PDA

View Full Version : Trưởng Phi Cơ dễ thương .



loibangTQLC
03-29-2011, 07:32 PM
TRƯỞNG PHI CƠ DỄ THƯƠNG

(Phương Toàn)



Lính mới Tò te là danh từ dùng để tả mấy anh lính mới nhập ngũ, hoặc những anh mới về đơn vị. Khi về trình diện đơn vị, tôi đúng là một lính mới tò te và thường bị mấy ông trưởng phi cơ đối xử rất ư là tò te lính mới.
Mới ra trường đi hành quân, thấy cái gì cũng lạ.
Bay trên vùng Phú Giáo, ông Trưởng phi cơ bật tần số nội bộ đấu láo với ai đó. Chiếc bên kia nói:
- Ê ông Hùng, coi chừng thằng F5 bay kè bên ông đó.
Lính mới tò te tôi đâm lo, mây chập chùng như thế này, mà F5 bay bên cạnh, nó đụng vào thì bỏ mẹ.
Tôi quay trái quay phải, cố gắng tìm coi chiếc F5 nó đang bay ở chỗ nào.
Xếp tôi quay lại phía sau cười cười:
- Ê, cơ phi xạ thủ, ngồi né qua một bên cho F5 nó chui qua, không thôi ông copil ổng té đái ra quần đó. (Trực thăng đi hành quân thường mở toang cửa 2 bên hông).

Ngồi Copilot cho chiếc C&C, chở tư lệnh bay thị sát trận đánh vừa kết thúc, nghe qua tần số, L19 kêu khu trục báo cáo bom đạn tiêu thụ và số bom đạn còn lại sau trận đánh:
- Thái Dương báo cáo bom đạn.
- Bom xài hết 8 trái, còn lại cây cà nông và hai viên đạn.
Tôi bái phục ông khu trục nào mà hay đến độ vừa bắn, vừa đếm đạn chính xác như vậy. Chỉ có đếm tiếng nổ mới biết còn mấy viên trên tàu, chứ đang bay, làm sao mà nhìn thấy số đạn ở buồng súng.
Tiếng pilot L19 cười khà khà trong máy và trả lời:
- Đem cái đó về bắn vợ mi ở nhà ấy.
Tò te tôi vẫn không hiểu tại sao pilot L19 lại trả lời pilot khu trục đem súng cà nông về bắn vợ ở nhà.
Hỏi ông Trưởng phi cơ:
- Đại úy, đạn cà nông khu trục chứa ở đâu mà pilot biết chỉ còn hai viên đạn.
Ông nhìn tôi, rồi hóm hỉnh trả lời:
- Khu trục nó chứa đạn dưới háng chỗ pilot ngồi, lần nào thả bom về, tụi nó cũng giữ lại hai viên.

Mới ra trường, dĩ nhiên là phải đi bay với nhiều ông trưởng phi cơ, mỗi ngày mỗi ông, và dĩ nhiên là "mười ông vẹn mười ".
Một hôm, bay ở khu Long An, không hiểu tại sao trên kiếng máy bay có những đốm máu li ti. Rõ là máu còn tươi, vì buổi sáng lúc check tàu tiền phi, tôi không thấy những vết máu này. Không phải là tin dị đoan, nhưng có cầu, có thiêng - có kiêng thì có lành, hồi nhỏ đi câu cá rô, bạn bè thường nói nếu có bà bầu nào bước qua cần câu, thì đừng có mà mong bắt được con cá nào ngày hôm đó. Tuy không tin, nhưng tôi giữ nhất định không cho bà nào có bầu bén bảng đến gần cần câu của mình. Cho chắc ăn, đi câu về, cần câu thường được tôi gài lên giàn mướp, đố bà nào bước nổi lên tới đó. Hôm nay, thời chinh chiến, vừa ra khỏi nhà chưa được bao xa, không biết điềm gở gì đây mà máu me đã loang lổ trên kiếng như vậy. Quay qua ông trưởng phi cơ, tôi hỏi:
- Đại úy, máu ở đâu mà bám trên kiếng đỏ lòm như vậy.
Ông dòm mặt lính mới tò te của tôi rồi ôn tồn giải thích:
- Chiếc trực thăng này đi tản thương nhiều lần, nên có nhiều oan hồn của tử sĩ lẩn quất trong thân tàu không siêu thóat được. Thỉnh thoảng có người về ngồi bên ghế Copilot để học bay, cứ mỗi lần như vậy, thì kiếng phía Copilot có những giọt máu đào hiện lên.
Hôm đó, đi bay mà hồn vía tôi đúng là lìa khỏi xác, cứ nghe đâu đây vi vu hồn tử sĩ gió ù ù thổi..
Mãi đến chiều bay về, ông mới cười cười rồi nói:
- Chọc ngài chơi cho vui vậy thôi, vết máu trên kiếng là do mấy con muỗi hay mòng gì đó, nó hút máu của trâu bò no bụng, mình bay trúng nó nên vết máu mới dính lên kiếng như vậy.
Hú hồn, vậy mà cứ tưởng sáng đến giờ mình ngồi chung ghế với....Ma.

Một hôm, biệt phái cho Bộ Tổng Tham Mưu, phi vụ chở Tướng Nguyễn văn Là, Tổng thanh tra Quân lực đi thanh tra Vùng 4 Chiến thuật, lại bay chung với một ông trưởng phi cơ dễ thương khác. Không hiểu thanh tra thế nào, mà phi cơ đáp mỗi nơi có ít phút, và trưa thì về Vĩnh Bình ăn cơm, sau đó được lệnh đi Rạch giá. Thả ông tướng xuống cổng Tam quan, ông quay lại nói:
- Mấy em đi đâu thì đi, chiều "dzề lại Biêng Goà, Goa mai mới dzìa".
Ông trưởng phi cơ dễ thương thật, hỏi tôi:
- Nhà cậu nghe nói ở gần Rạch giá, muốn ghé nhà chơi không?
Mới ra trường, chỉ hy vọng có dịp bay ngang qua nhà, vòng một vòng cho bà già nở mặt với hàng xóm, cho con nhỏ chê mình ngày nọ "biết tay ông", cơ hội này ví tựa như vàng bốn số 9, bèn cười cười cầu tài:
- Đại úy cho ghé nhà chút thì còn gì bằng.
- Chỗ đó có an ninh không?
- Toàn là Bắc Kỳ di cư đại úy ơi, mỗi tối họ đều đọc kinh có câu: Gia đình con xin nguyền không sống chung với quân Cộng Sản Vô thần.
Thế là ông chấp thuận, bay về quê tôi, nó là một con kinh thuộc dinh điền Cái Sắn cách đó khoảng vài chục cây số.
Nhìn lại mái nhà xưa, lòng tôi rộn lên niềm sung sướng, nhất là khi nhìn thấy người mẹ già đang lom khom dưới giàn mướp, nghe tiếng máy bay, ngửng đầu lên nhìn không biết chuyện gì. Chỉ cho ông trưởng phi cơ, ngôi nhà có hai buị tre mọc gie ra sau ruộng, nhờ ông đáp xuống đó. Ông ân cần dặn:
- Ghé nhà thăm bà già, cho tui gởi lời thăm, khoảng hai giờ nữa bọn này ghé đón.
Ông xàng máy bay một vòng rồi kè càng vào bờ mẫu ruộng cho lính mới tò te tôi leo xuống. Chiếc trực thăng cất cánh cái vèo, làm rung rinh làng xóm, báo hại đám thanh niên đang lợp lá trên mái nhà, phải ôm vội mấy cây kèo nhà cho khỏi té.
Từ mép ruộng, bước vô con đường đất, tôi dòm cảnh vật sao lạ hoắc, không phải nhà mình . Lội bộ một đọan, mới khám phá ra, chỉ một cái xàng nhẹ của ông Trưởng phi cơ , khiến tôi lội bộ hơn nửa cây số mới tới nhà mình.
Đúng là Vinh qui bái tổ, mọi người trong đồng nhìn Tò te tôi ngưỡng mộ lắm. Dám chắc là lúc đó tôi bỏ xa mấy ông Thiên thần mũ đỏ với cái kiểu giáng trần như trên.
Tôi bước vào nhà với sự ngạc nhiên của mọi người, mấy người già hàng xóm, bu lại coi cho biết vì nghe đồn "nó đi lính gì mà ăn mặc dị hợm lắm".
Bà già hối mấy đứa em bắt con gà nấu cháo, sợ thằng con đói bụng, cho dù đã nói là mởi ăn cơm ở Vĩnh bình, bà giải thích:
- Từ Vĩnh Bình về đây một trăm mấy chục cây số, con bay chắc cũng đói bụng.
Bữa cháo gà tao ngộ có lá chanh, mùi vị qủa có ngon hơn bữa tiệc lúc trưa ở dinh Tỉnh trưởng Vĩnh Bình.

Ông trưởng phi cơ hẹn hai giờ sau sẽ trở lại đón, để ông còn kịp giờ về Biên hòa ăn cơm tối với má bày trẻ, nhưng sao đã hơn ba tiếng đồng hồ, mà không thấy tăm hơi chiếc máy bay trở lại. Tôi bắt đầu đâm lo, nên tuy hàn huyên với gia đình, tôi vẫn ngóng một lỗ tai lên nghe coi có tiếng máy bay nào bay thấp ngang đó không. Vùng này có tới mấy chục con kinh đào thẳng tắp như nhau, không hiểu ông có đáp lộn chỗ nào không.
Chờ hoài vẫn không thấy, tôi liền kéo bà già ra ngoài sân để chờ cho chắc ăn. Thỉnh thoảng có tiếng trực thăng bay tít trên cao, miệt Tân Bằng, Cán Gáo gì đó, và tất cả đều bay về hướng phi trường Trà Nóc, Cần Thơ. Má tôi mắt không biết có nhìn xa được cây số không, mà thấy con lo, bà cũng lấy tay che mí mắt mà nhướng nhìn về phía chân trời xa xăm nào đó, hy vọng cái máy bay hồi sáng nó trở lại đón con mình. Khi nhìn thấy một chiếc trực thăng bay có vẻ quen quen, cà xàng ca xàng như kiểu bay của ông trưởng phi cơ hồi sáng, tôi mừng qúa nhìn theo van vái vong linh ông trưởng phi cơ, cũng như vong hồn tử sĩ mà chiếc trực thăng đã chở trước đây, có linh thiêng thì quay trở lại, vì nhà tôi ở hướng đuôi chiếc phi cơ tận bên này cơ mà. Không kể tôi van vái thế nào mặc kệ,chiếc máy bay đó vẫn ung dung nỡ bỏ anh em, bỏ bạn bè.
Mặt trời bắt đầu xế bóng, tôi đâm hoảng, giờ mà nằm lại đây qua đêm, không biết hồi sáng có chú du kích nào phát hiện chiếc máy bay có thả thằng gián điệp xuống con kinh này không.
Trời chiều bóng ngả về tây
Chị em thơ thẩn dang tay nhau về...

Ông Nguyễn Du ơi, mấy câu thơ ông làm, sao hôm nay nó não lòng quá, làm sao mà tôi dang tay nhau về được khi ông trưởng phi cơ vẫn biệt vô âm tín.
Thấy nỗi lo âu của tôi, bà mẹ khả kính buột miệng:
- Ngộ nhỡ cái máy bay của con nó bị gì rồi........
Trời ơi má ơi đừng trù ẻo kiểu này chứ. Đây là trại định cư, an ninh lắm, nhưng cách đây khoảng mười cây số là vùng của Mấy ổng, cái kiểu bay xàng xàng sát ngọn cây buổi sáng của ông trưởng phi cơ, con cũng nghi lắm nhưng chưa dám nói ra, sợ bị Huông , biết vậy buổi sáng khi nói người Bắc ở đây thề không sống chung với Cộng sản vô thần, con nên cho ổng biết thêm là phía trong kia cộng sản vô thần nó sống lền khên, để ổng biết mà phòng thân. Cái kiểu bay cao bồi như hồi sáng, nhân dân tự vệ nhìn thấy còn ngứa mắt, huống gì mấy thằng du kích choai choai, nó không ria cho một lọat AK mới là lạ.
Tôi lâm râm vái: Lạy Chúa lòng lành vô cùng, cho chiếc phi cơ nó an bình mà trở lại đón con, con hứa là mai đây dù có bay gunship con cũng chỉ nhắm bụi bờ mà bắn, chứ nhất định sẽ không bắn trúng .....
Tiếng chém gió của cánh quạt bạch bạch lạng qua đầu, rồi chiếc trực thăng quẹo gắt lại, kê chiếc càng lên bờ mẫu ruộng, làm tôi mừng qúa không hứa tiếp chữ...không bắn trúng người.
Phóng vội ra bờ mẫu, leo lên chiếc máy bay, chút nữa quên chào tạm biệt cả bà già.
Chiếc máy bay rú ga, rà sát mặt ruộng với vận tốc tối đa, rồi vọt lên cao như pháo thăng thiên. Ông trưởng phi cơ còn chơi điệu, vòng lại một vòng trên ngọn tre, để tôi vẫy tay giã từ bà mẹ già và những người lối xóm, sau đó mới chịu bốc thẳng lên mây xanh, trực chỉ Biên Hòa như ông Thánh Gióng quất ngựa về trời.
Khi máy bay bình phi, ông quay qua tôi nói:
- Thăm nhà đã rồi, giờ tới lượt ông bay, để tôi ngủ một giấc, về nhà dễ gì mà ngủ được với bầy nhóc và con Sư tử Hà Đông.
Tôi thắc mắc hỏi:
- Đại úy bay đi đâu mà lâu tới đón, tôi tưởng máy bay bị gì rồi, sợ quá chừng.
- Có đi đâu đâu, muốn cho cậu ghé nhà lâu một chút, tụi này đáp ở cổng Tam Quan, giăng võng trong thân tàu mà ngủ, chứ đâu có làm gì.
- Hồi sáng đại úy đáp lộn nhà, mà sao giờ đáp ngay chóc vậy?
- Đâu có lộn, muốn hành xác ông chút đỉnh, mà chính là muốn ông mặc bộ đồ bay đi triển lãm trong xóm, biết đâu có con nhỏ bán chè nào nó thương.

Những ông trưởng phi cơ dễ thương, đôi khi ông làm những chuyện cho người khác bực mình, cho dù những chuyện đó nhiều khi chẳng chết ai. Mời quí vị theo dõi chuyện sau đây:
Năm 1971, quân lực VNCH hành quân sang xứ Chùa Tháp, Vùng 3 Chiến thuật cũng theo chiến dịch đó mà tiến sang vùng Krek, Dampe, Kampong Cham. Vào buổi trưa sau những giờ đổ quân và tiếp tế, phi hành đoàn thường giăng võng trên thân tàu mà nghỉ lưng cho đỡ mệt. Thói quen của Pilot là cởi chiếc aó lưới mưu sinh (Survival vest) máng lên thành ghế lái.
Buổi chiều trên đường về, cơ phi ngồi sau, thấy chiếc áo lưới không có khẩu súng của pilot thường móc vào đó.
- Trung úy, cây P 38 của Đại úy đâu rồi, không thấy trên áo lưới?
- Hồi trưa máng ở đó mà.
- Dạ mà bây giờ không còn ở đó.
- Chết mẹ rồi mấy ông ngồi sau không dòm chừng, rớt mẹ nó xuống rừng rồi còn gì.
Bay một hồi, ông trưởng phi cơ bắt đầu vô game:
- Hôm nay về là thấy mẹ rồi, thế nào cũng bị trình diện An Ninh.
Để mọi người trên tàu thấm thía cái cảnh mất súng, ông tiếp:
- Không khéo mà An ninh nó lại ghép cho tội lấy súng tiếp tế cho Việt Cộng.
Vẫn không thấy ai an ủi gì ông, ông tiếp:
- Kiểu này thì còn gì là đời binh nghiệp, chết đi cho rồi chứ về làm gì.
Để chứng minh cho cái sự chán sống, ông bắt đầu cho phi cơ bay một cách bất bình thường
Chiếc trực thăng cà khổ của phi đoàn Lôi Điểu vốn đã già qúa tuổi, cộng thêm cách bay chán đời không muốn sống của ông trưởng phi cơ, nó run lên bần bật, lắc qua lắc lại, trồi lên hụp xuống.
Anh cơ phi an ủi :
- Chắc không sao đâu Đại úy, ông là sĩ quan chắc không sao đâu.
- Sĩ quan thì an ninh nó dợt theo kiểu sĩ quan.
Vừa trả lời anh cơ phi, ông ta vừa cho máy bay nó chồm thêm nữa.
- Tôi lạy ông đó trung úy, đâu còn đó mà, về tôi làm chứng cho, ông độc thân có chết cũng không sao, tui tôi còn vợ con ở nhà...
Cảm động cái câu Tôi lạy ông, ông trưởng phi cơ cho máy bay bình phi trở lại, sau gần một tiếng đồng hồ, máy bay đáp vào bãi Spartan ở Biên Hòa.
Bước ra khỏi ghế lái, trưởng phi cơ móc từ túi nón bay ra cây P38, móc vào chiếc áo lưới rồi khoác chiếc áo lên vai, lững thững bước về phi đoàn.

Cơ phi, xạ thủ nhìn nhau, đồng văng tục:
- Đồ sĩ quan Cà Chớn.


Phương Toàn
& Ngố Ruộng

denui
03-31-2011, 03:16 PM
J'adore ... I love it ... Hay quá chừng ...