PDA

View Full Version : Chạy Xe ôm ( nhớ mà thương nhửng Niên Trưởng còn kẹt lại ở quê nhà).



TAM73F
08-10-2010, 02:05 PM
Nguyễn Ðạt

“Xe ôm” hay “Honda ôm” là tên gọi các xe hai bánh gắn máy chở thuê, thứ phương tiện giao thông thuận tiện và ít tốn tiền (so với xe taxi) cho những ai có nhu cầu đi lại trên cả nước.

Hầu như mọi người gọi tất cả xe gắn máy chở thuê là “Honda ôm,” tuy rằng đại đa số xe gắn máy đó không phải là xe Honda chính hiệu, mà là xe Honda dỏm, do Trung Quốc sản xuất, mang những thương hiệu nhái các kiểu xe “Dream,” “Wave,” “Future”... do hãng Honda của Nhật Bản sản xuất. Một số xe gắn máy khác do Hàn Quốc sản xuất dùng chạy xe ôm cũng được gọi chung là “Honda ôm,” những xe này hao hao giống vài kiểu xe của hãng Honda-Nhật Bản, nhiều chiếc xe loại này được thay đổi chút đỉnh cho giống y kiểu xe đèn vuông và xe Dream của hãng Honda, người ta gọi là “xe lên đời.”

Xe ôm đậu tại một khu vực đường Lê Thánh Tôn, đợi khách.

Lẫn lộn trong đó là những chiếc xe Honda thứ thiệt nhưng đã cũ kỹ lỗi thời. Thực trạng trên do những người hành nghề chạy xe ôm không có tiền mua xe Honda thứ thiệt của Nhật Bản, mắc gấp 3 lần xe Honda dỏm của Trung Quốc và gấp hơn 2 lần xe của Hàn Quốc. Sau 30 tháng 4, 1975 “xe ôm” xuất hiện sớm nhất ở Sài Gòn, tới nay những người hành nghề “chạy xe ôm” tại đây vẫn đông đảo nhất so với các nơi trong cả nước.

Xe buýt Sài Gòn đã hoạt động từ nhiều năm nay nhưng không thể làm giảm bớt những chiếc xe ôm, ngược lại số lượng xe ôm vẫn tiếp tục tăng lên. Bởi xe buýt không đi tới mọi hang cùng ngõ hẻm đường phố Sài Gòn; xe buýt không hoạt động bất luận giờ nào; xe buýt không hiện diện “trên từng cây số”... Chỉ cần sở hữu một chiếc xe gắn máy dù là xe Honda dỏm hoặc xe Honda từ thuở xưa - vẫn còn thấy loại xe “Honda dame” rất xưa, gọi là “Honda dame quân đội” dùng để chạy xe ôm - là có thể hành nghề “chạy xe ôm,” dĩ nhiên người hành nghề phải còn sức khỏe tối thiểu để chạy xe chở khách. Ðiều kiện hành nghề “chạy xe ôm” cao hơn điều kiện “hành nghề” bán vé số, nhưng giới “chạy xe ôm” đông đảo hơn giới bán vé số, bởi đáp ứng nhu cầu đi lại của mọi người. Ðang ngồi ăn uống trong quán tiệm, người ta có thể bực bội, mỏi cổ lắc đầu không mua vé số của những người bán vé số chào mời năn nỉ ỉ ôi. Ðang thong thả đi bộ thì mỏi tay mỏi miệng từ chối người chạy xe ôm dọc đường hỏi han: “Chú Hai tới chỗ nào, tôi chở.” “Anh Ba dìa đâu, lên xe tui chở cho!”... Có cảm tưởng như ở Sài Gòn không ai có quyền đi bộ!

Nhưng nói chung, phải thừa nhận xe ôm rất đắc dụng ở Sài Gòn, một thành phố lớn rộng và quá đông dân, sinh hoạt sôi động và phức tạp. Xe ôm là phương thức hữu hiệu nhất trong những trường hợp khẩn trương: chở người đi cấp cứu ở bệnh viện; chở phụ nữ đang cơn chuyển bụng tới nhà hộ sinh; chở người có cuộc hẹn phải đúng giờ... Bản thân người viết, nếu không có xe ôm đậu ngay trước ngõ, sẽ không thể tới bệnh viện kịp giờ chữa trị bệnh mạch vành “nhồi máu cơ tim cấp,” và hẳn không còn dịp nào để ghi nhận về giới hành nghề “chạy xe ôm” này. Tại Sài Gòn người ta có thể lên xe ôm ở hầu hết các đường phố, người chạy xe ôm đứng bên xe hoặc ngồi trên xe đợi khách, khơi khơi như vô sự. Thường họ không cần chào mời, khách sẽ nhận biết qua 2 chiếc mũ bảo hiểm máng ở xe. Tôi từng bị nhận lầm là người chạy xe ôm khi ngồi ở quán cóc hè đường chờ đón vợ dạy kèm tư gia gần đó, xe gắn máy của tôi máng 2 chiếc mũ bảo hiểm.

Một phụ nữ vội vàng đi tới, hỏi: “Anh chở tôi tới chỗ hẻm chùa Long Vân gần đây thôi, lấy bao nhiêu?” Thấy người này vẻ như có việc khẩn cấp, mà tôi thì còn ngồi chờ gần một tiếng đồng hồ nữa vợ mới dạy học ra, lại nghe nói hẻm chùa Long Vân gần đấy, tôi gật đầu nhận chở.

Trước khi đội chiếc mũ bảo hiểm của vợ tôi, người này nhắc lại: “Lấy bao nhiêu hả anh?” Thấy thú vị có dịp được đóng vai người “chạy xe ôm,” lại nghe khách nói đi tới hẻm chùa Long Vân gần đấy, tôi nói cái giá như một người chạy xe ôm chuyên nghiệp: 5 ngàn đồng - tôi từng đi xe ôm tới những nơi không xa, với giá đó. Từng nhìn thấy biển ghi tên chùa Long Vân ở đâu đó, nhưng tôi không nhớ ở đường nào, bây giờ đóng vai người hành nghề “chạy xe ôm” mà lại hỏi khách lối nẻo đường đi thì kỳ cục, tôi cứ chạy chậm chậm, nhìn quanh quất khắp hai bên đường phố đi qua. Cuối cùng, sau một tiếng đồng hồ tôi mới tìm ra hẻm chùa Long Vân.

Như lời khách nói, đúng là hẻm chùa Long Vân ở gần chỗ quán cóc tôi ngồi, có đường tới hẻm chùa gần đó nhưng tôi không biết nên chạy vòng mãi xa, rồi gặp một lối khác cũng là con hẻm vào chùa, có biển ghi tôi từng thấy. Lúc tôi trở lại đón vợ, bị trễ nửa tiếng đồng hồ. Như vậy là không thể hành nghề “chạy xe ôm” nếu không rành rõ đường sá. Chạy xe hơn một tiếng đồng hồ, hao ít nhất một xị xăng mà lại nói giá quá “bèo,” làm sao đủ chi cho nhu cầu tối thiểu của cuộc sống hàng ngày! Có thể gọi là bến đậu của xe ôm, ở trước các bệnh viện, chợ búa, bến xe, những tụ điểm ăn chơi, quán tiệm, trường học, cơ quan nhà nước, cơ sở công ty,... nói chung là những nơi nhiều kẻ đi người đến. Những “bến đậu” ấy mặc nhiên được xem là có tổ chức, nhiều chỗ người chạy xe ôm vận đồng phục, như ở khu vực chợ Bến Thành, bến xe buýt Sài Gòn...

Có việc đi trong đêm khuya, nhìn hình ảnh những người đàn ông ngồi gục đầu ngủ gà ngủ gật trên chiếc xe “Honda ôm,” thấy nỗi buồn thê lương của kiếp sống, không phải hình ảnh nỗi buồn ý vị nên thơ “Nửa đêm ngoài phố” - tên một bản nhạc của Trúc Phương - một thuở Sài Gòn xưa.

Chạy xe ôm tại Sài Gòn toàn là đàn ông, từ thanh niên tới ông già, nhưng ở vài nơi như Gò Công, Mỹ Tho, tôi đã thấy có cả phụ nữ hành nghề “chạy xe ôm.” Một người chú họ bên vợ tôi, trước 30 tháng 4, 1975 là phi công của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, “học tập cải tạo” xong, về Sài Gòn, ông chỉ còn cách duy nhất là hành nghề “chạy xe ôm” để mưu sinh tồn tại. Ông không được đi định cư ở Mỹ theo diện HO, vì giấy xuất trại “cải tạo” Việt cộng cấp cho ông ghi ngày 30 tháng 2, 1984. Từ ngàn năm nay, tháng 2 dương lịch không từng có ngày 30, nên giấy xuất trại của ông đã bị người Mỹ từ chối. Mới đây, cựu phi công, ông già 70 tuổi ấy chạy xe ôm chở khách là một người đàn ông trung niên. Chuyện trò khi đang chạy xe dọc đường, khách nói khi xưa ông ta là lính Không Quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Lúc xe chạy vào một con hẻm tối và sâu hun hút, khách kề mũi dao Thái Lan nhọn hoắt vào cổ ông già, bảo ông già “Muốn sống thì dừng lại, xuống xe!” Ông chú họ vợ tôi năn nỉ: “Trước đây tôi là phi công, bây giờ còn mỗi chiếc xe này để chạy xe ôm mà sống. Vì tình chiến hữu, cùng binh chủng Không Quân với nhau, mong anh thông cảm...” Tên trấn lột không rời con dao kề cổ ông già, gằn giọng nói: “Không Quân hay ‘không quần’ cũng xuống xe mau, nếu không muốn bỏ mạng!” Ông chú họ vợ tôi buồn rầu kể lại vụ việc mất chiếc xe, do các bạn hữu ở Mỹ gửi cho ông cả thảy một ngàn đô-la cách đây một năm, ông mới mua được xe Honda thứ thiệt để thay chiếc xe Honda dỏm của ông trước đó. Ông nói: “Bây giờ lại xin mấy người bạn ở Mỹ gửi về cho vài ba trăm đô mua đỡ chiếc xe Honda dỏm, chứ không có xe để chạy xe ôm thì lấy gì mà sống, tiền đâu cơm nước mỗi ngày?”

anhoaip
09-27-2013, 01:35 PM
Cs đã dốt chẳng lẻ bên phía Mỹ cũng dốt đến vậy sao? Ôi trời 30/2 chả biết khi nào đến

Phan Rang
11-11-2013, 01:28 AM
CS nó dốt chứ anh Mỹ thì khôn tổ . Nhưng Mỹ từ chối có lẽ nó nghĩ giấy của đương sự là giấy giả .Thế mới thiệt khổ đời Phi công . Trường hợp này có thể khiếu nại được . Tôi có quen biết một anh cựu T/U xuất thân trường bộ binh Thủ Đức , trước 30/4/75 tùng sự ở một Phân chi khu X , sau 75 bị tập trung vô " trại cải tạo " gần 5 năm , khi phỏng vấn HO phái đoàn Mỹ xù vì tên họ của anh này bị sai với hồ sơ gốc ,sau gần 3 năm miệt mài khiếu nại và nhờ các bạn tù chung trại đã qua Mỹ làm nhân chứng ,cuối cùng gia đình anh đã được phái đoàn Mỹ cho phỏng vấn lại và chấp thuận cho đi Mỹ định cư theo tiêu chuẩn HO . Hiện gia đình anh này cư ngụ ở tiểu bang OHIO .