PDA

View Full Version : Chuyến tàu xuôi phương Nam .



loibangTQLC
01-10-2010, 08:06 PM
CHUYẾN TÀU XUÔI PHƯƠNG NAM:41:

*Xin tặng cho Mẹ và những bạn tù cuối cùng.




PGD


(Đã có nhiều sách báo và bài vở viết về những nỗi thống khổ của hàng trăm ngàn người bị giam cầm hay lưu đầy tại hai miền Nam Bac Việt Nam sau khi miền Nam rơi vào tay Cộng Sản tháng Tư năm 1975, nhưng ít có tài liệu nào đề cập đến những người tù nhân chính trị còn lại sau cùng và sự thay đổi kỳ diệu trong lòng người và sự sụp đổ của hệ thống tuyên truyền của Công Sản.)



Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại, người xưa thường vẫn nói như vậy để thấy những ngày tháng trong ngục tù là cả thiên niên kỷ. Vậy mà chúng tôi đã bước qua năm thứ mười ba trong các trại giam tập trung mà được gán cho một danh xưng là trại cải tạo.



Trước khi có chuyến tầu chuyển những người tù cuối cùng trên đất Bắc xuôi về miền Nam thì có vài sự kiện đã xảy ra như là tiền đề cho chuyến tàu cuối cùng này:

Sự kiện thứ nhất là năm 1983 thì đột nhiên được lệnh tất cả các trại giam Miền Bắc kể từ Thành Hoá trở ra đều phải chuyển hết từ nhân chính trị về trại Ba Sao, Nam Hà. Lúc đó không khí thật là nhộn nhịp khác thường và tuy rằng phải nằm chung với nhau mỗi buồng sĩ số người chỉ 60 mà họ nhét vào tới 100 hay hơn nữa, nằm như cá mòi và chỉ ngủ nghiêng một bên mới nằm xuống được. Tuy nhiên chúng tôi đều mang trong lòng một niềm vui vì được biết tin do một số cán bộ vẫn thường vào cà phê trà lá cho biết là sẽ có một đợt lớn di chuyển tù nhân vào trong Nam. Khoảng tháng Năm thì quả thật hàng ngàn tù nhân đã được di chuyển vào Miền Nam nắng ấm và gần gia đình.
Sự kiện thứ nhì là đầu tháng Chín năm 1987, và vào dịp Tết năm 1988 đã có hai đợt thả tù chính trị lớn nhất tại trại Ba Sao Nam Hà, tỉnh Hà Nam Ninh và được quảng cáo renh rang với báo chị nước ngoài. Các vị Tuyên Úy Phật Giáo, Tin Lành và Thiên Chúa Giáo đều được trả tự do trong dịp này trong đó có thầy Tâm là hoa thượng thầy của tôi. Trong lúc chia tay thầy vẽ lên trên ngực áo của tôi chữ Nhẫn và nhắn nhủ tôi ráng giữ gìn sức khỏe. Thấy nhắc tôi có nhớ chăng giấc mơ của thầy nhìn thấy tôi là một trong số những con cá cuối cùng nằm trơ trên lòng sông cạn?




Những người tù này được đưa đến nhà ga Nam Định để về miền Nam đoàn tụ với gia đình sau hơn 12 năm xa cách. Sau hai đợt thả này, các buồng giam trở nên trống vắng một cách lạ lùng. Chúng tôi nằm trong các buồng giam mà thấy rộng mênh mông và lòng tôi bỗng chùng xuống khi nghĩ đến vợ con mình, Mẹ già và các anh em không biết bao giờ hay có còn có ngày gặp mặt lại?


Sau hai đợt tha này, tổng số anh em chúng tôi còn lại tại trại Nam Hà chỉ còn vỏn vẹn đúng 90 người. So với vài chục ngàn quân dân cán chính VNCH đã bị đưa ra Bắc luu đầy từ năm 1976 thì đến đầu năm 1988chỉ còn lại 90 người và tôi là một trong số đó.


Những ngay tháng sau đó là thời gian lặng lẽ và chúng tôi vẫn sinh hoạt, đi lao động như một cái bóng trong âm thầm và an phận. Nhìn vào thành phần còn lại 90 người thì ngoài mấy ông Tướng ra, toàn là cảnh sát đặc biệt, an ninh quân đội, tình báo,v.v, những thành phần được họ coi là "nguy hiểm" cho chế độ. Những gì xấu nhất vẫn có thể xảy ra và không ai biết trước được.


Mùa Đông năm đó tại trại Nam Hà là mùa Đông mà tôi không bao giờ quên được trong đời. Chúng tôi nằm trong hai buồng giam rộng mênh mông bao quanh bởi hàng ngàn tù hình sự toàn là cướp của giết người và tù chung thân. Đã trải qua 12 mùa Động tại Miền Bắc nhưng Tết Nguyên Đán năm đó là một cái Tết buồn thảm nhất một phần cũng vì thời tiết đột nhiên trở lạnh đến cắt da cắt thịt với mưa phùn gió Bấc và sương mù dày đặc. Có lẽ Ông Trời cũng cảm thương cho số phận những người còn ở lại.




Chúng tôi được trại cho nghỉ một tuần không phải lao động và chỉ biết quấn chăn nằm chịu trận trong buồng giam. Thấy anh em tinh thần đều đi xuống tôi bèn khều anh Ngọc là Thiếu Tá An ninh quân đội, là “Bầu” Ngọc để nấu nước trà và mời anh em ngồi quây quần lại với nhau để ăn miếng bánh và hút điếu thuốc hàn huyên cho vui. Từ đó mỗi tối chúng tôi thường party và nỗi buồn cũng từ từ trôi qua.




Có những buổi tối, các cán binh canh gác và cả cán bộ trực trại cũng thường ghé lại cửa sổ và xin ly nước trà và điếu thuốc lá và an ủi chúng tôi là thế nào cũng có một chuyến về Nam nữa. Nhìn họ, tôi không thể tưởng tượng rằng khoảng chục

năm trước thì họ là những hung thần trọng trại giam bây giờ thì đôi lúc lại che chở chúng tôi trong những lần chuyển thư từ bí mật về cho gia đình




Tin tức sẽ di chuyển tất cả chúng tôi vào miền Nam như đem lại một luồng sinh khí mới đến với mọi người những người tù còn lại quá ít ỏi và sức khỏe suy yếu sau những ngày tháng rét mướt của mùa Đông




Tuy vậy phải chờ đến tháng Năm 1988, sau đúng 13 năm bi giam cầm và lưu đầy tại miền Bắc thì tin vui ngày chính thức chuyển trại vào miền Nam mới được thông báo. Chín mưoi người anh em chúng tôi còn lại cùng với một tù hình sự có người chú là cấp Tướng của Việt Cộng cũng được cho đi theo tổng cộng là 91 người ba lô gọn nhẹ sẵn sàng xuôi về Nam.




Chúng tôi được vận chuyển bằng những chiếc xe buýt cũng còn mới trực chỉ nhà ga Nam Định, hai người một còng tay lại với nhau. Chiếc còng nầy 12 năm trước khi được bí mật di chuyển từ miền Nam ra Bắc, tôi cũng đã bị còng như vậy với một anh bạn làm cùng sở trước kia.




Tay Thiếu Úy công an khi còng tay chúng tôi lại nói một cách nhẹ nhàng: "Các anh thông cảm cho". Tôi chỉ mỉm cười vì anh ta chính là người vẫn thường xuyên vào trại cà phê trà lá với chúng tôi và đã từng mạnh miệng nói rằng: "tôi nói chuyện với các anh trong này thì khác, khi bước ra khỏi cái cổng này tôi phải là con người khác rồi thì mới sống được với tụi này". Một tay Thiếu Úy khác trong khi nhâm nhi ly cà phê và hút điếu ba số năm thi an ủi chúng tôi:" Các anh mới ở tù 13 năm nhưng còn có tương lai tự do sau này và có thể còn đi ra nước ngoài nữa chứ chúng tôi thì ở tù chung thân trong chế độ này thì sao?".




Những chiếc xe nầy chậm chạp chạy theo con đường độc đạo từ trong trại ra ngoài thị xã và đến tối thì chúng tôi mới đến nhà ga Nam Định.




Trời đã sập tối và chúng tôi được lệnh xuống xe để chờ lên xe lửa. Tôi không thể ngờ rằng có một ngày tôi lại trở về nơi chôn nhau cắt rốn của mình trong tình trạng như thế này và trong lòng không khỏi chua xót.




Nhà ga Nam Định là một nhà ga lớn nhưng trông thật là nghèo nàn đến độ thảm thương với những ánh đèn điện vàng vọt từ trong các sập hàng quán chật hẹp và xiêu vẹo hắt ra không đủ soi sáng từng khuôn mặt của những người tù cuối cùng này. Trên nét mặt tuy đăm chiêu của họ vẫn thoáng một niềm vui vì sẽ được về miền Nam quê hương mình và gần hơn gia đình tuy rằng gian khổ vẫn còn trên con đường "tập trung cải tạo".




Chúng tôi thoáng nhớ lại trên đường rời từ trại Ba Sao xe chạy hai bên đường thấy có những cán bộ cả nam lẫn nữ ôm con của họ đôi mắt đỏ hoe vẫy tay chào chúng tôi. Đó là một hiện tượng chuyển biến ky diệu vì họ là những người đã thường xuyên vào trong trại để hàn huyên tâm sự và để cảm ơn chúng tôi vì đã giúp đỡ cho gia đình họ khi con cái đau ốm nặng và bệnh xá của họ cũng không có thuốc.




Khu gia binh là nơi đã chịu nhiều ơn nghĩa từ những tù chính trị trong trại cho nên từ đó thái độ của họ đã chuyển 180 độ từ căm thù chúng tôi sang cảm mến những người mà họ đang giam cầm.Họ đã được cảm hóa và những sự tuyên truyền của Cộng Sản rằng các tên "Ngụy" nầy chuyên ăn gan hút máu người đã sụp đổ tan tành. Chính vì thế mà có tin tức gì thì họ thông báo ngay cho chúng tôi biết như chuyến tầu chuyển tù về miền Nam lần này thì chúng tôi cũng biết trước.




Vật chất đôi khi cũng là những chất xúc tác hữu hiệu cho sự chuyển biến con người. Đó là thời gian mà sau năm năm lưu đầy tại miền Bắc thì chúng tôi được họ cho phép viết thư về thăm gia đình và chính thức thông báo đang tập trung tại miền Bắc là điều suốt năm năm trước họ dấu kín.




Từ đó gia đình được đến thăm hay gửi gói hàng tiếp tế qua bưu điện đã đem đến cho chúng tôi không những thực phẩm đồ khô mà quan trọng nhất là thuốc men nên đã cứu được nhiều anh em trong giai đoạn này.Dân chúng chung quanh trại giam kể cả các cán bộ trại cũng đều từ ngạc nhiên đến choáng ngợp trước sự giàu có của miền Nam vì có những thứ cả đời họ chưa biết đến bao giờ. Sự tuyên truyền về một miền Nam nghèo đói vì áp bức của Mỹ Ngụy cũng tan ra mây khói.

Viên Thượng Tá trưởng trại Nam Hà tuyên bố trước chuyến tàu cuối cùng chuyển tù chính trị vào Nam năm 1988 là: "Chúng tôi không muốn dùng chữ cải tạo giáo dục các anh nữa vì chúng tôi không đủ khả năng làm việc đó mà còn phải học hỏi ở các anh rất nhiều" và ông ta đã bảo các cán binh vào trong trại để xin học Anh Văn và các cán binh này rất hãnh diện khi bi bô được một hai câu chào hỏi.Dòng tư tưởng của tôi bị ngắt quãng bị một đám cán bình súng ống đầy đủ đang thúc dục tất cả lên tàu. Suốt 13 năm di chuyển qua bao nhiêu trại giam từ Nam ra Bắc và bây giờ lại từ Bắc vào Nam, bây giờ chúng tôi mới có dịp nhìn thấy bao nhiêu là cảnh đẹp và hùng vĩ của đất nước khi xe lửa chạy dọc theo Quốc Lộ 1; và đồng thời cũng chứng kiến những cảnh đời cùng cực của dân chúng.Lẫn lộn trong những bài cát trắng ngần của bãi biển Cà Ná và hàng phi lao của Nha Trang với gió biển trong lành như thấm vào từng sở thịt trong người tôi, những thị tứ sầm uất khi đi qua Huế ĐaNăng là hình ảnh con người đang ra sức cày thay cho trâu trong những thửa ruộng khô cằn thiếu mầu mỡ của miền Trung. Những hình ảnh những ngôi làng toàn mái nhà tranh vách đất nghèo đến xác xơ hai bên đường và cảnh người phụ nữ bụng chửa đã vượt mặt mà vẫn chầm chậm gánh tùng gánh gạch vào lò là những hình ảnh tôi không bao giờ quên được.




Khi tàu chạy qua một chiếc cầu trong tỉnh Thanh Hoá thì được lệnh là chạy thật chậm, chậm còn hơn người đi xe đạp bên đường, có lẽ tại cây cầu đã quá cũ kỹ. Ngồi trên toa tàu, tôi chợt nghĩ nếu chiếc cầu nầy sụp đổ vì sức nặng của con tàu thì quả là một sự kết liễu thật vô duyên. Sau khi con tàu vào đến địa phận của miền Nam thì không khí hình như sôi động hẳn lên mỗi khi đi qua hay tạm dừng lại một sân ga nào như Huế, Nha Trang.. Đồng bào hiếu kỳ hình như nhận ra được chúng tôi là những người tù chuyển trại khi mấy anh bạn tôi giơ vẫy tay còn đang bị còng lên chào đồng bào, thì họ ùa đến quanh xe và hỏi thăm tíu tít hay quẳng những gói bánh kẹo thuốc lá lên toa tàu chúng tôi. Đám cán binh lại phải làm việc để đẩy lùi những người dân đang bao quan. Ngược giòng thời gian 12 năm trước thì tình hình thật là bi thảm khi các quân dân cán chính của chế độ cũ bị chở ra Bắc trên xe lửa khi đi ngang qua những xóm làng ven đường thì hàng loạt những cục đá đã được huy động ném lên tàu gây bao nhiêu là thương vong kèm theo với những lời mắng chửi nặng nề. Nhưng có lẽ điều in sâu vào trong ký ức của tôi là khi tàu ghé qua ga Diêu Trì lúc đó cũng đã xế chiều thi chúng tôi được lệnh ở nguyên trên toa và bỗng nhiên không hiểu sao thì dám cán binh võ trang đứng dàn hàng hai bên toa tàu canh giữ rất là nghiêm ngặt. Một lát sau từ trong cổng làng ùa ra hàng trăm dân làng chạy đến vây quanh toa tầu và vẫy tay chào chúng tôi, một số em bé lấy cớ buôn bán bưng các thúng bánh lá đến toa chúng tôi và để nguyên thúng bánh lại và chỉ cho chúng tôi đến lấy rồi tất tả chạy xuống. Rất nhiều dân làng muốn lên toa nhưng đều bị đám cán binh đẩy lùi ra. Người dân sau những năm tháng sống dưới chế độ hà khắc của Cộng Sản đã nhận ra đâu là Thiên Đường và chế độ cũ Việt Nam Cộng Hoà còn tốt đẹp hơn nghìn lần cái xã hội chủ nghĩa đang đầy ải cuộc đời của họ.

Cuối cùng thì sau ba ngày đêm di chuyển bằng xe lửa thì chúng tôi đã đến điểm tập trung là trại Z-30D Hàm Tân trong khu rừng Lá Buông, tỉnh Bình Thuận và được xe tải chở về đến trại giam.

Viên Thiếu Tá Nhu trưởng trại đích thân ra đón chúng tôi 90 người nhập vào 64 người đang còn trong trại tổng công là 154 người tù cuối cùng đã bị giam giữ từ năm 1975.

Viên Thiếu Tá này nói với các cán bộ dưới quyền hắn là phải đối xử" tử tế" với những người tù vì họ cũng "sắp được thả ra về". Chúng tôi được đối xử" tử tế" khi được “ưu ái” đưa vào khu rừng lá buông để tiếp tục con đường lao động khổ sai. Kể từ ngày xuôi tàu về miền Nam tháng Năm 1988, phải mất 4 năm sau đến tháng Năm 1992 thì 20 người tù cuối cùng trong đó có tôi mới hiểu được lời viên trưởng trại nói là"sắp được thả ra về" là như thế nào. Hai chục người trong đợt thả cuối cùng vào cuối tháng Tư và đầu tháng năm 1992 với 17 năm là những người ở tù lâu nhất sau khi Saigon thất thủ vào tháng Tư Đen 1975.



Viết lại xong January 9th, 2010



PGD