PDA

View Full Version : Để Trả Lời Một Câu Hỏi Của Con Tôi : Bố Có Còn Thù VC Không Bố?



TAM73F
12-05-2009, 08:48 PM
Để trả lời một câu hỏi của con tôi:
Bố có còn thù Việt Cộng không bố ?

Năm bố 16 tuổi, theo ông nội tản cư về làng Thư Xá, huyện Yên Lạc, Tỉnh Vĩnh Phúc Yên, chuyến "Di tản" này gia đình có 3 người, Ông Nội con, bố và bà cố nội của các con, sau trận đánh ác liệt tại làng Dân Trù, vào cuối tháng 06 năm 1954, làng Dân Trù có cuống nhau của bố chôn ở đấy ... Đơn vị của Ông nội gồm có 3 Đại Đội Địa Phương Quân, Ông Nội làm Trung Đội Trưởng, sau trận đánh này, đơn vị tổn thất gần một nửa quân số, nên phải rút lui về làng Thư Xá để chỉnh đốn lại đơn vị, và tuyển mộ thêm quân số...

Sau chưa đầy một tháng cộng sản thừa thắng sông lên, chúng dùng chiến thuật biển người tấn công làng Thư Xá, vào đêm 17-07-1954, chiến trận diễn ra từ 10 giờ đêm đến 5 giớ sáng, trong đêm súng nổ vang trời, bố núp đạn ở một gốc cây rơm, sáng rõ mặt, tiếng gọi nhau ơi ới, bố nghe tiếng gọi cũng bò ra, đi theo bờ lũy, một cảnh tượng thê lương, loang lổ máu và máu, máu quân ta trong hàng rào lủy tre già, xác và máu cộng thù la liệt ngoài chiến hào.

Trong những xác của quân ta có xác của ông nội, máu ông nội còn tươi, thấm đầy trên chiến hào, về nhà trọ thì xác bà cố nội nằm cong queo vắt qua ngưỡng cửa, đơn vị phải vội vàng mai táng chiến hữu tử trận, trong đó có cả xác của thường dân, gom góp cả làng không đủ quan tài để tẩm liệm, một số xác phải bó chiếu, và an táng tại Nghĩa Trang Công Giáo làng Thư Xá, xác cộng thù thu gom quăng vào các chiến hào và lấp đất sơ sài, rồi đơn vị và dân làng phải di tản vể tỉnh Vĩnh Phúc Yên (nay là Vĩnh Phú). Vì hiệp định đình chiến sẽ ký vào ngày 20 tháng bảy năm 1954, trên đường di tản xác chết ngổn ngang, xe cộ bị mìn tan xác, đoàn đường dài từ Yên Lạc đến thành Cổ Loa khỏang 40 cây số, đoàn người chạy loạn lê thê lếch thếch, vai đeo bị, tay sách tay cầm, lầm lũi bước lê, trẻ nhỏ thì bỏ vào thúng dóng, quang gánh hoặc khiêng, dọc đường những người già yếu, thương tật, chịu không nổi cơn khát thì hồn lìa khỏi xác, những võng, những cáng để lại ven đường, và đoàn người vẫn phải đi, ngày đi đêm nghỉ, 3 ngày tới làng Ba Đình, bên Gia Lâm, toán tàn binh và dân sợ cộng sản nghỉ qua đêm, và hai ngày sau đó Ủy Ban tiếp nhận dân tản cư, (sau này gọi là Phủ Tổng Ủy Di Cư). Tiếp nhận, lập danh sách và phát thực phẩm, áo quần, chăn chiếu cho những người bỏ xứ ra đi, họ bỏ làng bỏ nước tìm đường LÁNH NẠN Cộng sản, người già và trẻ nhỏ Ủy Ban cho đi máy bay vào Nam, người khỏe mạnh thì đi tàu HÁ MỒM cũng xuôi Nam.

Khi vào tới Miền Nam thì bố thuộc dân mồ côi, được xếp vào làng lều Phú Thọ, sáng ăn cháo hoa trưa cơm, chiều cơm, tài sản duy nhất chỉ một cái bị vải, bên trong có 1 quần dài hai quần cộc, hai áo sơ mi, và một ca nhôm, đi đâu cũng phải đeo vai, sểnh ra là mất toi ... Sau này được chính phủ cho đi học lại, 16 tuổi mà học lớp sáu, quê lắm, nhưng phải chịu thôi, bạn học cùng lớp bé hơn mình mà nó hát bài "Bắc kỳ ăn cá rô cây, ỉa ra cọng rau muống xanh rì ... hì...hì" Bố tức đến ói máu mà phải nhịn, vì mình biết mình là ai và từ đâu đến, cắn răng chịu trận ... Thế rồi năm sau các trường tư thục ra đời, các trường này chiêu dụ hai năm học qua hai lớp : Ngũ Tứ, Tam Nhị và Nhị Nhất, nếu qua được hai lớp Ngũ Tứ thì nạp đơn thi Trung Học Đệ Nhất Cấp, nếu qua được Tam Nhị thì thi Tú Tài Phần Một, thế là bố bỏ trường Trung Học Hồ Ngọc Cẩn (bên Gia Định), nhảy ra trường tư học hai lớp Ngũ Tứ, và chỉ một năm sau là đi thi Trung Học Đệ Nhất Cấp, mình học nhảy mà mình thuộc loại học ít và dở, nhưng đi trường đua thì nhiều ... Thi rớt cái bịch, thời đó thi cử khó lắm, qua được phần thi viết đã trầy vi tróc vẩy rồi, còn cái ải vấn đáp nữa, cho nên thí sinh tự do như ba sĩ số đậu cao lắm là 5% cho mỗi kỳ thi, năm đó được thi hai lần nếu ai đậu thi viết mà rớt vấn đáp được thi lại kỳ hai, giá có thi thêm kỳ ba bố cũng trượt vỏ chuối luôn ...

Biết mình học dốt, nhưng năm đó bố cũng đua đòi theo anh theo em ghi danh học nhảy nữa, năm nay hoc Tam Nhị, cho oách với bạn với bè, nhờ chịu khó vào trường đua Phú thọ, trường này cho bố tiền, có tiền thì có Vê Lô, rảo quanh hai trường Nữ Trung Học Trưng Vương và Gia long những giờ tan học để "Ngắm phao câu". Trưa cơm bình dân 3 tỳ một phần, cơm xã hội thời cụ Diệm ngon thật, ba món đàng hoàng, có qủa chuối "Lét Xe" Cơm chiều Anh Vũ (Bùi Viện), tối nghe nhạc cũng quán Anh Vũ, nghe Lệ Thanh hát Chiều Mưa Biên giới và Thanh Thúy Hát Ướt My, cuối tuần thì Kim Chung tiếng Chuông Vàng Bắc Kỳ, đổi món thì Hòa Bình nhà hàng cao cẳng gần chợ Bến Thành và Ga xe lửa. Tuổi học trò của bố các con thấy đã ngứa chưa ??? Không giống các con, các con hơn bố nhiều, đứa nào cũng học đến lớp Đệ Nhất, bây giờ có đứa là Tiến Si USC, oách hơn bố nhiều ...

Sau những tháng ngày rong ruổi khắp phố phường Sài Gòn, Chợ Lớn thì ... Anh ơi phải lính thì đi, bố từ giã "trường đua" theo nghiệp đao binh, bấy giờ là trường Quang Trung, trường tân lập chưa có kiến trúc, lại lều vải, nên chi ông Lam Phương mới có nhạc phẩm bất hủ Xuyên Lá Cành, trăng lên lểu phải, thứ Bảy và Chúa Nhật ra vườn Tao ngộ, nghe ca sỹ Mỹ Thể, Trúc Ly ... và cặp song ca Trăng Rụng Xuống cầu (Ngọc Cẩm & Nguyễn Hữu Thiết) và nhiều ca sĩ học trò của ông Nhạc Sĩ Nguyễn Đức với các ca sỹ tý hon bắt đầu băng chữ Phương .... Bố là con Bà Phước, nên chi chỉ là thằng ăn trực, và bị các nàng hát ghẹo "Thấy anh lính nghèo mà thương, độc nhất có bộ đồ dính da, không áo lót, không quần đùi" Vì các vị Cán Bộ của Trường sợ lính nhớ nhà đào ngũ, nên nghĩ ra cách không cho mặc áo thung, quần đùi ...

Nếu cậu nào nhớ vợ mà đi đại ra ngoài khu Vườn Tao Ngộ, thì Cảnh Bị hốt liền, đố có mà thoát, sau ba tháng quân trường thì ra đơn vị, thời gian quân dịch là hai năm, sau hai năm ai thích làm người hùng thì tiếp tục tái ngũ, ai rét thì giải ngũ. Phần Bố chuyển qua Cán Bộ Diệt Trừ Sốt Rét, Tướng Oai thôi làm Chỉ Huy Trưởng Quân Trường Quang Trung, ra lập ngành Cán Bộ Diệt Trừ Muỗi An Nô Phen, Diệt trử Sốt rét giải tán, Tướng Oai cho tất cả vào Trường Cây Điệp, gần Trường Quang Trung, học khóa CC2/BB, sau ba tháng thì có cánh gà chiên bơ.

Sau bao năm tháng phục vụ trong Quân Đội, suốt hai chế độ Đệ Nhất Cộng Hoa, rồi Đệ Nhị Cộng Hòa, mà thù nhà chưa trả, nợ nước còn mang, bây giờ thì tuổi đời bố đã Thất Thập Cổ Lai Hy, nếu một mai bố có về với Bà Cô và Ông Nội các con, thì các con hãy nhớ là Bố chưa hoàn thành TRÁCH NHIỆM, các con, các cháu sẽ cùng dân Tộc Việt Nam Trả Thù thay cho Bố. Cộng Sản bây giờ là KẺ THÙ của cả một Dân Tộc Việt, chứ không còn là của riêng ai ...

Bố Khuất Đăng