PDA

View Full Version : VN đứng đầu danh sách tên miền (.VN) quốc gia nguy hiểm nhất thế giới



chimtroi
11-10-2010, 09:36 AM
Nguồn: VOA

Theo báo cáo của McAfee, công ty chuyên cung cấp các giải pháp bảo vệ an ninh mạng toàn cầu có trụ sở tại Hoa Kỳ, tên miền quốc gia.vn của Việt Nam hiện đứng đầu 5 tên miền nguy hiểm nhất trên thế giới.
Bản đánh giá mang tên “Bản đồ web nguy hiểm 2010” của McAfee vừa công bố cho thấy Việt Nam đã nhảy vọt từ hạng thứ 39 của năm ngoái lên vị trí hàng đầu trong bảng xếp hạng năm nay. Mức độ đe dọa của tên miền quốc gia Việt Nam năm ngoái là 0,9% đã tăng lên thành 29,4% trong năm 2010.
Như vậy, mức độ nguy hiểm của tên miền quốc gia.vn chỉ đứng sau tên miền thương mại.com, vốn được xem là tên miền nguy hiểm nhất vì số lượng sử dụng quá lớn.
Trong top 5 tên miền quốc gia nguy hiểm nhất thế giới, các nước xếp sau Việt Nam gồm Cameroon, Armenia, Cocos, và Nga.
Nhật Bản giữ nguyên vị trí dẫn đầu về tên miền quốc gia an toàn nhất trong hai năm liền 2009 và 2010, với mức độ nguy hiểm được đánh giá là 0,1%.
Báo cáo của McAfee dựa trên các dữ liệu “tình báo nguy cơ toàn cầu” để phân tích 27 triệu trang web từ 120 nước trên thế giới.


http://hoiquanphidung.com/user-upload/hqpd/HQPD_1289381709.png

chimtroi
11-10-2010, 09:47 AM
Cũng trong các tin tức đáng chú ý trong thế giới tin mạng VN tại hải ngoại, một tin buồn cho không ít bạn đọc tiếng Việt khi được biết trang web Talawas (www.talawas.org) từ lâu đã từng cung cấp nhiều bài viết giá trị với những cây bút đứng đắn, nay đã thông báo ngừng hoạt động. Xin trích lại thư tạm biệt của Ban Chủ Trương như sau:


talawas – Lời tạm biệt
02/11/2010 | 4:39 sáng | 53 phản hồi

Tác giả: talawas

Chuyên mục: 9 năm talawas, Báo chí - Truyền thông


Chín năm qua, talawas đã góp phần khiêm tốn của mình vào sự hình thành và phát triển một công luận độc lập, một ý thức tự do tư tưởng, một tập quán sinh hoạt tinh thần đa nguyên cho người Việt trong và ngoài nước.

Hoàn cảnh đặc thù của những tờ báo và diễn đàn Internet tiếng Việt điều hành tại hải ngoại như talawas luôn đặt những người chủ trương trước câu hỏi: “Làm thế nào để tồn tại?” Câu hỏi ấy đương nhiên đi liền với câu hỏi về ý nghĩa sự tồn tại của mình. Hơn ai hết, chúng tôi mong đến ngày talawas không còn cần thiết nữa. Ngày ấy, nền báo chí tự do của Việt Nam sẽ do những nhà báo chuyên nghiệp, sống với nghề báo và sống bằng nghề báo, đảm nhiệm.

Ngày ấy tuy còn chưa đến, chính quyền Việt Nam hiện thời vẫn tiếp tục áp dụng chính sách kiểm duyệt báo chí và trấn áp tự do ngôn luận như một trong những công cụ then chốt để duy trì quyền lực toàn trị trong chế độ hậu cộng sản, nhưng quang cảnh báo chí và truyền thông Việt Nam trong những năm gần đây đã có những thay đổi quan trọng.

Bất chấp tham vọng cũng như các cơ chế kiểm soát và chỉ đạo tư tưởng của chính quyền, báo chí chính thống tại Việt Nam, đặc biệt là các tờ báo mạng, đã ngày càng tự mở rộng giới hạn cho phép. Nhiều bài, nhiều tác giả dăm năm trước chỉ có thể xuất hiện trên báo chí hải ngoại, nay có thể công khai hiện diện trên những tờ báo trong nước có đông đảo độc giả. Đáng kể hơn nữa là sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng blogger Việt Nam mà chủ lực là những tác giả, học giả, những nhà báo và nhà hoạt động văn hóa, chính trị có tên tuổi trong công luận. Trong một thời gian ngắn, cộng đồng này đã chứng tỏ sức mạnh của mình và trở thành một quyền lực ngày càng độc lập với guồng máy tuyên truyền chính thống, có khả năng phản ứng nhanh nhạy và hiệu quả trước những sự kiện thời sự nóng bỏng. Và đặc biệt là sự ra đời đầy ấn tượng của một số trang mạng độc lập do các trí thức trong nước chủ trì, mà tiêu biểu là trang Bauxite Việt Nam. Như thế, không gian phản biện của những người quan tâm đến các vấn đề của Việt Nam đã được mở rộng hơn rất nhiều so với thời điểm mà talawas bước vào hoạt động và một số năm sau đó.

Xu thế này là khó có thể đảo ngược, song đường tiến tới một nền báo chí tự do cho Việt Nam còn rất dài.

Hệ thống chính trị Việt Nam hiện thời, với những thành tích đàn áp và triệt tiêu mọi ý kiến bất đồng trong quá khứ và ngay cả trong những ngày này, chắc chắn không thay đổi qua đêm. Kinh nghiệm của giai đoạn “Trăm hoa đua nở” đầu những năm 50, của giai đoạn “Đổi mới” cuối những năm 80, cho thấy khoảng không gian tự do ngôn luận vừa giành được đó có thể bị rút lại bất kì lúc nào, bịt miệng những tiếng nói độc lập là điều kiện sống còn của chế độ độc tài tư tưởng. Song ngay cả trong trường hợp chế độ ấy tan rã thì hậu quả và di tích của nó cũng đặt những người làm báo trước những nhiệm vụ khổng lồ.

Chúng tôi cho rằng bối cảnh hiện tại này đòi hỏi một mô hình hoạt động khác, dựa trên những nền tảng khác, mà talawas – xuất phát từ điều kiện và nhu cầu của những năm qua – không còn phù hợp.

Nói lời chia tay sau 9 năm tồn tại, chúng tôi thiết tha hi vọng vào sự ra đời của những mô hình báo chí và truyền thông mới, thực hiện bởi những người được trang bị những khả năng và phương tiện mà chúng tôi đã không thể có, với cùng một nhiệt thành phấn đấu cho một nền báo chí tự do cho Việt Nam.

Chúng tôi chân thành cảm ơn sự cộng tác bền bỉ, chí tình của hàng trăm tác giả, dịch giả suốt 9 năm qua cũng như tình cảm, sự gắn bó và sự hỗ trợ tài chính của các độc giả và thân hữu. Chúng tôi đặc biệt tri ân những đóng góp tận tụy thầm lặng của các chuyên viên kĩ thuật đã giúp talawas đứng vững sau nhiều đợt tấn công của tin tặc.

Quý vị và các bạn là những người làm nên talawas. Toàn bộ kho lưu trữ bài vở của Diễn đàn talawas 2001-2008, talawas blog 2009-2010, talawas chủ nhật và tạp chí talawas, được bảo quản và duy trì trên mạng, là tài sản chung của cộng đồng mạng chúng ta.

Chào tạm biệt.

Ban biên tập talawas 2001-2010

Bùi Duy Dzy, Cao Việt Dũng, Cổ Ngư, Dietmar Erdmann, Đào Tuấn, Đinh Bá Anh, Đỗ Kh., Hà Vũ Trọng, Hòa An, Hoài Phi, Hoàng Hưng, Hương Trà, La Thành, Lê An, Lê Trọng Phương, Lý Đợi, Mai Chi, Ngô Hải, Nguyễn Khánh Hưng, Nguyễn Phú Thịnh, Patrick Raszelenberg, Phạm Thị Hoài, Tiểu Hằng Ngôn, Trịnh Hữu Tuệ, Trương Hồng Quang, Vy Huyền

chimtroi
11-10-2010, 09:58 AM
Vào sáng ngày 23/8/2010 lúc 11:00 AM (Giờ Washington DC - hay 11:00 PM cùng ngày giờ VN), bọn hacker đã đột nhập được vào server của diễn đàn. Sau khi đột nhập vào server, chúng đã xoá đi toàn bộ website và dữ liệu của diễn đàn x-cafe và dân luận, sau đó thì chúng đã deface trang chủ của diễn đàn. Ngoài ra chúng còn xoá hết các account trên server và dự đính ăn cấp thông tin và cơ sở dữ liệu trên server. Sau khi phát hiện ra trang chủ của server bị deface, các admin của x-cafe đã mau chóng giành lại quyền kiểm soát server nên đã mau chóng chấm dứt sự phá hoại của hacker trên server. Sau gần 5 năm hoạt động, đây là lần đầu tiên hacker đã xâm nhập được vào máy chủ (server) cũa diễn đàn và thực hiện các hành vi phá hoại kể trên.

Vì lý do an toàn, BQT quyết định cài đặt lại hoàn toàn hệ thống điều hành (OS) của server nhằm tránh những chương trình cài đặt do hacker để lại có thể ăn cấp thông tin của thành viên trên server. Sau khi hoàn tất cài đặt hệ điều hành mới, tăng cường hệ thống bảo mật, và khôi phục lại cơ sở dữ liệu, 2 diễn đàn x-cafe và dân luận đã hoạt động trỏ lại bình thường vào ngày thứ năm 27/8/2010.

Rút kinh nghiệm của x-cafe version 1. Phiên bản x-cafe version2 không lưu lại ipaddress của thành viên khi đăng ký, cũng như khi gởi bài. Ngoài email để đăng ký thì cơ sở dử liệu về thông tin cá nhân không lưu giữ thêm các thông tin nào khác để tránh quá nhiều thông tin cá nhân có thể bị tin tặc ăn cắp như trước đây.

Nguyên nhân gây ra sự cố lần này là do một thành viên trong BQT đã bị cài lén 1 chương trình keylogger, và chương trình này đã cho hacker có cơ hội đột nhập vào một máy tính của thành viên này. Từ máy tính này, hacker đã ăn cấp những thông tin quan trọng và dùng nó để thâm nhập vào server của diễn đàn thực hiện các thao tác phá hoại kể trên. Từ bài học trên đây, chúng tôi rút kinh nghiệm cho bản thân đó là càng phải cẩn thận hơn để bảo vệ cho chính mình trước những trò đánh lén này

Chúng tôi chính thức lên án những hành vi bỉ ổi và phá hoại này, vì nó hoàn toàn là những hành vi phạm pháp và đang là một tội ác chống lại trào lưu chung của thế giới và nhân loại đó là bảo vệ các quyền tự do của con người mà mà tự do ngôn luận là một trong những quyền quan trọng.

(nguồn: https://www.x-cafevn.org/forum/showthread.php?t=4555)