PDA

View Full Version : Bạn Ơi, Xin Ðừng Quên Mình Là Người Tị Nạn Chính Trị.



TAM73F
06-17-2010, 10:32 PM
Đỗ Văn Phúc

Những điều cần nói thẳng với nhau, dù sẽ rất đau lòng.

Hàng chục ngàn đồng bào thuyền nhân đã và đang bị đưa ngược về Việt Nam, nơi họ trước đây đã từng bị ngược đãi và đối xử bạo tàn bởi nhóm cầm quyền Cộng sản. Trong lịch sử thế giới, chưa có giai đoạn nào mà có hàng triệu triệu con người phải ngậm ngùi lìa bỏ quê hương ra đi tìm đất sống như thời đại chúng ta, sau khi ngụy quyền Cộng sản được thiết lập tại Nga Sô viết, Trung Hoa, Việt Nam, Cu Ba, và các nước Ðông Âu. Mà nào phải ra đi dễ dàng đâu. Ðem cả tài sản, sinh mạng và hạnh phúc mong manh để thoát khỏi móng vuốt của bạo quyền. Phải chịu bị đập đầu thả trên biển khơi; phải chịu nhìn vợ con mình bị luân phiên hãm hiếp bởi bọn hải tặc, phải ngậm ngùi biết tin vợ con bị đem bán cho các nhà thổ ở Thái Lan. Hàng chục ngàn (hay hàng trăm ngàn đây, chỉ có trời biết!) đã vĩnh viễn không bao giờ thấy được bến bờ tự do, mà phải gửi thân trong bụng cá. Hàng trăm ngàn khác chen chúc trong các căn nhà tồi tàn gọi là trại tạm cư, tị nạn. Hàng chục năm sống như những người tù trên mảnh đất tự do mà không một mảy may hy vọng được đi định cư. Hàng chục ngàn em bé không biết đến tuổi thơ, không biết đến học đường, vui chơi hồn nhiên, mà phải hàng ngày chứng kiến cuộc sống chật hẹp, giành giựt và thảm trạng trong trại tị nạn. Ngưòi ra đi chịu cảnh đau đớn của kẻ ra đi, người không thoát được lại bị Cộng sản đem nhốt vào các trại tù, may ra có vài lượng vàng thì mới chạy thoát ra dược, thế là lại hoàn tay trắng, và vô phương làm lại cuộc đời.

Trong hàng chục ngàn người thuyền hân còn lại tại các trại tị nạn Ðông nam Á, biết bao cảnh áp bức bóc lột lại xảy ra cho họ. Khi mà sự quyết định cho mỗi trường hợp sau cơn thanh lọc nằm trong tay bọn chức quyền sở tại vô lương. Lại tham nhũng, lại yêu sách xác thịt. Các cô gái thơ ngây đã phải hiến mình cho bọn Thái Lan, Nam Dương, Mã Lai để được sống yên ổn, hay may ra được chọn cho đi định cư.

Lòng nhân từ của nhân loại rồi cũng đến lúc cạn dần, người ta không còn chịu đựng được hàng chục năm cưu mang những người tị nạn Việt nam nữa. Ngưòi ta tìm cách giải quyết để trả về Việt nam những người mà qua thanh lọc bị đánh giá là ra đi tìm sinh kế chứ không phải thuộc loại tị nạn chính trị. Làm như những nhà hoạt động xã hội không biết gì về kinh tế xã hội. Làm như họ không hiểu gì về lý thuyết Mác xít Lê nin. Họ tách rời tị nạn chính trị và kinh tế ra làm hai phạm trù biệt lập với nhau. Chúng ta đồng ý rằng trong hàng trăm ngàn thuyền nhân, có đa số ra đi để tìm phương sống ấm no, hạnh phúc. Ðiều đó cũng hợp lý thôi. Vì làm người ai không mưu cầu một cuộc sống đầy đủ, xứng đáng với khả năng và giá trị thực của mình. Một cuộc sống như thế không thể nào có được trong xã hội Cộng sản, khi mà mọi quyền làm người bị tước đoạt, khi mà mọi sinh hoạt từ nhỏ cho đến lớn trong mọi lãnh vực đều nằm trong tay một tập thể nhỏ là đảng viên Cộng sản. Không phải chỉ có Cộng sản chủ trương kinh tế đi liền với chính trị, mà thực tế bất cứ trong xã hội nào cũng thế, chính trị tốt thì kinh tế mới vững theo. Con người có quyền chính trị mới phát huy được quyền về kinh tế. Vậy thì, tị nạn chính trị hay tị nạn kinh tế cũng đều là hệ quả của một sự kiện, cũng dều có những động cơ chính đáng như nhau.

Những người Việt hải ngoại đã làm việc hết lòng can thiệp cho thuyền nhân. Bản thân những thuyền nhân cũng đã làm hết sức mình: tranh đấu, tự thiêu, tuyệt thực, bạo loạn như mới đây đã xảy ra tại trại Whitehead, Hồng Kông. Thế nhưng đều vô vọng, vì không có quốc gia nào chịu tiếp nhận, mà các nước có trại tị nạn thì cần phải giải quyết cho xong. Chúng ta ngậm ngùi thay cho họ. Biết bao cuốn truyện đã ra đời, nói lên thực trạng đau lòng của xã hội Việt Nam, tả thực những cảnh bạo tàn áp bức trong trại tù, nêu lên những tấm cho những người phải trở về. Chúng ta cầu nguyện cho những ai đã hy sinh. Và chúng ta chỉ còn một con đường, một con đường duy nhất để giúp họ, và giúp cả đồng bào Việt Nam đang quằn quại trong chế độ Cộng sản.

Ðó là đẩy mạnh đấu tranh cho một nền dân chủ, tự do trên quê hương Việt Nam, xóa bỏ chế độ độc tài thối nát dù Cộng sản hay sau này che đậy dưới hình thức khác.

Có ai trong anh em cựu quân nhân VNCH trước đây khi còn ở trong trại tù, hay khi đã ra khỏi nhà tù nhỏ, về sống trong sự kìm kẹp của nhà tù lớn, mà không ao ước được thoát ra đi để làm một điều gì đó cho quê hương. Biết bao anh em ta đã thầm bảo nhau là dù đến đất khách có làm nghề quét đường cũng còn sướng hơn sống trong chế độ Cộng sản. Mục đích của ra đi là tìm tự do cho bản thân, tìm lẽ sống cho gia đình, tìm tương lai cho con cháu. Mục đích của ra đi là làm chứng nhân cho một chế độ phi nhân, là góp phần vào công cuộc cứu nước. Ðố có ai nói ra đi là vì cơm áo! Ðố có ai nói ra đi là làm giàu và hưởng thụ.

Chương trình HO đã đến kịp thời, cứu vớt gần như toàn bộ anh em từng bị tù đày nhiều năm, có nhiều cay đắng với Cộng sản, và anh em đã tự hào ra đi với danh xưng tị nạn chính trị. Các anh đã đến Hoa Kỳ trong một tinh thần phấn chấn, hăm hở trong những năm đầu. Nhiều anh dù lớn tuổi, sức yếu đã bắt tay vào hoạt động; đã tham gia hội đoàn, đã viết ra hàng trăm cuốn sách về đời sống lao tù, nêu gương anh hùng, dũng cảm của đồng bào, chiến sĩ chống lại bạo quyền. Những hội đoàn Cựu quân nhân, cựu HO, cựu tù chính trị... đã mạnh mẽ hẳn lên, góp một phần không nhỏ vào sinh hoạt địa phương, làm nòng cốt cho mọi hoạt động chống cộng mà bọn Cộng sản phải khiếp sợ, không dám bén mãng.

Thế nhưng, một số anh em đã dần dần vong thân. Dần dần trở nên quá nặng vì cơm áo, đua đòi trong cuộc sống vật chất của xã hội tư bản. Một số anh em quay lưng với công tác chung.. Không một ai dám lấy một tư cách gì để trách cứ các anh được, vì quyền sống như thế nào, là quyền bất khả xâm phạm của các anh trong chế độ hoàn toàn tự do này. Ðó là quyền thiêng liêng tối thượng được ghi rõ trong hiến pháp. Các anh có toàn quyền mưu cầu cuộc sống thật đầy đủ, hạnh phúc, không có luật nào bắt các anh phải nghĩ đến người khác, phải hy sinh cho hạnh phúc kẻ khác. Không có luật nào bắt các anh phải giữ đúng những điều các anh đã từng tâm niệm trước khi ra đi. Chỉ có một thứ luật tiềm ẩn trong lương tâm mỗi người mà thôi.

Chúng tôi đã biết có trường hợp người vượt biên, bị cưỡng hiếp, đến được đất tự do là viết truyện, viết báo để vạch trần những tàn bạo của Cộng sản. Nhưng sau một thời gian làm nên giàu có, sau khi Hoa kỳ bỏ cấm vận đã đi đi về về Việt Nam tính chuyện đầu tư, nhập cảng. Chúng tôi cũng biết có vài anh có thân nhân gần gủi bị CS giết, nhưng cũng ham tiền mà làm tay sai cho CS. Cũng như bao tai to mặt lớn của thời Cộng Hoà đâm ra đần độn, đòi hoà hợp, hoà giải với CS. Tha thứ là một đức tính, chẳng ai muốn lưu giữ hận thù, vì nó chỉ làm cho cuộc sống trở nên nặng nề. Nhưng đừng quên rằng kẻ thù vẫn còn mạnh và còn xảo quyệt. Những tháng dài trong căn nhà tù hôi hám, những ngày lao động khổ sai dưới ánh nắng gay gắt miền trung Xuân Phuớc, hay cơn lạnh cắt da trại Nam Hà, những lời mạ nhục hỗn hào của bọn cai tù thất học. Xin đừng quên, đừng bao giờ quên.

Thử làm một phép tính đơn giản để thấy chế độ Cộng sản đã sống sót 20 năm qua nhờ ai. Trước 1975, tiền viện trợ của Hoa Kỳ dành cho Việt Nam Cộng Hoà mỗi năm khoảng 1.5 tỷ đô la; vừa trang bị súng đạn, chiến cụ, vừa trả lương cho quân nhân viên chức, vừa phát triển kinh tế, điều hành hàng trăm chương trình bình định xây dựng... Khi Cộng sản suy sụp về kinh tế, đã vuốt ve người Việt hải ngoại, từ chửi bới là bọn Việt gian phản động chuyển qua nịnh bợ là Việt kiều yêu nước, chúng đã móc được của hơn triệu đồng bào hải ngoại hơn một tỷ dollars mỗi năm. Với số tiền khổng lồ này, chúng đã thoi thóp sống để tiếp tục đàn áp nhân dân. Nhiều người Việt vừa mới ra đi tị nạn, vượt biên một vài năm đã quay trở về thăm quê hương, không những chỉ đem tiền đóng góp cho Cộng sản, mà còn vô tình làm phương tiện cho Cộng sản tuyên truyền về chế độ cởi mở của chúng. Sự việc này khác nào đóng lại cánh cửa dành cho những người Việt khác đang muốn đi tìm tự do.

Ðã bốn năm qua làm việc hội, chúng tôi thấy các anh xa dần, quan điểm một vài anh đã có thay đổi. Một lần, chúng tôi đi tham dự cuộc họp mặt thường niên của một hội gồm những anh em CQN trẻ thuộc một nghành nòng cốt của Quân lực, nghe các anh biểu quyết với đa số rằng các anh chỉ muốn duy trì hội để gặp mặt tương thân mà thôi, không muốn cho hội tham gia vào các sinh hoạt chính trị khác. Chúng tôi thấy buồn vô cùng, vì đang mong tìm được người đi cùng đường, hoá ra chỉ gặp những người ngồi cùng bàn. Chúng ta đã đến lúc mệt mỏi không muốn đi mà chỉ muốn ngồi rồi ư? Các hội đoàn Cựu Quân Nhân các nơi với chỉ một vài anh trong Ban Chấp hành đã đem hết tâm huyết ra phục vụ, từ công tác tương trợ, thông tin, sinh hoạt. Anh em đã bỏ ra những giờ quý báu thay vì săn sóc gia đình, an hưởng một chút sau những ngày làm việc nhọc mệt, thậm chí có anh đã bỏ cả giờ làm việc kiếm tiền để chu toàn công tác hội. Tại Austin, có đến hơn trăm gia đình HO mới đến. Gần như BCH hội chưa bỏ sót ai mà không có chút quan tâm săn sóc giúp đỡ trong thời gian ban đầu và ngay cả về sau mỗi khi họ gặp đau yếu, khó khăn. Sự giúp đỡ tuy các anh thấy nhỏ nhoi, nhưng thực sự đem cộng lại sẽ thấy là cả một điều to tát mà chỉ có những người thực sự có một lý tưởng mới làm được. Hội không phải muốn nêu ra để kể ơn, nhưng quả thực là có anh đã hiểu sai lạc về công việc chúng tôi. Hoặc có anh tưởng chúng tôi cũng như các hội từ thiện có ngân sách tài trợ, có hưởng lương để chỉ làm công việc này thôi. Thử tưởng tượng những đêm mùa đông lạnh cóng, những thành viên trong BCH hội đã phải ra phi trường ngồi chờ hàng giờ để đón một gia đình, có khi máy bay đến trễ, có khi phi vụ bị hoản lại một đêm. Ðưa đón xong về đến nhà đã nửa đêm, chỉ còn ngủ dăm ba tiềng là dậy đi làm việc. Có anh làm ca đêm 12 tiếng, sáng ra thay vì về ngủ một giấc cho lại sức, đã phải đi đưa một gia đình đi khám bệnh, thường phải ngồi vừa làm thông dịch, vừa chờ đợi cho đến trưa. Anh LVH bỏ lở hàng chục ngày làm việc phụ trội thứ bảy để lo hường dẫn lớp học Ðiện tử. Anh NVN bỏ ra mỗi tháng ít ra là 3 ngày tròn để lo đi đưa báo, thu tiền. Bản thân chúng tôi, từ khi bắt đầu lay out, viết bài, in bài, lo gửi invoice, mail báo..., mất hoàn toàn giờ nghỉ ngơi cuối ngày, cuối tuần. Dù cho tờ báo làm để kiếm tiền bỏ túi, thì cũng chẳng xứng công chút nào. Phương chi số tiền thu nhập là hoàn toàn chi dùng cho công tác xã hội và sinh hoạt hội. Bù lại, hội trông mong điều gì ở các anh? Chắc chắn không phải là tình cảm cá nhân với cá nhân, không phải sự biết ơn đối với một cá nhân nào, mà là sự đóng góp hợp tác vì mục đích chung, sự có mặt thường xuyên để nói lên sức mạnh đoàn kết quốc gia.

Khi mà bang giao với Hoa kỳ sẽ mở đường cho Việt cộng chính thức đi vào xứ sở tự do để hoạt động, thì sức mạnh của hội đoàn Quốc gia cần được củng cố. Như một vũng đất trủng, nếu ta không đổ nuớc của ta vào được, thì kẻ thù sẽ đổ nước của chúng vào. Hội đoàn Quốc gia mạnh là yếu tố cho sự ngăn chặn hoạt động của CS. Mà hội có mạnh là do sự góp mặt của các anh. Các anh khác với quần chúng trong sinh hoạt chính trị. Vì quần chúng thì không có ý thức mà cần được hướng dẫn, lôi kéo. Các anh cũng như chúng tôi, đều có ý thức ngang nhau, cùng đều chia sẻ những đau thương, hận thù, cùng đều là nòng cốt để hướng dẫn sinh hoạt quần chúng. Nếu sinh hoạt hội không linh động, hấp dẫn, đó là sự hạn chế không thể khắc phục khi những người làm việc hội chỉ là những người tình nguyện, bỏ thì giờ riêng ra làm, dù có muôn ngàn sáng kiến cũng bó tay vì thiếu tài chánh, thiếu thì giờ và phương tiện. Nếu các anh không thỏa mãn với một ai trong ban Chấp hành, thì mời các anh tham dự sinh hoạt và chọn lại người có khả năng và tư cách hơn. Chúng tôi, sau bốn năm dám tự hào rằng đã giữ gìn tư cách trong sáng và minh bạch về tài chánh cũng như đã làm việc hết lòng mình. Mỗi năm hội chỉ có vài ba lần sinh hoạt lớn có ý nghĩa quan trọng, nâng cao uy tín trong địa phương, các anh không nhín chút thì giờ vui chơi để đến sao? Có anh trách chúng tôi đã không gửi thư mời, xin thưa chỉ năm ngoái đây hàng trăm thư mời gửi đi, có ít lắm 20 thư bị gửi trả lại vì khôngcó người nhận; thư mời đăng trên báo, gọi điện thoại đến nhiều anh, nhưng rút cục nghe trả lời rằng các anh bận, hay mệt không đi được. Buồn thay, những nơi tổ chức Karaoke, khiêu vũ thì có hàng trăm người đến, dù phải đi cả hàng trăm dặm. Chúng tôi đã suy nghĩ rất kỹ khi phải nói lên thực trạng đau lòng này, đưa ra công khai trên báo. Trong lúc vận động quyên tiền ủng hộ Nguyễn Chí Thiện, đã có một anh hỏi ngược lại: “ai giúp tôi mà tôi giúp ông Nguyễn Chí Thiện?” Cũng lúc vận động họp mặt để cám ơn các cơ quan thiện nguyện địa phương từng giúp đỡ anh em HO trong những ngày tháng đầu tiên mới dịnh cư, có người nói: “Họ làm việc ăn lương thì việc gì phải cám ơn trọng thể.” Tôi không dám tin rằng có những người thốt ra những câu nói như vậy. Quan hệ xã hội là một mối tương giao ân nghĩa. Người bán hàng cám ơn khách bỏ đồng tiền ra mua sắm, mang lại lợi nhuận cho anh ta; thì ngược lại người khách cũng cám ơn người bán đã cung cấp dịch vụ, nhu cầu cho mình. Trong chế độ Cộng sản, dù bị đàn áp, bóc lột, thậm chí trong nhà tù khổ sai, chúng ta vẫn bị bắt buộc hàng ngày lên tiếng nhớ ơn bác và đảng. Chính quyền chúng ta chưa hề kể ơn với công dân, nhưng thực ra đã làm rất nhiều cho người dân của mình. Tôi còn nhớ có nhà trí thức nọ đã nói: “Tôi ơn gì với xã hội, tôi đỗ đạt là do chăm học, tôi đi làm mới kiếm được đồng lương chứ xã hội cho tôi cái gì?”

Không, chúng tôi cố không tin rằng anh thực tâm nói ra điều vô ý thức như thế. Trong trường hợp chúng ta, nếu không có bà Khúc Minh Thơ và những hội doàn tranh đấu, thì ngày nay chúng ta và gia đình còn lầm lũi nhọc nhằn bên kia bờ Thái Bình Dương. Chúng ta còn còng lưng đạp xe xích lô trên đường đầy ổ gà để nhận đồng tiền không dủ ăn sáng. Chúng ta còn nhọc nhằn trên cánh đồng một khu kinh tế mới nào đó. Nếu không có các cơ quan thiện nguyện bỏ tiền ra cho mượn để mua vé máy bay, chúng tôi tin chắc rằng không tới vài phần trăm là có thể chạy vạy lo được phương tiện mà đi. Nếu không có các cơ quan địa phương, chúng ta như người mù, người câm trong cái xã hội hoàn toàn xa lạ này, lấy đâu mà có nơi ăn, chốn ở, có công việc làm kiếm được đủ qua ngày chờ vươn lên.

Sống trong xã hội, là đã phải chịu ơn xã hội. Ðó là đạo lý làm người mà thế hệ chúng ta đã từng được dạy dỗ khi còn thơ. Bưng chén cơm lên miệng ăn, chúng ta được dạy phải nhớ ơn người nông dân chân lấm tay bùn dãi dầu mưa nắng trên các mảnh ruộng khô. Ngày nay, ở trong những căn nhà đầy dủ tiện nghi, đi xe trên những xa lộ êm ái, lẽ nào ta lại vô ơn đối với những thế hệ đã đóng góp, xây dựng từ bao năm nay. Nhớ lại trong chế độ Cộng sản, chúng bắt ta vào tù, đày đọa hàng bao năm dài, ly tán gia đình, bạc đãi vợ con ta, mà chúng ta vẫn phải hàng ngày nói ra hay viết lên giấy những câu nhớ ơn cách mạng... Trong khi dưới chế độ Cộng hoà, bao nhiêu người học hành đổ đạt nhờ phương tiện và tài khoản quốc gia, ít người thấy rằng đó là cái ơn sâu phải đền đáp. Nghịch lý là ở đó. Mỉa mai là ở đó.

Ngày nay, tại Austin, chúng ta đã chứng kiến đến 80 phần trăm anh em HO thành công, mua nhà mới, mua xe mới, con cái học hành thành đạt. Chúng tôi tin rằng đại đa số các anh vẫn ghi khắc trong lòng chút thâm tình đối với những người đã đến với mình ngay trong giây phút đầu tiên.

Chúng tôi tin rằng chỉ có một số rất nhỏ quan tâm về cơm áo và hưởng thụ còn đại đa số vẫn nuôi trong lòng một lý tưởng để làm gì cho quê hương.

Xin đừng để những năm tháng lao tù trở thành vô nghĩa. Xin đừng để những điều mà bạn bè chiến hữu, đồng bào còn ở lại gửi gắm nơi ta trở nên mỉa mai. Xin đừng để những người ngoại quốc nhìn chúng ta và nói: “đây cũng chỉ là những người tị nạn kinh tế mà thôi.”