PDA

View Full Version : Bao Giờ Mới Đến Mùa Xuân?



TAM73F
01-06-2010, 07:01 PM
BAO GIỜ MỚI DẾN MÙA XUÂN ?

Đang lục tìm chiếc khóa trong túi xách, tôi cảm thấy tay mình tê cứng. Trời bên ngoài mưa lất phất, ít gió nhưng lạnh. Cái lạnh cuối tháng 11 thật se sắt. Tôi mở cửa bước vào căn hộ nằm thoáng đãng ở tầng hai trong khu chung cư ba tầng. Đưa tay bật nút công tắc điện, cây đèn ở góc nhà toả ra thứ ánh sáng vàng nhạt như muốn làm tan chảy bóng đêm lạnh lẽo. Mọi vật vẫn giữ trạng thái bất động như lúc sáng nay. Vẫn là nồi canh khoai mỡ còn nằm trên bếp từ tối qua. Vẫn cái tủ lạnh phát ra tiếng kêu rè rè quen thuộc hằng ngày. Rồi cả cái bàn gỗ nhỏ kê đầu giường, đặt ở trên là chiếc bình thuỷ tinh đứng im lìm với mấy đọt tre khô được cắm làm cảnh. Con hổ nhồi bông đang lim dim đôi mắt tỏ vẻ phớt lờ như thể không muốn ai làm phiền đến giấc ngủ mới vào mộng của nó. Nó là món quà của người chị họ tôi tặng trong dịp lễ ra trường của tôi mấy năm về trước.

Thế mà cũng đã mấy năm trôi qua. Nhớ hồi nào lũ quậy chúng tôi còn bày những trò đùa nghịch trong lớp, chọc phá lẫn nhau trên bàn, trên ghế nhà trường. Có lúc lại rủ nhau đi hái trộm đào sau trường, mặt đứa nào đứa nấy lấm lét vì sợ bị người khác bắt gặp, sợ bị kỷ luật vì cái tội tàn hại cây xanh, phá hoại môi trường. Sau mỗi lần chúng tôi đánh trận thành công là tiếp nối những tràng cười vang động cả sân trường. Tiếng vỗ tay khoái chí của lũ con trai cứ bôm bốp như khích lệ chúng tôi đã hoàn thành mật vụ gì quan trọng lắm. Bây giờ mỗi đứa đi mỗi ngã, vun đắp tương lai, xây dựng cuộc sống tự lập mỗi hướng khác nhau. Không biết những đứa bạn thuở xưa của tôi giờ đang làm gì? Chúng có phải lăn lộn trong cái xã hội sa đọa hiện nay để kiếm từng đồng từng cắc vì miếng cơm manh áo, hay lại ngồi đánh chén đâu đó ở các quán cóc, quán nhậu lề đường để xả hết những bực bội trong người sau một ngày làm việc vất vả. Mà chắc cũng chỉ có những đứa gặp thời thì mới dám mong cuộc sống sung túc một chút chứ xã hội Việt Nam này làm gì biết ưu đãi những kẻ có tài thực sự. Cái sự đời khốn nạn là thế. Ước mơ được làm giảng viên dạy học, được làm kỹ sư, bác sĩ cứu giúp bệnh nhân hay là trở thành một tỷ phú như Bill Gates của vài đứa bạn tôi chắc đã vứt vào sọt rác hết rồi. Nghề không chọn ngành mà chọn bước đường mưu sinh. Xã hội mình ép người dân làm công việc không đúng sở thích, không đúng khả năng nhưng đành cắn răng chịu đựng. Những con người cầm các bằng cấp đại học đi bán hàng đầu chợ, đôi lúc phải che mặt ngượng ngùng khi gặp người quen. Những cô hoa hậu đăng lễ vinh quang rực rỡ lại chấp nhận sống dính với các vụ scandals trước lời khinh miệt của thế gian vì muốn được nổi tiếng. Những học sinh, sinh viên nhẹ dạ thì bị lừa tình để rồi tương lai chỉ còn là một màu đen đau đớn. Đất nước của thời đại chúng tôi đổi trắng thay đen một cách đáng sợ, chẳng biết phải hoà nhập từ đâu, phải thay đổi từ dây mơ rễ má nào. Nhưng mà hãy cố gắng lên nhé đám bạn của tôi vì còn sống thì ta còn biết hi vọng, phải không lũ quậy?



Gió lùa vào phòng làm tôi rùng mình. Bất giác tôi cảm nhận một điều gì đó là lạ đang len lỏi trong lòng ngay trong khoảnh khắc này. Cả không gian xung quanh tôi dường như mang thêm chút giá lạnh của nỗi cô đơn một mình. Những suy nghĩ miên man đưa tôi đi tìm lại cho mình những ảo tưởng ngày xưa. Khi trở về với thực tại tôi mới chợt nhận ra rằng hình như tôi không còn gì nữa đã từ lâu lắm rồi. Những giấc mộng trẻ thơ đã biến mất. Những tiếng cười sảng khoái năm nào đã tắt. Tôi có bố mẹ, ông bà, những người họ hàng nhưng sao vẫn thấy lạc lõng giữa nhân tình thế thái, mất mát trong lòng nốt nhạc vô tư thuở bé. Tôi chơi vơi trong một thế giới mà người ta gọi là thế giới loài người. Ở xã hội nước khác thì tôi không rõ người dân được đối xử như thế nào nhưng tôi chưa từng thấy họ la khóc thảm thiết như những cảnh tượng đau thương trên đất nước tôi. Ở đây những số kiếp bị hành hạ như những con thú đang vùng vẫy cố thoát khỏi cái vòng xoáy của dòng đời. Bọn công an hèn hạ đến cướp nhà, cướp đất của người dân lại dùng dùi cui, roi điện đánh những tấm thân yếu ớt đến nỗi phải nhập viện. Chúng dựng các lồng bằng dây kẽm, thép gai để nhốt những sinh linh bé nhỏ không có khả năng chống trả. Trên mảnh đất Việt Nam bây giờ hình thành thêm nhiều nhà giam bất đắc dĩ, trái phép mà ngay cả luật pháp nhà nước cũng đồng tình ủng hộ. Vậy thì người dân còn được sống như con người thật sự hay không? Quyền làm người không có, quyền làm thú cũng không được bảo vệ thì sống cũng chẳng có giá trị. Đảng Cộng Sản Việt Nam sợ rằng một khi quyền tự do của công dân được nới rộng thì những cũi sắt kia cũng bắt đầu rỉ sét, lòng người bùng phát sẽ làm quyền lực của nhà nước bị giới hạn. Cho nên Đảng phải sử dụng mọi hạ sách làm dân chúng sợ hãi mà im miệng ngay từ bây giờ.

Tôi đã thấy trên đường lê lết những bước chân đói nghèo sắp ngã gục. Không một ai động lòng trắc ẩn để ban cho họ một nụ cười đồng cảm giữa đêm đông đầu mùa. Những con người của thời đại tân tiến đang phải lầm lũi bước đi trong cái rét buốt da, tìm một ghế đá công viên để nướng náu qua đêm. Gương mặt khắc khổ, nhăn nheo đến chạnh lòng của một bà cụ bán vé số đang cố dùng chút tàn hơi còn sót lại để chào mời trước cái nhìn lãnh cảm của khách bộ hành. Nhà của bà ở đâu? Không có. Gia đình của bà nơi nào sao lại để bà một mình ở đây? Không còn. Bà cụ chẳng còn gì để luyến tiếc. Có chăng chỉ còn lại thân xác già cỗi đang chờ ngày được hưởng sự thanh thản ở thế giới bên kia. Một người bị xã hội ruồng bỏ không thương tiếc. Chỉ cần một lời nói làm ấm lòng kẻ neo đơn mà không một ai làm được. Nếu đặt bạn vào hoàn cảnh đó thì bạn sẽ có cảm giác gì? Ngẫm nghĩ lại mới thấy tình người là một thứ tình cảm thật xa vời trong cái nhà nước XHCN này.

Đâu đây văng vẳng tiếng gõ phở đêm. Hai ba chiếc xe xích lô cũ nát nằm cạnh nhau để tìm chút hơi ấm dưới ánh đèn đường leo lắt. Đó là căn nhà tạm của những “bác tài” mà ban ngày căn nhà đó trở thành công cụ kiếm ăn của họ. Những tấm thân gầy guộc, đen đủi vì gió bụi cứ trăn qua trở lại cố ru một giấc ngủ trong cái lạnh cắt da xé thịt. Vì thương gia đình nghèo nàn nơi quê nhà mà họ phải bươn chải trên thành phố, mặc mưa nắng vùi dập thân xác trên những chiếc xe ba bánh lỗi thời. Tiếng cót két rung lên như tiếng than não nùng nghe đến buốt cả tâm can. Ôi những thân phận sống lay lắt nơi địa ngục trần gian. Tôi bất lực nhìn những hình ảnh xót xa ấy mà lòng ước gì có thể đưa họ về với căn hộ của mình dù không được khang trang nhưng vẫn ấm áp hơn làn sương khuya mờ mịt. Cái rét đang tràn về xâm chiếm cả tâm hồn tôi. Không biết ngoài kia những số phận nghiệt ngã ấy sẽ đi về đâu?



Tôi nếm bát canh nóng trên bàn để tìm chút hơi ấm, tự nhiên cảm thấy vị mặn chát của nước súp. Có lẽ do tôi hâm lại nên đã mất vị thanh ngọt như tối qua, hay tại tâm trạng của tôi đêm nay không được thoải mái. Cũng có thể. Quả thật cuộc sống mang đủ màu sắc, chứa đựng đầy mùi vị đắng cay ngọt bùi mà nhiều lúc tôi không để ý tới. Nó làm ta biết được sự hiện hữu của bản thân nhưng ta lại không thể chạm vào. Cá nhân mỗi người thường chỉ biết đến sự hiện diện này nếu nó xảy ra và có tác động đến sinh hoạt hằng ngày của chính người đó, còn những chuyện tưởng chừng không liên quan thì người ta thường gạt ra ngoài lề cuộc sống. Không ai biết rằng chính vì tính ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân mà họ đã và đang dần dần đánh mất cả cuộc sống của mình. Nếu một xã hội mà con người cũng đối xử với nhau như kẻ bán người mua, không có tinh thần tương thân tương ái thì cái xã hội ấy sớm muộn cũng rệu rã và biến mất. Huống gì một đất nước nghèo yếu như Việt Nam lại đang bị phủ vây bởi lũ Trung Cộng bành trướng, bá quyền. Chỉ tội nghiệp cho bao kiếp người muốn đứng lên một lần để hít thở không khí tươi mát mà đôi chân tật nguyền của họ không cho phép. Những đứa trẻ thơ ao ước được ngắm nhìn tia nắng ban mai để hồn nhiên bắt đầu một ngày mới nhưng đôi mắt của các em lại cứ khép mãi trong nỗi buồn tủi vô hạn. Những căn nhà tan nát dưới trận mưa như trút nước ngày qua bây giờ chỉ còn tồn đọng không khí ảm đảm bao trùm từng giờ từng khắc của kẻ sống nhớ thương người đã khuất. Trước thái độ vô trách nhiệm của các cơ quan chức năng, con nước lũ xả ra từ các nhà máy thuỷ điện cứ vô tình cuốn trôi tất cả: niềm tin, hy vọng, tình yêu, cuộc sống của những con người hèn mọn này. Tôi may mắn vì còn tự đi được trên đôi chân của mình, còn nhìn thấy ánh trăng non treo cao trong màn đêm tĩnh lặng. Bạn may mắn vì vẫn có thể ngồi ăn cùng người thân trong không khí gia đình đầm ấm, hay nấu cháo điện thoại với bạn bè hằng đêm. Những con người đang có hạnh phúc trong tầm tay nhưng mấy người biết trân trọng và gìn giữ những gì họ đang sở hữu. Những điều tưởng chừng rất giản dị trong cuộc sống như vậy, thế mà nhiều người khát khao vẫn không có được hoặc là họ đã không còn cơ hội tìm lại. Họ buồn, buồn rưng rức đến đánh mất cả niềm mong đợi vào cuộc sống. Còn bạn, vẫn biết buồn đấy chứ?

Nếu bỗng nhiên một ngày không còn như mọi ngày…

Mọi thứ trong cuộc sống của bạn bị đảo lộn: bạn phải lam lũ lên nương làm rẫy thay vì chạy xe đến công ty mỗi buổi sáng; bạn phải bấm bụng nuốt củ khoai sùng cho bữa trưa thay vì một hộp cơm cá chiên với canh tôm bầu; bạn phải chẻ củi, vá áo thâu đêm thay vì ngồi xem truyền hình giải trí sau một ngày làm việc khổ nhọc. Rồi bạn bị đánh đập không thương tiếc, bị đối xử như nô lệ dưới một chế độ mà lâu nay bạn đã tôn vinh. Những vật dụng thường ngày nay đã bị thay đổi thành những món đồ lạ lẫm, độc hại từ phương Bắc xa xôi đem tới. Sau đó những thành viên trong gia đình từ từ biến mất, bỏ lại bạn một mình trong nỗi hụt hẫng tột cùng. Bạn không còn ai bên cạnh để tìm nguồn động viên trong thế giới hỗn độn này. Nếu những điều đó xảy ra thì bạn sẽ làm gì? Đó cũng là những điều mà tôi đang lo sợ giùm bạn và cho cả tôi. Những ngày tháng hạnh phúc hôm nao sẽ ra đi vĩnh viễn. Bạn hãy nhìn quanh rồi sẽ thấy nhiều nạn nhân đang lâm vào tình cảnh oan nghiệt ấy mà họ vẫn chưa hiểu vì sao. Đơn giản thôi bạn ạ, như lời một người đã từng nói với tôi rằng: “Một người dân Việt Nam trong nước ngã xuống thì một người dân ở xứ Hán Trung mới có thể vào xâm chiếm và tồn tại trên mảnh đất của chúng ta”. Tôi hận vì không thể một mình làm được gì trong lúc này mà chỉ biết viết lên những dòng tâm tư trăn trở. Tôi buồn cả trái tim đang dằn vặt. Tôi đau lòng cho những người không còn biết niềm kiêu hãnh dân tộc nằm ở đâu.



Bạn có thể kêu gào với niềm thương tiếc vô hạn cho sự ra đi của Michael Jackson. Vậy mà bạn không hề rơi một giọt nước mắt nào cho những ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Cộng bắn giết. Phải dùng lời lẽ nào để nói về vở hề chua xót này mới thích hợp đây? Tôi lên án bạn vì bạn đã phủ bỏ nguồn cội của mình khi khóc tức tưởi như là cha mẹ chết chỉ vì ông vua nhạc Pop qua đời, trong khi đồng bào máu thịt của bạn phơi thây ngoài biển Đông lại không nhận được một sự thương cảm nào từ bạn. Đôi khi tôi cảm thấy chán nản với sự thờ ơ của người dân quốc nội dù tôi biết rằng không thể bắt buộc họ có những suy nghĩ giống như tôi. Tôi lấy tư cách gì để trách dân tôi trong khi họ còn phải lo toan bao điều bộn bề của cuộc sống mà quên mất quyền lợi chung của dân tộc. Nhưng tôi hy vọng ít ra họ cũng phải biết bảo vệ những quyền lợi mà mỗi con người đáng được hưởng. Dù thất vọng và uất giận nhưng tôi vẫn phải tiếp tục lên tiếng, tiếp tục gào thét cho đến hơi thở cuối cùng. Nếu không thì tôi cũng như những kẻ vô tâm khác, có lỗi với chính mình, với chính dòng sữa đã nuôi lớn tôi, có lỗi với quê hương, với dân tộc Việt Nam. Giờ đây một mình ngồi trong phòng, chập chờn với những ý nghĩ làm tôi thầm trách bản thân mình vô dụng. Tại sao ông trời lại đối xử nghiệt ngã với người dân của tôi như vậy? Bao giờ ông mới mang mùa xuân đến trên quê hương tôi để xua tan giá buốt đêm đông?

Có những nghịch lý vẫn tồn tại một cách khó tin ngay giữa đời thường. Câu chuyện về một đất nước đã gián tiếp phủ nhận chủ quyền các vùng đảo của dân tộc từ ngàn xưa. Ngoài miệng Đảng và Nhà nước luôn lên tiếng khẳng định chủ quyền HSTS nhưng bên trong lại cho công an phường đánh đập, bắt giam năm người dân yêu nước. Lại còn để an ninh các cấp tịch thu tài sản hành nghề bán chè chén chỉ vì năm người này treo khẩu hiệu “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”. Câu chuyện không phải chấm dứt tại đó. Những người này còn bị triệu tập lên phường làm việc liên tục, lại thêm an ninh đe dọa sẽ bỏ tù nếu còn vi phạm. Tôi cũng chẳng hiểu họ vi phạm điều luật nào trong Bộ luật hình sự Việt Nam để đến nỗi mất chỗ trú thân, mất cả công ăn việc làm. Những nghịch lý không còn thấy lạ đối với chế độ Cộng Sản toàn trị. Những bất công đã trở nên quen thuộc trong nếp sống hằng ngày của dòng giống da vàng này. Biết đến bao giờ tôi mới được nghe khúc ca khải hoàn giải thể toàn bộ chính quyền độc Đảng bịp bợm.



Ngoài đường thi thoảng một vài chiếc xe máy phóng vụt qua, để lại đằng sau tiếng rú rợn người, nhức nhối. Và rồi âm thanh yên ắng lại trở về. Tôi ngồi thu mình trong căn phòng vắng lặng như một kẻ cô độc nhất đang khát khao có một tiếng động phá vỡ bầu không khí nặng nề này. Tôi ghét cái lạnh mùa đông, lại càng sợ nỗi cô đơn đang vây kín. Nhoài người bật chiếc máy tính xách tay lên, tôi tìm đọc những tin tức trong ngày để qua khoảng thời gian buồn chán. Những vụ giết người, cướp của xảy ra mỗi ngày được đăng nhan nhản trên mạng lưới truyền thông như thể những hồi truyện bí ẩn được cập nhật liên tục. Những đứa bé vị thành niên có màu mắt ngây ngô vô hồn bị ép bán dâm bên Campuchia hiện ra trước mắt. Khuôn mặt tiều tuỵ của các cô gái “ăn sương” vẫn còn lảng vảng tìm đón khách trên các con đường vắng lạnh lẽo, tối om và tĩnh mịch. Trong thế giới của lớp người luôn bị xã hội khinh rẻ kia vẫn chứa đựng niềm khát vọng có một ngày mai thay đổi để làm lại cuộc đời. Đường đời không phải lúc nào cũng trải một gam màu hồng. Bây giờ nó heo hút một màu đen kinh sợ trong chìm nổi trầm luân, trong thói đời bội bạc. Một đường link đã dẫn tôi đến với một cảnh tượng hãi hùng. Ông chồng được hàng xóm biết đến là một người rất hiền lành lại nhẫn tâm móc mắt người vợ đáng thương. Có ai ngờ được tâm dạ của con người thay đổi ghê rợn, khủng khiếp trong phút chốc. Nỗi đau thể xác của người vợ tội nghiệp không lớn bằng nỗi đau tinh thần khi đức lang quân mà chị ta luôn kính mến lại đối xử với chị dã man đến vậy. Thế mới thấy xã hội Việt Nam ngày càng biến dạng để trở thành một căn cứ quyền lực của bọn Mafia đỏ ở Bộ Trung ương. Thật đáng căm hận! Đạo đức và nhân cách của con người Việt đã bị suy đồi, thoái hoá. Cái tinh thần dân tộc của đồng bào tôi cũng đã bị những con mối mọt trong bộ máy chính quyền Hà Nội ăn mòn. Ai còn giữ nguyên vẹn tình làng nghĩa xóm, tinh thần đoàn kết thì một sớm một chiều cũng được hân hạnh mời vào ngồi tù đếm ngày dần qua, đếm tháng sắp tới. Những ánh mắt yêu nước qua song sắt nhà lao phiêu diêu mơ về một miền đất tự do. Những tấm thân ngồi lặng bình thản giữa rừng gươm dao ám khí. Tôi cảm phục những nhà đấu tranh dân chủ có lý tưởng sống một lòng cho quê hương, dân tộc. Bạn và tôi cần phải sống vì đâu đó vẫn còn sót lại những con người chính nghĩa.

Trong tình yêu vĩ đại con người hy sinh cho nhau, trao nhau những lời hẹn ước chân thành để làm chất hồ xây nên ngôi nhà hạnh phúc lứa đôi. Biết bao mối tình bất hủ như Romeo and Juliet, chuyện con tàu Titanic, Trương Chi Mị Nương đã được các đại thi hào, văn sĩ ca ngợi qua những tản văn, truyện ngắn hay qua những dòng thơ ngọt ngào. Còn thứ dân khố rách áo ôm thì mấy ai biết đến để viết giùm nỗi lòng ai oán của họ. Cùng là con người như nhau sao lại phân biệt đối xử? Xem một cuốn phim nhiều tập Hàn Quốc với những tình tiết éo le bạn cảm thấy nghẹn ngào nơi cổ họng và có thể bậc thành tiếng nấc. Trong khi những cảnh tượng thảm thương hơn gấp bội lần đang xảy ra thường nhật trên đất nước Việt Nam thì bạn lại không quan tâm. Bạn có thể sống vì người mình yêu, làm mọi điều để được thấy ánh mắt chứa đầy niềm vui sướng của anh ta hay cô ta mà sao không thể sống vì mọi người trong khi một người kia lại nằm trong vạn người. Bạn bảo vệ dân tộc cũng chính là đang bảo vệ những người yêu thương nhất trong cuộc đời của bạn. Đừng chỉ biết khóc cho một vở tuồng không thực tế mà lại quên mất bộ phim tang thương của dân tộc do bạn thủ vai chính. Nếu không cuối cùng cuộc đời chỉ còn là những thứ hạnh phúc dễ vỡ.



Đất nước Việt Nam đã thật sự mất vì những tên lãnh đạo ngu dốt trong Bộ chính trị Đảng. Lời nói ngông cuồng của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại Cuba trong tháng mười vừa qua là một sự sỉ nhục lớn đối với con dân Việt Nam. Tôi chưa từng nghe ai “ví von” rằng: “Việt Nam, Cuba như là Trời Đất sinh ra. Một anh ở phía Đông. Một anh ở phía Tây. Chúng ta thay nhau canh giữ hoà bình cho thế giới. Cuba thức thì Việt Nam ngủ. Việt Nam gác thì Cuba nghỉ” như lời phát biểu của ông Triết. Một đất nước tự do, quyền lực như Mỹ còn chưa có phát ngôn viên nào dám nói nước họ đại diện cho hoà bình thế giới thì Việt Nam nhỏ bé của chúng ta lấy tư cách gì để vỗ ngực xưng tên. Người dân nghèo đói, Đảng không lo. Trung Cộng tràn qua đánh làng Việt Nam, nhà nước làm ngơ phó mặt. Vậy thì việc CSVN đòi lo lắng cho an nguy của cả quả địa cầu này không phải là một trò cười cho thiên hạ phỉ nhổ sao ? Không biết nhà cầm quyền Cộng Sản phải làm cho nhân dân nhục nhã . xấu hổ bao nhiêu lần mới chấm dứt. Tôi hổ thẹn với một dân tộc gần 90 triệu dân mà không tìm ra một minh chủ đầy đủ trình độ và lòng quả cảm, sẵn sàng làm tất cả để lo cho dân cơm no áo ấm. Tôi khinh bỉ những kẻ chỉ biết khom lưng sống dưới một thể chế đê hèn như vậy. Sao dân tôi phải chịu nhục sống tạm bợ ngay trên chính mảnh đất của cha ông tổ tiên để lại? Sao bạn chỉ biết tìm kiếm những thứ giàu sang phú quý mơ hồ. Ôi những cái đầu nhét đầy chữ để làm chi? Tôi ngồi đây với bao ngổn ngang trong lòng mà không biết làm cách nào để tự giải thoát cho tôi, cho bạn.

Nếu một ngày kia tôi không còn sức nói lên tiếng lòng thổn thức của mình cho dân tộc Việt Nam điêu linh thì xin bạn hãy giúp tôi tiếp tục hoàn thành tâm nguyện dành lại mảnh đất quê hương, đòi lại sự tự do cho toàn dân Việt Nam.

Đêm đã về khuya. Chỉ còn tôi với tiếng mưa tí tách ngoài mái hiên. Lắng lại trong lòng là nỗi đau đơn côi của một kẻ bất lực với thế sự. Không biết sau cơn mưa, trời có sáng? Và không biết sau mùa đông năm nay, mùa xuân có thực sự đến hay không?

LN -HT