PDA

View Full Version : Tưởng nhớ Ca Nhạc Sĩ Nguyễn đức Quang



loibangTQLC
03-31-2011, 09:34 PM
NGUYỄN ĐỨC QUANG

1944-2011


Có thể nói chắc rằng ở Việt Nam, không có một thế hệ nào kém may mắn bằng thế hệ của những người ra đời trong những năm cuối của thập niên 30 bắt sang đầu thập niên 50.

Thế hệ này vừa ra đời thì đã phải chạm mặt ngay với hai cuộc chiến lên tiếp ở Đông Dương của những năm 50 , rồi những năm 60 và 70. Họ lớn lên, để tử trận nhiều nhất, góa bụa nhiều nhất và mồ côi nhiều nhất.

Mồ côi trong cuộc chiến Đông Dương thứ nhất. Tử trận và góa bụa trong cuộc chiến Đông Dương thứ hai.

Trong đời sống với cái chết cận kề rình rập như lúc nào cũng sẵn sàng ghé vào thăm, người ta vẫn cần, hay có thể nói là rất cần đến âm nhạc. Âm nhạc để vỗ về, an ủi, để khóc, để đau đớn cho những bất hạnh của thế hệ.

Kháng chiến có âm nhạc của kháng chiến trên những chiếc banjo, những chiếc mandoline, những Hạ Uy cầm, Tây Ban cầm trên vai của những thanh niên thành phố lên đường đổ máu cho quê hương với những bản nhạc của Hoàng Quý, Việt Lang, Văn Cao, Hoàng Giác, Tử Phác … quay quay thương nhớ quyến vào tơ, quay quay may áo rét dâng chàng… Những ca khúc hết sức lãng mạn của thành thị từ chàng ra đi lưng khoác chiến y, mà lòng vương bóng quốc kỳ… Ai qua miền quê binh khói, nhắn giúp rằng nơi xa xôi … lờ lững đôi chim giang hồ bay.. dưới ánh trăng mơ màng, ngồi kề bên nhau nối tơ lòng, của Ngọc Bích, Nguyễn Thiện Tơ , Đào Thừa Liệt ...

Cuộc chiến Đông Dương thứ nhất kết thúc với cảnh đất nước bị chia cắt. Thanh bình tạm bợ ở với chúng ta vài ba năm thì lại một trận đao binh khác ập tới. Những khúc ca thanh bình của Lam Phương, Phạm Đình Chương, Văn Phụng, Nguyễn Văn Khánh … bỗng thấy không còn hợp thời nữa. Thơ lãng mạn tiền chiến trở thành vô nghĩa, ngượng nghịu trên môi người đọc Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Thế Lữ, Xuân Diệu.. .

Tuổi trẻ Việt Nam lúc ấy thỉnh thoảng lắm mới tìm được một hai bài hát cho họ.

Một buổi sáng mùa đông, một đứa bé ra đồng, đạp trái mìn nổ chậm, chết không còn đôi chân…. Về đây nghe em, về đây nghe em, mặc áo the đi guốc mộc, kể chuyện tình bằng lời ca dao …

Họ hát để quên đi những ca khúc đầy bi thảm, chết chóc : trực thăng sơn mầu tang trắng, em ngại ngùng dạo phố mùa xuân , viên đạn đồng đen, em sang ngang cho làm kỷ niệm…

Không có mặt ở Việt Nam mấy năm, đến lúc về nước, thì tôi đã thấy có một phong trào nhạc đang lớn mạnh.

Đó là phong trào Du Ca. Du là đi đây đó. Du ca là vác đàn đi hát ở đây đó. Đây đó là những buổi lửa trại, là sân trường đại học, ở trường Văn Khoa đường Nguyễn Trung Trực, ở đại học Đà Lạt, ở trụ sở sinh viên đại học quốc tế đường Duy Tân, Hồng Thập Tự.

Nhạc khí là những chiếc ghi ta với những accord giản dị. Và giọng hát là những tiếng hát bằng tâm tình, bằng lòng thành, bằng tất cả tấm lòng cho cái quê hương có một thời ngạo nghễ ấy, cho giống dân mà gọi là vua đấu tranh… .

Ở một quán nước trên đường Tự Do, tôi gặp hai người, hai tác giả có những ca khúc đặt cạnh nhau chỉ để nói lên những tương phản, nhưng lại cũng nói lên được những ưu tư, những quan tâm, khắc khoải của cái hế hệ bất hạnh ấy.

Trịnh Công Sơn và Nguyễn Đức Quang.

Trịnh Công Sơn đụng vào nhiều khía cạnh hơn Nguyễn Đức Quang. Những viên thuốc an thần của Trịnh Công Sơn được gửi đến người nghe, đồng thời vẽ ra một đất nước tan hoang với người yêu chết trận Pleime, đại bác ru đêm, đàn bò ngu ngơ vào thành phố, ngươi con gái Việt Nam da vàng đi trong đêm đầy tiếng súng...

Nguyễn Đức Quang viết những ca khúc khác hẳn của Trịnh Công Sơn.

TCS viết em chưa hát ca dao một lần, em chỉ có con tim căm hờn.

Nguyễn Đức Quang viết những ca khúc như thế này: Đường Việt Nam ôi vô tận đường ngang tàng ngoài biển Nam giữa Trường Sơn. Đường ngày qua đầy vết kinh hoàng mỗi xóm làng một dở dang…

Từ Nam Quan Cà Mau từ non cao rừng sâu. Gặp nhau do non nước xây cầu. Người thanh niên Việt Nam quay về với xóm làng .Tiếng reo vui rộn ràng trong lòng. Gặp nhau do non nước xây cầu… Cùng đi lay Trường Sơn. Cùng đi xoay Hoành Sơn …

Hay: Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn. Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang. Lê sau bàn chân gông xiềng một thời xa xăm. Đôi mắt ta rực sáng theo nhịp xích kêu loàng xoàng.

Rồi lại: Ta còn những người ngồi quanh đây trán in vết nhăn. Đêm nằm nghe lòng quặn sôi lên giữa cơn chiến tranh. Ôi cùng đau thương cùng hoang mang giữa khi khó khăn. Xin chọn nơi này làm quê hương….

Nguyễn Đức Quang như thế đấy. Không đứng ngoài để đi hành quân làm lính cậu như Nguyễn Bắc Sơn… Không một lời thù hận bên này hay bên kia. Nguyễn Đức Quang là tiếng hét nhân bản, là lời réo gọi của nguyên một thế hệ sắp bị mất đi những giá trị của một xã hội đang bốc cháy.

Nguyễn Đức Quang không phòng trà não ruột, không tình ái bi thảm, không chính trị một chiều, không thù hận đằng đằng.
Nguyễn Đúc Quang đến với người nghe và nhất là những người hát nhạc của ông bằng tất cả chân tình của một thanh niên Việt.

Sự quyến rũ của Nguyễn Đức Quang là ở đó.

Mấy chục năm đã qua, nhưng Nguyễn Đức Quang không bao giờ rời xa hẳn chúng ta. Vẫn còn có những buổi sáng, hai ba câu hát của chàng vẫn tiếp tục ám ảnh chúng ta.

Và như thế, có nói là thế hệ này đã tìm được người phát ngôn thì cũng không sai. Nguyễn Đức Quang nói hộ chúng ta biết bao nhiêu điều chúng ta loay hoay nói không được và có nói cũng không hết.

Nguyễn Đức Quang qua đời sáng hôm Chủ Nhật nhưng ông vẫn sống tiếp bằng âm nhạc của ông, chừng nào mà quê hương Việt Nam còn ngạo nghễ, chừng nào mà còn những người đi trên những nẻo đuờng Việt Nam, chấp nhận đó là quê hương.

Nguyễn Đức Quang, ông đang nằm đó. Nhưng chúng tôi biết ông đang nghe chúng tôi. Ông sẽ còn nghe mãi những bản nhạc ông viết cho thế hệ này. Chúc ông thanh thản về cõi vĩnh hằng.

Vĩnh biệt Quang.


Bùi Bảo Trúc

27/3/2011
:holding::holding::holding:

chieutim
04-01-2011, 07:00 AM
Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ
Nguyễn Đức Quang
tác giả trình bày

<object width="640" height="510"><param name="movie" value="http://www.youtube.com/v/K9L_05ctYQg?fs=1&amp;autoplay=1&amp;hl=en_US&amp;rel=0&amp;color1= 0x402061&amp;color2=0x9461ca&amp;border=1"></param><param name="allowFullScreen" value="true"></param><param name="allowscriptaccess" value="always"></param><embed src="http://www.youtube.com/v/K9L_05ctYQg?fs=1&amp;autoplay=1&amp;hl=en_US&amp;rel=0&amp;color1= 0x402061&amp;color2=0x9461ca&amp;border=1" type="application/x-shockwave-flash" allowscriptaccess="always" allowfullscreen="true" width="640" height="510"></embed></object>

loibangTQLC
04-01-2011, 10:36 PM
Thành thật cám ơn " chieutim " đã cho nghe nhạc phẩm tiêu biểu sắc thái riêng của anh Nguyễn đức Quang , cùng đi vào lịch sử âm nhạc VN nhưng khác xa nhạc phản chiến của Trịnh công Sơn .

loibangTQLC
04-06-2011, 05:24 AM
Quê hương ngạo nghễ






Ðỗ Quý Toàn












“Ðường Việt Nam ôi vô cùng vô tận!” Ðó là câu đầu một bài hát thời rất trẻ. Nguyễn Ðức Quang kể đã đặt bài ca Ðường Việt Nam trong lúc đang đi, trên con đường từ Ðà Lạt xuống Sài Gòn.



Ði một mình, vừa ngắm cảnh núi đồi, làng mạc, vừa hát lên từng câu, sửa, chọn từng tiếng, cho đến khi hoàn thành ca khúc, trên chiếc xe đạp cũ, chiếc xe đi học không phải loại xe leo núi. Vừa đi vừa hát, gọi đúng tên là du ca. “Ði dựng lấy thiên đường! Giống da vàng này là vua đấu tranh!” Bài hát kết thúc như vậy.
Với tốc độ đạp xe của một thanh niên 16, 17 tuổi, chuyến đi chắc phải kéo dài 15 hay 20 tiếng đồng hồ. Ðến khi hát những câu sau cùng này, chắc chàng nhạc sĩ đã thở hào hển, đẫm mồ hôi. Nhưng vẫn nhất định đi dựng lấy thiên đường. Vẫn tự nhận giống dân mình là vua đấu tranh!
Câu chuyện này là tiêu biểu cho nguồn cảm hứng và lối sáng tác của Nguyễn Ðức Quang. Cảm hứng đến trong khi Quang đang sống. Sống thật, sống khỏe mạnh. Sống hết mình và sống cùng với núi sông đất nước, sống giữa bè bạn, quê hương, đồng bào. Sống và sáng tác, đối với Nguyễn Ðức Quang, tuy hai mà một.
Năm 1964 Nguyễn Ðức Quang hát bài “Tôi chót sinh ra làm thân nhược tiểu...” Một người bạn tôi nghe rồi phê bình: Tại sao lại nói “chót sinh ra”? Phải hãnh diện được sinh ra làm người Việt Nam chứ? Nhưng Nguyễn Ðức Quang không phải là một nhạc sĩ “lên gân.” Không tự kiểm duyệt. Không sáng tác theo một lập trường, quan điểm, hay chủ trương giai đoạn nào cả. Không ai được chọn nơi mình sinh ra. Người nghệ sĩ ý thức thân phận một người Việt Nam, một thanh niên lớn lên trong một quốc gia đã bị các cường quốc bắt tay nhau đem cắt đôi, để phân chia ảnh hưởng. Và ý thức số phận đồng bào mình đang giết nhau, quê hương bị chiến tranh đang tàn phá. Ý thức như vậy, nhưng không để thở than, trách móc. Vì cuối cùng, mỗi người sinh ra ở nước Việt Nam đều hãnh diện “chọn nơi này làm quê hương.” Một lựa chọn có ý thức. Rồi ngẩng đầu lên hát “Việt Nam Quê hương ngạo nghễ!” Bây giờ các thanh niên người Việt ở khắp nơi vẫn còn vỗ tay mà hát: “Ta như nước dâng, dâng chẳng có bao giờ tàn! Ðường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang!”
Thế hệ thanh niên lớn lên ở các thành phố trong miền Nam Việt Nam trong thập niên 1960 đều chia sẻ tâm trạng “thân nhược tiểu” này. Một dân tộc vừa giành được độc lập đã bị cắt đôi, kẹp giữa hai khối tư bản và cộng sản. Và đang được hai khối đó đưa cho khí giới giết lẫn nhau, nhân danh những chủ nghĩa, những thiên đường! Trong khung cảnh đó có hai phản ứng khác nhau.
Nhiều người chỉ thở than, tuyệt vọng, hoặc tìm lãng quên. Nguyễn Ðức Quang có một tâm hồn tích cực, vẫn tìm thấy con đường sống lạc quan, yêu đời. Một phần có thể vì từ thuở nhỏ Quang đã thuộc điều luật thứ 8: Hướng đạo sinh gặp nỗi khó khăn vẫn vui tươi! Nhưng không phải chỉ có thế. Toàn thể con người Nguyễn Ðức Quang ngập đầy sức sống; không còn chỗ nào cho những tình cảm tiêu cực chen vào.
Sống trong cảnh “Xương sống ta đã oằn xuống” Nguyễn Ðức Quang không chịu thua, không buông xuôi, không ủ rũ tìm nguồn vui trong mơ mộng siêu hình. Vì bản chất Quang rất mạnh. Tâm hồn Quang tràn đầy nam tính, nam tính chiếm hết chỗ rồi, không còn chỗ chứa những trạng thái u sầu, ủy mị nữa. Ngay cả khi viết một điệu hát buồn, như khi nhớ đến những “đàn bé em biến đâu rồi, này bé sao không đùa chơi,” thì Nguyễn Ðức Quang vẫn mở đầu bài ca bằng ánh sang tin tưởng: “Trời sáng tươi đã lên rồi! Trời sáng tươi trong lòng tôi!” Bởi vì “Cặp mắt sâu sau đêm dài, tìm quanh đây một ngày vui!”





Một điều may mắn là con người với bản chất tích cực như Quang lại gặp được một môi trường đúng với bản chất tích cực lạc quan để phát triển dòng nhạc của mình.
Ðúng khi Quang bước vào tuổi 20 thì xã hội miền Nam đang thay đổi. Từ năm 1964, một phong trào thanh niên nổi lên ở các thành phố, họ rủ nhau đi làm công tác giúp đồng bào. Ðặc biệt là những đồng bào ở nông thôn và những nạn nhân chiến tranh. Giúp ích, một khẩu hiệu của Hướng Ðạo, không phải là một hiện tượng mới. Ngay trong những năm 1950, mỗi lần có đám cháy lớn ở Sài Gòn là người ta thấy từng đoàn hướng đạo mặc đồng phục đến tiếp tay các anh “lính cứu hỏa” và giúp đỡ các nạn nhân. Sau đó, các đoàn hướng đạo và học sinh đi xây dựng lại nhà cho các nạn nhân; vật liệu và dụng cụ do bộ Xã Hội cung cấp. Những “công tác xã hội” tự nguyện đó là hình thức cộng tác giữa nhà nước và xã hội công dân, gồm các tổ chức tư hoàn toàn tự nguyện.
Kể từ năm 1964, một phong trào thanh niên bột phát. Người ta thành lập các hội đoàn, đặc biệt là trong giới trẻ, và đặc biệt với mục đích giúp ích. Bắt đầu từ những tổ chức thanh niên trong tôn giáo; rồi tới các hội tự nguyện của học sinh, giáo chức và sinh viên. Rồi những thanh niên thuộc nhiều hội gặp gỡ nhau lập ra từng chương trình chung, như “Liên hội công tác nông thôn.”
Khi bão năm Thìn đánh vào miền Trung vào cuối năm 1964, các hội cùng nhau tổ chức chương trình “Cứu Lụt,” đưa học sinh, sinh viên ra các tỉnh từ Bình Ðịnh ra Quảng Nam. Chính quyền lúc đó là cụ Phan Khắc Sửu, bộ Xã Hội do Bác Sĩ Phan Quang Ðán cầm đầu, họ tiếp các sinh viên, nghe trình bày dự án, rồi tận tâm giúp đỡ mà không đặt một điều kiện nào cả. Không cần bộ máy chính quyền thúc đẩy hay “hướng dẫn,” các thanh niên đi tìm cơ hội phục vụ đồng bào. Những sinh hoạt thanh niên này cần những điệu ca tập thể mới. Nguyễn Ðức Quang đã trở thành tiếng hát của phong trào này. “Người thanh niên Việt Nam quay về với xóm làng, tiếng reo vui rộn trong lòng!... Cùng đi biến ruộng hoang ra lúa thơm!.. Ta đắp bồi cho mẹ cha.”
Rồi tới Chương Trình Hè 65, một tổ chức quy mô trên tất cả 40 tỉnh toàn quốc. Với hàng chục hội đoàn tham dự, huynh trưởng phần lớn là các giáo sư, họ huy động hàng chục ngàn học sinh đi giúp ích. Tất cả mọi người tham dự đều tự nguyện, không ai được thù lao, không ai bị ép buộc. Hoàn toàn đứng ngoài chính quyền, không thuộc một khuynh hướng chiến tranh hay tôn giáo nào (nhưng vẫn bị chính quyền ngầm theo dõi). Chưa bao giờ có một phong trào thanh niên tự nguyện, vô vị lợi, phi chính phủ hoạt động với quy mô lớn như vậy; và khi kết thúc chương trình thì giải tán.
Sang năm 1966, Bộ Giáo Dục đã tiếp tục nuôi dưỡng phong trào này với Chương Trình Phát Triển Sinh Hoạt Thanh Niên Học Ðường (viết tắt CPS). Ngoài việc huấn luyện tính khí và phương pháp tổ chức công việc, một mục tiêu chính của các sinh hoạt thanh niên này, là huấn luyện lối sống dân chủ tự do cho thanh thiếu niên. Ðó chính là một phương pháp xây dựng nền tảng cho một xã hội công dân, mà bất cứ quốc gia tự do dân chủ nào cũng cần phát triển.
Chính khi dấn thân trong môi trường những công tác thanh niên tự nguyện đó, Nguyễn Ðức Quang đã có cảm hứng viết những bài ca tập thể mà chúng ta đang hát hôm nay. Khi Quang hát “những nhát cuốc...” thì thật sự Quang đã đi cuốc đất hay sống giữa đám bạn bè đang cuốc đất. Trong khi đổ mồ hôi tại trại công tác tên là “Công trường Cam Lộ” kéo dài mấy tháng ở Quảng Trị Nguyễn Ðức Quang đã hát “Ðường về công trường là đường vào quê hương.” Trong khung cảnh tự do phục vụ đó, người thanh niên yêu đời, tự yêu mình, và yêu đồng bào. Họ ngẩng đầu lên hát Việt Nam Quê hương Ngạo nghễ!
Khi các bạn thanh niên sau này hát lại những ca khúc của Nguyễn Ðức Quang, xin các bạn hãy nhớ những thế hệ đàn anh trong thời gian 1965 đã hát những bài hát đó trong khi đi xây dựng quê hương bằng bàn tay của mình. Hoàn toàn tự nguyện. Hoàn toàn tự do. Không vì lợi, không vì danh, không nhắm đến quyền hành chính trị. Những bài ca của Nguyễn Ðức Quang là tiếng nói của thế hệ thanh niên đó. Ước chi, đó cũng là tiếng nói của các thế hệ thanh niên Việt Nam bây giờ và mai sau. Chúng ta sẽ cùng nhau hát mãi: Việt Nam Quê hương Ngạo nghễ!