PDA

View Full Version : Tưởng nhớ Đại-Tá Vũ-Văn-Ước / KQ QLVNCH



TAM73F
01-05-2010, 06:02 PM
Xin được phép thành kính chia buồn cùng gia quyến Đại-Tá Vũ-Văn-Ước

-------

Để tỏ lòng ngưỡng mộ và tưởng nhớ đến Đại Tá Vũ Văn Ước, xin phép trích đăng bài viết dưới đây của tác giả Giao Chỉ trong website Thư-Viện Việt-Nam.



Vũ Văn Ước: “đưa người, ta không đưa qua sông”
Giao Chỉ



Cali Today News - Lịch sử không phải chỉ là chuyện 4,000 năm trước. Đôi khi, lịch sử ngồi bên cạnh ta. Hãy hỏi thăm, lịch sử sẽ trả lời, bởi vì mỗi cuộc đời là một câu chuyện lịch sử.

Câu chuyện phi công già Vũ Văn Ước đưa đám ma Pilốt Air “Marốc” Mai Văn Hạnh ngay tại Orange County mấy năm trước đã làm tôi mất ngủ. Câu thơ của Thâm Tâm vốn là lời than thở của ái tình mà sao lại vận vào chuyện đưa đám tang chiến hữu. Mai Văn Hạnh từ Pháp qua chơi Hoa Kỳ, chết ngày 31 tháng 8-2001, hưởng thọ 73 tuổi.

“Đưa người ta, không đưa qua sông. Sao có tiếng sóng ở trong lòng.”

Nhưng mà Vũ Văn Ước là ai? Mai Văn Hạnh là ai?

Thưa quý vị, nếu quý vị tuổi trẻ tài cao sẽ không biết chuyện anh em chúng tôi. May ra quý vị xồn xồn và thất thập bất lão mới biết danh tiếng các bạn chúng tôi. Ai là người ra đi và ai là người đưa đám.

Mai Văn Hạnh là Pilot Không Quân Việt Nam từ thời kỳ sĩ quan quốc gia còn đeo lon gạch vàng và mặc quần xoọt trắng. Thời thế thay đổi, các sĩ quan trẻ của Không Quân như Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh đi Tây từ sớm. Các bác phần đông ở lại Paris lấy vợ đầm đẻ con lai. Cả mẹ lẫn con đều mắt xanh, tóc vàng sợi nhỏ. Lê Quốc Túy xuất quân chỉ có cặp lon chuẩn úy nhưng sau này lại thành lãnh tụ. Còn Mai Văn Hạnh, ra trường thiếu úy gốc Tây lai sau này theo tướng Hinh về Pháp.

Nếu ở Việt Nam tài hoa như Mai Văn Hạnh có thể lái Air Việt Nam. Nếu ở Pháp khéo xoay sở có thể lái Air France. Nhưng bác Hạnh vợ đầm quay ra làm phi công hàng không dân sự cho Air Marốc và Air Algérie. Chuyện thật mà cứ như đùa.

Sau 30 tháng 4-1975, hai chàng cựu Không Quân Việt Nam Cộng Hòa tại Pháp lại trở thành các tay anh hùng chống cộng thứ thiệt. Họp với lãnh tụ sinh viên Trần Văn Bá, anh em tổ chức Mặt Trận Thống Nhất tìm đường Phục Quốc. Dân Việt chống cộng ở Paris tuy không nhiều, nhưng đã nói là làm. Lê Quốc Túy ở lại lo đầu cầu. Trần Văn Bá về Đông Nam Á xâm nhập miền Tây theo ghe thuyền từ Cam Bốt, Thái Lan. Chiến khu ba biên giới có 300 chiến binh đã thực sự lọt cả vào ngả Cà Mau, Minh Hải cả trăm tay súng.

Mai Văn Hạnh từ biệt vợ con về bằng máy bay qua Tân Sơn Nhất mang thông hành quốc tịch Pháp. Việc lớn chưa thành thì Bá bị bắt ở miền Tây và Hạnh bị bắt ngay tại Sài Gòn. Lê Quốc Túy lửa đốt trong lòng, chạy đôn chạy đáo ở Paris. Đảng viên bị bắt rất nhiều người kể cả em ruột của Túy là Lê Quốc Quân.

Phiên tòa xử tại Sài Gòn ngày 17 tháng 2-1976 trong nhà quốc hội cũ trên đường Catinat, Cộng sản bắc cả loa ra ngoài cho dân chúng ngồi coi. Dân “Ngụy” Sài Gòn ngồi cả ngày dài chờ đợi. Từng khuôn mặt đau thương nước mắt khóc thầm chảy xuống con đường Tự Do cũ. Tiếng thở dài giữ trong lồng ngực. Hình ảnh Video một thời vẫn còn được lưu giữ ở hải ngoại qua nhiều hãng truyền hình quốc tế. Khi bản án tử hình và chung thân đọc lên, một người hô to “Việt Nam Cộng Hòa muôn năm.” Công an lấy tay bịt mồm. Hình ảnh hào hùng và đau thương vẫn còn thấy rõ.

Ngồi xem TV tại Quận Cam, Vũ Văn Ước tưởng chừng trái tim tan vỡ. Ngày xưa, Ước và Hạnh là bạn cùng bay trên vùng trời bao la. Bây giờ ngồi đó bất lực nghe tin bạn bị lên án tử hình.

Đó là chuyện Pilốt Air Marốc Mai Văn Hạnh.

Bây giờ là chuyện Pilot Air nhà binh của bác Vũ Văn Ước. Ông Ước vào Không Quân từ 1951, khóa sĩ quan đầu tiên học tại Nha Trang. Từ máy bay bà già, bay lạnh cẳng cô đơn trên trời Bắc Việt rồi đến bay trực thăng, khu trục và phản lực.

Vũ Văn Ước trở thành sĩ quan phi công trẻ của Việt Nam duy nhất được bổ nhiệm ra Bắc vào đầu thập niên 50, lúc quân ta còn làm việc với Không Quân Pháp.

Tuy phải thuyên chuyển về Bắc nhưng dù sao anh sĩ quan trẻ cũng là một lần trở lại quê nhà để có dịp kết duyên với một cô gái hàng Đào, người mà chàng Pilot hào hoa vẫn còn chung thủy cho đến ngày nay.

Chuyện đời Không Quân ái tình thì lăng ba vi bộ, còn máy bay thì cũng bị rớt đôi ba lần. Cả hai chuyện đều không nhớ hết. Đối với Vũ Văn Ước chuyện tình ái và bay bổng là chuyện ngày xưa.

Thời kỳ đó, gia đình bên ngoại có một ông anh vợ tên là Phạm Văn Thường bỏ nhà ra đi biệt tích bên trời Âu từ lúc còn thiếu niên. Phần ông Vũ Văn Ước sau Geneve 54 đem vợ Hà Nội vào Sài Gòn rồi gửi trọn một đời cho Không Quân Việt Nam. Đó cũng là giai đoạn chia tay với bạn Không Quân Mai Văn Hạnh. Tình bay bổng thắm thiết nhưng rồi mỗi người theo một phương trời.

Sau hơn 20 năm chinh chiến, ông Đại tá Vũ Văn Ước có lần bay phi vụ Bắc phạt ra Vĩnh Linh vào thời kỳ làm chỉ huy trưởng Liên đoàn Tác chiến. Sau, ông về làm tư lệnh Không đoàn 62 tại Nha Trang. Không đoàn này cải tổ thành Sư đoàn 2 Không quân đảm trách toàn thể không phận Vùng 2 Chiến Thuật. Ông là tư lệnh đầu tiên của SĐ2KQ được một thời gian chưa kịp gắn sao, thì về làm Đại tá Giám đốc Bộ chỉ huy Hành quân Không quân tại Sài Gòn.

Trong thời gian ở miền Nam có chuyện gia đình đặc biệt éo le đã xảy ra mà sau này mới biết. Số là người anh vợ lưu lạc giang hồ từ Pháp về Việt Nam nay đã thành Đại tá Phạm Văn Thường thuộc Bộ Tổng Tham Mưu. Hai đại tá Không Quân và Bộ Binh đã từng có lúc bắt tay nhau mà không biết có liên hệ chặt chẽ chừng nào. Ông Thường bỏ nhà ra đi từ nhỏ tưởng gia đình thất lạc hay là còn ở ngoài Bắc. Cô em gái là vợ Đại tá Ước thì tưởng là ông anh đã chết từ lâu ở phương trời Âu Á. Hai công tử Hà Nội bắt tay nhau ở Sài Gòn mà cứ như người xa lạ.

Vật đổi sao rời, tháng 4-1975, gia đình Đại tá Ước di tản và định cư tại Westminster. Đại tá Thường ở lại, đi tù cải tạo và sau đó vượt biên rất muộn phải ở lại trại tỵ nạn Đông Nam Á trong nhiều năm dài.

Sau cùng ông Thường qua Mỹ hoàn toàn cô đơn, được một hạ sĩ quan người Việt gốc Hoa, trước làm thợ điện cho ông thầy, nhận bảo lãnh. Chú hạ sĩ quan ngày xưa nay là chủ tiệm vàng cư ngụ tại thị xã Westminster.

Rồi vào một buổi chiều buồn, Giao Chỉ tôi được tin, chiến hữu Phạm Văn Thường chết tại Quận Cam. Thân quyến không có một người. Anh em Tổng Tham Mưu cũ họp nhau đưa đám Đại tá Thường về nơi vĩnh cửu. Sau lễ hỏa thiêu, tro tàn để tại nghĩa trang Quận Cam.

Tôi đọc bài điếu văn than cho phần số của ông đại tá già chết cô đơn không người thân nhỏ lệ bên linh cữu. Sau đó báo tin về cho vợ con tại quê nhà.
Và cũng tại Sài Gòn, thân quyến của ông Thường ở Hà Nội có dịp liên lạc được với vợ con. Đường giây nối qua cô em gái là vợ ông Đại tá Ước ở Westminster. Khi ông bà Ước tìm được ông đại diện Giao Chỉ ở Bộ Tổng Tham Mưu thì chỉ còn một đường ra thẳng nghĩa trang mà làm lễ cầu siêu.

Đất nước điêu linh, chiến tranh chia cắt. Hai anh em Bắc Kỳ cùng ở Sài Gòn 20 năm mà không biết để gặp nhau. Đất nước Hòa Bình, quốc gia thống nhất, mà sao cả hai anh em đều phải bỏ nước lưu lạc đất khách quê người. Cùng cư ngụ ở thành phố Westminster nhỏ bé bằng bàn tay trên 10 năm không gặp nhau. Sau khi ông anh đã chết thì cô em gái ngồi xe lăn mới được ông em rể đẩy ra nghĩa trang thăm nơi yên nghỉ sau cùng.

Bà Ước bị đau đã phải ngồi xe lăn trên 10 năm nay. Nếu ở nhà thì bà có thể xoay sở lấy, khi cần ra ngoài thì có Pilot Vũ Văn Ước lái xe lăn.

Trong hơn 10 năm qua, chàng Pilot già dọc ngang không biết trên đầu có ai, nay đã thành một tay đầu bếp và nội trợ số một của miền Nam California. Bài ca hay nhất chàng hát mỗi buổi tối là bài “Em ơi hãy ngủ, anh hầu quạt đây.”

Cuộc đời của bác Ước nhà ta tưởng chừng sẽ không còn nhiều bể dâu thiên hạ sự, nào ngờ lại có dịp gặp lại bạn xưa Mai Văn Hạnh.

Số là các anh chàng Phục Quốc từ Pháp về Việt Nam bị án tử hình thì Trần Văn Bá cùng các tử tội khác đều đã bị xử bắn vào 8 tháng 1-1985. Riêng Mai Văn Hạnh vào giờ chót vì là công dân Pháp được tổng thống và chính phủ can thiệp nên chỉ ở tù. Sau cùng đã được trả tự do về Pháp.

Chuyện sống chết của Mai Văn Hạnh quả thật hết sức đặc biệt. Sau khi bản án tử hình công bố, hai cô con gái lai của bố Mai Văn Hạnh đã hết lòng đấu tranh cho sinh mạng của cha. Các cô con gái hoàn toàn không biết việc ông Hạnh về nước bị bắt. Vẫn tưởng cha còn bay cho hàng không Algérie. Cho đến khi TV Pháp chiếu phiên xử án.

Chính phủ, quốc hội, báo chí và các hãng hàng không dân sự đều lên tiếng xin Hà Nội tha cho Mai Văn Hạnh.

Cuối năm 84, Hà Nội vẫn cương quyết từ chối.

Vào đêm giao thừa 1985, tổng thống Pháp đọc bản văn chúc mừng quốc dân năm mới đã yêu cầu toàn dân cầu nguyện cho một người Pháp sắp bị Hà Nội xử tội tử hình.
Tám ngày sau, trong khám Chí Hòa, cộng sản bắn ba tử tội. Trần Văn Bá, Lê Quốc Quân và Hồ Thái Bạch.

Bá là con nhà cách mạng Trần Văn Văn đã bị ám sát chết tại Sài Gòn trước 1975. Lê Quốc Quân là em của Lê Quốc Túy. Và Hồ Thái Bạch là người đã cất tiếng hô “Việt Nam Cộng Hòa muôn năm” trong phiên tòa. Riêng Mai Văn Hạnh xuống án chung thân khổ sai và được thả tự do sau vài năm.

Nhưng rồi ngày tháng trôi qua, cũng như biết bao nhiêu số mệnh của các anh hùng cứu quốc, vợ con chung thủy có thể đợi chờ và cũng có thể không chờ đợi mãi mãi. Nhân một chuyến du hành từ Pháp qua Mỹ, Mai Văn Hạnh bây giờ lại cô đơn gặp chiến hữu Vũ Văn Ước tại Quận Cam. Anh em đã ca bài “Tha hương ngộ cố tri – Xa quê gặp bạn cũ.”

Bẵng đi vài tuần lễ, chợt có chú em của Hạnh điện thoại báo cho bác Ước biết là anh Hạnh đã đi rồi.

Đi đâu? Vũ Văn Ước hỏi lại. Người em trả lời: “Anh Mai Văn Hạnh đã chết rồi.” Đành rằng đã có sống là phải chết. Có sinh là có tử. Nhưng con người đã bị cộng sản Hà Nội lên án xử tử mà không chết, lẽ nào đi chơi Hoa Kỳ lại lăn ra chết. Nhưng đó là sự thật. Ông Ước tạm biệt bà vợ đang ngồi xe lăn, tất tả chạy đi đưa đám ma Mai Văn Hạnh.

Đám ma người anh hùng Không Quân Phục Quốc hết sức thê lương và trống vắng. Nhưng theo đúng ý nguyện người quá cố dặn lại chú em. Xin ai đừng hỏi vợ con thân quyến đâu cả. Sẽ không ai trả lời. Bạn bè có thể rất đông nhưng không cho ai biết. Đồng bào có thể rất đông nhưng không cho ai hay. Di hài đem hỏa thiêu nằm trong quan tài bằng bìa cứng. Đặt trên chiếc xe đẩy. Không có lá quốc kỳ thì làm gì còn nói đến lễ phủ cờ. Vàng hương cũng chẳng có. Một vài người thân hữu xa gần lốc thốc đi theo. Người anh hùng sống đã vô danh và chết cũng vô danh.

Đại tá Vũ Văn Ước đã từng là Tư lệnh Sư đoàn 2 Không quân trong vùng trời lửa đạn. Ngày xưa tuần nào mà chẳng có ngày đi đưa đám phi công và chiến hữu. Nhưng đám ma quân đội là phải lễ nghi quân cách đâu ra đấy. Bây giờ sống ở xứ sở văn minh hùng cường, phương tiện thiếu gì. Thế mà trở đi trở lại, có đám ma ông anh vợ hết sức cô đơn thì ông lại đến muộn. Còn đám ma bạn thân một thời bay bổng từ Á châu đến Âu châu, nay trời tạo cơ duyên hạ cánh lần chót ở Hoa Kỳ thì lễ an táng cực kỳ đạm bạc.

Có lẽ số của Pilot Air Marốc Mai Văn Hạnh là số của người tử tội sống thêm. Vì vậy, cái chết của ông cũng chỉ khá hơn bạn Phục Quốc Trần Văn Bá bị vùi dập sau loạt đạn xử án tử hình tại bức tường đẫm máu trong trại giam Chí Hòa.

Đó là lý do tại sao câu chuyện đi đưa đám ma người anh hùng Phục Quốc của bác Vũ Văn Ước đã làm tôi mất ngủ. Nhưng rồi nói lại cho cùng, tang lễ linh đình để mà làm gì. Không lẽ đã là đồng chí của Trần Văn Bá nhưng may mắn sống thêm được 20 năm, Mai Văn Hạnh đâu phải chỉ chờ đợi một đám tang huy hoàng hơn người tử tội chiến hữu một thời.

Đành phải coi như Pilot già Vũ Văn Ước đại diện toàn thể Không Quân Việt Nam tiễn đưa Mai Văn Hạnh. “Đưa người ta, không đưa qua sông. Sao nghe tiếng sóng ở trong lòng.”

Nhưng ông Ước nhân chuyện đám ma còn nhắc lại biết bao nhiêu là hy sinh gian khổ của các bạn thân một nhà toàn Pilot. Mai Văn Hạnh có các em là Mai Văn Hiền, Mai Văn Hải đều là không quân và đều đã hy sinh.

Nhà họ Bùi có Bùi Quang Các, Bùi Quang Ninh và Bùi Quang Đài cũng đều là dân bay bổng và đã không còn nữa. Chết hết trong chiến tranh. Nhà họ Dương có Dương Thiệu Hùng, Dương Thiệu Cường và Dương Thiệu Ân thì hai anh đã hy sinh chỉ còn em ở Florida.

Ông Ước nói rằng, như vậy không quân chúng tôi hy sinh trước 75 và lại còn có các bạn tiếp tục đánh sau 75. Vậy Bộ Tổng Tham Mưu của các ông đã thấy đủ tài liệu để ghi lại chưa? Vâng thưa bạn, tin tứ như thế là quá đủ rồi.

Hình như tôi đã kể cho quý vị một câu chuyện quá buồn. Bây giờ xin chữa lại.
Pilot Air nhà binh Vũ Văn Ước năm trước bị đau tim đã Email loan báo đi bốn phương trời. “Cầm bằng gửi gió cho mây ngàn bay.” Chàng đã xa con số 70 và gần con số tám chục rồi. Bây giờ đi đâu mà chẳng được. Nhưng rồi Email lại tới tấp loan báo tin bác vẫn KA RA OK.

Mỗi khi bác lên San Jose, Pilot phản lực Vũ Văn Ước đều khoe chuyện tề gia nội trợ, săn sóc cho vợ hiền làm cho cánh đàn ông ở San Jose hết sức vất vả bởi vì không thể nào theo kịp. Ông kể thành tích nấu cơm, rửa bát rồi ông ca tụng đàn bà nên mỗi chuyến viếng thăm của bác Ước thì quý bà chào đón nhưng lại là cơn ác mộng của quý ông.

Nhưng vào ngày 23 tháng 7-2006, chúng tôi vẫn can đảm mời Pilot già Vũ Văn Ước lên tham dự 30 năm hội ngộ tại Kobe. Ông sẽ hát bài ở đời “Không có gì đẹp bằng tình yêu hai chúng ta,” ông sẽ đưa em trên “Đường về Việt Bắc.”

Ôi, người phi công anh dũng muôn đời đã dành trọn vẹn phần cuối của kiếp phù du với 13 năm qua lái xe lăn cho vợ. Hơi thở tình yêu cuối đời sẽ cho ông sống mãi trăm năm.

Giao Chỉ – San Jose 2006

cau Ut
01-07-2010, 09:08 PM
Bài của TÂM73F viết thật cảm động và xuất sắc. c/U khg biết là đ/tá niên trưởng có con gái lớn học ở Nhatrang.

loibangTQLC
01-07-2010, 09:43 PM
TRÍCH :
Để tỏ lòng ngưởn mộ và tưởng nhớ đến Đại Tá-Vũ-Văn Ước , xin phép trích đăng bài viết dưới đây của tác giả Giao Chỉ trong website Thư-Viện Việt-Nam .



Vũ Văn Ước: “đưa người, ta không đưa qua sông”
Giao Chỉ – San Jose 2006

Cậu Út ơi ,
Tác giả bài viết là Giao Chỉ - San Jose ( Xin đính chánh ) .

cau Ut
01-08-2010, 04:53 PM
loibang TQLC ui
c/U viết thiếu chữ CHUYỂN nên mới đọc tưởng Tâm là tác giả bài về đ/tá Ước . Sory.