PDA

View Full Version : Công Cha Nghĩa Mẹ .



loibangTQLC
06-04-2010, 05:00 PM
(Lời Tác Giả: Nhân ngày lễ Father's Day năm 2010, Tùy Bút này như một nén hương dâng lên Ba và là lòng biết ơn của con đối với công ơn sinh thành và nhất là sự hy sinh không bờ bến của Mẹ - người mà vẫn đứng vững như cây cổ thụ qua bao nhiêu là cuộc chiến thê lương trên quê hương mình.)



--------------------------------------------------------------------------------
CÔNG CHA NGHĨA MẸ
Tùy Bút: Phạm G. Đại
--------------------------------------------------------------------------------


Hồi nhỏ chúng ta học nằm lòng câu thành ngữ gần như ca dao trong văn chương Việt Nam: "Công Cha như núi Thái Sơn, Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chẩy ra" nhưng ít khi nào chúng ta ngẫm nghĩ về sự so sánh rất là sâu sắc đầy ý nghĩa về công ơn của hai đấng sinh thành.


Thật vậy, khi còn nhỏ tôi thường nghĩ rằng cả hai ơn đức nuôi dưỡng của cha mẹ đều to lớn ngang nhau, nhưng càng lớn lên và nhất là sau những năm tháng trong ngục tù "cải tạo" thì tôi mới nhận thức được cái vai trò vô cùng quan trọng và bất khả thay thế được của người Mẹ.


Chả thế mà ta có câu:"Con không Cha như nhà không nóc" nhưng "Con mất Mẹ liếm lá ngoài đường".


Công Cha thì to lớn, vĩ đại và hùng vĩ như ngọn núi Thái Sơn và Nghĩa Mẹ thoạt nhìn thì nhỏ bé và dịu dàng như giòng suối trong nguồn, nhưng giòng suối đó vẫn róc rách chẩy ngày đêm qua bao nhiêu là năm tháng thì sẽ thành giòng sông, thành biển cả bao la, và đó chính là tình của Mẹ vẫn êm đềm yêu thương và chăm sóc con cái từ lúc con sinh ra đời hàng ngày và hàng đêm cho đến khi trưởng thành.


Nhất là người Mẹ đó lại là bà Mẹ Việt Nam đã sống kinh qua bao nhiêu cuộc chiến điêu tàn trên quê hương VN không lúc nào ngưng tiếng súng, từ những phong trào chống Pháp của vị anh hùng Nguyễn Thái Học và 13 nhà chí sĩ Yên Bái đến chiến tranh Pháp - Nhật, rồi Việt Minh, chia đôi Nam Bắc di cư vào Nam, đến cuộc chiến Quốc - Cộng 1954-1975 và những năm tháng gian khổ dưới ách cai trị hà khắc và phi nhân của Cộng Sản tại miền Nam sau năm 1975.


Những bà Mẹ Việt Nam đó chính là những thỏi vàng ròng quí hiếm đã không bị khói lửa chiến tranh làm cho sói mòn mà còn vươn lên và làm được những kỳ tích mà ít bà mẹ nào trên thế giới có thể sánh được trong những giai đoạn cực kỳ khó khăn đó của đất nước.


Trong gia đình từ nhỏ, anh em chúng tôi gọi Bố là Ba và gọi Mẹ là Mợ. Đúng ra thì Ba đi với Mẹ và Cậu đi với Mợ mới là cách xưng hô của người Hà Nội ngày xưa.


Người Hà Nội mà tôi đề cập ở đây là người Hà Nội lịch lãm của Thăng Long thành, và của văn hóa trước năm 1954, chứ không phải đám người từ trong rừng rú, trong hang Pắc Bó đi ra và mang theo cái học thuyết Cộng Sản quái thai và ngoại lai về để cướp chính quyền, rồi về Hà Nội cướp nhà cướp đất của dân chúng rồi vỗ ngực tự xưng là dân Hà thành và đã làm băng hoại hết những giá trị văn hóa và đạo đức từ ngàn xưa của dân tộc.


Tuy nhiên tôi cũng không để ý lắm đến cách xưng hô ấy trong gia đình mà chỉ biết rằng Ba tôi là một người theo Tây học và học sinh trường Bưởi ngày trước, và là một người có đầu óc đầy sáng kiến.


Ông Nội tôi lại là một nhà nho và một thầy thuốc Bắc sau này ra làm nghị viên thành phố nên ở nhà thường gọi là ông Nghị. Ông Nội tôi cũng nhiều sáng kiến nhưng ông chỉ dùng nó để sáng chế ra những đồ chơi thật là lạ lùng hấp dẫn mà đã làm cho các anh em chúng tôi say mê lúc còn nhỏ như lồng đèn Trung Thu khi thắp nến lên thì thấy có đoàn quân cầm cờ hay ngồi trên lưng ngựa chạy vòng chung quanh, hay chiếc tầu thủy bằng thiếc chạy được trên chậu thau hay bể nước khi gắn một miếng sà bông dưới đáy tầu.


Trong khi đó Ba tôi lại biết áp dụng sáng kiến vào thương mại vào đầu tư cho nên đã ba lần Ba Mẹ tôi trở thành triệu phú từ những năm trưóc khi sanh ra tôi.


Ba tôi đã đem sáng kiến vào ngành dệt và phát triển ngành này trong kỹ nghệ dệt tại Nam Định và là chủ nhân ông của một nhà máy dệt lớn trong thành phố nơi sinh ra tôi.
Lúc đó, Nhật đang chiếm đóng thành phố này và một hôm có một người đàn bà là tình nhân của một viên sĩ quan Nhật đến nhà Ba Mẹ tôi và đòi hỏi một cách hách dịch là phải có phần chia trong xưởng dệt đó nếu không bà ta sẽ cho đóng cửa nhà máy. Bà ta ngồi trên ghế tay phe phẩy chiếc quạt vừa nói mà không thèm nhìn Ba Mẹ tôi nữa với thái độ rất là kênh kiệu. Ba tôi thì quá tức giận vì con người trơ tráo này và nhất định không chịu vì nhà máy dệt mới xây dựng lên chưa bao lâu, nhưng Mẹ tôi bảo người đàn bà đó hãy về cho gia đình thu xếp.


Sau đó Mẹ tôi mới khuyên Ba tôi là nên chấp nhận, nếu không thì hàng trăm công nhân sẽ bị mất việc vì cơ xưởng đóng cửa, và con đàn bà nhân ngãi của Nhật đó làm ác thì sẽ gập quả báo, còn mình thì cứ làm gì cho phải đạo mà thôi.


Lúc đó Ba tôi mới thấy sự khôn ngoan của người vợ mình và nhờ đó mà xưởng dệt không bị đóng cửa.


Quả thật, một thời gian ngắn sau thì Ba Mẹ tôi nghe tin người đàn bà đó bị té ngã từ trên lầu xuống gẫy chân và không biết vì sao mà không thể đi lại được nữa.


Nhưng rồi cũng không ai qua khỏi định mệnh vì chiến tranh Nhật-Pháp lan rộng khắp các tỉnh thành và cả thôn xóm miền Bắc, và nhà máy dệt của Ba Mẹ tôi cùng nhiều nhà máy khác đã bị bom đạn san bằng.


Ba Mẹ tôi lại phải tản cư qua tỉnh khác lánh nạn.


Mẹ tôi kể rằng lúc đó mới có bốn anh em trai và Mẹ đã phải gánh bốn anh em tôi trong đôi thúng đi khắp làng này qua làng khác trong khi Ba tôi thì hướng dẫn cả một đoàn người đi chạy loạn trong đó có hai gia đình của ông Đốc là em ông Nội.


Ba Mẹ tôi lúc đó còn rất trẻ nhưng Ba tôi là trưởng tộc lại có học thức và biết tiếng Pháp nên hầu như là trưởng đoàn và từ ông bà đến các cô chú ai cũng nghe theo.
Nhiều tháng trời, Ba Mẹ tôi theo dòng người tản cư như thác lũ hướng về Hà Nội, vượt qua bao nhiêu trận ném bom của Pháp vào vùng Nhật chiếm đóng và tránh né được bao nhiêu là cuộc càn quét của Nhật vào những nơi còn quân Pháp đồn trú.
Sinh mạng con người trong thời loạn ly mong manh như cành hoa trước giông bão và Mẹ tôi vẫn thường nhắc lại rằng quả thật con người ta có số mạng vì hàng ngày nhìn thấy bao nhiêu người chết bị thương vì bom đạn vì kiệt sức mà gia đình mình nhờ Trời Phật vẫn bình an dù là lao đao trong khói lửa.


Trong tình hình gian nan nguy hiểm như vậy thì ông anh thứ hai của tôi lại bị bệnh "cam tẩu mã" làm cho hai hàm răng lung lay sắp rụng hết, may mắn nhờ có thuốc cao của ông Nội tôi bào chế ra và đắp vào cả hai hàm răng và lợi nên đã chữa được và giữ lại được hàm răng cho anh tôi kịp thời.
Chưa hết, sau đó lại đến người anh thứ ba bị phù thủng đi không được và Mẹ tôi nghe lời ông Nội là phải cho anh tôi ăn chuối mới trị bệnh được nhưng đang tản cư thì kiếm đâu ra được. Lúc đó mới thấy tình Mẹ, không chỉ là nuớc chẩy trong nguồn mà bao la như biển Thái Bình, vì Mẹ nhất quyết phải vào trong các làng mạc bên đường rất là vất vả và nguy hiểm để kiếm cho bằng được một nải chuối cho anh tôi ăn dần và không ngờ bệnh phù thủng đã lui đi một cách lạ lùng.


Nhưng thật là "phước bất trùng lai họa vô đơn chí", phước chẳng đến hai lần nhưng họa thì chẳng đến một lần rồi thôi,
vì trong khi theo đoàn người lũ lượt tản cư Ba Mẹ tôi lại lạc mất nhau.
Lúc đó Mẹ tôi đang gánh bốn anh em trai trong đôi thúng và khi nhìn lại thì không thấy Ba tôi và các ông bà cô chú đâu nữa. Mẹ tôi ngồi nghỉ lại bên vệ đường và chờ cả buổi vẫn không thấy tăm hơi gì nên một hồi suy nghĩ Mẹ tôi đoán rằng đoàn người đã gập phải chuyện gì không hay dọc đường rồi nên quyết định đi ngược lại dòng người để quay lại đi tìm Ba tôi.


Đến sẩm tối, khi Mẹ tôi tưỏng đã hết hy vọng thì mới thấy đoàn người trong đó có Ba tôi đang bị một toán võ trang Việt Minh giữ lại bởi vì Ba Mẹ tôi đang tản cư ngang qua một vùng do Việt Minh chiếm đóng. Họ bảo là đoàn ngưòi này đang trên đường vào dinh Tề tức là vào thành Hà Nội và bắt phải quay lại về hướng Nam Định.


Mẹ tôi hết sức thuyết phục họ là đoàn người chỉ chạy tản cư khỏi vùng bom đạn thôi chứ không vào Thành nhưng họ không tin. Suốt đêm hôm đó không ai chợp mắt được vì nếu quay lại có nghĩa là đi tìm về cái chết.


Rồi như một phép lạ xẩy ra, bất ngờ Ba tôi được gọi vào gập tay trưởng toán Việt Minh vì anh ta đã nhận ra Ba tôi là bạn học trường Bưởi ngày trước và viết một tấm giấy cho phép đoàn người được tiếp tục tản cư.


Lúc đó Mẹ tôi mới thở ra nhẹ nhõm và thầm cảm ơn Trời Phật và nhờ vậy mà Ba Mẹ và cả họ hàng của tôi mới vào được trong Thành an toàn.


Thế nhưng quân phiệt Nhật lại bắt dân chúng nhổ lúa và trồng đay cho kỹ nghệ chiến tranh của họ và năm đó Ất Dậu đã xẩy ra nạn đói gây cho hàng triệu người chết một cách thảm khốc nhất là những nơi vựa lúa như Thái Bình, trong khi miền Nam gạo thóc dư thừa không thể chuyển ra Bắc được.


Trong gia đình tôi, Mẹ kể lại thì Cụ Ông biết xem thiên văn cho nên một hôm Cụ bảo Mẹ tôi là phải tích trữ lúa gạo vì sắp đói to rồi. Mẹ tôi bèn thông báo cho hết họ hàng và quả thật miền Bắc đã hết thóc lúa và dân chúng đào cả củ khoai sắn, rồi củ chuối lên ăn và lũ lượt hàng đoàn người phải bỏ làng xã về thành phố đi ăn xin.


Mỗi ngày, hàng chục chiếc xe ba gác chở đầy người chết vì đói chất đống bên trên đi ngang nhà Ba Mẹ tôi, có những người vừa đến trước cửa nhà xin ít cơm cháo thì ngã lăn ra chết vì kiệt sức.


Mẹ tôi cứ nắm sẵn từng nắm cơm nhỏ một và cùng một người tớ gái đứng trước cửa nhà để phân phát cho họ, không dám cho ăn nhiều vì họ đã đói khát nhiều ngày nếu cho ăn no lại chết vì bội thực.


Mỗi khi nghĩ đến nạn đói năm Ất Dậu, chúng tôi lại vô cùng kính phục Mẹ tôi vì lòng thương người vị tha với Tâm Từ Bi của Mẹ đã giúp cho Mẹ làm được những chuyện phi thường. Nhất là lúc đó Mẹ tôi còn rất trẻ, mới 25 tuổi và chỉ theo Đạo Thờ Cúng Ông Bà và chưa hề được học qua đạo Phật hay một tôn giáo nào khác về vấn đề hành Thiện hay làm Phước.


Thế rồi Nam Bắc bị chia đôi ngày 20-7-1954, Ba Mẹ tôi di cư vào Nam như hàng triệu người VN khác không chấp nhận Cộng Sản.
Những tưởng sẽ được yên thân trong miền Nam thanh bình nhưng chiến tranh lại nổ ra khốc liệt đưa đến sự sụp đổ của chế độ Tự Do tại miền Nam.


Trong những năm tháng khi mà anh em chúng tôi đang trong tù thì gia đình Mẹ tôi bị đánh tư sản, chúng đóng quân trong nhà và đào bới khắp nơi để tìm vàng, tiền bạc cho bọn cầm quyền ngoài Bắc. Bọn Cộng Sản và VC địa phương tìm cách trục gia đình Mẹ tôi đi kinh tế mới để tịch thu căn nhà nhưng Mẹ tôi nhất quyết không đi.
Bao nhiêu lần chúng rình lúc gia đình vừa dọn cơm chiều lên là "mời" Mẹ tôi qua Phường "làm việc" và bắt ký vào lệnh giao nhà cho chúng để đi kinh tế mới rồi dụ dỗ không được thì quát tháo và vu cáo cho tội chống lại chính sách Nhà Nước của chúng. Mẹ tôi vẫn tìm kế hoãn binh mấy năm trời ròng rã, thấy không lay chuyển được Mẹ tôi, chúng cuối cùng mới chịu buông tha.
Những năm sau này khi tôi và ông anh Cả được thăm nuôi trong tù thì chính Mẹ tôi mà các con cháu thường gọi đùa và âu yếm là "Mẫu Hậu" là người chỉ huy mọi thứ, đã chắt chiu từng đồng một kiếm được hay từ những gói quà của anh thứ ba và của một em gái tôi từ bên Mỹ gửi về để gửi vào trong tù cũng như giúp đỡ thêm cho vợ con tôi và gia đình anh Cả tôi nữa cũng đang gập nhiều khó khăn tại Sàigòn và Lái Thiêu.
Bây giờ, qua bao nhiêu gian lao và khổ ải, đại gia đình tôi đều đã được định cư tại Hoa Kỳ trong nhiều chuyến ra đi khác nhau mà tôi là người sau chót,
Mẹ tôi vẫn tự hào nhắc lại lời Ba tôi trước khi nhắm mắt là:"nếu tôi mà không lấy được Mợ thì chắc gia đình mình đi ăn mày quá".


Bây giờ dù là Ba tôi mất đã lâu nhưng hình bóng của một con người học thức, hào hoa phong nhã, giầu có không kiêu căng mà chan hòa tình cảm cho cả họ hàng vẫn luôn là gương mẫu cho tôi trong cách sống ở đời.


Bây giờ dù là Mẹ tôi đã già nhưng tôi vẫn như thấy ẩn hiện hình bóng của một người phụ nữ trẻ đẹp và giầu lòng nhân đạo và quả cảm không hãi sợ trước bạo quyền Cộng Sản, suốt một đời hy sinh cho chồng cho con; một người đã đưa được gia đình mình vượt qua hết mọi sóng gió của một nước VN đắm chìm trong khói lửa chiến tranh và đến được bến bờ Tự Do an toàn như ngày hôm nay.


Tôi viết lên những giòng tùy bút này như lời cám ơn chân thành đến Mẹ và anh Ba và các em đã gửi những gói quà gói ghém tình thương gia đình trong đó vào tận trong tù nơi rừng sâu núi thẳm. Tôi muốn nói với Mẹ rằng con rất thương Ba nhưng con thương Mẹ còn nhiều hơn nữa.

Viết xong vào đầu tháng Sáu năm 2010

Phạm G. Đại