PDA

View Full Version : Chuyện Người Vợ Tù Cải Tạo .



loibangTQLC
01-11-2010, 10:54 PM
Chuyện Người Vợ Tù Cải Tạo

Đọc xong lá thư,lòng nàng như quặn thắt. Nàng đã khóc sướt mướt, khóc thật nhiều, nhưng mà cũng không cảm thấy vơi được phần nào nổi khổ đau, lo lắng ở trong lòng.

Lá thư gởi về từ Trại Cải Tạo, báo tin rằng chồng nàng vừa trải qua một cơn bạo bệnh. Lá thư mang vỏn vẹn có mấy dòng với nét chử ngoằn ngoèo, đứt đoạn, run rẩy, chứng tỏ rằng người viết - chồng nàng - đã quá yếu, viết chẳng thành chử cho rõ ràng.

Chi Lăng ngày… tháng 4-1977.

Em yêu,

Anh vừa qua một cơn bệnh nặng, ho ra máu, đã chết đi hết 3 tiếng đồng hồ. Nhờ có các Anh Bác Sỉ Cải Tạo cứu chửa, được sống lại. Hiện ở đây không có đủ thuốc. Anh BS Đổ nói cần phải có thuốc để chửa trị kịp thời, nếu không thì…

Các thứ thuốc rất cần là : Streptomycin, INH (Isoniazique hoặc Tyfon) và thuốc PASS. Có được bao nhiêu tốt bấy nhiêu để chửa trị bệnh lao phổi, và một ít thức ăn để bồi bổ cho sức khoẻ. Anh ốm nhiều và yếu lắm.

Tạm ít dòng về em. Hôn Em và con.

Sau biến cố 30/4/75, tất cả binh lính VNCH rả ngũ còn ở lại VN đều bị tập trung gọi là đi Học Tập Cải Tạo. Hạ sĩ quan và Binh sĩ thì thời gian “học tập” từ 1 tuần lễ đến 10 ngày, còn cấp Sĩ quan thì 1 tháng. Chồng nàng thuộc diện Sĩ quan được tập trung đi cải tạo vào giửa tháng 7/75. Lúc đầu là tại địa phương, tỉnh nhà, Trại Tập Trung Cải Tạo Đám Lác (Xã Tân Phú Đông, SaĐec).

Sau thời gian qua đi, 1 tháng, 3 tháng, rồi 1 năm, những SQ bị tập trung cải tạo không được cho về. Vì theo lệnh Khoan Hồng Nhân Đạo của Nhà Nước CS, những thành phần tội lổi, có nợ máu với Nhân dân, cần phải được “học tập” lâu thêm nửa để được thấm nhuần đường lối Cách Mạng, gột rửa bản thân, có tiến bộ để trở thành công dân của một nước dưới chế độ ưu việt của thời đại.

Chồng nàng vẫn được tiếp tục học tập cải tạo, và nàng, người vợ yếu đuối phải gánh gồng mọi việc bên ngoài; nuôi dưỡng chăm sóc cha mẹ già yếu, đứa con thơ, và làm lụng vất vả với mọi thứ việc để nuôi chồng và lo toan cho cuộc sống.

Sau hơn 2 năm, dưới chế độ “ưu việt” đã giúp nàng thích nghi trong hoàn cảnh. Từ một người chưa quen lao động chân tay, chưa mua gánh bán bưng, chưa biết dãi nắng dầm mưa với những công việc ruộng đồng, từ từ nàng cũng đã quen dần và thành thạo.

Từ cuộc sống có phần an nhàn và thảnh thơi nơi phố thị, nàng về sống nơi quê chồng ở vùng nông thôn. Lúc đầu thì khó khăn vất vả, chưa biết, chưa quen, nhưng dần dà rồi cũng làm được và thích nghi với đời sống mới. Chính là nhờ vào đâu? Nàng đôi khi tự nghĩ.

Nhờ vào chế độ mới? Một chế độ bắt người dân phải chịu khổ, chịu khó. Kinh nghiệm qua trên hai mươi năm ở miền Bắc, người dân đã thắt lưng buộc bụng, đã hy sinh và chịu đựng, vượt qua khó khăn, gian khổ để đạt đến “vinh quang” của ngày hôm nay là đánh đuổi được tên Đế quốc Mỹ sừng sỏ, và đập tan chính quyền thối nát cai trị người dân bằng bốc lột, bằng tha hóa, bằng phi lao động, sa đọa, đàng điếm, hưởng thụ ăn chơi? Theo như CS đã từng rao giảng?

Nhờ chế độ dạy cho dân biết thế nào lao động là vinh quang. Bắt phải chịu đói khát, phải khốn khổ, phải có chết đi rồi sống lại thì mới cảm nhận được tầm mức của cải làm ra là gía trị, là trân qúi.

Nhờ vào đức tin và tình yêu: Đức tin vào cuộc sống. Dù gặp phải hoàn cảnh nghiệt ngã nào cũng phải cố mà gượng dậy, mà ngoi lên. Nhờ vào tình yêu trên nhiều khía cạnh, yêu chồng, yêu con, yêu thương cha mẹ già yếu, thương những kẻ cùng cảnh ngộ. Tình yêu giúp nàng thêm phấn đấu, giúp nàng không bỏ cuộc, không buông trôi, giúp vượt qua bao gian lao, bất hạnh.

Nhờ bao thứ đó, nàng không ngả qụy, biết chịu đựng và sẵn sàng chịu đựng.

Hôm nay, trước tin chồng đau nặng, đang cần một số thuốc để cứu mạng cho anh ấy. Vì nếu không có thuốc thì…,thì anh ấy không thể được cứu sống. Bây giờ bệnh tình anh đang trầm trọng. Anh qúa yếu, không còn sức lực bao nhiêu nữa. Nhìn qua mấy dòng chữ viết trong thư nguệch ngoạc. run rẩy để hình dung về sức vóc của anh. Bây giờ ở đó anh đang trông chờ, từng giờ, từng khắc trong cơn chống chỏi với tử thần.

Giờ đây chỉ có nàng mới có thể đem cho anh tiếp tục sự sống, với những thứ thuốc mà anh đang cần.

Làm sao bây giờ. Thì giờ lại cấp bách, mà công việc thì thật sự lại qúa khó khăn. Trước 30/4/75, hồi còn chế độ củ VNCH, với số thuốc này thì là dể kiếm, muốn lúc nào cũng có, nhưng bây giờ thì qủa là khó khăn vô cùng.

Sau ngày “giải phóng”, tất cả mọi thứ đều trở nên qúi hiếm, luôn được kiểm soát gắt gao, mà thuốc tây thì lại là một trong những thứ hiếm qúi, đắt đỏ và bị kiểm soát gắt gao nhất. Làm sao để mua, và mua ở đâu bây giờ trong thời gian gấp rút. Nhờ ai đây, và ai có thể giúp được cho mình trước tình cảnh này.

Suốt đêm không ngủ được, nàng cứ mơ màng nghĩ tưởng đến hình ảnh người chồng ốm đau trên giường bệnh. Đêm trường vắng lặng, qua ánh đèn vàng vọt, đứa con thơ bên cạnh đang ngon giấc ngủ say, gương mặt phảng phất dáng nét của bố. Nàng ôm con vào lòng cho nhẹ bớt cô đơn, ruột gan rối bời, nước mắt ràng rụa.

Hôm sau, thức sớm đón tàu đò đi ra chợ, về nhà cha mẹ ruột để tìm cách lo liệu. Phải nhờ đến Ba, Ba có thể có cách giúp mình, và những người quen thân buôn bán ở Sađec.

Ba lục lọi trong tủ thuốc của Ba còn được 4 lọ strep và 50 viên PASS vừa qúa date hơn 1 tháng . Đây là thuốc của Ba, Ba cũng đang điều trị bệnh phổi. Thôi thì Ba nhường cho nó. Dù là thuốc qúa hạn, nhưng có thể còn xử dụng được vì là thuốc made in Hoa Kỳ. Cũng chưa đủ, nàng cần phải tiếp tục tìm thêm. Dù sao có Ba cũng giúp cho nàng nhẹ đi phần nào lo lắng. Suốt cả ngày quên ăn, quên uống, và quên cả đứa con thơ gởi cho ngoại trông coi, nàng đi hầu như khắp cùng phố thị, ghé qua nhiều chổ quen thân cũng chưa tìm đủ số thuốc. Các pharmacy thì vẫn khan hiếm thuốc ngoại, đa số đều là thuốc Dân tộc. Một vài nơi có thì giá lại qúa đắt, cần phải có giấy giới thiệu của chính quyền địa phương, phải có toa của bác sĩ, và phải là cán bộ thì mới mua được.

Suốt một ngày rả rời thân thể, nàng về nhà vẫn với tay không.

Ba an ủi: - Con nên ăn uống và nghỉ ngơi đi, đừng qúa lo lắng. Để ngày mai, Ba đi nhờ một số người quen biết nữa để lo kiếm cho con.

Ba là cái phao cho nàng giửa cơn sóng gió. Từ ngày chồng đi cải tạo, Ba là chổ dựa để nàng được an ủi khuyên lơn và giúp đở, cả vật chất lẫn tinh thần. Ba đã chắc chiu gởi từng viên thuốc , từng manh báo, sách vở, chiếc áo ấm mặc mùa đông và luôn gởi nhắn lời động viên an ủi cho chồng cố gắng để mà cải tạo tốt, sớm được trở về. Ba đã phân tích, khuyên dạy cho nàng trên từng bước đi cuộc đời với bao vấp phải khốn đốn khó khăn mà có lắm khi tưởng chừng như ngã qụy. Bây giờ trong hoàn cảnh này lại có Ba. Nàng cảm thấy an ủi thật nhiều.

Chiều tối, đi thăm một số người thân, cũng với mục đích tìm thuốc. Tình cờ nàng gặp Triết - bạn trai của đứa cháu ruột kêu bằng Dì . Triết hỏi thăm về Dượng - chồng nàng. Nàng nói cho Triết nghe mọi sự. Rất may, Triết mới vừa mua giúp cho bạn 1 lọ INH (1000 viên). Triết hứa giúp nàng và sẽ mua cho bạn lọ thuốc khác.

Lạy tạ Trời Phật, cảm tạ đấng thiêng liêng đã phù trợ, cám ơn tấm lòng qúi hóa của đứa cháu. Lọ thuốc 1.000 viên INH giữa lúc này thật sự là của ngàn vàng. Đứa cháu để lại bằng giá vốn, với gía mua chui, không mắc, lại còn nói là Dì cứ mang lên cho Dượng, tiền bạc thủng thẳng trả sau, Dì đừng ngại.

Hôm sau, qua một số người thân quen, Ba cũng đã góp nhặt đem về thêm một ít thuốc Streptomycin. Và nàng cũng đã có thêm những tấm lòng hảo tâm giúp đở, gom góp tất cả cũng gần 30 lọ strepto. Như vậy là đã nhẹ được 1 mối lo, chỉ còn lo việc lên đường đem thuốc cho chồng.

Giấy phép đi thăm chồng thì đã có Ba lo xong. Nàng qua chợ tìm rủ một vài người đi cho có bạn; một số bạn thân quen có chồng đi cải tạo vẫn thường đi thăm nuôi cùng nàng.

Bây giờ là giửa tháng, chưa đến kỳ cho chuyến thăm nuôi nên không có ai cùng đi cả. Chỉ có vài bạn hàng mua bán, họ vẫn thường hay lên xuống, đến vùng biên giới Tịnh Biên để mua bán hàng lậu kiếm lời. Nàng có được vài người để tháp tùng cho chuyến đi ngày mai.

Đã nhẹ gánh lo toan về thuốc men nhưng nàng vẫn bồn chồn không yên trong dạ. Rảo qua đường phố nàng mua thêm những thứ cần thiết, thức ăn bồi bổ sức khỏe cho chồng. Về nhà, tất cả mọi thứ đều được chuẩn bị sẵn sàng. Qua hơn 3 ngày đêm khổ sở, bây giờ nàng mới cảm thấy nhẹ nhàng đôi chút. Nàng mới kịp nhớ đến con, đứa con mà từ mấy ngày qua nàng hầu như quên đi, để nó lủi thủi ở nhà, thiếu vắng sự nâng niu chăm sóc; một núm ruột, một niềm an ủi cho nàng. Ôm con vào lòng, nàng nhẹ hôn lên tóc, lên trán con để cảm nhận nổi niềm hạnh phúc.

Giấc ngủ vẫn không nguyên vẹn, dù rằng vừa qua mấy ngày mệt mỏi, nàng cố ngủ một giấc để bù trừ nhưng mà cũng không ngủ được tròn giấc.

12 giờ khuya, nhẹ hôn lên trán con môt lần nữa, nàng xách đồ đạc xuống đò để qua bến xe sắp hàng chờ mua vé đi Châu Đốc.

Những ngày sau 30/4/75, vấn đề phương tiện di chuyển lại là chuyện không dễ chút nào. Xe cộ thì ít, đường xá thì từng đoạn hư hao loang lổ. Trên các lộ trình đi lại từ tỉnh này qua tỉnh khác bằng xe đò, hành khách phải sắp hàng để chờ mua vé cũng rất là nhiêu khê, vất vả. Muốn được có vé để đi, người ta phải chen chúc sắp hàng từ 4-5 tiếng đồng hồ mới hy vọng mua được chiếc vé với gía bình thường theo tiêu chuẩn, nếu không thì không có vé, phải mua vé chợ đen với giá gấp đôi, thậm chí phải mua chuộc mới có được chổ ngồi thoải mái. Xe thì luôn đông nghẹt, chật chội, hành khách phải ngồi la liệt dưới sàng, trên nóc, hoặc đeo theo phía sau xe.

Để có chiếc vé để đi, nàng phải tranh thủ ra bến xe đứng chờ từ 1 giờ sáng. Qua hơn 5 tiếng đồng hồ xếp hàng chờ đợi, thậm chí không dám rời hàng để đi tiểu, vì sợ mất phiên mình, nàng mua được chiếc vé vào lúc 6 giờ 30 sáng để đi chuyến đầu tiên.

Cầm chiếc vé trên tay, yên tâm mừng rỡ, nàng vội vàng mang hành lý ra xe thì một tin như sét đánh:

- Hôm nay xe đi Châu Đốc không chạy được vì tình hình bất an ninh. Bà con mua vé rồi có thể đến quầy trả vé lấy tiền lại, hoặc giữ đấy để ngày mai nếu tình hình yên ổn thì sẽ tiếp tục đi. Tiếng loan ra từ một nhân viên phụ trách tại bến xe gây hoang mang, xao động. Nhiều câu hỏi đưa ra, nhiều lời bàn tán?

- Bọn Khờ Me đỏ PônPốt bắn phá vùng biên giới, tình hình rối rắm mất an ninh từ hôm qua.

Tại sao lại có chuyện như thế vào lúc này, nàng buồn bã thở dài. Biết làm sao đây, đâu có phương tiện nào khác hơn là chờ đi xe đò. Và tình hình đến bao giờ thì an ninh được. Nàng thất thểu mang giỏ xách đồ đạc trở về. Ba má cũng lo âu và buồn rầu cho con. Từ đây lên Châu Đốc, rồi Chi Lăng, đường đi quá xa. Xe đò mà đi không được thì có xe nào lại dám đi lên đó. Tin tức lại đồn từ hôm qua bà con một số đã tản cư rời vùng biên giới vì tụi Khờ Me đỏ “cáp duồn” gặp ai thì giết nấy đối với người Việt mình.

Nghỉ ngơi không được, ngồi đứng không yên, nàng như con người đứng trên đống lửa. Hình ảnh người chồng ốm yếu đang lởn vởn trong đầu.

Ở đó anh đang trông em từng giờ từng phút. Anh đang chống chọi với tử thần. Làm sao em đến được với anh đây hở anh!

Van lạy Trời Phật, nguyện cầu với Phật Bà Quan Thế Âm cứu giúp, giúp chồng con chống chỏi được cơn bệnh. Giúp cho tình hình yên ổn, có xe chạy để con mang thuốc đến để mà cứu chồng con.

Một ngày trôi qua tình hình vẫn chưa yên. Nàng cố theo dỏi để hỏi thăm tin tức, cứ chờ đợi mà ruột thắt gan bào.

Một ngày nữa kế tiếp, tin tức có xe lưu thông, nhưng mà từ trên đổ về thì nhiều, mà người từ dưới đi lên thì rất ít, thậm chí không có hành khách đi lên.

Có xe chạy là được, nàng quyết tâm đi.

Bà Vú (mẹ nàng) lo lắng ái ngại. Tình hình quá nguy hiểm. Người ta chạy giặc từ vùng trên đó tản cư, mà bây giờ con đi lên đó, vào chốn qúa nguy hiểm thì làm sao mà yên tâm cho được. Lỡ có bề gì thì sao đây? Con thì còn nhỏ, cha thì xa vắng còn có mẹ để nương nhờ. Đành rằng nó đau thì cần phải cứu, nhưng mà con đi tức là thêm một đứa nữa dấn thân vào chổ chết. Thật tình tao không biết phải liệu sao.

- Phải đi mới được Vú à. Hơn tuần nay ảnh đang lâm trọng bệnh, đang chờ thuốc. Nếu con không đến được thì chắc ảnh không thể sống còn. Bây giờ thì phải phó mặc cho số Trời. Chẳng lẽ đời chúng con lại qúa bi thảm và tận cùng như thế. Ở nhà mà đợi, mà chờ giữa lúc này con không thể nào mà yên được. Con cầu mong Trời Phật che chở cho con, khấn nguyện Ông Bà phù hộ cho chúng con.

Ba cân phân góp ý:

- Nếu con quyết tâm thì cứ đi, nhưng mà phải rất thận trọng. Nếu gặp tính hình khó khăn lắm thì tùy cơ mà liệu lường. Ba van vái cho con được bình yên.

Chuyến xe đò buổi sáng sớm đi Châu Đốc vỏn vẹn chỉ có 5 người. Bác tài xế, anh lơ xe và 3 hành khách, mỗi người có mỗi tâm trạng và hoàn cảnh khác nhau. Ai nấy đều có lý do cần thiết riêng lẻ cho mình. Lần đầu tiên, từ sau ngày “giải phóng”nàng được đi trên một chuyến xe khá là rộng rãi. Rộng rãi nhưng mà không cảm thấy thoải mái chút nào. Đường đi khá vắng lặng, chiếc xe ì ạch lướt đi, thỉnh thoảng lại qua mặt một vài chiếc xe chạy ngược chiều. Các tài xế chào nhau với những ngón tay ám hiệu.

Vái trời cho được bình yên, đừng có chyuện gì bất trắc xảy ra, nàng vẫn luôn khấn nguyện.

Qua khỏi Long xuyên, xe qua mặt bắt đầu nhiều. Những chuyến xe ngược chiều bên kia, hành khách đông nghẹt. Theo tin thăm hỏi được biết là bà con vẫn tiếp tục tản cư, rời khỏi vùng biên giới. Tuy nhiên, nghe nói bọn Khờ Me Đỏ đã rút đi rồi, sau khi bắn phá, cướp bóc một số nhà dân VN sinh sống rải rác tại vùng ven biên. Và từ hôm qua thì đã có Bộ Đội biên phòng được tăng cường để giữ an ninh lãnh thổ.

Đến Châu Đốc bình yên an toàn, ba hành khách cùng chia tay mỗi người mỗi ngả.

Còn môt đoạn đường nữa, và đây là chặng đường “khốc liệt”. Nàng gom góp hành lý đứng chờ đón chuyến xe Châu Đốc - Chi Lăng. Không có ai là hành khách cùng lộ trình với nàng. Và xe thì qua hỏi thăm, mỗi ngày chỉ có hai chuyến. Chuyến thứ nhất vì không có khách nên xe không chạy. Bây giờ chỉ còn chuyến thứ hai, buổi chiều, đang chờ kiếm khách để đi.

Bụng đã đói, nhưng nàng không thiết đến ăn. Phải ăn để lấy sức chịu đựng, nàng tự nhủ. Vào quán, kêu tô cháo, nàng vừa húp được một nữa thì bà bán hàng cho biết có xe đi Tri Tôn qua Chi Lăng. Mô Phật! Nàng mừng rỡ, trả tiền tô cháo rồi xách giỏ hành lý vội vả lên xe.

Chuyến xe không đông, khoảng 10 hành khách, đa số là những bạn hàng đi buôn lỡ chuyến chưa kịp về nhà ở vùng Thất sơn. Từ mấy ngày qua họ bị kẹt không về được vì không có xe đi. Nghe nói bọn Miên Đỏ tàn sát người Việt mình cũng nhiều. Vì chúng đến bất ngờ, người mình chạy không kịp. Đa số là bà con nông dân làm ăn vùng biên giới. Một bà già, khoảng độ trên 60 tuổi đang nức nở khóc kể. Gia đình Bà ta ở Nhà Bàng, có đứa con đi làm mướn, theo một toán đốn cây trong rừng, bọn Pôn Pốt tràn tới, chạy không kịp. Một số bị chúng giết, và một số bị bắt đem đi. Bà đang tìm tin tức đứa con thất lạc của mình từ 2 ngày nay vẫn không biết tin tức.

Một người nói chen vào:

- Bọn nó mà bắt đi thì khó mà sống. Tụi chúng rất tàn bạo dã man, đồng bào người Khờ Me của chúng mà chúng còn giết huống gì là người Việt mình.

Câu chuyện xoay quanh, bàn tán trên xe vẫn là chuyện bắn giết, chết chóc và chuyện đồng bào di tản từ mấy ngày qua. Nghe mà đau lòng xót dạ. Dù rằng hôm nay tình hình đã yên dịu, nhưng mà bao dư âm chết chóc vẫn lãng vãng bên tai và nàng đang đi vào vùng lửa loạn đó. Tiếng súng thỉnh thoảng âm vang một vài nơi. Hai bên đường thật sự vắng lặng. Mọi sinh hoạt hầu như ngưng đọng, vì đa số người ta đã đi tản cư lánh nạn hết. Hai bên đường rải rác những căn nhà im lìm cửa đóng. Một số súc vật không ai chăn dắt; trâu bò lang thang gặm cỏ ngoài đồng.

Vùng Chi Lăng nghe nói còn được yên tỉnh vì nơi đó có Bộ Đội trú đóng. Hy vọng cho nàng là tình huống chắc không đến nổi tệ hại.

Chung quanh Trại Tù Cải Tạo Chi Lăng có một số nhà đồng bào làm ăn sinh sống. Hy vọng có người ta còn ở đó để nàng có thể đến đùm đậu chờ thăm chồng như những lần trước đây.

Chiều xuống, xe cũng vừa đến Chi Lăng. Giờ này đã quá giờ vào Trại để xin thăm nuôi, gửi đồ. Phải tìm một nơi nghỉ trọ qua đêm.

Đường xa xứ lạ, một thân một mình, mà là đàn bà nữa, bao nổi thử thách đang đe dọa với một kẻ tứ cố vô thân như nàng.

Mấy lần trước, đến thăm nuôi cùng đi với nhiều người, nàng yên tâm không lo sợ, còn bây giờ thì… đơn độc một thân. Vì tình yêu, cũng bởi thương chồng giúp cho nàng có được can đảm; can đảm gần như là đánh liều, và nàng luôn chỉ biết van vái, cầu nguyện.

Đến nhà chị Ba, một nơi mà từ trước nàng có đến ở trọ. Chị Ba vui vẻ tiếp đón và cũng khá ngạc nhiên sao nàng lại đến vào lúc này. Khi hiểu ra chị cảm thấy thương hại và hứa sẽ tìm cách giúp nàng.

- Em cứ yên tâm ở đây, tắm rửa, nghỉ cho khỏe đi rồi để ngày mai vào trình xin gửi thuốc cho chồng. Ở đây buổi tối cũng thường có mấy tên cán bộ Trại ra uống nước. Mình có thể tìm cách nhờ họ giúp đở. Thật là tội nghiệp, đường xa mà lặn lội tới đây có một thân một mình vào lúc này. Nhưng mà em đã đến đây thì không sao. Chổ này yên ổn lắm, vả lại từ 2 ngày qua nghe nói tụi nó cũng đã rút đi hết, không còn quấy phá nữa. Có Bộ Đội VN mình đến giữ an ninh rồi.

Nghe qua nàng cảm thấy cũng yên lòng phần nào, nhưng mà lo thì vẫn cứ lo.

Bây giờ cảm thấy đói, nàng ăn lót dạ qua loa rồi tìm chổ nghỉ ngơi.

Nghỉ ngơi cho khỏe, nhưng mà thật sự vẫn không yên, vẫn nôn nao, bồn chồn, lo lắng. Thêm một đêm dài để đợi chờ, và không biết ngày mai có gì trở ngại không, có được gửi thuốc không. Tình hình không phải như lúc bình thường mà là khi đang có biến cố giặc giả.

Bây giờ anh thế nào rồi hở anh. Anh có biết là em đã đến với anh không anh. Đến gần với anh nhưng mà vẫn còn trong xa cách. Em thật sự cũng chưa làm được gì để chia sớt nổi đau cùng anh. Và anh cũng chắc không thể ngờ rằng người vợ của anh đã trải qua bao gian nan khốn khó để đến với anh giửa lúc này. Bao thứ cần thiết cho anh, em đã cố gắng lo và mang đến đầy đủ. Em mang đến cho anh sự sống, không phải chỉ là sự sống cho riêng anh, mà là sự sống cho chúng mình; cho anh, cho em và cả con nữa. Vì rằng nếu anh có mệnh hệ nào thì em và con cũng không thể tồn tại. Anh là lẽ sống của chúng mình. Em luôn nguyện cầu cho anh được bình yên, được sống còn, được trở về nguyên vẹn. Dù phải trải qua bao gian truân khốn khó, em vẫn không ngại, vẫn không sờn.

Tất nhiên là bao ngày qua anh đang mòn mỏi trông tin, trông thuốc để được điều trị cho cơn bệnh hiểm nghèo. Bây giờ thuốc đang ở tầm tay, chỉ còn có một khoảng cách ngắn ngủi - khoảng cách của Định mệnh, của số phần. Van vái Phật Trời phò hộ cho anh có đủ sức chịu đựng, đủ sức đợi chờ. Em đang đến bên anh.

8 giờ tối, đang giấc ngủ chập chờn, chị Ba đến gọi:

- Có một tên cán bộ vừa ra kià, hay là Em đến nhờ ông ta giúp cho gửi thuốc thử coi.

Một cán bộ Trại ra mua gói thuốc hút, vừa trả tiền xong định quay vào, chị Ba nói;

- Thưa Cán Bộ, có một cô từ xa đem thuốc cho chồng bị đau nặng trong Trại, đã đến từ hồi chiều mà không biết làm sao gửi được. Có thể nào Cán Bộ nhận và chuyển giúp giùm làm phước được không Cán Bộ. Nàng đứng bên chị Ba cúi đầu chào với vẻ mặt cầu khẩn van xin, vừa lấy giấy tờ lá thư của chồng và tờ giấy phép.

- Thưa Cán Bộ, chồng em đau nặng, viết thư gửi về nhờ đem thuốc đến để chửa trị. Từ mấy ngày qua em vất vả mới đến được mà bây giờ không biết làm sao. Cán Bộ có thể nào làm ơn giúp cho em được gửi một số thuốc cho chồng. Em cám ơn Cán Bộ nhiều lắm.

Tên cán bộ nhìn nàng, nhìn chị Ba:

- Tình hình lúc này căng, không được thăm nuôi cũng như gửi đồ. Tình trạng của chị đây cũng khó mà giúp được.

Nàng nghe qua mà đau nhói trong lòng.

- Cán Bộ làm ơn giúp giùm, em chỉ nhờ gửi thuốc thôi, chồng em đau nặng lắm. Nếu không có thuốc kịp thời thì anh ấy sợ khó qua khỏi. Xin Cán Bộ làm ơn cứu giúp giùm.

- Ở trong Trại có Bệnh xá, có Bác sĩ điều trị, có thuốc đầy đủ, đâu có để ai đau chết mà sợ. Nếu tình thế nặng thì có xe chuyển đi Bệnh viện, chị an tâm. Dù các anh đã từng gây tội ác với Cách Mạng, với Nhân Dân, nhưng Đảng và Nhà Nước lúc nào cũng khoan hồng độ lượng và chăm sóc giúp đở, đâu có để ảnh chết mà chị lo. Thật ra thì hôm nay tình hình rất căng, tôi không thể giúp được chị, chị thông cảm nhé.

Nói xong, tên cán bộ bước ra, đi vào trại.

Nước mắt tuông trào, ruột gan quặn thắt, nàng nhìn theo tên cán bộ mà đau đớn, thẩn thờ.

Chị Ba an ủi:

- Em cố bình tỉnh, và cũng đừng quá lo. Mình sẽ nhờ người khác. Chờ ngày mai đến cổng Trại xin gửi chắc được mà. Hoàn cảnh bệnh hoạn ngặt nghèo chớ có phải thăm nuôi bình thường đâu.

Cổng Trại Cải Tạo cách nhà chị Ba khoảng chưa đầy 100m, ban ngày đứng trước nhà chị Ba nhìn thấy. Giờ này đêm xuống, bên ngoài trời tối đen, cánh cổng cũng đang đóng chặt im lìm.

Sáng sớm, vài tên cán bộ từ trại ra quán chị Ba uống cà phê. Nàng cũng có ý nhờ giúp gửi thuốc, nhưng lính Bộ đội, giữ an ninh Trại thì đâu có thể giúp được, dù trong mấy em này có đứa cũng tốt bụng nhiệt tình. Một đứa bảo:

- Chờ tới giờ làm việc, 7 giờ, chị đến Phòng Trực Ban ở Cổng xin người ta giúp cho. Gửi đồ chứ đâu có xin thăm nuôi, em cghĩ chắc được.

7 giờ sáng,nàng đến cổng Trại trình với tên Bộ Đội gác cổng và xin được gửi đồ. Tên lính gác mời nàng vào Phòng trực ngồi đợi, chờ Trực Ban giải quyết.

Cổng Trại vào buổi sáng có rải rác bộ đội ra vào. Nàng yên lặng ngồi chờ, trong lòng thắt thỏm lo âu.

Sau hơn 1 tiềng đồng hồ, tên Trực Ban đi ăn sáng trở về, nàng được giới thiệu và trình bày mọi sự cùng đưa những thứ giấy tờ liên quan; thư của chồng, giấy phép đi thăm và mang thuốc cho chồng… Tên trực Ban đọc từng cái, lật qua lật lại quan sát rồi nói:

- Tình hình lúc này căng, đã có lệnh là không cho thăm nuôi, cũng như nhận bất cứ quà vật gì. Tôi không thể giúp giải quyết cho chị được.

- Tôi chỉ cần gửi thuốc cùng một ít thức ăn cho chồng tôi vì anh ấy đang lâm bệnh nặng, kính xin cán bộ giúp giùm cho hoàn cảnh đặc biệt này.

Tên cán bộ trực vẫn lắc đầu:

- Lệnh là chúng tôi phải thi hành, tôi đâu có thể nào làm khác hơn được. Tình trạng này chỉ có Thủ Trưởng mới giải quyết cho chị được.

- Kính nhờ cán bộ trình lên Thủ Trưởng giùm tôi.

- Thủ trưởng vừa đi vắng. Hay là chị tạm thời tìm chổ ở đâu đây, chờ Thủ Trưởng về sẽ xin vậy.

- Thưa với cán bộ, Thủ Trưởng chừng nào về, và nhờ cán bộ trình giúp giùm tôi có được không.

- Ổng đi thì tôi không biết bao giờ về, còn tôi chỉ ở đây trực đến trưa thì hết phiên, chị có thể nhờ người Trực kế tiếp giúp cho.

Tên cán bộ trả lại giấy tờ, rồi lặng lẽ bước đi, để lại cho nàng nổi não nùng thất vọng.

Trời ơi, luật lệ nguyên tắc gì mà nhiêu khê khó khăn quá. Chồng đau bệnh có giấy tờ minh chứng rõ ràng mà cũng không được cho gửi thuốc.

Từ xa xôi với bao khó khăn trở ngại, em đã cố vượt qua, giờ đây trong tầm tay với mà vẫn chưa được, chỉ vì luật lệ, nguyên tắc. Người ta đâu có cần quan tâm đến tính mạng của anh; sự sống của một con người.

Nàng thất thểu trở về quán chị Ba. Một số bộ đội bảo vệ vẫn vui cười ngồi ăn uống ở góc nhà. Không ai có thể nhờ vả giúp đở được. Nàng cảm thấy qúa nhỏ bé, qúa cô đơn và bất lực.

Chị Ba dỗ dành:

- Xe Thủ Trưởng mới đi ra hồi sáng sớm, bây giờ chịu khó đứng trông chừng. Chừng nào thấy xe ổng về mình ra đón để trình xin xem sao.

- Làm sao mà biết chừng nào ổng về, và làm sao mà chận xe ổng lại được.

Một lần nữa, chị Ba đến cầu cứu mấy tên bô đội.

- Ông Thủ Trưởng thường hay đi ăn sáng ngoài chợ, khoảng chừng nửa buổi ổng về. Chị muốn đón ổng thì chờ tại cổng, chừng ổng về thì xe ngừng lại tại cổng chờ mở cửa, lúc ấy chị có thể đến gặp. Nhưng mà cũng tùy lúc, gặp lúc ổng vui thì ổng có thể giúp cho, còn không thì không chắc đâu.

Vậy là nàng phải đến cổng xin với lính gác được đứng gần đó để chờ ông Thủ Trưởng. Nàng luôn vái van ơn trên phù hộ cho mình.

Thỉnh thoảng vẫn có xe ra và vào, và cánh cổng từng lúc được mở ra rồi đóng lại.

Vì an ninh nàng không được phép đứng ở điếm canh bên cánh cổng mà phải đứng chờ xa bên kia đường. Vậy thì làm sao mà biết được xe nào là xe của ông Thủ Trưởng đi qua, và làm sao đón được ổng.. Vừa suy nghĩ vẩn vơ, vừa lúc có một chiếc xe ra, cánh cổng cũng vừa được mở. Chiếc xe kia vừa ra thì xe ông Thủ Trưởng cũng vừa về, và… một cái vèo, xe ông qua mất hút. Tên lính gác nói:

- Xe Ông Thủ Trưởng mới vừa vô đó.

- Trời ơi, biết làm sao bây giờ. Thất vọng não nề, nàng lại thất thểu trở về quán chị Ba.

Mặt trời đã lên cao, ánh nắng chói chang ngoài mặt lộ. Đã gần hết một buổi rồi. Cả một buổi để chờ đợi, xin xỏ, chạy chọt, cầu khẩn, van lơn, mà công việc vẫn không xong được.

Chị Ba khá tốt bụng, chị xốc vát, chị lanh lợi, cũng có quen biết nhiều lính bộ đội và cán bộ trong Trại. Vậy mà chị cũng không thể giúp được cho nàng. Tại chưa gặp lúc? Thời gian đối với nàng là cấp bách, là nôn nóng, là bồn chồn, lo lắng. Thế mà tất cả vẫn là khoảng không, trống trải, chán chường, thất vọng. Chẳng lẽ tình huống lại bế tắt? Nàng không nghĩ như vậy. Bằng mọi giá phải cố. Cố chờ, cố đợi, cố xin xỏ, lo lót để đạt được mục đích. Mục đích chỉ là đơn giản, chỉ tầm thường, vậy mà sao lại khó khăn dường ấy.

Giữa trưa, có một tên cán bộ quen biết với chị Ba ra nhờ chị giúp cho mượn ít tiền. Anh ta đang cần cho việc gì đó. Chị Ba giới thiệu, nói hoàn cảnh của nàng và xin nhờ giúp đở. Tên cán bộ cũng lại lắc đầu.

- Có lệnh cấm, và tụi em cũng không có quyền.

Nàng khóc lóc, ỉ ôi năn nỉ:

- Anh có cách nào nhận giùm được không. Thật sự thì chồng tôi đang cần số thuốc này lắm. Ảnh đau từ cả 2 tuần nay rồi. Đau nặng và đang chờ thuốc. Anh làm ơn giúp giùm để cứu ảnh. Tôi lo qúa, nếu không có thuốc thì bệnh tình có thể nguy đến tính mạng. Mong nhờ anh thương tình mà tìm cách cứu giúp giùm. Tôi có thể cho anh mượn số tiền anh cần, chừng nào có, anh có thể trả lại cho chồng tôi. Không sao đâu. Tôi van anh làm ơn giúp giùm. Tôi đời đời biết ơn anh.

Tên cán bộ có chiều suy nghĩ. Trước tình cảnh qúa thảm thương, và lời lẽ van xin thống thiết quá, anh cũng có chút động lòng.

- Tiền thì tôi chỉ nhờ chị Ba, không dám mượn chị đâu. Còn việc giúp chị trước tình cảnh này thì… để coi. Thấy chị cũng quá tội nghiệp.

Chị Ba nói vô:

- Không sao, chị cho em mượn tiền, và cũng xin em làm ơn làm phước tìm cách giúp cô ta giùm. Người ta lặn lội từ xa, khó khăn, vầt vả, đến đây mà không gửi đồ được thì đau lòng xót dạ lắm. Em tìm cách giúp giùm đi, chị cũng biết ơn em.

Tên cán bộ tiếp tục nghĩ suy. Ơn trên đang phù hộ cho nàng. Anh ta đồng ý giúp đem đồ gửi vô cho chồng nàng, nhưng mà chỉ nhận thuốc thôi, chứ không nhận thực phẩm thức ăn.

- Cũng được. Cám ơn anh nhiều lắm.

Anh cán bộ mang túi thuốc vào Trại. Nàng mừng rỡ vô cùng.

Cám ơn Trời Phật, cảm tạ Ơn Trên, Ông Bà phù hộ.

Cám ơn chị Ba đã nói giúp giùm em. Có chị, anh ta cũng nể nang mà động tâm thương xót. Và cảm ơn tên cán bộ đã có lòng nhân,; tấm lòng nhân ái, thương người. Lòng nhân ái xuất phát từ hoàn cảnh thương tâm, từ dòng nước mắt cầu khẩn van xin, hay từ số tiền mà chị Ba hứa cho mượn. Cũng khó mà xác định.

Nàng cảm thấy yên lòng. Anh có thuốc đến kịp là mạng sống được cứu. Anh sẽ sống, và sẽ về với mẹ con em.

Từ sáng tới giờ vẫn chưa ăn gì, nhưng nàng vẫn không thấy đói. Giải quyết được một việc khó khăn nàng cảm thấy thanh thản no lòng.

Thu xếp đồ đạc nàng giả từ chị Ba.

- Một lần nữa, em xin cảm ơn chị Ba, và hẹn gặp lại ở lần thăm nuôi tới…

NÀNG - Nàng là vợ của Người Tù Cải Tạo. Trên đây là một trong những chuyện mà nàng đã phải trải qua trong suốt mấy năm dài lo nuôi chồng đi Tù Cải Tạo dưới thời chế độ XHCN sau khi CS thôn tính miền Nam VN.

Nhiều lần, bao khó khăn, vất vả - khó khăn từ việc đi thăm chồng, nuôi con, chống chọi với cuộc đời đầy nghiệt ngã ngoài xã hội, trong gia đình, với mọi sự thiếu thốn, với mọi lo toan. Với những sự áp chế của một Chính quyền với đường lối cai tri hà khắc, kỳ thị. Với những kẻ hiếu sắc, những tên dả thú đội lớp người. Có đôi lúc nàng đã phải ngã quỵ, tưởng chừng như không thể gượng dậy, ngoi lên. Nhưng mà, với Đức Tin, với Tình Yêu, với Tận Lực Phấn Đấu, và cũng nhờ với Sự Phò Trợ giúp đở. Nhờ vào những Tấm Lòng Hảo Tâm, thương yêu, đùm bọc, Nàng được gượng dậy, được ngoi lên, được đứng vững và tồn tại đến ngày hôm nay.

Và bây giờ, Nàng được định cư trên Đất Nước Hoa Kỳ, được sống yên vui với chồng,với con, với bao người.

Nàng vẫn không quên bao nổi khổ đã qua. Tất cả bây giờ chỉ còn là kỷ niệm. Càng không thể quên Đất Nước, Dân Tộc mình. Một đất nước qua bao năm thanh bình xây dựng, mà vẫn còn nghèo, người dân còn quá khổ.

Nàng vẫn thường gửi tiền đóng góp vào Cơ Quan Từ Thiện, gửi về giúp đở cho một số người khốn khổ ở quê nhà. Nàng tin vào Đấng Thiêng Liêng, tin vào Nhân Quả, Quả Báo. Đêm đêm nàng vẫn thường cầu nguyện. Nguyện cầu cho hết Điêu Linh, Thống Khổ, mọi người biết thương mến lẫn nhau. Thôi hành hạ, thôi giết chóc, thôi hận thù. Nguyện cầu cho người dân VN mình ai ai cũng có được áo ấm cơm no.

“Thượng Đế hởi có thấu cho người dân này…” Tiếng Hát “Đêm Nguyện Cầu” như còn văng vẳng bên tai.

Sanjose, tháng 7/2006.

(Viết để ghi lại giai đoạn kỷ niệm của một đời người)

Nguyên Dân