trình của Đài Phát thanh Quân Đội thì do đài này phụ trách phần nội dung. Tất cả bài vở, cách chọn nhạc, chọn tin do tiểu ban Chương Trìnnh Đặc Biệt của Đài này chịu trách nhiệm, tiểu ban này do Đại Úy Nguyễn Thiệu Hùng tức nhà thơ Mai Trung Tĩnh phụ trách.

Nhưng hơn một năm sau, vì lý do riêng, nữ xướng ngôn viên Xuân Lan nghỉ việc. Đài Phát thanh Quân Đội chọn một nữ XNV khác có giọng nói y hệt XNV cũ khiến thính giả không thể phân biệt được đâu là người mới đâu là người cũ. Người tiếp tục chương trình Dạ Lan, cũng do một sự tình cờ, lại vẫn có tên thật là Lan, Hồng Phương Lan, tức Mỹ Linh. Chị Mỹ Linh làm việc tại Đài PTQĐ cho đến phút chót. Như thế, thời gian chị Mỹ Linh làm XNV Chương trình Dạ Lan khoảng 6-7 năm. Năm 1969, khi tôi về làm Quản Đốc Đài PTQĐ thì chị Mỹ Linh đã làm ở đây rồi. Sau đó anh Mai Trung Tĩnh giải ngũ, Đại Úy Dương Ngọc Hoán làm trưởng ban chương trình và là người phụ trách Chương trình Dạ Lan cũng như Chương trình Đồng Minh Vận. Chị Mỹ Linh hiện đang sống tại Mỹ và thường làm XNV cho các chương trình ca nhạc.




Nhưng theo tôi thì Chương trình Dạ Lan còn âm vang mãi trong lòng các "anh trai tiền tuyến và em gái hậu phương" mới là quan trọng. Cả hai nữ XNV đều đáng được ghi nhận thành tích như nhau. Còn rất nhiều văn nghệ sĩ cũng đã từng góp công góp sức cho chương trình này như nhạc sĩ Ngọc Bích, Đan Thọ, Anh Ngọc, Xuân Tiên, Xuân Lôi, Canh Thân, Nguyễn Đức, Văn Đô, Trần Thiện Thanh, Trần Trịnh, Đào Duy, Thục Vũ... Các nhà văn, nhà thơ như Huy Phương, Nguyễn Triệu Nam, Nhất Tuấn, Nguyễn Quốc Hùng (thầy khóa Tư), Dương Phục, Phạm Huấn, Châu Trị, Lâm Tường Dũ, Nguyễn Xuân Thiệp, Tô Kiều Ngân... Tôi không thể nhớ hết.

- Về vế thứ hai trong câu hỏi của Bà/Cô có nhiều điều tế nhị trong cuộc sống và nay thì mỗi người đã có cuộc sống và gia đình riêng nên xin phép tôi không nhắc lại.
Văn Quang - Từ Sài Gòn

:16::16::16::16::16: