PDA

View Full Version : Chuơng Trình Phát Thanh Sài Gòn 1971



chimtroi
09-30-2009, 01:08 PM
Kính mời quý bạn nghe lại một đoạn giới thiệu chuơng trình của đái phát thanh Sai Gòn năm 1971



http://hoiquanphidung.com/user-upload/img/HQPD_1254315831.wma

1. Giọng nữ: Cô Nghi Xuân... “Bây giờ là không giờ.”
2. Tiếng đàn thập lục của cụ Bửu Lộc
3. Quốc Ca: ca khúc “Tiếng Gọi Thanh Niên” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước
4. Giọng nam: Hồng Phúc (or Trần Nam?) ... “Đây là tiếng nói Nước Việt Nam phát thanh từ Thủ Đô Saigon, truyền thanh trên làn sóng trung bình 345 thước tức là 870 ký lô chu kỳ, từ không giờ (00:00) đến sáu giờ (06:00). Và trên các làn sóng 345 thước, 49 thước, 41 thước, 31 thước và 25 thước. Tức là 870, 6165, 7175, 9620 và 11950 ký lô chu kỳ từ 6 giờ đến 24 giờ trên hệ thống A, Đài Saigon. Kính chào quý thính giả.”
5. Quân nhạc: ca khúc “Việt Nam Hùng Tiến” của nhạc sĩ Thẩm Oánh
6. Giọng nữ cô Nghi Xuân giới thiệu chương trình khuya và sáng từ 00:00 đến 06:00 sáng.



NHỮNG KỶ NIỆM VỚI NGÀNH PHÁT THANH

Phạm Hậu

Vào tuổi ngoài 70, đôi lúc ngồi tính sổ đời, thấy có nhiều chuyện ly kỳ khó giải thích nổi. Thật vậy, từ ngày nhập ngũ (10/1953) tới lúc tan hàng (04/1975), những đơn vị Quân Ðội, những cơ quan Dân Sự mà tôi trực thuộc, ít ra 2, 3 lần toàn dính tới: Nha Chiến Tranh Tâm Lý, Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị, hay Bộ Thông tin.
Không kể thời gian ở Nhẩy Dù, Sư Ðoàn Khinh Chiến 14, Thủy Quân Lục Chiến (*), Lữ Ðoàn Phòng Vệ Phủ Tổng Thống, Quận Minh Long, tôi đã lần lượt đảm trách những chức vụ dưới đây:

1958: Trưởng Ban Ban Tin Tức-Bình Luận Phần Phát Thanh Quân Ðội/SaiGon
1961: Quản Ðốc Ðài Phát Thanh Quân Ðội Ðông Hà-Quảng Trị và Phần Phát Thanh Quân Ðội Huế
1966: Quản Ðốc Ðài Phát Thanh Nha trang
1967: Giám Ðốc Nha Nghiên Cứu Kế Hoạch Bộ Thông Tin
1968: Quản Ðốc Ðài Phát Thanh Quân Ðội/SaiGon
1971: Giám Ðốc Nha Vô Tuyến Truyền Thanh (Hệ Thống Truyền Thanh VN)
1974: Tổng Giám Ðốc Việt Nam Thông Tấn Xã

Với thời gian trở đi trở lại làm trong ngành phát thanh, quân đội cũng như dân sự, tôi có khá nhiều kỷ niệm.


Phần Phát Thanh Quân Ðội/Saigon:

Từ Trung Ðoàn 42 (Quy nhơn) về Nha CTTL, tôi bắt đầu cũng làm phóng viên, biên tập viên, viết phóng sự, làm thơ trào phúng lai rai cho báo Chiến Sĩ Cộng Hoà và khi anh Vũ Ðức Vinh, một Niên Trưởng Khoá 1 Võ Bị Nam Ðịnh, qua Không Quân cùng Thiếu Tá Nguyễn Xuân Vinh, tôi được chỉ định thay thế anh, lo phần tin tức và bình luận của Phát Thanh Quân Ðội. Thời gian đó, Trưởng Phòng Phát Thanh là Ðại uý Lê Văn Duyên. Nhân viên trong Phòng có các sỹ quan: Hoàng Chương, Ðỗ Tốn (tác giả Hoa Vông Vang), các nhạc sĩ Ðan Thọ, Nguyễn Hiền, Xuân lôi, Xuân Tiên…. và đặc biệt, trực tiếp làm dưới quyền tôi có 2 người viết bình luận rất giỏi. Ðó là anh Nguyễn Th.T.
(cựu đảng viên VNQDÐ) và Nguyễn Tâm Thăng. Chương trình của Phát Thanh Quân Ðội có nhiều mục Tố Cộng ác liệt, tạm kể hai chuơng trình … “ác liệt” nhất, đó là:

TỘI ÁC CỘNG SẢN và ÐIỂM MẶT CHỈ TÊN

Một Biên Tập Viên của Phần Phát Thanh Quân Ðội
lên trình diện Tổng Thống Ngô Ðình Diệm

Hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại. Mình chửi địch thì địch cũng chửi mình không thua chút nào. Cho tới một ngày, có chỉ thị cho … biên tập viên nào viết bài ấy, phát thanh ngày ấy tới trình diện Phủ Tổng Thống.
Chúng tôi lo sợ cuống cuồng hỏi lại:
- Trình diện ai ở Phủ Tổng Thống? Tại sao?
- Ðến Phủ Tổng Thống sẽ biết trình diện ai và hiểu tại sao! Trước khi đi, cho biết tên người Biên tập viên … để Phòng An Ninh ngoài cổng dẫn vào.
Cuối cùng, sau khi anh Nguyễn Th T. lên Phủ Tổng Thống trở về Ðài, thì chúng tôi cũng vỡ lẽ dần dần v/v trình diện Tổng Thống Ngô Ðình Diệm. Ông chỉ muốn coi mặt cho biết ông Biên Tập Viên nào mà làm rùm chuyện Tố Cộng để Ðài Hanoi chửi lại anh em họ hàng nhà ông.
Nói về phần xướng ngôn, lúc đó, có nhiều người chủ quan cho rằng xướng ngôn viên Ðài Phát Thanh Quốc Gia ở đường Phan Ðình Phùng không tài nào bì kịp với xướng ngôn viên của Phát Thanh Quân Ðội chúng tôi. Nam xướng ngôn viên, chúng tôi có Trung Úy Văn Thiệt. Nữ xuớng ngôn viên, chúng tôi có 2 cô Lệ Hiền và Mỹ Linh.
Thật ra, cả 2 đài Quốc Gia hay Quân Ðội đều có nhiều xuớng ngôn viên đọc rất tốt, giọng thật chuyên nghiệp và rõ ràng. Ở đây, anh Ðan Thọ phổ nhạc bài thơ đầu tay của tôi trong một đêm trực. Sáng sớm, nhạc sĩ Ðan Thọ gọi tôi dậy uống cà phê rồi nói cho tôi nghe. Hoá ra cả đêm ông ấy phổ nhạc bài thơ này quên ngủ. Ðó là bài “Mimosa thôi nở”.
Làm việc ở đây rất dư thì giờ. Tôi vừa học thi đậu Tú Tài vừa viết báo Ngôn Luận (mục thơ trào phúng mỗi ngày) kiếm thêm tiền.


Ðài Phát Thanh Quân Ðội Ðông Hà và Ðài Nha Trang

Theo đơn xin, tôi được chấp thuận đổi ra Ðài Ðông Hà, tôi rủ Trung Úy Ðặng Trí Hoàn (nhà thơ Hà Huyền Chi) đi theo làm phụ tá Quản Ðốc Ðài. Thời gian này chúng tôi tuyển cô Hoàng Xuân Lan, một nữ sinh ở Ðà Nẵng làm xướng ngôn viên. Cô Xuân Lan này sau đó về Saigon phụ trách chương trình Dạ Lan rất nổi tiếng trên Ðài Phát Thanh Quân Ðội.
Và tôi nhớ thời gian ở Ðông Hà có… chút kỷ niệm với Ðại Tá Nguyễn Văn Thiệu. Số là, Phòng An Ninh Quân Ðội của Sư Ðoàn 1 báo cáo sao đó, Ðại Tá Thiệu gọi tôi tới hỏi:
- Có phải đài anh phát chương trình mỗi ngày 50% chửi Cộng Sản Miền Bắc và 30% chửi chính phủ & Quân Ðội VNCH, 20% chạy các chương trình nhạc? Và lệnh ai?
Tôi xác nhận và trình bầy đây là Ðài theo chuơng trình XÁM và lệnh của Nha Chiến Tranh Tâm Lý chỉ thị chúng tôi làm chương trình như vậy.
Năm 1955, khi còn mang cấp trung tá, ông Nguyễn Văn Thiệu là vị Chỉ Huy Truởng Trường Võ Bị Liên Quân Ðalat lúc chúng tôi vừa nhập trường. Ông là một trong số sỹ quan cấp tá ưu tú nhất của quân đội VNCH lúc đó. Khóa 12 chúng tôi là Khóa đầu tiên khi ông Thiệu về coi trường nên ông như có cảm tình riêng, thương chúng tôi hơn các đệ tử khác của ông. Vì thế khi nghe tôi trả lời xong, ông nói:
- Anh là cấp nhỏ, chỉ thi hành việc này. Lỗi không phải ở anh. Nhưng cơ quan các anh làm việc trong khu 11 Chiến Thuật của tôi mà lại không cho chúng tôi hay biết để phối hợp khi cần thiết. Như vậy tôi không chịu trách nhiệm khi có vấn đề an ninh xẩy ra. Riêng đài của anh, tôi chỉ thị trung doàn 3 vẫn cấp xe Jeep và cấp số xăng hàng tháng cho các anh. Anh về được rồi.
Ðường đời muôn vạn nẻo, thế mà qua công việc, tôi còn gặp lại Ông Thiệu nhiều lần nữa. Ở Ðông Hà chưa được bao lâu, tôi nhận chỉ thị đến Quảng Ngãi để làm Quận Truởng Quận Minh Long, một quận Miền Thượng.
Sau đảo chính 1/11/1963, tôi xin từ nhiệm trở về Quân Ðội. Lêu bêu ở Nha Chiến Tranh Tâm Lý một thời gian, tôi sang gặp Niên trưởng Vũ Ðúc Vinh, lúc đó vừa từ Không Quân về làm Tổng Giám Ðốc Cục Vô Tuyến Truyền Thanh, xem có chỗ nào xa Saigon thì cho tôi một chỗ. Ông vui vẻ nhận lời. Và sau đó ông đưa tôi ra Nha Trang coi Ðài Phát Thanh địa phương. Ở Ðài Nha Trang không lâu, tôi có lệnh của Cục bàn giao cho anh Nguyễn Bảo Sỹ, rồi về làm việc ở Ðài Saigon. Ông Vinh cấp cho tôi một giấy khen, đề nghi thăng cấp cho tôi lên Thiếu Tá và ít tuần sau, khi anh Nguyễn Ngọc Linh liên lạc sao đó, ông cũng cho phép tôi rời Vô Tuyến Truyền Thanh về làm Giám Ðốc Nha Nghiên Cứu Kế Hoạch của Tổng Nha Thông Tin Báo Chí. Về phía quân sự, tôi xếp ông Vinh vào “Top Five” và tới nay tôi vẫn còn rất kính trọng ông qua phong cách chỉ huy và đạo đức tác phong trong thời gian tôi làm việc dưới quyền ông.
Chưa được bao lâu, Nội Các đổ, cả làng tan hàng, tôi lại từ biệt cơ quan dân chính, trở về Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị, trông coi Ðài Phát Thanh Quân Ðội/Saigon với sự giúp đỡ của Trung Tá Nguyễn hữu Duệ, Trưởng Khối Tổ Chức/Nhân Viên của Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị vì vừa vặn Tổng Cục đang cần một Quản Ðốc mới cho đài này.


Đài Phát Thanh Quân Ðội/SaiGon.

Giữa năm 1968, lúc này là vào giai đoạn 2 của chiến dịch Mậu Thân, Cộng Sản thường pháo kích hỏa tiễn vào Saigon mỗi đêm. Tôi liên lạc với Biệt Khu Thủ Ðô để có tin và loan cho thật nhanh. Bản tin cũng viết cẩn thận không cho địch biết chúng đã pháo trật hay trúng mục tiêu… quân sự mà đa số chỉ rơi vào khu vực dân ở !
Chương trình Dạ Lan lúc này đã phải ngưng một thời gian vì cô Dạ Lan xin nghỉ việc... Thư lính gửi về Ðài tràn ngập mỗi ngày, than phiền vì chương trình Dạ Lan hay quá mà tại sao chương trình này chạy không đều, có lý do gì không ?
“Ðài Phát Thanh Quân Ðội Saigon là cái nôi của tôi từ khi tôi còn là Trung Úy nên tôi biết khả năng gần như hầu hết mọi người. Tôi trình với anh Lê đình Thạch, Trưởng Khối, để coi kỹ lại chương trình này.
Như vậy, Dạ Lan, tên chương trình Binh Vận của Ðài Phát Thanh Quân Ðội, mới đầu do xướng ngôn viên Hoàng Xuân Lan (Dạ Lan 1) thuộc Đài Đông Hà đổi về, phụ trách từ 1964 tới 1966.
Từ 1967-1975, xướng ngôn viên Hồng Phương Lan (Dạ Lan 2), cũng là Mỹ Linh, đã trông coi chương trình Nhạc Yêu Cầu của Đài từ 1957, thay Dạ Lan 1 khi Dạ Lan 1 đổi lên làm việc tại Đài Phát Thanh Đa Lạt.
Cả 2 xướng ngôn viên này, người gốc Đà Nẵng, người gốc Huế nói giọng rất hay; nhưng về phần bình luận thì Lệ Hiền (nữ) và thiếu tá Văn Thiệt (nam) là 2 xướng ngôn viên không có đối thủ ở VN suốt từ 1955-1975.” (**)

Các biên tập viên và phóng viên của Ðài Quân Ðội gồm có nhiều người giỏi. Một số họ là chuyên viên của Ðài Saigon bị động viên, học Trường Bộ Binh Thủ Ðức 9 tuần là về Ðài Quân Đội trong khi chờ có dịp là trở lại Ðài Saigon. Tôi còn nhớ các anh Dương Ngọc Hoán (Trưởng Ban) Lê Thái, Huỳnh văn Trung, Dương Phục, Nguyễn Mạnh Tiến trong ban Tin tức và anh Phan Thế Hùng trông coi phần bình luận biên tập, người nào cũng rất đàng hoàng về giờ giấc và trong công việc chuyên môn thì tuyệt vời. Có thể nói, Phan Thế Hùng là người viết bình luận không thua gì anh Nguyễn Tâm Thăng ở Phần Phát Thanh Quân đội 10 năm trước đây.

Và một người nữa, đó là Trung úy Quách Vĩnh Trường, khoá 20 Võ Bị Ðà Lạt. Ông này bị tàn phế 170% vì vết thương ở ngoài mặt trận. Tôi thấy Trường còn viết, đọc được tại sao không dùng ông sỹ quan này? Tôi nhận và Trường phục vụ ở Ðài Phát Thanh Quân Ðội, làm việc đâu ra đó, học cử nhân luật, đậu thủ khoa, và khi đài đề nghị anh cũng lên cấp Ðại Úy như các sỹ quan bình thường khác.


Lại trình diện Phủ Tổng Thống!

Một chuyện khá đặc biệt mà tới nay tôi còn nhớ mãi. Ðó là … lệnh thượng cấp ngày ấy, giờ ấy, Ðài Phát Thanh Quân Ðội chúng tôi : gồm Quản Ðốc và 4 nguời nữa do tôi chọn để vào Dinh Ðộc Lập. Toàn là lệnh trực tiếp chứ không phải qua cấp chỉ huy của chúng tôi. Trình lên thì cấp chỉ huy nói:
- Phủ Tổng Thống đã có lệnh gọi thì các anh cứ đi!
Bên Phòng Báo Chí cũng có toán 5 người được mời gồm anh Nguyễn Ðạt Thịnh và mấy người trong Ban Biên Tập Chiến Sĩ Cộng Hoà, Tiền Phong & Diều Hâu mà anh ấy chọn lấy. Kỳ lạ là sao không có đại diện bên nhật báo Tiền Tuyến và Ðại tá Cục Truởng Cục Tâm Lý Chiến hay Trung Tướng Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị dẫn chúng tôi vào Dinh Ðộc Lập. Ðúng giờ hẹn tới nơi chúng tôi được ông Hoàng Ðức Nhã, Bí Thư kiêm Tham Vụ Báo Chí Tổng Thống cho biết:
- Bữa nay, ngày đẹp trời, Tổng Thống cho mời các anh em tới nói chuyện và ở lại ăn cơm chiều với Tổng Thống .
Ðặc biệt quá! Ngạc nhiên vô cùng. Hạ sĩ quan, sỹ quan nhìn nhau rồi họ nhìn tôi. Trời
ơi ! Ăn cơm với Tổng Thống ở Dinh Ðộc Lập ??
Chúng tôi chưa hết sửng sốt, ông Nhã lại mỉm cười rồi nói thêm:
-Tổng Thống nghe Trung tướng Trung trình lên. Và Tổng Thống cũng nghe radio đọc báo thuờng xuyên, biết các anh em làm việc vất vả, lâu lâu cũng muốn anh em thoải mái một chút.
Chúng tôi lai rai nói đủ thứ chuyện với ông Bí Thư trẻ tuổi đẹp trai này về phần thời sự quốc tế quốc nội thật thoải mái chừng nửa giờ thì Tổng Thống Thiệu từ Dinh Ðộc Lập đi ra. Ông bắt tay mỗi người, ngồi xuống nói chuyện với ông Nhã và toán 10 người chúng tôi thật là vui. Vì ông Thiệu đã ở trong quân đội lâu năm trưóc khi làm Tổng Thống, ông dùng ngôn ngữ lính chúng tôi nói chuyện về đời quân nhân nhiều hơn là chính trị. Và nhớ nhất là bữa cơm chiều từ nhà hàng đem tới khá ngon; hơn nữa, chúng tôi hãnh diện vì được ăn ở hoa viên của Dinh Ðộc Lập với Tổng Thống.
Với cá nhân tôi, nào đâu có ngờ, bữa ăn này rất quan trọng, và mãi hơn 30 năm sau mới biết được. Tôi sẽ kể lại chuyện này nơi cuối bài.


Nha Vô Tuyến Truyền Thanh (Hệ Thống Truyền Thanh Việt Nam)

Giữa năm 1970, vì lý do riêng, tôi nộp đơn xin theo học Khoá Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp trên Ðalạt, bàn giao đài lại cho anh Văn Quang.
Cũng đã vài lần gián đoạn trong đời quân ngũ rồi :
- Lần đầu được chỉ định đi làm Quận Trưởng ở Minh Long Quảng Ngãi khi đang coi đài Phát thanh Quân Ðội Ðông Hà và Phần Phát Thanh Quân Ðội Huế ;
- Lần thứ hai, khi tôi sang xin anh Vũ đức Vinh cho đi coi đài địa phương ;
và lần này xin đi học. Tôi đã được anh Cát, Niên trưởng Võ Bị DaLat khoá 8, lâu đời ở Tổng Cục Quân Huấn cảnh cáo trước:
- Khóa này dành cho cho cấp Trung Tá và Ðại tá. Cấp thiếu tá, phải có bằng tham mưu trung cấp, mày cấp Thiếu tá, may có bằng Tham Mưu Hàm Thụ, tạm đủ điều kiện theo học. Nhưng lên trường Chỉ Huy Tham Mưu Ðà Lạt mọi người còn phải qua kỳ thi sát hạch. Ông Tướng Nguyễn Bảo Trị, Chỉ huy trưởng Trường này khó lắm. Nhiều khoá sinh sau khi thi sát hạch để được Trường chính thức nhận vào học đã bị trả lại đơn vị. Ngay cấp trung tá, nhiều anh học xong, thi mãn khoá, nếu điểm thấp cũng bị trượt. Không dễ gì đâu!
Cũng may tôi không bị trả về và thi ra trường cũng không bị vỏ chuối. Nhưng vào gần cuối Khoá học có một tin khá vui không biết ở đâu tung ra khiến anh em phóng viên bên đài Saigon phổ biến:
- Giám Ðốc Ðài Phát Thanh Saigòn sắp bị thay thế. Người về thay sẽ là Thiếu Tá Phạm Hậu, trước ở Ðài Quân Ðội.
Lúc đó Trung Tá Lê Văn Duyên, xếp cũ của tôi năm 1958 làm Giám Ðốc Nha Vô Tuyến Truyền Thanh, và sau đó, Ông Nguyễn Rô, Cao Học Hành Chánh, được Bộ cử về thay ông Duyên. Học xong khoá Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp, tôi được trở lại Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị và làm ở đây chừng 4, 5 tháng thì có lệnh qua Bộ Thông Tin về coi Nha Vô Tuyến Truyền Thanh. Trung Tướng Trần Văn Trung, Tổng Cục Trưởng, cho gọi tôi lên chuyện trò vài câu rồi căn dặn:
- Bên Bộ Thông Tin xin với tôi cho anh qua Ðài Phát Thanh Saigon. Anh về đó làm việc cho đàng hoàng vì mình là gốc Chiến Tranh Chính Trị, và luôn nhớ làm được gì cho Tổng Cục cho Quân Ðội thì cố giúp.
Ðây là lần thứ hai Tướng Trung đặc ân cho tôi. Lần đầu, đầu năm 1964, khi từ quận Minh Long về lại Tổng Tham Mưu chờ lệnh đi đơn vị, anh Vũ Quang Ninh, bảo tôi:
- Ðại Tá Trung, xếp cũ của bọn mình Nha Chiến Tranh Tâm Lý trước, bây giờ coi Quản Trị Nhân viên của bộ Tổng Tham Mưa, cậu lên đó cứ nói là người của Chiến Tranh Tâm Lý cũ, ông ấy cho cậu về lại Nha ngay đó. Ông ấy đã giúp nhiều người lắm rồi. Ông ấy tốt lắm.
Tiện đây cũng xin có đôi lời về anh Vũ Quang Ninh, anh Vũ Văn An, và anh Nguyễn văn Minh. Cả ba ông niên truởng ở Quân Ðoàn I này đều là những cấp chỉ huy đàng hoàng và họ rất tốt với tôi. Chính họ là những người góp phần trong việc tôi được cử đi làm Quận Trưởng Minh Long. Việc này bất ngờ nhất, mãi hơn 40 năm sau tôi mới được anh An và anh Minh tiết lộ khi tôi nêu thắc mắc. Mà vì tôi hỏi họ, họ mới nói, chứ không hỏi chắc họ cũng “quên” luôn theo thời gian. Nhờ anh Vũ Quang Ninh, chỉ giúp tôi mới biết đường lần tới tướng Trung. Xin cám ơn anh Vũ Quang Ninh, lúc nào chúng tôi cũng luôn nhớ tới anh.
Về đài Phát Thanh Saigon, sắp xếp lại các đài phát thanh địa phương xong, thấy phần Quản Trị và Kỹ Thuật thì đã vào khuôn nếp từ lâu với cấp chỉ huy đủ khả năng, tôi yên tâm dồn nỗ lực vào phần Thời Sự và Chương Trình. Rất tiếc anh Nguyễn Tâm Thăng chủ sự Phòng Bình Luận, người viết những bài bình luận tuyệt vời năm xưa của Phần Phát Thanh Quân Đội, không muốn làm Chủ Sự nữa. Tôi mời 2 anh Nguyễn Th.T. (đã về hưu) và anh Phan Thế Hùng viết bình luận. Sau này các anh Lê Thái, Vũ Ánh, Nguyễn Thiên Ân – những phóng viên, biên tập viên của Ðài - viết bình luận cũng rất hay và rất nhanh, nhất là Vũ Ánh và Nguyễn Thiên Ân; vì thế dần dần tôi không phải thuê riêng các anh Nguyễn Th.T và Phan Thế Hùng nữa.
Nhưng vẫn phải nhờ chị Lệ Hiền bên Ðài Quân Đội giúp cho phần đọc bình luận trong giờ bản tin chính.

Viết thêm về trường hợp Dạ Lan

Mới về coi Nha Vô Tuyến Truyền Thanh 2 tuần thì một buổi sáng cô Hoàng Xuân Lan, tức Dạ Lan 1… từ Đalat về, gặp tôi, xin vào làm tại Đài Phát Thanh Saigon. Lúc đó không trống chỗ xướng ngôn viên, nhưng tôi biết khả năng của cô Hoàng Xuân Lan, người em gái hậu phương năm nào xa xưa … gửi thư tới chị Linh Lan trên Văn Nghệ Tiền Phong, “nhờ chuyển thơ cho … thi sĩ nhất tuấn”
Ngày ở Đài Đông Hà, cô còn nhỏ tuổi, tôi để Sỹ Quan Phụ Tá Đài chỉ bảo cho cô, coi như người em. Sau này về Saigon, cô đang nổi danh tột cùng trong chương trình Dạ Lan thì bị báo chí ( ký giả Tô Văn chủ chốt, rồi nhiều báo khác ùa vào… hội chợ ) chỉ trích hàng loạt. Tôi khi đó không làm việc tại Đài Phát Thanh Quân Đội, nhưng thấy Đài không một ai lên tiếng.
Huy P., Mai Trung T., Nhật Trường, Dương Ngọc H. …đâu cả rồi ? Cả Nha Chiến Tranh Tâm Lý, cũng yên lặng. Khó hiểu !

Tôi đơn phương nhẩy vào trận chiến và đã viết một bài khá dài kể lại hết kỷ niệm của Hoàng Xuân Lan với đài Phát Thanh Đông Hà, khi có Hà Huyền Chi, nhất tuấn ở đó.
Tôi quen gia đình cô Hoàng Xuân Lan, Dạ Lan 1, biết cụ thân sinh và 2 bà chị của Dạ Lan 1 ở Đà Nẵng. Lâu quá, quên rồi, nhớ loáng thoáng ... bài của nhất tuấn là bài duy nhất bênh Hoàng Xuân Lan, Dạ Lan 1 ngày đó in trên tuần báo Điện Ảnh của anh Mai Châu. Ngay sau đó, thân phụ cô Dạ Lan 1 từ Đà Nẵnng vào gặp và cám ơn tôi cùng thiết tha gửi Dạ Lan 1 cho tôi.

- Ông Đại Úy đã cho cháu làm việc từ Đông Hà. Cháu nó còn dại lắm, nay nó vào Saigòn xin ông đại úy giúp đỡ dậy bảo cháu..

Cô Hoàng Xuân Lan, Dạ Lan 1 vào ngành phát thanh sau cô Dạ Lan 2 (Hồng Phương Lan-Mỹ Linh) cả 5 năm nhưng ngay cả khi làm chức vụ Kiểm Soát Viên Phát Thanh, dưới quyền giáo sư Lã Quý N. ( bạn tôi) cô cũng làm việc rất đàng hoàng. Gần đây, anh Hoàng Hải Thủy có đăng hình Dạ Lan 1. Tấm hình này , khi nhà nhiếp ảnh tài danh Nguyễn Kỳ, (người đã chụp rất nhiều hình cho quý vị nữ sinh Trung Vương giữa thập niên 1950 và cho cả Dạ Lan 1 giữa thập niên 1960), anh Hoàng Hải Thủy qua Mỹ trễ, liên lạc với tôi, hỏi địa chỉ Dạ Lan 1, tôi cho số điện thoại ngay… và hai người liên lạc lại tốt đẹp.

Ký giả Anh Vân (Take2Tango) cùng viết với tôi trên Văn nghệ Tiền Phong Hải Ngoại và Tiểu Thuyết Nguyệt San của anh Hồ Anh (thời gian thi sĩ Hoàng Anh Tuấn làm với Hồ Anh, trước các anh Tạ Quang Khôi, Hà Bỉnh Trung, Hoàng Ngọc Liên), đã kỳ công làm được cuộc phỏng vấn và kiếm tấm hình Dạ Lan 2 posted trên Take2Tango .

Ôi nếu viết về Dạ Lan 1 và Dạ Lan 2 thì liên miên .

Còn những bài thơ Đêm Ngà Ngọc…

“….Giấc ngủ đông dài em đã dậy
Hoa đăng bừng sáng giữa trời mê
Tình dâng lấp kín Đêm Ngà Ngọc
Hương dạ lan xưa biển gọi về.

Thôi khóc chi em ngày tháng cũ
Ngàn sau xin đổi một đêm nay
Đây hồn đã trải xin em ngự
Rót hết cho nhau những đắng cay.

Sa mạc nghìn trùng anh đã khát
Từng âm thanh nhỏ của yêu đương…”

ĐHCT
(Gác trọ tháng 10/1988)

Tháng Tư Đen, có một người tù , sau hơn 13 năm nơi Đại Học Máu , thóat chết bao lần…bơ vơ giữa cuộc đổi đời, trên căn gác trọ nghèo nàn …tương tự như trường hợp Ác Quán Mãn Doanh Đoàn Diên Khánh đang muốn chết đi, bỗng gặp và ân ái với vợ của Đoàn chính Thuần. Thế cho nên, Đoàn Chính Thuần tưởng chính là bố của công tử Đoàn Dự, vua lăng ba vi bộ, nghĩa đệ của Kiều Phong, Bang Chúa Cái Bang. Ai có ngờ đâu….

Ôi viết về Dạ Lan 1 và Dạ Lan 2 thì liên miên . .

Người vào nghề Phát Thanh năm 1957- 1958 thì là Dạ Lan 2, người vào nghề sau 1962 lại là Dạ Lan 1. Thế là thế nào?... Mà sự thực chính là như vậy !!

Tác giả giờ đây cũng lẫn lộn về tâm trí từ 2004 (bệnh Alzhmer), không sao nhớ chắc về ngày tháng, chi tiết.
Nhưng còn nhớ khá rõ:

Cả hai Dạ Lan 1 va Dạ Lan 2 hiện còn sống.

Dạ Lan 1 nổi danh với Chương trình Dạ Lan (64-66) thì ở với Đài Phát Thanh Quốc Gia Saigon tới phút chót, khi Ông Vũ Ánh bàn giao Đài cho Bắc Quân, rồi sau đó ... nổi trôi theo mệnh nước. Hiện có con gái (cháu Từ Ngọc Ánh Ngọc cùng gia đình ở Pháp).
Còn bà mẹ cháu, Dạ Lan 1 khi ở nhờ trong Chùa, khi ở trọ, làm công tác Thiện Nguyện, vẫn suốt đời trân quý những ngày tháng trong ngành Phát Thanh từ Đông Hà (1962) tới Saigon, tới Dalat, từ 2 đài Quân Đội tới 2 Đài Phát Thanh Quốc Gia.

Dạ Lan 2 nổi danh với chương trình Dạ Lan từ 1967 toi 1975, đã phục vụ Đài Quân Đội từ 1957 tới Tháng Tư Đen 1975 .

Dạ Lan 2 , nhân viên, cũng như Văn Quang, Quản Đốc Đài, cùng kẹt lại ở ở VN chịu bao gian khổ như mọi người. May mà sau này, ông chồng Dạ Lan 2 và vài người con trai liều chết vượt biên nên sau đó Dạ Lan 2 và con nhỏ cũng đoàn tụ cùng gia đình ở Mỹ. Bây giờ Dạ Lan 2 vẫn làm việc thiện nguyện khi có đoàn thể nào xa, gần ... nhờ tới Dạ Lan 2 để làm xướng ngôn viên cho các chương trình đặc biệt. Có thời gian khá lâu, nghe nói khi qua Mỹ, Dạ Lan 2 dậy tiếng Việt cho những người Mỹ.

Cả 2 Dạ Lan 1 va Dạ Lan 2 đều còn sống.

Cả những người coi Đài Quân Đội va Quốc Gia liên hệ tới 2 Dạ Lan còn sống: các cựu Trung Tá Nguyễn Văn Thúy, Phạm Hậu, Văn Quang ...

Những người liên hệ tới Chương Trình Dạ Lan (Đài Quân Đội) và Dạ Lan 1:
Thi sĩ Hà Huyền Chi, Đỗ Duy Chương, Dương Ngọc Hoán, Nguyễn Văn Nam, còn sống cả.

Ông Nguyễn Kỳ, người chụp hình Dạ Lan 1 vào năm 1964 và sau này qua Mỹ tìm liên lạc được với Dạ Lan 1 (2007/2008?) v/v tấm hình lịch sử ngày đó, cũng còn sống mà.
Ông Vũ Ánh người bàn giao Đài Phát Thanh Quốc Gia/Saigon, 11 giờ trưa ngày 30/4/1975 cho CSBV còn sống mà.

Dạ Lan 2: Đài Quân Đội với các ông cựu Quản Đốc Vũ Quang Ninh, Vũ Đức Minh, Phạm Hậu, Văn Quang còn sống cả mà. Cứ từ từ tìm hiểu ngọn ngành.

Nên giữ lại những kỷ niệm tốt đẹp của Miền Nam, nhất là Nhóm Biên Tập Viên/Phóng Viên của cả 2 Đài ... họ giỏi lắm lắm. Các Kỹ Thuật Viên, cac chuyên viên chương trình họ cũng giỏi, rất giỏi về chuyên môn và rất yêu nghề. Họ, Hành Chánh Quản Trị, Chương Trình hay Kỹ Thuật, đã cùng chịu muôn ngàn hung hiểm qua những biến cố của Đài hồi Tết Mậu Thân (1968) và những trận đánh ngoài chiến trường... luôn cả khi ra Hà Nội 1973 ( Dương Phục, Phạm Huấn, Nguyễn Đình Tòan : Một Ngày Tại Hà Nội)

Dạ Lan 2, một trong vài người thâm niên nhất trong ngành Phát Thanh Quân Đội , từ Phần Phát Thanh Quân Đội Huế, rồi ở với Đài Phát Thanh Quân Đội/Saigon 1957, khi trụ sở Đài còn ở Hồng Thập Tự, lúc nhất tuấn cũng như Văn Quang người ở Pleiku, người Quy Nhơn, đều chưa làm Phát Thanh thời gian đó.

Sau Tháng Tư Đen Văn Quang vào Trại Cải Tạo, Dạ Lan 2 cùng bạn đồng nghiệp Phát Thanh Quân Đội cũng nếm đủ vinh nhục, trải bao dâu biển.

Nhưng chỉ có Dạ Lan 1, Dạ Lan 2 cùng Văn Quang và Vũ Ánh là sống chết với Đài Phát Thanh Quốc Gia & Đài Phát Thanh Quân Đội của Việt Nam Cộng Hòa Miền Nam thân yêu của chúng ta tới phút cuối cùng.

Hy vọng trước khi chết, nhất tuấn sẽ viết thêm về những người rất đặc biệt của ngành Phát Thanh như Huy Quang Vũ Đức Vinh, Văn Quang và Vũ Ánh, những người mà nhất tuấn vẫn rất kính phục, biết ơn và cầu nguyện cho họ.

Lại... Ướt Mi !!

(tôi cung cấp địa chỉ số điện thoại của hai vị phu nhân DL 1 DL 2…Nay có người gần 70 và người ngoài 7 bó rồi.
Mong Khánh Ly.Net/Phố Xưa có dịp mời họ họp mặt hàn huyên với các cựu quân nhân & Gia Đình Quân Nhân và tất cả chúng ta, những người đã và vẫn quý mến Chương Trình Dạ Lan) (**)

…….


Hào hứng nhất là trên luồng sóng của đài Phát Thanh Saigon và các đài địa phương tiếp vận lại, khi chúng tôi nhận lệnh của ông Hoàng Ðức Nhã, đả kích đích danh các nhân vật Hoa Kỳ: Kissinger, và ông ứng cử viên tổng thống thượng nghị sĩ Mc.Govern (người gọi Saigon là một Ổ Điếm) ép VNCH về vụ hoà đàm 1971-1973.
Mong có dịp viết thêm với nhiều chi tiết về ông Nhã trong những năm tác giả làm việc với ông này. Ðiều chính mà thượng cấp chú ý và theo dõi rất kỹ là:
- Nha Vô Tuyến Truyền Thanh có làm đúng 100% chỉ thị để thông tin và quảng bá lập trường VNCH tới đồng bào, chiến sĩ và thính giả khắp nơi.
Thật sự, không những làm đúng, chúng tôi đôi khi làm mạnh hơn, bằng cách cùng với phần bình luận là chính, còn rải rác khắp chương trình 24/24, như mãn thiên hoa vũ, khắp tiết mục: phỏng vấn, giáo dục đại chúng, phóng sự, kịch, spot announcements ..v..v…để gài những điểm chính mà thượng cấp đã chỉ thị phổ biến sao cho thật rộng rãi.
May mắn cho tôi nhất là được thừa hưởng các lớp biên tập/phóng viên đã được huấn luyện chuyên môn kỹ từ thời 2 vị giám đốc tiền nhiệm là các anh Nguyễn Ngọc Linh và Vũ Ðức Vinh. Ngày truớc họ là những sinh viên đại học vào nghề truyền thanh và rất yêu nghề, tôi đã quen biết họ khi tôi làm ở Ðài Phát Thanh Saigon từ 1967, và lại chỉ huy một số khi họ bị động viên tới làm ở Ðài Quân Ðội. Ða số tôi coi họ như em, như bạn. Ðến thời gian tôi làm Giám Ðốc, thấy rõ khả năng của họ, tôi không ngần ngại đề cử họ làm Chánh sự vụ, Trưởng phòng hay Quản Ðốc đài địa phương.
Còn nhớ mãi khi Tổng Thống Thiệu đến Đài Phát Thanh Saigon đọc bài nói chuyện với toàn dân toàn quân về các chiến dịch Trị Thiên, An Lộc, Kontum. Ông vừa dứt lời bài nói chuyện thì chỉ không đầy ít phút sau, đã có bài bình luận của đài, với giọng Nguyễn Thiên Ân vang trên làn sóng.
Ngay sau chiến dịch Lam Sơn 719, những phóng viên của Ðài Quốc Gia , cũng cùng với các phóng viên bên đài Phát Thanh Quân Ðội, tiếp tục đi tới các mặt trận khác. Từ tuyến đầu lửa đạn họ làm những bản tin, phóng sự thu thanh. Họ vào Quảng Trị, Kontum, An Lộc nhiều lần. Như Nguyễn Mạnh Tiến, tường thuật cuộc viếng thăm của Tổng thống Thiệu ở An Lộc từ phút đầu tới phút cuối trong khi Bắc Quân vẫn pháo đều quanh thị trấn Bình Long.


VIỆT NAM THÔNG TẤN XÃ

Gần cuối năm 1974, tôi qua Việt Tấn Xã với chỉ thị của ông Nhã:
- Anh qua Việt Tấn Xã, nhưng anh vẫn phải phụ trách phần bình luận cho Tổng Cục Truyền Thanh & Truyền Hình mỗi ngày.
Lệnh của xếp thì cứ theo, nhưng ở Việt Tấn Xã chỉ có anh Lê Phú Nhuận từ Hệ Thống Truyền Thanh theo giúp, và anh Bùi Ngọc Dung, Tổng thư ký là có sự quen biết sơ, còn toàn nhân viên kỳ cựu bao năm ở cơ quan này… và chưa làm được bao lâu thì lại có thay đổi nội các. Tôi bàn giao cho anh Nguyễn Ngọc Bích rồi về lại Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị …và tan hàng; khoảng 2 giờ chiều ngày 30/4/75, theo một con tầu nhỏ, vợ chồng tôi thoát khỏi Saigon trong đuờng tơ kẽ tóc.
Kỳ dự Ðai hội Truyền Thông ở Houston tháng 04/2004, tôi gặp lại các cấp chỉ huy cũ, anh Vũ Ðức Vinh, anh Nguyễn Ngọc Linh. Ai cũng ngoài 70 và… đẹp lão cả rồi!!
Gặp cả hai vị tiền nhiệm và kế nhiệm ở Nha Vô Tuyến Truyền Thanh, các anh Nguyễn Rô, Phạm Bá Cát. Gặp luôn cả nguời kế nhiệm tôi ở Việt Tấn Xã là giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, em anh Nguyễn Ngọc Linh. Ðặc biệt nhất, gặp lại người xướng ngôn viên Ðài Ðông Hà (1961), anh Ðịnh là phi công trực thăng lâu đời sau khi rời Ðài Ðông Hà, và những đồng nghiệp các ngành Quản Trị, Kỹ Thuật, Biên Tập ở Ðài Saigon và các đài địa phương. Tôi nhận thấy một điều rõ rệt, các kỹ sư, cán sự kỹ thuật, phóng viên, biên tập viên tay nghề giỏi ở VN trước 1975 như anh Trần công Thân, Nguyễn thiên Ân, Dương Phục, Vũ Thanh Thủy, Vũ Ánh, Nguyễn Mạnh Tiến, Lê Phú Bổnkhi qua Mỹ họ có việc cùng nghề ngay. Hơn nữa, họ còn là Giám Ðốc nhiều cơ sở chuyên môn, cũng như Ðài Phát Thanh địa phuơng, hay biên tập viên báo chí rất thành công .

******

Năm qua, tôi có hỏi 2 anh Nguyễn Ngọc Linh và Vũ đức Vinh, lý do hai anh đã chọn tôi vào các chức vụ. Quản Ðốc Ðài, Giám Ðốc Nha.
Anh Linh cho hay:
- Lâu quá rồi, để tôi nhớ lại coi. Hình như là Ðại Tá Huỳnh Văn Lang giới thiệu anh rất nồng nhiệt. Anh em tôi quý trọng Ðại Tá Lang lắm, nên dù không quen anh, chỉ biết anh là sỹ quan cấp tá ngành Chiến Tranh Chính Trị có khả năng nên mời anh về cộng tác.
Việc Ðại tá Lang – một sỹ quan cao cấp người Miền Nam – giới thiệu tôi với anh Linh, thật xiết bao ngạc nhiên và tôi không hề biết vụ giới thiệu này tới khi anh Linh cho hay. Tiếc thay khi biết được thì đại tá Lang đã thất lộc.

(Em: Thiếu úy Phạm Hậu ngày nào, xin cảm tạ Ðại tá đã giới thiệu em với anh Nguyễn Ngọc Linh. Nguyện cầu anh linh đại tá sớm hưởng Nhan Thánh Chúa).

Cùng câu hỏi anh Linh, anh Vinh trả lời:
- Năm xưa, anh thay tôi ở Đài Phát Thanh Quân Ðội đường Hồng Thập Tự khi tôi qua Không Quân. Anh làm thơ viết báo “Con quỳ lạy Chuá trên Trời” mùi mẫn lại đang muốn tìm việc mới. Trước đó, có truờng hợp vài người bên Không Quân muốn qua làm ở Cục Vô Tuyến Truyền Thanh, tôi đã từ chối. Nhưng tôi dặn văn phòng nếu ai ở Chiến Tranh Chính Trị qua, nhớ cho tôi biết ngay. Tôi vẫn muốn giúp anh em bên Chiến Tranh Tâm Lý, đơn vị cũ của tôi ngày xưa. Và trường hợp anh, thì tôi sẵn sàng giúp! Mà tôi giúp anh, chọn anh là đúng quá rồi. Thắc mắc làm chi!

Riêng về trường hợp tôi được chọn về Nha Vô Tuyến Truyền Thanh, lý do chính, tôi nghĩ, là may mắn được sự giới thiệu của ông Hoàng Ðức Nhã (*), khi ấy là Bí Thư kiêm Tham Vụ Báo chí của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, với vị tân Tổng Trưởng Thông Tin, ông Trương Bửu Ðiện, một ông xếp ngưòi Miền Nam, làm việc không kể ngày giờ, không kỳ thị Nam Bắc, và rất hiền lành, rất bình dân của chúng tôi sau này.
Nghe được ông Nhã giới thiệu thì cũng chỉ biết vậy, và thầm nghĩ, chắc ngày làm việc ở Ðài Phát Thanh Quân Ðội, ông này đã chú ý tới mình chăng. Qua đây, cuối đời nơi Ðất Khách, có lần hỏi ông Nhã như đã hỏi hai ông Linh và ông Vinh. Ông Nhã trả lời tôi khá chi tiết nhưng cũng rất thẳng thắn:
“- Theo tôi, ở đời có hai yếu tố thành công: tài của mình (30%), và mình được cơ hội gặp cấp chỉ huy để có hoàn cảnh trổ tài chứng tỏ mình có khả năng (70%).
Khả năng của Hậu, qua gần 4 năm coi Hệ Thống Truyền Thanh và Việt Tấn Xã, Hậu có làm việc được không, Hậu và chúng tôi đã biết, khỏi nói thêm. Vậy chỉ cần nói tới yếu tố đầu thật rõ ràng, dù chỉ 30% !
Hậu còn nhớ lần tôi mời Phát Thanh Quân Ðội và anh em bên Báo Diều Hâu vào Dinh Ðộc Lập, trong khi chờ TT xuống ăn cơm với chúng ta, tôi đã bàn sơ về đường hướng Thông Tin và tôi đang phác hoạ và muốn thi hành. Tôi còn nhớ mấy anh em cho tôi ý kiến rất thẳng thắn – nhưng tôi chỉ nhớ thái độ professional của Hậu, với những lời bàn luận rất sâu sắc.
Sau buổi họp đó, tôi biết rằng Hậu là candidat của tôi để về Ðài Phát Thanh Sàigon. Phải nhắc lại rằng lúc ấy tôi không được biết Hậu nhiều, nhưng tôi biết phải lựa người có những đặc tính nào.
Ðó là nhiệm vụ của người chỉ huy: tìm những người tài giỏi - giỏi hơn chính mình – để làm những việc quan trọn , và cho người đó đủ latitude để hoạt động.
Khi tôi trình lên TT là tôi muốn đưa Hậu về Ðài Phát Thanh Saigon vì tôi cần có người với những đặc tính như tôi nêu trên, và sau khi TT coi hồ sơ của Hậu, thấy là dân Võ Bị thì thích thú, và hình như TT có nói với tôi rằng TT “còn nhớ anh chàng này”.

The rest is history! Tóm lại, nếu có chút tài, dù may mắn được người tiến cử, giúp đỡ… mà anh không chứng tỏ thực tài khi vào công việc … thì sớm muộn họ cũng sẽ mời anh đi chỗ khác!”

*******

Như ở đầu bài tôi đã thưa trước, đôi lúc ngồi tính sổ đời, thấy có nhiều chuyện ly kỳ khó giải thích nổi. Tôi không có họ hàng quen các nơi quyền thế, không chạy chọt, nịnh bợ, hay hối lộ ông bà lớn nào… để “đóng hụi” trước cũng như sau khi nhận những chức vụ Quản Ðốc, Quận trưởng, Giám Ðốc, Tổng Giám Ðốc… mà sao tôi gặp nhiều may mắn, thăng tiến bất ngờ, đặc biệt được nhiều người thương, âm thầm giúp đỡ, như có quý nhân phù trợ. Chắc chắn phía dân chính cũng như bên quân sự, và ngay cả trong những cơ quan tôi chỉ huy có nhiều người giỏi hơn tôi, bằng cấp văn hoá, cấp bậc cao hơn tôi mà họ không có cơ hội để phô triển tài năng. Như vậy thấy ngoài phần làm được việc, phục vụ sao cho hữu hiệu như ông Nhã nói ở trên , vấn đề gặp được người biết khả năng và giới thiệu mình cũng thật là rất quan trọng.

Viết bài này, tôi xin có lời chân thành cám ơn những cấp chỉ huy đã tín nhiệm khả năng của tôi, chỉ huy hay điều hành, để tôi có cơ hội phục vụ.
Cũng xin cám ơn sự cộng tác thân ái của các đồng nghiệp ngày xa xưa - trung ương cũng như địa phương - trong ngành Phát Thanh Quân Ðội và Phát Thanh Quốc Gia.
Xin mãi mãi vẫn nhớ nhau như khi chúng ta còn làm việc bên nhau. .. với nhiều kỷ niệm vui buồn.

Phạm Hậu
(04/2005)


(*) Xin coi Đời Lính II của nhất tuấn, Khai Trí, Saigòn, xuất bản, 10/1966.

(**) Bài này đã đăng trong Kỷ Yếu của Vô Tuyến Truyền Thanh (04/2005) . Hôm nay, 12/02/2009 , chúng tôi liên lạc lạc với đại úy Dương N Hoán và Trung Tá Văn Quang, những người phục vụ tại Đài Phát Thanh Quân Đội tới 30/4/75, hỏi thêm chi tiết, cũng như đọc bài của ký giả Anh Vân nên sửa lại, lý do bài trước chúng tôi viết có nhiều chỗ khiếm khuyết vì nhớ sai sau thời gian xa Đài Phát Thanh Quân Đội quá lâu. Và viết thêm về Dạ Lan 1, khi cô bị báo chí Saigon ngày đó đả kích.
Xin quý vị độc giả lượng thứ, và xin tùy nghi đọc thêm bài của ký giả Anh Vân về Dạ Lan 2 trên website : Take2 Tango, mục Thiên Hạ Sự và chọn số 3.
Người ntuấn giúp để có hình Dạ Lan 1 là ông Nguyễn Kỳ, nhiếp ảnh gia nổi tiếng tại Saigon trước 1975. Không phải là nhà văn Hoàng Hải Thủy!
--------------------------------------------------------------------------
(***)
- Bí thư kiêm Tham Vụ Báo chí của TT Nguyễn Văn Thiệu (1967).
- Tổng Ủy Trưởng Phủ Tổng Ủy Dân Vận, trực thuộc Phủ Tổng Thống (4/1973).
- Tổng trưởng Bộ Dân Vận và Chiêu Hồi (?-1973-11/1974).

(nguồn : http://khanhly.net/phoxua )