PDA

View Full Version : Mệnh Thiên Tướng .



loibangTQLC
05-05-2011, 07:23 AM
Nhân mùa Lễ của Mẹ ( Mother day ) tuần này , mời các huynh đệ đọc bài viết về mẹ của tác giả Nguyễn P Thúy :


Mệnh Thiên Tướng


Trong tử vi, người có sao Thiên tướng chiếu mệnh là người tài năng, tháo vát, và quyền biến. Mẹ tôi là một trong số những người này và điều đó được chứng minh qua những mẫu chuyện đời của chúng tôi mà Mẹ thường đem ra kể trong những lần họp mặt gia đình. Những mẩu chuyện rất hỉ, nộ, ái, ố mà chúng tôi chỉ còn nhớ mang máng hay đã quên.



Mẹ kể tôi làm khổ cha mẹ ngay từ lúc mới lọt lòng. Tôi sinh ra ở Hà Nội, nhà hộ sinh nằm trên đường Quan Thánh. Vừa đẻ ra tôi đã ị xoành xoạch. Vừa thay tã xong, lại nghe phẹt, phẹt, phẹt, suốt một ngày một đêm như thế, không làm khổ cha mẹ là gì!



Khi ấy anh tôi lên hai. Yêu em lắm, cả ngày mang đôi guốc đặt trước nôi, bắt em dậy đi. Em không dậy, thế là hờn khóc oang nhà. Mẹ phải giao anh cho ông bà ngoại trông nom. Một tuần sau, Mẹ về thăm con, thấy anh gầy xọm, nằm trên giường, thều thào gọi: “Mẹ”. Hỏi ra mới biết ông bà ngoại chiều cháu, cho uống kem sô đa nhiều quá nên bị đi chảy đã mấy hôm rồi. Mẹ vội vàng mang anh đi nhà thương, xém chút nữa thì anh toi mạng!



Lúc tôi được hơn sáu tháng, cả nhà đi chuyến may bay chót vào Nam . Tôi lìa xa Hà Nội khi còn quấn tã, không biết cái cốt cách thanh lịch của đất ngàn năm văn vật có quyện vào người? Nhưng điều tôi biết rõ là các bạn thời trung học đã tặng cho tôi cái tên riêng thật tượng hình là “Khả Năng”.(*)



Những ngày mới vào Nam, không hợp thủy thổ. Gió bụi và cái nóng bức hừng hực, gay gắt đến điên người đã làm cả nhà ốm. Mắt tôi bị nhiễm trùng sưng húp, sau đó lên cái nhọt to tướng, mắt đổ ghèn, kéo màng đỏ, không nhìn thấy gì cả. Mẹ tôi quýnh lên vì sợ tôi bị mù mắt. Thuốc ta rồi thuốc tây mà vẫn không thấy đỡ. Thầy lang khuyên nên chữa mẹo, dùng mủ cao su đắp lên mắt may ra khỏi. Mẹ nhờ con trai thầy lang chở lên rừng cao su Phú Thọ. Đầu tóc Mẹ bù xù vì gió, tay lăm lăm cầm con dao phay to bản, sắc bén, trông Mẹ như người đi đánh ghen, ai cũng dạt ra vì sợ. Ấy thế mà tôi khỏi bệnh sau một tuần chữa mẹo, còn nguyên đôi mắt nai ngơ ngác!



Anh tôi cũng chả khá hơn, ho xù xụ, cứ đứng trước cửa nhà hàng xóm, ôm đít mà ho khan, khiến họ bực mình quá, xua đuổi: “Về nhà mày mà ho”. Mẹ tôi lại đem anh đến ông thầy lang quen thuộc. Anh uống thuốc cả tháng vẫn không hết, tiền mất mà tật vẫn mang, Mẹ bỏ thầy bỏ thuốc, nghe anh ho mãi cũng quen. Đến lúc chẳng ai để ý thì anh hết ho hồi nào không hay.



Khi tôi lên ba, chị Hiều, người giúp việc, chiều chiều hay dẫn tôi ra sân đá banh chơi. Tôi tung tăng chạy nhảy trên nền xi măng nóng với đôi chân trần. Một hôm cái chân tôi như bị tê liệt, tôi tập tễnh kéo lê từng bước. Nhìn cái chân gạt tép của tôi, Mẹ u sầu, nghĩ là tôi sẽ bị tàn tật suốt đời. Thấy những đứa trẻ khác nhởn nhơ chạy nhảy, Mẹ lại chạnh lòng, giọt ngắn giọt dài. Sau mấy năm chạy chữa và nhờ gặp đúng thầy, đúng thuốc, chân tôi trở lại bình thường. Nếu không có Mẹ thì tôi chẳng có dịp đi õng ẹo trên những đôi giầy cao gót.



Tôi làm khổ cha me từng ấy tưởng đã đủ. Ai ngờ lại thêm cái sợ gián. Những con gián xấu xí, hôi hám, bẩn thỉu, với hai cái râu dài ngọ nguậy, làm tôi nổi da gà, co rúm người. Chúng xuất hiện ở mọi nơi, chúng chui vào chạm thức ăn, vào tủ, vào quần áo, … Một con chui vào trong áo mưa của tôi mà tôi không biết. Đến khi mặc áo vào, tôi cảm thấy nhột nhạt như có cái gì di chuyển trong áo. Tôi vội cởi ra, rũ áo, thì một con gián to tướng rớt ra. Tôi lăn đùng ra sàn nhà, vừa khóc, vừa hét, vừa dẫy dụa. Đến khi Mẹ tôi giết được nó, đưa cho tôi xem, thì tôi mới hoàn hồn. Tôi sợ nhất là những con gián bay. Vừa nhác thấy nó là tôi đã vội trốn, có khi chui gầm giường hoặc gầm bàn, núp sau cánh cửa, hay trùm chăn kín mít, rồi gọi Mẹ giết gián inh ỏi. Vì tôi mà Mẹ vướng nghiệp sát sinh.



Qua bên Mỹ tưởng đã thoát được nạn gián bay, ai ngờ tôi đi chơi thành phố New York, ở khách sạn 4 sao, vừa nằm xuống giường một con gián bày vèo qua mặt. Tôi vội vàng xách vali đi ngay.



Tuổi dậy thì, tôi có mụn. Cái tay táy máy, hay cậy nên mụn lan trên mặt. Bác sĩ cho thuốc thoa nhưng tôi không theo lời chỉ dẫn, xoa thuốc đầy mặt cho mau hết. Ai ngờ thuốc quá mạnh, làm cháy nám hai bên má. Mỗi lần đi học, Mẹ bắt tôi chải tóc che khuôn mặt, đội mũ xùm xụp để che cái nắng và tránh bụi bậm, vi trùng. Mẹ phải dùng thuốc đỏ để sát trùng và bôi thuốc cho tôi mỗi ngày trong nhiều tháng mới hết hoàn toàn.



Những năm về sau, tôi đỡ ốm đau, lại ra dáng chị cả, biết giúp Mẹ việc nhà, nhất là việc may quần áo. Nguyên do là tôi có con búp bê xinh đẹp, tóc vàng, mắt xanh, biết mở mắt, nhắm mắt. Tôi rất yêu thích nó, hay xin vải vụn của Mẹ để may quần áo cho nó. Thấy tôi có khiếu may vá, Mẹ cho tôi vào học trong nhà may của bệnh viện Chợ Rẫy. Rồi Mẹ mua cho tôi cái máy may Singer và tôi nghiễm nhiên trở thành thợ may riêng cho cả nhà. Mẹ cắt, tôi may. Tôi bận luôn tay vì nhà đông người. Tôi ớn quá, không ngờ trò chơi búp bê lại trở thành công việc quanh năm. Tôi chạy làng, lấy cớ bận học. Mẹ cứ phải dỗ tôi bằng những tô phở thơm phức, béo ngậy vào mỗi buổi sáng. Tôi được riêng một tô lớn, trong khi các em tôi phải chia nhau hai đứa một tô và trộn thêm cơm nguội. Nhờ phở mà tôi phổng phao, cao lớn..



Tuy thế tôi vẫn hay cằn nhằn và bực bội khi phải vá quần cho anh tôi. Dù cho Mẹ đã cắt trừ hao, dài và rộng, quần anh cứ bị rách đũng. Anh cũng biết thân, chiều chuộng tôi lại còn đưa đón tôi đi học trên cái xe Honda mới của anh. Ngày anh đi du học, tôi lại đâm ra quyến luyến, ủ ê, dành lấy cái chăn cũ của anh làm kỷ niệm. Ấy, chuyện anh được đi du học cũng là nhờ có Mẹ. Anh có đủ điều kiện, đơn nộp đã lâu mà vẫn chưa có giấy xuất ngoại. Trong khi đó, người bạn anh có cùng họ, đậu kém hơn đã ăn mừng đi du học. Mẹ vào thẳng Bộ Giáo dục than phiền: “Thằng Bách, em họ của cháu (nhận vờ thế), đỗ kém, nhưng nhà giầu, nên nó đã có giấy đi du học. Còn cháu đỗ cao hơn nhưng nhà nghèo, nên đến bây giờ vẫn chưa có giấy phép”. Họ vừa nghe qua, xua tay lia lịa, bảo: “Bà chớ có nói thế, chúng tôi làm việc đàng hoàng, không nhận hối lộ. Vì có quá nhiều hồ sơ nên bị chậm trễ. Bà đợi thêm vài hôm nữa nhé.” Mấy hôm sau, anh tôi nhận được giấy cho đi.

Nếu không có Mẹ thì chắc gì anh đã đi được và trong thời buổi đất nước ly loạn, cuộc đời anh đương nhiên sẽ có nhiều rủi hơn may.



Mẹ còn còn đắc chí khoe chuyện công danh của Bố được như ngày nay cũng là nhờ Mẹ cả. Vào Nam, Bố phải thi lại các mảnh bằng đã có từ ngoài Bắc. Khi có kỳ thi vào ngạch Y Tế thì Bố đang công tác tại Rạch Gíá. Mẹ muốn Bố về cho kịp ngày thi nên dắt con lên gặp cụ Cao Xuân Cẩm, Đổng lý văn phòng Bộ Y Tế, xin cho chồng về lo cho gia đình, lúc ấy Mẹ đang mang thai đứa thứ ba. Thấy Mẹ bụng chửa vượt mặt, giắt hai đứa con mặt mũi lem nhem, quần áo xốc xếch, cụ động lòng bảo: “Ai cũng phải đi công tác ít nhất một năm, ông ấy mới đi có 6 tháng, nhưng thấy gia cảnh bà đơn chiếc, tôi sẽ giúp”. Một tháng sau Bố được về. Những đêm Bố học thi, khi cả nhà đã vào giường ngủ, thì Mẹ là người bạn học chuyên cần, vừa dò hỏi bài cho Bố vừa phe pẩy chiếc quạt nan cho dịu cơn nóng hầm hập của mái nhà nghèo lợp tôn.



Tháng Tư 1975, nếu không có Mẹ thì gia đình tôi đã kẹt lại VN. Lúc đó Bố đang làm Tham vụ tòa Đại sứ VN bên Lào. Bố không đem gia đình theo vì không muốn chúng tôi bị gián đoạn việc học. Lệnh cấm xuất ngoại ban ra khi chiến tranh đến hồi kịch liệt. Mẹ như ngồi trên đống lửa, ngày ngày lên Bộ Ngoại giao xin giấy phép sang Lào đoàn tụ gia đình.



Đã một lần chạy Cộng sản từ Bắc vào Nam, Mẹ hiểu bọn gian ác, khát máu ấy rất rõ. Mẹ sợ một sự trả thù, một kết cục bi thảm nên quyết định phải rời Việt Nam bằng mọi cách, nếu không được thì phải chọn cái chết! Mẹ đến những căn cứ quân sự của Mỹ trên đường Lê văn Duyệt, lân la dò hỏi người gác cổng xem có lính Mỹ nào muốn lấy vợ VN. Mẹ muốn gả tôi cho họ để tôi được theo chồng về Mỹ và mang theo đứa em trai út. Tôi ngao ngán nhưng không cản, cứ để Mẹ định đoạt đời tôi. Người gác dan hẹn Mẹ hai ngày sau. Nhưng mẹ đã không trở lại vì Bộ Ngoại giao đã cho phép chúng tôi dược qua Lào đoàn tụ gia đình.



Tưởng là đã thoát, nhưng sự vụ lệnh chỉ áp dụng cho vợ chồng và con cái, còn cha mẹ không được đi theo. Bà ngoại tôi tuyệt vọng, sinh bệnh sốt rét, chả thiết ăn uống gì, nằm đắp chăn, rên hừ hừ. Mẹ không bỏ cuộc, lại lên Bộ Ngoại giao khiếu nại cho tứ thân phụ mẫu được đi. Tôi đứng chờ Mẹ ngoài cổng rất lâu, khi thấy Mẹ đi ra, tôi hấp tấp bước đến hỏi, đâm sầm vào cột đèn đau điếng, nhưng vẫn cười sung sướng khi nghe Mẹ nói: “Được rồi”.



Có giấy phép, Mẹ quính quáng lo chích ngừa, đổi tiền, mua vé máy bay. Nơi nào cũng đầy nghẹt người, xếp hàng dài phơi nắng. Rất may là Mẹ khéo léo nên được sự mách bảo, giúp đỡ của mọi người, chóng xong thủ tục rắc rối, phiền hà. Sáng 26 tháng Tư, xe Air VN đến đón, gia đình tôi rời cư xá trong lúc thành phố còn yên ả trong giấc ngủ. 21 năm trước tôi rời đất Bắc trong vô tư, 21 năm sau trong ngậm ngùi, nuối tiếc. Tôi nhìn Mẹ, đang dang rộng tay ôm các con vào lòng, mắt long lanh ngấn lệ. Một đời người, hai lần bỏ quê hương. Vĩnh biệt Sài Gòn! Vĩnh biệt Việt Nam !



Mẹ kể, những ngày mới sang Mỹ là những ngày chắt chiu, tần tiện, những cố gắng dành dụm để tạo dựng tương lai lần nữa. Mẹ đi chợ, so đo giá cả, tính toán sao cho đủ sống mà không cần đến welfare. Đoạn đường giữa nhà và chợ gần một dặm (mile), Bố Mẹ khệ nệ xách từng túi đi bộ về. Những ngày mưa, tuyết thì Mẹ đem hết các túi lên xe bus, tốn 25 xu, để Bố đi tay không về. Có một lần vô ý, xe bus chạy quá trạm gần nhà, Mẹ không có tiền để đi chuyến ngược về, vừa sợ vừa tủi thân vừa không biết nói thế nào, Mẹ khóa òa. Người lái xe bus vội vàng gọi cảnh sát đến. Rồi cảnh sát cứ theo hướng chỉ tay của Mẹ mà chở về đến tận nhà.



Mẹ còn nghĩ rằng Mẹ là thần hộ mệnh của gia đình, nếu có sự hiện diện của Mẹ thì mọi việc hanh thông trót lọt. Mẹ dẫn chứng lần anh tôi xém chết vì bị tiêu chảy. Rồi lần tôi trở lại trường đại học sau nghỉ hè, Bố đưa tôi đến trường một mình vì Mẹ bận không đi cùng được, và trên đường về xe đâm xuống ruộng khi còn cách Cleveland khoảng một tiếng. Rất may, lần đó Bố không sao nhưng cái xe thì hư hại hoàn toàn. Và lần đứa em trai út bị tai nạn. Lúc đó em đang ở với vợ chồng tôi để đi học tại Maryland Unversity, bị đụng xe khá nặng, nằm coma hết 10 ngày.

Mẹ đã chăm sóc em ngày đêm trong suốt thời gian này. Khi em tỉnh lại từ coma, Mẹ thấy em hay bực dọc, tìm cách giật tung dây chuyền máu và các dây đo dấu hiệu sinh tồn, Mẹ hỏi thì em cáu kỉnh bảo: “Khó chịu chỉ muốn chết thôi”. Mẹ nắn bóp chân tay em thì thấy tay em bị sưng vù, tím bầm vì ống dẫn máu bị chệch, không chuyền được máu vào cơ thể, áp huyết xuống thấp làm cho người bần thần, bẳn gắt. Khi y tá điều chỉnh lại đường kim vào mạch máu thì em hết gắt gỏng. Từ đó Mẹ càng tin tưởng vào vai trò quan trọng này.



Chuyện nuôi con chưa hết, Mẹ lại có thêm chuyện nuôi các cháu. Đứa thì nhỏ và dài như khúc bánh mì, đứa thì mặt đỏ như mọi da đỏ, đứa thì đầu trọc lóc như sư, đứa thì đẹp như con gái, đứa thì quấn chăn làm Superman, nhảy bàn ghế đến ngã sưng tều cả miệng, v.v. nếu mà viết hết ra đây thì tôi còn phải cặm cụi gõ thêm vài trang nữa.



Sau khi về hưu, Bố Mẹ chọn về ở chung với gia đình tôi, có lẽ vì tôi vẫn là đứa lắm bệnh nhiều tật. Tôi dành hẳn một phòng ngủ để Mẹ làm phòng thờ. Đấy là niềm vui của Mẹ. Mẹ trang hoàng bầy biện thật trang nghiêm và đẹp đẽ, không thua gì chính điện của các ngôi chùa. Mẹ thờ Phật, tổ tiên, và các anh hùng tuẫn tiết của quốc nạn 30 tháng Tư. Từ Internet, tôi in được hình của các vị tướng anh hùng, Mẹ cẩn thận lồng hình trong khung ảnh, với đầy đủ tên họ, cấp bực, ngày tử nạn, để riêng một kệ thờ và thường cầu nguyện cho vong linh họ được siêu thoát. Mẹ khuyên chúng tôi năng tu hành nhưng tôi còn phải lo miếng cơm manh áo, tất bật chuyện đời, nên chỉ tu tâm chứ chưa theo Mẹ tu tại gia được.



Tính Mẹ năng động, thích trồng hoa, trồng rau ngoài vườn. Mùa xuân, mùa thu có rau cải xanh mơn mởn, mùa hè có ớt, ngò, húng, thì là, có hoa huệ, hoa hồng. Ban đầu chỉ có 1 dẻo đất bên hông nhà, sau lớn dần rồi lan ra cả đằng trước nhà, trên đồi sau nhà. Bố Mẹ khỏe là nhờ sáng chiều kéo dây, xách thùng tưới cây. Chỗ tôi ở mùa đông không bị bão tuyết nhiều, trời lạnh khoảng 3 tháng thôi, Bố Mẹ tôi không bị bó gối ngồi trong nhà lâu.



Ngoài việc thích trồng cây, Mẹ thường đi bộ quanh khu phố. Bố đi trước, Mẹ lẽo đẽo phía sau, khi thì hái mấy cành hoa dại, lúc khoe nhặt được cái này cái nọ của người ta bỏ đi, thấy phí của trời lấy mang về. Đồ đạc trong nhà không thiếu thứ gì mà Mẹ vẫn thích đi chợ trời, hí hửng mang về những cái lặt vặt, không cần thiết, rồi lại xếp cất dưới gầm bàn thờ hay ngoài garage. Mỗi tuần Bố chở Mẹ đi chợ, ghé 2, 3 cái chợ vì Mẹ thấy mỗi chợ bán rẻ những thứ khác nhau, nhưng nếu Mẹ tính tiền xăng thì sẽ không thấy rẻ là bao. Bố lái xe, Mẹ lái tài xế, ngồi chỉ đường, quẹo phải, rẽ trái, coi chừng đèn xanh, đèn đỏ. Bị đụng xe cũng mấy lần, người đụng mình và mình đụng người đều có cả. Mẹ bảo nhờ có Mẹ ngồi bên nên chỉ bị hư xe qua loa thôi, chứ người không bị thương tích gì.



Ngoài ra Mẹ còn là đầu bếp riêng của Bố. Lấy nhau mấy chục năm, Mẹ biết Bố thích ăn gì và ghét cái gì. Bố ăn đễ nhưng khó, món nào ra món nấy. Còn Mẹ thì ăn sao cũng được, không cần ngon, chỉ cần bổ cho cơ thể được khỏe mạnh, ít bệnh tật, không làm khổ con cái là tốt. Món ăn của Mẹ thường là món không có tên, khoai, rau trộn lẫn, lổn nhổn, mà ai nhìn cũng chạy, mời không dám thử. Bữa cơm nào Mẹ cũng ép Bố ăn cho nhiều. Bố xin 1 thìa thì Mẹ đưa nửa bát, Bố xin nửa bát thì Mẹ đưa bát đầy. Ngày nào cũng cự nự, eo xèo chuyện ăn uống. Có những lúc thấy Mẹ khoanh tay đứng hầu cơm cho Bố sao giống cảnh chồng chúa vợ tôi quá xá, nhưng hạnh phúc hơn nhiều!



Một số thông gia của Bố Mẹ tôi đã lẻ bạn, đơn côi, tôi mừng cho Bố Mẹ vẫn còn có nhau, vẫn còn hạp nhau. Những lúc thấy Bố Mẹ chăm sóc cho nhau, vui vẻ nhắc lại những kỷ niệm xa lắc của mấy chục năm về trước, của thời kháng chiến chống Pháp, lúc di cư vào Nam, khi chúng tôi còn nhỏ, lúc mới sang Mỹ, v... v… tôi lại hết lòng cảm tạ ơn Trời Phật.



Năm ngoái, nhân ngày Lễ Của Cha, tôi có viết bài tôn vinh lòng hy sinh của Bố:

Một đời tận tụy vì vợ vì con,

Hai phận vuông tròn làm Phu làm Phụ.



Năm nay nhân ngày Lễ Của Mẹ, tôi tôn vinh công đức sinh thành, dưỡng dục của Mẹ, người đã thực sự dang đôi tay bảo bọc, chăm chút cho con cháu suốt cuộc đời. Đối với Mẹ, chúng tôi lúc nào cũng là những đứa trẻ còn non dại, cần sự che chở, bảo vệ của Mẹ. Tôi biết Bố cũng muốn tôn vinh tấm lòng chung thủy, yêu thương của người bạn trăn năm, đã đảm đang, hết lòng hết sức với gia đình.



Khi đã có gia đình riêng, có làm mẹ, tôi mới hiểu:

Có con mới biết đêm dài,

Biết lòng Mẹ đã miệt mài vì con.

Tuổi già, sức khỏe hao mòn,

Chăm lo con vẫn như còn trẻ thơ,

Bao la tình Mẹ không bờ,

Cài hoa hồng đỏ, tạ ơn Phật Trời.

Nguyễn P. Thúy, 03/31/2011


(*) Danh hài Khả Năng của miền Nam VN, người cao, to lớn.




:rose::rose::rose::rose: