PDA

View Full Version : Tản mạn tháng Tư



chimtroi
04-07-2008, 03:31 PM
Tháng tư đến luôn nhắc nhở chúng ta một điều gì.
Lần nầy với tôi không phải về những ngày đầy biến động đầu Xuân 1975 mà trở về với cuộc đời SVSQ của mùa Xuân 35 năm về trước.
Tên Phi Dũng gợi nhớ về những ngày tháng tập tểnh bước vào đời lính ở của mọi SVSQ /KQ tại Nha Trang. Riêng với một số SVSQ thuộc dạng „lửng lơ cá vàng“ như tôi thì các trại Ngân Hà, Thùy Dương, Hoàng Yến... nghe gần gũi hơn vì khoảng thời gian „hậu Phi Dũng“, phải sang trường Sinh ngữ bên này để luyện Anh văn lâu hơn và sinh hoạt hàng ngày có vẻ được tự chủ hơn. Nếu Phi Dũng gợi nhớ những nhọc nhằn thời huấn nhục, quân sự giai đoạn 1 thì Ngân Hà, Thùy Dương cho tôi nhiều kỷ niệm hơn với Nha Trang.
Hàng tuần sáng thứ bảy sau khi chào cờ trên sân vận động của Trung Tân Huấn Luyện, trở về phòng chờ các „quan lớn“ vào kiểm tra phòng ốc, giường nệm xong là mỗi người được cấp tờ giấy phép ra phố. Mà đi đâu đây? Mấy ông có họ hàng bà con hay người yêu chờ đợi bên ngoài thì thoắt cái đã mất dạng, riêng đám „con bà phước“ như bọn tôi thì ra phố Nha Trang là tản bộ xem hoa, chụm năm chụm ba ngắm... sóng biển rì rào mỗi cuối tuần, xem xi nê chờ hết giờ trở về doanh trại.
Đầu năm 1973, khỏang gần Tết, Đoàn SVSQ được lệnh chuẩn bị một chương trình văn nghệ Tết trình diễn thi đua trong Liên Đoàn khóa sinh. Người chịu trách nhiệm là ch/u già Trí ? cùng với cán bộ Xuân Sơn và một số 72A không phi hành. Tôi phụ trách đệm đàn guitar cùng với một số anh em 72E và F. Khóa 72F có một tiếng hát rất hay, tôi nhớ anh hát bài „Tiếng hát sông Lô“ trong chương trình và thủ luôn vai Tào Tháo trong vở kịch vui „Quan Công phục Huê Dung Lộ“ do ch/u Trí sáng tác. Chuyện kể theo Tam Quốc Chí khi Tào Tháo thua trận Xích Bích, bị Khổng Minh ví cho chạy vào ngã Huê Dung, ở đây gặp Quan Công chận đường. Bí lối, Tào đành xuống ngựa ca bài con cá và kể ơn với Quan Công. Anh đóng vai rất xuất sắc, nhất là đoạn Tào Thào xuống vọng cổ „dạ da trăm lạy Quan Hầu ngàn lạy Quan Hầu...“ Chương trình còn có các phần họp ca, kịch thơ „ Tống biệt“ kể chuyện Kinh Kha Sang Tần rất xuất sắc do các SVSQ 72A KPH trình diễn. Giọng ngâm thơ trầm hùng vang lên trong đêm quyện cùng ánh sáng sân khấu mập mờ ngoài trời nghe như xoáy vào lòng người „ Dịch Thủy hề em Dịch Thủy hề...“ Năm đó chương trình văn nghệ hùng hậu của đoàn SVSQ được chấm giải nhất không làm ai ngạc nhiên. Môn thể thao phổ biến nhất của trại Ngân Hà là bóng chuyền. Khóa 72E có Quang volley xuất phát từ khoảng thời gian nầy, 72F thì có Sên rất xuất sắc, hai khóa thường hay đấu với nhau, tôi thuộc hạng dự bị, chuyên viên... lượm banh.
Phía sau Ngân Hà có một vọng gác nằm cạnh hàng rào ngăn cách phố Nha Trang, thỉnh thoảng các ông bạn nhớ em vẫn hay leo rào ra ngoài. Trong giới „anh chị“ này có bác thợ điện nhà tui, chuyên viên „leo tường khóet vách“ đúng nghĩa, suốt ngày loay hoay với hệ thống điện nhà . Đi đêm có ngày gặp ma, ở đây không có ma mà là ch/u Trí già , một tay cáo già của đoàn SVSQ đang trực. Tội cho bác thợ điện đang mặt mày hí hửng leo rào vào trại sau một chuyến dạo phố thăm dân cho biết sự đời. Lão Trí vui vẻ đứng quan sát từ hồi nào chẳng biết:
- Em vào chỗ nào chỉ cho qua xem coi.
Bạn tôi vẫn thật thà muôn thuở chỉ cho lão xem nơi hàng rào bị „soi mòn“.
Lão ta lám bộ ngây thơ:
- Trời, một chỗ cao thế nầy mà em ra vào được à? Đâu em thử làm lại cho qua coi...
Nét mặt hơi quê quê, bác thợ điện bèn „trổ tài“ mưu sinh thoát hiểm, cũng hơi vướng nhưng leo ra rồi lại leo vào khỏe ru, lão Trí không vừa ý:
- Sao mà vướng vấp quá vậy, em tập leo ra vào cho tui 50 lần thử coi, lần tới chắc không còn vướng nữa đâu.
Báo hại bác thợ điện mồ hôi ướt đẫm hì hạch leo lên leo xuống như „khỉ vờn trăng“, tiếc rằng phía bên ngoài đường giờ nầy không có ai qua lại để xem màng „xiếc“ hấp dẫn nầy.
Trại Ngân Hà gồm nhiều dãy nhà 2 tầng, mỗi nhà là một khóa SVSQ, xung quanh là những hàng cây dương liễu với tàn cây che rợp mát. Cát trắng vây quanh được các khóa sinh tận tình chăm sóc nên lúc nào cũng bóng nhẵn.
Dù là sống tập thể nhưng các SVSQ đang trong giai đoạn miệt mài sinh ngữ nên trừ những khi sinh hoạt chung, không khí thật yên tỉnh, mọi người đều lo cặm cụi ôn luyện ECL cho lần thi tới...
Trần Thanh Thản