PDA

View Full Version : Đôi bạn



loibangTQLC
09-18-2009, 04:39 PM
Chinh Nguyên



Thứ nhất đẹp trai, thứ nhì chai mặt..!

Thủa còn thanh niên trên hai mươi, tôi là loại thứ nhì…!

Vì là lính Không Quân thành phố Sài Gòn, và ở trọ nhà ông anh họ, anh Hồng, nên anh Hồng giao cho tôi nhiệm vụ đưa đón cháu Nguyệt Minh đi học...!

Khi đưa đón cháu Nguyệt Minh học ở Gia Long, tôi thường đưa cháu tới cổng chính và đón ở cổng hông nhỏ. Bên chùa Xá Lợi nhìn qua cái cổng hông nhỏ của trường Gia Long, tôi thường theo dõi tà áo trắng với thân hình mảnh mai có làn tóc thề ôm trọn cái eo thon mê muội, đang thong thả thướt tha dắt xe ra khỏi cổng trường.

Khi ra khỏi cổng, người con gái cài tà áo sau vào dây thung giữ cặp sách phía sau xe, tay trái cầm tà áo trước, và thầm lặng ghé mông ngồi lên yên xe, rồi nhún khẽ người đạp mạnh bàn đạp cho xe chạy tới.

Vì để ý hoài tới cô bé, nên tôi đã có lần đẩy vê-lô-xô-lếch cho nổ máy rồi chạy theo bên cạnh người đẹp để hỏi tên. Nếu cô bé không nói tên, là tôi theo hoài tới nhà luôn, bắt buộc cô bé phải nói tên mà thôi...!

Cô bé có đôi mắt tròn bồ câu thật đẹp, vành nón nghiêng che nắng và che cả tôi buổi chiều đó tên là Tư, ở trại Bùi Phát, đường Trương Minh Giảng đã làm tôi ngỡ ngàng vì tôi cũng cùng một địa chỉ với cô bé, nhưng khác số nhà, trong khi tôi đã đến lúc phải quay lại đón cháu Nguyệt Minh…!

Khi về tới chỗ đón cháu Nguyệt Minh, tôi đã thấy cháu tôi ngồi cô đơn một mình và đang khóc, sự việc này đã làm tôi hối hận và hứa với cháu là sẽ không có lần sau như vậy nữa, Tuy nhiên Nguyệt Minh cũng về nói lại với anh Hồng, và tôi được nghe một bài công dân giáo dục nặng nề..!

Nhưng sự thật tôi chẳng có gì cả sau chiều đó, tôi có tiếng lì mà không có miếng...! Tình đối với tôi toàn là thua lỗ không hà...!

Bởi vì tình yêu thời đó dường như tôi chưa gặp, nhưng tình bạn thì tôi đã có một người bạn thiết, Ngọc Ẩn, chúng tôi sống gần ngõ từ nhỏ, học cùng lớp, nhà nó giầu có xe hơi đưa đón đi học và tôi thường được dì Sáu mẹ nó cho quá giang, và cũng thường vào phòng của nó ăn ngủ như nhà của mình.

Từ nhỏ, tôi và nó ăn nằm bên nhau nói dủ thứ chuyện bí mật cho nhau nghe, nên cha mẹ của hai đứa cứ ngỡ rằng tụi này đồng tính luyến ái...!

Hết năm đệ tứ, tôi nghe lời cha mẹ vào nhà tập dòng Lasan ở Nha Trang để tu và nó về Sài Gòn ở với em của má nó bên Khánh Hội để đi học.

Chúng tôi xa nhau từ đó sau dần mất liên lạc, nhưng trong lòng chúng tôi vẵn nhớ tới nhau, và thương nhau như hơn thủ túc..!

Sau khi ra khỏi nhà tập dòng Lasan, tôi gặp dì Sáu, và biết rằng Ngọc Ẩn đã là lính chiến, mà đời lính của nó có nhiều gian nguy, vì thế dì Sáu lo lắng thật nhiều cho đứa con của dì, trong khi nó đã không nghĩ tới chuyện lấy vợ hoặc có người tình thật đúng nghĩa.

Tôi cũng như nó, ngây ngô thẹn thùng trước yêu thương vì ảnh hưởng mấy năm trong dòng tu. Tôi chỉ nhìn rồi ao ước thầm và không dám mở miệng chào đón ai vào lòng..!

Những ngày về phép của nó, việc đầu tiên là vất ba lô vào phòng, nói chuyện vài câu với mẹ nó, sau đó chạy tới nhà tôi, tìm gặp mẹ tôi và hỏi tôi ở đâu.

Cứ thế chúng tôi luân phiên nhau về Ban Mê nghỉ phép, nó về thì tôi lại bỏ Ban Mê ra đi, và trái lại khi tôi về thì nó lại đi, chúng tôi tìm đuổi bắt nhau bằng những lời hỏi thăm về nhau qua mẹ tôi và dì Sáu.

Đời lính thật buồn phiền, ôm súng nhiều hơn ôm người tình, và sống chết không ngờ trong phút giây, trong khi chiến tranh càng trở lên khốc liệt, tôi và nó biệt tin sau năm 68 Mậu Thân.

Cộng Sản tràn vào Ban Mê Thuột từ suối bên cạnh vườn cà phê của cha mẹ tôi đi lên, và họ đã kéo thây lính tử trận của họ về đó chôn gấp rút để hở cả chân tay trên mặt đất, và chó đã kéo một cánh tay về nhà nên cha mẹ tôi đã bán vườn cà phê này dọn đi nơi khác.

Và có thể cũng vì sau tết Mậu Thân Ngọc Ẩn không có ngày về phép dài như trước, trong khi tôi tự nguyện làm lính thành phố tại Nha Trang.

Đời lính có nhiều phức tạp, và đủ mọi thành phần, nhưng cũng từ đó đã nẩy sinh ra tình đồng đội trân quí, và tôi đã học ở bạn bè đồng ngũ về sự yêu thương bạn bè, vợ con và người tình qua sự nói chuyện của họ với nhau. Tình yêu thật kỳ bí ! không có câu chuyện tình nào mà họ tâm sự với nhau có khả dĩ giống nhau ! Mỗi một cuộc tình đều hoàn toàn khác lạ, mà người đang đi tìm hay đã có tình yêu đều bị lạc bước và ngỡ ngàng trước một tinh cầu vô hình huyền bí của con tim. Tình yêu thay đổi như mây trên trời với muôn vàn hình trạng của hạnh phúc, của xót xa, của mộng ước, và của hợp tan…! Chính những đổi thay muôn hình vạn trạng này đã làm nên tình yêu, mà tình yêu có oan khiên, day rứt, xót xa mói lại là hạnh phúc…!

Tôi không biết như vậy có đúng không..! Nhưng qua những người bạn kể lại với nhau, tôi nhận thấy tình càng oan trái càng ôm ấp, càng mộng tưởng và nhớ lâu để sâu trong tim và tôn thờ…!

Từ đó tôi nhìn lại lòng mình, tình yêu của tôi vẫn vút cánh bay xa, nhưng còn âm thầm trong tôi của thủa vừa lớn Diễm Diễm, và tình bạn thiết chỉ có Ngọc Ẩn, với những kỷ niệm đầy vơi của thủa học trò bắn chim bằng chạc gỗ chữ Y cột giây ràng thung hai bên, và những chiều hai đứa đứng trên sân chùa Khải Đoan nhìn xuống thung lũng suối Đốc Học mờ sương, mà ở dưới thung lũng đó có những ánh đèn dầu le lói lọt qua vách liếp mái tranh, và ở trong chỗ mờ sương có người con gái Huế tên Lê, một mộng mơ thầm kín của Ngọc Ẩn tuổi học trò…!

Chiến tranh, đời lính đã làm chúng tôi xa nhau, thật gần đấy, nhưng cũng thật xa, và tiếng vọng của những trái phá đã làm chúng tôi gần với nhau hơn trong tri’ tưởng cầu nguyện cho nhau an bình.

Nó và tôi muốn tìm nhau nhưng biết đâu mà kiếm..! Đời nó lính chiến rừng sâu, nay đây mai đó sống chết vô thường, trái lại tôi vất đi tất cả mộng ước, cuộn mình tròn như con kến trong thành phố với đôi mắt ưu tư khi nhìn thấy những mảnh khăn tang trên đầu những người vợ trẻ, và con của những người lính đã ra đi không về trong những ngày chúa nhật đông người cầu nguyện trong giáo đường..!

Một hôm tôi chợt gặp nó trong trận đá banh giữa quân trường Đồng Đế và Trung Tâm căn cứ 12 Huấn Luyện Không Quân Nha-Trang.

Trên sân đá banh của Trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế, tôi đứng hàng trung ứng giữa và đang giàn sang phải để phòng thủ một màn tấn công của những cầu thủ tiền đạo Trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế. Bất chợt tôi nhìn lối lừa banh của người đối thủ mang số chín đang dẫn banh vào giữa sân và tiến qua phần đất của đội banh chúng tôi. Tôi bật tiếng gọi thật lớn:

- Ngọc Ẩn… Ngọc Ẩn…!

Nó ngừng lại theo phản ứng, nhìn quanh và trái banh đã bị dành mất trong chân nó, nhưng nó không màng. Nó qiay một vòng gọi lớn:

- Nguyên, mày ở đâu?

Tôi giơ tay lên vẫy Ngọc Ẩn, và nói lớn để trả lời nó.

- Ẩn, Tao ở đây..!

Ngọc Ẩn đã nhận ra tôi, chúng tôi vội vàng chạy tới ôm nhau thật lâu như ôm người tình, rồi cùng cởi áo cầm tay bước ra khỏi cuộc chơi trong sự ngạc nhiên của mọi người, và lên xe Honda của tôi chạy thẳng về Nha-Trang bỏ mặc những gì đang sẩy ra trên sân đấu.

Ngọc Ẩn ngổi phía sau ôm eo tôi, nhưng nó chồm tới hét vào tai tôi:

- Sao mày lại là lính Không Quân? Tao nghe mày đi tu mà.

- Tao bỏ dòng lâu rồi, Về học Văn Khoa, bây giờ là lính Không Quân.

- Lâu chưa?

- Hai năm rồi…!

- Mẹ của mày biết không?

- Biết…!

Tôi dừng xe trước ki-ốt số 5 trên đường Duy Tân, kéo Ngọc Ẩn vào bàn rồi gọi hai chai bia 33, trong khi Ẩn hỏi tôi:

- Mày vợ con chưa?

- Tao mà vợ con cái quỉ gì..! Lương không đủ ăn, phải lấy tiền mẹ tao cho hàng tháng, cõng vợ vào là nợ nghe mày..!

- Mợ tao cứ lải nhải chuyện vợ con hoài, nghe chán bỏ mẹ đi. Ẩn nói, sau khi cầm chai bia nốc một hơi.

Tôi nhìn Ẩn, lắc đầu:

- Lê của mày đâu..?

Ẩn nhìn tôi ngạc nhiên:

- Lê nào?

- Thì cô bé ngày xưa tao và mày cứ đứng trên sân chùa Khải Đoan nhìn xuống nhà nó đó..!

Ẩn lắc đầu chán nản.

- Theo chị tao nói, cô bé lấy chồng rồi…!

- À chị Hai mày có chồng chưa?

- Mày mê chị Hai của tao?

- Đâu có mày..! Tại chị mày đẹp nên tao nhìn trộm mà thôi !

Ẩn cười bí hiểm.

- Mẹ kiếp, tao dư biết mày muốn theo chị Hai tao, nhưng bà lớn tuổi hơn mày, nên mày đành nuốt nước miếng mà thôi..!

- Hêy.. Mày đừng nói nhảm nghe.! Tại chị mày lo cho tao như lo cho mày nên tao mến thôi, chứ yêu thì không…!

- Nói vậy thôi.. Chị tao lấy chồng lâu rồi..! Vậy con nhỏ em út mày thế nào rồi?

- À mày nhắc con Lan em tao? Mẹ kiếp nó cũng có chồng lính rồi…! Dân bay bổng…!

- Thì bây giờ ai mà không là lính hở mày..! Chỉ tội cho những cô vợ trẻ khóc đêm trông chờ chồng về…!

còn tiếp

loibangTQLC
09-18-2009, 04:42 PM
( Tiếp theo )

Những chai bia không đã chất lên gần kín chiếc bàn nhỏ. Tôi chở Ngọc Ẩn về nhà tôi thuê tại khu nhà tôn, Phước Hải, sau đó chở Ẩn về Đồng Đế, tôi mới biết rằng Ẩn cũng ở thuê như tôi tại làng Thanh Hải núp dưới những lá dừa xanh gần Quân Trường Đồng Đế.
Chiều nào tôi và Ẩn cũng gặp nhau, khi thì ở nhà Ẩn, khi thì tại nhà tôi, vài ba lần kéo nhau ra tiệm nhậu sau khi Ẩn thổi sáo cho tôi ngâm những vần thơ tôi mới làm mang khoe với Ẩn…!
Hai thằng tôi lại có dịp đi chơi với nhau như thủa nào. Có những đêm hai thằng say khướt trong quán rượu, nhưng cũng cố gắng nương nhau, lái xe Honda chở nhau về nhà trong men rượu chếnh choáng. Và cũng có những lần Ẩn cho chó ăn chè ngay trên lưng của tôi, nhưng cũng có lần Ẩn dìu tôi vào nhà chứa ở gần bến xe đò Phuớc Hải, bỏ tôi ngủ ở đó, và lái xe Honda của tôi về Thanh Hải.
Ngày nắng hạ Nha Trang, Hòn Chồng tấp nập người qua lại thăm viếng thắng cảnh, hai chúng tôi quần áo bảnh bao cũng nhập vào cảnh vui nhộn này trong tiếng vỗ đùa của sóng, những cơn gió biển mặn làm sạm da. Tôi chợt để ý tới người con gái có mái tóc thề đang đứng quay lưng về phía tôi và Ẩn. Tôi vỗ lưng Ẩn.
-
Mày có thấy cái gì đẹp không?
-
Không?
-
Mày là thằng mắt thịt, đâu biết thưởng thức cái đẹp trời cho…! Hèn nào má mày đặt tên cho mày là Ngọc Ẩn, tên con gái…!
Ngọc Ẩn quay nhìn chung quanh rồi à lên một tiếng.
-
Mắt mày tinh thật…! Tóc thề giống Lê quá mày…!
-
Thôi mày im đi… Lê có chồng rồi, mà mày có nói với Lê là mày yêu cô ta hay không?
-
Không…!
-
Vậy thì xong…! Hãy để mây theo gió, tình mày là tình điên…!
Ẩn quay qua tôi, hắn hất mặt:
-
Thế mày với con Diễm Diễm thì sao?
-
Chuyện của tao và Diễm Diễm khác chuyện của mày và Lê. Diễm Diễm biết tao thích nàng, nhưng tao yên lặng theo lệnh ông già đi vào Nhà Tập để tu, do đó Diễm Diễm đã trao cho tao một bài thơ, tao đọc một lần trước khi vào Dòng rồi thuộc luôn tới bây giờ không quên. Còn mày Lê không hiểu mày đối với nàng ra sao…!
-
Lê biết tao yêu nàng…!
-
Mày không nói, sao Lê biết mày yêu nàng…!
Ẩn cúi đầu vẻ buồn phiền.
-
Tao nói với chị hai của tao, và chị hai của tao đã nói với Lê.
-
À thì ra thế, nhưng sao Lê đi lấy chồng?
-
Tại tao về Sài Gòn học rồi thời gian dường như tao đã quên nàng. Tình học trò chỉ thoáng qua rồi mất. Tao vào Thủ Đức, khi về lại Ban-Mê-Thuột tao chợt nhớ Lê và đi tìm mới biết Lê đã lấy chồng.
-
Tình học trò thật dễ quên, nhưng lại dễ nhớ, phải không mày? Tuy nhiên chỉ một xúc tác nhỏ xáo trộn tâm tư là hình ảnh cũ chợt về, khổ nỗi cái hình bóng trở về đó lại là dáng xưa, cho nên sau mấy chục năm, mày và tao có gặp trước mặt cũng chẳng biết, vì họ có đàn con theo sau, và thời gian lam lũ với mưu sinh đã làm vóc dáng họ đổi thay…!
Tôi nhìn Ẩn vẻ thách đố.
-
Vậy mày có muốn làm quen với người đẹp đứng trước mặt để thay Lê của mày không?
Ẩn lắc đầu:
-
Thôi mày, bậy quá đi…! Tình yêu đâu có thể thay thế người này với người kia?
Tôi tinh nghịch như hồi còn học sinh, chuyện của người thì tôi làm tới nhưng ngược lại, chuyện của tôi thì tôi mù tịt im khe. Tôi vừa bước tới cạnh người con gái đang vui vẻ với bạn bè trước mặt chúng tôi, tôi nói với Ẩn.
-
Để tao đi hỏi vợ cho mày…!
-
Thôi mày để cho người ta yên. Ẩn nói với theo.
Nhưng đã muộn, tôi đã bước tới trước mặt người con gái có suối tóc thề bay bay trong gió chảy từ đôi vai tròn ôm vào cái eo thon. Nàng đưa đôi mắt tròn đen nhìn tôi trong khi tôi gật đầu chào nàng.
-
Xin lỗi cô, tôi tên Nguyên. Anh bạn của tôi đứng kia xin cô cho chụp một tấm hình, vì cô đẹp quá làm bạn tôi ngây ngô.
Cô bé quay lại nhìn mấy người bạn, và với giọng Huế như chim cô nói nhỏ với họ.
-
Anh chàng này dị quá đi…! Vô duyên…!
Tôi không để cho cô bé có phản ứng kịp để chối từ, nên với gọi Ẩn.
-
Ngọc Ẩn, Cô… bằng lòng, vậy mang máy ra đây chụp đi. Xin lỗi để tiện xưng hô, cô tên gì nhỉ? Tôi tên Nguyên…
Một người bạn của cô bé nhanh nhẩu:
-
Tên Song Uyển, tôi tên Nhung, còn đây là bạn tôi tên Hòa.
Tôi cười làm lành, và để che giấu sự nghịch ngợm trong lòng, tôi gật đầu thêm lần nữa, và nói:
-
Xin chào Song Uyển, Nhung và Hòa. Chắc ba người đều học trường Nữ Võ Tánh?
-
Không, tôi học Lê Quí Đôn, Hòa học trường sinh ngữ Phi Yến, Song Uyển học Nữ Võ Tánh.
Ẩn bước lại .
-
Xin chào ba cô Uyển, Nhung và Hòa.
Tôi giật máy ảnh trên tay Ẩn, bước lùi lại phía sau, chụp vội một tấm, sau đó tôi nói với mọi người:
- Chụp ba không tốt, thôi Ẩn đứng vào chụp lại đi.
Nhưng tôi lùi và bất chợt vấp té quỵ gối xuống mặt đá gồ ghề, máu rớm ra và thấm qua quần chỗ đầu gối. Song Uyển và nhóm bạn của nàng nhìn thấy, vội bước lại, trong khi Song Uyển với giọng Huế nàng nói:
-
Trời ơi…! Anh có sao không? Rách quần rồi, máu thấm ra rồi…!
Tôi ngồi dậy, kéo ống quần để xem vết thương, trong khi Song Uyển không suy nghĩ đã đưa khăn tay của nàng cho tôi, nàng nói:
-
Anh lấy khăn này cột băng lại, rồi về thoa thuốc mới mau lành.
Tôi cầm lấy khăn của nàng, gật đầu cám ơn, nhưng không cột để băng lại như nàng đã dặn. Tôi ôm tay Ẩn và chào cả ba người để về nhà. Sự thật chân tôi đã quá đau nhức, và cần về nhà để lo thuốc.
Tôi đợi cả tuần lễ tại cổng trường Nữ Võ Tánh để tìm Song Uyển, hầu trả cho nàng cái khăn và cũng là cái cớ làm quen, nhưng nàng vẫn biệt tăm. Tuy nhiên, có duyên với nhau là sẽ gặp…! Tôi có thói quen ngồi ở ki-ốt số 5 uống bia và nhìn hoàng hôn trên biển trong khi Ngọc Ẩn bận công tác không thể đi chơi với tôi. Bất chợt Song Uyển xuất hiện trên triền dốc cát gần mặt nước. Nàng mặc quần tây trắng và chiếc áo polo màu xanh đậm với mái tóc cột đuôi gà đã vô tình lột hẳn vẻ đẹp tây phương lồ lộ gợi tình gợi cảm của nàng. Tôi nhìn chăm chú vào thân hình Song Uyển trong khi nàng đang đùa với bọt sóng nước vừa tràn lên dốc cát rồi rút xuống nhanh chóng để tiếp tục cuộn nước tiếp tục làm thêm những làn sóng vỗ bờ khác của biển.
Tôi lẳng lặng bước tới bên nàng mà nàng không hay.
-
Chào Song Uyển.
Song Uyển trố mắt nhìn tôi như vẻ không quen. Tôi vừa vội bước vài bước khập khễnh vừa nói với Song Uyển trong khi tay tôi đưa chiếc khăn trước mặt nàng.
-
Uyển còn nhớ không? Tôi là kẻ xui tận mạng, chụp hình cho Uyển và mấy người bạn của Uyển cùng người bạn của tôi ở Hòn Chồng rồi bị vấp ngã đó. Tôi tìm Uyển để trả lại chiếc khăn cả tuần nay nhưng không thấy Uyển đâu cả.
Song Uyển có vẻ bối rối, nàng cúi mặt nói nhỏ.
-
Ồ ra là anh Nguyên. Anh tìm Song Uyển ở đâu?
Tôi mỉm cười cầu tài, với thoáng vui, vì tôi biết nàng nhớ tên tôi, nhớ tên có nghĩa là đã cho tôi một chút hy vọng bước đầu của cuộc vui sẽ tới. Tôi chậm rãi nói cho nàng nghe trong khi sóng biển liên tiếp vỗ bờ, nước và bọt trắng xô lên ôm lấy chân nàng.
Tôi lấy giọng chân thành hầu lấy cảm tình của nàng.
-
Tôi chờ Song Uyển ở cổng trước trường Nữ Võ Tánh. Ngày nào tôi cũng đứng chờ ở đó chờ Song Uyển tới khi không còn người, nhưng thất vọng lại quay về, hôm nay may qua chúng ta gặp lại…!
Song Uyển vẻ ngạc nhiên pha lẫn chút cảm động, nàng
n
ói: - Trời đất, Song Uyển thường đi về lối cổng sau, vì gần nhà Uyển hơn. Nhà Uyển ở đường Yersin gần trường Bá Linh. Uyển đâu có biết anh mang trả khăn đâu, mà Uyển đ
Trong khi tôi bước lại gần Song Uyển thì nàng lùi lại mấy bước để giữ khoảng cách giữa tôi và nàng, và nhìn quanh.
-
Coi chừng mệ và em của Uyển ở chỗ kia kìa. Uyển vừa chỉ vừa nói ấp úng vẻ ngượng nghịu.
-
Tôi có làm gì Uyển đâu! Tôi chỉ trả lại chiếc khăn thôi mà…! Sao Uyển lại bước lùi vậy?
Song Uyển vội lắc đầu, nàng nói nhanh rồi chạy lại chỗ mẹ và em nàng.
-
Mệ biết kỳ lắm…! Thôi tặng anh đó, Uyển không lấy lại đâu.
Tôi cầm chiếc khăn, bỏ vào túi quần, đi theo và nhìn nàng đang chạy trên cát với thân hình vừa tròn mộng tuổi xuân đầy mong ước hạnh phúc.
Tóc thề óng ả bãi chiều
Hồn anh bỗng chợt xiêu xiêu sóng tình.
Tôi được mẹ của Song Uyển chấp nhận là người quen trong nhà và tin tưởng tôi như con cháu từ ngày tôi gặp lại Uyển trên bãi biển và trả lại cái khăn trên tay mẹ của Uyển, sau khi tôi thành thật kể lại cho bà nghe chuyện gặp Uyển và tai nạn bất ngờ của tôi tại Hòn Chồng, nhưng tôi giấu sự sỗ sàng đầu tiên khi làm quen Song Uyển để được lòng bà.
Hai năm vội qua ba đứa tôi đi chơi chung mỗi cuối tuần vui lắm, và Song Uyển vì cớ gì đó thân tôi hơn, nhưng Ngọc Ẩn bạn tôi lại yêu cô bé đến nỗi anh chàng thú với tôi trong một đêm hai đứa gác cẳng lên nhau nói chuyện tình trong hơi rượu:
- Tao phải lấy Song Uyển, mày nhường cho tao đi.
- Tại sao mày nói với tao điều này?
Ẩn ngồi dậy, nhìn vào mắt tôi, hắn khật khừ phân trần:
-
Vì năm nay là năm cuối, Song Uyển nếu không lấy chồng thì phải vào Sai Gòn học Ðại học, mà nếu nàng đi là tao mất nàng mày hiểu không?
Với thái độ dửng dưng, tôi gật đầu.
-
Tao biết, vì mẹ Song Uyển có nói với tao chuyện Song Uyển sẽ về Sài Gòn học dược, nhưng mày yêu Song Uyển thật sao? Nhưng mà Song Uyển lại không thích mày thì làm sao đây?
- Mày nghĩ kế cho tao. Nhưng dường như Song Uyển không yêu tao mà yêu mày.
-
Tại sao mày khẳng định chuyện này?
-
Nhìn hành động của Song Uyển là tao biết.
Tôi nhìn sâu vào đôi mắt Ẩn, và hiểu được Ngọc Ẩn đã yêu Song Uyển với con tim chân tình, trong khi tôi cũng mơ hồ rằng dường như trong sâu thẳm nào đó tôi cũng ghép hình bóng Song Uyển lẫn lộn giữa tình em gái và tình yêu, nhưng tình yêu của tôi đã không sâu đậm như Ẩn, vì tôi rất thân với Uyển, và cũng chính vì sự gần gũi này mà con tim tôi đã không có chút rung cảm nào, nó nằm yên tự tại trong nỗi vui đùa bè bạn anh em. Nay Ẩn nói với tôi, hắn yêu Uyển, bất chợt con tim tôi như bị cái gai chích nhẹ vào và chợt cảm nhận được tình của Uyển đối với tôi nhẹ nhàng và đợi chờ, trong khi tôi như người ngây ngô chẳng biết gì hơn ngoài sự vui chơi bạn bè trong tình thân tin tưởng của ba má Song Uyển. Có đôi khi tôi mang những lời kẻ cả đàn anh ra dạy Uyển trước mặt mẹ Uyển, và đã làm nàng rưng lệ muốn khóc, rồi chạy trốn vào phòng riêng.
Tuy nhiên, giữa bạn và tình yêu mà tôi chưa bao giờ nói ra với Uyển, tôi đành giữ kín vì tôi đã hiểu được tình Ngọc Ẩn đối với Song Uyển rất chân thành. Tôi nói với Ẩn như một sự chối từ tình yêu của Uyển.
-
Tao không thích chuyện yêu thương này, chỉ lấy nàng làm người mẫu trong thơ mà thôi. Khi nào tao quên Diễm Diễm tao sẽ cho mày hay.
- Nhưng Song Uyển đọc thơ của mày viết, nàng cứ tưởng mày viết cho nàng…!
-
Trời đất, thơ là thẩn, mày biết không? Tao sẽ có ngày nói với Uyển chuyện này. Bộ tiếng sáo của mày không làm nàng chết điên người lên hay sao…! Nàng khen mày thổi sáo hay mà...!
- Nhưng có bao giờ Uyển ôm vai tao như ôm vai mày một cách thân thiết trìu mến đòi quà đâu nào?
- Ừ nhỉ, tao không để ý, vì tao coi cô bé như em, hay bạn bè...!
Sau một tuần suy nghĩ tôi nói với Ngọc Ẩn trong khi tôi chở Ẩn bằng Honda của tôi từ làng Thanh Hải về Nha Trang:
-
Tao sẽ dàn cảnh cho mày, tuy nhiên mày phải cưới cô bé, nếu không bà cụ cô bé sẽ bốc mồ mả ông nội tao lên là mày không sống nổi với tao.
Sau khi hai đứa thỏa thuận và bắt tay trong sự thông cảm, tôi âm thầm xa dần Song Uyển trong trạng thái chẳng đặng đừng cho Ngọc Ẩn có sự an bình. Mặc nhiên lòng tôi có một chút buồn phiền, ghen tuông ích kỷ, trong khi Song Uyển không biết lòng tôi ra sao đối với nàng và Ngọc Ẩn càng ngày lún sâu vào tình cảm một chiều không lối thoát.
Đã hứa với Ẩn nên tôi đành bấm bụng gạt qua hình bóng cô bé mỗi lần tôi tới nhà là ôm cổ nũng nịu đòi quà.
Tôi ngủ tại nhà Ẩn, dậy sớm bước ra sau và đi trong những hàng dừa lòng miên man nghĩ tới thằng bạn từ thủa nhỏ có tài thổi sáo (học trò Nguyễn Đình Nghĩa) trong một buổi sáng thật đẹp trời của làng Thanh Hải. Nắng mới bình minh của sớm mai đang lên soi nghiêng qua những kẽ lá dừa nhẩy nhót trên tường nhà trong hơi sương còn lạnh, vài con chim từ đâu bay tới đậu trên ngọn dừa hót líu lo, sóng biển rì rào vọng lại từ xa như tiếng gọi.
Sau khi mặc quần áo, tôi viết lại cho Ẩn vài câu rồi lấy xe Honda chạy về Nha Trang trong ánh nắng đang lan dần vào không gian cho một ngày mới của ngày thứ bảy. Tôi chở Song Uyển vào làng Lương Sơn gần Đồng Đế, Nha Trang, sau ngọn núi có hình dáng cô gái nằm ngửa chân co chân duỗi vẻ đợi chờ và muôn đời xõa tóc ra biển xanh.
Sau khi ba đứa tôi gặp nhau tại điểm hẹn, tôi đột nhiên kiếm cớ có chuyện riêng phải về đơn vị rồi không trở lại đón Song Uyển ngày đó. Ngày hôm sau Chúa nhật, bé Song Uyển và tôi cãi nhau một trận trước mặt má Song Uyển về chuyện bỏ nàng lại cho Ẩn, và từ đó tôi bị cô bé từ luôn không nhìn mặt.
Sau một năm Song Uyển vào Sài Gòn học, Ẩn đã vui vẻ đi lại Sài Gòn - Nha Trang trong những ngày phép để thắt chặt tình yêu giữa Ẩn và Uyển. Nhưng không biết vì sao mẹ Uyển không chịu gả Uyển cho Ẩn và dì Sáu cũng không chịu cưới Song Uyển về làm dâu…!
Tôi thương bạn và buồn cho tình yêu của Ẩn. Tôi biết tuổi học trò Ẩn đã yêu Lê thật lòng nên tối nào Ẩn cũng dẫn tôi đi về Suối Đốc Học và chỉ cho tôi ánh đèn le lói nhà Lê ở. Nhưng tình học trò câm nín của Ẩn đã tan hoang theo thời gian và đời lính.
Ẩn đã có thể yêu Song Uyển vì Song Uyển là người Huế và có mái tóc thề ấm lòng như Lê.
Trong một buổi tiệc say giữa bạn bè, Ẩn chở tôi về nhà, tôi ôm lưng Ẩn thật chặt rồi hỏi :
-
Ẩn à, mày thương Song Uyển thật lòng phải không?
-
Mày hỏi gì kỳ vậy…? Nhưng tao khổ lắm, mẹ Song Uyển và má tao đều không chịu.
-
Tại sao?
-
Mày không biết à…? Song Uyển Công giáo, tao Phật giáo.
Tôi giật mình, tỉnh người trong cơn say thốt lên.
-
Chết mẹ rồi…! Vậy mà tao không để ý tới chuyện húy kỵ tôn giáo tày trời này…!
Ngọc Ẩn hỏi tôi với giọng buồn phiền.
-
Mày có ý kiến gì không?
-
Tao có mưu lược cho mày cưới được Song Uyển, nhưng mày phải thề. Tao mới làm cho mày được.
Ngọc Ẩn chợt thắng xe lại, bảo tôi xuống xe, và kéo tôi vào vỉa hè ngồi trước mắt ngạc nhiên của người đang đi trên hè phố Độc Lập. Ẩn ôm vai tôi vẻ cầu khẩn.
-
Tao lạy mày! Mày bảo sao tao nghe vậy, miễn là tao cưới được Song Uyển và được sự đồng ý của hai bên…!
Tôi nhìn Ẩn, và ôm lấy Ẩn trong tình bạn chân thành muốn giúp cho nhau.
-
Ai thì tao không làm, nhưng mày thì tao nhất định sẽ làm cho hai đứa mày được hạnh phúc. Nhưng sau khi tao làm mà mày không cưới Song Uyển thì tao giết mày…!
Ẩn ngó tôi chăm chú.
-
Tao sẽ cưới Song Uyển mà, nhất định, tao thề…!
-
Được rồi, thôi mày chở tao về nhà mai tính sau.
Tôi mặt lì, nên lại một lần nữa chịu đòn đức dục của hai bên, tôi phao tin động trời với bà thân sinh Song Uyển và dì Sáu má Ẩn để rồi ngồi yên nghe mỗi bà dạy mỗi điệu khác nhau:
- Tụi nó đã...! Sao anh không nói cho tôi hay, anh là người khả ố quá mà...! Tôi tưởng anh là người đàng hoàng nên để Song Uyển đi chơi với anh, anh lại làm mất lòng tin của tôi. Gia đình tôi Công giáo làm sao gả con cho người Phật giáo được.
-
Nguyên à… Dì cứ tưởng con và thằng Ẩn đàng hoàng, ai ngờ mày cũng là thằng mất dạy… như thằng Ẩn con của dì...! Làm sao dì cho Ẩn cưới người Công giáo vào gia đình này chứ…!
Với hai người khác nhau, nhưng tôi cũng chỉ cúi đầu xin lỗi, và thưa cùng họ rằng:
-
Dạ thưa Công giáo và Phật giáo, bên nào cũng dạy từ bi, bác ái mà…! Chúa, Phật đâu có dạy con người làm điều ác đâu…!
Con xin chịu lỗi, là không cản thằng Ẩn và em Song Uyển, nhưng lỡ rồi… Thôi tùy phúc phận hạnh phúc hay đau khổ trong tình yêu này của tụi nó, nếu xảy ra chuyện gì con không chịu trách nhiệm nữa. Con chỉ biết báo cáo mà thôi…!
Ván bài tháu cáy này thực đã hiệu quả, Song Uyển bị gọi cấp tốc về Nha Trang tức khắc, và dì Sáu hối hả nhờ tài xế lái xe đi Nha Trang từ Ban-Mê-Thuột, sau đó dì nhờ tôi dẫn tới nhà ba má Song Uyển. Dì Sáu lại còn chịu cho Ngọc Ẩn theo đạo Công giáo như ba má của Song Uyển đòi hỏi, sau khi dì cho Ẩn và tôi và tôi một bài giáo dục hai tiếng đồng hồ.
Thế là Ngọc Ẩn và Song Uyển tìm được hạnh phúc sau khi tôi bị ba lần cúi đầu nghe phán xét tội trạng.
Mấy chục năm trôi qua, Ngọc Ẩn, Song Uyển đã có bốn con và mấy đứa cháu nội ngọai. Tôi lạc bầy bỏ nước lưu lạc xứ người, vẫn liên lạc với gia đình Ẩn để biết được rằng: Ngọc Ẩn vào tù cải tạo chín năm, Song Uyển một mình nuôi con, thăm chồng lo cho mẹ bằng đôi tay yếu đuối khẳng khiu học trò thủa nào.
Sau khi chúng tôi ôm nhau khóc ngay tại phi trường San Jose qua chương trình HO của Ẩn với nỗi mừng vui thân thiết như ngày còn tuổi dại, và sau khi Song Uyển biết rõ những nỗi oan của tôi do Ngọc Ẩn kể lại trong những ngày hai vợ chồng khổ cực của nạn Miền Nam bị cưỡng chiếm, người vợ của bạn tôi vẫn còn trách tôi trong ngày gặp lại đầu tiên trên xứ người:
- Anh Nguyên thật là đồ quỷ sứ! Chết không chừa cái tính hoang đàng...! Anh Ngọc Ẩn nhà tôi hiền ru à… Thương vợ con hết chỗ chê…! Không có anh Ẩn làm niềm tin cho tôi sau 1975, tôi không biết tôi sống ra sao trong khi anh bị Cộng Sản bắt đi tù cải tạo…!
Ôi sao tiếng Huế ngọt ngào như mía lùi! Tôi mong cho Ngọc Ẩn và Song Uyển luôn vui vẻ, an bình tại xứ người, và riêng Ngọc Ẩn vẫn luôn mãi mê mệt cả đời như uống rượu say trong hạnh phúc như thủa nào...!