PDA

View Full Version : "Nhậu" tại Sài gòn và..."Ôm" tại vùng ven .



TAM73F
03-05-2010, 10:12 AM
NHẬU TẠI SÀI GÒN



Sài Gòn hiện nay là một trong những nơi "cực thịnh" về.... nhậu. Dù vật giá gia tăng khủng khiếp người ta vẫn nhậu. Bước chân ra khỏi nhà, cái mà người ta có thể chạm trán đầu tiên chính là các quán nhậu. Trong một ngày, ít khi người ta không nghe ai đó nhắc đến tiếng nhậu. Với rất nhiều người ở Sài Gòn, nhậu đã trở thành một thứ...đạo: "đạo" nhậu! Thôi thì có hàng trăm hàng ngàn kiểu nhậu ở cái thành phố đông đúc và náo nhiệt này: nhậu "năm sao", nhậu "máy lạnh", nhậu "bia ôm", nhậu "vỉa hè"..vv..và..vv.



Nhậu đã thành một sự vui thú đến nỗi mỗi khi có bạn là dân nhậu "không thể hoãn cái sự sung sướng đó lại", lập tức kéo nhau đi chén tạc chén thù. Và trong hằng hà sa số các kiểu nhậu nhẹt ấy, có kiểu "chịu trận" rất ư cực nhọc, rất...mất vệ sinh, bây giờ xin mời quý bạn xem xét.



Nhậu "chịu trận"



Ở số 324 đường Điện Biên Phủ quận 3 (Phan Thanh Giản cũ), có một quán nhậu khá nổi tiếng và cũng rất đỗi lạ lùng. Quán này không có tên, tiền thân của nó là một cửa hàng buôn bán thực phẩm, sau đó nó được chuyển thành nơi "lai rai": bên trong có quầy và những chiếc ghế cao theo kiểu ghế quán bar; bên ngoài có những chiếc bàn thấp, ghế thấp như các quán nhậu vỉa hè, vì vậy các "thượng đế" của quán bèn đặt luôn cho nó cái tên gồm luôn hai đặc tính là bar và vỉa hè: Quán "bar" vỉa hè!



Nếu là người tương đối kỹ tính một chút trong việc kén chọn chỗ nhậu, khi mới bước vào "Quán bar vỉa hè" lần đầu tiên, chắc bạn sẽ cảm thấy ngộp đến mức muốn bỏ đi luôn không quay trở lại. Nhưng đối với các "thượng đế" quen thì ô kê, chơi tuốt!



Quán mở suốt ngày và thời gian "đỉnh điểm" hoạt động của quán thường bắt đầu vào khoảng từ 3 giờ chiều trở đi. Trong cái không gian vô cùng khiêm nhường, chiều ngang khoảng chừng 3m, chiều dài cỡ 2.5m, các "thượng đế" ngồi chật khít vào nhau trên những chiếc ghế thấp lè tè để nhậu. Khoảng cách giữa lưng người này với lưng người kia trên lối đi sát nhau đến nỗi các nhân viên phục vụ tuy rất chuyên nghiệp nhưng cũng thấy rất khó lách khi bưng bia hoặc đồ nhậu đến cho khách. Ngoài ra, quán lại ồn ào và nóng muốn toát mồ hôi. Thế nhưng, không hiểu sao với những yếu tố chẳng lấy gì làm hấp dẫn đó, cứ vào buổi chiều là quán đông nườm nượp trong khi chỉ cần bước sang phía bên kia đường là có vô khối các quán khác có máy lạnh hoặc sân, hoặc vườn, rộng thênh thang, một người muốn ngồi đến...hai hay ba chiếc ghế cũng được. Chủ nhân của các quán sang trọng này thỉnh thoảng lại liếc nhìn lượng khách chen chúc của cái quán "bar vỉa hè" bé tí mà thèm khát và tiếc hùi hụi!



Thật ra, những quán nhậu theo kiểu quán "bar vỉa hè" nói trên không phải thuộc loại hiếm trong cái thành phố Sài Gòn mà ngay Việt kiều về chơi cũng phải ngạc nhiên về chuyện ăn nhậu này. Chỉ cần ghé vào hẻm 306 nằm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Hồng Thập Tự cũ), các đệ tử của cụ Lưu Linh sẽ được nếm ngay cảm giác thế nào là nhậu...chịu trận.



Có khoảng ba quán nằm gần nhau trong con hẻm 306 nói trên. Cả ba quán chỉ bán có mỗi một thứ cá mòi đóng hộp và bánh mì. Dân nhậu nếu muốn kêu một món gì đó khác với cá hộp thì xin mời qua bên kia đường, kêu hột vịt lộn hoặc xí quách xương bò, gân bò, đuôi bò..., họ sẽ bưng sang ngay.



Đến các quán này, bạn sẽ hiểu rằng cái "bar vỉa hè" ở số 324 đường Điện Biên Phủ thật ra cũng chưa lấy gì làm đầy đoạ người ta cho lắm. Các quán ở đây còn chật chội hơn, ảm đạm hơn và ẩm thấp hơn nhiều. Thậm chí có quán chỉ mang một diện tích đáng kinh ngạc có thể ghi vào... kỷ lục guiness là quán nhậu nhỏ nhất thế giới với chiều ngang khoảng 1.8 mét và chiều dài chừng 2 mét!



Tại đường Nguyễn Thượng Hiền (quận 3) thì lại có những quán "chuyên trị" các món mà dân nhậu rất ưa thích: nghêu, sò, ốc, hến... Tuy có hơn cái "bar vỉa hè" hay các quán trong hẻm 306 Nguyễn Thị Minh Khai về khoản đồ mồi, nhưng vấn đề vệ sinh thì thật tệ hại. Không khí của quán vừa ẩm thấp vừa ngột ngạt, đầy những mùi khó chịu của các loại đồ biển ngâm nước hay không ngâm nước để trong góc nhà. Chẳng những thế, bàn ghế lại lem luốc; đũa bát, ly tách cáu bẩn - thật khó có thể cảm thấy ngon miệng với những món nhậu ở đây, mặc dầu hầu hết đều là hải sản, và lâu lâu chủ quán lại dùng chiêu "tiếp thị" bằng cách cầm nắm vỏ nghêu hay sò ném vào các lò than đang hồng, khiến mùi hải sản cháy thơm lừng cả một góc phố.



Nhậu bia đặc



Nhắc đến hai tiếng bia đặc chắc quý bạn còn nhớ tới hai quán Thanh Hải và Ba Thừa ở đường Bùi Viện quận I ngày trước. Quý bạn sẽ hình dung ra hình ảnh những quán đông đúc, có những chai bia ướp lạnh đến nỗi chất nước bên trong đặc lại thành tuyết, phải dốc chai vào trong ly, vỗ vỗ đáy chai một lúc lâu mới dần dần chảy ra được. Rồi các dĩa đồ nhậu như cua rang muối, ếch chiên bơ, rắn xào lăn... nóng hổi của quán Ba Thừa được bưng ra, cái đó mà nhậu với bia đặc thì hết xẩy. Nhưng không, quán bia đặc ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm trước cửa Sở thú này rất đặc biệt. Nó là một đại lý chuyên bán bia và nước ngọt cho người ta đem về nhà với cái "bảng hiệu" bé bằng bàn tay viết nguệch ngoạc hai chữ "bia Tuấn". Tuy nhiên, bên cạnh việc bán sỉ từng két từng thùng giống mọi đại lý khác, "bia Tuấn" còn có thêm một dịch vụ nho nhỏ: bán bia đặc cho các khách hàng uống trực tiếp ngay tại chỗ. Nhìn từ bên ngoài, bia Tuấn chẳng có chút gì là một quán nhậu, và dưới con mắt những người đi đường vô tâm, đại lý này không có gì đặc biệt đáng để ý tới. Thế nhưng nếu quan sát kỹ một chút, bạn sẽ thấy lúc nào cũng có một nhóm gồm hai, ba đến năm, sáu người ngồi trên những chiếc ghế thấp trước cửa đại lý. Trên tay mỗi người cầm một chai bia và miệng mỗi chai cắm một chiếc ống hút. Tất cả chỉ có vậy. Không đồ nhậu, không nhân viên phục vụ, thậm chí không có lấy cả một chiếc bàn nhỏ để đặt cái chai. Dù uống trong hoàn cảnh "dã chiến" như thế, nhưng ngày nào các vị khách quen cũng tới: họ thích uống bia đặc, tức bia ướp lạnh đông đặc mà muốn uống bằng ống hút (vì không có ly), khách hàng phải xoay xoay hai lòng bàn tay phía ngoài thành chai một lúc lâu cho ấm lên, tuyết tan ra được tới đâu dùng ống hút uống tới đó, coi như bia hoàn toàn nguyên chất, hết sức thú vị.



Bắt chước bia Tuấn, hàng loạt các đại lý khác trên các đường Nguyễn Thị Minh Khai, Điện Biên Phủ, Nguyễn Đình Chiểu... cũng mở thêm "dịch vụ bia đặc uống tại chỗ" cho thêm phần rôm rả cửa hàng của mình. Không chỉ các đại lý bia mà các cửa hàng bách hóa cũng nhập cuộc. Những chai bia được ướp lạnh trong tủ đá. Những chiếc ghế nhựa được chồng lên nhau. Khi có khách thì bày ra, thế là một "cuộc chiến" đã được hình thành. Khách ngồi uống ở các cửa hàng bách hóa thì có thể kêu thêm gói khô mực, khô bò hoặc gói đậu phọng da cá Tân Tân rất ngon bất cứ cửa hàng tạp hoá nào cũng bán. Hầu hết các khách uống bia đặc này đều là những người đã lớn tuổi và hơi có vẻ trầm mặc. Nhưng khi đã trao đổi với nhau một vài câu chuyện, lần sau gặp nhau họ sẽ chào hỏi rất vồn vã, mặc dầu ai muốn về lúc nào thì về và tiền ai nấy trả, hết sức sòng phẳng. Âu đó cũng là một thú vui nho nhỏ và rất trong sạch khi người ta đã ở vào lứa tuổi xế chiều.



Nhậu chợ



Phong trào ăn nhậu lan tràn khắp nơi, đến nỗi gần đây nó đã tấn công tới cả các chợ - nơi mà xưa nay vẫn được coi là "lãnh thổ" của các vị nội trợ.



Hiện nay, hầu như tất cả các chợ - chợ lớn chợ bé, chợ to chợ nhỏ – chợ nào cững có chỗ nhậu. Mỗi khi những người buôn bán tại chợ thu xếp hàng, dựng sạp lên là những quán cóc lại xuất hiện thế chỗ, và đối tượng hiện diện ở khu chợ lúc này không phải là các đấng phụ nữ nữa mà là các bậc mày râu - đệ tử chân truyền của đại sư phụ Lưu Linh.



Khoảng 4 giờ chiều mỗi ngày, ở ngay chỗ dốc chân cầu Thị Nghè, lối đi vào phía bên trái của chợ lại xuất hiện một cái tủ kính be bé bằng cái tủ thuốc gia đình. Trong tủ kính ấy có bán chân gà nướng và cánh gà nướng, chủ nhân của nó là một người đàn ông trạc bốn mươi tuổi, gương mặt khắc khổ. Vài chiếc ghế dã chiến được bày ra, khách vừa thưởng thức món chân gà, cánh gà vừa có thể nhâm nhi ly rượu ở ngay bên cạnh chân cầu, nơi mà có sự hiện diện của khá nhiều các loại rác thải từ chợ, sau một ngày đã tích góp lại thành những đống khá đồ sộ và bắt đầu có dấu hiệu phân huỷ, bốc mùi tương đối nồng nặc.



Đi sâu vào trong chợ một chút, bất cứ dân nhậu nào cũng có thể tìm cho mình được một địa điểm nhậu và ngồi "thưởng thức" cái thú chịu đựng đủ thứ mùi này. Một trong những điểm nhậu thuộc loại "nổi tiếng" nhất của khu chợ Thị Nghè là điểm bán ốc bươu, sò lông, sò huyết, hột vịt lột, càng ghẹ...nằm ngay gần cổng chợ. Vài chiếc bàn thấp được bày ra. Khách chỉ tay vào những chiếc chậu nho nhỏ đựng sò huyết, chem chép, nghêu...chưa luộc được vun cao lên, trông khá bắt mắt. Chủ quán luôn luôn có sẵn trong giỏ của mình những chai Sài Gòn đỏ, Sài Gòn xanh, Tiger, Heineken... để cung cấp cho khách. Kể ra thì điểm nhậu này cũng không có gì làm tội khách cho lắm. Người nhậu có thể vừa lai rai sò ốc, vừa ngắm những người qua lại. Vấn đề "khó nói" duy nhất đó là chuyện...đi vệ sinh. Quán nhậu nằm một nơi, nhà vệ sinh ở một nẻo. Mỗi khi có nhu cầu, khách của quán này phải đi chừng vài chục mét để có thể đi nhờ vệ sinh tại một căn nhà đã "hợp đồng" với chủ quán. Đã thế, cái toilet vừa nhỏ lại vừa thiếu vệ sinh. Nhiều khi khách nhậu phải đứng, tay ôm bụng dưới, mặt nhăn nhó cố nín vì phải chờ một người nào đó thuộc gia đình nhà chủ đang tắm táp hoặc dọn vệ sinh ở trong ấy.



Tạm biệt các quán nhậu bình dân đầy rẫy ở chợ Thị Nghè, chúng ta tới ngôi chợ lớn hơn: chợ Bà Chiều. Các dân nhậu chuyên nghiệp có thể tha hồ khám phá "khung trời mới lạ" tại rất nhiều quán nhậu bày biện la liệt ở nơi này.



Ghé vào một quán cóc ở ngay gần chợ, có tấm bảng đề tên hai món khá độc đáo: hột vịt lộn rang me và hột vịt lộn chiên dòn, những dân nhậu mê hột vịt lộn sẽ được phục vụ bởi một cô chủ quán có gương mặt lạnh như tiền và thái độ phục vụ cũng chẳng lấy gì làm niềm nở cho lắm. Đặc biệt, quán của cô không bán các loại bia đắt tiền như Heineken, Tiger..vv..mà chỉ bán Sài Gòn đỏ, Sài Gòn xanh. Nhậu xong, căng bầu, khách hỏi đi vệ sinh ở đâu thì gương mặt lạnh của cô chủ quán lại càng lạnh hơn. Cô sẽ làm cho khách của mình chưng hửng khi đưa ra câu trả lời vô cùng thiếu trách nhiệm: "Muốn đi ở đâu thì đi. Không thôi vào trong chợ tìm chỗ nào tối tối làm đại cho rồi. Giờ này các bảo vệ chợ đã nghỉ, chẳng ai la gì đâu!".



Vì sao người ta thích nhậu những chỗ bình dân?



Lý do thứ nhất khiến nhiều dân nhậu thích đến với các quán xập xệ như vậy, chính là vì giá cả tương đối khá rẻ của nó. Nếu một nhóm bạn khoảng bốn, năm người, vào những quán nhậu tàm tạm sang trọng, tuy cũng uống Sài Gòn đỏ, Sài Gòn xanh, kêu vài ba dĩa đồ mồi, chắc chắn phải tốn từ ba tới bốn trăm ngàn đồng trở lên. Đằng này, chỉ cần một trăm đến hai trăm ngàn đồng, với chất "đưa cay" là rượu Cây Lý hay bia hơi, cả nhóm đã có thể yên tâm ngồi uống với những dĩa mồi từ 8,000 đồng đến 15,000 đồng, vừa no vừa say tuý lúy.



Nói như vậy không có nghĩa chỉ dân ít tiền mới thích đến các quán bình dân. Trên thực tế, có khá nhiều dân nhậu thuộc loại rủng rỉnh hầu bao, thậm chí có những người còn có trình độ, địa vị cao trong xã hội nhưng thỉnh thoảng vẫn đến những quán này. Lý do đơn giản là họ thích thoải mái. Có khi trên người chỉ có chiếc áo thun, chiếc quần soọc người ta cũng có thể tự nhiên ngồi nhậu trong quán. Đã thế, trong lúc nhậu, "thượng đế" có thể nói lung tung beng đủ thứ chuyện, trái phải gì đó cũng được, bạn bè chẳng ai trách móc. Ngoài ra, vấn đề chính là "không khí nhậu". Bạn lớn tuổi rồi, ăn uống chưa chắc đã biết ngon nhưng vừa nhậu lai rai vừa chuyện trò với các bạn bè thâm căn cố đế kêu là bạn nhậu, dù cô chủ quán có đưa dĩa ổi dĩa cóc xanh lè, chấm muối ớt to sề sề cũng chẳng để ý. Than ôi, cuộc sống của người dân Sài Gòn là như vậy, uống riết rồi sẽ bệnh. Rượu Cây Lý người ta nấu bằng khoai mì, đôi khi pha thuốc trừ sâu hoặc phân urê cho trong. Còn bia hơi thì thành phần chính là alcool, nấu bằng mật mía. Mật mía sau khi đã cho kết tinh, người ta quay bằng máy ly tâm, trong khi quay luôn luôn xịt đều tay vào đó chất thuốc tẩy đường để lấy đường trắng. Phần "mật" có lẫn với chất thuốc tẩy thải ra sẽ dùng để nấu alcool và pha chế thành bia hơi, rất độc. Có nhiều người chết hoặc bị suy sụp thần kinh phải nằm góc nhà vì nhậu. Nhưng thôi, chết cũng được, thà chết còn hơn...không đi nhậu! Bây giờ chúng ta xem xét một chuyện khác, đặc điểm thứ hai của Sài Gòn, có lẽ thú vị hơn. Đó là...




CHUYỆN..."ÔM" TẠI CÁC VÙNG VEN



"Bây giờ, nếu muốn đi chơi bar quậy cho đã, chỉ có tới các bar vùng ven là hay nhất. Những quán bar ở khu vực quận Nhất, quận Ba tuy có lớn, có hoành tráng thật nhưng né kiểm tra nên rất nép mình, chơi chán lắm" - Một tay chuyên đi chơi đêm tại các vũ trường, quán bar đã đưa ra nhận xét như thế.



Tôi đi với anh ta ra khu vực "vùng ven" thuộc địa phận hai quận Tân Bình, Tân Phú để rảo một vòng xem sao. Tuy không thể so sánh được với các bar trong khu vực trung tâm thành phố về vẻ sang trọng và sầm uất, thế nhưng xuống tới vùng đó, các bar cũng nở rộ trước mắt chúng tôi với hàng loạt những tấm bảng hiệu xanh, đỏ chớp nháy, chớp nháy liên tục.



Giờ này, chúng tôi đã tới đường Lũy Bán Bích (Hương lộ 14 cũ). Cách nhau chưa tới vài chục mét, hai điểm vui chơi đã hiện ra có vẻ rất mạnh mẽ với những người ra vô khá tấp nập. Tôi và anh bạn quyết định ghé vô tiệm đầu tiên. Đó là quán bar có cái tên khá ấn tượng: Phượng Hồng, nằm ở số 713 Luỹ Bán Bích, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú. Lúc này đã là 21 g 30, bar vẫn đông nghẹt người. Chúng tôi được người phục vụ, tay cầm chiếc đèn pin nhỏ xíu, soi đèn dẫn đến ngồi trên một chiếc bàn còn trống cao nghều với những chiếc ghế cũng cao - loại bàn đặc trưng của các quán bar. Trước mắt chúng tôi, tại các bàn khác, hàng chục cô cậu choai choai đang thi nhau uống bia, uống rượu, tay chân múa máy dưới ánh đèn chớp giật trông rất kích động. Ai dám nói dân vùng ven chơi tại các bar không "chuyên nghiệp" bằng trong trung tâm thành phố?



-"Thưa các chú dùng gì?".

-"Ở đây có gì đặc biệt để dùng?".

-"Dạ thưa có Hennessy, Rémy Martin, bia Tiger, bia Heineken...".

-"Còn gì nữa không? Ví dụ... bia ôm chẳng hạn". Cậu thanh niên phục vụ bật cười:

-"Dạ, có chớ, các chú muốn kêu mấy cô cháu kêu".

-"Nói chơi vậy thôi, chúng tôi ghé uống mỗi người một chai Heineken rồi có công chuyện phải đi ngay. Chú lấy cho hai chai Heineken ướp lạnh, có đá". "Dạ"



Rời Phượng Hồng, chúng tôi ghé vào cái bar gần đó. Bar có tên "Nhạc Trẻ 232", rất gần với bar Phượng Hồng nhưng lại đề số 675, thuộc phường Phú Thành, quận Tân Phú (vì đường Lũy Bán Bích số nhà lung tung). Khác với Phượng Hồng, "Nhạc Trẻ 232" khá sáng sủa. Mấy em phục vụ đang đứng uốn éo soi mình tạo dáng trước tấm gương gắn ở cây cột giữa quán. Anh chàng quản lý còn trẻ và khá đẹp trai. Trông thấy tấm danh thiếp để trên mặt quầy hàng có in logo hình người thanh niên ôm cây đàn, giống hệt với logo độc quyền của hệ thống bar Nhạc Trẻ Number One, tôi bèn hỏi Khương - tên chàng quản lý, in trong danh thiếp –

-"Quán này chắc cũng thuộc hệ thống bar Number One?". Khương cười, nói lấp lửng:

-"Thì tụi em cũng từ đó ra...". Có lẽ thấy quán còn hơi vắng và chúng tôi hơi lạ mặt, chưa đến đây lần nào, Khương trấn an:

-"Các anh cứ ngồi chơi đi, lát có mấy nhóm quen kéo tới đông lắm, quậy vui lắm". Và anh ta giải thích thêm:

-"Quán của em chủ yếu dành cho các khách quen. Như các anh chẳng hạn, khi đã quen rồi thì muốn gì mấy đứa em nó cũng chiều được hết...".



Gần 11 giờ đêm. Những quán bar như Phương Lâm (326 đường Vườn Lài, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Bình), Phi Ưng (299 đường Tân Sơn Nhì, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú), Grammy (15 đường Phạm Vấn, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú)..vv.. tiếp tục hoạt động hết sức náo nhiệt. Theo lời nói nhỏ của một số quản lý quán bar thì: "Tuy quy định là 12 giờ đêm phải đóng cửa, nhưng tụi em hạ bớt nhạc, còn khách muốn chơi cứ việc chơi, vô tư, không sao hết".



Những "người tiếp chuyện" của các quán bar



Khi bước vào vũ trường hoặc các quán bar sang trọng trong thành phố, bạn sẽ bắt gặp ở đó cung cách chào đón rất chuyên nghiệp, rất lịch sự nhưng không thân mật của những người phục vụ hay các em ca-ve. Thông thường, sau khi người ta đã bưng đầy đủ thức uống hoặc thức ăn đến, khách sẽ tự chuyện trò, nhảy nhót với các bạn của mình hoặc với ca-ve, tuỳ ý, nhà hàng không quan tâm tới nữa ngoại trừ lúc tính tiền. Tuy nhiên, khi đến chơi ở các bar vùng ven, "thượng đế" sẽ không bị bỏ mặc. Đã có một đội ngũ lo lắng cho việc vui chơi của họ, một trong những thành viên của "đội ngũ làm vui" đó chính là những người tiếp chuyện trong quán bar.



Một buổi tối chúng tôi trở lại bar Nhạc Trẻ 232. Vừa mới ngồi xuống, theo sát bên cạnh chúng tôi là một cô gái trẻ váy ngắn, tóc dài, gương mặt trang điểm khá lịch sự. Sau câu chào hỏi, cô gái thân mật vào chuyện:

-"Hai anh là bạn với nhau?".

-"Ừ, có là bạn thì mới đi chơi với nhau chứ".

-"Tại vì em thấy cả hai anh đều đẹp trai, trông bảnh ghê đi".

-"Trời đất ơi, anh mà đẹp trai cái gì? Đẹp lão thì có ấy". Cô gái bật cười:

-"Chưa đến nỗi đẹp lão đâu, trông anh còn phong độ lắm. Giá anh ô-kê em làm bồ nhí của anh em cũng chịu liền".

-"Có bồ nhí để bà xã anh làm thịt anh hả?".

-"Anh sợ bà xã lắm sao?". "Sợ chứ sao không sợ. Ở nhà bà xã anh là nhất, các con anh hạng nhì, còn anh hạng bét".

-"Nói chơi vậy thôi chứ em sợ đóng vai bồ nhí lắm. Có khi em chỉ nói chuyện với khách cho vui thôi, vậy mà cũng bị ghen. Hôm qua, em có đứa bạn bị mấy bả uấn sưng cả mặt". Cô gái nhanh nhảu rót thêm bia vào ly cho chúng rồi rót cho chính cô:

-"Em coi vậy chứ uống dữ lắm anh à. Cỡ nửa két bia em chỉ mới thấy hơi quay quay chút đỉnh. Em thích uống với mấy bạn gái những bữa trời mưa, quán không có khách. Nhưng cả bọn chỉ uống chung với nhau một hai chai thôi, uống nhiều không có tiền". Tuy luôn luôn khẳng định về tửu lượng của mình nhưng chỉ một lát cô gái đã có vẻ ngà ngà. Lúc chúng tôi kêu tính tiền, cô ghé vào tai tôi, dặn nhỏ:

-"Anh nhớ lấy lại tiền boa rồi cho em nha. Nếu anh để tiền boa trong hóa đơn, họ không đưa cho em đâu".



Những người tiếp chuyện tại quán bar vùng ven không chỉ là nữ. Khi có một vị khách, hoặc nam, hoặc nữ đi một mình vào quán, anh chàng quản lý sẽ liếc sơ qua, đoán xem vị khách ấy thích nói chuyện với người cùng phái hay người khác phái rồi cử người phù hợp đến tiếp chuyện với khách. Trong các câu chuyện ấy có đủ mọi thứ trên đời, từ chuyện thời tiết, chuyện thân phận, chuyện ăn chơi cho đến chuyện uống bia, chuyện tình dục...Những người tiếp chuyện không phải là nhân viên phục vụ của quán. Đó là những chàng trai, cô gái có ngoại hình khá và tuổi đời còn rất trẻ, đến quán bar làm để kiếm thêm. Nhiệm vụ của họ là làm cho khách vui và...uống bia với khách. Quán sẽ trả cho họ từ 5 đến 10% theo giá trị của số bia hoặc rượu mà họ đã "dụ" được khách uống. Thu nhập của họ còn là tiền boa mà khách cho họ. Có những cô kiêm luôn cả chuyện "nhảy dù", đi chơi với khách hay về khách sạn khi khách "hợp đồng".



Chuyện ma túy và mại dâm ở các bar vùng ven



Cô gái quán bar Forget-me-not hỏi giật giọng như hét vào lỗ tai tôi khi nhìn thấy tôi bẻ đôi viên thuốc (thật ra là viên vitamin C) cho một nửa vào miệng:

--"Chết, anh chơi thuốc lắc hả? Nguy hiểm lắm đấy!". Mặc dầu đó là... đồ giả nhưng tôi cũng làm gan đưa nửa kia cho cô ta:

-"Em uống đi, phê lắm đó, lắc tới bến luôn". Cô gái từ chối:

-"Uống bia thì em uống được chứ mấy thứ thuốc này em sợ lắm, xài nó tiêu tùng như chơi". Lát sau, cô nói tiếp:

-"Em nói thật, anh lớn tuổi rồi, đừng có uống như bọn còn trẻ. Hôm nọ có mấy đứa vào quán, bốc lên, ôm nhau nhảy rồi uống thuốc. Uống nhiều quá lăn quay ra luôn".

-"Anh uống cho khoẻ vậy mà".

-"Khoẻ cái gì, thuốc Trung Quốc đấy. Anh không thấy báo chí đăng bất cứ cái gì của Trung Quốc cũng là hàng giả, hết sức nguy hiểm".

-"Nếu vậy có chỗ nào bán thuốc thật em mua giùm anh đi. Thuốc lắc hay Cialis, Viagra cũng được. Anh thích...cải lão hoàn đồng".

-"Em không biết chỗ nhưng để em hỏi bạn em xem". Cô gái gọi điện thoại di động vào số nào đó nhưng không liên lạc được.

-"Nó khoá máy, em gọi không được. Nhưng em nói thật, anh đừng có uống, uống vô nguy hiểm".



Chúng tôi tới một quán bar khác, được đồn đại là một trong những tụ điểm nổi tiếng về cái khoản "tươi mát", có tên là Phi Ưng, nằm tại số 229 đường Tân Sơn Nhì, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú. Lúc này là 23 g 15, quán vẫn đông khách. Trong cái khoảng không gian bé xíu của bar Phi Ưng, chúng tôi như hoa cả mắt khi thấy những chiếc lưng trần và những phần ngực trần thấp thoáng dưới các ánh đèn đủ màu sắc. Chưa một tụ điểm ăn chơi nào tôi từng đến coi lại có mật độ các cô gái tươi mát dày đặc đến như thế. Tại những chiếc bàn kê san sát nhau, chúng tôi nhìn thấy những cô gái ăn bận hớ hênh và điệu bộ cũng vô cùng "tự do". Cô thì choàng tay trên vai khách, cô thì ngồi hẳn vào lòng khách, có cô còn "thể hiện tình cảm" bằng cach ôm như dính vào người vị đực rựa đang hiện diện trong quán.



Làm như đã quen nhau từ kiếp nào rồi, một cô nàng với chiếc áo màu đen hở... ba phần tư bộ ngực, tiến đến chỗ chúng tôi và đặt nguyên bộ ngực của cô ta lên bàn:

-"Giờ này các anh mới tới hả?" cô thân mật hỏi.

-"Còn xí oắt không? Đi chơi với em nhé?".

-"Chơi cái gì, hai đứa anh có một mình em chẳng lẽ tụi anh làm táo quân hai ông một bà?".

-"Thì em kêu thêm đứa nữa, có gì khó".

-"Nhiêu? Paris by night?".

-"Suốt đêm hả? Suốt đêm thì 500,000 đồng một đứa, tiền khách sạn các anh lo". Kể ra cô gái này cũng… có lương tâm. Tiền đi đêm của họ, theo chúng tôi biết, dao động từ 500,000 đồng tới 800,000 đồng/ 1dù, tùy theo nhan sắc các em và sự dày dạn hoặc khờ khạo của khách. Chúng tôi đến lúc đã hơn 11 giờ đêm, chắc chắn không phải hạng khờ khạo, bởi vậy em nói bớt đi, tính "đúng giá" cho đỡ phải mặc cả, có khi chúng tôi thấy mắc lại bỏ đi mất cũng chưa biết chừng. Nhưng thôi, tôi "tả chân xã hội" đến đây cũng đã tạm đủ, kể kỹ hơn nữa sợ quý phu nhân nào ở bên đó đâm... cấm chồng không cho về bên Việt Nam nữa thì hỏng.Lời của Chủ Tich Nguyển Minh Triết : " Không có nơi nào đẹp , gái đep và rẻ bằng quê hương ta". Ha ha ha!...

Đoàn Dự