PDA

View Full Version : Một ngày trong An Lộc



ducquany
05-23-2018, 07:26 PM
Một ngày trong An Lộc

Sao Bắc Đẩu


Nếu muốn đáp ở An Lộc thì khi đến Xa Cam, chúng tôi chỉ còn giữ độ cao khoảng năm, bảy trăm bộ. Nhưng vào An Lộc lần này không phải là một việc thông thường và vì vậy, trên không phận Xa Cam, chúng tôi cũng vẫn còn giữ độ cao 7,000 bộ.

Từ độ cao đó, chiếc trực thăng chúi mũi cắm xuống như một khu trục cơ trong thế bắn phá. Tôi nghe đầu nhức, tai ù. Đồng hồ cao độ chỉ 2,000 bộ. Nhìn xuống phía dưới, tôi thấy thị trấn An Lộc qua hai đám cháy lớn. Ngọn lửa thật hồng và thỉnh thoảng lại phừng lên khiến tôi đoán rằng đây là những đám cháy hoặc nhiên liệu, hoặc đạn dược.

Một nhân viên phi hành bảo chúng tôi:

– Chuẩn bị nhảy. Đáp xuống là phải nhảy ngay. Chúng pháo dữ lắm.

Chúng tôi chuẩn bị và chỉ nửa phút sau chúng tôi phóng xuống đất. Ngay khi chúng tôi chưa biết phương hướng gì cả thì chiếc trực thăng đã lại vun vút cất lên. Quanh chúng tôi bụi đỏ mù mịt và những tiếng nổ ì ầm.

Thế là chúng tôi đã vào An Lộc, địa danh được nói đến nhiều nhất và ít người đến được nhất từ 2 tháng nay.



https://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd1017/1527102878-1.jpg

Nguồn vnfmamn.com / Jim Stewart’s Photo Collection

Hai ông “Chuẩn” Chuẩn Tướng

Cùng với Trung Tướng Minh, chúng tôi đến Bộ Chỉ Huy Tiểu khu Bình Long để gặp hai nhân vật được coi như những người anh hùng nhất An Lộc: Đại Tá Nhựt, Tỉnh Trưởng Bình Long và Đại Tá Lưỡng, Tư Lệnh Lữ Đoàn I Nhảy Dù.

Trong phút xúc động đầu tiên, Tướng Minh đã ôm lấy Đại Tá Nhựt và nói:

– Không còn ai có thể làm gì hơn những điều các anh đã làm.

Chỉ Đại Tá Lưỡng, Trung Tướng Tư Lệnh Quân khu III giới thiệu với vị Thiếu Tướng Hoa Kỳ, Cố vấn của ông:

– Đây là người đã cứu sống tướng Hưng.

Lữ Đoàn I Nhảy Dù là đơn vị đụng nhiều trận dữ dội nhất tại An Lộc.


https://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd1017/1527102890-2.jpg

Người lính Việt Nam bế một cậu bé bị thương là thành viên duy nhất còn sống sót của một gia đình
bị Việt cộng bắn khi chạy từ An Lộc dọc theo Quốc lộ 13 vào ngày 22 tháng 6 năm 1972. Ảnh: AP Photo


Một ông Thiếu Tá

Rời Bộ Chỉ Huy Tiểu khu, chúng tôi sử dụng ba chiếc xe Jeep cuối cùng của An Lộc để đến thăm tướng Hưng. Một tấm bảng Tướng 3 sao được gắn lên chiếc xe Jeep lành lặn nhất trong ba chiếc Jeep còn chạy được này, và chiếc Jeep tương đối lành lặn đó có khoảng 15 vết đạn xuyên qua kính.

Đoàn xe của những “vi ai pi” đang ngon trớn trên những đường đầy đạn chưa nổ của An Lộc thì bỗng Thiếu Tướng Hollingsworth gọi người tài xế ngừng lại. Ông xuống xe và đi thẳng lại một người Mỹ mặc quân phục Nhảy Dù. Chúng tôi nhìn theo và thấy người lính Mỹ này ăn mặc thật là xốc xếch: áo bỏ ngoài quần và quần bỏ ngoài giày. Anh đang di chuyển bộ trên đường, tay xách một cái máy truyền tin.


https://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd1017/1527102899-3.jpg
Xác xe tăng cộng quân trên đường phố An Lộc

Thiếu Tướng Hollingsworth đi thẳng đến và nắm lấy ngực anh ta. Người lính nhảy dù Mỹ đứng thẳng người chào cấp chỉ huy. Tướng Hollingsworth gắn vào ngực anh một tấm huy chương và ngay lúc ấy tất cả chúng tôi đều lặng người đi: trên gương mặt cương nghị, bẩn thỉu của người lính chiến Mỹ, chúng tôi thấy những giọt lệ cảm động chảy dài.

Chờ Thiếu Tướng Hollingsworth trở lên xe, người lính Mỹ này mới bỏ thế đứng nghiêm để đưa tay áo lên chùi mắt. Quyển sổ tay rơi xuống đường anh ta cũng không hay và mãi đến khi một sĩ quan VN gọi chỉ cho anh, anh mới cúi xuống nhặt.

Tôi hỏi Đại Tá Lưỡng :

– Anh nào vậy Đại Tá?

– Cố vấn Trưởng Lữ Đoàn tôi. Anh ta là Thiếu Tá.


https://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd1017/1527102909-4.jpg
Thiếu Tướng Hollingsworth, Cố Vấn Trưởng Quân Đoàn 3 (bên trái) tại thành phố An Lộc, Tháng 10/1972 – nguồn flickr.com


Một ông Đại Tá mặt trận

Trung tướng Minh cẩn thận giải thích rằng không phải chỉ riêng Trung Tá Huấn, Chỉ Huy Trưởng Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù là có công, là xứng đáng được tặng thưởng. Sở dĩ ông cẩn thận như vậy là ngại có người sẽ hỏi “Tại sao chỉ một mình Trung Tá Huấn được thăng cấp tại mặt trận?”. Tướng Minh cẩn thận như vậy cũng phải, nhưng trên thực tế, không một ai có ý phân bì với Đại Tá Huấn cả. Những người lính biệt cách của ông đã chiến đấu hơn một người lính và đã giúp đỡ dân chúng hơn một cán bộ Chiến tranh Chính trị.

Chính một binh sĩ của Tiểu Đoàn 2 Nhảy Dù đã xác nhận với chúng tôi rằng đó là “Những người lính tuyệt”. Một người khác kể lại rằng nếu không gặp lính biệt cách thì hai đứa trẻ nằm trong hầm 70 ngày đã chết vì lựu đạn. Anh này khẳng định:

– Miệng hầm trông khả nghi lắm. Lại nghe văng vẳng có tiếng động. Gặp người nhát là phải tung lựu đạn trước khi xuống.

Nhưng những anh biệt cách của Đại Tá Huấn đã không tung lựu đạn xuống. Họ kiên nhẫn nằm trên miệng hố rình rập vì họ nghĩ rằng dù có lính Bắc-Việt phía dưới thì những người này cũng đói lả, không còn sức kháng cự nữa. Cuối cùng họ đã cứu sống được hai em nhỏ nạn nhân chiến cuộc.


https://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd1017/1527102919-5.jpg
Đại Tá Lưỡng, Tư lệnh Lữ Đoàn I Nhảy Dù

Tôi hỏi Đại Tá tân thăng:

– Người ta nói với chúng tôi rằng dân chúng An Lộc lập một nghĩa địa riêng để chôn những tử sĩ của Đại Tá. Xin Đại Tá cho chúng tôi hiểu rõ vì lý do nào người lính biệt cách lại có một tác phong đặc biệt đối với dân chúng như vậy?

– Tôi thiết tưởng điều này cũng dễ hiểu. Anh nghĩ coi, từ trước đến nay lính biệt cách chúng tôi chỉ nhảy từng toán 5 người vào tác chiến sau lưng địch. Nói một cách khác, chúng tôi đã quen sống với thái độ thù nghịch của dân chúng trong vùng chiến đấu. Đây là lần đầu tiên chúng tôi là bạn chứ không phải là thù, dân chúng giúp đỡ chứ không chống lại chúng tôi.

Và cuối cùng một anh phóng viên ngộ nghĩnh

Anh ta tên là Hébert, người Gia Nã Đại và quay phim cho một hãng vô tuyến truyền hình bên nước anh. Thấp hơn một người VN trung bình, anh mặc quân phục nhảy dù VN. Hébert có mặt tại An Lộc từ những ngày đầu tiên và anh không hề có ý định rời khỏi An Lộc ngày nào An Lộc còn tiếng súng. Anh kể:


https://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd1017/1527102929-6.jpg

Chuẩn tướng Lê Văn Hưng, Tư lệnh Sư Đoàn 5 BB, hướng dẫn Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đi thị sát mặt trận

– Mỗi ngày tôi đi bộ một vòng An Lộc và mỗi ngày tôi đều tìm được một khám phá mới. Cũng đống gạch vụn đó, nhưng góc cạnh mà tôi đã quay phim hôm qua không đẹp bằng góc cạnh mà tôi vừa khám phá ra sáng nay.

– Anh thấy trận đánh An Lộc như thế nào?

– Bên cạnh An Lộc, Điện Biên Phủ không có nghĩa gì cả. Về mọi phương diện, mức độ giao tranh ác liệt, vũ khí sử dụng, sự tổn thất của đôi bên, An Lộc vượt xa Điện Biên Phủ. Hơn nữa, Điện Biên Phủ chỉ là một căn cứ quân sự. Người Pháp lập ra căn cứ này để chấp nhận giao tranh trong khi An Lộc không bao giờ chờ đợi biến thành một cứ điểm. Người miền Nam các anh phải đối phó với nhiều vấn đề đến từ phía thường dân trong khi người Pháp không có những vấn đề đó.

– Anh nghĩ thế nào về lời tuyên bố của Tướng De Castries?

– Đa số người Pháp đều chống Mỹ và lời tuyên bố của De Castries là nhằm vào người Mỹ. Tuy nhiên, ở vào địa vị của tôi, đang sống bên những người chiến đấu chống quân xâm lược Bắc-Việt, tôi biết De Castries đã không tốt với các anh.

– Công việc của anh ở đây thế nào?

– Tôi quay được những cuốn phim tuyệt vời. Tất cả phim từ An Lộc gởi về tôi đều giao một điều kiện: Không lời, không nhạc. Tôi nghĩ rằng một khán giả có ý thức, có tâm hồn chỉ cần nhìn những cảnh đổ nát điêu tàn mà trong đó người lính miền Nam, người dân miền Nam vẫn còn đứng thẳng, cũng phải hiểu đầy đủ về đất nước các anh.

Anh cười buồn tiếp:

– Tôi chỉ tiếc một điều: Không gởi được về Gia Nã Đại cái “mùi An Lộc”.


https://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd1017/1527102938-7.jpg

Từ trái qua, Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, Tư lệnh Quân Đoàn III và Quân Khu 3,
Đại Tá Bùi Đức Điềm, phụ tá hành quân Sư Đoàn 5 BB, Đại Tướng Cao Văn Viên,
Tổng Tham mưu Trưởng QLVNCH, Chuẩn tướng Lê Văn Hưng, Tư lệnh Sư Đoàn 5 BB,
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và Đại Tá Trần Văn Nhựt , Tiểu Khu Trưởng Bình Long –
nguồn historynet.com/richard-nixon
o O o

Tôi không phải là người đầu tiên đến An Lộc. Trước tôi đã có một số phóng viên điện ảnh. Những người này có khả năng, có lương tâm nghề nghiệp. Có những người đã ngã gục trong lúc hành nghề phóng viên tại chiến trường An Lộc, anh Nguyễn Ngọc Bình.

Tôi đã coi những phim họ quay. Tôi vừa viết xong một bài phóng sự ngắn về An Lộc và tôi nghĩ rằng cả họ, cả tôi, chúng tôi đều chỉ là những người thợ vụng.

Vết thương An Lộc to lớn quá, bi hùng quá. Một tấm ảnh, một bài báo không nói hết được những điều cần nói.

SBĐ – 1972

Trần Vũ đánh máy lại tháng 4-2018 từ “Tuyển tập Bút ký Phóng sự Chiến trường 1972”, Nxb Văn Nghệ Dân Tộc in 1973.