PDA

View Full Version : Đức Quan Âm Thị Kính ngày nay .



loibangTQLC
11-27-2009, 11:35 PM
QUAN ÂM THỊ KÍNH VIỆT NAM !

- Nhà sư trẻ nựng nịu hôn lên má “con” trước bao cặp mắt gièm pha. Có người xỉ vả “sư hổ mang” tằng tịu trai gái mà còn trơ mặt đem con về chùa. Nhiều người đã muốn đuổi sư ra khỏi chùa. Nhưng sư vẫn lặng lẽ chịu khổ nhục cưu mang “con”... Đó là một câu chuyện có thật chứ không phải sự tích “Quan Âm Thị Kính”.

http://www.tuoitre. com.vn/Tianyon/ Index.aspx? ArticleID= 349012&ChannelID=89
Một đêm tháng 1-2008. Trời se sắt lạnh. Chùa Thanh Tâm (xã Tân Tiến, Đồng Phú, Bình Phước) đang trầm mặc lời kinh tụng thì bất ngờ bị ngắt ngang bởi tiếng khóc oe oe của trẻ thơ. Sư thầy Phạm Minh Tâm (pháp danh Thích Chiếu Pháp) cùng mấy chú tiểu vội vã chạy ra và bất ngờ nhìn thấy một bé trai sơ sinh nằm trên cái nia bên hiên nhà thuốc nam của chùa. Vừa được thầy Tâm bế vào lòng, bé liền ngừng khóc. Lúc đó hơn 21g, trời tối đen như mực. Không ai hay biết chuyện xảy ra trước cổng chùa.
Tiếng khóc trước cổng chùa
Bế bé vào phòng mình, thầy lặng nghĩ không biết mình và bé có nhân quả, duyên nợ gì từ kiếp trước. Càng nghĩ thầy càng thương và nhủ lòng sẽ cưu mang bé với hi vọng ngày nào đó cha mẹ quay lại tìm con. Suốt cả đêm thầy không ngủ được. Thầy sợ bé lạnh, bé đói vì thiếu hơi ấm và sữa mẹ nên chốc chốc lại đun nước pha sữa cho bé bú...
Sáng hôm sau thầy Tâm mời các cán bộ xã Tân Tiến đến báo cáo sự việc. Rồi thầy cho người đi mua tã lót, sữa, phấn... cho bé, đồng thời gửi ngay tin lên báo đài Bình Phước xem có ai nhận con không. Nhìn rốn bé, cán bộ y tế xã cho biết bé mới 3-4 ngày tuổi. Sau một tháng không tin tức gì, thầy Tâm làm khai sinh cho bé là Phạm Minh Tiến.
“Sư thầy thương yêu bé như con, chăm lo từng li từng tí” - cô Ngân, một phật tử ở huyện Phước Long, cho biết. Mỗi đêm thầy thức đến 4-5 lần cho bé uống sữa, quấn tã... Và bé Tiến dần lớn lên khỏe mạnh, kháu khỉnh. Ở chùa nhưng bé không ăn chay. Thầy Tâm nhờ người mua thịt cá về làm thêm thức ăn cho bé, vì sợ bé suy dinh dưỡng trong giai đoạn đang lớn nhanh.






Nhưng lúc này lời gièm pha cũng rộ lên. “Tại sao trong chùa lại có đứa bé được thầy Tâm nựng nịu suốt ngày? Chùa mà lại mua thịt cá? Chắc nhà sư mới 37 tuổi này đi hoang ở đâu rồi bày chuyện để nuôi con?...”. Ngôi chùa cô tịch, nằm sâu hút trong vườn điều giờ không còn yên tĩnh với những đồn đại đáng sợ. Họ nói xấu thầy ngoài đường, ngoài chợ, thậm chí cả ở một số chùa khác. Nhiều tín đồ thường xuyên cúng Phật ở chùa Thanh Tâm đã quay lưng với chùa.
Nước mắt hối lỗi
Cha mẹ bé Tiến quen nhau từ lúc còn là học sinh và hiện là sinh viên năm 3. Lúc sinh bé vào năm thứ nhất đại học, họ âm thầm bán điện thoại di động để trả viện phí. Người mẹ bị băng huyết phải cấp cứu nhưng vẫn không dám báo gia đình. Người cha đi xe máy chở bé từ TP về Bình Phước đặt trước cổng chùa, rồi núp nhìn cho đến lúc thấy thầy bế bé vào. Khi nhận lại con, cả hai đã bật khóc hối lỗi trước con và thầy Tâm.

Trong lúc đó có một cô gái xinh đẹp từ Phước Long cứ đi lại chùa để được gần gũi bé. Thế là những nghi ngờ “sư hổ mang” càng nặng nề hơn. Nó lan ra các huyện ở Bình Phước, thậm chí đến tận các địa phương xa xôi. Bao tâm nguyện, nỗ lực xây dựng chùa của thầy Tâm bỗng chốc như khói hương. Nhưng thầy vẫn lặng lẽ không giải thích, không kêu oan và ngày càng yêu thương bé Tiến hơn!
Vượt qua oan khổ
Chuyện bùng nổ vào giữa năm 2009. Bà Ngô Tuyết Sương, phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Tân Tiến, kể: “Lúc này đơn thưa đã lên Mặt trận Tổ quốc huyện, các ban ngành tỉnh. Họ làm rùm beng đến mức phải lập đoàn công tác xác minh”. Cả công an cũng về chùa làm việc. “Tôi nghĩ mình không làm gì sai nên lòng vẫn thanh thản - thầy Tâm nói - Nhưng đến mức này chuyện quá căng thẳng có thể ảnh hưởng đến uy tín chung của giới tu hành. Tôi phải cam kết nếu đi thử ADN mà phát hiện điều gì thì tôi mất hết danh dự, không còn xứng đáng là nhà tu nữa”.
Đoàn công tác họp dân để làm sáng tỏ và có văn bản trả lời người đi thưa rằng họ không có căn cứ. Nhưng chuyện vẫn chưa yên. Có lần trước mặt một nhà sư trên tỉnh về họp dân, vài người vẫn chỉ vào thầy Tâm mà nguyền rủa, phỉ nhổ. Làm đại biểu hội đồng nhân dân huyện, thầy càng đau lòng khi tiếp xúc cử tri mà phía dưới đầy những tiếng xì xào. Thậm chí ngay trong chùa, ba đồng môn cũng đã bỏ ra đi vì nghi ngờ...
Bất chấp nỗi oan khổ, thầy Tâm vẫn hết lòng nuôi nấng bé Tiến.







Nước mắt nhà sư
Đến tháng 9-2009, một người biết chuyện cha mẹ bé Tiến vì hoàn cảnh mà gửi con mình lên chùa nên đã báo ông bà nội bé. Ông bà đến chùa ngay và sững sờ: “Lúc đó tôi bị sốc - bà nội bé cho biết - vì mới nhìn thấy lưng bé tôi biết ngay là cháu mình. Nó giống con trai tôi như đúc”. Gia đình hồi hộp, cảm động. Còn thầy Tâm cũng rất xúc động khi trả bé: “Chỉ nhìn cách họ âu yếm bé, tôi linh cảm cháu đã tìm được đúng cha mẹ, ông bà!”. Đến giờ thầy Tâm vẫn rơm rớm nước mắt kể rằng thầy vừa vui vừa buồn lúc trả bé. Thầy vui khi bé đã được người ruột thịt yêu thương. Nhưng thầy cũng buồn vì thầy và bé đã quấn quýt bên nhau như cha con gần hai năm.
Ngày bé Tiến về gia đình được tổ chức đúng vào lễ Vu lan báo hiếu năm nay. Bà Lan, người dân ở xã, cho biết: “Trời Phật ơi, đời tôi chưa bao giờ được chứng kiến lễ Vu lan cảm động như thế!”. Hơn 1.000 người tới ngôi chùa nhỏ chứng kiến. Ông nội bé Tiến nói lời biết ơn chân thành với nhà sư Minh Tâm, nhất là nỗi oan thầy phải gánh. Chỉ thế thôi mà gây xúc động bao người. Lễ Vu lan cũng là lễ giải oan cho thầy. Nhiều người ngày trước nói xấu thầy giờ đã bật khóc!
Rồi cũng chính thầy hết lòng giúp làm đám cưới cho cha mẹ bé. Đó là điều kiện thầy buộc họ phải thực hiện khi nhận con. Thầy lo về sau họ không ở với nhau thì bé sẽ khổ.
Giờ đây căn phòng đơn sơ ở chùa chỉ còn lại mấy chiếc gối nhỏ và những vỏ hộp sữa nuôi trẻ xếp bên tường. Nhà sư trẻ bùi ngùi: “Nhớ những đêm trong phòng chỉ có thầy trò với nhau, bé cứ bò qua lại trên người tôi nói bi bô. Khi bé biết đi, thấy tôi đi đâu về cũng chạy ra ôm và kêu to sư phụ, sư phụ”. Giờ đây căn phòng chỉ còn lại mình thầy.
Tâm sự đời mình thầy Tâm rất kiệm lời. Thầy chỉ kể quê nghèo của mình ở Vĩnh Long và từng là sinh viên ĐH Ngân hàng nhưng đến năm tư thì thôi học để xuất gia. Thầy trụ trì chùa Thanh Tâm được mười năm....
Buổi chiều, nắng vàng hoang hoải sân chùa. Thầy xin đón bé Tiến từ nhà ông bà nội về chơi cho đỡ nhớ. Thầy nựng nịu, cõng bé chạy loanh quanh dưới hàng tượng Phật. Bé bi bô, nghịch ngợm đầu thầy. Tiếng cười hồn nhiên vang vọng sân chùa. Nhìn hai chiếc bóng quấn quýt bên nhau mà càng hiểu lòng thầy: “Mỗi người chúng ta đều có thể mang nhân quả, liên kết với nhau từ bao kiếp trước. Hãy lấy tình yêu thương mà bước qua sự khổ đau, oán hận...”.
VŨ THANH BÌNH - QUỐC VIỆT


Chuyện xưa chuyện nay
Sự tích Quan Âm Thị Kính là một câu chuyện quen thuộc với người VN: Ngày xưa, có một người con gái tên là Thị Kính, có chồng là Thiện Sĩ. Trong một lần chồng ngủ, Thị Kính sẵn dao nhíp đang ngồi may vá bèn đưa lên cắt sợi râu mọc ngược trên mặt chồng. Chẳng may chồng thức giấc và cho rằng Thị Kính tính giết mình. Không giải được nỗi oan này, Thị Kính bèn quy y. Trớ trêu là sư cụ chùa Vân Tự không biết nàng là gái bèn nhận cho làm tiểu, đặt tên là Kính Tâm.
Trong làng có Thị Mầu, con gái một phú ông, tính tình trăng hoa. Mầu tư thông với một người đầy tớ trong nhà, mang thai và bèn đổ riệt cho tiểu Kính Tâm. Thị Mầu sinh con trai và đem giao cho Kính Tâm. Động lòng từ bi, nàng lo nuôi nấng đứa bé hết lòng. Kính Tâm cũng chịu vô vàn tiếng cười chê của người đời nhưng đã vượt qua và đến khi chết nỗi oan mới được giải. Khi làm đàn giải oan cho Thị Kính, Phật đã hiện ra và cho Thị Kính làm Phật Quan Âm.
Ngày nay, chuyện của sư thầy Thích Chiếu Pháp cũng không khác xưa là mấy...


............ .......
Chia sẻ của bạn đọc:
* Mấy đời oan trái mới hay tấm lòng ! Thật là một câu chuyện cảm động, tôi đã khóc, khóc vì thương, khóc vì kính phục. Phải chăng xã hội cần phải có những tấm lòng như vậy. Cám ơn Tuổi Trẻ đã cho tôi đọc một bài viết hay như vậy!
amy
Thật là một câu chuyện cảm động, giống như chuyện cổ tích của thế kỉ 21.Tôi thật khâm phục tấm lòng yêu thương con người của sư thầy Phạm Minh Tâm. Thầy đã vượt qua bao thị phi của người đời và chịu đựng bao oan ức để nuôi dưỡng em Tiến lớn khôn.
Tôi thực sự thấm thía một câu nói đại ý rằng "tình yêu mạnh hơn cái chết" và như nhà thơ Tố Hữu viết: "Còn gì đẹp trên đời hơn thế - Người với người sống để yêu nhau". Bởi lẽ, vượt lên trên tất cả, tình yêu thương con người vẫn là chuẩn mực vĩnh hằng của cái đẹp, của đạo đức và phẩm chất con người.
Lê Mạnh Tùng (lemanhtung@ )
* Tôi mong rằng trên thế gian này có nhiều nhà tu hành như sư thầy Thích Chiếu Pháp để mang đến cho nhân loại niềm yêu thương đầy tính nhân văn ấy. Đây quả là một bài học về lòng vị tha của nhà Phật để ngẫm nghĩ và sám hối. Trong những lúc khó khăn nhất mới biết được đâu là vàng và đâu chỉ là đá.
Tôi xin kính chúc sư thầy Thích Chiếu Pháp nhiều sức khỏe để phục vụ cho chúng sinh và mang tình yêu thương của nhà Phật đến với tất cả mọi người.
Trần Văn Khanh (khanhtuyet@ )
* Bài viết về thầy Thích Chiếu Pháp của báo, tôi đã đọc đi, đọc lại nhiều lần. Xin bày tỏ lòng kính phục đối với thầy, thầy đã thể hiện lòng bác ái, từ bi của người tu hành một cách hết sức minh chứng và thuyết phục. Đây chính là bài học cho sự bao dung đậm tình người. Một lần nữa xin bày tỏ kính phục thầy Thích Chiếu Pháp.
(thanhvinhvanthanh@ )
* Câu chuyện về thầy Chiếu Pháp rất cảm động. Đọc xong câu chuyện lòng tôi cảm thấy nghẹn ngào xúc động. Tôi cảm phục thầy biết nhường nào. Hy vọng khi lớn lên bé Tiến sẽ được hạnh phúc trọn vẹn. Tôi rất cám ơn báo Tuổi Trẻ đã đăng câu chuyện này.
Huỳnh Thi Tâm (huynhtam22@ )
* Thầy Pháp Chiếu kính mến, gần 10 năm rồi con chưa gặp lại Thầy vì con vẫn còn đi học rất xa. Con rất cảm động khi đọc được câu chuyện viết về Thầy trên báo Tuổi Trẻ Online, thật chẳng khác gì giai thoại thiền "Thế à?" của Ngài Bạch Ẩn (*) cách đây 300 năm, có điều chuyện của Thầy gần gũi hơn, thật hơn, cảm động hơn.
Con rất thấu hiểu và kính ngưỡng những cảm xúc vui buồn rất thật, thấm đượm tình người của Thầy, nhưng trong thâm tâm con vẫn mong muốn Thầy phải vượt lên trên những cảm xúc thường tình đó để xứng đáng là vị Thầy xuất thế tục gia của tất cả trời và người.
Em bé đến rồi đi, thị phi khen chê cũng đến rồi đi, những hộp sữa, cái gối, và sự nhớ nhung về em bé còn lại Thầy cũng hãy để chúng đến rồi đi như chính con người mình và vạn vật trong thế giới này. Mong rằng cái "không đến không đi" mà khi xưa Thầy có tâm sự với con là đã tự mình nhận ra từ thuở nào vẫn mãi chiếu sáng như tên thật và pháp danh của Thầy.
(*) Bạch Ẩn Huệ Hạc (Hakuin Ekaku, 1686-1769), nổi tiếng với công án "Thế nào là tiếng vỗ của một bàn tay?", là một thiền sư ngộ đạo có công chấn hưng dòng thiền Lâm Tế Nhật Bản. Ông được mọi người tán tụng là một bậc tài đức vẹn toàn. Cạnh thiền thất của Sư có một cô gái xinh đẹp mà bố mẹ là chủ một cửa hàng thực phẩm.
Bỗng dưng một hôm bố mẹ cô khám phá ra rằng cô đang mang bầu. Cô không chịu khai ai là tác giả của cái bào thai, nhưng sau bao lần cật vấn cô bảo là cha đứa bé chính là Bạch Ẩn. Cha mẹ cô điên tiết lên đến đối chất với Bạch Ẩn. Ngài chỉ nói: "Thế à?". Ngay khi đứa bé vừa chào đời, nó được giao cho Bạch Ẩn, lúc bấy giờ danh dự của ngài đã bị tổn thương nghiêm trọng, nhưng ngài vẫn thản nhiên.
Ngài tận tình chăm sóc đứa bé và thường đi sang hàng xóm để xin sữa và các thức cần thiết khác để nuôi trẻ sơ sinh. Một năm sau, cô gái xinh đẹp kia không chịu đựng được lương tâm cắn rứt, bèn thú nhận với bố mẹ rằng người cha thật sự của đứa bé là anh hàng cá trẻ tuổi. Bố mẹ cô gái vội vã đến tạ lỗi với thiền sư, mong ngài thứ tội và xin nhận lại đứa bé. Bạch Ẩn trao đứa bé lại và nói: "Thế à?"


T.Trí Minh (triminhvn@)

* Những tưởng những chuyện như thế chỉ có trong truyện cổ tích. Cám ơn thầy Thích Chiếu Pháp với những vui buồn mà thầy trải qua đến ngày được rửa oan. Đó sẽ là tấm gương sáng về sự nhẫn nại, yêu thương. Câu chuyện của thầy sẽ mãi là câu chuyện cổ tích sống thời hiện đại.