PDA

View Full Version : Đông Y và Tây Y .



loibangTQLC
03-29-2010, 05:29 PM
ĐÔNG Y - TÂY Y

Hồi Ký của Phạm G. Đại

Đông Y thì đã có tự lâu đời rồi trên đất nước Việt Nam chúng ta, còn Tây Y mới manh nha vào giữa thế kỷ thứ mười chín khi năm một chín năm tám tầu chiến của Thực Dân Pháp ghé vào khu vực cảng Đà Nẵng mở màn cho việc xâm chiếm Việt Nam làm thuộc địa.

Từ đó Tây Y đã đem lại nhiều điều vừa mới mẻ vừa kỳ diệu trong việc chữa trị cho chúng ta và một số căn bệnh trước kia cho là nan y như Lao, Phong, Cổ, Lại, v.v. vào thời đại của chúng ta đã không còn là nan y nữa.

Ông cụ thân sinh ra tôi theo Tây học và rất ưa chuộng nền văn minh Pháp quốc và đọc toàn là sách báo và dùng hàng hóa của Pháp, cái gì cũng "còm măng" từ Tây về, và xây cái nhà mới cũng theo kiểu tây phương. Vào thời gian đầu thập niên năm mươi thì đó là cả một sự mới mẻ và tân tiến.


Ông Nội tội lại là một ông nhà nho, một thầy thuốc Đông Y suốt bốn mùa lúc nào cũng khăn đóng áo dài và đi đâu thì tay cũng vung vẩy cây dù, nắng hay mưa cũng vậy. Tôi rất thích mỗi khi được ông cõng trên vai đến cửa hiệu thuốc Đông y của ông trên phố Cầu Đất để nghe ông giã thuốc tiếng kêu leng keng hay được ăn những quả ô mai thật là ngon hay ngậm những miếng cam thảo thật là ngọt.

Tôi yêu thương Bố tôi từ khi còn nhỏ một phần vì kính phục sự học cao hiểu rộng của ông, một phần vì nhờ Bố tôi mà tôi và các anh trai của tôi đã được sự giáo dục mới theo Tây phương và được đi học tại trường Saint Joseph, một trường đạo và tư thục nổi tiếng tại Hải Phòng.


Bố tôi thường dậy cho chúng tôi những điều thường thức hàng ngày như trước khi ăn thì phải rửa tay sà phòng và trước khi đi ngủ thì phải rửa mặt và tay chân mà tôi vẫn còn ghi nhớ đến bây giờ.

Ông Nội tôi thì ngược lại, cụ chống đối kịch liệt việc Mẹ tôi thường cho chúng tôi tắm rửa hàng ngày và cho rằng tắm nhiều là mang bệnh vào người, bởi thế Mẹ tôi gọi ông là Xuân Thu nhị kỳ mới tắm một lần.

Chúng tôi gọi ông Nội là Ông Nghị vì ông có một thời đã làm nghị viên thành phố nhưng ông đã làm cho tôi rất là ngạc nhiên về sự sáng chế thần kỳ của ông về các loại đồ chơi trẻ em. Tôi vẫn chưa hiểu làm sao mà ông đã đúc được những thằng lính vác súng bằng thiếc, những xe jeep có bánh xe đẩy thì chạy được, toa xe lửa chạy trên đường ray, chiếc tầu thủy bằng sắt chạy được trên chậu nước nếu gắn một miếng sà phòng nhỏ dưới đáy tầu, và cái lồng đèn kéo quân cho rằm tháng Tám Trung Thu thì tuyệt đẹp mỗi khi thắp một ngọn nến bên trong thì nó từ từ quay và hiện lên hình những kiệu, những võng, những quân lính chay vòng vòng thật là vui.


Ông Nội tôi có bốn anh em, Ông là anh cả, kế đến là ông Đốc. Gọi là ông Đốc vì ông là bác sỹ, lúc đó vào thập niên bốn mươi số lượng bác sỹ còn rất là ít ỏi. Hai anh em, anh thì Đông Y còn em lại là Tây Y, nhưng với cả hai ông, tôi đều đem lòng kính trọng vì cả hai ông đều giỏi trong lĩnh vực chuyên môn của mình và đều có lòng nhân ái, là điều cần thiết nhất của những người trong ngành Y.

Ông Đốc vì cuộc hôn nhân không được như ý, đã xin chuyển về làm việc ở mạn ngược trong tỉnh Yên Bái trong lúc cuộc chiến tranh Nhật Pháp đang diễn ra trên đất nước Việt Nam. Trong thời gian này, ông mở thêm phòng mạch tại nhà và khám bệnh miễn phí cho rất nhiều người thuộc dân tộc thiểu số như người Nùng, Mường, Tày, Thái, Thổ, vì họ quá nghèo; và những bệnh nhân này thường đem biếu ông, ân nhân của họ, những con gà và những thứ hoa mầu mà họ trồng được. Tiếng lành đồn xa cho nên dân chúng ở những vùng xa xôi cũng lục tục kéo đến nhờ ông chữa bệnh rất nhiều. Trong số những gia đình bệnh nhân này có một cô con gái rất là duyên dáng và lịch lãm người dân tộc Thổ mà sau này đã xe duyên kết tóc với ông và thành bà Đốc. Một cuộc tình thật đẹp và lãng mạn lồng trong khung cảnh chiến tranh tàn khốc bom đạn khắp nơi của miền thượng du Bắc Việt.

Cuộc đời của ông Đốc có rất nhiều kỳ tích nhưng câu chuyện mà tôi nhớ nhiều nhất là về một anh bệnh nhân người dân tộc Mường.

Anh bệnh nhân Kra Tưng người dân tộc Mường này đã bị lao phổi qua thời kỳ thứ ba, cho nên sau một thời gian điều trị ông Đốc đã bảo anh nên về quê an dưỡng để có thể chết tại quê nhà của anh, vì ông biết là không thể chữa được nữa rồi.


Thế rồi khoảng gần một năm sau, anh chàng Kra Tưng này đột ngột xuất hiện khỏe mạnh và đem một số quà cáp đến phòng mạch để biếu ông Đốc ân nhân của anh ta. Ông rất là ngạc nhiên bèn gọi anh vào để khám bệnh lại và cho chụp quang tuyến thì lạ lùng thay hai lá phổi của anh Kra Tưng này như mọc ra hai lá phổi mới và không còn một dấu vết gì của bệnh lao phổi năm trước. Ông gạn hỏi mãi thì anh ta mới nói thực là khi về quê để nằm chờ chết thì có một người bạn thân hành nghề Đông Y đến thăm thấy vậy mới bảo anh chờ một chút rồi vào rừng hái một nắm lá, sắc lên cho anh uống. Anh cứ uống ngày này qua ngày kia và càng uống thì thấy trong người càng khỏe ra và da dẻ bắt đầu hồng hào trở lại. Một hôm người bạn đến thăm và bảo cho anh biết là anh đã hoàn toàn bình phục và có thể ngưng uống loại thuốc này; anh sực nhớ đến ông Đốc là an nhân của anh nên chuẩn bị quà cáp và áo quần tươm tất để ghé thăm ông bác sỹ.

Ông có hỏi anh đó là loại lá gì và tên mà người dân tộc gọi nó là gì thì anh không biết. Ông rất là mừng rỡ vì anh đã khỏi một căn bệnh nan y thật lạ kỳ và bảo anh cố gắng trở về tìm người bạn đó và xin ít lá cho ông để có thể cứu giúp nhiều bệnh nhân khác sau này.

Nhưng ông chờ mãi và anh Kra Tưng không bao giờ trở lại.
Ông Nội tôi thì thường hay chữa bệnh cho chúng tôi những khi đau ốm, nhất là những bệnh cảm thử, cảm hàn, lên đậu mùa, hay sởi thì ông trị rất là hay, hơn cả là thuốc tây nữa. Ông nói rằng phải dùng thuốc ta thì mới trục được hết cái gốc của bệnh cảm và sởi hay đậu mùa chứ thuốc tây không làm được. Nếu không trục được hết nó ra thì sau này có thể gây ra những biến chứng không tốt.

Anh thứ hai của tôi trong thời gian chiến tranh Nhật Pháp, có thể vì gia đình Ba mẹ tôi cứ phải tản cư liên miên để tránh bom đạn cả hai phía cho nên thiếu dinh dưỡng và bị bệnh cam tẩu mã. Tôi chẳng biết là bệnh gì nhưng hai hàm răng của anh đều bị lung lay và ông nói nếu không chữa thì sẽ không còn chiếc răng nào nữa. Chỉ thấy ông hòa chế ra một thứ thuốc gì hơi đặc như cao rồi đắp vào hai hàm răng cho anh tôi; và chỉ vài ngày sau thì anh tôi lại ăn uống được như thường, thật là lạ lùng.


Gia đình họ Phạm của tôi, hay nói đúng hơn là của ông Nội tôi, có một thứ thuốc gia truyền hiệu quả như thần là cao dán. Cũng ông anh thứ hai của tôi một hôm chạy chơi trong vùng tản cư thì bị ngã và một chiếc đinh sắt rỉ đâm vào dưới đầu gối sau đó bị mưng mủ và ăn sâu vào bên trong.


Thuốc tây thời đó rất là khan hiếm nên ông Nội lại đưa cho thứ cao gia truyền này và sau khi lấy sạch các mủ ra thì trét cao đầy vào và kỳ lạ thay chỗ bị thương đó thịt cứ dần dần đùn lên và anh tôi lại chạy chơi bình thường.


Họ hàng xa gần đều xin mỗi nhà một hũ cao này để dành vì trong thời gian tản cư rất nhiều người bị bệnh lở tay chân, hay bị căn bệnh ghê gớm là sâu quảng rất đau đớn vì nó cứ ăn sâu vào trong tay chân hay thân người mình. Cao này đều trị sạch hết những bệnh đó và công dụng đúng là như thần.

Sau này khi di cư vào Nam và khi gia đình đang sống tại Nha Trang, lúc đó tôi đang học lớp Nhất trường Nam thì Ba tôi quyết định nấu một nồi cao này.


Tôi chỉ biết rằng nguyên liệu chính là tóc và sáp và một số món thuốc ta và khi nấu thì nó tỏa ra một mùi khét không thể chịu nổi. Không ngờ đó là nồi cao cuối cùng vì sau khi Ba tôi mất thì Mẹ tôi quá bận rộn buôn bán trả nợ nần và tụi tôi còn quá nhỏ không để ý nữa cho nên toa thuốc cao gia truyền này đã bị thất lạc khi gia đình di chuyển vào Sàigòn.


Trong thời gian lưu đầy tại các trại giam miền Bắc tôi có duyên gặp được hai người thầy thuốc và châm cứu người Tầu thật là giỏi. Cả hai đều bị bắt tại vùng biên giới Việt - Trung vì nghi tội làm gián điệp. Một phần cũng nhờ ông Tướng Lê Văn Thân, người đã được ông thầy Tầu truyền lại nghề châm cứu. Khi tiếp xúc với hai ông thầy Tầu này thì thấy họ rất là hòa nhã và tỏ ra rất là có thiện cảm với anh em tù chính trị tụi tôi và tôi lại nhận ra được một điều cụ thể là người dân Việt cũng như dân Trung Hoa cũng đều là nạn nhân của một chế độ Cộng Sản vô nhân đạo mà thôi chứ bản thân họ cũng là con người có tình cảm và lương tri.


Qua Tướng Thân chúng tôi bí mật tổ chức một cuộc khám, chẩn, và chữa bệnh cho các anh em tù nhân chính trị tại một buồng giam và mời hai ông thầy Tầu này qua. Trước kia, nói thật tôi cũng không tin tưởng lắm vào việc chẩn mạch hay châm cứu dù là ông Nội tôi là thầy thuốc rất giỏi nhưng sau buổi khám chữa bệnh này quan niệm của tôi đã hoàn toàn thay đổi vì không tin vào chính mắt của mình nữa.


Hai ông, một trẻ khoảng chừng ba mươi tuổi chuyên về chẩn mạch và kê toa thuốc tụi tôi gọi là ông Sinh, một ông khoảng gần sáu mươi nhưng vẫn còn rất khỏe mạnh gọi là ông Wong chuyên về châm cứu và là thông ngôn luôn cho ông trẻ vì ông này chỉ nói được tiếng Tầu.


Lần lượt các bạn tôi từng người một được bắt mạch và những ai cần được chữa trị thì đứng qua một bên để chờ châm cứu. Ông Sinh chỉ cần bắt mạch và đôi khi cần thiết mới khám cổ họng và nói từng căn bệnh trong người của từng người một. Tụi tôi ai cũng thầm phục cái tài bắt mạch của ông. Anh Lạc bạn tôi, Thiếu Tá Cảnh Sát Đặc Biệt, nói nhỏ vào tai tôi là anh sẽ vào khám bệnh dù là chẳng có bệnh gì hết và nếu cha này mà nói anh có bệnh gì là ba xạo. Thế rồi khi đi ra anh chàng Lạc này hết sức ngạc nhiên và nói với tôi rằng hắn giỏi thật và bảo anh ráng giữ sức khỏe chứ không có bệnh tật gì hết. Anh Hiểu, người về từ tầu Việt Nam Thương Tín thì bị trĩ khá nặng nhưng không rõ ông Sinh có chẩn bệnh được không? Tôi đứng bên cạnh Hiểu thì thấy sau khi bắt mạch xong, khám cổ họng xong thì ông Sinh có vẻ bối rối nói một tràng tiếng Tầu, ông Wong cũng không thông ngôn được cho nên xin một miếng giấy và ông Sinh khi vẽ xong căn bệnh của Hoàng Hiểu thì ai cũng cười ồ lên. Ông Wong nói là không chữa hết được nhưng sẽ thuyên giảm nhiều bằng châm cứu cho anh Hiểu và ông lấy ra một cái kim bằng bạc lể dọc hai bên lưng rồi lấy ra những sợi trăng trắng giống như sợi chỉ bọc mỡ đặc. Quả thật sau đó anh Hiểu bớt hẳn căn bệnh trĩ đã từng gây cho anh bao nhiêu là đau khổ. Anh Bửu Uy thì bao tử đau kinh niên và ông Wong nói sẽ nâng bao tử lên một chút thì sẽ đỡ nhiều vì không có thuốc uống. Ngay trước mắt tôi, ông dùng hai cây kim bạc dài khoảng mười lăm centimet và thọc chéo và ngập sâu vào bụng anh Uy; sau đó bệnh bao tử của anh Uy thuyên giảm thấy rõ. Ông mục sư Lộc không tin và ông Wong nói là với châm cứu có thể làm cho nhãn lực mình sáng lên hay mờ đi, ông Lộc xung phong làm thí nghiệm. Chỉ thấy ông Wong ấn chiếc kim bạc vào một huyệt đạo sau vành tai trái rồi xoay nó qua bên trái thì ngay tức khắc mắt bên trái của ông Lộc mờ đi và xoay về bên phải thì lại sáng rõ trở lại. Ông Lộc đi ra khỏi phòng còn ngoái lại nói với tôi là cái ông châm cứu này nó quả là giỏi thật.

Thấy ông tướng Thân có vẻ say mê môn châm cứu cho nên ông Wong đã truyền nghề lại cho ông Thân nhưng không rõ ông tướng Thân đã học được bao nhiêu phần cho đến ngày chúng tôi phải chuyển trại.


Cho đến bây giờ tôi vẫn tin rằng ông Trời sinh ra bao nhiêu là căn bệnh thì đều có các loại thuốc để chữa hết chỉ có điều là chúng ta không biết mà thôi. Các phương thuốc ấy có thể nằm ngay trong các loài thảo mộc, các loại rễ cây, trái cây trong thiên nhiên ở trong rừng hay ngay trước mắt trong vườn nhà mình.

Chỉ tiếc một điều là con người đầu tư quá nhiều vào chiến tranh để tàn phá lẫn nhau và tàn phá môi trường sống của họ.
Nếu trí tuệ con người và tài nguyên của các quốc gia trên thế giới được sử dụng vào nghiên cứu và khảo cứu khoa học và y tế để chữa trị các bệnh tật và giúp tăng cường tuổi thọ và sức khỏe cho con người thì không căn bệnh gì mà chúng ta không chữa trị được và thế giới này sẽ là một Thiên Đàng thu nhỏ lại.

PGĐ