PDA

View Full Version : Thương Tiếc Phi Hành Đoàn AC-119 Tỉnh Long 7 KQVNCH



ttmd
12-31-2009, 03:05 PM
<object width="600" height="465"><param name="movie" value="http://www.youtube.com/v/mvPRwoy-uw8&hl=en_US&fs=1&"></param><param name="allowFullScreen" value="true"></param><param name="allowscriptaccess" value="always"></param><embed src="http://www.youtube.com/v/mvPRwoy-uw8&hl=en_US&fs=1&" type="application/x-shockwave-flash" allowscriptaccess="always" allowfullscreen="true" width="600" height="465"></embed></object>


Phi Đoàn Tinh Long 821
Những Hy Sinh Dũng Cảm


Tôi xin được ghi nhận lại đây những dữ kiện đau thương của phi đoàn mà tôi đã phục vụ, để tưởng nhớ đến những cánh chim của các phi vụ Tinh Long đã anh dũng nằm xuống cho lý tưởng Tự Do. Kính mong hương linh các anh vẫn bay mãi trên vòm trời VIỆT NAM yêu dấu.
Xin mến tặng đến tất cả các Tinh Long hiện đang lưu lạc khắp bốn phương trời và các Tinh Long còn đang ở tại nơi quê nhà. Để nhớ lại những kỷ niệm mà một thời chúng ta đã cùng nhau chung vai, sát cánh thi hành những phi vụ “Bảo Quốc Trấn Không” trên khắp bầu trời của bốn Quân Khu.
Thái Ngùng

Trong chúng ta, chắc hẳn ai cũng đã đều biết sơ lược thống kê về việc người Mỹ đã bỏ ra hàng tỷ Mỹ kim mỗi năm để tài trợ và nuôi dưỡng cuộc chiến Việt Nam trong những thập niên 60 và 70. Thêm vào đó, vì đã có 58,238* quân nhân hy sinh trên chiến trường, khoảng 128,000* quân nhân khác đã bị thương tật, và hàng trăm tù binh đã bị bắt giam cầm ở nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội nên đại đa số nhân dân Mỹ đã không còn ủng hộ cho cuộc chiến nữa. Ngoài ra, các cuộc biểu tình bạo động thường xuyên xảy ra trên các thành phố lớn hay ở các đại học do những người phản chiến nổi lên chống lại chính phủ và chiến tranh đã làm cho tình hình càng thêm căng thẳng. Tất cả những dữ kiện này, cùng với nhiều lý do chính trị phức tạp trong nước nhân mùa bầu cử Tổng Thống 1968 và 1972 cũng như hai cuộc viếng thăm để nối lại bang giao với Trung Quốc và Nga Sô của Tổng Thống Nixon năm 1972 đã khiến chính quyền Hoa Thịnh Đốn ráo riết tìm đủ mọi cách để rút chân ra khỏi cuộc chiến Việt Nam trong “danh dự”.


Kể từ khi mới bước chân vào cuộc chiến (1960)* cho tới ngày phác họa chương trình Việt Nam hóa chiến tranh (1968), có rất nhiều công việc mà chỉ có người Mỹ “độc quyền” đảm nhận. Nay trước khi ra đi, họ muốn trao lại trọng trách đó cho chúng ta để thay thế họ. Trong chiều hướng đó, vào cuối năm 1972, một số đoàn viên của phi đoàn 18th Special Operations của Mỹ ở Đà Nẵng đã được chọn ở lại để phụ trách việc huấn luyện trong chương trình “Enhance” cho các khóa sinh của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa trên loại vận tải cơ võ trang (Attack Cargo) AC-119K Stinger Gunship trong một thời hạn sáu tháng.

Vào khoảng đầu tháng 1 năm 1973 tại căn cứ Không Quân Đà Nẵng, tất cả những chiếc AC-119K của Không Quân Hoa Kỳ đã được chuyển giao lại cho phi đoàn Tinh Long 821 thuộc Không Quân Việt Nam Cộng Hòa. Sau khi tiếp nhận, Không Lực Việt Nam Cộng Hòa đã có được loại phi cơ vận tải võ trang tối tân nhất có gắn đại bác 20 ly cùng với các hệ thống điện tử tinh vi hiện đại thời bấy giờ. Cùng với thời điểm này chương trình “Enhance” được đổi lại thành chương trình “Enhance Plus”.
Phi đoàn Tinh Long 821 được trú đóng tại phi trường Tân Sơn Nhứt, trực thuộc Không Đoàn 53 Chiến Thuật, thuộc Sư Đoàn 5 Không Quân và có hai biệt đội: một ở Đà Nẵng, yểm trợ cho Quân Khu I và một ở Phù Cát, yểm trợ cho Quân Khu II. Khi căn cứ Phù Cát di tản thì biệt đội được dời về phi trường Phan Rang nhưng chỉ có vài ngày thì phải di tản về Tân Sơn Nhất. Còn phi đoàn ở Tân Sơn Nhất thì yểm trợ cho Quân Khu III và Quân Khu IV.

Phi đoàn Tinh Long 821 được điều hành bởi bộ tham mưu của phi đoàn gồm có:
Phi đoàn trưởng: Trung tá Hoàng Nuôi
Phi đoàn phó: Thiếu tá Nguyễn Minh Nhựt
Sĩ quan hành quân: Thiếu tá Nguyễn Hồng Sơn (voi)
Sĩ quan huấn luyện: Đại úy Nguyễn Văn Chẩn
Sĩ quan an phi: Đại úy Nguyễn Trọng Quỳnh. Trước đó là Đại úy Nguyễn Phúc Hải (râu) đã tử nạn trong một phi vụ huấn luyện.


Ngoài ra, phi đoàn Tinh Long (TL) 821 còn có khoảng 300 nhân viên phi hành gồm có: Hoa tiêu (Trưởng phi cơ “TPC” và Hoa tiêu phó: Co-pilot “CP”), Điều hành viên (ĐHV), Cơ phi (FE: Flight Engineer), Áp tải: Chuyên viên Hỏa Châu (IO: Illuminator Operator) và Xạ thủ phi hành (G: Gunner).
Có thể nói phi đoàn Tinh Long 821 là phi đoàn có số nhân viên phi hành khá đông của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa. Ngoài ngành hoa tiêu, phi đoàn còn có nhiều ngành khác, nên mỗi ngành đều có leader của ngành đó như:

Leader ĐHV: (gồm có NAV: Navigator; NOS: Night Observation Sight; IR: Infrared Radar-Hồng ngoại tuyến): Đại úy Trần Đắc Mai Sơn, Đại úy Phụng, Trung úy Bạch Ngọc Hòa.

Leader cơ phi: Trung sĩ I Nguyễn Quang Huy, Thượng sĩ Phan Anh Tuấn (Hy sinh trong phi vụ Tinh Long 7)

Leader xạ thủ: Thượng sĩ Hoàng, Thượng sĩ Trần Văn Huệ và Thượng sĩ Nguyễn Văn Chín “dơi” người nhảy dù, sống sót duy nhất của phi vụ Tinh Long 7.

Leader áp tải: Thượng sĩ I Hoàng Trọng Thanh Châu

Khi nói đến chiến tranh là chúng ta thường hiểu nó đồng nghĩa với sự hy sinh, hủy hoại, chia lìa. Phi đoàn Tinh Long 821 đã trải qua nhiều thăng trầm, mất mát kể từ ngày thành lập vào năm 1973. Mỗi sự hy sinh là một vết thương lòng của phi đoàn, với thời gian có thể lắng dịu, nhưng chắc khó xóa nhòa trong tâm trí của những Tinh Long còn đang hiện hữu.


Sự mất mát đầu tiên của phi đoàn Tinh Long 821 xảy ra vào ngày 1 tháng 3 năm 1973 ở Đà Nẵng trong một phi vụ huấn luyện nằm trong chương trình “Enhance Plus”. Mặc dù chưa hết hạn như đã dự định, nhưng vì tai nạn này nên chương trình huấn luyện được hủy bỏ sớm hơn. Phi vụ này do Trung tá Roy A.(Tony) Simon bay huấn luyện cho khóa sinh trưởng phi cơ Trung úy Lê Hữu Phước (sữa) và khóa sinh hoa tiêu phó Th/u Thành. Ngoài những huấn luyện viên người Mỹ, còn có một số các khóa sinh Việt Nam khác như khóa sinh điều hành viên Tr/u Hoàng Tiến Nhân, khóa sinh NOS Thiếu úy Đoàn Nhuệ, khóa sinh xạ thủ phi hành Hạ sĩ Thanh, khóa sinh áp tải Hạ sĩ Tráng, và một vài người nữa mà anh Phước đã không còn nhớ tên. Vì thời tiết quá xấu không thể đáp được, nên tất cả phi hành đoàn đã phải nhảy dù xuống biển. Tr/u Nhân đã không mang theo dù cá nhân đêm hôm đó nhưng may mắn cho anh là trên tàu có dù spare mà người Mỹ luôn luôn mang theo để dự phòng, nếu không thì không biết việc gì sẽ xảy đến cho anh Nhân trong phi vụ này? Thật may mắn là mọi người đều được bình an cứu sống, duy chỉ có người NOS là Thiếu úy Đoàn Nhuệ (quê quán Qui Nhơn-Bình Định), trong thời gian gần bốn tiếng đồng hồ nằm trên biển đợi sương mù tan đi để tàu đến vớt, anh đã không giựt dù ra khỏi đai dù còn mang trên người nên khi tàu Hải Quân đến cứu, chân vịt của tàu đã cuộn lấy hoa dù, nhận chìm anh và đưa đến cho anh một cái chết thảm khốc. Tôi được quen biết Nhuệ khi chúng tôi ở cùng lều và cùng học chung Anh ngữ thuộc Đại Đội 69/16 Tent City, Ngã Ba Chú Iá. Ngày tôi ra trường Anh ngữ (tháng 6/70) để lo thủ tục đi Mỹ, đó cũng là lần cuối cùng tôi và Nhuệ chia tay nhau và rồi những tháng năm sau đó chúng tôi chưa bao giờ có dịp gặp lại nhau. Chúng tôi có nhiều kỷ niệm của những người lính trẻ xa nhà lúc đang học Anh ngữ, nên sự ra đi của anh đã để lại trong tôi nhiều xót xa bàng hoàng.


Một phi vụ huấn luyện thứ hai đã bị bắn rơi ở Củ Chi cũng vào năm 1973. Phi vụ này do Đại úy Nguyễn Phúc Hải, bay huấn luyện với khóa sinh trưởng phi cơ Trung úy Nguyễn Đức Hân và khóa sinh hoa tiêu phó Thiếu úy Hùng vừa từ Mỹ về. Trái với phi vụ kể trên, tất cả phi hành đoàn đều đã hy sinh, duy chỉ có người áp tải là may mắn nhảy dù được.


Khoảng chừng vài tháng sau khi tôi về phục vụ phi đoàn Tinh Long 821 thì biến cố thứ ba đã xảy ra khá đặc biệt tại Tân Sơn Nhất. Đây là một phi vụ hành quân, vào khoảng 10 giờ tối ngày 26 tháng 6 năm 1974, sau khi đáp và trong lúc đang di chuyển phi cơ về bến đậu thì có một vài đoàn viên ở phía sau đã mở ống dẫn xăng vào một máy phát điện APU (Auxiliary Power Unit) đặt trong lòng tàu để lấy xăng. Khoảng thời gian này xăng rất đắt và rất khan hiếm do sự cắt giảm viện trợ. Phi cơ phát hỏa và đạn còn lại phát nổ dữ dội. Vì sự an toàn của các nhân viên cứu hỏa nên phi cơ đành phải bị thiêu hủy. Tất cả phi hành đoàn đều may mắn thoát nguy và vô sự, nhưng lại không may cho một số người vô tội không lấy xăng đều đã phải vướng vào lòng lao lý. Cuộc đời quân ngũ và lý tưởng bay bổng cùng trời mây của tất cả phi hành đoàn đều đã phải chấm dứt vào sáng ngày hôm sau.


Chiếc thứ tư là một phi vụ hành quân, trưởng phi cơ là Trung úy Vũ Đình Long, đã bị bắn rơi ở Bình Tuy, Phan Thiết trong lúc yểm trợ cho mặt trận này vào khoảng đầu tháng tư năm 1975. Tất cả phi hành đoàn đã nhảy dù và được cứu vớt, nhưng không may riêng có Trung úy Long thì bị mất tích. Sau đó, thân mẫu của anh Long đã vào phi đoàn để nhận lại chiếc xe Vespa standard màu xanh của anh, với nỗi niềm đau khổ của người mẹ có con hy sinh cho Tổ Quốc. Nhìn thấy cảnh tượng này ai trong chúng tôi cũng đều ngậm ngùi, thương xót.


Chiếc thứ năm do trưởng phi cơ Đại úy Võ Tấn Đạt bay đã không bao giờ trở về. Theo lời của Trung úy Huỳnh Công Khanh, sĩ quan trực phi đoàn (SQT/PĐ) là vào khoảng 2 giờ sáng ngày 29/4/75 anh đã báo cáo lên Không Đoàn và phòng Hành Quân Chiến Cuộc về việc phi vụ này bị mất tích. Một điểm đặc biệt ở đây là Đại úy Đạt không có tên trong tờ phi vụ lệnh. Có thể anh đã bay thế cho một người khác.

Chiếc thứ sáu là một phi vụ hành quân với danh hiệu “Tinh Long 7” do trưởng phi cơ Trung úy Trang Văn Thành (Cambốt) bay. Anh Thành đã thi hành xong phi vụ Tinh Long 1 từ đầu hôm và đây là phi vụ anh tình nguyện. Hoa tiêu phó của phi vụ này là Trung úy Tào Thuận. Có một số bạn bè bay tối hôm 28/4/75 như Trung úy Trương Nguyên Thuận, hoa tiêu phó của phi vụ Tinh Long 2. Tr/u Lê Đăng Hạc, trưởng phi cơ của phi vụ Tinh Long 3. Trung úy Nguyễn Phan Quang Trung, hoa tiêu phó của phi vụ Tinh Long 4 và Trung úy Huỳnh Công Khanh, sĩ quan trực phi đoàn, đã xác nhận người hoa tiêu phó trên chuyến Tinh Long 7 là Trung úy Tào Thuận, hoa tiêu phó của phi vụ túc trực #1, đã bay thế cho Trung úy Hưởng, hoa tiêu phó của phi vụ Tinh Long 7 vắng mặt, chứ không phải là Trung úy Trần Văn Hiền (mái hiên), hoa tiêu phó của phi vụ TL #6 như có một số dư luận không thuộc nhân viên phi đoàn đã viết. Anh Hiền (mái hiên), anh Hạc và anh Khanh là những sinh viên sĩ quan, bạn cùng khóa 3/69 ở trung tâm huấn luyện Quang Trung. Sau đó anh Hiền (mái hiên) và anh Khanh lại là bạn cùng khóa 69B ở trung tâm huấn luyện Không Quân, NhaTrang nên biết nhau rất rõ. Phi hành đoàn này đã bị SA-7 bắn rơi ngay trên không phận phi trường Tân Sơn Nhất vào sáng sớm ngày 29/4/75, một ngày trước khi Tổng Thống Dương văn Minh tuyên bố đầu hàng quân Cộng Sản Bắc Việt. Phi vụ này là môt phi vụ đặc biệt đi vào lịch sử, có hàng chục ngàn người chứng kiến các anh đã anh dũng chiến đấu ngăn chận bước tiến đang hồi mãnh liệt của Cộng quân vào giờ phút cuối của cuộc chiến và các anh đã anh dũng hy sinh trong giây phút hấp hối, tuyệt vọng cuối cùng của miền Nam Việt Nam. Các anh đã chứng minh cho địch quân và thế giới thấy khả năng dồi dào, lòng hăng say quả cảm và tinh thần trách nhiệm bất khuất của người chiến sĩ quân lực Việt Nam Cộng Hòa.


Cũng phải kể đến chiếc thứ bảy do Đại úy Huỳnh Đình Chiến bay, bị rớt trên đường Ngô Quyền ở Chợ Lớn lúc di tản, không rõ vì bị trúng đạn hay vì bị trục trặc kỹ thuật. Tôi đã tình cờ gặp lại Trung úy Nguyễn Vĩnh Phúc nhân đêm Không Gian Hội Ngộ 22 của Hội Không Quân Houston và được anh cho biết là trên chuyến bay định mệnh này đã mang đi rất nhiều bạn hữu của phi đoàn Tinh Long 821, trong đó có Trung úy Nguyễn Văn Dũng (skate), Trung úy Nguyễn Quý (nẫu), Trung úy Tôn Thất Dũng (PĐ-720)...Và anh cũng cho biết Trung úy Tăng Trọng Vinh (“ngố” PĐ-821) đã bị bắn chết khi vượt tù cải tạo lúc ở tù chung với anh. Mặc dầu trong tiềm thức đã đoán biết những mất mát này, nhưng khi chính tai nghe, lòng tôi không sao tránh khỏi trùng xuống trong niềm thương tiếc những người bạn xưa.


Nhân đây, tôi cũng xin được chia sẻ một kỷ vật đau thương mà anh Nguyễn Phan Quang Trung đã gởi đến cho tôi. Đó là bản sao của tờ phi vụ lệnh cuối cùng của phi đoàn 821, đã được một Tinh Long khác cất giữ trong suốt bao năm qua, và đã được anh đồng ý cho tôi đăng lên đây như là một kỷ niệm của phi đoàn, cũng như để tưởng nhớ đến những người đã hy sinh trong một quá khứ oanh liệt.


Khi xưa Phi Đoàn dùng máy đánh chữ của Mỹ nên không có dấu. Tôi xin đánh lại tên những người mà tôi biết chắc 100%, còn những người tôi không nhớ rõ hay mờ quá thì tôi xin để nguyên hoặc là “?”


PHI ĐOÀN 821
- SQT/TM: T/T NHỰT
- SQT/PĐ: TR.U KHANH (CP) - TỪ 16:00 NGÀY 28/04 ĐẾN 16:00 NGÀY 29/04/1975
- HSQT/PĐ: HSI TU 2 (G)
- VT/TRỰC: Th/S KIÊN

STT: PHI-CƠ: XĂNG: ĐOÀN VIÊN PHI HÀNH C.CÁNH PHI TRÌNH

--------------------------------------------------------------------------------


TR.U THÀNH -CP:QUỐC- NAV: PHỤNG Có mặt PV:0300 TL-01 (V-II)
01: 145 :14/M IR: ĐỆ - NOS: HUÂN - FE: PHƯƠNG 17g00 Từ 17g 28/4/75
HRA IO:QUANG -G: LONG 1+CHÂU 2 + THANH 3 C.CÁNH Đến 17g 29/4/75 [/CENTER]--------------------------------------------------------------------------------


TR/U HIỀN - CP: THUẬN 2 -NAV: HUYỀN PV:0302
02: 211 :14/M IR: TRUONG - NOS: VINH - FE: PHÁP -nt- TL-02 (V-II)
HRP IO: NGÔN -G: DIEU + ? + QUẾ -nt-

--------------------------------------------------------------------------------


TR.U HẠC - CP: THIỆN C - NAV: LÊN PV:0304
03: 877 :14/M IR: TƯỜNG - NOS: THANH V -FE: VĂN -nt TL-03 (V-III)
? IO: BA -G: TRIỄN 1 + DIEP + ĐỆ.2 -nt-

--------------------------------------------------------------------------------

TR/U ĐÁNG - CP: TRUNG -NAV: ? PV:0306
04: 982 :14/M IR: VĂN.T - NOS: LẬP - FE: THỊNH -nt- TL-04 (V-IV)
? IO: HUỆ -G: THANH 2 + ? + TRIỄN 2 -nt-

--------------------------------------------------------------------------------


Đ/U CHẨN -CP: BÌNH - NAV: KHOÁI PV:0308
05: 910 :14/M IR: VĂN.L - NOS: HUỆ - FE: CUNG -nt- TL-05 (V-II)
? IO: DIỆP - G:?+?+? -nt-

--------------------------------------------------------------------------------


TR.U BẢO - CP: HIỀN T. - NAV: HÙNG PV:0310
06: 945 :14/M IR: QUÝ -NOS: TÔN - FE: NHỊ -nt- TL-06 (V-II)
? IO: ĐỨC - G: LAM + PHƯỚC1+ BAN -nt-

--------------------------------------------------------------------------------


** Đây là PHĐ TL-7 bị bắn rơi ở TSN sáng ngày 29-4-75. Tuy nhiên người TPC và CP được thay thế bởi Tr/u Thành, TPC phi vụ TL-01 và Tr/u Tào Thuận, CP phi vụ túc trực #1
TR.T: NUÔI - CP: HƯỞNG - NAV: HAI PV:0312
07: KTLT :14/M IR: HIỆP -NOS: ANH - FE:TUẤN -nt- TL-07**(V-III)
IO: EM - G: CHÍN + TAN + HIEN -nt-

--------------------------------------------------------------------------------


Xin bổ túc cho rõ: Đây là PHĐ túc trực #1
Đ/U QUỲNH - CP: THUẬN 1 - NAV: Ø PV:2843
08: KTLT :14/M FE: BÌNH - IO: CHÂU -G: PHÚC 2 09:00 HL/ ?

--------------------------------------------------------------------------------


Đây là PHĐ túc trực #2
T/T SƠN N - CP: MAI - NAV: Ø
09: 830/ ? :14/M FE: B.HOÀN - IO: HỒNG - G: HOÀNG 10:00 Bay Thử Phi Cơ

--------------------------------------------------------------------------------


Tưởng cũng nên nhắc lại là chiều tối ngày 28/4/75 phi trường Tân Sơn Nhất thật bất ổn do vụ Nguyễn Thành Trung dội bomb nên phi trường đã đóng cửa. Do đó có một vài anh em đã không vào được nên số đoàn viên của một vài phi vụ không được chính xác lắm. Tờ Phi Vụ Lệnh tuy đã mờ theo năm tháng nhưng vẫn còn đọc được. Có một vài tên trùng nhau và không có họ (last name) nên tôi xin được viết lại để dễ hiểu hơn:

Phi vụ TL-2: Người TPC là Trung úy Nguyễn Văn Hiền (mập)
Phi vụ TL-6: Người Co-pilot là Trung úy Trần Văn Hiền (mái hiên)
Phi vụ TL-2: Người Co-pilot là Trung úy Trương Nguyên Thuận (nẫu)

Phi vụ túc trực #1 (12/24): Người Co-pilot là Trung úy Tào Thuận
Phi vụ TL-4: Người Co-pilot (rất mờ) là Trung úy Nguyễn Phan Quang Trung


Kể từ khi nhận lãnh trách nhiệm, mỗi ngày lúc ánh hồng của những buổi hoàng hôn vừa tắt nắng và màn đêm buông xuống, cũng là lúc phi đoàn Tinh Long 821 của chúng tôi bắt đầu hoạt động cho tới lúc ánh sáng bình minh lại ló dạng. Từ ải đầu giới tuyến, nơi giòng sông Bến Hải ngăn chia đôi miền Nam Bắc, dọc theo dãy Trường Sơn với núi rừng trùng điệp, cho tới vùng duyên hải biển nước mênh mông, rồi xuôi về phía Nam, đến đồng bằng miền Tây ruộng vườn bao la bát ngát đến tận mũi Cà Mau, đâu đâu, nơi nào cũng có những cánh chim bằng Tinh Long 821 vẫy vùng trong bóng đêm để yểm trợ cho những xã ấp, quận lỵ, tiền đồn...hẻo lánh xa xôi mà bọn Cộng Sản đã lợi dụng sự tiếp viện khó khăn để tấn công, đánh phá. Trong những lúc đang bị tấn công mà quân bạn nghe được hơi thở (tiếng động cơ) của chúng tôi là tinh thần họ rất phấn khởi. Những đóm hỏa châu bừng sáng lên trong màn đêm, những làn đạn được phun ra từ những cây súng sáu nòng, đó là những niềm tin vui khích lệ, nâng cao tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ bộ binh, họ có những cảm nghĩ như được trấn an không bị bỏ rơi.


Với tuổi trẻ lòng đầy nhiệt huyết hăng say, mười cánh chim của mỗi phi vụ Tinh Long đã cùng nhau chung vai, sát cánh chiến đấu yểm trợ cho quân bạn hàng đêm, trong công cuộc đánh bại bọn Cộng Sản xăm lăng để bảo vệ sự Tự Do cho miền Nam Việt Nam. Nhưng tiếc thay, cùng nổi trôi theo vận nước, phi đoàn Tinh Long 821 đã phải rã đàn vào sáng ngày 29-4-1975, khi mà những cánh chim Tinh Long 7 đã vỗ cánh bay mãi vào hư vô. Và rồi sau đó mỗi người một số phận, kẻ thì lưu lạc khắp đó đây, người thì lầm than, khổ cực trên chính quê hương mình. Biết đến bao giờ những cánh chim Tinh Long 821 năm xưa mới có dịp để hợp đoàn trở lại?


Trong khoảng thời gian ngắn ngủi chỉ mới hơn hai năm kể từ ngày thành lập, phi đoàn Tinh Long 821 đã phải hy sinh một số nhân viên phi hành khá lớn lao. Chỉ trong vòng một tháng cuốí cùng, tháng 4/1975 oan nghiệt, phi đoàn đã mất đi 4 chiếc. Với sự hy sinh cao cả của những phi vụ Tinh Long dưới bất cứ một hình thức nào, chúng tôi và các thế hệ mai hậu sẽ mãi mãi thành kính, ngưỡng mộ các anh đã “vị quốc vong thân”.

Thái Ngùng
PĐ 421&Tinh Long 821


Xin chân thành cảm ơn các Tinh Long: Nguyễn Văn Chẩn, Phan Công Đoàn, Huỳnh Công Khanh, Trương Nguyên Thuận, Nguyễn Phan Quang Trung, Bạch Ngọc Hòa, Trịnh Đề Đáng, Nguyễn Văn Liêm, Lê Đăng Hạc, Nguyễn Thanh Đồng, Lê Hữu Phước đã cung cấp tin tức hoặc bổ túc dữ kiện để bài viết này được đầy đủ hơn.

*en.wikipedia.org/wiki/Vietnam_War_casualties
1&2- Xác nhận nhân buổi lễ cầu siêu PHĐ Tinh Long 7 / May 1-2005 tại Houston, Texas.
3- Xác nhận trong buổi phỏng vấn do Trường Đông thực hiện, đăng trên Cánh Thép 04-2005.
4- Xác nhận bằng Email và Phone.
5- Phi đoàn luôn luôn có hai phi vụ túc trực: Túc trực #1 (12/24) và túc trực #2 (24/24). Đoàn viên của hai phi vụ túc trực này có trách nhiệm thay thế cho bất cứ đoàn viên trực hệ Tinh Long nào vắng mặt nếu có.