PDA

View Full Version : Chồng già vợ trẻ là tiên !



TAM73F
03-05-2010, 06:14 PM
Cụ Văn Tùy nhấc chân lên không muốn nổi, một phần vì mười mấy tiếng đồng hồ ngồi trên máy bay, tù túng quá nên hai cái chân như muốn tê đi, một phần vì cụ đã có tuổi rồi mà lại mới về Việt Nam “kết hôn” xong nên mới thế. Cụ Văn Tùy năm nay tuy đã ngoài 70, cái tuổi mà người xưa bảo là “Thất thập cổ lai hi”, nhưng cụ chẳng “cổ lai hi” tí nào vì trông cụ còn quắc thước, khoẻ mạnh. Cụ lại có tài văn chương, viết lách lý luận đâu ra đó, nên được nhiều người kính nể! Giá đừng có chuyến về Việt Nam vừa rồi thì cũng đâu đến nỗi, chỉ vì...

Chỉ vì sống nơi đất khách quê người nó đã buồn như chấu cắn, bạn bè chẳng có mấy người, chỉ còn hai ông bà già sớm hôm hú hí, thế mà cách đây mấy năm cụ bà tự nhiên lại chán cảnh trần ai bèn cưỡi hạc về nơi tiên cảnh, bỏ cụ lại một mình nên cụ mới buồn quá sức, buồn tưởng chết đi được! May mà ở nơi đất nước văn minh, già đã có Nhà Nước nuôi, mỗi tháng cụ cũng lãnh được cái check mấy trăm nên không phải lo về đường sinh kế, chứ phải như ở với Việt Cộng, già lết không nổi cũng cứ phải chống gậy đi kiếm lấy mà ăn. Răng lợi cái còn cái mất như cụ Văn Tùy mà cứ phải trệu trạo củ khoai củ sắn thì chả mấy chốc mà ngỏm củ tỏi!

Cứ ngồi nhà mà viết lách mãi nó cũng chán, mà viết cái gì đây? Bọn trẻ nó mới có nhiều cái để mà viết: Truyện tình yêu, truyện ăn chơi, truyện trai gái, truyện cờ bạc, truyện nhậu nhẹt v.v... Chứ còn cụ, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có chửi Việt Cộng, mà Việt Cộng thì ai lại chẳng biết là nó đã xấu lắm rồi, cụ có chửi nó cả ngày, cả đêm nó cũng không xấu hơn được nữa. Thế là cụ bèn có ý định đi du lịch, nhưng với mấy trăm Ðô một tháng, có tiện tặn lắm chi phí hết rồi may ra cũng chỉ còn dư được mấy chục, thế thì đi được những đâu? Tốt nhất là về thăm quê hương một chuyến, vừa giải toả được nỗi lòng “Xa quê hương nhớ mẹ hiền” lại còn được tiếng là... Nhớ nước đau lòng con quốc quốc!

Cụ Văn Tùy về Sài Gòn, con bà nó, cái tên Sài Gòn của người ta thân thương như thế mà nó lại đem đổi ra là thành phố Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh là cái quái gì, bất quá cũng chỉ là một anh bồi tầu láu cá? Nhưng thôi kệ nó – cụ Văn Tùy nghĩ bụng – nó muốn đổi ra là gì kệ nó, đối với cụ, Sài Gòn muôn đời vẫn cứ là Sài Gòn là được. Mấy ngày mới về cụ bảo thằng cháu ngoại lấy cái xe Honda chở cụ đi vòng vòng để cụ thăm dân cho biết sự tình. Cụ bảo nó chở cụ đến mấy cái xóm lao động, rồi ra ngoại ô xem bà con ta độ này sống thế nào. Mấy hôm đầu thằng cháu nó còn chiều cụ, cụ bảo chở đi đâu nó chở đi đó nhưng sau nó bảo cụ:

“Ông ngoại đến mấy cái chỗ đó làm gì, có gì hay đâu mà đến, để con chở ông ngoại đến chỗ này, có khi ở bên Mỹ cũng chưa chắc đã có đâu”!

Tối hôm đó, nó chở cụ đến một cái quán cà phê đèn xanh đèn đỏ, chớp tắt, chớp tắt có tên là cà phê Tình Cảm. Cụ bảo:

“Tưởng mày chở ông đi đâu, chứ cà phê thì ở bên Mỹ ngày nào ông chả uống!”

Thằng cháu nó cười:

“Nhưng cà phê này là cà phê tình cảm ông ạ!”

Cụ cũng cười:

“Ừ thì vào, xem nó tình cảm thế nào nào!”

Gửi xe Honda đâu đấy xong, hai ông cháu dẫn nhau vào quán. Trong quán cũng đèn xanh đèn đỏ, mờ mờ ảo ảo với tiếng nhạc xập xình, xập xình giật gân ra phết. Một con nhỏ xinh như mộng, nhìn chưa rõ người đã thấy mùi nước hoa sực nức ưỡn ẹo bước ra đón khách. Nó cầm tay cụ dẫn vào một cái bàn trống nơi góc quán, bảo:

“Hai anh vừa uống cà phê vừa làm giám khảo chấm thi em bé đẹp nghe!”

Ðợi cho con nhỏ bước vào trong rồi, cụ mới thì thào hỏi thằng cháu:

“Ở đây người ta có tổ chức thi hoa hậu con nít à?”

Thằng cháu cười bí mật:

“Không có con nít đâu ông “goại” ơi!”

Hai ly cà phê sữa được bưng ra, cụ nghĩ bụng: Ừ, cà phê sữa chứ cà phê đen uống vào giờ này có khi cả đêm không ngủ được. Uống hết gần nửa ly cà phê mà cũng chưa thấy “em bé” được đưa ra, có tiếng của một người nào nào đó giục:

“Em bé đâu, sao không đưa ra đi”?

Lại có tiếng từ bên trong trả lời:

“Có ngay! có ngay!”

Sau đó ba cô nàng từ bên trong tấm sáo bước ra. Ố là là, trông cứ như ba con nhộng ấy thôi. Thằng cháu lại ghé tai ông ngoại thì thào:

“Thi “em bé đẹp” là thi “cái ấy” đấy!”

Lúc đầu cụ định nổi trận lôi đình lên với thằng cháu. Mẹ nó, thế ra nó tưởng cụ bằng vai phải lứa với nó hay sao mà nó lại dẫn cụ vào đây? Ðạo đức suy đồi đến thế là cùng! Nhưng sau cụ nghĩ lại, mình là dân viết lách, chửi Việt Cộng mà toàn nói những cái gì ở đâu đâu, toàn nói những cái chuyện cổ lỗ sĩ từ đời nảo đời nào mà ai ai cũng đã biết! Ðây mới là thực tế “chiến trường” đây. Hồ Chí Minh huênh hoang “Mười năm trồng cây, trăm năm trồng người”, 30 năm Dân Chủ Cộng Hoà với mấy chục năm XHCN nó trồng ra được loại người như thế này đây! Nghĩ vậy nên cụ mới bấm gan ngồi quan sát. Ba nàng tiên nữ không một mảnh vải che thân đứng thành hàng ngang cho giám khảo quan sát chấm điểm. Các nàng ẹo qua, ẹo lại, ưỡn đàng trước, chổng đằng sau, có khi lại hất hất “em bé” vào mặt giám khảo. Ba “em bé” có em mập, có em ốm nhưng em nào cũng râu ria xồm xoàm trông cứ như cái mồm của đồng chí Fidel Castro ấy thôi. Hình như có một vị giám khảo ba trợn nào đó đưa tay nựng một em bé rồi cười lên hô hố:

“Em này sao cái môi lại thưỡi ra, chẩy dài xuống thế này?”

Lại có tiếng người phụ họa:

“Chắc là bị thằng nào nó kéo ra đấy!”

Rồi lại có tiếng cười híc híc:

“Còn em này sao hai cái mép lại loe ra, lòi cả một cái răng nanh nhọn hoắt, đỏ hỏn ra ngoài...”

Cụ Văn Tùy nghĩ bụng: Thật là đạo đức suy đồi quá sức!

Sau chừng 15 phút biểu diễn, các nàng sà vào lòng giám khảo đưa tay đòi tiền “boa”. Cụ Văn Tùy móc bóp “boa” cho mỗi em một tờ 5 Ðô La, cụ nghĩ bụng: Tội nghiệp, có đói người ta mới phải làm như thế! Khi biết cụ là Việt Kiều hồi hương, các nàng cứ xoắn lấy cụ. Một nàng đề nghị:

“Mai anh Việt Kiều lại đến nữa nghe, bọn em sẽ ưu tiên cho, tha hồ mà nựng!”

Dĩ nhiên là cụ Văn Tùy chả bao giờ trở lại chỗ ấy nữa!

Ðêm hôm ấy cụ Văn Tuỳ không ngủ được thật! Không phải vì cà phê làm cụ mất ngủ mà vì cái cảnh ở quán cà phê Tình Cảm nó quấy rầy cụ. Ðã mấy năm nay, kể từ ngày cụ bà mất đi, đêm nay cụ mới thấy lại cái “mặt mốc” ấy. Ngày cụ bà còn sống, thỉnh thoảng cụ cũng thấy nó, nhưng là thấy cái gầy gò, méo mó chứ đâu có được phây phây tươi mát như thế này, thế là tự nhiên cụ lại cảm thấy “lòng xuân phơi phới”, cụ tự bảo: Có khi là mình phải “bước đi bước nữa”, rồi cụ lại cười một mình: Ðàn bà người ta mới “bước đi bước nữa” chứ mình đàn ông mà bước cái gì... Rồi cụ lại chép miệng: Ối dào, đàn nào khi cần mà không “bước” được!

Cụ Văn Tùy ở chơi Việt Nam hai tuần lễ rồi lại trở về Mỹ và mặc dù đã trở về Mỹ đến hơn nửa tháng rồi mà cụ vẫn cứ bị ám ảnh bởi cuộc thi em bé đẹp ở Việt Nam hôm nào. Có lần cụ còn mơ thấy một em tóc tai phủ kín mặt nhưng lại nhe một cái răng thịt đỏ hỏn ra cười hỏi cụ: Anh Việt Kiều chừng nào mới đưa em về nhà thế? Thế là sau giấc mơ cụ quyết định phải kiếm một cụ bà khác thay cho cụ bà cũ đã bỏ cụ mà đi! Ở Việt Nam người ta cứ tưởng đàn bà ở bên Mỹ vừa hiếm vừa có giá lắm nên đàn ông Việt Nam mới đua nhau về nước lấy vợ, nhưng thực ra không phải là thế, ở bên này quý bà “ế độ” cũng nhiều lắm. Cứ lật mấy tờ báo chợ ra mà coi, tờ nào cũng có đến mấy trang “Kết Bạn Thư Tín” hoặc “Tìm Bạn Bốn Phương”. Ðàn ông, đàn bà, già có, trẻ có. Mới 17- 18 hay đã 6-7 chục tuổi còn nhao nhao lên đòi vợ, đòi chồng. Ðã “ế độ” thế mà còn ra giá cao, có bà đã ngoài sáu bó mà còn đòi ông nào muốn đụng đến bà thì phải: Tốt nghiệp đại học, phải xuất thân Võ Bị Ðà Lạt hay sĩ quan Thủ Ðức, Phải có việc làm vững chắc, phải có tinh thần văn nghệ biết làm thơ, viết văn, biết khiêu vũ và thích du lịch v.v... Lậy Chúa tôi, đòi hỏi cao như thế thì kiếm đâu cho ra người. Cứ lấy ngay cụ Văn Tùy ra làm thí dụ: Tốt nghiệp đại học với làm thơ, viết văn thì cụ dư sức, có khi cụ dạy người khác còn được nhưng việc làm vững chắc thì “Thất thập cổ lai hi” rồi ai còn mướn nữa mà vững chắc! Một tháng được mấy trăm tiền già đủ sống là may, làm gì có dư mà đi du lịch. Còn khiêu vũ thì hai cái đầu gối nó đã muốn long ra, sắp ngồi xe lăn đên nơi rồi còn “khiêu với khích” cái gì nữa?!

Cụ Văn Tùy đã giở mấy tờ báo chợ ra để kiếm người. Cái đám lau nhau từ 17-18 đến 4-5 chục thì đừng có rớ vào. Chẳng những đã không đủ tiêu chuẩn mà cụ Văn Tùy cũng chẳng muốn “chết yểu”. Chả cần phải “Ðêm bẩy ngày ba, vô ra không kể”, cứ mỗi đêm nó bắt cụ làm “nghĩa vụ” một lần thôi thì cũng chỉ “ba bẩy hai mươi mốt” đêm là cụ tiêu diêu miền cực lạc, còn không thì nó “cho” thằng khác, nếu cụ có biết cũng chẳng làm gì được, chỉ có tức hộc máu mồm ra mà chết! Nghĩ thế nên cụ Văn Tùy chỉ chọn những bà từ 50 tuổi trở lên, thế nhưng rút cục cụ cũng chẳng chọn được ai. Có bà đặt tiêu chuẩn cao quá, có bà không đặt tiêu chuẩn nhưng lại thấy nó làm sao ấy. Năm mươi, hơn năm mươi tuổi mà còn dzin thì chắc chắn là phải có cái gì trouble chứ, làm gì có của quý mà lại... Rút cục là cụ vẫn cứ “phòng không chiếc bóng” mà thời gian thì vẫn cứ lặng lẽ trôi, cụ vẫn cứ từng bước từng bước thầm đi đến cuối cuộc đời...! Nghĩ là không thể chọn lựa ở bên Mỹ này lâu hơn được nữa, cụ bèn viết thư về Việt Nam:

Các con, các cháu thân mến!

Trước hết bố gửi lời thăm các con, các cháu được mạnh khoẻ. Bố trở lại Mỹ đến nay đã được hơn 2 tháng, sức khoẻ vẫn bình thường chỉ phải cái tội nó buồn quá! Từ ngày mẹ các con mất đi bố sống thui thủi một mình, mặc dầu ở bên này bố không phải lo về miếng cơm manh áo, nhưng bố nghĩ vấn đề tinh thần nó cũng rất là quan trọng, bởi thế bố có ý định là sẽ “chắp nối”. Có điều ở bên này muốn kiếm được một người cho thích hợp với mình không phải là chuyện dễ, bố đã thử tìm kiếm mấy tháng nay nhưng không được. Bởi thế bố viết thư này gửi về, trước là thăm các con các cháu sau là nhờ chúng mày xem có ai ở Việt Nam có thể thích hợp với bố thì giới thiệu cho bố để bố lo liệu. Nhớ là dọ hỏi xem người ta có thích qua Mỹ không? Có muốn chắp nối với một ông già đã 70 tuổi nhưng còn khoẻ mạnh không? Một điều quan trọng nữa là đừng trẻ quá mà cũng đừng già quá, cứ từ trên 50 đến trên 60 là tốt. Bố rất mong tin các con, vì thời gian qua mau như bóng câu qua cửa sổ vậy các con xúc tiến ngay cho bố. Thân ái!

Thư cụ Văn Tùy gửi đi được hơn một tháng thì cụ nhận được hồi âm từ vợ chồng người con gái cụ ở Việt Nam gửi qua:

Bố thương kính!

Chúng con đã nhận được thư bố và xúc tiến ngay việc bố muốn. Các bà các cô ở Việt Nam muốn qua Mỹ thì thiếu gì hả bố. Nếu bố muốn thì con gái mơn mởn ra cũng có, nhưng hạng này không bảo đảm bố ạ, qua được Mỹ rồi họ bỏ bố là cái chắc. Bởi thế chúng con chọn cho bố một bà năm nay được 54 tuổi. Nhà bà ta ở gần nhà chúng con và cũng là chỗ quen biết. Chồng bà ta trước kia là sĩ quan QLVNCH tử trận ở Kontum vào mùa hè đỏ lửa 1972. Bà này tướng người trông còn được lắm và chúng con nghĩ là rất thích hợp với bố. Khi chúng con ngỏ ý là bố muốn chắp nối và đưa thư của bố cho bà ta đọc thì bà ta cười bảo: Ông cụ bẩy chục tuổi mà còn khoẻ mạnh thật không? Tôi sợ sang đấy rồi chẳng bao lâu lại goá bụa nữa thì khổ lắm. Hay là bảo ông cụ gửi cho tôi một tấm hình đi, nếu thấy được thì tôi cũng sẽ cho anh, chị một tấm hình của tôi để gửi sang cho cụ, nếu cụ cũng ưng ý thì rồi sau đó mình sẽ tính tiếp. Vậy nhận được thư này, bố đi chụp ngay một tấm hình mới nhất gửi về cho chúng con, rồi sau đó thế nào chúng con lại sẽ liên lạc với bố. Kính chúc bố được luôn luôn mạnh khoẻ. Các con của bố.

Cụ Văn Tùy đến ngay chợ Wal Mart và vào chụp luôn một lúc 3 kiểu hình ở One hour photo. Cụ bảo người thợ chụp hình:

“Anh chụp cho tôi ba kiểu khác nhau cho thật đẹp vào, mỗi kiểu in 2 tấm”.

Ý cụ là sẽ chọn tấm nào đẹp nhất rồi gửi về VN. Nhưng khi hình chụp xong, cụ thấy kiểu nào cũng đẹp cả thế là cụ quyết đinh gửi về cả 3 kiểu. Cụ lẩm bẩm nói một mình: Tha hồ cho mà ngắm!

Hơn một tháng sau cụ Văn Tùy lại nhận được thư từ Việt Nam gửi qua. Trong thư có kèm tấm hình một người đàn bà tóc uốn xõa ngang vai, dáng người mảnh dẻ. Bà này lúc còn trẻ hẳn là người có nhan sắc nên đến nay tuy đã ngoài năm mươi mà trông còn có nét lắm. Cụ ngắm đi ngắm lại tấm hình rồi cười một mình: Gửi hình sang thế này là chịu đèn rồi đây! Cụ lại ép tấm hình vào ngay chỗ trái tim, lẩm bẩm: Mình cũng rất thích mẫu người như thế này, hy vọng là hai ta sẽ có những ngày hạnh phúc bên nhau! Sau đó cụ vào bàn ngồi viết thư trả lời:

Các con thân mến!

Bố đã nhận được thư và hình các con gửi qua, bố rất thích mẫu người như thế này. Cho bố gửi lời thăm và cám ơn bà ấy đã cho hình. Nói với bà ấy là nếu có thể được xin cho địa chỉ để bố gửi thư, mong lắm. Xin chúc tất cả mạnh khoẻ và bình an, hy vọng sớm được gặp mặt.

Bố của các con.

Mấy tuần sau cụ Văn Tùy lại nhận được thư từ bên nhà gửi sang với cả địa chỉ của người trong mộng: Trần Thị Hoàng Hôn. Số nhà... Ðường... Quận... TP Hồ Chí Minh. Thế là cụ lại ngồi vào bàn, với tấm hình của bà Trần Thị Hoàng Hôn trước mặt, cụ mắn nót viết lá thư mà cụ nghĩ đây có lẽ là lá thư tình cuối cùng trong đời:

Kính gửi bà Trần Thị Hoàng Hôn,

Tôi đã nhận được thư các con tôi gửi qua và tôi thật sung sướng là bà đã cho tôi địa chỉ của bà, như vậy chứng tỏ là bà đã cho phép tôi được viết thư cho bà. Thưa bà: Có lẽ các con tôi đã nói với bà là tôi ở bên này chỉ có một mình, cô đơn buồn lắm vì bà nhà tôi đã mất cách đây mấy năm. Và cũng vì tôi còn khoẻ mạnh nên đôi lúc cũng cảm thấy thiếu thốn... và muốn có sự “chắp nối”. Tôi cứ mong mỏi được gặp một người như hình ảnh mà tôi hằng mong ước, nhưng ở bên này tôi đã không tìm ra. Ðến khi được nhìn tấm hình của bà thì tôi tự nói với mình: Ðây rồi, mẫu người mà mình mong mỏi đây rồi và cũng chẳng hiểu sao – phải chăng là duyên số – tôi đã yêu, vâng xin lỗi, tôi đã yêu tấm hình ấy tha thiết. Vậy hôm nay tôi đường đột viết lá thư này để bầy tỏ tình yêu ấy, nếu có điều gì không phải cũng xin bà bỏ quá cho. Thưa bà Trần Thị Hoàng Hôn – ôi cái tên mới đẹp làm sao! – bà có cho phép tôi đựơc coi bà như là người vợ sắp cưới của mình không? Và nếu để được bà làm vợ thì tôi sẽ phải làm gì? Xin bà cứ nói đi, tôi đang sẵn sàng để được nghe lời bà đây. Tôi cũng thật mong mỏi được nhận những lời vàng ngọc và thật âu yếm của bà. Xin chúc bà được nhiều sức khoẻ.

Ký tên: Văn Tùy.

Cụ Văn Tuỳ đọc đi đọc lại lá thư đến mấy lần rồi mới cẩn thận gấp bỏ vào phong bì. Cụ nắn nót ghi địa chỉ người nhận ở bên ngoài, đến chữ TP Hồ Chí Minh cụ khựng lại. Con bà nó, cứ nhìn thấy cái tên này là gai hai con mắt. Cụ định cứ viết là Sài Gòn nhưng sau nghĩ lại viết thế nhỡ mấy thằng Việt Cộng chết bằm nó vất thư của cụ đi thì sao? Cuối cùng cụ chép miệng viết đại xuống mấy chữ Hồ Chí Minh rồi dán tem. Thư cụ gửi đi chưa được một tuần mà cụ đã ngong ngóng trông thư phúc đáp. Ngày nào cũng vậy, cứ thấy người phát thư đi qua là cụ ra lục thùng thư ngay và khi chưa thấy gì cụ lại lẩm bẩm: Nhanh lắm cũng phải 2-3 tuần nữa mới có!

Hôm nay cụ Văn Tuỳ lại nhận được thư Việt Nam, nhìn thấy cái phong bì có vệt xanh vệt đỏ ở chung quanh là tim cụ đã đập thình thịch, đến khi nhìn thấy tên người gửi Trần Thị Hoàng Hôn thì trong lòng cụ như mở hội. Ðem thư vào trong nhà, cụ cẩn thận dùng kéo cắt một cạnh bao thư chứ không dám dùng tay xé. Cụ sợ xé bằng tay nó nham nhở mất đi vẻ mỹ miều của cái thư. Bên trong phong bì, ngoài lá thư còn có một tấm hình mầu, khổ 8x12 mới chụp rõ và đẹp hơn tấm hình trước. Cụ âu yếm đưa tấm hình lên môi hôn sau đó để xuống bàn rồi mới mở thư ra đọc:

Ông Văn Tùy thương!

Xin ông cho phép em được xưng “em” với ông vì em nghĩ nếu ông và em thực tình thương nhau thì trước sau gì chúng mình cũng trở thành vợ chồng và như thế thì em là “em” của “mình” rồi chứ còn gì nữa?! Ông Văn Tùy à, sao ông viết thư hay thế? Ðọc thư ông em cảm động lắm, sống nơi đất khách quê người mà cô đơn thì nó buồn thật đấy. Ngay như em, sống ở nơi quê nhà, chung quanh có bà con lối xóm mà đôi lúc còn thấy lòng trống trải! Ðể em nói một chút về mình cho ông rõ, em năm nay 54 tuổi, chồng em tử trận vào mùa hè đỏ lửa 1972 ở Kontum! Mấy chục năm nay em sống vò võ một mình, mặc dù củng có vài người ngấm nghé, nhưng em cứ thấy nó làm sao ấy nên không muốn nhận lời. Mới đây được cô Lê Tuyết Mai, con gái ông cho biết là ông có ý định “chắp nối” và hỏi em có chấp thuận chắp nối với ông hay không? Sau đó em lại nhận được hình và thư của ông. Em thật cảm động và tự hỏi mình là liệu em có thể đáp ứng được những nhu cầu của ông ở nơi đất khách quê người hay không và hình như từ nơi sâu thẳm của lòng mình có tiếng trả lời là: Ðược! Phải chăng đây là cái duyên cái số mà Trời đã định nên đến nay em mới gặp được ông? Em chỉ còn áy náy một diều là qua đấy rồi mình sẽ phải làm sao? Với cái nghề thợ may em có giúp ích gì được cho ông không hay lại trở thành một gánh nặng cho ông? Vậy nhận được thư này xin ông trả lời cho em ngay, hay là ông về thăm quê hương một chuyến để mình được gặp mặt mà tính chuyên lâu bền. Em mong lắm!

Thôi giấy ngắn tình dài, em xin dừng bút, kính chúc ông được luôn luôn mạnh khoẻ và vui vẻ.

Ký tên: Trần Thị Hoàng Hôn.

Cụ Văn Tuỳ đọc đi đọc lại lá thư đến cả chục lần, lòng cụ rộn ràng sung sướng, cụ lẩm bẩm một mình: Anh sẽ về ngay, về để đưa em sang đây cho hai đứa mình được suốt đời hạnh phúc bên nhau! Rồi cụ lại cầm tấm hình mới nhận được lên say sưa ngắm nghía: Hình này với thư viết vừa hay vừa tình cảm thế này phải là dân Gia Long hay Trưng Vương chứ chẳng vừa đâu! Có lúc cụ lại ngồi thừ ra suy tính: Có nhanh lắm cũng phải già nửa năm mới đưa được nàng qua đây. Rồi trong đầu cụ lại vang lên hai câu thơ mà cụ đã học thuộc lòng từ ngày còn ở lớp đồng ấu: “Thời gian thấm thoát thoi đưa, nó đi đi mãi chẳng chờ đợi ai!” Thế là cụ quyết định phải về Việt Nam ngay một chuyến nữa.

Ðúng nửa tháng sau cụ Văn Tùy đã lại có mặt ở Sài Gòn. Tính từ lần về trước, lần được thằng cháu ngoại chở bằng xe Honda đến quán cà phê Tình Cảm làm giám khảo chấm thi “Em bé đẹp” đến khi rước được bà Trần Thị Hoàng Hôn qua Mỹ, cụ Văn Tuỳ đã phải đi đi, về về Việt Nam đến 4 lần với bao nhiêu là vất vả. Trông cụ mệt mỏi, hốc hác thấy rõ, may mà trong ví của cụ lúc nào cũng thủ sẵn mấy viên thần dược Viagra nên tuy mệt mỏi nhưng cụ vẫn hùng dũng vào trận với đầy hào khí của một người đàn ông, dù là đàn ông đã 70 tuổi. Có người thấy cụ độ này nói năng không còn lưu loát như xưa mà lại lắp ba lắp bắp, có khi còn líu lưỡi lại. Hỏi cụ sao thế thì cụ bảo là vì mới trồng lại mấy cái răng nên nói năng nó còn ngượng nghịu. Nhưng đúng hay không cũng chỉ có cụ mới biết. Cũng có người không tin là cụ nói lắp chỉ vì mấy cái răng, nhưng lại chép miệng bảo: Ðược như cụ cũng là phúc rồi. “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt, còn hơn le lói suốt năm canh!”

Hưng Yên