PDA

View Full Version : Tại sao các người đẹp Vietnam Airlines không bao giờ cười ?



TAM73F
07-07-2010, 06:56 PM
:angry:

Chuyến bay VN831 Hà Nội - Bangkok hôm ấy, được mấy "nàng tiên" áo dài Vietnam Airlines phục vụ làm tôi nhớ đến "cô hàng xóm" của thi sỹ Nguyễn Bính. Không ít chàng rung động, kể cả người viết bài này khi ngắm tà áo bay.


Giá đừng có dậu mùng tơi

Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng...

Chả bao giờ thấy nàng cười

Nàng hong tơ ướt ra ngoài mái hiên.


Hẳn người thiếu nữ trong thơ phải đẹp kiêu sa dù pha chút thoáng buồn. Người yêu thơ tưởng tượng ra người ấy bên “dậu mùng tơi” để nhớ. Nhưng tôi không thích nàng chút nào. Tại sao ta lại yêu một thiếu nữ đẹp mà “chả bao giờ cười”.

Một nàng áo dài đỏ thắm, mặt trái xoan, tóc vấn cao, cổ cao ba ngấn, trông thoáng qua cũng biết là một giai nhân tuyệt sắc, hẳn sánh được với “láng giềng” của cố thi nhân. Nếu nàng mỉm cười hẳn sẽ hút hồn bao đấng nam nhi.

Vị khách xứ Mỹ nhiều lần đi máy bay, xin nước chè lại đưa cái ly thủy tinh. Nàng nói thầm nhưng như quát : đưa cái tách đây, cốc thủy tinh này không dùng cho nước chè nóng. Môi nàng trái tim, rất xinh nhưng không một nụ cười khi mời khách. Có lẽ nàng giận người yêu tối qua đón muộn nên trưa nay khách bị vạ lây.

Vì sao các "nàng tiên" không cười được?

Hơi trách nàng nhưng một lúc sau, tôi bắt đầu hiểu tại sao những người đẹp VN Airlines không thích cười. Có lẽ “dậu mồng tơi” ở đây chăng?

Vừa lên máy bay, đám khách Việt Nam chạy nhốn nháo, gọi nhau ầm ỹ. Túi lớn, túi nhỏ, tay xách nách mang. Chưa ngồi yên chỗ trên hàng đầu đã tìm người bạn dưới hàng ghế cuối để tán chuyện. Thấy người đẹp đi lại các anh thi nhau oang oang bình phẩm.

Mấy tà áo dài đỏ chạy đôn đáo để nhắc nhở mãi mới hết được đám khách về chỗ và thắt dây an toàn. Vừa cất cánh được chục giây đã thấy “lách cách” tiếng tháo khóa dù máy bay đang vượt đám mây chòng chành, rất nguy hiểm. Hình như làm thế, khách ta cảm thấy là “người hùng” trước các hoa hậu trên không ?

Anh bạn cạnh tôi còn giải thích là không nên thắt dây an toàn vì như thế khi có "sự cố" trên máy bay, không kịp mở khóa mà chạy. Anh có biết đâu, nếu máy bay trên mặt đất mới có thể thoát hiểm. Nếu đang ở trên cao 11km, gặp vùng không khí loãng, máy bay bị giảm độ cao đột ngột vài chục mét thì anh định chạy đi đâu? Khi đó, không thắt dây an toàn thì anh sẽ rơi tự do trong máy bay như quả bóng.

Đi trên máy bay mà khách ta cười nói ầm ầm, tán chuyện như đi xe đò miền Đông. Có bia rượu, các chàng thi nhau gọi uống, mặt đỏ phừng phừng. Ai đó bấm vào nút gọi tiếp viên. Người đẹp chạy lại hỏi “anh cần gì” thì khách cười toe toét “thử cái nút tý!”.




Ăn xong, mỗi "bác" một cái tăm trong miệng, vừa xỉa quèn quẹt vừa chép miệng. Có chị còn ngậm tăm ở khóe miệng, đi lại trong khoang thoải mái như đang ở đình làng sau đám cỗ. Vào phòng vệ sinh sẽ biết thủ phạm trước là một bác trai nào rồi. Nước tiểu tung tóe trên bồn cầu trên chiếc Airbus 310 mới tinh.





Máy bay sắp hạ cánh. "Loa" nhắc mọi người “dựng thẳng đứng ghế ngồi, gấp bàn ăn và cài dây an toàn” nhưng hình như không ai để ý, trừ các bạn Tây. Kêu mọi người thắt dây xong, người đẹp vừa về chỗ thì vài "bác" ngồi cạnh lối đi lại bỏ dây ra, đứng lên, nghển đầu ra cửa sổ để xem "đường cao tốc" Bangkok khi nhìn từ trên cao có đẹp không.





Nàng không thể cười, hai mắt nàng như có nước...





Một chàng khác cạnh tôi thản nhiên rút điện thoại di động, bật lên để thử sóng mobile ở độ cao 500 mét. Tôi nhắc làm thế sẽ nhiễu hệ thống điều khiển của sân bay, rất nguy hiểm thì bị lườm “anh già nên sợ chết”.


Máy bay vừa "tiếp đất" vài giây thì đã nghe tiếng “lách cách” hàng loạt để tháo dây an toàn. Hai ba chàng thanh niên đã đứng lên để chuẩn bị lấy đồ trên ngăn hành lý. Một bà Tây đi cùng sợ quá nhắc nhở, các anh ơi đừng làm thế, nguy hiểm lắm, máy bay đang ở tốc độ trên mặt đất là 200-300 km/giờ, nhỡ nó quay ngang trên "đường băng" thì các anh đập đầu vào thành máy bay mà “đi” luôn đấy.


Ở cửa máy bay, thay vì cười, cảm ơn và good bye khách, các nàng bận nhắc nhở, các anh các chị đừng chen lấn, xin đi hàng một. Khi tôi cảm ơn thì nàng áo đỏ trong mộng cũng không thể cười được nữa vì quá mệt.

Chúng ta hay chê tiếp viên HKVN không cười. Họ là những tượng Venus biết đi, vô hồn và vì bay trên không nên xa cách trần thế. Có thể họ chưa học nghệ thuật “nghiến răng để cười” với khách. Nhưng hôm nay chứng kiến họ phục vụ đám khách trên tôi lại nghĩ khác. Dù có niềm nở đến đâu cũng dễ trở thành hàng xóm “không nhếch mép” của thi nhân Nguyễn Bính.


Muốn “không có dậu mồng tơi” ngăn cản ta đến với người đẹp trên cao, xin những hành khách sang trọng, vì người sang mới đi máy bay, hãy giúp họ vui bằng cách ăn uống nhỏ nhẹ, nói chuyện đủ nghe trong khoang, vào nhà vệ sinh giữ cho sạch sẽ, thắt dây an toàn trên suốt chuyến bay và đừng bật di động khi máy bay cất hay hạ cánh.

Tôi mong người đẹp của Vietnam Airlines vui để thấy nụ cười quyến rũ. Biết nàng áo dài đỏ quay về Hà nội chiều nay với đám khách khác, chợt nhớ cảm xúc của thi nhân xưa.

Mắt nàng đăm đắm trông lên

Con bươm bướm trắng về bên ấy rồi

Bỗng dưng tôi thấy bồi hồi

Tôi buồn tự hỏi hay tôi yêu nàng...

TAM73F
09-09-2010, 06:49 AM
Vietnam Airlines: ‘Chả bao giờ thấy nàng cười’

của Nguyễn Văn Tuấn

Vietnam Airlines hiện là hãng hàng không quốc doanh lớn nhất nước và cũng là hãng hàng không duy nhất của Việt Nam có đường bay quốc tế. Bài viết dưới đây được trích từ blog của Giáo Sư Nguyễn Văn Tuấn ở Úc, cho thấy một thực tế về hãng hàng không này khi ‘chăm sóc khách hàng’ trên một trong những đường bay quốc tế quan trọng là Sydney-Sài Gòn.


***


Có lẽ đó là một trong những chuyến bay buồn chán nhất trong đời đi máy bay từ trước đến nay. Ðó là chuyến bay từ Sydney đi Sài Gòn ngày 9 tháng 8. Phong cách phục vụ của tiếp viên, của cơ trưởng, và vệ sinh trên máy bay có lẽ nói lên một thực tế rằng Vietnam Airlines còn kém rất xa so với các hãng hàng không nước láng giềng.


Lần đầu tiên thấy Vietnam Airlines (VNA) khởi hành đúng giờ. Chúng ta biết rằng Vietnam Airlines được mệnh danh là “Sorry Arlines”. Hai chữ “sorry” gắn liền với hãng hàng không mang cờ quốc gia này là một cách châm biếm rằng máy bay của hãng luôn bay trễ giờ, và vì trễ giờ nên cơ trưởng lúc nào cũng phải xin lỗi (sorry) hành khách. Nhưng trong chuyến đi này thì VNA khởi hành đúng giờ, và đó là một điểm son, nhưng cũng là một điểm có thể nói là “bất bình thường” của VNA.

Ðiểm son của VNA được thay thế bằng điểm đen trong phục vụ.

Chuyến bay vẫn bắt đầu bằng những động tác thông thường của tiếp viên: đem cái rổ đưa khăn giấy cho khách. Nhìn qua cách họ đưa cái khăn, đến cách nói, hành khách cũng có thể cảm nhận rằng những người tiếp viên này không yêu nghề, hoặc yêu nghề mà không nói được tiếng Việt (chứ chưa nói đến tiếng Anh). Họ làm một cách miễn cưỡng, làm cho có làm. Và, chả bao giờ thấy nàng cười. Các nàng và chàng tiếp viên làm việc cứ như là làm việc hành chính, như một cái máy.

Ðã bay với VNA là chấp nhận mù thông tin. Trong chuyến đi này cũng không phải là ngoại lệ, vì suốt chuyến bay cơ trưởng rất tiết kiệm lời.

Tôi để ý thấy cơ trưởng chỉ nói có 2 câu duy nhất: lúc cất cánh, và lúc hạ cánh. Và, chỉ nói với phi hành đoàn, chứ không nói với hành khách.

Nếu bay với các hãng khác như Singapore Airlines, Cathay Pacific, United Airlines, Qantas, v.v. hành khách có cảm giác như mình được cơ trưởng quan tâm đặc biệt. Máy bay cất cánh ra sao, hướng nào, cao độ bao nhiêu, thời tiết ở nơi sắp đến diễn biến ra sao, máy bay sắp đến vùng thời tiết xấu, lúc gần đáp có cảnh nào đẹp, v.v. tất cả đều được cơ trưởng thông báo cho hành khách biết. Thậm chí, có người còn cung cấp thông tin về những trận đá banh nóng bỏng! Không hiểu có phải cơ trưởng VNA kém tiếng Anh hay do “văn hóa Vietnam Airlines” mà họ chẳng nói chẳng rằng gì với hành khách. Tôi không tin họ kém tiếng Anh, nhưng có thể do họ không thích hay không muốn nói chuyện với khách.

Ðã bay với VNA là chấp nhận luật lạ lùng của VNA. Những “luật” hay những qui định mà tiếp viên có thể sáng tác ra trong lúc bối rối không trả lời được cho hành khách.

Một ví dụ tiêu biểu là thời điểm có thể sử dụng điện thoại di động. Nếu đi với các hãng văn minh khác, khi máy bay hạ cánh và trong lúc taxi đến bến, cơ trưởng cho biết hành khách có thể mở điện thoại di động để liên lạc. Nhưng VNA thì có “luật” rất lạ lùng là phải ra khỏi máy bay mới được mở điện thoại di động! Khi được hỏi tại sao có luật này, thì tiếp viên nói do nhiễu sóng... máy bay! Cố nhiên đó chỉ là lời giải thích tùy tiện, làm trò cười cho người biết chuyện.

Hệ thống giải trí bị hư hỏng. Suốt chuyến bay không có tin tức. Không có tivi. Không có nhạc. Phi công trưởng xin lỗi hành khách vì sự cố đó.

Ðiều khôi hài nhất là dù cho phi công báo hệ thống giải trí bị hư hỏng, nhưng tiếp viên vẫn đẩy cái xe trolley để phát microphone cho hành khách! Và, hành khách vẫn nhận! Tôi hỏi chị tiếp viên rằng cái microphone này để làm gì trong khi phi công mới cho biết toàn bộ hệ thống giải trí đó không còn làm việc, thì chị ấy mới ngớ ra, và... cười. Nhưng chị vẫn đi phát microphone cho hành khách! Họ làm việc cứ như là những cỗ máy. Không có logic. Không cần suy nghĩ. Bất chấp thực tế.

Họ nói không thật. Hơn 2 tuần sau, trong chuyến bay từ Sài Gòn về Sydney, cũng trên máy bay đó, hệ thống giải trí vẫn bị hư hỏng. Thế nhưng tiếp viên vô tư nói rằng sự cố chỉ xảy ra trong chuyến bay này, và... xin lỗi. Khi có dịp tiếp kiến người tiếp viên, tôi nhắc rằng sự cố đã xảy ra hơn 2 tuần rồi (và có thể lâu hơn nữa), chứ không phải chỉ trong chuyến bay này. Chị tiếp viên im lặng không nói gì (và chắc cũng chẳng biết gì để nói). Như vậy, trong suốt hơn 2 tuần - hay có thể 3 tuần - máy bay Boeing 777 bị hư hỏng hệ thống giải trí mà không hề được sửa chữa. Một lỗi như thế mà còn không được sửa, chúng ta có thể tin tưởng vào những gì lớn hơn?

Còn nhớ trong chuyến bay đi Mỹ với United Airlines, hệ thống giải trí của một khu hành khách bị hư. Thế là phi công rối rít xin lỗi hành khách. Xin lỗi đến 2, 3 lần. Chưa hết, tiếp viên đi đến từng khách, phát cho một cái form để khách điền vào báo cáo sự cố kĩ thuật đó. Ðể làm gì? Xin thưa để United bồi thường cho khách. Chúng tôi nói không cần, vì thật ra cũng gần đến nơi. Nhưng tiếp viên nhất định bảo điền vào form và họ sẽ làm thủ tục để United bồi thường khách, vì đây là vấn đề nguyên tắc, không có ngoại lệ. Sau vài tuần, United gửi cái cheque 50 USD đến tôi để bồi thường cho sự cố đó. Ðúng là kiểu làm của Mỹ. Cần nói thêm rằng United là một trong những hãng hàng không tồi nhất thế giới. Tồi nhất thế giới, nhưng chắc chắn là hơn Vietnam Airlines.

Sự kém chất lượng của VNA không có gì là bí mật, vì ngay cả tiếp viên VNA cũng biết.

Trong một lần nói chuyện, chị tiếp viên VNA thẳng thắn nói VNA còn rất kém, còn phải học nhiều từ các hãng láng giềng. Chị (người miền Nam) còn nói về tình trạng chủ nghĩa lý lịch và chủ nghĩa địa phương trong việc tuyển tiếp viên hàng không. Ai cũng biết phần lớn phi công VNA là người Bắc, nhưng ít ai biết rằng phần lớn tiếp viên VNA cũng là người phía Bắc. Ðó là hệ quả của chủ nghĩa lý lịch và chủ nghĩa địa phương, “chủ nghĩa chiến thắng”.

Thấy chị tiếp viên có vẻ “biết chuyện” và thổ lộ những cảm nghĩ như thế, tôi hỏi một cách... khiêu khích: Thế có bao giờ em cảm thấy nhục hay xấu hổ khi VNA còn quá kém so với Thai Airways hay Cathay Pacific? Tại sao người ta cũng Á Châu, cũng đầu đen, cũng đầu óc như mình (chưa chắc thông minh hơn ta), cũng có 20 năm để phát triển, mà họ phát triển hơn chúng ta, làm tốt hơn chúng ta? Tôi nghĩ chị ấy sẽ sốc trước câu hỏi đó; nhưng không, chị tỏ ra bình tĩnh, suy nghĩ một hồi rồi nói: Em cũng chưa nghĩ đến điều này, nhưng quả thật em có thấy nhục.

Có lẽ chính vì thế mà chả bao giờ thấy nàng cười./.