PDA

View Full Version : Tôi bay xịt thuốc khai-hoang



vinhtruong
12-07-2010, 10:09 PM
(Air Defoliation) Ánh đèn pin liên-tục qua lại trong bóng đêm, thỉnh-thoảng dừng lại một tụ điểm như xoi-mói tìm kiếm những gì khác lạ nơi cặp càng bằng nhôm, với vô số vòi-phun, chi-chít nằm xen kẽ, trải dài gần 15 thước mỗi bên, cho đến tận đầu cánh. Tôi đang kiểm soát tiền phi cho một phi-vụ khai hoang, mà mục tiêu là khu rừng già nằm bao phủ trên tuyến đường sắt Trãng-Bom, Long-Khánh. Chiều hôm qua, trước khi về nhà, tôi cởi Lambretta chạy ngang, thoáng nhìn hai chiếc Trực-Thăng trang bị giàn phun thuốc đang đậu như hai con chuồn-chuồn Voi khổng-lồ nằm xụ cánh nghỉ ngơi trên thảm cỏ của Phi-Đoàn 211.

Chỉ còn 15 phút nữa là chúng tôi phải cất cánh cho kịp đến mục-tiêu, đúng lúc mặt trời vừa ló dạng và đó cũng là lời cẩn-thận cân-nhắc của Trung-tá Cố-vấn Kentroity: Không-khí ban mai thăng-bằng, trong lành và ít khuấy động, nên có nhiều hiệu quả hơn, khi phun thuốc tỏa xuống đều-đặn, hội tụ trên những cành lá, từ-từ ngấm dần.

Trong đêm tối, không-khí ẩm-ướt làm mát da mặt qua những luồng gió nhẹ thoang-thoảng bên tai, tôi đang bị ám ảnh vì cảm thấy ngứa mũi qua những mùi thuốc khai-hoang khó chịu xông ra từ thân phi-cơ? Nhìn lại khoảng đường từ Phi-đoàn xuống Phi-đạo, dãy cây Trứng-Cá trơ-trọi xơ-xác chỉ còn cành không lá, cũng vì những hơi-hám còn đọng lại trong thùng dù đã khóa chặt nhưng vẫn còn ảnh hưởng lây-lất đó đây.

Thiếu-úy Nguyễn-Phước-Điền đang cho nổ máy chiếc 028, còn tôi cho nổ máy chiếc 511 màu xanh rêu của US Marine, tôi phải nhường cho Điền chiếc mạnh hơn, vì hắn mới vừa được xác định bằng Trưởng phi-cơ, chiếc 028 là của Army, màu xám Olive vì trang bị ít phi-cụ, và chỉ có đồng-hồ phi-cụ ở một bên Trưởng phi-cơ có mà thôi, riêng chiếc của tôi thì trang bị rất nhiều phi-cụ, kể cả máy đo khoảng cách (Tacan), tất cả những trang cụ nầy đều gắn ở đằng sau đuôi, nên trọng tâm chạy về phía sau, cất cánh rất khó vì dễ bị mất năng-suất máy.

“Butterfly 2 đây 1 gọi?”
“Butterfly 2 nghe 5/5”
“Chuẩn bị cất cánh”

Tôi cho Trực-thăng lăn bánh ra phi-đạo. Phi-đạo Trực-thăng hình chữ thập, chiều dài khoảng 60 thước do người Pháp xây dựng, gọi là Heliport và chỉ độc nhất cất cánh về hướng Nam mà thôi, tuy vậy nhưng cũng không an-toàn cho lắm vì có những cột Ăng-ten cao hơn 100 thước, cũng may tất cả đều có đèn đỏ trên chóp đỉnh.

May mà chỉ có đổ đầy 2 bình xăng, nhưng tôi phải dùng đến 2800 rpm (vòng phút của máy) mới ì-ạch cất cánh nổi, đi vào thực-tế chỉ phun thuốc được trong vòng 10 phút là hết với vào khoảng 4000 cân anh (lbs) Chúng tôi phải bay vòng qua ngã nhà Bè, vì phi-cơ C-123 Provider của Không-quân Hoa-kỳ cũng đang cất cánh về hướng quận Củ-Chi và cùng bay phun thuốc dọc theo hai bên bờ sông Nhà-Bè ra tận tới Vũng-Tàu. Chúng tôi, Việt-Mỹ đang hành quân trong chiến-dịch Ranch-Hand (năm 1962) mà Tổng-Thống Kennedy đã ra lệnh cho chương trình thí nghiệm thuốc khai-hoang dọc theo những tuyến đường bộ, đường xe lửa, sông ngòi và những Căn-cứ Quân-sự bị rừng già bao phủ, hầu ngăn ngừa Việt-Cộng ẩn núp phục kích hoặc chuyển quân. Phương án của War Industries Board, tổng thống Diệm và Kennedy nghe rất êm tai, có ai hiểu cho chất độc màu Da-Cam và người Mỹ mất tích là cái cớ sẽ nối liền bang giao Việt Mỹ vào gần nữa thế kỹ sau?

Cao hơn chúng tôi vài trăm thước, một hợp đoàn hình thang của 3 chiếc vận-tải cơ C-123 đang bay lướt qua trên không phận Thanh-Thủy-Hạ, chúng trang bị bên trong, những thùng Plastic cứng chứa đầy Hóa-chất (1000 gallons cho mỗi thùng) và giàn phun thuốc bằng kim loại nhẹ gắn dưới cánh.

Cường độ chiến tranh tăng dần theo đà khai phá Xa-lộ Averell-Harriman (đường mòn Hồ) và điểm kiểm soát theo dõi nhịp độ xâm nhập từ hàng rào Mac Namara, nên mãi đến năm 1965, các phi-vụ khai-hoang càng tăng dần để rải xuống các vùng mật-khu của Bộ-đội Bắc-Việt mà phần nhiều rừng già gồm tới 3 tầng lớp cây, nơi đây không bao giờ có ánh nắng mặt trời, nhưng dưới đó Hoa-kỳ đã thả hàng 100 ngàn cột Antennas với hình dạng giống như chong-chóng, rơi cắm chui xuống đất, hoặc móc trên cành cây để theo dõi, nghe-ngóng sự đối thoại của Bộ-đội BV, đồng thời các phi-vụ khai hoang nầy cũng để tiêu diệt hoa-màu, mùa-màng nằm rải-rác ở những khoảng trống dưới đó.

Nút kiểm soát theo dõi nhịp độ xâm nhập của Hàng rào điện-tử Mac Namara báo động ở lằn “Vàng” có nghĩa sự xâm nhập ở vùng cao nguyên sắp ở lằn mức báo-động (1967-1968) Không-lực Hoa-kỳ tăng phi vụ lên 5 chiếc và nhiều đợt, ở chiến khu D, C và vùng 3 biên-giới Chu-Prong (Pleiku) gọi là Chiếc-dịch “Hot-Tip”.(mở đường làm dấu vàng lá trường sơn tây vì sợ BV mất phương huớng đi chệch, chắc độc giả nghe hơi chõi lỗ tai?)

Chúng tôi đang bay nối đuôi nhau cách khoảng vài giây, trên cao độ 1000 bộ, nhưng không được bay cao hơn vì đây là không phận của 2 phi-trường lớn Tân-Sơn-Nhất và Biên-Hòa có rất nhiều phi-cơ qua lại. Trời còn lờ-mờ sáng nên tầm nhìn xa vẫn còn thu ngắn lại, dưới bụng phi-cơ có vài cụm mây Status mỏng-manh như những cuộn khói dật-dờ lạc-lõng. Tôi đang lấy hướng trực chỉ 90 độ, có nghĩa là ngay hướng Đông; Ngọn đồi Châu-Thới đang mờ-ảo hiện ra, chập-chờn qua những tảng mây bay ngược về phía dưới.

Hôm nay, chúng tôi có cơ-duyên được nhìn thấy trọn-vẹn, từ trong đêm tối tĩnh-mịch, cho đến khi mặt trời hoàn toàn thức dậy. Quả thật, trước mắt tôi tầm nhìn xa bắt đầu trải rộng, xa về phía chân trời, vài tia nắng yếu-ớt đang lóe lên dưới đám mây Cumulus, ánh sáng bàng-bạc, yếu-ớt của buổi rạng đông đã len qua cụm mây trước mặt, rồi bỗng chốc sau đó, ánh sáng không chói-chang lắm của nửa vầng mặt trời xuất hiện ra như một hiện tượng hào-quang, rồi như một mâm đồng khổng-lồ uy-nghi xuất-hiện, thúc dục những bộ óc chiến tranh, thêm một ngày dài, như thôi ngừng tay chém giết, hủy-diệt, tàn-phá đất nước quá nghèo khổ và đau thương nầy!

Tôi như kẻ phạm tội, không dám nhìn xuống khu rừng, tâm-tư ngổn-ngang bấn-loạn, vì dưới đây hình ảnh những bụi cây bờ suối, những trái “lồng-đèn” chín đỏ, những bụi trái “chùm-bao” bạt ngàn, nhũng trái “sim tím” nặng trĩu trên cành lá, rồi tiếng chim hót líu-lo nghe vui tai, mờ-ảo, trữ-tình như quay lại lãng-vãng trong tim óc tôi. Cũng vào những buổi sáng như thế nầy, sương mù còn đọng lại trên vách đá, biết bao mùi-vị thiêng-liêng thanh-khiết đang ngự trị trên vùng núi Khe-Sanh hùng-vĩ. Tôi đang rùng mình vì lạnh hay cảm nhận “tội-lỗi” Rồi chút nữa đây, chính tay tôi sẽ bấm nút hủy diệt chúng một cách tàn nhẫn, không chút tiếc thương! Tôi không dám nhìn rõ sự hùng-vĩ của núi đồi bao quanh vùng Phan-Thiết, Long-Khánh, khi biết rằng, chính mình là thủ phạm tàn phá quê-hương.

Kéo vành kiếng mát nơi nón bay phủ kín che mặt. Tôi đang xấu-hổ không dám nhìn thẳng vào những đám rừng dưới thân phi-cơ, vì cảm nhận như một ám-ảnh in sâu vào óc… sắp nhẫn tâm lấy dao rạch vào mặt người “sơn-nữ” đang tuổi xuân thì, càng xấu hổ và cảm nhận mình là tội-lỗi, khi tôi hiểu được Bà Wangari Maathai, một phụ-nữ đáng kính ở Kenya, đã được giải Nobel Hòa-Bình, Bà đã trở thành người phụ-nữ Phi-châu đầu tiên được chọn trao giải thưởng nầy. Vì đã đi đầu trong chiếc dịch trồng hàng chục triệu cây xanh tại lục địa Phi-châu; Ủy-ban trao giải Nobel đã công bố việc tuyển chọn và ca ngợi Bà Maathai về những đóng góp của Bà cho sự phát triển bền vững nền dân chủ và hòa-bình của thế giới! Bà đã vượt lên trên số ứng viên kỷ-lục 194 người để giành giải thưởng trị giá 1.36 triệu Mỹ-kim. Bà sáng lập viên một tổ chức, đa phần thành-viên là phụ-nữ, có tên “Phong trào vành đai xanh” nhằm giảm hậu quả của việc phá rừng. Việc Bà huy động được người nghèo trồng đến 30 triệu cây đã được các nước khác bắt chước; Bà nói rằng: “việc trồng cây sẽ làm chậm lại quá trình phá rừng, bảo tồn hệ sinh thái cho động vật hoang-dã” tạo ra tài nguyên và thực phẩm cho các thế hệ mai sau. Nhưng chữ tài lại liền với chữ tai một vần, vì quá học thức, quá mạnh-mẽ, quá thành-công, quá bướng-bĩnh, và quá khó để kiểm soát, nên Ông chồng của Bà đành phải ly-hôn vì sức chịu đựng có hạn.

Đã đến mục tiêu, một rừng già cây lá xanh tươi, đang phơi mình dưới ánh nắng ban mai tuơi đẹp, ngay ở giữa một con đường sắt ngoằn-ngoèo xuyên qua trên đó, chúng tôi bắt đầu giảm sức máy, bay xuống thấp vào khoảng 300 bộ, trên đường rầy xe lửa, tôi đang nhìn thấy vài toán lính đang tụ hội vào một điểm. Tôi cũng đã được biết trước một Tiểu-đoàn Bộ-binh, sẽ đóng chốt hai bên đường xe lửa để bảo vệ an-toàn khi chúng tôi phun thuốc, vì tuần trước Thiếu úy Chính P Đ-213 bay xịt thuốc bị Việt Cộng ở dưới bắn lên lủng tàu, nên hôm nay tôi mới được có lính ở dưới để bảo vệ. (Thế là VN lại một lần nữa bị Mỹ lừa đảo về chất độc màu Da Cam, chất độc gì mà có Lính ở dưới khi tôi bay xịt thuốc) Dù rằng bồi-thường là nhu cầu sống còn để Mỹ tháo bỏ hàng thặng dư như nhu cầu đi đại tiện rồi xả nước đó mà!

“Hai đây Một… chúng ta sẽ lấy trục từ Đông sang Tây để phun thuốc… tránh bị chói ánh mặt trời, Hai phun bên trái đường xe hỏa, còn Một bên phải… Okay!”

Hai chiếc Trực-thăng đang bay vòng lại 180 độ tiếp-tục giữ cao độ 300 bộ; Tôi bật nút máy bôm, liền tức thì mùi không-khí mát-mẻ sảng khoái ban mai không còn nữa mà thay vào đó mùi thuốc hóa chất nồng-nặc khó chịu như muốn đâm thọc vào mũi chúng tôi… “Mùi tử địa”. Hai chiếc đang thi nhau phun ra những màn sương khói ám chướng, tỏa xuống để hủy diệt, tàn phá cảnh hùng-vĩ của thiên-nhiên mà tạo hóa đã dành cho để cứu rỗi muôn loài.

Chưa đầy 10 phút, đèn báo hiệu trở lại màu đỏ cho biết đã hết thuốc, phi cơ bắt đầu nhẹ dần nên tốc độ đã tăng nhanh được đôi chút, chúng tôi bắt đầu bay lên đến cao độ an-toàn, bình phi và lấy hướng 270 độ trở về lại Tân-Sơn-Nhất.

Trong chiến dịch Ranch-Hand nầy, Hoa-kỳ dùng loại vận tải cơ C-123 để rải những chất khai hoang nhiều loại khác hơn, đặc biệt đầu năm 1965, với sự thiết kế, cứ 11.000 lbs (cân anh) thì phá hủy được 300 acres rừng, và chỉ phun thuốc trong vòng 5 phút, trong vòng một tuần, các cây trong vùng được thử nghiệm lá sẽ trở nên màu vàng nâu, rồi rụng hết lá và tiếp sau đó, ảnh hưởng của Dioxin lan rộng qua các rừng lân cận trong phạm vi đường kính khoảng 1 cây số. Sau đó không lâu cây sẽ hoàn-toàn chết hẳn trong vòng 5 hoặc 6 tuần.

Tại Phi-trường Tân-Sơn-Nhất, trước cổng của Phi-Đội C-123/USAF, chuyên bay phi-vụ khai hoang, có gắn tấm bảng “Only You Can Prevent Forests” Chỉ có Anh mới có thể tránh được là “Hung-thần phá sơn lâm”.

Đối với chiến-tranh Việt-Nam, Siêu-Chánh-Phủ (permanent government) Hoa-Kỳ luôn-luôn nắm phần chủ động, điều dễ hiểu là họ đã tạo nó ra vì quyền lợi, và dĩ-nhiên lúc nào họ cần chấm dứt để rút ra thì đã nằm trong kế hoạch chiến lược dài lê-thê của họ (cho nên ai nói sa lầy thì cứ nói, riêng SCP thì cứ ngậm miệng ăn tiền). Từ ngay sau khi Hội-Đồng An-Ninh Quốc-Gia, ngày 21/9/1960 và sau đó đã có một ‘Viện nghiên cứu’ nằm vào một cánh dãy nhà lầu, chiếm một cạnh đặc-trách về Châu-Á sự-vụ của Ngũ-Giác-Đài (Pentagon) trong đó không loại bỏ lộ-trình đồ bản “Hậu-chiến Việt-Nam” bằng cách nối lại bang giao qua cái cớ danh nghĩa khi cần tiếp nối, nói chuyện với phía Việt-Nam: với chiêu bài “Chất độc màu Da-Cam với người Mỹ mất tích” (MIA). Ðối với Hoa-kỳ đây là vũ-khí chính-trị cần thiết để Họ trở lại Việt Nam, vì thế trước sau gì Hoa-kỳ cũng kiếm cách bồi thường, dù sao cái tội ác nầy cũng còn quá nhẹ so với “những tội ác khác trong những cuộc thí nghiệm đủ loại về vũ khí chiến tranh, làm sao có bằng cớ loại “hoá-chất” giết người dùng để giải-vây cho 6000 lính Mỹ ở Khe-Sanh, đối đầu với 4 Sư-đoàn BV, cộng 2 Trung-đoàn Pháo, (năm 1968). Và chất độc đồ ăn trong những chiếc dù, làm bộ thả lạc để cứu thoát 2 Phi-công, Hambleton và Mark-Lack (năm 1972) trên dòng sông Miếu-Giang, Quảng-Trị, Toán Biệt-hải và Trung-úy Tom Norris đều có nhận lệnh rõ-ràng: là không được ăn các C-Ration đã thả dù xuống vùng nầy).

Về phía Hoa-kỳ, chắc cũng có nhiều lý do để trở lại vấn đề nầy, lý do Hoa-kỳ bị… “Lương tâm cắn rứt vì tội-ác chiến tranh?” hay là quyền lợi chiến lược toàn cầu, qua giai đoạn mới? Còn về vấn đề người Mỹ mất tích (MIA) thì sao!? Ông Jerry D. Jennings, phụ-tá Bộ-trưởng Quốc-phòng Hoa-kỳ, kiêm đồng chủ-tịch Ủy-ban Hổn-hợp Liên-Xô Hoa-kỳ về tù binh và quân-nhân mất tích, cho biết đang yêu cầu Liên-Xô cho phép những Sĩ-quan hồi-hưu của họ do Hoa-Kỳ tuyển dụng được tham khảo các văn khố lưu trữ của cơ-quan mật-vụ KGB để tìm tin-tức về những Quân-nhân Hoa-kỳ mất tích trong chiến-tranh Triều-Tiến và Việt-Nam. Ông Jennings cho biết Washington cũng đang đàm phán với Việt-Nam về một đề nghị tương-tự.

Trước đó, Mạc-Tư-Khoa đã đồng ý cho Washington xem-xét văn-khố lưu-trữ của Bộ Quốc Phòng Liên Xô và đã được xác minh số phận của 264 binh-sĩ Hoa-kỳ mất tích trong chiến-tranh Triều-Tiên; Đổi lại, Liên-Xô cũng cung cấp cho Hoa-kỳ tài liệu về nhũng vụ Phi-cơ Hoa-kỳ bị bắn rơi ở Việt-Nam. Chúng ta nên để trong đầu Mỹ luôn luôn xem LX là hạng-2 và TQ là hoạ da vàng!

Nay phía Hoa-kỳ muốn được tìm tin-tức qua văn-khố của KGB; Để tỏ thiện chí, Hoa-Kỳ cũng giúp Liên-Xô xác minh số phận của 163 binh sĩ Liên-Xô mất tích trong chiến cuộc A-Phú-Hãn và nhiều nhân-viên khác của Liên-Xô bị thất tung trong thời chiến tranh lạnh.

Trên thực tế, Hoa-kỳ đã đánh dấu được nhờ Khoa-học kỹ-thuật tinh-vi, qua vệ-tinh hay các phi-cơ EC-135 AWACS (Boeing 707 có Radar-Dom trên lưng) quay chụp bằng không ảnh các nơi phi-cơ bị rớt, chỉ cần thời gian sau sẽ lấy xác qua chương trình MIA, như năm 2003 đã tìm ra Phi-hành-đoàn Queen-Bee, gồm Th-úy Phan-Thế-Long, Th-úy Nguyễn-Bảo-Tùng và Thượng-Sĩ Nguyễn Văn-Lành. Phi-hành-đoàn nầy được chánh-phủ Hoa-kỳ vinh danh chôn cất tại nghĩa trang Arlington, nơi đây cũng là niềm danh-dự của người lính QLVNCH được phục hồi sau cuộc chiến đã hy sinh cho lý tưởng Tự-do.

Như trong cuộc Hành-Quân Lam Sơn 719, Hoa-Kỳ có 219 người chết và 38 người mất tích, tất cả là Phi-hành-đoàn của US Army-Aviation đều được phối kiểm đầy-đủ. Nói tóm lại Hà-Nội có thiện chí về trao đổi tin-tức người Mỹ mất tích (MIA) Nhưng trong đó không may mắn cho những người Mỹ của binh-chủng Biệt-kích Delta vì khi bắt được, lính Bắc-Việt hiểu rằng đây là loại người rất nguy-hiểm, chiến đấu tài-tình, vì thế để trừ hậu-họa phiền-phức khi họ sẽ tìm cách trốn chạy thóat, nên tốt nhất là “làm thịt” họ cho nhẹ bớt gánh nặng phức tạp khi chuyển chúng về hậu-cứ có nguy cơ gây tai họa cho các đồng chí khác.

Nhờ khoa-học kỹ-thuật cao, phi-cơ dò thám tìm ra chất kim loại, nên có một trái Bom lớn 15,000 cân Anh (BLU-82s, Daisy Cutter) được mang thả trên chiến-trường Nam VN bằng Vận-tải cơ C-130, nhưng tại vì một trục-trặc nào đó mà rơi xuống không nổ. Thông Tấn-Xã, Press Trust of India và AP loan tin Việt-Nam đã tháo gỡ được ngòi nổ của một trái Bom nổ lớn nhất còn nguyên vẹn sau khi cuộc chiến tranh Việt-Nam chấm dứt gần 30 năm . Giữa năm 1970 theo sự theo dõi của tình báo CIA, từ điểm xâm nhập qua hàng rào Mac Namara, mức độ xâm nhập của quân-đội BV đã ở trong tầm mức báo động “Vàng”, nên Hoa-kỳ dùng loại Bom 15,000 cân Anh để làm một bãi đáp Trực-thăng trong một vùng rừng già ở Cao-nguyên, hầu mở chiến dịch Trực-thăng-vận thả lính chiến đấu Mỹ xuống vùng hành-quân nơi đó để chận đánh quân BV đang ồ-ạt tràn xuống phía Nam. Theo chiến lược nầy thì ở chỗ nào trong phần đất miền Nam cũng có đụng trận, nhưng mục tiêu chính là gây tiếng vang, nhứt định là không đáng kể chỉ để cho các binh chủng quân đội Mỹ có cơ hội luyện tập mà thôi. Theo chính-lược của Permanent Government là “Everything worked but nothing worked enough”.

Sau khi Chính-quyền Việt-Nam được thông báo, 38 chuyên-viên đã phải mất 20 ngày mới tháo gỡ được ngòi nổ của trái Bom và đắp một con đường lên đỉnh núi để chuyển trái Bom xuống, sau khi đã lấy ra được 3 tấn rưởi thuốc nổ ở bên trong. Bom nầy thường được thả bằng dù nổ trên mặt đất. Quả Bom không nổ nầy, vì có thể do lỗi kỹ-thuật, hoặc do đầu ống dài chạm nổ mắc vào cây rừng, hay hệ thống dù không bung ra? Nên 2/3 trái Bom ngập trong lòng đất; Ngoài sức nặng của thuốc-nổ, phần còn lại, võ nặng gần hai tấn đã được vận chuyển về Bảo-tàng-viện Bộ Công-Binh (Hà-Nội). Theo quân đội Hoa-kỳ, hơn 15 triệu tấn Bom, Mìn, Đạn trọng pháo và các loại Đạn-dược khác đã được mang ra xử-dụng trong cuộc chiến-tranh Việt-Nam, và người ta tin là khoảng 10% trong số Bom-Đạn nầy đã không nổ khi được thả xuống.

Những Bom Mìn chưa nổ nầy hàng năm đã gây chết-chóc và thương-tích cho nhiều người trong đó phần nhiều là Trẻ em tại Việt Nam. Theo những số-liệu về phía Việt-Nam đưa ra thì kể từ năm 1975 đến nay đã có 38.000 người thiệt mạng và hơn 100.000 người bị thương vì Bom Mìn chưa nổ. Trong quá khứ, Chính-phủ Hoa-kỳ đã trao tặng cho quỹ Cựu Chiến Binh Việt-Nam 5 triệu dollar để giúp dọn-dẹp những Bom Mìn chưa nổ.

Trong quá khứ dùng Agent Orange làm vũ-khí chính-trị, đã không ít lần Việt-Nam vấp những lỗi ngớ-ngẩn; Thí dụ: có lần Việt-Nam đưa ra các lời thống-thiết của những người tự xưng là nạn-nhân của chất độc màu da Cam, nhưng khi họ kể rằng, trên đường hành-quân, họ bị phun thuốc với những “đám mây màu Cam”, thì phía Hoa-Kỳ cho rằng lời nói của kẻ ‘thất-học’ Agent Orange không phải màu Cam, màu Cam chỉ là màu bên ngoài thùng-phi, chớ chất ấy không hề có màu Cam.

“Agent Orange” là bản dịch tiếng Việt “chất độc màu da Cam”, hai danh từ nầy sanh ra từ chiến tranh Việt-Nam, nay trở nên quen thuộc kể cả người Mỹ cũng như người Việt. Đây là một loại thuốc diệt Cỏ bình thường, chất nầy được xử dụng lần đầu tiên ở Việt-Nam, vào ngày 31/1/1962 trong chiến dịch Ranch-Hand, phát khởi từ Tân-Sơn-Nhất, giữa năm 1962, hai chiếc Trực-Thăng H-34 mang số 028 và 511, chính tôi và Thiếu-úy Lê-Phước-Điền đã phun thuốc trên tuyến xe lửa vùng Trảng-Bom, Long Khánh, ở dưới có Bộ-binh giữ an-ninh khi chúng tôi phun thuốc, chính con mắt tôi nhìn ra đằng sau thì thấy một màu ‘trắng đục’ như hơi sương dày đặc phun ra như màn khói, làm gì có màu vàng Cam! Chất nầy đã được xử dụng với quy mô rộng-rãi vào những năm 1967 và 1968, và thực sự chấm dứt vào ngày 30/6/1971; Đây là thủ đoạn chính trị mà Nhóm học-giả của Harriman đã đưa ra làm nguyên cớ nối lại bang giao cho lộ trình hậu chiến mà các khoa học gia chân chính phải cho rằng chất nầy chỉ có làm ngứa cơ thể con người mà thôi. Thật tội nghiệp cho một nước nhược tiểu bị Hoa Kỳ chèn ép phỉnh gạt, dĩ nhiên Mỹ tha thiết được bồi thường gấp chục lần Viet Nam đòi hỏi bằng đồ thặng dư của Mỹ chớ có bao giờ được đôla Xanh đâu? Bồi thường là yêu cầu sống còn của Mỹ để xả rác (flushing) đồ phế thải cho trong lộ trình gần nửa thế kỷ sau.

Hoa-Kỳ từng dùng nhiều loại thuốc khai-hoang tại Việt-Nam, chúng được chứa trong thùng phuy (thùng sắt 200 lít) tô màu khác nhau, nên được gọi tên theo màu của những thùng nầy. Thí-dụ: như agent Purple (tím) agent White (trắng) agent Green (xanh lá cây)… agent Orange đựng trong thùng sơn vệt màu Cam, gồm 2 hóa chất 2,4-D và 2,4,5-T, là 2 chất được chế tạo dựa theo Hormone thực vật gọi là Auxin (một loại acetic acid). Agent Orange là loại thuốc bột, người ta trộn với dầu Hôi hoặc Xăng Diesel rồi xịt bằng máy bay xuống vùng cần khai hoang.

Tuy nhiên, trong quá trình chế tạo chất 2, 4, 5-T, một hóa-chất khác cũng được tạo ra mà không có cách nào loại ra được, là chất Dioxin. Dioxin là tên gọi chung của một nhóm hóa chất nhưng thường được dùng để gọi riêng chất 2,3,7,8-TCD D, Dioxin là một độc tố, gây nhiều bệnh tật. Dioxin khi nhiễm vào người sẽ nằm trong mỡ, và sẽ tự tan rã với chu-kỳ bán phân khoảng 7 năm (cứ mỗi năm lượng Dioxin bớt đi một nữa) Đàn Ông không có cách nào thải dioxin ra, chỉ chờ cho nó tự nhả. Còn dioxin trong cơ thể đàn Bà sẽ đi ra bằng cách theo chất dinh-dưỡng vào thai-nhi. Ngoài ra sau khi sanh, dioxin cũng có thể ra theo đường sửa Mẹ.

Thế nên có bao nhiêu phần dioxin trong người thì sẽ bị bệnh!? Bác-sĩ nghiên-cứu trên thú vật cho thấy, có khi chỉ có rất ít dioxin cũng có thể gặp bệnh tật về hormone, về miễn nhiễm, về sinh trưởng. Nếu nhiều dioxin có thể bị Ung-thư; Viện-Hàn-Lâm Y-học Hoa-kỳ, công bố 13 loại bệnh có liên-quan đến chất độc Dioxin như: Ung-thư Lympho Hodgkin, Ung-thư Phế-quản (phổi) Ung-thư khí-quan, Ung-thư tiền-liệt tuyến, bệnh thần kinh ngoại vi cấp và bán tính.

Nói một cách cụ thể, chật độc dioxin (màu da Cam) đã được xử dụng thế nào trong cuộc chiến Việt-Nam:
-Chất độc nầy là một hổn-hợp có tỷ-lệ 50/50 của 2 hóa chất là dichlorophenoxy acetic acid (2.4D) và Trichlorophenoxy acetic acid (2,4,5-T). Hỗn-hợp nầy được phun thẳng từ trên không theo tỷ lệ 1/20-1/50. Trong cuộc chiến Việt-Nam, có khoảng 19 triệu gallons chất độc nầy đã được rải xuống miền Nam Việt-Nam (với trọng lượng 5 kilô gram, tương đương với 6, 4 lít, theo US Veteran Dispatch Staff Report, Navember 1990).

Lấy một vườn Cao-su làm thí điểm, thuốc nầy được pha loảng với dung dịch như thế kể trên, rồi được thả xuống trên mỗi acre. Trong vòng một tuần lễ, là các cây Cao-su trong vùng được thí nghiệm đã rụng hết lá và tiếp sau đó ảnh hưởng của dioxin lan rộng qua các rừng cao-su kế cận trong phạm vi đường kính độ 1 km. Trong một báo cáo mật năm 1967, của quân-đội Hoa-Kỳ được công bố sau nầy, quân đội Mỹ được lệnh, không hành quân trong phạm vi 2 km trong vùng đã bị rải Dioxin.

Có thể nói trong đời sống văn-minh hiện nay, con người không thể nào tránh khỏi nhiễm độc bởi nhiều chất hóa-học, trong đó có Dioxin, nhưng con người chịu dựng được bao nhiêu? Tùy theo quốc-gia hoặc Cơ-quan định mức chấp nhận hấp thụ hàng ngày: TDI (Tolerable Daily Intake) của Dioxin được thay đổi và được ước tính bằng pg (hay 10-12) như sau:

- Hòa-Lan 4 pg/ngày/kg cân theo trọng lượng cơ thể
- Cơ-quan Y-Tế Thế-Giới (WHO): 10 pg/ngày/kg
- Cơ-quan lương-thực và dược-phẩm Hoa-Kỳ (FDA) USA: 0.03 pg/ngày/kg
- Cơ-quan Bảo-vệ môi trường Hoa Kỳ (USEPA): 0.006 pg/ngày/kg.

Lấy ví-dụ dễ hiểu, 1 người cân nặng 50 kilô-gram, nếu tính theo định mức 1 pg/ngày/kg, sẽ hấp thụ 50 pg/ngày, trong một năm sẽ hấp thụ: 18,250 pg hay 18, 25 ngày. Và trong 20 năm sống trên đất Mỹ, lượng Dioxin trong Gan người và các mô mở là 365 ng/20 năm; Nếu tính theo thời gian bán hủy (half-life) của dioxin là 10 năm, thì tổng lượng dioxin cô-động trong cơ thể là 185.5 của phần tỷ
Nếu đem so-sánh với lượng dioxin trong máu hay trong sửa Mẹ của các dân-cư sống ở các vùng Chu-Prong (Pleiku) chiến khu D, C, U-Minh Thượng và Hạ, rừng Tràm Cà Mau (trung-bình 10 ppg hay pg (phần-ức) thì số lượng dioxin cô-đọng thường xuyên trong cơ thể con người sống ở Hoa-kỳ vẫn còn quá cao so với Việt Nam!) Và nếu tỷ-lệ dị-thai, ung-thư… của dân Việt ở những vùng nói trên tăng cao như báo cáo Hatfield tường thuật thì chúng ta có thể khẳng định rằng tỷ-lệ Ung-thư, sinh con dị-hình dị-dạng ở Hoa Kỳ sẽ cao gấp nhiều lần hơn! Đối với những nhà Khoa-học hoặc chuyên viên nghiên-cứu, làm việc trong phòng thí-nghiệm hóa-chất trên vài chục năm và trực-tiếp xúc tác tiếp nhiễm (exposure) với các loại hóa chất độc hại, trong đó có dioxin, và nồng-độ của chất nầy đã được tìm thấy trong máu, đo đạt vào năm 1993 là 40 ppt. Nhưng sức khỏe hiện tại của họ vẫn bình thường và không có triệu chứng gì khác lạ.

Lấy thêm một thí-dụ điển hình về sự thải hồi độc-tố của Công-ty General-Electric, một số lượng lớn PCBs, ước tính vào khoảng 43 tấn trên một khúc sông Hudson (New-York) Sau hơn 50 năm, dân chúng sống tại hai thị trấn bên bờ sông là Hudson và Fort Edward vẫn chưa thấy có triệu chứng về các bệnh lạ như dị hình dị dạng gì cả. Nếu so với lượng thuốc màu da cam, ước tính độ 170 kg trải rộng trên một diện tích 24.500 km2 thiết nghĩ mức độ ô nhiễm nếu có ở Việt Nam, thì mức độ nầy, khả năng ảnh hưởng lên con người sẽ như thế nào? Có trầm-trọng như báo chí, báo cáo ở Việt Nam mô tả hay không! Có thể bị thiệt hại về nhân mạng tức thời hay về lâu về dài không? Lúc nào Việt Nam cũng bị người Mỹ lường gạt trong đòn phép chính trị thật là bỉ ổi!
(Còn-tiếp)

vinhtruong
12-11-2010, 05:41 PM
(Tiếp-theo)
Nhìn chung, trong tất cả những vụ nhiễm độc hay tai nạn có liên-quan đến chất Dioxin xảy ra trên Thế-giới, không thấy có một nhân mạng nào được liệt kê ra ngoài các thiệt hại về cây cỏ, kể cả gia-súc trong vùng bị tai nạn. Thời-gian, chúng ta đang sống trong một môi-trường bị vây phủ bởi những nguồn có khả năng tạo ra ô-nhiễm dioxin mà không thể nào tránh né được: Như những cột-điện trước nhà với những vật cách điện màu Nâu: Đó chính là PCBs, cũng là một loại dioxin. Nơi nhà sau, sau khi mình thiêu hủy những rác-rến, sau mỗi buổi tiệc gia-đình, vô tình mình đã góp phần vào việc tăng cường ô-nhiễm dioxin trong không-khí (vấn nạn nầy chiếm 19% tổng lượng ô nhiễm dioxin ở Hoa Kỳ).

Ngược lại, một điều cần biết là dioxin không cần làm gì cả, nó cũng lọt vào người, đốt củi sanh ra dioxin, trong khói thuốc lá có dioxin, trong khói xe cũng có dioxin, ăn thịt cá, uống sữa, cũng bị nhiễm dioxin. Dioxin là một hóa-chất, nay đã có mặt khắp nơi trên thế giới, do hiện tượng tự nhiên như cháy rừng, vừa do các sinh hoạt của con người như chạy động cơ xăng dầu. Những hóa chất chứa chlor, chúng ta xử dụng trong gia-đình hàng ngày đều có nguy cơ tạo ra dioxin trong không-khí như thuốc tẩy rửa Sodium Hypochlorite (bleach) Các sản-phẩm Plastic, tơ-sợi tổng hợp… đều là mầm-mống của Dioxin khi bị thiêu đốt. Các Núi lửa đang hoạt động cũng là một nguồn ô-nhiễm dioxin trong không-khí cũng giống như nạn cháy rừng…

Tai nạn liên quan đến Dioxin: Tại Times Beach (Missouri-Hoa-Kỳ) do một công-ty hóa chất bán chất phế thải có chứa TCD, sau đó một công-ty có dịch vụ làm giảm thiểu bụi đường đã xử dụng số dầu trên cho dịch vụ phun-xịt để ngăn chận bụi đường ở thành phố trên, trong một thời gian ngắn, kềt quả là chính quyền địa phương, phải di-tản 1.400 người cư-dân sống trong vùng xãảy ra tai nạn và phải thiêu hủy hàng trăm ngàn tấn ‘xà-bần’ bị ô nhiễm.

Thức ăn cho Bò sản xuất ở Ba-Tây có trộn lẫn với phấn (vôi sống) với mục đích là làm giảm lượng khí trong bao tử bò. Do đó sữa Bò chứa lượng Dioxin rất cao và hậu quả hàng triệu gallons sữa phải hủy bỏ. Cũng trong quy trình, sản xuất thức ăn của gia-súc, Pháp và Hòa-Lan đã dùng bùn khô (sludge) một phế phẩm kỹ-nghệ để làm chất đệm, và làm tăng Vitamins cùng chất sợi (fiber), kết quả là các mô mỡ của Heo, Gà được nuôi ở những nơi nầy có chứa lượng dioxin cao (hiện tại, Pháp vẫn còn áp dụng phương-pháp nầy, mặc dầu cộng-đồng Âu-Châu đã nghiêm cấm từ năm 1991).

Vấn đề dioxin là một vấn đề phức tạp và tế-nhị; phức tạp vì nó có liên-quan mật thiết đến sức khỏe của con người, môi trường sống và ảnh hưởng đến nền kinh-tế và chính-trị; Tế nhị vì nó còn đang nằm trong vòng tranh cãi về mức độ và khả năng làm thoái hóa những vùng đã bị khai-hoang trong thời chiến tranh ở Việt Nam; Do đó mối bang giao Mỹ Việt còn tùy thuộc vào các đánh giá khoa-học của các ảnh hưởng như tôi đã trình bày ở trên.

Đầu tháng 3/2002 đã có cuộc hội thảo giữa Hoa-kỳ và Hà Nội để bàn về vấn đề hậu-quả của chất khai-hoang “Da-Cam”, có chứa độc tố dioxin, đã xử dụng ở Miền Nam VN. Về vấn đề nầy, Hà Nội, như thường lệ, vẫn có 2 mục tiêu là tuyên-truyền và đồi bồi thường thiệt hại; Nhưng tiền bồi thường có trọn vẹn tới tay nạn nhân của chất da cam lại là chuyện khác.

Về phía Hoa-kỳ, sự kiện nầy đã nằm trong chương trình, kế hoạch ước tính đã có từ lâu, nên không dễ bắt bí họ được, mà ngược lại họ vẫn ở vị thế thượng phong khi ‘hù’ ngược lại, bằng Thương-ước Mỹ và Hà Nội đã ký kết, làm cho Hà Nội phải cẩn thận cân nhắc (Chả lẽ VN chấp nhận thức ăn có nhiễm độc làm sao sản xuất qua Mỹ được?).

Trong quá khứ, trên báo Lao-Động, Tiến-sĩ Nguyễn-Quốc-Tuấn Trưởng phòng Trưởng Bộ Khoa-học Công-Nghệ cho biết cam trồng ở tỉnh Hà-Giang có chứa 2,4-D, và trái cây nhập từ Trung-Quốc thì chứa 2,4-D và 2,4,5-T. Sau khi bài báo nầy được xuất hiện, liền sau đó báo người Lao-động loan tin, Tiến-Sĩ Tuấn bị kỷ luật vì tội đã tiết lộ bí mật. Báo Thanh Niên đăng bài phân trần của Cục An Toàn Vệ Sinh Thực Phẩm đính chính là chỉ có 2,4-D chứ không có 2,4,5-T, ngụ ý, có nghĩa là, nếu không có 2,4,5-D thì không có Dioxin, tuy nhiên bài báo Thanh-Niên cũng không phân biệt rõ giữa trái cây trồng ở Việt Nam và trái cây nhập từ Trung Quốc.

Giới khoa-học chưa hoàn-toàn đồng ý về mối liện hệ nguyên nhân và hậu quả giữa Agent Orange và bệnh tật; Từ việc máy bay phun thuốc Agent Orange, đến việc bị bệnh tật, không phải là một kết luận hiển nhiên. Trong Agent Orange có bao nhiêu phần trăm là Dioxin? Có bao nhiêu phần trăm dioxin thấm vào con người? Phần thấm vào người do Agent Orange, với phần thấm vào người do các nguồn thiên-nhiên sai biệt bao nhiêu? Các tật bệnh của các nạn nhân có phải là do dioxin gây ra, hay là do nguyên nhân nào khác? Mà nếu có do dioxin gây ra đi nữa, có phải do dioxin của Agent Orange hay do dioxin từ nhiều nguồn khác nhiễm vào?

Vì Hoa-kỳ làm bộ như đang quan tâm cũng như muốn trấn an dư luận Mỹ sợ một số thực phẩm như cá ‘Ba-Sa’ chẳng hạn bị nhiễm độc dioxin, hay ngược lại, họ muốn chèn-ép kể cả kinh-tế và chính-trị (vì Việt Nam hiện tại cũng bị ‘đì’ như ngày xưa thời VNCH đã từng bị “đì”. Và ngược lại Hoa Kỳ còn chơi cái trò ‘kẻ cả’ thúc đẩy các nghiên cứu khoa học gia để giải quyết một lần cho xong và làm sáng tỏ vấn đề nầy. Mà muốn nghiên cứu thì người Mỹ phải được ở vị thế “người khách được ân-cần mời-mọc” và dĩ nhiên cần sự nghiêm chỉnh hợp tác của Hà Nội; Cho đến nay, tất cả các nghiên cứu về khoa-học trên Thế-giới cho biết Dioxin chắc-chắn là một độc tố có hại cho sức khỏe.

Tuy nhiên trong chiến tranh, chất da cam chủ yếu chỉ được dùng ở vùng núi rừng-rậm, ít dân cư, để đánh phá các đường mòn Hồ Chí Minh, vùng đồng bằng Việt Nam, không phải là mục-tiêu của chất khai-hoang , sự nhiễm độc dioxin khó có thể lên tới mức độ trầm trọng như Hà Nội phơi bày. Hơn nữa, mối liên-hệ và những nguyên nhân đưa đến hậu-quả giữa dioxin và các tật nguyền bẩm sinh, quái thai, thì vẫn chưa có chứng minh bằng khoa-học. Vì vậy, khi Hà Nội dựa vào các trường hợp tật nguyền và quái thai ở Việt Nam để đòi bồi thường, thì Hoa Kỳ không chấp nhận, và yêu cầu phải có sự nghiên cứu thêm.

Người ta đã thấy những chuyện, chẳng hạn các du khách ngoại quốc được dẫn vào thăm Bảo-Sanh Viện Tù-Dũ có trưng bày các bình đựng ‘quái-thai’ mà chính quyền Cộng-Sản nói là do hậu-quả của dioxin. Thật ra các sinh viên Y-khoa tại Việt Nam đều biết đây là các “loại quái thai” dùng làm tài liệu để giảng huấn, đã có từ thập niên 1950 tại Cơ-Thể-Học Viện, Chợ-Lớn.

Hà Nội còn thường trình bày một số trường hợp bị tật nguyền, khẳng định là do hậu quả của dioxin. Nhưng các Y-Sĩ từng làm việc tại Miền Nam Việt Nam trước năm 1975 cho biết, có thể nói phần lớn đó là các trường hợp về những “dư-tật” (sequelles) của bệnh Poliomyelitis do siêu vi trùng (virus) rất thông thưòng tại Việt Nam, và chẳng liên hệ gì đến dioxin. (Theo báo Thụy-Sĩ Le-Martin, tháng Dec-1998. một em bé gái Việt Nam bị tật nguyền. ở chân trái vốn là ‘dư-tật' (sequelle) của bệnh Poliomyelitis) do siêu vi trùng, rất thông thường ở Việt Nam. Hà Nội đã dán lên nhãn hiệu “dị tật dioxin” rồi đem ra rao bán tại “thị trường nhân-đạo”.

Chính sự hành xử thiếu đứng-đắn của chính quyền Hà Nội, nên đã phản lại họ; Ngày nay, các dữ kiện Y-khoa mà Họ đưa ra đã mất tính ‘thuyết-phục”, chưa nói đến chất lượng các thành quả nghiên cứu của giới Y-tế, được đào tạo dưới chế độ CS xưa nay vẫn là một nghi vấn về trình độ chuyên môn; Nhất là khi các thành quả nầy còn thường xuyên được uốn nắn theo chủ đích chính-trị, không có yếu tố khách quan.

Tưởng cũng nên nhắc thêm, trong quá khứ, một Giáo-sư người Mỹ, muốn nghiên cứu một cách nghiêm chỉnh độc-tố dioxin tại Việt Nam, và đã được Hà Nội chấp nhận, Nhưng khi Ông lấy các mẩu đất để đem về Mỹ giảo nghiệm, thì đã bị Công-An tịch thu lại, không cho mang ra khỏi Việt Nam (theo tài liệu trong báo “Đi-Tới” ở Montreal, Canada tháng June/2001 của Tiến-sĩ Mai thanh Tuyết).

Thật vậy, vấn đề không thể chỉ giản dị căn-cứ vào một quan-sát lâm-sàng để đi đến kết luận về nguyên nhân bệnh lý, mà không dẫn chứng nghiên cứu khoa-học, thống-kê đáng tin cậy. Vã lại, trong quá khứ, thái độ của Hà Nội về chất độc dioxin chỉ nặng về tuyên truyền mà không nhằm giải quyết vấn đề một cách khoa-học. Sự bất hợp tác, lưỡng-lự của Hà Nội cho thấy họ rất bối-rối, lúng-túng đến tội nghiệp, giữa hai thái độ. Một mặt, họ muốn khai thác đề tài chất Da-Cam để tuyên-truyền về mặt chính trị, mặt khác họ lại sợ nếu thật sự có bằng chứng ô nhiễm nặng về dioxin tại Việt Nam được phổ biến rộng-rãi trên Thế-giới, thì hậu quả kinh-tế sẽ vô cùng tai hại cho những món hàng thực phẩm xuất cảng từ Việt-Nam.

Cuộc chiến đã chấm dứt 35 năm qua, nhưng vẫn chưa tiến hành được tại Việt Nam một công cuộc nghiên cứu khoa-học đứng đắn, khách quan, chính là vì sự thiếu thiện chí, có lẽ cả về phía Hà-Nội lẫn âm mưu ranh mãnh đã có tính trước của Hoa-Kỳ đễ bồi thường những thứ hàng thặng dư sắp phế thải.

Trường hợp chất độc da cam ở Mỹ thì sao!? Trở về nước Mỹ, Francois D. Orcival đã nhận định mỉa-mai như sau: “Đài kỷ-niệm các lính Mỹ tử trận ở Arlington với hơn 58 ngàn người đã ngã xuống ở đó trong suốt 10 năm chiến tranh… Một Đài kỷ niệm bằng đá Cẩm-thạch màu đen, cần được dựng lên, đối diện với tượng đài kia, tên của tất cả Thượng-Nghị-Sĩ và Dân-Biểu, ở Điện Capitol, ám chỉ Permanent Government [Skull and Bones] “đã bắn và giết sau lưng họ.” Làm như thế để lịch sử cũng không bao giờ quên tên họ (trích trong Les Marines a Khe Sanh, trang 25) Làm sao họ hiều được âm mưu của một thế lực ghê gớm ở sau lưng điện Capitol, nhưng thật đáng đời vì cái điện Capitol nầy bị áp lực khủng bố của một thứ Siêu Mafia của Ðảng Skull and Bones từ 1917 cho đến nay (2008) mà không làm gì được. Người lính anh hùng Mỹ, uất ức vì cuộc chiến hào hùng, cao cả, đã quên mình để giúp Nam VN tự vệ dưới nanh vuốt của CS; khi trở về quê hương thì được sự đón chào lạnh nhạt, hờ hửng của người dân một cách tàn nhẫn. Tâm tư bị ‘chấn-thương’, các cựu chiến và thương binh đứng lên đòi phải được bồi thường xứng đáng vì cho rằng Dioxin tự nó sinh ra đủ thứ bệnh, trong đó phải kể “chấn thương tâm thần”. Phe chính quyền Mỹ cho rằng không có đủ bằng chứng khoa học, mà thật là vậy! Agent Orange là nguyên nhân gây ra bệnh Ung thư, và tuyệt sản. Hai phía điều có những kết quả nghiên cứu khoa học, ai cũng đưa ra bằng chứng để ủng hộ ý kiến và lập trường của mình; Trong sự bất đồng ý kiến trên căn bản khoa học nhanh chóng xuống cấp, trở thành cuộc cải vả dựa trên cảm tính về chính trị. Phía Cựu chiến-binh thì cho rằng: Chính phủ cố tình dìm các nghiên cứu khoa học để khỏi bị mang tiếng là đã làm hại Lính.

Các cựu chiến-binh, kiện Chính phủ không được, nên quay sang kiện các Công-ty Hóa-chất đã làm ra Agent Orange kiếm một số lợi-nhuận khổng lồ trên xương máu cựu chiến binh. Các Công-ty nầy thì cho rằng, Luật-sư của các Cựu chiến-binh đã bóp méo kết quả Khoa-học để làm tiền; Trong thập niên năm 1980, các cựu chiến-binh kiện các Công-ty Hóa-chất tại Tòa Án Liên Bang ở Brooklyn. Vụ kiện nầy do Thẩm-phán Jack B Weinstein thụ lý.

Thẩm Phán Weinstein là một Thẩm phán giỏi, ông là tác giả quyến sách nổi tiếng về tiêu chuẩn trưng bằng chứng trong Tòa Án Liên Bang, giới Luật quen gọi là quyển “Weinstein on Evidence” (tạm dịch, Weinstein về Luật trưng bằng chứng) ông còn có tinh thần độc lập, thấy sao nói vậy, không uốn nắn lời, và không kiêng nể một ai; Trong thập niên năm 1990, vì bất bình với các Luật bắt buộc tuyên án nặng cho các bị can buôn Ma túy, nên ông tự nhậm chức Senior Judge (một dạng bán hưu trí) để có quyền từ chối, không thụ lý các vụ án đó. Như mọi Thẩm phán Liên Bang, ông Weinstein được quyền tại chức suốt đời do đó không sợ bị áp lực từ bất cứ phía nào.

Khi thụ lý vụ kiện Agent Orange, thời thập niên năm 1980, gồm hàng chục vụ kiện toàn quốc gom lại làm một, ông đã nhiều lần nói rằng: dựa trên các bằng chứng do 2 phía đưa ra, bên nguyên sẽ rất khó chứng minh được Agent Orange gây ra bệnh nào, trừ bệnh Chloracne làm da khô, ngứa, nứt nẻ (năm 1976, trong một vụ nổ nhà máy Hóa-chất ở Seveso, của Ý, làm cho vùng lân cận bị nhiễm Dioxin, dân cư nơi đây bị Chloracne hàng loạt) Cũng vì phán quyết nầy mà nhiều lần ông bị Cựu chiến-binh lên án, vì như vậy thì Dioxin không có gì gọi là nguy-hiểm trầm trọng cho con người cả.

Dù vậy, ông cũng ép bên bị đơn kiện, là các Công ty Hóa-chất, (hưởng lợi nhuận quá nhiều trong cuộc chiến VN) phải dàn xếp trả tiền cho các cựu Chiến-binh, để tránh một vụ kiện kéo dài hơn hàng chục năm nay. (ở trong bóng tối, Siêu Chính Phủ cũng dàn xếp để các Công ty Hóa-chất nhả ra ít tiền cho Lính, để khỏi bị trúng thực vì nuốt quá nhiều Dollar, vả lại theo tầm nhìn của P.G sẽ có thể gây ra bạo động mà hậu quả khó lường được, như trường hợp ở VN thương binh nổi loạn). Kết quả, năm 1984 các Công-ty nầy và các bảo hiểm của họ đồng ý trả số tiền 180 triệu Dollar, chia ra nhiều năm. Đến năm 1997, khi đã trả hết số tiền nầy, số Cựu Chiến Binh được bồi thường lên đến 291,000 người.

Rồi bỗng dưng một nhóm Luật Sư thấy dễ ăn tiền nên bèn xuất hiện, tìm ra được những Thân-chủ mới, các Luật-sư nầy nhớ ra rằng, còn một nhóm người nữa cũng chưa kiện ai vì Agent Orange, đó là nhóm người Việt, kể cả Bộ-đội Miền Bắc nữa, du kích Việt-Cộng, người dân quê trong các làng, ở vùng đất đã từng bị khai hoang, trong đó phải kể đến những người Lính Bộ-binh của quân lực VNCH, phải trực tiếp hứng chịu dưới màn sương, khi Phi-cơ phun thuốc. Và từ đó một vụ kiện mới xuất hiện, do một nhóm Luật-sư kiếm ăn dẫn đầu là Constantine Kokkoris giúp tập thể người Việt, kiện lên Tòa Án Quận phía Đông, New-York, và đã được chấp nhận đơn kiện đối với 37 Công Ty Hóa Chất (Dow Chemical, Occidental, Monsanto…)

Quân đội Mỹ đã xử dụng 79 triệu lít thuốc khai hoang để hủy diệt 3 triệu Acre rừng khắp Miền Nam Việt Nam. Đại diện là Hội-Nạn-Nhân Chất Độc Da Cam Dioxin, trong đó có bà Bác-Sĩ Dương-Quỳnh Hoa, cựu Bộ trưởng Y-Tế trong Chính Phủ Lâm Thời Cách Mạng Cộng-Hòa Miền Nam Việt Nam. Vụ kiện nầy cũng lại do Thẩm Phán Jack Weinstein thụ lý.

Cũng như vụ kiện của các cựu Chiến-binh, vụ kiện nầy nhanh chóng biến từ một vụ tranh chấp dựa trên Luật lệ và Khoa-học, xuống cấp thành cuộc tuyên truyền chính trị và cãi vả theo cảm tính. Bởi vì, từ hơn 40 năm nay, mỗi lần Việt Nam xáp lại nói chuyện Agent Orange, để đòi bồi thường chiến tranh. Khi Việt Nam đưa Agent Orange ra thì Hoa-Kỳ đòi hỏi Quân nhân mất tích (MIA: phía CSBV thường huênh-hoang tuyên bố con số quá nhiều và tìm đâu ra để mà trả, VN luôn luôn bị Mỹ bắt bí, vì lẽ họ đã có tính trước trong lộ trình từ 1962 khi bắt đầu chiến dịch Ranch-hand rồi Hot Tip) Việt-Nam trả lời Agent Orange, Hoa-kỳ đòi Dân-Chủ Hóa, và đòi Nhân-Quyền. Việt Nam tỏ ra tự tin theo trong đơn kiện, Luật-sư của Hội Nạn Nhân Chất Độc Da Cam Dioxin, gọi hành động phun thuốc là một vụ vi phạm Nhân quyền…

Lần nầy, khi kiện đòi tiền tại Việt Nam, thì các Cơ-quan ùn ùn ủng hộ vụ kiện, từ Mật-Trận Tổ Quốc đến Hội Luật Gia; trên các báo trong nước, đăng tin tức vụ kiện, luôn luôn kèm theo những lời miêu tả; phía bên kiện đơn thì ‘ấp-úng’, thiếu dẫn giải lý lẽ, nếu không nói là vu vơ. Phía Luật-sư đại diện cho Hội Nạn Nhân đã đưa ra những kết quả nghiên cứu về Khoa học để chứng minh rằng Agent Orange có gây thiệt hại; Phía đại diện Công-ty Hóa-chất đã ra những nghiên cứu của Khoa-học, cho thấy không có sự liên kết, dính dấp với những nguyên nhân, gây hậu quả giữa Agent Orange và các bệnh tật của bên nguyên đơn. (Đọc đến đây chắc độc giả tức anh ách, “muốn bồi thường thấy mẹ đi mà làm bộ” Nó không khác gì người muốn đi đại-tiện mà cứ ém mãi đợi đến lúc chín muồi mới cho là hạnh phúc, khi phải thải ra cái của nợ đó).

Hơn nữa, phía bên các Công-ty Hóa-chất sẽ tiếp tục đưa ra nhiều lý lẽ mà họ đã từng đưa ra trước đây, và đã từng được Thẩm phán Weinstein ủng hộ; Đó là: Họ chỉ cung cấp Agent Orange cho nhà nước theo đơn đặt hàng của Ngũ Giác Đài mà thôi. Còn Quân-đội Mỹ mới là người mang Agent Orange đi xịt ở đâu họ đếch cần có biết, không thể dùng hệ thống Tòa án ở Hoa-kỳ để kết án và đòi các Công-ty của họ phải bồi thường, vì làm như vậy, thì hệ thống của Tòa án cũng như các nguyên đơn đang gián tiếp can thiệp vào công việc của Quân đội, tức là ngành Hành-pháp.

Tất nhiên, điều nầy không có nghĩa là ngành Hành pháp muốn làm gì thì làm. Nếu ngành Hành pháp làm điều gì trái luật, Tòa Án có thể nghiêm cấm. Nhưng trong trường hợp đó, Tòa Án phải cấm trực tiếp Ngũ-Giác-Đài hoặc là tòa Bạch Ốc. Thế nên, Tòa Án không thể gián tiếp lại đi loanh quanh bên ngoài phạt tiền những Công-ty làm việc theo đúng đơn đặt hàng của Chính-phủ.

Vụ Agent Orange ở Việt Nam sẽ đi đến đâu!? Theo tôi nghĩ, nó sẽ đi đến cùng kết quả như vụ Agent Orange của Cựu Chiến-binh, sự thật Hoa-kỳ đã có ý định từ trước khi bỏ Miền Nam VN và dùng con bài nầy như nhịp cầu nối lại; sự bồi thường rất cần thiết cho Hoa-kỳ. Đây cũng là hình thức viện trợ có điều kiện, cũng như Hoa-kỳ vừa viện trợ 15 triệu Dollars cho cái gọi là Aid tại Việt Nam mà thế giới mỉa mai cho là mục tiêu chính trị. Thêm một thời gian dài qua lại cho nó có chuyện để mà nói, có thế thôi; Để rồi, 2 bên sau khi đánh đấm tại Tòa-Án, đưa ra sự thỏa thuận, đồng ý thỏa hiệp với một số tiền nào đó, dĩ nhiên là bạc triệu trở lên. Và cũng để xoa dịu Hội Nạn Nhân Chất Độc Màu Da Cam Dioxin; Nạn nhân thật sự có được hưởng hay không! Đó là vấn đề mà mọi người chúng ta thừa hiểu biết! Dĩ nhiên, với âm mưu xâu-xa sau cuộc chiến, Hoa Kỳ sẽ bồi thường bằng cách âm thầm giúp Việt Nam xây dựng hạ tầng cơ sở như tái thiết bến tàu, cầu đường, hệ thống giao thông, phi trường, điện lực, giáo dục cũng như làm ngơ cho Việt kiều mỗi năm gởi về 5 hay 6 tỷ dollar gián tiếp kiến thiết hậu chiến cho Việt Nam. Để chuẩn bị cho Việt Nam đáp ứng nhu cầu về đầu tư to lớn hơn, Hoa Kỳ thúc giục các quốc gia phát triển giúp Việt Nam canh tân và xây dựng các hệ thống hạ tầng cơ sở mới. Dĩ nhiên theo thế chiến lược về lộ trình này sẽ phải kéo dài vài thập niên. Vì đây là mô-hình mà tương lai hai quốc gia trong ‘ống-kính’ của Hoa-kỳ là Miến-Điện và Bắc-Hàn sẽ phải noi gương Việt Nam như là người bảo trợ bằng tiền viện trợ Mỹ. Trong thời gian qua, Hoa-kỳ và các Đồng minh đang cố gắng tạo “một khoản cách vừa phải” (decent distance) giữa dân chủ và độc tài tại nước làm mẫu là Việt Nam, và hình như nay khoảng cách đó đã mỹ mãn đạt được; Tôi nghĩ rằng rồi đây Miến-điện và Bắc Triều-Tiên không dại gì mà không học hỏi bài học quí giá từ Việt Nam, nhứt là kinh nghiệm phát triển kinh tế như Hoa-kỳ đả âm thầm trợ giúp. Qua đó Hoa-kỳ giúp đỡ Việt Nam có chỗ đứng khá vững tại Liên Hiệp Quốc để góp phần gìn giữ hòa bình thế giới.

Về an ninh trong vùng: ngoài mục tiêu kinh tế Hoa-kỳ còn muốn nhờ Việt Nam như một ranh giới mà Trung Quốc đã nể mặt qua lịch sử, để ngăn chận Trung quốc tràn xuống Đông Nam Á. Rồi đây các vị Tư lệnh Thái Bình Dương sẽ thường xuyên thăm viếng kết thân với Việt Nam. “Đây là những chuyến viếng thăm nhằm khẳng định mối quan hệ đang phát triển và sống còn của Hoa-kỳ, vì Hoa-kỳ mong muốn Việt Nam sớm có vai trò đáng “nể mặt” trong hợp tác an ninh trong vùng. Vì theo chiến lược toàn cầu “Eurasian Great Game” trong thế kỷ thứ 21 và giải quyết mọi việc một cách hoà bình. Xung đột sẽ chỉ làm phức tạp những lợi ích kinh tế mà tất cả các bên đều cùng có thể hưởng từ Biển Đông; Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng Việt Nam có đủ khả năng để đảm trách các công việc như tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình hoặc cứu hộ, cứu nạn. Dĩ nhiên bước đầu có thể là ở mức khu vực nhưng sau đó có thể ở tầm toàn cầu qua việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, dĩ nhiên Hoa-kỳ sẽ trang bị cho Việt Nam một Hạm đội tối tân để gìn giữ các quần đảo sẽ được trao lại thành văn tại LHQ và một nhà máy nguyên tử để dằn mặt Trung Quốc.

Tuy nhiên, Việt Nam là khuôn vàng thước ngọc để các nước bị áp bức nương theo nên phải cần thời gian chậm rãi để tiến lên theo triển vọng như đã nêu trên, như Hoa Kỳ đã đưa con đường biến đổi Việt Nam khá lâu dài, vì có quá nhiều khó khăn. Ðúng 2023, kỷ niệm 50 năm, chiến tranh Việt Nam 1973-2023, Việt Nam đang tiếp tục trên trục lộ trình của chế độ Dân chủ và chắc chắn đa Đảng trong 10 năm cuối của (2010-2020) Lý tưởng sẽ có hàng ngàn sinh viên xuất ngoại nhận lãnh bằng tiến sĩ tại nước ngoài, chủ yếu là tại Hoa-kỳ, gồm gần 13.000 tiến sĩ sẽ tốt nghiệp tại Hoa-kỳ. Theo sự tiên đoán khá chính xác của Tôi: “15 năm sau, 2023, Việt Nam sẽ thành một nước Việt Nam Cộng Hoà lớn hơn” lúc nầy thành phần nội các chiếm hết 80% là những thành phần rường cột đã tốt nghiệp từ Mỷ quốc. Hoa Kỳ đã hoàn toàn vượt qua khỏi ‘Hội chứng Việt Nam’ đem lại danh dự và nghĩa vụ cao cả cho hơn 58.000 chiến sĩ chiến đấu cho Thế Giới Tự Do, chấm dứt hoàn toàn “Hội Chứng Việt Nam” Lúc nầy, thế hệ của chiến tranh Việt Nam, tức thế hệ của người Việt được gọi là Quốc gia chống Cộng sẽ không còn nữa! Hoa Kỳ đả hoàn thành thế chiến lược toàn cầu và đã xây dựng một thế hệ hoàn toàn Việt Nam mới trong chiến lược toàn cầu “Eurasian Great Game” (1920-2020)

Vì trong kế hoạch chiến lược toàn cầu là sau 20 năm chấm dứt thù địch (hostility). Việt Nam: Năm 1975-1995, còn Trung Quốc: năm 1953-1973. Để rồi trên danh nghĩa đạo-đức của kẻ Cả, Hoa-kỳ sẽ giúp Việt Nam dọn sạch môi trường bị ô nhiễm “Dioxin”, điều nầy sẽ xảy ra chắc chắn như đinh đóng cột, giúp máy móc tìm lính BV mất tích. Trong những năm tới đây, rồi họ cũng sẽ bày ra cái trò Quốc-Hội Mỹ sẽ chấp thuận cho một ngân khoản nào đó, nhưng qua viện trợ bằng hàng tiêu dùng để tạo ra công ăn việc làm cho Công dân Mỹ, đảng Mafia Việt Nam cứ cướp bóc thả dàn Mỹ cũng rất cần vụ ăn cướp nầy để gởi đôla xanh qua Mỹ, sau đó tố tham nhũng (như Macos, Trần Thũy Biền, Nguyễn tấn Dũng) Mỹ lấy trọn gói đôla Xanh thay bằng hàng tiêu dùng cũa Mỹ viện trợ, nói nôm na đôla Xanh trở vào túi chú Sam. Chánh phủ Mỹ trực tiếp điều hành ngân khoản nầy theo ý muốn của tập đoàn Tư-bản. Đứng trên phương diện khoa-học, chất Dioxin nầy nó tồn tại trên các địa điểm nơi mà Hoá-chất vẫn còn tiếp tục là một đe dọa nghiêm trọng cho sức khỏe của con người, và dĩ nhiên Hoa-kỳ cũng tìm các phương cách để nới rộng trợ giúp tới tay cho những người Tật nguyền qua các tàu Bệnh-viện neo ngoài khơi Việt Nam để chửa trị. Sự thật thì những điều trên phải đợi đến đời Tổng-thống thứ 44 (sau năm 2008) Quốc-Hội do Đảng Dân-chủ sẽ biểu quyết về ngân sách dành cho vấn đề nêu trên và các chi tiết về lịch trình hậu chiến, dĩ nhiên viện trợ nầy phải được định rõ về giúp đỡ Nhân Đạo.

Trước đây, các Lực lượng Hoa-kỳ đã rải thuốc khai hoang ở nhiều khu vực rộng lớn tại Miền Nam Việt Nam trong lúc cuộc chiến tiếp diễn để triệt hạ nơi trú ẩn của quân Du kích CS tại các khu rừng Già và hủy hoại mùa màng hầu ngăn chận nguồn tiếp tế thực phẩm. Hậu quả của quân Du kích CS có bị đói, nhưng làm thế nào mà CIA móc nối được với vị Tiểu Khu Trưởng để có hàng chục chiếc GMC chở Gạo cứu đói cho quân Du kích trong kế hoạch nuôi dưỡng chiến tranh để trục lợi. Tôi có nhiều đa nghi qua chiến dịch khai hoang có tên là ‘Hot-Tip’, quân Cộng sản Bắc Việt bị áp lực của Liên Xô phải mở đường 900 miles qua phần đất của Lào Quốc gọi là Trường Sơn Tây, trong khi Tướng Văn Tiến Dũng thì cho rằng: Trường Sơn Đông đi vào Nam nhanh hơn bốn tháng. Còn B.52 phối hợp hành quân với chiến dịch “Rolling-Thunder” Tiếng sấm rền để làm mặt bằng từ những vách núi Đá. Chúng ta thử hỏi các anh em bên kia, nhất là những Tài-xế xe Molotova có bao giờ bị dội bom trên đầu chưa? Họa chăng đôi khi bị hơi sương từ Phi cơ C.123 phun thuốc vào buổi sáng sớm khi được lệnh phải nằm dưới rừng chờ đêm tối mới xuất hành. Quân đội Bắc Việt là kẻ khai phá sơ khởi, con đường Xa Lộ Chiến lược Liên Bang Đông Dương để sau nầy trở thành lợi ích kinh tế hay tệ hại hơn là mục tiêu quân sự để chia nước tàu ra nhiều Tiểu quốc. Con đường chĩ dài 900 miles mà Mỹ phải xử dụng 6 triệu tấn trong 14 triệu tấn cho cuộc chiến VN để làm gì? Phá núi đá cho BV mở đường và rải sensors móc trên cành hoặc ghim dưới đất xem coi lính BV có làm việc hay không, (Coi như supervisor theo dõi công nhân làm việc) Ngoài ra còn dùng C-123 xịt thuốc vàng lá để Lính BV biết phương- hướng mà làm tracking đường.

Trong mục khai hoang nầy, tôi có liên tưởng Cộng Sản như là một độc tố Dioxin đã tiêm nhiễm vào thân xác của “Mẹ Việt-Nam” nửa thế kỷ qua, theo quy-luật thiên nhiên của tạo hóa nó sẽ tự tan rã theo chu kỳ năm tháng ‘tự nhả’ thay vào đó những ‘tế bào’ khỏe mạnh, tươi trẻ từ khắp năm châu là những kháng tố hội tụ cho sự thay da đổi thịt, hồng hào trên thân xác của Mẹ Việt Nam mến yêu. Chúng ta nên liên tưởng điều đó mà quên đi sự thù hận chồng chất đã 35 năm qua mà nghĩ đến thân xác của Mẹ Việt Nam phải được phục hồi bình an khỏe mạnh sau những cơn bệnh kéo dài do ngộ độc! Vì lịch sử đã sang trang, hãy đào xới quá khứ để định hướng tương lai cho những lầm lỗi không tái diễn, chớ không phải để nuôi dưỡng hận thù, vì Cộng Sản như là hồn Ma trên xác chết đã thối rữa, nó dật dờ theo gió cuốn đi ngàn phương trời vô định. Bản chất Cộng-Sản như là chất Dioxin phải tự tan rã trên một thân xác theo như định lý y-khoa mà Hoa Kỳ đã chích một mũi kim “miễn nhiễm chủ nghĩa CS”

‘Yêu đất nước, yêu dân tộc thì không nên lấy sự bất hạnh của Bà Mẹ Việt Nam ra mà kéo lùi lịch sử’. Hòa hợp và hòa giải dân tộc là chân lý của truyền thống. Một số ít tay sai hai bên của thế lực ngoại lai vì danh lợi hẹp hòi mà đem lòng thù hận nhau tận đến xương tủy. Hãy để cho các con cháu chúng ta kẻ bắc người nam đều đã thành vợ chồng, trong đó là đại đa số các chiến sĩ VNCH cấp nhỏ còn kẹt lại, là những kẻ thấp cổ bé miệng, bị nhiều thiệt thòi nhất, trong cuộc chiến vừa qua còn lưu lại tại quê nhà, có niềm vui với dân tộc, vì trong giòng máu hiện tại rất bình đẳng không giai cấp, không có hận thù, giòng máu nầy được chan hòa từ vùng cao đến vùng thấp, từ các bộ lạc đến tận nơi hưởng nhiều tiện nghi, trong một nước VNCH lớn mạnh và có uy tín với thế giới đó là một điều chắc chắn!

‘Đất nước Việt Nam là Một, Dân tộc Việt Nam là Một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng ‘chân lý’ đó không bao giờ thay đổi!’
Một chân lý bao giờ cũng vẫn là chân lý, dù có bị các chiến hữu tôi đả đảo.
Một sai lầm hận thù đông đá vẫn là sai lầm dù được các bạn tôi hoan nghênh! Các sử gia hậu cận đại sẽ giải nghĩa rất rõ ràng sau nầy, hãy chờ xem, lịch sử còn đó!

QUEENBEE-1