PDA

View Full Version : Từ Mậu Thân đến Mậu Tý



TAM73F
03-16-2010, 06:14 PM
LTS – Tết Mậu Tý đánh dấu 40 năm ngày Cộng Sản Việt Nam tổng tấn công dịp Tết Mậu Thân, mà dưới mắt đại sứ Bùi Diễm lúc đó đang là đại sứ VNCH tại Hoa Thịnh Đốn, là khúc quanh trong cuộc chiến VN. Oâng Diễm, trong bài viết đặc biệt cho Ngày Nay dưới đây đã giải thích rõ tại sao.

Cựu đại sứ Bùi Diễm hiện cư ngụ tại vùng Hoa Thịnh Đốn và thỉnh thoảng vẫn đóng góp những bài nhận định thời cuộc hay bình luận cho Ngày Nay.

HOA THỊNH ĐỐN (NN) – 40 năm, gần một nửa thế kỷ nước chẩy qua cầu. Ở vào thời đại thông tin nhanh chóng và toàn cầu hóa ngày nay, với cục diện trên thế giới luôn luôn thay đổi, chuyện hôm nay đã sớm thành chuyện hôm qua, nếu nhìn lại biến cố Mậu Thân 1968 và ngay cả toàn bộ chiến tranh Việt Nam thì thời gian trôi nhanh đã cuốn theo tất cả lùi xa vào dĩ vãng của thế kỷ trước để trở thành lịch sử cận đại.

Hôm nay, trong lúc mọi người dân Việt, ở trong nước cũng như ở ngoài nước đang sửa soạn Tết trong hòa bình và hy vọng để bước sang một năm Mậu (Mậu Tý), người viết đi ngược giòng lịch sử, trở về những ngày cũng của một năm Mậu (Mậu Thân), không phải là có ý muốn khơi lại những mất mát lớn lao mà nhiều người không may trong chúng ta đã phải chịu đựng trong quá khứ, mhưng là để ghi lại kỷ niệm một ngày khó quên, với ước mong rằng kỷ niệm nhiều ý nghĩa này, sẽ được coi như một bài học cho mọi người trong tương lai mỗi khi đất nước phải trải qua những giai đoạn khó khăn.

Biến cố Mâu Thân đến với tôi cũng như với nhiều người khác thực sự không ngờ. Ở vào thời điểm gần đến Tết năm ấy, theo chỗ tôi hiểu và theo nhận định chung của các giới chức Việt và Mỹ thì tình hình chiến sự ở Việt Nam tương đối được coi là không có gì đáng lo ngại trong khi đó thì về mặt chính trị lại có dấu hiệu tiến triển khả quan.

Quốc Hội Lập Hiến đã soạn thảo xong một bản Hiến Pháp, và những cuộc bầu cử Tổng Thống, Thượng Viện và Hạ Viện vào mùa thu năm ấy cũng đem lại một bầu không khí tương đối ổn định so với những xáo trộn hai, ba năm về trước. Chính vì những nhận định lạc quan đó cùng với sự tin tưởng là theo thông lệ cả hai bên chiến cuộc đều mặc nhiên đồng ý là ngưng chiến trong mấy ngày Tết mà cuộc tấn công ồ ạt của những đơn vị Việt Cộng ngay ở thủ đô Sài Gòn và nhiều nơi khác đã làm cho nhiều người ngạc nhiên. Thực ra không ai ngờ được là Cộng sản có thể táo bạo đến mức độ tin rằng họ có thể đánh bại được nửa triệu quân lính Mỹ có mặt ở Việt Nam lúc đó, đồng thời xúi dục được người dân Miền Nam nổi dạy chống chính phủ Sài Gòn.

Biến cố Mậu Thân là một biến cố lớn trong lịch sử chiến tranh Việt Nam và cho đến nay đã có đến hàng trăm cuốn sách hoặc bài báo nói về biến cố này, do đó tôi không có ý đi sâu vào chi tiết vụ tấn công, địch quân thiệt hại ra sao, trong hoàn cảnh nào những thường dân ở Huế bị sát hại và chôn vùi dưới những nấm mộ tập thể, thời gian bao lâu thì quân đội Việt và Mỹ ổn định lại được tình hình... Tôi chỉ nhắc lại một nhận định mà cho đến nay những học giả và nhà khảo cứu ở cả hai bên chiến cuộc đều không có ai phủ nhận. Những người Cộng Sản, mặc dầu dám áp dụng một chiến lược táo bạo không những không đạt được mục đích, đánh bại quân đội Việt và Mỹ để chiếm đóng những thành phố lớn như Sài Gòn, Huế và đồng thời thúc đẩy người dân đứng dậy "tổng khởi nghĩa" theo họ. Không những thế họ đã bị thiệt hại nặng nề đến nỗi họ phải chờ thêm bốn năm nữa với sự giúp đỡ của Trung Quốc và Nga Sô để "luyện quân rèn cán", mới có cơ hội tổ chức được một cuộc tấn công khác, gọi là "mùa hè đỏ lửa năm 1972." Nhưng điều trớ trêu ở đây là mặc dầu họ thất bại hoàn toàn về cả quân sư lẫn ï chính trị ở Việt Nam, họ lại gặt hái được những kết quả mà chính họ cũng không ngờ, đó là ảnh huởng của cuộc tấn công vào nội tình chính trị của Mỹ, đưa đến kết quả là vụ tấn công trở thành một khúc quanh trong chính sách của cuờng quốc Mỹ đối với cuộc chiến ở Việt Nam.

Một ngày đặc biệt

Tổng tấn công cùng một lúc tại thủ đô Sài Gòn và nhiều tỉnh lỵ khác trên toàn quốc Việt Nam vào đúng ngày 30 Tết thì cũng như tất cả những ai đã trải qua những giai đoạn gây cấn của cuộc chiến, không ai quên được. Nhưng riêng đối với cá nhân tôi thì ngày mà tôi đặc biệt nhớ hơn cả là ngày mà hoàn cảnh lúc đó đặt tôi vào một vị trí, một cơ hội, gần như được nhìn thấy tận mắt, nghe thấy tận tai những điều báo hiệu những khó khăn của Việt Nam về sau này. Nói trắng ra là sự rút lui của quân đội Mỹ ra khỏi Việt Nam một ngày không xa vì chính sách của Mỹ đối với Việt Nam đã bắt đầu soay chiều. Đấy là một ngày sau Tết Mậu Thân, ngày tôi gặp Tổng Thống Mỹ Lyndon B. Johnson tại tòa Bạch Ốc 18 tháng 3, 1968. Ngày đó đã ghi vào ký ức tôi một cách sâu đậm hình ảnh của vị Tổng Thống của một đại cường quốc với uy quyền tột đỉnh chia sẻ nỗi lo âu của ông với một người Đại Sứ nước bạn đang trông cậy vào sự giúp đỡ của nước Mỹ.

Trong suốt ba ngày Tết, tin tức mà ở Hoa Thịnh Đốn Sứ Quán Việt Nam thâu thập được từ mọi phía cho chúng tôi thấy là sau 48 tiếng đồng hồ địch quân đã bị đẩy lui ra khỏi thành phố Sài Gòn, quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã nắm lại được ưu thế và tổn thất của địch quân rất nặng. Nhưng những tin tức này tuy nhiên không địch lại được với những hình ảnh trên những đài truyền hình. Dân chúng Mỹ đã trông thấy Đại Sứ Bunker đang đứng nhìn sác chết của những đặc côngViệt Cộng nằm ngổn ngang bên trong hàng rào của tòa Đại Sứ Mỹ ở thủ đô Sài Gòn. Họ cũng nhìn thấy binh sĩ Việt Nam và Mỹ đang sáp lá cà với những toán quân địch còn sót lại trong thành phố giữa những tiếng la hét của những sĩ quan chỉ huy, tiếng nổ inh tai của những ổ súng máy. Những cảnh giết chóc, đẫm máu này mà chỉ những quân nhân ở chiến trường nhìn thấy, thì nay người dân Mỹ mục kích hàng ngày ngay trong nhà họ, không qua một hình thức kiểm duyệt nào cả. Đặc điểm này chính là yếu tố tác động mạnh vào tâm lý người dân Mỹ để rồi ảnh hưởng đến chính giới Hoa Kỳ.

Với tình hình ở Sài Gòn tạm yên, và địch quân bị đánh bật ra khỏi Huế, tôi vùi đầu vào những cố gắng thăm dò. Ngày nào tôi cũng mời những nhà báo lớn của Mỹ đến dùng bữa trưa với tôi tại Sứ Quán và không ngày nào là ngày tôi không tìm cơ hội để gặp các Thượng Nghị Sĩ hay Dân Biểu tại Quốc Hội. Về phía dư luận người dân và thái độ của những vị dân cử thì những thăm dò của tôi cho thấy rằng họ coi biến cố Mậu Thân như một gáo nước lạnh dội lên đầu họ. Họ gần như không cần biết ai thắng ai bại mà chỉ muốn chấm dứt bắn giết. Nhưng còn thái độ của chính phủ Johnson thì sao? Và đây là điều then chốt mà với tư cách là đại diện của Việt Nam bên cạnh chính phủ Hoa Kỳ, tôi cần phải tìm hiểu.

Thực ra thì ngay sau những ngày Sài Gòn bị tấn công, Tổng Thống Johnson đã tuyên bố rõ ràng là Hoa Kỳ tiếp tục ủng hộ và viện trợ cho Việt Nam. Tuy thế nghe ngóng từ phía tả sang phía hữu tôi cũng nghe được nhiều lời đồn đại là ngay trong hàng ngũ những người tương đối ở cấp cao trong chính phủ đã có những người bắt đầu có những luận điệu không còn tin vào Tổng Thống Johnson nữa. Tôi áy náy không hiểu những lời đồn đại đó thực hư ra sao nên tôi tìm cách gặp thật nhiều người trong chính giới và báo chí và nhất là những nhân vật then chốt trong chính phủ. Tôi lấy cớ là phải về Sài Gòn để phúc trình về tình hình chung nên yêu cầu được gặp Ngoại Trưởng Dean Rusk, Bộ Trưởng Quốc Phòng Clark Clifford mới thay thế ông McNamara, Cố Vấn An Ninh Quốc Gia tại tòa Bạch Ốc, ông Walt Rostow.

Như thường lệ, ông Rostow trấn an tôi và nói rằng Tổng Thống Johnson vẫn giữ vững lập trường ủng hộ Việt Nam Cộng Hòa nhưng ông cũng không phủ nhận là chính phủ Hoa Kỳ đang gặp nhiều khó khăn vì phong trào chốâng đối chiến tranh càng ngày càng lan rộng. Ngay sau khi buổi họp với ông Rostow, tôi ghé qua văn phòng của Ông Jorden, Phụ Tá của ông Rostow, một người bạn thân đã từng giúp đỡ tôi nhiều trong quá khứ. Và cũng vì chỗ thân tình, tôi nói thẳng với ông Jorden là tôi muốn được gặp Tổng Thống Johnson trước khi trở về Việt Nam. Ông Jorden trả lời là ông không dám hứa nhưng ông sẽ bàn với ông Rostow về lời yêu cầu của tôi và sẽ cố gắng thu xếp. Về phương diện này thì trong giới ngoại giao ai cũng rõ là không mấy Đại Sứ trong số hơn 160 đại diện các nước lớn nhỏ tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn được dịp gặp Tổng Thống Hoa Kỳ, họa chăng chỉ có ngày đầu đến trình Ủy Nhiệm Thư và hàng năm có một buổi Tổng Thống đãi tiệc ngoại giao đoàn, còn ngoài ra thì đã có Ngoại trưởng tiếp súc với các Đại Sứ.

Thực ra, tôi không hề có ảo tưởng là có thể ảnh huởng được Tổng Thống Hoa Kỳ nhưng tôi nghĩ rằng nếu gặp được ông thì ít ra tôi cũng hiểu được một phần nào tâm trạng của người lãnh đạo Hoa Kỳ. Tôi không chắc là ông Rostow và Jorden có thể thu xếp được việc tôi yêu cầu nhưng cũng vẫn hy vọng vì cho đến nay qua nhiều dịp như ở Honolulu, Guam, Manila, tôi đã được dịp trực tiếp nói chuyện với ông và ông đã tỏ vẻ dễ dãi với tôi (có lần ông đã hỏi tôi có phải là con cháu ông Bùi Viện không và chúc tôi được may mắn hơn ông Bùi Viện) Điều đó không phải là tôi tài giỏi gì nhưng chiến tranh Việt Nam là mối lo hàng đầu của Hoa Kỳ lúc đó và việc tiếp xúc với mội người Đại Sứ của Việt Nam cũng không là điều ngạc nhiên quá đáng.

Gặp Tổng thống Johnson.

Sáng hôm 18 tháng 3, ông Jorden gọi điện thoại cho biết là ông muốn gặp tôi tại tòa Bạch Ốc. Để đánh lạc huớng các nhà báo thường ngày có mặt tại tòa Bạch Ốc, ông yêu cầu tôi tới văn phòng của ông vào lúc 5 giờ chiều để nói chuyện với ông trước rồi một lúc sau mới từ đó đi bộ không qua hành lang bên ngoài sang văn phòng (Oval Office) của Tổng Thống.

Khi ông Jorden và tôi tới thì ông Johnson tiếp tôi rất niềm nở chẳng khác gì những lần trước. Lúc ngồi xuống, đối diện với ông, tôi mới nhận thấy mới có vài tháng (lần chót tôi gặp ông là hồi tháng 11, 1967) mà ông già hẳn đi. Trông ông có vẻ mệt mỏi, ưu tư hiện rõ trên mặt, dường như gánh nặng của chiến tranh Việt Nam đang thử thách sự chịu đựng của ông. Trong thâm tâm, tôi muốn như chia sẻ với ông những khó khăn đang đè nặng lên hai vai ông. Tôi trình bày những tin tức mới nhất mà tôi nhận được từ Việt Nam và sau đó những nhận định tổng quát của Việt Nam về cuộc tấn công ngày Tết vừa qua, những tổn thất nặng nề của địch và những cố gắng của chính phủ VNCH tại nông thôn để ổn định tình hình cũng như để dân chúng có thể trở về với đời sống hàng ngày của họ.

Tết Mậu Thân đã cho người dân Việt Nam thấy là quân đội Việt Nam Cộng Hòa đủ sức bảo vệ họ và cũng vì có niềm tin tưởng mới đó mà chính phủ VNCH ban bố được lệnh tổng động viên lớp người 18 tuổi, điều mà từ trước đến nay, chưa chính phủ nào thực hiện được. Riêng về trách nhiệm của Việt Nam Cộng Hòa trong tương lai, tôi xác nhận với ông là Việt Nam sẵn sàng nhận thêm trách nhiệm để bớt gánh nặng cho Hoa Kỳ. Tôi đặc biệt lưu ý ông Johnson là Việt Nam muốn được trang bị thêm loại súng M-16 vì cho đến nay rất ít đơn vị của Việt Nam được trang bị loại súng này trong khi đó thì địch quân có những khẩu AK-47 rất tối tân của Trung Cộng. Ông Johnson tỏ vẻ hơi ngạc nhiên khi tôi nêu vấn đề này lên và quay lại yêu cầu ông Jorden (người phụ tá độc nhất có mặt tại buổi họp) ghi rõ lời yêu cầu của tôi . Ông chậm rải hỏi tôi về tinh thần của quân đội và dân chúng Việt Nam, nhưng nếu so sánh với những lần trước tôi được gặp ông, thì lần này ông nói rất ít. Trong suốt buổi họp ông ngồi yên, tay chống cầm, ngước mắt qua kính chăm chú nghe tôi nói. Với giáng điệu suy tư của ông lúc đó tôi có cảm tưởng như ông theo đuổi những ý kiếng riêng tư của ông và ông chỉ hỏi tôi chỉ với mục đích để đào sâu những suy tư riêng biệt đó.

Trong phòng lúc đó không một tiếng động. Dường như ông đã ra lệnh không ai được nhắc nhở điều gì nên ông Jorden ngồi ngay đó mà cũng không có lời nào để thêm vào cuộc trao đổi ý kiến. Bầu trời bên ngoài đã sâm sẩm về tối. Buổi hội kiến với ông đã kéo dài gần một giờ đồng hồ mà ông cũng vẫn tỏ vẻ chưa thấy cần phải chấm dứt. Thật sự mà nói, chưa bao giớ tôi có cảm tình với ông bằng lúc này. Tôi cám ơn ông về buổi hội kiến nhưng ông vẫn ngồi yên, rồi đợi đến hai ba phút rồi mới nói với tôi một vài lời chân tình. Ông nói: "Nếu chúng ta không thắng thì rắc rối to, tôi đã hết sức cố gắng, nhưng một mình tôi không thể nào cầm cự mãi được" (tôi ghi rõ những lới nói này nguyên văn bằng tiếng Anh là; I cannot hold alone, we are in deep trouble if we don't win")

Những lời nhìn nhận khó khăn từ miệng người lãnh đạo của một đại cường quốc được rót vào tai tôi gần như để cảnh cáo những nhà lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa là rất có thể Hoa Kỳ không giữ được những lời cam kết về Việt Nam. Ông phải thốt ra những điều như vậy, tôi coi là những điều bất tường đối với Việt Nam Cộng Hòa mặc dầu là vào phút chó buổi họp ông có nói thêm với tôi là ông sẽ ra lệnh cho Bộ Quốc Phòng để thỏa mãn lời yêu cầu của Việt Nam về loại súng M-16. Tôi rời văn phòng Tổng Thống vào lúc bên ngoài trời đã tối. Các hành lang tòa Bạch Ốc gần như không còn người qua lại. Cảnh tượng thật lạnh lẽo. Hai chân tôi buớc đi mà lòng thì nặng trĩu vì lo lắng không biết rồi đây tương lai của miền Nam sẽ ra sao.

Ngày hôm sau tôi lần lượt đến thăm hai ông Bộ Trưởng Quốc Phòng Clark Clifford và Ngoại Trưởng Dean Rusk. Cả hai ông dường đã nhận được lời dặn dò của Tổng Thống nên tôi đều phải nghe những lập luận không khác gì những lời nói của Tổng Thống, nếu có khác thì chỉ là những lời nói thẳng thừng hơn ngôn từ của Tổng Thống. Ông Clifford thì nói với tôi là: "lúc này không còn là lúc dùng những danh từ mỹ miều ngoại giao nữa" (nguyên văn: "we have run out of time for diplomatic niceties"). Và sau khi ông nói là ông đã nhận được chỉ thị của Tổng Thống về vấn đề loại súng M-16, ông còn thêm một câu sau chót: "Chúng ta phải tìm ra được một giải pháp nào đó, nếu không thì chắc chắn sẽ có tai họa". Còn về phía ông Rusk thì tuy ông có những lời lẽ nhẹ nhàng nhưng ông cũng không dấu diếm nói với tôi sự thật là chính sách của Hoa Kỳ đang trải qua một thời kỳ khó khăn. Ông nói: "Chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác và mục tiêu của chúng tôi không còn là thắng lợi quân sự nữa mà là hòa bình trong danh dự". Hơn một năm về trước ông Rusk đã có lần nói với tội: "Ông Đại Sứ nên hiểu rằng nếu Hoa Kỳ quyết tâm làm việc thì chắc chắn là sẽ làm được việc đó". Phải chăng lúc này Hoa Kỳ không còn quyết tâm như trước nữa?

Một ngay sau đó tôi lên đường trở về Sài Gòn để tường trình về những điều mà tôi đã được tai nghe mắt thấy. Trên đường về dài dằng dặc trên máy bay, tôi còn nghe văng vẳng bên tai những lời thốt ra từ miệng những nhà cầm quyền Hoa Kỳ, đặc biệt là những lời thú nhận khó khăn của Tổng Thống Johnson cùng với giáng điệu suy tư của ông trong buổi hội kiến ngày 18 tháng 3, 1968

Những người khác ở vào địa vị tôi chắc cũng không thể nào quên được ngày đó vì đây chính là những lời cảnh cáo Việt Nam Cộng Hòa. Hoa Kỳ là một đại cường quốc có thế lực bao trùm trên thế giới. Việt Nam không những nên mà còn cần phải tranh thủ sự giúp đỡ và ủng hộ của Hoa Kỳ. Nhưng Việt Nam cũng luôn luôn nên nhớù là sự giúp đỡ hay ủng hộ này cũng có giới hạn, vả lại cũng còn thuộc vào điều kiện quyền lợi của hai nước có còn đi đôi với nhau không?

Với những ý nghĩ đó trong đầu trên suốt chặng đường về Sài Gòn và cả đến ngay bây giờ, 40 năm sau, làm sao mà tôi có thể quên được ngày và cơ hội hội kiến với Tổng Thống Johnson sau Tết Mậu Thân.

Bùi Diễm

( Sưu-Tầm)