PDA

View Full Version : Bộ quốc phòng của Việt Nam Cộng Sản



Thuyduong
02-25-2008, 12:27 AM
(Tìm hiểu về tổ chức Quốc Phòng và quân đội CSVN, nguồn từ http://www.x-cafevn.org/)
Trích:
................................................ "Bộ quốc phòng là cơ quan trực thuộc chính phủ, có nhiệm vụ quản lý và điều hành quân đội nhân dân Việt Nam trên bình diện chiến lược, và thực hiện nhiệm vụ chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ tổ quốc, phòng thủ quốc gia."

Trích:

Trụ sở đặt tại số 1, đường Nguyễn Tri Phương, Quận Ba Đình, Hà Nội.

Theo tổ chức của đảng cộng sản Việt Nam, bộ trưởng bộ quốc phòng thường là một quân nhân, hiện nay là đại tướng Phùng Quang Thanh (ủy viên bộ chính trị, phó bí thư đảng ủy quân sự trung ương, ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh quốc gia). Trên nguyên tắc phụ tá bộ trưởng gồm 4 thứ trưởng cấp thượng tướng : Nguyễn Khắc Nghiên (tổng tham mưu trưởng, ủy viên thường vụ đảng ủy quân sự trung ương), Nguyễn Huy Hiệu, Phan Trung Kiên, Nguyễn Văn Được; tất cả đều là ủy viên ban chấp hành trung ương đảng cộng sản Việt Nam. Trong thực tế, những người điều hành thực sự quân đội là chủ nhiệm 5 tổng cục : chính trị, kỹ thuật, tình báo, hậu cần và công nghiệp quốc phòng.

Bộ trưởng quốc phòng và các thứ trưởng có nhiệm vụ quản lý và điều hành bộ tổng tham mưu, 5 tổng cục và một số cơ quan chức năng trực thuộc. Về mặt lãnh thổ, bộ quốc phòng còn quản lý 8 quân khu. Tất cả các chỉ huy trưởng cấp cao thuộc bộ quốc phòng, các binh chủng, quân chủng và quân khu đều là ủy viên ban chấp hành trung ương đảng.

Trong thực tế, cơ quan lãnh đạo thực sự quân đội là "đảng ủy quân sự trung ương", gọi tắt là "quân ủy trung ương", được thành lập từ tháng 1-1946, gồm một số ủy viên ban chấp hành trung ương công tác trong quân đội và một số ủy viên ban chấp hành trung ương công tác ngoài quân đội, tất cả được đặt dưới sự lãnh đạo của bộ chính trị. Nhiệm vụ của quân ủy trung ương là đề xuất lên ban chấp hành trung ương đảng cộng sản những vấn đề về đường lối, nhiệm vụ quân sự và quốc phòng ; lãnh đạo mọi mặt trong quân đội.

Quân ủy trung ương còn trực tiếp và thường xuyên lãnh đạo Tổng cục chính trị quân đội là đơn vị huấn luyện tư tưởng và bảo vệ đường lối, chủ trương của đảng và nhà nước. Trong thực tế chính Tổng cục chính trị mới là cơ quan lãnh đạo quân đội vì nắm tư tưởng. Chủ nhiệm tổng cục này hiện nay là đại tướng Lê Văn Dũng, bí thư trung ương đảng cộng sản, cựu tổng tham mưu trưởng quân đội. Chủ tịch đảng ủy quân sự trung ương thường là tổng bí thư đảng cộng sản đương nhiệm, từ 2001 đến nay là tổng bí thư Nông Đức Mạnh ; chức phó chủ tịch quân ủy trung ương từ năm 1986 đến nay dành cho bộ trưởng bộ quốc phòng, hiện nay là đại tướng Phùng Quang Thanh. Hai người này chỉ có hư vị.

Việc thành lập cơ quan lãnh đạo trực tiếp quân đội này gây ra khá nhiều tranh cãi trong nội bộ đảng cộng sản : bộ quốc phòng có vai trò gì trong cơ cấu tổ chức quân đội ? Chính vì không tìm ra được một giải thích rõ ràng , cơ quan này mang rất nhiều tên qua các thời kỳ. Đảng ủy quân sự trung ương được thành lập năm 1946 với tên gọi ban đầu là Trung ương quân ủy, sau đổi thành Tổng chính ủy (từ tháng 8-1948 đến tháng 5-1952), rồi Tổng quân ủy (tháng 5-1952 đến tháng 1-1961), Quân ủy trung ương (tháng 1-1961 đến tháng 12-1982), Hội đồng quân sự (tháng 12-1982 đến tháng 7-1985), từ ngày 4-7-1985 là Đảng ủy quân sự trung ương. Đây là một cơ chế chỉ có trong quân đội cộng sản và các chế độ độc tài nhằm kiểm soát tư tưởng và hành động của từng quân nhân (để tránh đảo chánh).

Trong hệ thống quân giai, các chức vụ cao nhất trong quân đội cộng sản là tổng tham mưu trưởng, chủ nhiệm tổng cục chính trị.

Từ 2005 trở lại đây, trách nhiệm của từng chức vụ được qui định lại như sau :

- Các chức vụ bộ trưởng, tổng tham mưu trưởng, chủ nhiệm tổng cục chính trị có cấp bậc quân hàm cao nhất là đại tướng ;

- Chức vụ tư lệnh quân khu, tư lệnh quân chủng, tư lệnh bộ đội biên phòng có cấp bậc quân hàm cao nhất là trung tướng ; hiện nay quân hàm trung tướng và phó đề đốc hải quân do thủ tướng chính phủ kiêm phó chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh quốc gia ký quyết định phong cấp.

- Chức vụ tư lệnh quân đoàn, tư lệnh binh chủng có cấp bậc quân hàm cao nhất là thiếu tướng;

- Chức vụ phó tư lệnh quân đoàn, phó tư lệnh binh chủng, sư đoàn trưởng có cấp bậc quân hàm cao nhất là đại tá;

- Chức vụ lữ đoàn trưởng có cấp bậc quân hàm cao nhất là thượng tá;

- Chức vụ trung đoàn trưởng, trung đoàn phó có cấp bậc quân hàm cao nhất trung tá;

- Chức vụ tiểu đoàn trưởng, tiểu đoàn phó có cấp bậc quân hàm cao nhất là thiếu tá;

- Chức vụ đại đội trưởng, đại đội phó có cấp bậc quân hàm cao nhất là đại Uý;

- Chức vụ trung đội trưởng có cấp bậc quân hàm cao nhất là thượng Uý.

Từ 1956 đến nay, quân đội cộng sản Việt Nam có 12 đại tướng, trong số đó 6 người hiện còn sống : Võ Nguyên Giáp (sinh 1911), Lê Đức Anh (1920), Nguyễn Quyết (1922), Phạm Văn Trà (1935), Phùng Quang Thanh (1949, đang tại chức) và Lê Văn Dũng (1945, đang tại chức) ; 33 thượng tướng, trong đó 5 người còn đương nhiệm : Nguyễn Huy Hiệu (1947), Nguyễn Văn Rinh (1942), Nguyễn Văn Được (1946), Phan Trung Kiên (1946), Nguyễn Khắc Nghiên (1951) ; 149 trung tướng, trong đó 43 người đang tại chức ; 293 thiếu tướng, trong đó 134 người đang tại chức.

Năm 1958, chế độ quân hàm mới chính thức được áp dụng rộng rãi và ổn định từ đó đến nay, trừ một vài thay đổi nhỏ. Hệ thống quân hàm sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam hiện nay có 3 cấp : Tướng, Tá, Uý, mỗi cấp có 4 bậc được phân theo số sao: Đại (4 sao), Thượng (3 sao), Trung (2 sao) và Thiếu (1 sao), riêng cấp Uý có thêm bậc Chuẩn Uý (sĩ quan chuyên nghiệp). Dưới quân hàm sĩ quan là các quân hàm Học viên, Hạ sĩ quan và Chiến sĩ. Hạ sĩ quan (cấp sĩ) có 3 bậc : Thượng, Trung và Hạ. Cấp Binh (Chiến sĩ) có 2 bậc : Nhất và Nhì.

Cấp hàm Thượng tướng, Thượng tá và Thượng Uý được quy định từ năm 1958. Cấp hàm Thượng tá bị bãi bỏ năm 1983 rồi được khôi phục lại từ năm 1992. Các cấp hàm có tên gọi riêng trong hải quân : Đô đốc (tương đương Thượng tướng), Phó Đô đốc (tương đương Trung tướng), Chuẩn Đô đốc (tương đương Thiếu tướng) được quy định lần đầu tiên trong Luật sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam ban hành ngày 31 tháng 12 năm 1981.

Quân nhân chuyên nghiệp là quân nhân có trình độ chuyên môn kỹ thuật nhất định cần cho công tác chỉ huy chiến đấu, do đó làm công tác chuyên môn nghiệp vụ dài hạn trong quân đội sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Sĩ quan chuyên nghiệp không làm công tác chỉ huy, quản lý. Cấp hàm thấp nhất của sĩ quan chuyên nghiệp là Chuẩn Uý và cao nhất là Thượng tá.

Quân hàm Quân đội Nhân dân Việt Nam có hai hình thức chính là quân hàm chính thức và quân hàm kết hợp. Quân hàm chính thức là cấp hiệu đeo ở trên vai áo. Quân hàm kết hợp là phù hiệu binh chủng kết hợp cấp hiệu đeo ở trên ve áo (còn gọi là quân hàm dã chiến). Sĩ quan chuyên nghiệp không đeo quân hàm kết hợp. Quân hàm Chuẩn Uý không áp dụng cho sĩ quan chỉ huy.

Hiện nay Việt Nam có hai lực lượng võ trang : công an và quân đội. Trong quân đội có ba thứ quân : chủ lực (cơ động), địa phương (đồn trú) và dân quân-tự vệ. Trừ dân quân-tự vệ là lực lượng bán quân sự do địa phương quản lý, số còn lại là quân đội chuyên nghiệp và được tổ chức chính quy, đặt dưới quyền quản trị của bộ quốc phòng, trong thực tế do đảng ủy quân sự trung ương lãnh đạo.

Cấp tổ chức của quân đội cộng sản Việt Nam từ thấp đến cao là tiểu đội, trung đội, đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn, lữ đoàn, sư đoàn (trước đây gọi là đại đoàn). Cấp cao nhất là quân đoàn (tức binh đoàn), mổi quân đoàn gồm nhiều sư đoàn và binh chủng riêng. Hiện nay trên toàn quốc có 10 quân đoàn là các quân đoàn 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 68, 34. Đây là quân chủ lực cơ động.

Từ cấp tiểu đoàn trở lên có ban chỉ huy gồm cấp trưởng, cấp phó, tham mưu trưởng và cấp phó phụ trách công tác chính trị, theo chế độ "một thủ trưởng". Trước đây, khi thực hiện chế độ "hai thủ trưởng", thì ngoài thủ trưởng quân sự (đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng...), từ cấp đại đội trở lên còn có thủ trưởng chính trị, được gọi là chính trị viên (ở cấp đại đội và tiểu đoàn) hoặc chính ủy (ở cấp trung đoàn trở lên). Trong chế độ một thủ trưởng, như tiểu đoàn trưởng, trung đoàn trưởng, lữ đoàn trưởng, sư đoàn trưởng, quân đoàn trưởng, chính trị viên là những tham mưu trưởng và cấp phó. Do đó, về tổ chức không có gì thay đổi, chỉ cách đặt tên là thay đổi. Những tham mưu trưởng và phó này mới là người lãnh đạo thực sự quân đội. Bộ tổng tham mưu mới là cơ quan lãnh đạo trực tiếp quân đội.

Tiếp...

Thuyduong
02-25-2008, 12:28 AM
Những cơ quan chức năng trực thuộc bộ quốc phòng

Ngoài những binh chủng, quân đoàn, bộ đội biên phòng, bộ tư lệnh bảo vệ lăng Hồ Chí Minh, bộ quốc phòng còn quản lý 5 tổng cục, một số cơ quan chức năng trực thuộc và 8 quân khu.

Năm tổng cục

1. Tổng cục chính trị là cơ quan lãnh đạo tư tưởng và đường lối của đảng trong quân đội. Trong thực tế đây là cơ quan đầu não của quân đội cộng sản, trực thuộc chủ yếu vào đảng ủy quân sự trung ương chứ không phải bộ quốc phòng. Chủ nhiệm cơ quan này là đại tướng Lê Văn Dũng, ủy viên và bí thư ban chấp hành trung ương đảng cộng sản, các phó chủ nhiệm là các trung tướng Bùi Văn Huấn và Đàm Đình Trại. Cơ cấu tổ chức của tổng cục này rất chặt chẽ, gồm văn phòng tổng cục chính trị và các cục chính trị, tư tưởng-văn hóa, tổ chức, cán bộ, tuyên huấn, bảo vệ an ninh quân đội, dân vận và tuyên truyền đặc biệt, chính sách, ủy ban kiểm tra đảng, tòa án quân sự trung ương, viện kiểm sát trung ương, nhà xuất bản quân đội, bảo tàng lịch sử quân sự, viện lịch sử quân sự, trung tâm quản lý học viện và bồi dưỡng cán bộ, báo Quân Đội Nhân Dân, tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, tạp chí Quốc Phòng Toàn Dân, thư viện, điện ảnh, truyền hình, phát thanh, nhà máy in, đoàn ca múa, đoàn kịch nói, trường đại học văn hóa-nghệ thuật quân đội, báo công đoàn quốc phòng, báo thanh niên và phụ nữ quân đội.

2. Tổng cục kỹ thuật có chức năng tổ chức, quản lý, nghiên cứu đảm bảo vũ khí và phương tiện, trang bị kỹ thuật chiến đấu cho các quân, binh chủng của quân đội. Chủ nhiệm tổng cục này là trung tướng Trương Quang Khánh, ủy viên ban chấp hành trung ương đảng cộng sản, phó chủ nhiệm kiêm tham mưu trưởng quân đội ; bí thư đảng ủy là trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu. Các cơ quan và đơn vị trực thuộc tổng cục này là bộ tham mưu và các cục chính trị, quân khí, quản lý xe-máy, tiêu chuẩn-đo lường-chất lượng, kỹ thuật binh chủng, các trung cấp kỹ thuật xe-máy, vũ khí-đạn, đo lường, các tổng kho quân khí Tây Nguyên, Tây Bắc bộ, Đông Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, bảo tàng vũ khí-đạn, công ty Chiến Thắng (sửa chữa xe tăng và thiết giáp), nhà máy sửa chữa súng pháo Z133, các công ty nhà máy xí nghiệp sửa chữa bảo dưỡng khác, trường cao đẳng Wilheim Pieck đào tạo sĩ quan kỹ thuật chuyên ngành.

3. Tổng cục Tình báo (được biết nhiều dưới tên Tổng cục 2) là lực lượng chuyên trách về tình báo chiến lược (chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học, kỹ thuật, công nghệ môi trường, văn hóa-xã hội, thu thập và xử lý tin liên quan đến sự sống còn của chế độ), góp phần hoạch định đường lối đối nội, đối ngoại, chủ trương, kế hoạch, biện pháp và quyết sách... Đối tượng và mục tiêu của lực lượng tình báo là những quốc gia, tổ chức và cá nhân ở trong và ngoài nước có âm mưu hoạt động, đe doạ hay chống phá đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam. Lãnh đạo tổng cục này là trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, và 8 phó tổng cục trưởng với cấp bậc thiếu tướng : Phạm Ngọc Hùng (ngoại giao), Lưu Đức Huy (kinh tế), Trần Nam Phi (chính trị), Trần Ánh Dương (quân sự), Dương Xuân Vinh (văn hóa-tư tưởng-thông tin), Trần Viết Cường (phản gián), Lê Hồng Phong, Hoàng Anh Tuấn. Trụ sở đặt tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Các cơ quan trực thuộc tổng cục này gồm bộ tham mưu và các cục chính trị, hậu cần, kỹ thuật, các cục với mã số 11, 12, 15, 16, 25, 71, các trung tâm A95 (trinh sát kỹ thuật), 701, 501, các viện V75 (Lai Xá), V7 (Hà Nội), đoàn trinh sát đặc nhiệm K3 (Yên Nội), đoàn 74, 94, tạp chí Kiến Thức Quốc Phòng Hiện Đại, học viện khoa học quân sự, đại học ngoại ngữ, trường sĩ quan trinh sát quân báo, công ty ứng dụng công nghệ cao (Hitaco), công ty xuất nhập khẩu công nghệ Vạn Xuân (Vaxuco), công ty du lịch Hatutour, bảo tàng tổng cục II.

4. Tổng cục hậu cần có chức năng đảm bảo hậu cần cho quân đội. Trong mỗi cơ quan , đơn vị cấp quân chủng, binh chủng, quân đoàn, quân khu, tổng cục, bộ tổng tham mưu, bộ đội biên phòng đều có cục hậu cần. Chủ nhiệm tổng cục này là thiếu tướng Ngô Huy Hồng. Các cơ quan trực thuộc tổng cục này gồm có bộ tham mưu, các cục quân y, quân nhu, xăng dầu, doanh trại, chính trị, vận tải, các bệnh viện 354, 105, 87, tổng công ty Thành An (Binh đoàn II, Hà Nội), các công ty may 28, 20, công ty dược và thiết bị y tế, công ty xăng dầu quân đội, công ty dệt may 7.

5. Tổng cục công nghiệp quốc phòng có chức năng tổ chức, quản lý của liên hiệp xí nghiệp, nhà máy và công ty chế tạo vũ khí và các phương tiện phục vụ chiến đấu. Chủ nhiệm là trung tướng Phạm Tuân, chính ủy trung tường Nguyễn Đình Hậu. Các cơ quan và đơn vị trực thuộc gồm các cục tham mưu-kế hoạch, quản lý công nghệ, chính trị, hậu cần, văn phòng tổng cục, trung tâm công nghệ, trường trung học công nghiệp quốc phòng, phòng quản lý đầu tư, phòng vật tư, tài chính, thông tin, điều tra hình sự, thanh tra tổng cục, tạp chí Công nghiệp quốc phòng và kinh tế, xí nghiệp Liên Hiệp 751, xí nghiệp Ba Son, các công ty Tây Hồ, đóng tàu Hồng Hà, Sông Thu, 189, xây dựng và lắp máy 789, vật tư công nghiệp quốc phòng (Gaet), cơ khí Z111, Z125, Z183, Z117, điện Sao Mai Z181, quang điện tử Z95, cơ điện và vật liệu nổ Z31, hóa chất và vật liệu nổ Z123, hóa chất 21, cơ khí và hóa chất 13, 76, nhà máy cơ khí 27, 29, dụng cụ điện 43, cao su 75.

Các Viện, Trung tâm nghiên cứu, Học viện, Trường đại học

Các Viện và Trung tâm nghiên cứu : Viện chiến lược quân sự, Trung tâm Khoa học và công nghệ quân sự, Viện lịch sử quân sự, Trung tâm nhiệt đới Việt- Nga, Phân viện độ bền nhiệt đới, Phân viện sinh thái nhiệt đới, Phân viện y học nhiệt đới, Công ty Thái Sơn, Viện khoa học xã hội và nhân văn quân sự, Viện kỹ thuật cơ giới quân sự, Viện kỹ thuật phòng không-không quân, Viện kỹ thuật hải quân, Trung tâm công nghệ, Viện 70, 75, Viện bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam.

- Các Học viện, Trường đại học cấp bộ quốc phòng : Học viện Quốc phòng (tức Học viện Quân sự cấp cao, Hà Nội), Học viện Lục quân (Học viện quân sự cấp trung, Đà Lạt), Học viện Chính trị Quân sự (Học viện quân sự cấp trung, Hà Đông và Bắc Ninh), Học viện Kỹ thuật Quân sự (Học viện quân sự cấp trung), Học viện Quân y (Hà Nội), Học viện Hậu cần (Long Biên), Trường Sĩ quan Lục quân 1 (Sơn Tây), Trường Sĩ quan Lục quân 2 (Long Thành).

- Các Học viện, Trường đại học cấp trung ương : Học viện Hải quân (Nha Trang), Học viện Khoa học Quân sự (gồm ba cơ sở : Trường tình báo quân sự, Đại học ngoại ngữ quân sự, Trường sĩ quan trinh sát quân báo tại Hà Nội và Lai Xá), Học viện Phòng không-Không quân (Sơn Tây), Học viện Biên phòng (Sơn Tây và Mai Dịch), Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội (Hà Nội).

- Các trường Sĩ quan cấp Quân, Binh chủng và Tổng cục : Trường Sĩ quan không quân (Nha Trang), Trường Sĩ quan Tăng-Thiết giáp (Vĩnh Phúc), Trường Sĩ quan Thông tin (Nha Trang), Trường Sĩ quan Đặc công (Xuân Mai, Hà Tây), Trường Sĩ quan Công binh (Bình Dương), Trường Sĩ quan Phòng hóa (Sơn Tây), Trường Sĩ quan Pháo binh (Sơn Tây), Cao đẳng Kỹ thuật Wilhelm Pieck (Sài Gòn).

- Các trường đại học, sĩ quan chuyên môn và cao đẳng quân sự : Đại học ngoại ngữ quân sự (nay là Học viện khoa học quân sự), các trường sĩ quan Lục quân 3, Chính trị, Chính trị quân sự, Kỹ thuật, Vũ khí đạn, Bản đồ, Phòng hóa, Biên phòng, Đặc công, Pháo binh, Pháo phòng không, Chỉ huy kỹ thuật không quân, Chỉ huy kỹ thuật hải quân, Kỹ thuật tên lửa ra đa, Chỉ huy kỹ thuật tăng, Chỉ huy kỹ thuật thông tin, Chỉ huy kỹ thuật công binh, Chỉ huy kỹ thuật xe hơi.

Văn phòng Bộ và các cục, đơn vị đầu mối khác

Trực thuộc Bộ Quốc phòng còn có Văn phòng Bộ Quốc phòng, Cục Tài Chính, Cục Kế hoạch và Đầu tư, Cục Kinh tế, Cục Khoa học Công nghệ và Môi trường, Cục Cứu hộ-cứu nạn, Cục Đối ngoại quân sự, Cục Điều tra hình sự, Cơ quan An ninh điều tra (có cấp Bộ, cấp quân khu và tương đương), Thanh tra Bộ, Trung tâm Thông tin Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, Bệnh viện Trung ương quân đội 175, Tổng Công ty Thành An (Binh đoàn 11), Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn (Binh đoàn 12), Tổng Công ty Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng Công ty Kinh tế-Quốc phòng 15 (Binh đoàn 15), Binh đoàn 16, Tổng Công ty Đông Bắc, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội.

Nói chung, ngoài công tác quân sự, quân đội còn làm công tác kinh doanh để có thêm ngân sách riêng nhằm phục vụ cho một số nhu cầu riêng của từng ngành. Đây là tình trạng rất phổ biến trong các binh chủng để gia tăng lợi tức trong mục đích tránh bất mãn và cũng để tranh thủ sự trung thành của một số quân nhân trong các ngành chiến lược, đặc biệt là các lực lượng bảo vệ chế độ và thủ đô. Nhưng đây cũng là nhược điểm chính của lực lượng quân sự cộng sản Việt Nam, khi một quân nhân gắn liền quyền lợi của mình với tiền bạc thì khó có thể chiến đấu có hiệu quả khi có biến và hy sinh cho đại nghĩa.

Tám quân khu

- Quân khu Thủ đô : Bảo vệ thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận, bộ tư lệnh đóng tại Hà Nội.

- Quân khu 1 : Bảo vệ vùng Biên giới phía Bắc, bộ tư lệnh đóng tại Thái Nguyên.

- Quân khu 2 : Bảo vệ vùng Tây Bắc, bộ tư lệnh đóng ở thành phố Việt Trì.

- Quân khu 3 : Bảo vệ các tình đồng bằng sông Hồng, bộ tư lệnh đóng tại Hải Phòng.

- Quân khu 4 : Bảo vệ vùng Bắc Trung Bộ, bộ tư lệnh đóng tại Vinh, với bộ tham mưu và các cục : chính trị, hậu cần, kỹ thuật, trung đoàn thông tin 80.

- Quân khu 5 : Bảo vệ Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải vùng Nam Trung Bộ, bộ tư lệnh đóng tại Đà Nẵng.

- Quân khu 7 : Bảo vệ vùng Đông Nam Bộ, bộ tư lệnh đóng tại Sài Gòn.

- Quân khu 9 : Bảo vệ vùng Tây Nam Bộ, bộ tư lệnh đóng tại Cần Thơ.

Kết luận

Với một guồng máy tổ chức chặt chẽ và chằng chịt như trên, những cuộc nổi loạn hay chống đối chính quyền trung ương của quân đội cộng sản Việt Nam không thể có. Nhưng lối tổ chức nặng nề và rườm rà này, chủ yếu dựa trên sự kiểm soát tư tưởng, sẽ không thể cải tiến để hấp thụ cách tổ chức và lối tác chiến khoa học của các lực lượng quân sự tiên tiến trên thế giới. Trong mỗi đơn vị, từ trung ương đến địa phương, yếu tố chính trị bao trùm tất cả, do đó khó phát huy được tính sáng tạo trong chiến đấu. Các trường đào tạo sĩ quan và các cấp chỉ huy quân sự còn mang nặng tính giáo điều, do đó rất khó linh hoạt để hiện đại hóa hay cập nhật những tiến bộ khoa học và kỹ thuật tác chiến mới.

Nguyễn Văn Huy



2008-01-15 03:38:57