PDA

View Full Version : Vũ nữ Cẩm Nhung .



TAM73F
03-11-2011, 01:01 AM
Trong niên khoá 1955-56 tôi dạy học môn triết ở Chu Văn An, với tư cách giáo sư dạy giờ, hiểu nôm na là tháng dạy bao nhiêu giờ được trả lương bấy nhiêu giờ, cũng có thể hiểu công việc làm này có tính cách bán thời gian. Tôi bắt đầu làm việc ở Chu Văn An vào đầu năm Dương Lịch, tức là giữa niên khoá. Niên khoá 1957-1958, tôi cũng vẫn phục vụ tại trường Trung Học này với tư cách giáo sư dạy giờ, trường học vẫn do cụ Vũ Ngô Xán làm Hiệu trưởng, tuy gọi là dạy triết, nhưng tôi chỉ dạy có hai môn luận lý học và đạo đờc học trong hai niên khoá đầu tiên đó. Tổng số giờ của tôi ở Chu Văn An, năm đầu chỉ có 6 giờ một tuần, năm sau số giờ được tăng lên 12 giờ. Tuy nhiên tôi phải làm việc, kể từ năm thứ hai này, mỗi lúc một nhiều giờ hơn vì dậy học thêm ở các tư thục và mở lớp riêng về triết, dạy ba môn luận lý học, đạo đức học và tâm lý học, luận lý và đạo đức chung cho hai ban A và B lớp Tú Tài 2, tức là ban Khoa học thực nghiệm và ban Toán, tâm lý cho riêng ban A, không có siêu hình học vì môn này chỉ có ban văn chương mới học và sĩ số của ban này thường thưa vắng, không đủ để mở lớp. Các trường Pasteur và Đông Tây học đường do cụ Cấn Văn Tố làm Hiệu trưởng, trường Văn Lang của cụ Ngô Duy Cầu, trường Nguyễn Bá Tòng do linh mục Nguyễn Quang Lãm làm Hiệu trưởng, mỗi nơi tôi dạy những môn khác biệt, khi thì Pháp văn, khi thì Việt văn, không có dạy triết vì tư thục thời điểm cuối thập niên năm mươi chưa có lớp 12, học sinh thi đậu tú tài 1, cả thi viết lẫn vấn đáp, đều đương nhiên được nhận vào trường công. Càng lúc công việc càng bận bịu hơn nhưng thời gian giờ dạy ít hay thời gian dạy nhiều hơn, ra khỏi lớp học là tôi chạy về gặp Mai Thảo. Những ngày có nửa buổi trống chúng tôi gặp nhau nửa buổi. Những ngày trống nguyên ngày, tôi đến đường Ký Con từ sáng sớm, đập rầm rầm vào cửa sắt đánh thức Mai Thảo dậy. Bạn tôi giọng ngái ngủ nói Nguyên Sa, biết rồi, biết rồi nói đây đây để ngăn chặn tôi tiếp tục thi triển khả năng làm thành những tiếng động trên khung cửa sắt kéo, đóng chặt và có khoá kỹ. Có buổi sáng tôi đập cửa, Mai Thảo giọng vẫn còn ngái ngủ nói tôi dậy rồi ông ơi, cửa mở ông vào đi, tôi vào Mai Thảo tìm kiếm lung lao, rồi cười khà khà nói xong rồi, thấy rồi, mất cái bài này thì hỏng hết. Chủ nhiệm Sáng Tạo giấy tờ bài bản không phải lúc nào cũng được xếp trật tự, tảng sáng tỉnh giấc nhớ đến truyện ngắn đầu tay của Thảo Trường gởi tới, mấy hôm trước đọc thấy hay quá, nhưng không biết để đâu. Chúng tôi ra La Pagode, Mai Thảo đưa cho tôi đọc truyện ngắn đầu tay của Thảo Trường, tôi vừa đọc vừa nghe Mai Thảo hỏi "được không, đưọc không?" Khám phá được ngòi bút mới là niềm vui lớn của chủ nhiệm Mai Thảo. Và anh có để nhiều công khó trong công việc làm quan trọng này, những công việc đã mang tới được cho độc giả những ngòi bút tài ba buổi đầu đời, những Thảo Trường, Dương Nghiễm Mậu, Ngụy Ngữ, Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng vv...

Buổi chiều, tan trường, không có lớp tối, tôi bay về Sáng Tạo ngay, là đương nhiên. Trên chiếc xe Austin, chúng tôi bay lượn vòng vèo. Ở Nguyễn Huệ. Ở Trần Hưng Đạo. Những đại lộ. Mai Thảo cũng không quên lượn vòng khi xe tới ngôi nhà gần bờ sông Sài gòn. Anh lái cho xe đi quá mục tiêu rồi mới vòng đầu xe dừng lại trước ngôi nhà. Chúng tôi ngồi trong gian phòng khách nhỏ, người thiếu nữ khuôn mặt đã trang điểm, đôi mắt rất đen và rất to, phấn nền và phấn hồng đều mỏng, nói với tôi chào anh, nói với Mai Thảo chờ em. Mai Thảo giới thiệu, người thiếu nữ và tôi có thêm cơ hội làm những cử chỉ lịch sự. Nàng mau chóng đi ra phía sau bức bình phong, không phải là bức tứ bình có những khoảng không gian ngăn cách mai lan trúc cúc, chỉ là bình phong hình chữ nhật chiều ngang lờn hơn chiều cao, phía ngang kín bưng, ngoại trừ hai phiá đầu và chân không được che kín. Người thiếu nữ đã đứng vào sau bình phong cười với chúng tôi. Thân mình nàng được che khuất, phiá trên ngang tầm vai, phía dưới tới đầu gối. Nàng cũng khởi đầu nói những câu chuyện thông thường với Mai Thảo, em tưởng anh quên, tay chơi cười nhếch mép nói quên thế nào được, thiếu nữ nói tiếp, Mai Thảo chỉ nhếch mép. Thiếu nữ nghiêng đầu nhìn xuống phía dưới. Tôi nhìn theo đường nhìn của nàng, tôi nhìn thấy hai ống chân của thiếu nữ, thấy nàng làm động tác chân đá đá đẩy ra chiếc quần đã rớt xuống. Nàng có di thuyển thế đứng một bước nhỏ, để cho chiếc quần đi ra khỏi vướng víu. Chiếc quần dài rớt xuống trước, trước quần ngắn hơn nhiều, màu sắc cũng nổi bật hơn nhiều rớt xuống sau. Thiếu nữ nhìn tôi cười có nét e thẹn, tôi cười đáp lại, có phần ngượng ngùng. Mai Thảo dường như không chú ý, anh tiếp tục hút thuốc nhìn khói bay lên chậm và tan loãng còn chậm hơn trong gian phòng nhỏ đóng kín. Khi bàn tay của người con gái để lên trên bình phong tôi ghi nhận ngay trên đó đã có để sẵn quần áo, có một chiếc quần dài, màu đen trông loang loáng, chắc sa tanh, càng lấp lánh khi phản chiếu ánh đèn, một chiếc quần ngắn hơn, màu sắc tươi mát hơn, và chiếc áo dài lụa màu nâu gụ có thêu bông. Người con gái lấy xuống chiếc quần ngắn trước, rồi quần dài, đoạn cởi ra chiếc áo cánh, lấy chiếc áo dài nâu thêu bông.

Chúng tôi đi, thiếu nữ ngồi kế bên Mai Thảo trên băng trên, lần đó, nhiều lần khác nàng ngồi băng sau, tôi ngồi kế bên Mai Thảo. Câu hỏi mình đi đâu của tôi khi được nêu lên mỗi lần có những câu trả lời khác nhau. Tôi không hỏi đi đâu từ trước, đi đâu thì đi, lên xe hỏi han thế thôi, không có định kiến. Câu trả lời thường đến từ phía người con gái.

-Cho em vào Arc en Ciel!

- Cho em đi đâu cũng được!

-Hỏi bác tài!

Vào Arc en Ciel những hôm nàng đi làm, em đi chơi với chúng mình là câu trả lời đến từ Mai Thảo những lần khởi hành khác. Mai Thảo lái xe chừng mực hơn mỗi khi có phụ nữ. Anh chỉ bay bưóm nhẹ nhàng khi xe đề pa và khi dừng lại.

Những lần chót tôi gặp lại người phụ nữ ấy, Mai Thảo dừng xe có phần gấp gáp, không có nét bay bướm nào. Anh đang phóng nhanh bỗng thắng két, táp xe vào lề, đậu xe bên phía tay mặt đường Pasteur. Mai Thảo ra khỏi xe không một lời giải thích. Tôi không hỏi, xuống theo ngay, linh cảm có chuyện gì khác lạ. Chúng tôi băng qua con lộ xe chạy một chiều vun vút. Mai Thảo dừng lại trước một người hành khất, một người phụ nữ, móc trong túi ra một nắm giấy bạc, anh chuyển nắm giấy bạc sang tay kia, tìm kiếm thêm, tôi không nhận ra người hành khất là ai, chỉ thấy mặt loang lổ những vết cháy nổi lên những mảng thịt nửa đỏ nửa tím sậm, dị dạng, hai mắt vết cháy càng rõ, lòng trắng và lòng đen bị hủy hoại lổn nhổn. Bạn tôi bỏ nắm tiền vào chậu bằng nhôm, những tờ giấy chạm vào tay người đàn bà hành khất, dường như nàng biết ngay người cho tiền là ai, sự va chạm của bàn tay vào những tờ giấy bạc cho nàng biết ngay là ai, ai có thể cho nàng nhiều tờ giấy bạc như thế, nàng ngẩng mặt lên gọi "anh", Mai Thảo vỗ nhẹ vào bàn tay nàng có tiếng nói an ủi bằng xúc giác, không có âm thanh nào được phát lên.

Tôi muốn nói lên tên người đàn bà hành khất. Tôi chưa kịp nói Mai Thảo kéo tôi băng qua đường. Tôi ngồi vào trong xe, nói lên ngay tên nàng. Mai Thảo gật đầu. Cẩm Nhung. Tên người vũ nữ thay quần áo sau tấm bình phong mỗi lần Mai Thảo và tôi đến đón nàng đi làm hay đi ăn, đi ra Pointe des Blagueurs hóng mát. Cẩm Nhung bị tạt át xít trong một trận đòn ghen có sức mạnh của tiền hô hậu ủng, có sự tàn bạo mới của thế kỷ khoa học.

Tôi nhìn bạn tôi ngậm ngùi:

-Cẩm Nhung!

Mai Thảo nhìn về phía trước mặt, như nói một mình, rất khẽ:

-Nhung đấy!



Nguyên Sa :rauch0001:

(trích Hồi Ký, Đời 1998, trang 194-199)

gunship
07-31-2013, 07:40 PM
‘NỬA THẾ KỶ TỪ VỤ ĐÁNH GHEN RÙNG RỢN NHẤT SÀI GÒN’

(Nguồn: LaoDong.com.vn)

http://hoiquanphidung.com/uploadhinh/hqpd4/HQPD_1375299530.jpg



Cách đây đúng nửa thế kỷ, vào giữa năm 1963, tại Sài Gòn đã xảy ra một vụ đánh ghen được coi là rùng rợn nhất thành phố này. Đây cũng là lần đầu tiên ”Hoạn Thư” ở Sài Gòn biết sử dụng axít đậm đặc để thanh toán tình địch.

Nạn nhân là cô vũ nữ nổi tiếng nhất Sài Gòn lúc ấy tên là Cẩm Nhung, người được mệnh danh là “nữ hoàng vũ trường”. Người thủ ác là một mệnh phụ phu nhân, vợ của một trung tá Sài Gòn. Vụ tạt axit rùng rợn này đã biến cô vũ nữ giàu có, đẹp lộng lẫy thành cô gái mù lòa xấu xí, phải đi ăn mày. Khi còn là vũ nữ, Cẩm Nhung nổi tiếng nhất Sài Gòn, lúc đi ăn mày cô càng “nổi tiếng” hơn, khi luôn đeo trước ngực bức ảnh mình chụp với người tình trung tá thời trên đỉnh cao danh vọng.

Bà lão mù lòa từng là vũ nữ

Một ngày đầu năm 2013, tại một xóm trọ nghèo ở thị xã Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang), nơi những người ăn xin, bán vé số, bốc vác tứ xứ đến thuê ở trọ, có một đám ma nghèo. Một bà lão bán vé số đã qua đời vì già yếu, bệnh tật. Không một người thân, bà lão được những người đồng cảnh ngộ lo cho một quan tài loại rẻ tiền, rồi đưa ra nghĩa địa… Sẽ không có chuyện gì đáng nói về đám ma nghèo của bà lão vô gia cư, nếu như người quá cố nói trên không phải là vũ nữ Cẩm Nhung lừng danh của nửa thế kỷ trước.

Trước ngày miền Nam giải phóng, người ăn mày mù lòa Cẩm Nhung với cây gậy dò đường và tấm ảnh chụp chung với người tình treo trước ngực, lê bước khắp nẻo Sài Gòn để xin lòng thương hại của mọi người. Về sau do bị săn đuổi, bà xuống ăn xin ở bến phà Mỹ Thuận trên đường về miền Tây. Sau ngày miền Nam giải phóng, người ta còn thấy bà ngồi ăn xin trên bến phà Mỹ Thuận một thời gian. Từ khoảng năm 1978, không ai thấy người ăn mày đeo tấm ảnh trước ngực đâu nữa.

Người đời bàn luận rằng có lẽ bà đã bệnh chết hoặc đã quyên sinh để chấm dứt kiếp hồng nhan bạc phận của mình. Mãi sau này người ta mới phát hiện bà vẫn còn sống, vừa bán vé số vừa ăn xin quanh các ngôi chùa ở thị xã Hà Tiên, mà thường nhất là ở chùa Tam Bảo. Người ta nhận ra bà bởi khuôn mặt gớm ghiếc và đôi mắt mù lòa, hậu quả của vụ tạt axít năm xưa. Và nay, người ăn mày đặc biệt đã vĩnh viễn từ giả cõi trần, chính thức khép lại một kiếp hồng nhan đa truân, sau đúng nửa thế kỷ từ vụ đánh ghen rùng rợn năm nào.

Nữ hoàng vũ trường

Vũ nữ Cẩm Nhung sinh năm 1940 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi, cô phải rời xa Hà Nội để theo gia đình di cư vào Nam. Vào Sài Gòn được ít năm, khi cuộc sống chưa ổn định, cha của Cẩm Nhung lâm bệnh rồi mất, bỏ lại 3 người phụ nữ: mẹ cô, bà vú Sọ và cô. Cẩm Nhung phải bỏ học, xin vào làm tiếp viên trong một nhà hàng, chuyên bưng bê món ăn cho khách. Nhờ đó cô đã lân la làm quen với những bản nhạc, những điệu nhảy trong quán bar của nhà hàng. Để rồi khi chưa tới 19 tuổi, cô đã trở thành gái nhảy chuyên nghiệp trong giai đoạn phong trào nhảy đầm phát triển rầm rộ ở Sài Gòn.

Cẩm Nhung có khuôn mặt đẹp và làn da trắng hồng đặc thù của con gái xứ Bắc. Tạo hóa ban thêm cho cô đôi mắt lẳng lơ, thân hình quyến rũ. Đặc biệt đôi chân điệu nghệ của cô trong các vũ điệu cuồng say tại vũ trường Kim Sơn đã làm bao khách làng chơi phải ngẩn ngơ. Lúc ấy Sài Gòn có hàng trăm vũ trường, gái nhảy không đủ đáp ứng, vì vậy mà Cẩm Nhung càng có giá, được các vũ trường săn đón như hàng độc, như của quý. Cô được dân chơi Sài Gòn phong là “Nữ hoàng vũ trường”.

Cô đi qua nhiều vũ trường, cuối cùng dừng lại với vũ trường Kim Sơn trên đường Tự Do (nay là Đồng Khởi, quận 1). Tại đây, cô đã trở thành người tình của tay trung tá công binh Trần Ngọc Thức. Cô vũ nữ 23 tuổi dù đã từng trải trong tình trường đã bị tay trung tá công binh lớn hơn cả chục tuổi “hớp hồn” ngay những lần gặp đầu tiên. Sự già dặn, từng trải, tiêu tiền như nước của gã, cùng với cái lon trung tá rất oai thời ấy đã làm cô vũ nữ sành điệu chấp nhận sa vòng tay bảo bọc của ông ta.

Thời ấy, “Thức công binh” (biệt danh của trung tá Trần Ngọc Thức) nổi lên như cồn trong giới ăn chơi ở Sài Gòn. Miền Nam bắt đầu tiếp nhận viện trợ ồ ạt của Mỹ, chủ yếu là vũ khí và đô-la để xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ quân đội, phục vụ chiến tranh. Đó là cơ hội vàng để “Thức công binh” tham nhũng, trở nên giàu có, thừa tiền của để bao gái.
Vợ trung tá Trần Ngọc Thức tên thật là Lâm Thị Nguyệt, có biệt danh là Năm Rađô – một biệt danh giới giang hồ khu Cô Bắc đặt cho, do bà chuyên buôn mặt hàng đồng hồ Rado của Thụy Sỹ mới nhập cảng vào Sài Gòn. Bà Năm Rađô không lạ gì thói trăng hoa của chồng, nhưng lần này biết chồng say mê cô vũ nữ trẻ đẹp quên cả gia đình, bà như phát điên vì ghen. Bà đã vài lần đón đường hăm dọa, thậm chí tát tai dằn mặt vũ nữ Cẩm Nhung, nhưng bấy nhiêu đó không đủ làm cho cô gái trẻ rời xa chồng bà.

Vụ đánh ghen ghê rợn

Theo thú nhận của Cẩm Nhung với báo chí Sài Gòn sau khi xảy ra vụ đánh ghen ghê rợn, khi làm người tình của trung tá Thức, cô nghĩ rằng mình có thể trở thành vợ bé của ông ta, một việc khá bình thường trong xã hội Sài Gòn thời đó. Cô đâu biết rằng, trong lúc cô ngây ngất trong vòng tay của ông trung tá dìu dặt trong những điệu nhảy ở vũ trường Kim Sơn, thì ở khu gia binh Cô Bắc cách đó không xa có một người đàn bà đang âm thầm chuẩn bị một kế hoạch đánh ghen ghê rợn
.
Bà Năm Rađô đã vạch kế hoạch tỉ mỉ tiêu diệt tình địch. Hai tên giang hồ có cỡ được bà Năm Rađô thuê với giá 2 lượng vàng để làm cái việc hủy diệt nhan sắc của cô vũ nữ. Bà Năm Rađô tin tưởng, khi Cẩm Nhung không còn nhan sắc, cô sẽ không thể quyến rũ chồng bà, Thức công binh sẽ trở về với vợ con.

Khoảng 22 giờ đêm ngày 17.7.1963, vũ nữ Cẩm Nhung rời khỏi nhà để đến vũ trường Kim Sơn. Hàng ngày cô đều rời khỏi nhà vào giờ này, hoặc đi taxi, hoặc có xe của đại gia đón rước, để cô đến vũ trường trước 23 giờ, nhảy nhót quay cuồng cho đến 3 – 4 giờ sáng. Khi Cẩm Nhung còn cách chiếc taxi khoảng 10 mét, bất ngờ từ bên kia đường một gã đàn ông băng nhanh qua đường, tiến về phía cô. Cẩm Nhung chưa kịp phản ứng thì gã đàn ông đã tạt mạnh ca axít vào mặt cô. Cẩm Nhung chỉ kịp kêu lên: “Chết tôi rồi, cứu tôi với” rồi ngã gục trên đường. Người đàn ông sau khi tạt axít đã băng qua bên kia đường, leo lên xe taxi mở cửa chờ sẵn, trên ấy có bà Năm Rađô.

Nghe tiếng kêu cứu, một số người đi đường đã chạy đến, họ thấy Cẩm Nhung nằm quằn quại dưới đường, mùi axít xông lên hôi nồng. Một người đàn ông đã ôm nạn nhân lên xe taxi, chở đến Bệnh viện Đô Thành (Bệnh viện Sài Gòn ngày nay). Do Bệnh viện Đô Thành không có khả năng trị bỏng, nhất là bỏng axít, nạn nhân sau đó đã được chuyển đến Bệnh viện Đồn Đất (Bệnh viện Nhi Đồng 2 ngày nay).

Những người bạn vũ nữ của Cẩm Nhung đến thăm, thấy cảnh sát hại dã man, đã hùn tiền lại mời luật sư bảo vệ cho Cẩm Nhung, đưa vụ việc ra pháp luật. Thế nhưng, thời ấy thế lực của “Thức công binh” và bà Năm Rađô rất mạnh ở Sài Gòn, nên tưởng như không ai làm được gì họ. Vụ việc đến tai bà Trần Lệ Xuân, vợ của Ngô Đình Nhu. Bà cố vấn vốn tính bốc đồng đã làm lớn vụ việc, làm cho cả Sài Gòn như sôi lên vì vụ đánh ghen này.

Sau vụ vũ nữ Cẩm Nhung bị đánh ghen bằng axít đến nỗi mù lòa, nhan sắc bị hủy hoại hoàn toàn, ở Sài Gòn bỗng nổi lên phong trào đánh ghen bằng axít. Suốt thời gian dài sau đó, người ta hay dọa những kẻ “giật chồng người khác” câu “muốn 1 ca axít lắm hả?”.

Trên thực tế, sau vụ vũ nữ Cẩm Nhung bị nạn, chỉ trong năm 1964 đã có hàng chục ca thanh toán nhau bằng axít được đưa đến các bệnh viện Sài Gòn, hầu hết là do đánh ghen. Dù vậy, các thế hệ sau đều thua cú ra tay dữ dội của bà Năm Rađô. Vụ tạt axít vũ nữ Cẩm Nhung mở màn cho “phong trào” đánh ghen bằng axít ở Sài Gòn, cũng là vụ đánh ghen tàn bạo nhất được ghi nhận ở đất Sài thành cho đến ngày nay.

Khi vụ tạt axít xảy ra, bà Trần Lệ Xuân đang ở nước ngoài, nhưng cũng biết được vụ việc qua báo chí. Một tuần lễ sau bà về tới Sài Gòn, việc đầu tiên là bà chỉ đạo Nha An ninh phải vào cuộc, xử thật nặng những kẻ gây ra tội ác.
Đích thân Trần Lệ Xuân cũng tới thăm Cẩm Nhung, rồi thu xếp đưa cô đi nước ngoài chữa trị, nhưng tất cả đều vô ích, không gì có thể cứu vớt cuộc đời cô vũ nữ.

Cả Sài Gòn hồi hộp theo dõi

Không chỉ ra lệnh bắt xử những kẻ tạt axít, bà Lệ Xuân còn chỉ đạo cho ngừng hoạt động tất cả các vũ trường, vì theo bà đó là nguồn gốc của ăn chơi sa đọa, tan nát gia đình và tội ác.

Bà ra lệnh cho kiểm tra tất cả các tướng tá Sài Gòn xem ai có vợ nhỏ phải kỷ luật, hạ cấp hoặc loại khỏi quân đội. Sài Gòn vốn sôi động về đêm, những ngày sau đó trở nên đìu hiu khi mà hàng trăm vũ trường nhộn nhịp phải đóng cửa theo lệnh của bà cố vấn.

Các tướng tá Sài Gòn thì khỏi phải nói, chạy lo đủ kiểu để không bị phát hiện là có vợ nhỏ. Sau giờ làm việc, các đấng phu quân ở Sài Gòn chạy thẳng về nhà với vợ con, để cô vợ không nổi hứng tố cáo với bà cố vấn là chồng mình đã có vợ nhỏ thì sự nghiệp nhà binh coi như đổ sông đổ biển.

Con đường công danh, sự nghiệp của Thức “công binh” cũng bỗng chốc chấm hết, bao nhiêu bổng lộc trong ngành xây dựng công trình quân sự bỗng chốc mất trắng, ông bị buộc phải giải ngũ, trở về làm dân. Một phiên tòa xét xử vụ tạt axít đã được gấp rút mở sau đó gần 3 tháng. Bà Năm Ra đô và tên du đãng tạt axít bị tuyên phạt mỗi người 20 năm tù, một tên đồng bọn khác bị phạt 15 năm tù. Thế nhưng, chỉ vài tuần sau, khi vụ án còn đang bị kháng cáo, thì chế độ Ngô Đình Diệm đã bất ngờ sụp đổ với cái chết của 2 anh em nhà họ Ngô, bà Lệ Xuân phải sống lưu vong.

Chính trường Sài Gòn sau cái chết của anh em nhà họ Ngô đã rối ren suốt mấy năm trời, không ai quan tâm đến vụ tạt axít cô vũ nữ Cẩm Nhung. Không thấy nền “đệ nhị cộng hòa” của Nguyễn Văn Thiệu đưa ra xét xử. Sau đó vợ chồng Thức “công binh” đã chia tay nhau, người chồng về quê sống ẩn dật, còn bà Năm Ra đô thì gửi thân nơi cửa Phật, có lẽ bà muốn nhờ cửa Phật từ bi gột rửa tội lỗi khủng khiếp mà bà đã gây ra.

Lại nói về Cẩm Nhung, ca axít đậm đặc đã phá hủy toàn bộ khuôn mặt của cô vũ nữ, đôi mắt của nạn nhân cũng bị phỏng rất nặng. Các bệnh viện ở Sài Gòn đều bó tay, chỉ có thể cứu được mạng sống của Cẩm Nhung, còn đôi mắt, khuôn mặt thì không thể cứu chữa.

Bà Trần Lệ Xuân đã đích thân đến bệnh viện thăm nạn nhân, trực tiếp nghe các bác sĩ trình bày tình trạng thương tật. Sau đó, vợ chồng bà Trần Lệ Xuân đã chỉ đạo cho Đại sứ quán Việt Nam Cộng hòa ở Nhật Bản thu xếp đón Cẩm Nhung qua Nhật Bản chữa trị thương tật.

Một ngày cuối tháng 9.1963, Cẩm Nhung được đưa lên máy bay sang Nhật Bản. Thế nhưng, nền y học của Nhật Bản cũng phải chịu thua, không thể phục hồi dung nhan và đôi mắt cô vũ nữ. Hai tháng sau, Cẩm Nhung trở về nước, lúc Sài Gòn đã đổi chủ. Bà Trần Lệ Xuân từng hứa “bảo bọc trọn đời” cho Cẩm Nhung giờ đã sống lưu vong ở nước ngoài.

Trả thù đời

Từ đỉnh cao danh vọng bỗng chốc rơi xuống tận cùng địa ngục, Cẩm Nhung trong đau khổ tuyệt vọng, đã lao vào đập phá, uống rượu, hút thuốc… Để “trả thù đời”, Cẩm Nhung sẵn sàng ngã vào lòng của bất cứ người đàn ông nào, không cần tiền bạc hay điều kiện gì. Thế nhưng, với khuôn mặt cháy xám, thẹo lồi lõm như ác quỷ, cặp mắt mờ đục lồi ra ngoài như mắt ếch, không có người đàn ông tỉnh táo nào đủ can đảm làm tình nhân của cô.

Chán chường, tức giận, Cẩm Nhung càng lặn ngụp trong rượu chè. Mẹ của Cẩm Nhung vì buồn phiền mà sinh bệnh, rồi qua đời cuối năm 1964.

Cẩm Nhung càng lao sâu vào cuộc nghiện ngập cho quên đời, tài sản sau mấy năm kiếm được trong các vũ trường và cặp bồ với hàng tá nhân tình là sĩ quan, giờ cô tha hồ đập phá. Bao nhiêu món đồ quý giá của cô cứ lần lượt ra đi, ban đầu là chiếc xe máy loại mới nhập cảng của Nhật Bản, sau đến các loại nữ trang, hột xoàn, vòng vàng… Cuối cùng, Cẩm Nhung bán nốt căn nhà với giá gần 200 lượng vàng để có tiền tiêu xài, cô và bà vú Sọ phải thuê nhà ở trọ.

Số tiền bán nhà rồi cũng cạn dần, ngày cô không còn đủ tiền để trả tiền thuê nhà cũng là ngày bà vú Sọ trung thành đổ bệnh nặng, không tiền chạy chữa, nên đã qua đời. Còn lại một mình không nơi nương tựa, không nghề nghiệp, đôi mắt mù lòa, cô vũ nữ lừng danh một thời chỉ còn biết đi ăn mày.

Ban đầu, Cẩm Nhung đi ăn xin trước chợ Bến Thành vào dịp tết năm 1969. Cô ngồi bên vệ đường, trên ngực đeo bức ảnh cô chụp chung với trung tá Trần Ngọc Thức, tay chìa ra xin lòng thương hại của người đi đường. Ban đầu người ta kéo tới xem Cẩm Nhung rất đông, cho tiền cô cũng nhiều. Có tiền, Cẩm Nhung tiếp tục nghiện ngập, đập phá.
Càng về sau, người Sài Gòn càng bớt cảm động về chuyện ăn xin của cô vũ nữ, càng ít cho tiền. Không thể ngồi xin một chỗ, Cẩm Nhung cầm gậy dò đường đi xin dọc theo đại lộ Lê Lợi, đường Tự Do, những lối đi một thời in dấu chân cô từ nhà tới vũ trường Kim Sơn. Sau đó, Cẩm Nhung phải rời khỏi khu vực trung tâm Sài Gòn, đến chợ Bình Tây, chợ Bà Chiểu, cuối cùng là ngã tư Trần Quốc Thảo – Lý Chính Thắng, trước khi cô âm thầm rời Sài Gòn hoa lệ để về miền Tây xa xôi ăn xin trên bến phà Mỹ Thuận.

Ngày ấy, khi đã mù lòa, xấu xí, phải ra đường ăn xin kiếm sống, Cẩm Nhung nhờ người quen phóng to tấm ảnh cô chụp với người tình trung tá công binh Trần Ngọc Thức để đeo trước ngực, vừa để thiên hạ xót thương mà bố thí, vừa để “trả thù đời” đối với kẻ đã tệ bạc bỏ mặc cô đau đớn, bệnh tật, nghèo khó mà không một lời hỏi han, thăm viếng. Ban đầu, sau khi Cẩm Nhung mang tấm ảnh mình và tay trung tá rất đẹp đôi trước ngực, mấy ngày sau có người lạ tới năn nỉ cô đừng trương tấm hình ấy ra nữa, bù lại họ cho cô số tiền kha khá.

Cẩm Nhung không chịu, họ cũng giật đại tấm ảnh, xong để lại trong ca ăn xin của cô một số tiền. Không chịu thua, Cẩm Nhung lại nhờ người thân phóng tấm ảnh khác để đeo, và lại bị họ giật. Sau đó, không chỉ bị giật hình ảnh, mà cô còn bị đánh đập gây thương tích, chỉ vì chuyện ôm tấm hình chụp chung với người tình cũ đi ăn xin khắp Sài Gòn.
Không sống được ở Sài Gòn, Cẩm Nhung âm thầm tìm ra bến xe Miền Tây để lên xe đò về bến phà Mỹ Thuận kiếm sống, vẫn với cái cách ngồi bên lề đường ăn xin, ngực treo tấm ảnh năm nào.

Tại đây, cô cũng bị người lạ giật tấm ảnh. Không chỉ vậy, ai đó đã nhân lúc cô đi ăn xin đã lẻn vào chỗ ở trọ, lục tung đồ đạc của cô, lấy đi tất cả hình ảnh cô chụp chung với người tình trung tá công binh. Kể từ đó, Cẩm Nhung không còn ảnh chụp chung với Thức công binh, cô lấy tấm ảnh chân dung của riêng mình treo trước ngực để đi ăn xin, người đi đường cảm thương phận bạc của cô vũ nữ mà bố thí cho ít tiền giúp cô sống qua ngày trong mù lòa, cô độc.

Sau ngày miền Nam giải phóng, Cẩm Nhung tiếp tục ăn xin trên bến phà Mỹ Thuận. Nhưng sau đó chính quyền cách mạng dẹp nạn ăn xin để ổn định trật tự xã hội, Cẩm Nhung được đưa vào trung tâm nuôi người tàn tật. Không chịu được cuộc sống gò bó trong trung tâm, người phụ nữ mù đã lén bỏ trốn về Sài Gòn tiếp tục ăn xin.

Rồi cô lại bị “thu gom”, rồi lại trốn về tận Hà Tiên. Tại đây, Cẩm Nhung lúc thì đi ăn xin quanh quẩn các ngôi chùa, khi địa phương có chiến dịch “thu gom” người ăn xin, cô xin tá túc nhà chùa để được chén cơm, manh áo, vừa quét dọn sân chùa để khuây khỏa nỗi buồn trong cuộc đời bạc bẽo hơn vôi của cô. Kể từ đó, dù tá túc trong nhà chùa hay ăn xin đó đây, Cẩm Nhung không còn đeo tấm hình “nữ hoàng vũ trường” của mình trước ngực nữa.

Trong những năm tháng Cẩm Nhung sau khi bị nạn lang thang trên khắp nẻo Sài Gòn, cũng là lúc ở Sài Gòn xuất hiện bài hát “Bài ca cho người kỹ nữ”. Các tác giả viết bài hát này vì xót thương số phận của cô vũ nữ Cẩm Nhung. Bài hát có đoạn:

Ta tiếc cho em trong cuộc đời làm người
Ta xót xa thay em là một cánh hoa rơi
Loài người vô tình giẫm nát thân em
Loài người vô tình giày xéo thân em
Loài người vô tình giết chết đời em…

DongNhacXua.com mong nhận được hồi âm của bạn yêu nhạc.