PDA

View Full Version : Ôn cố Tri Tân - Update



chimtroi
03-02-2008, 12:11 AM
Hết Đường Tính Toán
Mõ Sàigòn
2008-02-29
(nguồn: http://www.vietmedia.com/news/?Cat=Vietnam)

(VNC) Phan Trọng Yên, người nhà Tống. Thuở nhỏ đã nổi danh là người ưa gánh vác chuyện thiên hạ, thường hay nói với chúng bạn rằng:
- Người ta không được sinh ra một lúc cùng với chiếc gương, nên để hiểu được chính mình, thì phải tìm sự phản chiếu nơi người khác. Ta vì nắm được lý lẽ này, nên hết mực xông pha. Chớ chẳng phải lông bông lang bang không bờ không bến.
Trong đám bạn của Yên, có kẻ đồng ý, có kẻ không. Yên mới nhìn đám bạn chưa thông. Chắc nịch nói:
- Muốn ăn thì phải gieo. Có gieo thì mới gặt. Cầm bằng như muốn gặt mà không gieo. Chừng mô mới có?
Năm Yên được mười sáu tuổi, mẹ là Phan thị, mới gọi Yên đến mà nói rằng:
- Con từ nhỏ bị bệnh ban cua, khiến sức khỏe có phần yếu kém, nên những gì đụng đến công, nông, không thể nào kham được. Vậy hậu vận của mình, con liệu định làm sao?
Trọng Yên đực mặt ra một chút, rồi yếu ớt đáp:
- Con lấy chuyện gánh vác nỗi khổ của tha nhân làm trọng, nên muốn học để làm quan. Chớ tự thâm tâm chẳng muốn thành… cái gì hết cả.
Phan thị nghe con giải bày như vậy, mắt bỗng sáng rực lên. Mừng reo nói:
- Khổng Miệt là cháu của Khổng Tử đang mở trường dạy học ở nơi này. Ta phải đến đó mau. Kẻo không thôi lại trật vuột eo xèo sang năm khác.
Mà không biết có phải đất trời hội tụ, hay chạm phải mạch rồng, hoặc sinh đụng giờ thiêng, mà Trọng Yên học mỗi ngày thêm mỗi tới, khiến thầy hết mực cưng yêu, còn chúng bạn đồng môn cũng mỗi ngày thêm mỗi khoái.
Ngày nọ, Khổng Miệt ngồi trên sập gụ, dõi mắt nhìn đám học trò lũ lượt bao quanh, mà nói rằng:
- Muốn dân giàu nước mạnh, thì người lo việc quốc gia, phải nhớ phép trị dân có bốn điều bất hòa cần phải biết. Thứ nhất. Trong nước mà bất hòa, thì chẳng nên đem quân đi đánh. Thứ hai. Trong quân mà bất hòa, thì chẳng nên đem quân ra trận. Thứ ba. Quân ở trận mà bất hòa, thì chẳng nên tiến lên đánh. Thứ tư. Tiến lên đánh mà bất hòa, thì chẳng nên quyết thắng làm chi nữa.
Rồi vuốt râu một cái. Chậm rãi nói:
- Các con là rường cột của quốc gia, là chủ của đất nước này trong mai hậu, thì phải hết sức thông suốt việc trị dân, nên không thể bỏ lơ bốn… bất hòa trên được.
Đoạn, dõi mắt vào cõi hư vô. Cao giọng hỏi rằng:
- Với phép trị dân như vậy. Nếu có gì khúc mắc, các con hãy mạnh dạn tỏ ra, để ta biết mà liệu đường uốn nắn.
Rồi nhìn quanh một vòng, thời thấy đám môn sinh ra chiều thông cả, toan đứng dậy đi vô, bất chợt Trọng Yên đứng lên vòng tay thưa rằng:
- Vợ chồng thương nhau là thế, mà lắm chuyện bất hòa, hà huống chuyện quân binh, làm sao mà yên ấm cho được? Con nghĩ: Đã đem quân đi đánh giặc, thì phải nhất tướng công thành vạn cốt khô. Chớ có đâu vì một chút bất hòa mà dừng quân lại. Đã vậy còn bảo tiến lên đánh mà bất hòa thì chẳng nên quyết thắng. Cái này mới tầm bậy, bởi không quyết thắng thì tất nhiên phải thua, mà một khi đã thua thì tổn hại sinh linh không biết bao nhiêu mà kể. Thiệt là kinh khiếp!
Khổng Miệt nghệch mặt ra một chút, rồi tái mét mặt mày. Run run nói:
- Vậy theo ý của ngươi. Muốn trị dân thì phải làm sao?
Trọng Yên hiên ngang đáp:
- Lo thì lo trước. Vui thì vui sau. Tóm tắt là coi bá tánh như là con của mình vậy.

Về sau này, Trọng Yên làm đến chức Tể Tướng, mà gia cảnh vẫn bình thường đạm bạc, bởi trọng nghĩa khinh tài, nên làm được bao nhiêu bèn đem phân phát hết cả. Vợ của Yên là Lã thị, thấy vậy, mới bực bội nhủ thầm: "Quạt nồng ấp lạnh. Trái gió trở trời. Canh hẹ cháo rau. Nhất nhất đều tự tay ta lo toan tất cả, mà chớ hề một lần han hỏi ta cần gì? Mơ ước điều chi? Thậm chí mỹ phẩm hết trơn cũng hổng tiền mua lại, trong khi người dưng thì nhọc lòng cứu xét. Cho đặng một lần còn muốn cho lại lần hai, bởi cứ sợ cực khổ đi theo khó lòng mà vui lại. Còn… cô phụ gần bên thì chẳng màng chẳng ngó. Như đất với trời như nắng hạ và đêm, như gió mây bay như sóng trào ra lại…", liền nhân buổi vợ chồng ngồi ăn cháo, mới hít vội hơi dài mà trút nọ nói kia:
- Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì… cạn túi vơi đô. Nay chàng xả láng kiểu này, rồi ít nữa trở về dân dã. Mần răng sinh sống?
Yên cười hề hề đáp:
- Khi nào con người tham tiền. Lúc đó ắt sinh nhiều tật xấu. Ta sợ tật xấu, nên vác tiền đi cho. Chớ tự thâm tâm chẳng thấy vướng mắc gì hết cả.
Lã thị nghe chồng trả lời trớt quớt như vậy, bèn thở dài ngao ngán, bởi nhớ đến buổi vu quy lời cha mẹ dặn: "Khi chồng con muốn điều gì, thì luôn luôn có đủ lý lẽ biện minh hầu thỏa mãn ý muốn đó. Nếu viện dẫn đủ lý lẽ mà mần không được, thì chắc chắn sẽ lén lút mà làm. Chừng lúc đó mới dập mật tim gan, trần ai khoai củ.", nên dù trong bụng chộn rộn lao xao, cũng ráng lấy hơi mà đè nén lại.
Phần Trọng Yên, người ngoài đã giúp là vậy, còn người trong thân tộc lại còn tăng thêm nữa, bằng cách chắt chiu phần bỗng lộc, mua một thửa đất làm nghĩa trang, để người trong họ nằm chung cho vui nhà vui cửa, thậm chí việc tang lễ cưới xin cũng sốt sắng dự phần, nhất nhất chẳng dám quên, khiến có lần Lã thị bứt rứt trong người, bèn bạo gan nói:
- Tiền đi liền với… bạc, mà chàng mút chỉ kiểu này. E hổng đặng mấy niên sẽ về nơi tăm tối!
Yên nhìn vợ bằng con mắt còn phân nửa. Khoát tay đáp:
- Cái rủi không báo tin. Điều may không gửi dấu. Miễn hồ ta thành tâm với người là được. Chớ chỉ biết vơ vét cho mình, rồi ít nữa đoàn tụ với tổ tiên. Mần răng ăn nói?
Lã thị cảm như có ai chẹn ngang cổ họng, liền gắng sức đáp:
- Trong nhà không lo lại đi lo cho người ngoài. Thử nghĩ có nên chăng?
Trọng Yên cười to nói:
- Lo trong nhà thì được cái gì? Lo ngoài đường thiên hạ mới trọng vọng ngợi khen. Ngàn thu sung sướng.
Con của Trọng Yên là Thuần Nhân, tính tình cũng như cha vậy. Lúc Trọng Yên để dành được năm trăm thùng lúa, bèn sai Thuần Nhân đem về quê để xây mồ xây mả. Lúc Nhân đến Đan Dương, bất chợt gặp người bạn cũ của cha là Thạch Mãn Khanh đang uống nước bên đường, bèn mừng rỡ chạy lại. Tíu tít nói:
- Ba con là Trọng Yên, thường nhắc đến bác hoài. Nay may gặp bác đây, thì thiệt phải tin có phần có số vậy.
Khanh uể oải đáp:
- Mạng sống rất quý. Mất đi không bao giờ lấy lại được, nhưng sống mà vô ích, thì so với chết nào đã khác chi? Kiếp người ba mươi hay bảy mươi năm có gì là quan trọng. Điều quan trọng chính là lưu lại một ít hình ảnh đẹp cho thế hệ mai sau. Lý lẽ rạch ròi là vậy, nhưng lực bất tòng tâm, thành thử phải chấp nhận cho đời sau phê phán!
Thuần Nhân vốn thần tượng cha từ nhỏ, nên khi nghe đến chuyện này, bỗng động lòng trắc ẩn, liền buột miệng nói:
- Cái gì mà lực bất tòng tâm? Xin bác mở lượng bao la phán đôi lời cho biết.
Khanh thở ra một hơi mấy cái, rồi chán nản đáp:
- Nhà cúng quẩn, mà gặp ba cái tang cùng một lúc. Không đi thì không được? Mà đi thì lấy gì đặng phúng điếu đây? Thiệt là nhức óc!
Nhân nghe vậy, liền chỉ tay vào năm trăm thùng lúa. Mạnh miệng nói:
- Bác cứ lấy mà dùng, rồi thủng thẳng tính sau, mà giả như quên tính cũng chẳng nhằm chi hết ráo.
Khanh lại rầu rĩ nói:
- Người chết đã tạm yên. Người sống còn ngắc ngoải. Bổn phận làm cha mẹ mà trách nhiệm chưa tròn - thì cho dẫu có Bà Cậu ..
chung quanh - cũng khó ngậm cười nơi chín suối.
Nhân mắt trợn ngược lên. Nóng ruột hỏi:
- Chẳng lẽ bác còn tâm nguyện, chưa hoàn thành được hay sao?
Khanh gật gật đáp:
- Hai đứa con của bác đã tới tuổi cập kê, mà không tiền sửa soạn, nên mai mối chán nản tìm đường đi nơi khác. Bác sợ hãi nghĩ rằng: "Con mình đang còn trẻ, thuộc hàng… đang rao bán, chớ không phải hàng tồn kho, nhưng nghèo khó bao quanh nên chưa mần chi được, mà thời gian thì hững hờ trôi chảy. Nào có đợi ai. Chừng tuổi xuân mất đi thì lúc đó mới thấy ông tằng cố tổ…".
Rồi đưa tay ôm ngực. Nặng nhọc nói:
- Tiền có thể kiếm được, nhưng một khi xuân sắc mất rồi thì biết… chồng ở đâu mà kiếm?
Nhân nghe vậy, liền nổi máu hùng anh, bèn cho tay vào bọc lôi hết mớ tiền đang có, đặt vào tay của Mãn Khanh. Trịnh trọng nói:
- Một chút thành tâm. Mong bác nhận cho lòng con vui sướng.
Lúc Thuần Nhân về đến nhà. Cha hỏi:
- Con đi cả tháng trời. Có gặp ai quen không?
Nhân vội vã đáp:
- Con đến Đan Dương, bất chợt gặp bạn của cha là bác Mãn Khanh lâm cảnh ngặt nghèo, lại ôm phải ba cái tang cùng một lúc, thêm hai cô con gái lớn không tiền chưng diện, nên con tự ý cho cả năm trăm thùng lúa mà chưa được phép cha. E chừng không đúng!
Yên xua tay đáp:
- Cha con mình bỏ tiền mua danh. Có gì mà ngại. Sao con không cho nốt mớ kim ngân để con gái bác dễ bề toan tính?
Nhân cười tươi đáp:
- Trừ một ít lộ phí trở về. Còn tất cả đã sang tay người khác.
Yên nghe vậy, mặt mày sáng rỡ, liền đập đập xuống bàn. Sảng khoái nói:
- Có như thế mới đáng là con ta.
Lã thị đang ngồi vá áo, bất chợt nghe hai cha con trò chuyện, bèn trĩu nặng tâm can. Khổ sở nói rằng:
- Người lạc quan chỉ thấy vận may. Kẻ bi quan suốt ngày thấy tai họa. Ta không phải là hạng bi quan, mà sao… tai họa mỗi ngày thêm mỗi tới!