PDA

View Full Version : Pháp Môn Niệm Phật



TAM73F
09-21-2010, 08:29 PM
A Di Đà Phật Đại Pháp Vương (Phật A Di Đà là đấng Pháp Vương vô thượng).
Tại sao chúng ta niệm Nam mô A Di Đà Phật ? Vì Phật A Di Đà có duyên lành lớn với chúng sanh trong mười phương. Trước khi chứng quả vị Phật, lúc còn tu hành nơi nhân địa, Ngài là vị tỳ kheo có pháp hiệu là Pháp Tạng; vị này phát 48 lời nguyện mà trong đó có lời nguyện: Nguyện rằng sau khi thành Phật, nếu chúng sanh trong 10 phương xưng niệm danh hiệu của tôi thì nhất định sẽ thành Phật. Bằng không, tôi sẽ không chứng quả vị Phật.
Nguyện lực của Phật A Di Đà giống như nam châm; chúng sanh trong 10 phương giống như sắt vụn. Đó là nhân duyên mà Ngài tiếp độ chúng sanh trong 10 phương sang cõi Tây Phương Tịnh Độ. Nếu chúng sanh không được tiếp độ thì sao ? Phật A Di Đà nguyện rằng chính Ngài sẽ không thành Phật. Do đó, tất cả chúng sanh như chúng ta nếu xưng niệm danh hiệu Phật A Di Đà thì sẽ có cơ hội thành Phật.
Phổ nhiếp quần cơ vãng Tây Phương (tiếp độ hết muôn loài vãng sanh cõi Tây Phương Cực Lạc).
Kinh Di Đà thuộc thể loại kinh mà không do ai thỉnh hỏi nhưng Phật tự thuyết. Tại sao ? Vì không hiểu rõ pháp môn này, nên không ai có thể thỉnh Phật thuyết. Đại trí Xá Lợi Phật là vị đủ căn cơ lành nhưng không biết thỉnh hỏi Phật về pháp môn này. Có thể vì không giữ mãi được, nên Phật mới dạy cho đại chúng biết về pháp môn phương tiện nhất, trực tiếp nhất, hoàn mãn nhất, dễ dàng nhất. Nếu ai chỉ cần nhất tâm bất loạn mà niệm danh hiệu Phật A Di Đà trong một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày, cho đến bảy ngày, thì vào lúc lâm chung Ngài sẽ cùng chư thánh chúng hiện trước mặt người đó và tiếp dẫn họ sang cõi Tịnh Độ.
Hầu hết mọi người đều cảm thấy khó tin về pháp môn này, nhưng đây là pháp môn trực tiếp và dễ hành nhất.
Pháp môn Niệm Phật thích hợp cho cả ba căn cơ và mang lại lợi ích cho kẻ ngu lẫn người trí. Dù thông minh hay ngu si, tất cả đều có khả năng thành Phật. Khi được vãng sanh sang cõi Tây Phương Tịnh Độ nơi không còn các điều khổ mà chỉ có những sự an vui, thì sẽ hóa sanh từ hoa sen. Lúc đó, chúng ta sẽ không còn sanh trong bào thai như con người mà sẽ hóa sanh trong hoa sen, sống trong đó một thời gian, rồi tương lai sẽ thành Phật.
Trú dạ trì danh chuyên thành niệm (ngày đêm thành tâm chuyên nhất trì danh hiệu Phật).
Nhất cú Di Đà vạn pháp vương
Ngũ thời bát giáo tận hàm tạng
Hành nhân đản năng chuyên trì niệm
Định nhập Như Lai bất động đường.
Tạm dịch:
Một câu Di Đà là vua muôn pháp
Năm thời tám giáo đều bao trùm cả
Những ai chuyên trì niệm danh hiệu Ngài
Sẽ vào thiền định bất động Như Lai.
Một câu Di Đà là vua muôn pháp. Năm thời tám giáo đều bao trùm cả. Giáo lý của Phật Thích Ca được phân thành tám giáo: Tạng, thông, biệt, viên, đốn, tiệm, bí mật, bất định. Năm thời là thời Hoa Nghiêm, A Hàm, Phương Đẳng, Bát Nhã, Pháp Hoa và Niết Bàn. Năm thời và tám giáo đều được bao hàm trong một câu Di Đà.
Những ai chuyên trì niệm danh hiệu Ngài, sẽ vào thiền định bất động Như Lai. Người đó sẽ chắc chắn vãng sanh sang cõi Tịnh Độ Thường Tịch Quang. Chúng sanh trong đời mạt pháp sẽ được cứu độ nhờ niệm danh hiệu Phật. Nếu chúng ta muốn được tiếp độ, phải thường niệm Phật.
Thiểu thuyết nhất cú thoại
Đa niệm nhất thanh Phật
Đả đắc niệm đầu tử
Hứa nhữ pháp thân hoạt
Tạm dịch:
Nói bớt ít một câu
Thêm một tiếng niệm Phật
Đập chết vọng niệm xấu
Khiến sống lại pháp thân.
Chúng ta chớ xem thường pháp môn niệm Phật.
Thời khắc quán tưởng thiện tư lượng (trong mọi phút giây đều phải quán tưởng kỸ càng).
Có bốn cách niệm Phật.
1/ Trì danh niệm Phật: Nghĩa là cứ niệm Nam mô A Di Đà Phật liên tục không dừng.
2/ Quán tưởng niệm Phật: Nghĩa là quán xem:
A Di Đà Phật thân kim sắc
Tướng hảo quang minh vô đẳng luân
Bạch hào uyển chuyển ngũ Tu Di
Cám mục trừng thanh tứ đại hải
Quang trung hóa Phật vô số ức
Hóa Bồ Tát chúng diệc vô biên
Tứ thập bát nguyện độ chúng sanh.
Cửu phầm hàm linh đăng bỉ ngạn
Tạm dịch:
Phật A Di Đà thân sắc vàng
Hảo tướng sáng ngời không ai sánh
Mi trắng uyển chuyển năm Tu Di
Mắt xanh thanh tịnh rộng như biển
Trong hào quang vô số hóa Phật
Chư hóa Bồ Tát cũng vô biên
Bốn mươi tám nguyện độ chúng sanh
Chín phẩm sen vàng lên giải thoát.
3/ Quán tướng niệm Phật: Nghĩa là vừa niệm Phật và vừa quán hình tượng của Ngài. Phải niệm câu đó rõ ràng, nghe rành mạch, và giữ trong tâm rành rẽ.
4/ Thật tướng niệm Phật: Chính là tham thiền. Khi tham thiền, chúng ta tham quán câu Ai là người đang niệm Phật ? Chúng ta niệm Nam mô A Di Đà Phật suốt hai tuần, rồi tìm xem Ai là người đang niệm Phật. Phải thường tham quán chứ không để mất chữ Ai. Nếu đánh mất thì không thể trở về quê cũ. Nếu như thế thì sẽ không gặp Phật Di Đà.
Chánh tín chánh nguyện chánh hạnh giả (phải có chánh tín, chánh nguyện và chánh hạnh).
Tín, nguyện, hạnh là ba tư lương của người tu hành pháp môn niệm Phật. Sao gọi là tư lương ? Để du hành đến một nơi nào đó, quý vị phải chuẩn bị lương thực; đó gọi là Lương; chuẩn bị đem theo tiền bạc, đó gọi là Tư. Tư lương chính là thức ăn và tiền bạc mà quý vị phải đem theo. Muốn sang cõi Tây Phương Tịnh Độ cũng phải có ba hành trang; đó là tín, nguyện, hạnh.
Trước hết nhất định phải có niềm tin, bằng ngược lại thì không có duyên lành với cõi Cực Lạc. Thế nên, việc đầu tiên là phải có niềm tin; nghĩa là tin mình, tin Phật, tin nhân, tin quả, tin lý, tin sự.
Tại sao tin mình ? Phải tin mình quyết có đủ khả năng và tư cách vãng sanh sang cõi Tây Phương Tịnh Độ. Chớ tự khinh mình mà bảo: Tôi tạo quá nhiều nghiệp xấu. Tôi không thể được vãng sanh sang cõi đó. Đó là không có niềm tự tín. Giả sử có tạo bao nghiệp nặng, nhưng nay gặp được duyên lành: Có thể Đới nghiệp vãng sanh (mang nghiệp sang cõi Tây Phương). Nghĩa là dù có tạo nghiệp xấu gì trong quá khứ, quý vị vẫn có thể được vãng sanh và mang theo những nghiệp đó sang cõi Cực Lạc. Tuy nhiên, phải biết rằng chỉ mang những nghiệp xấu đã lầm tạo trong quá khứ chứ không phải nghiệp xấu đang tạo tác. Nghiệp xấu trong quá khứ tức là những nghiệp trong các đời tiền kiếp. Nghiệp xấu đang tạo tác sẽ chín muồi trong tương lai. Quý vị chỉ có thể mang những nghiệp xấu đã tạo trong quá khứ chứ không phải nghiệp đang tạo trong hiện tại mà sẽ chín muồi trong tương lai. Dù xưa kia có tạo nghiệp gì, nhưng hiện tại vẫn có thể chuyển việc xấu hướng về điều lành, ngừng làm ác để trở thành người lương thiện. Làm được như thế mới mang nghiệp xa xưa sang cõi Tịnh Độ. Nếu vẫn tạo nghiệp thì không thể nào được vãng sanh.
Thứ hai, phải tin chắc rằng có cõi Tây Phương Cực Lạc, cách xa thế giới chúng ta hơn trăm ngàn triệu cõi Phật. Trước khi thành Phật, tỳ kheo Pháp Tạng phát nguyện tạo cảnh Cực Lạc ở phương tây; nơi đó nếu có bất cứ chúng sanh nào trong 10 phương phát nguyện cầu vãng sanh thì sẽ được vãng sanh bằng cách niệm danh hiệu của Phật A Di Đà mà không cần làm gì thêm cả. Đây là pháp môn đơn giản nhất, dễ dàng nhất, thuận tiện nhất, hoàn mãn nhất mà không tốn kém hay mất công sức gì cả. Đây là pháp môn tối cao và vô thượng nhất, vì chỉ cần niệm Nam mô A Di Đà Phật là sẽ được vãng sanh sang cõi Cực Lạc.
Lại nữa, phải cần tin nhân và tin quả. Tin nhân nghĩa là tin rằng trong quá khứ quý vị đã từng gieo trồng căn lành khiến cho hôm nay tin tưởng vào pháp môn này. Nếu không có căn lành thì không ai có thể gặp được pháp môn Niệm Phật. Nhờ có căn lành đã trồng trong quá khứ nên ngày nay mới biết tín, nguyện, hạnh của pháp môn Niệm Phật. Song, nếu không tiếp tục trưởng dưỡng căn lành đã từng gieo trồng thì sẽ không thể gặt hái quả Bồ Đề trong tương lai. Đó là lý do tại sao phải tin vào lý nhân quả; tin rằng do quá khứ đã gieo nhân lành Bồ Đề nên trong tương lai sẽ gặt hái quả giác ngộ. Lý này cũng giống như gieo lúa mạ trên đồng: Phải trưỡng dưỡng, vun trồng hạt giống trước khi chúng nẩy mầm.
Cuối cùng, phải tin vào sự và lý. Tin sự nghĩa là phải tin rằng Phật Di Đà có duyên lành lớn lao đối với chúng ta và chắc chắn sẽ tiếp dẫn chúng ta đến quả vị Phật. Tin lý nghĩa là chúng ta có duyên lành lớn với Phật A Di Đà, bằng ngược lại thì không thể gặp được pháp môn Tịnh Độ. Phật A Di Đà là tất cả chúng sanh và tất cả chúng sanh cũng là Phật A Di Đà. Phật A Di Đà thành Phật nhờ niệm danh hiệu Phật. Nếu niệm Phật, chúng ta cũng sẽ thành Phật A Di Đà.
Chúng ta phải y chiếu theo sự và lý mà tu hành. Kinh Hoa Nghiêm thuyết về bốn pháp giới:

1/ Sự vô ngại pháp giới. 2/ Lý vô ngại pháp giới. 3/ Sự lý vô ngại pháp giới. 4/ Sự sự vô ngại pháp giới.

Xem xét về bốn pháp giới đó và bàn từ tự tánh thanh tịnh, chúng ta và Phật A Di Đà vốn là một, nên chúng ta có đủ tư cách để thành Phật.
Phật A Di Đà là đức Phật A Di Đà ngay trong bản tánh của chúng sanh (tự tánh Di Đà); chúng sanh là chúng sanh ngay trong tâm của Phật A Di Đà. Do mối liên hệ mật thiết đó nên có lý và sự. Tuy nhiên, quý vị phải tin tưởng lý này và tinh tấn thực hành bằng cách niệm danh hiệu Phật, chứ không thể làm biếng. Sự niệm Phật của quý vị phải tăng trưởng mà không thể giảm bớt.
Đã bàn xong về chữ Tin, nay chúng ta sẽ bàn về lời Nguyện. Sao gọi là nguyện ? Nguyện tức là ý nguyện; khi ý nguyện hay ý niệm của quý vị hướng về một điều gì đó thì gọi là phát nguyện. Chúng ta biết bốn lời nguyện:
Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.
Tất cả chư Phật và chư Bồ Tát trong quá khứ, hiện tại, và vị lai đều y theo bốn lời nguyện đó mà hành hạnh Bồ Tát và thành Phật.
Để lập nguyện, trước hết phải có niềm tin. Thứ nhất, tin tưởng có cõi Tây Phương Cực Lạc. Thứ hai, tin tưởng vào Phật A Di Đà. Thứ ba, tin tưởng rằng chúng ta và Phật A Di Đà có duyên lành lớn lao nên chắc chắc sẽ được vãng sanh sang cõi đó. Với niềm tin vào ba điều trên, quý vị mới có thể phát nguyện: Tôi nguyện sẽ vãng sanh sang cõi nước của Phật A Di Đà.
Những lời nguyện cần thiết như: Tôi nguyện được vãng sanh sang cõi kia. Không ai bắt hay kéo tôi phải đi. Tuy bảo rằng Phật A Di Đà sẽ đến tiếp dẫn, tôi vẫn tự nguyện đi vì muốn thân cận Ngài. Tôi nguyện sanh sang cõi Cực Lạc và khi hoa sen nở sẽ được thấy Phật A Di Đà để nghe pháp.
Kế đến phải lập Hạnh. Làm sao lập Hạnh? Niệm danh hiệu Phật: Nam mô A Di Đà Phật, nam mô A Di Đà Phật... thể như muốn tránh bị xử tử.
Tín, nguyện, hạnh là hành trang và vé để vãng sanh sang cõi Cực Lạc.
Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng ca (bài ca niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng).
Lúc đang niệm Nam mô A Di Đà Phật, mỗi chúng ta tạo tác, trang nghiêm, làm thành tựu cho mình một cõi Cực Lạc, nơi cách xa chúng ta trăm ngàn triệu cõi Phật. Hiện tại, tuy cõi Tây Phương Cực Lạc của Phật A Di Đà có cách chúng ta trăm ngàn triệu cõi Phật, nhưng khoảng cách đó không vượt ngoài một tâm niệm. Vì ngay trong tâm niệm, nên bảo rằng cõi đó không xa. Cõi Cực Lạc là cội nguồn chân tâm của mỗi chúng ta. Nếu đạt được tâm này thì sẽ được vãng sanh sang đó. Nếu không hiểu chân tâm xưa nay của mình thì sẽ không được vãng sanh. Giữa Phật A Di Đà và chúng sanh không có phân chia bỉ thử. Đó là lý do tại sao tôi nói rằng cõi Cực Lạc không xa. Trong một tâm niệm, hãy xoay lại phản chiếu chính mình để biết rõ mình vốn là Phật, và quả vị Phật đó chính là cõi Cực Lạc.
Với lý do đó, phải diệt trừ mọi vọng niệm ô uế, tạp niệm ái dục, tâm niệm ganh ghét, tâm niệm chướng ngại, tâm niệm ích kỶ, tâm niệm tự lợi. Phải học theo hạnh lợi tha của chư Bồ Tát, cứu giúp tất cả chúng sanh được giác ngộ. Nếu được như thế thì cảnh Cực Lạc luôn hiện trước mắt. Quý vị có đồng ý rằng nếu vọng tưởng và tạp niệm tan mất thì cảnh Cực Lạc hiển hiện chăng ? Nếu không đồng ý thì đó là cảnh giới gì ? Chớ chạy tìm cầu ở bên ngoài.
Quý vị thiện tri thức ! Tất cả quý vị đều là những bậc đại trí đại huệ. Quý vị thông minh hơn tôi nhiều và trong tương lai sẽ thuyết pháp hay hơn tôi. Bởi vì quý vị không hiểu tiếng Tàu, nên nay tôi giới thiệu quý vị truyền thống tu hành xưa. Trong tương lai, quý vị sẽ chuyển hóa và khiến pháp môn này vi diệu không thể nghĩ bàn.
Xin cho tôi viết bài ca:
Đại thánh chúa, A Di Đà
Đoan nghiêm vi diệu canh vô quá
Thất bảo trì, hoa tứ sắc
Dõng kim ba.
Tạm dịch:
Chúa đại thánh A Di Đà
Trang nghiêm vi diệu không ai sánh
Ao bảy báu, hoa bốn màu
Sóng vàng kim.
Ai là vị đại thánh chúa ? Đó là Phật A Di Đà. Thế nên bảo: Chúa đại thánh A Di Đà, trang nghiêm vi diệu không ai sánh. Đức tướng của Ngài trang nghiêm vi diệu mà không có hình tượng nào sánh bằng. Ngay trong ao bảy báu có hoa bốn màu, tức là bốn màu sắc của hoa sen. Không những ao đầy cả bảy loại châu báu mà nước ao cũng tỏa ánh vàng ròng.
Thanh hoàng xích bạch diệu liên hoa (hoa sen xanh vàng trắng đỏ vi diệu).
Cõi Cực Lạc, trong ao bảy báu với nước tám công đức có hoa sen xuất sanh ra do cảm ứng từ sự niệm Phật của chúng ta. Càng niệm Phật nhiều chừng nào thì hoa sen đó càng lớn chừng ấy, nhưng lại chưa nở. Vào lúc qua đời, tự tánh của chúng ta hóa sanh trong hoa sen đó ở cõi Cực Lạc. Có chín phẩm hoa sen, nhưng mỗi phẩm đều tùy thuộc vào công phu niệm Phật của chúng ta. Càng niệm nhiều thì hoa sen càng lớn thêm; ít niệm thì hoa sen nhỏ lại. Nếu tôi không niệm thì sao ? Nếu hoàn toàn ngừng niệm Phật thì hoa sen của chúng ta sẽ héo tàn. Những phẩm hoa sen tùy thuộc vào sự cố gắng niệm Phật của chúng ta.
Phong động thuỶ tịnh diễn ma ha (gió thổi, nước trong lặng diễn pháp Đại Thừa).
Tâm thanh tịnh như trăng hiện trên mặt nước. Ý định như bầu trời không mây. Nếu nhập vào niệm Phật tam muội thì sẽ nghe tiếng gió thổi mưa rơi câu: Nam mô A Di Đà Phật. Trong mọi âm thanh đều nghe tiếng niệm Phật. Thế nên có câu: Nước chảy gió thổi diễn pháp Đại Thừa. Tô Đông Pha viết: Sơn sắc vô phi quảng trường thiệt. Khê thanh vô phi thanh tịnh âm (Sắc núi không đâu chẳng phải là lưỡi rộng. Tiếng suối không chi chẳng phải là tiếng thanh tịnh.
Tất cả màu sắc núi non đều là tướng lưỡi rộng dài của chư Phật đang diễn thuyết pháp vi diệu. Đó là cảnh giới của sự chứng đắc niệm Phật tam muội. Vì vậy tôi viết bài kệ:
Niệm Phật năng niệm vô gián đoạn
Khẩu niệm Di Đà đả thành phiến
Tạp niệm bất sanh đắc tam muội
Vãng sanh Tịnh Độ định hữu phần
Chung nhật yểm phiền Ta Bà khổ
Tài tương hồng trần tâm niệm đoạn
Cầu sanh Cực Lạc ý niệm trọng
Phóng hạ nhiễm niệm quy tịnh niệm.
Tạm dịch:
Niệm Phật nên niệm không gián đoạn
Miệng niệm Di Đà đánh thành khối
Tạp niệm không sanh đạt tam muội
Vãng sanh Tịnh Độ quyết có phần
Suốt ngày chán cảnh khổ Ta Bà
Đoạn trừ tâm niệm chấp cảnh trần
Cầu sanh Cực Lạc ý niệm trọng
Xả bỏ niệm xấu quy niệm tịnh.
Niệm Phật suốt từ sáng đến tối thì vọng niệm sẽ không sanh khởi, sẽ tự nhiên đạt niệm Phật tam muội, và sẽ được vãng sanh sang cõi Cực Lạc theo ý thích. Biết rõ cõi Ta Bà đầy dẫy những sự đau khổ, nên phải cắt đứt mọi tâm tham dục, mong cầu, hay tranh đua danh lợi. Hãy xả bỏ tất cả việc thế tục và tâm niệm vì chúng đều là hư giả. Hãy cầu vãng sanh sang cõi Cực Lạc. Tâm niệm như thế rất quan trọng. Bài kệ này giải thích rõ ràng về lý lẽ niệm Phật. Nếu nếm được mùi pháp lạc đó thì sẽ nhận thấy rất hữu dụng.
Nhất tâm bất loạn thành tam muội (một lòng chuyên chú thì thành tựu thiền định).
Niệm Phật hằng ngày trong Phật thất, chúng ta gieo hạt giống Phật tánh. Mỗi lần niệm là gieo một hạt; niệm mười lần thì gieo mười hạt. Nếu niệm hàng triệu lần trong một ngày thì gieo trồng hàng triệu hạt giống để rồi một ngày nào đó chúng sẽ đâm chồi. Chỉ cần niệm; chớ lo lắng về tạp niệm.
Thanh châu đầu ư hồn thuỶ
Hồn thủy bất đắc bất thanh
Niệm Phật nhập ư loạn tâm
Loạn tâm bất đắc bất Phật.
Tạm dịch:
Châu xanh ném vào nước dơ
Nước dơ không thể chẳng trong
Niệm Phật nhập vào tâm loạn
Tâm loạn không thể chẳng giác.
Niệm Phật cũng giống như ném hạt châu vào nước đục khiến nó trở nên lắng trong. Hạt châu thanh tịnh hóa nước dơ này có thể làm trong sạch bùn sình. Niệm Phật cũng như hạt châu đó. Ai đếm được con số vọng tưởng nổi lên từng hồi không ngừng như dòng sóng biển ? Khi danh hiệu Phật nhập vào tâm tán loạn, tâm tán loạn trở thành tâm Phật, tức là tâm giác ngộ. Niệm Phật một lần thì trong tâm có một vị Phật; niệm mười lần thì có mười vị Phật; niệm trăm lần thì có trăm vị Phật; càng niệm thì càng có nhiều vị Phật. Chỉ cần niệm Nam mô A Di Đà Phật thì có tâm Phật trong ý niệm. Khi niệm Phật thì Phật niệm chúng ta cũng giống như bắt làn sóng tivi. Quý vị niệm ở đây thì Phật ở bên kia niệm quý vị. Đó là cảm ứng đạo giao. Khi niệm Phật, nhờ không còn bất cứ vọng niệm nào, nên tự tánh có công đức vô lượng.
Vạn lự giai không, nhập liên bang (muôn niệm đều ngừng liền nhập vào cõi Cực Lạc).
Tâm niệm vọng động luôn luôn tìm việc để làm mà không ngơi nghỉ. Để cho nó được rãnh rỗi tự tại, chúng ta cho nó công tác bằng cách niệm Nam mô A Di Đà Phật. Đây cũng là một hình thức tham thiền. Không cần phải ngồi xếp bằng nhắm mắt như thiền sư Lâm Tế để tham thiền. Quý vị có thể mở mắt khi tham thiền.
Đi cũng thiền; đứng cũng thiền; nói năng động tĩnh đều an nhiên.
Đi, đứng, nằm, ngồi đều tham thiền. Người xưa có câu: Có Thiền có Tịnh độ như cọp thêm sừng. Hiện đời làm thầy trời người; đời sau sẽ làm Phật Tổ. Có thiền mà không Tịnh độ, mười người tu thì chín người lạc. Không thiền mà có Tịnh độ, muôn người tu thì muôn người được vãng sanh.
Pháp môn Tịnh độ là phương pháp tu hành dễ dàng nhất. Trong quá khứ, chư đại Bồ Tát đều tán thán pháp môn Tịnh độ, như Bồ Tát Văn Thù, Phổ Hiền (chính Ngài niệm Phật và khuyến khích chúng sanh trong 10 phương cầu vãng sanh, trong phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện, kinh Hoa Nghiêm), Quán Âm, Thế Chí. Ai đã từng nghe qua kinh Lăng Nghiêm thì phải biết đến chương Đại Thế Chí Niệm Phật Viên Thông bàn rõ và rất hay về pháp môn niệm Phật. Tất cả chư đại Bồ Tát trong quá khứ đều tán thán và chuyên tu pháp môn Tịnh độ. Chư Tổ sư trong quá khứ đều bắt đầu tham thiền, ngộ đạo, rồi chuyên chú niệm Phật. Thiền sư Vĩnh Minh mỗi khi niệm một danh hiệu Phật thì có một hóa Phật hiện ra từ cửa miệng. Gần đây, đại pháp sư Ấn Quang chuyên môn đề xướng pháp môn niệm Phật. Ngài Hư Vân cũng đề xướng như thế. Pháp môn được chư Phật tán thán này rất dễ dàng, thuận tiện, và hoàn mỸ nhất. Có phải trong kinh A Di Đà miêu tả chư Phật trong 10 phương đều hiện tướng lưỡi rộng dài bao trùm ba ngàn đại thiên thế giới để tán thán pháp môn này không ? Đây là cách tu hành hay nhất. Mọi người nên dùng pháp môn này mà đặt biệt nhất là ngay trong đời mạt pháp. Tuy nhiên, vì đang duy trì chánh pháp ở nơi đây, nếu không muốn niệm Phật thì phải tham thiền thể như mạng sống tùy thuộc vào đó. Chớ sợ khổ đau !
Đốn ngộ vô sanh Phật thân hiện (chóng ngộ đến nơi vô sanh thì thân Phật hiển hiện).
Trì danh niệm Phật là pháp môn rất quan trọng trong thời mạt pháp, nên pháp môn này được phổ biến khắp mọi nơi. Tuy nhiên, chớ xem thường pháp môn này. Mỗi lần thiền sư Vĩnh Minh niệm một danh hiệu Phật thì từ trong miệng xuất ra một vị hóa Phật mà những ai có ngũ nhãn lục thông vào đương thời mới thấy rõ. Khi niệm Phật, quý vị phóng ánh hào quang khiến yêu ma quỶ quái đều hoảng sợ, bỏ chạy xa, không dám quấy rầy. Do đó, công đức niệm Phật không thể nghĩ bàn.
Diệu giác quả vị tự thừa đương (chứng đắc quả vị Diệu Giác là bổn phận).
Chớ hỏi rằng pháp môn niệm Phật là thật hay giả. Nếu dụng công giỏi thì pháp môn đó sẽ thật, bằng ngược lại thì sẽ giả. Tất cả pháp môn đều như thế.
Khi kẻ tà tu hành chánh pháp thì chánh pháp biến thành tà pháp. Khi người chân chánh hành tà pháp thì tà pháp biến thành chánh pháp.
Tất cả đều do con người. Khi lễ Phật, phải quán tưởng như vầy: Thân con lễ khắp 10 phương chư Phật trong vô lượng cõi Phật.
Hãy quán tưởng thân mình bao trùm khắp pháp giới.
Nhược nhân dục liễu tri
Tam thế nhất thiết Phật
Ưng quán pháp giới tánh
Nhất thiết duy tâm tạo.
Dịch:
Nếu ai muốn biết rõ
Ba đời của chư Phật
Nên quán tánh pháp giới
Tất cả do tâm tạo.
Thiết vọng chư hiền tề nỗ lực (hy vọng tất cả người hiền đều đồng lòng nỗ lực tu hành).
Pháp môn niệm Phật là phương pháp tu hành dễ dàng nhất mà ai ai cũng có thể hành được. Chỉ cần niệm Nam mô A Di Đà Phật thì vào lúc lâm chung sẽ được vãng sanh trong hoa sen nơi cõi Cực Lạc, ngày ngày được nghe Phật A Di Đà thuyết pháp, và trong tương lai sẽ thành Phật. Trong tương lai vào lúc qua đời, nếu niệm Phật thì được vãng sanh. Tuy nhiên, trong hiện thời chưa chết thì tại sao phải niệm danh hiệu của Ngài ? Phải dụng công niệm Phật trong hiện tại để nhớ mà niệm vào lúc qua đời. Giống như cây phải mọc trong bao năm mới cao đến trăm thước, quý vị phải niệm Phật ngay bây giờ để khi tử thần đến mới có khả năng niệm chuyên chú mà không bị bịnh hoạn, tham lam, sân hận, si mê làm điên đảo, rồi Phật A Di Đà sẽ đến tiếp dẫn. Nếu không niệm ngay bây giờ thì sẽ không còn nhớ niệm khi thân thể rã rời vào lúc sắp chết, trừ khi có thiện tri thức đến nhắc nhở và cứu giúp. Do đó, việc quan trọng là phải niệm Phật hằng ngày và nhập vào niệm Phật tam muội để sự niệm Phật sẽ đến tự nhiên vào lúc lâm chung mà không quên mất. Hoặc giả, nếu không thể niệm Phật, nhưng Phật A Di Đà vẫn không quên cỡi thuyền đại nguyện đến tiếp độ quý vị lên sen vàng và tiếp dẫn sang cõi Cực Lạc. Ngài sẽ không quên quý vị.
Quý vị niệm Phật. Tôi niệm Phật. Tại sao quý vị và tôi niệm Phật ? Để chấm dứt dòng sanh tử; để chuyển hóa cõi Ta Bà; để mọi nơi đều là cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà. Không chấp mình và người thì còn gì nữa ? Quán tịch tĩnh, đều tự hiểu muôn vật. Đoạn phiền não, phá vô minh, vượt khỏi sông ái của ba cõi.
Kẻ ngu niệm Phật để cầu Phật ban cho thức ăn. Có người niệm Nam mô A Di Đà Phật, nam mô A Di Đà Phật, xin ban cho chúng con khí hậu ấm ! Có người niệm Phật vì hy vọng được may mắn sung sướng hoặc tránh khỏi những vấn đề rắc rối khó khăn.
Thứ nhất, mục đích chủ yếu của việc niệm Phật là chấm dứt dòng sanh tử. Nếu muốn sống mãi mãi thì phải niệm Phật A Di Đà. Nếu muốn chết thì nên niệm Phật để Ngài đến tiếp độ. Chúng ta sẽ được thoát khỏi bịnh hoạn, tham lam, ngu si giống như nhập thiền định và sẽ được vãng sanh mà không mấy khó khăn.
Thứ hai, nếu niệm Phật, chúng ta có khả năng chuyển hóa cõi Ta Bà thành cõi Cực Lạc, nơi mà chúng sanh không còn chịu đựng khổ đau và chỉ hưởng an lạc sung sướng. Niệm Phật đến độ mình, người, và Phật đều không. Quý vị có thể bảo: Điều này thật nguy hiểm ! Nếu tất cả đều tan mất thì phải chăng chúng ta cũng sẽ bị hủy diệt ? Chỉ sợ rằng làm không được thôi. Nếu thật sự diệt mất thì quý vị sẽ được tự do. Bấy giờ, quý vị sẽ tỏ ngộ muôn việc trên thế gian như tại sao quạ lại đen, vạc lại trắng, thông lại thẳng, bụi gai lại cong. Nhờ hiểu rõ mọi việc mà cắt đứt được phiền não, phá vỡ được màn vô minh, và quý vị vượt khỏi dòng sông ái dục lớn lao ở ba cõi Dục giới, Sắc giới, Vô Sắc giới. Trong ba cõi, chúng ta điên đảo luyến ái lẫn nhau cho đến chết, rồi trở lại trong bào thai mà chưa bao giờ thức tỉnh để vượt ra. Tuy nhiên, trong hiện tại, chúng ta muốn vượt khỏi dòng sông ái dục. Có người nói: Tôi chưa muốn làm. Nếu như thế thì quý vị vẫn có thể chịu thêm nhiều vòng sanh tử nữa. Trong mỗi vòng, quý vị bị đọa lạc xuống thấp hơn cho đến khi chìm xuống đáy sông ái dục. Bị chìm đắm biểu trưng cho việc thần thức của quý vị bị phân thành nhiều loài vật như kiến muỗi. Những loài côn trùng đó có ít trí huệ, ít phước báo, và thọ mạng ngắn ngủi.
Tây Phương Cực Lạc thị quân gia (cõi Tây Phương Cực Lạc chính là quê hương của quý vị).
Trên thế gian, không dự tính được việc gì sẽ xảy ra trong tương lai vì luôn luôn có thể thay đổi được chúng. Ví dụ, trước khi niệm Nam mô A Di Đà Phật chúng ta chưa đủ tiêu chuẩn để được vãng sanh, trừ phi hằng trì danh hiệu Phật. Được vãng sanh là điều rất khó khăn, nhưng một khi niệm Phật thì có thể đi. Ngược lại, dù có thể được vãng sanh ngay trong một niệm, nhưng lại không tụng đọc một câu nào cả, thì cũng không thể vãng sanh sang cõi đó. Vì vậy, không có gì là nhất định cả. Kinh Kim Cang thuyết: Không có một pháp nào là pháp nhất định. Thế nên được gọi là A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Đó là phương pháp chứng đắc đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác. Chúng ta phải dũng mãnh tiến bước mà không sợ khổ đau, khó khăn, nóng, lạnh cho đến khi vãng sanh qua cõi Cực Lạc. Niệm Nam mô A Di Đà Phật mới là cách tu hành chân thật. Điểm trọng yếu của việc niệm Phật là để chấm dứt dòng sanh tử luân hồi.

Hòa Thượng Tuyên Hóa

Nguyen Hoang Tan
09-22-2010, 01:53 AM
Phải niệm bằng chánh niệm, tức là Vô Niệm. Niệm Phật chínnh mình chứ không nên niệm vị Phật nào mà mình chưa biết, sẽ bị gọi là Tà Niệm. Niệm Phật mình dể niệm hơn niệm Phật khác với mình. Đạo Phật laàđạo Chánh Tín chứ không phải Mê Tín. Nếu Niệm Phật mà thành Phật, vậy Phật đàu tiên niệm ai mà thành Phật vậy????
NHT