PDA

View Full Version : Nỗi băn khoăn



loibangTQLC
09-15-2009, 06:04 PM
Nỗi băn khoăn



Mỗi năm cứ vào mùa nắng lòng tôi lại chùng xuống nhìn nhũng con bướm vàng (Monarch) có vài chấm đen trên cánh tụ lại từng nhóm trên đất ẩm rồi cất cánh bay về hướng bắc, khi thời tiết nóng của mùa hè Cali trở lại. Những cánh bướm vàng chấm đen như những hồn thu chao đảo trong không gian rồi mất hút trong nắng trưa. Thân bướm yếu ớt cách mỏng nương gío bay về hướng bắc, và chắc chắn chúng không biết còn được bao nhiêu con có khả năng bay về miền đất quê xa xôi ngàn trùng yêu dấu !
Ấy vậy, chúng vẫn thản nhiên tung cánh, vẫn hợp quần và hiên ngang coi cuộc hành trình có nhiều gian nguy của gió bão mưa sa, và có nhiều đổi thay bất ngờ của cuộc sống. Vài con bướm có thể bỏ xác giữa đường như một thách đố cho kiếp sống mong manh, và những con bướm khác sau khi đã tới nơi mộng ước cũng chắc gì còn đủ sức để vươn lên, hay cuối cùng lại bỏ xác nơi quê hương mà chúng hoài vọng bay về, để ngửi được mùi đất xưa cho dù xác đã cỗi và cánh đã tàn…!
Nhìn vào những con bướm Monarch lần lượt bốc cánh bay, lênh đênh và chập chờn trong gió nhẹ, tôi sực nhìn vào đời tôi đã ba lần tỵ nạn cộng sản, lần thứ nhất bỏ làng, lần thứ hai bỏ Hà-Nội và lần cuối đứt đoạn lìa quê làm thân phi xứ. Mỗi bước tôi chạy thoát sự nguy hiểm trong gang tấc để giữ lại đời sống khỏi gông cùm Cộng Sản, là dường như tôi xa dần nơi thân yêu quê nội. Mỗi lần chạy, tôi đều vội vàng bỏ lại người thân, bỏ tất cả những ước mơ vàng son đã xây dựng, để quơ vội những kỷ niệm nỗi nhớ mang theo làm hành trang cho đời mình với hai bàn tay trắng.
Bây giờ là cuối năm Ât Dậu, ba mươi năm tôi đã xa Ban-Mê-Thuột, miền đất đỏ phì nhiêu mà tôi đã lớn lên với mộng tuổi trẻ giữ nước, vui sông hồ, nhưng nghìệt oan không ngờ tôi đã nửa đời làm thân tầm gởi.
Tôi đã bỏ lại sau lưng bụi đỏ tung mờ theo lốc xoáy trong nắng ấm, hương hoa cà-phê trắng xoá trên đồi, rừng mai bên sông gần cầu 14 với những cành đẫy nụ hoa vàng của mỗi độ xuân về, và chỉ còn lại trong hồn tôi tiếng nước đổ của thác Draylinh ầm ầm réo gọi xôn xao trong những mùa mưa lũ.

Quê nhà em về, hoa mai hoa mận nở
Xứ lạ anh đi, ngõ vắng pháo trong lòng.

60 năm tôi đã bỏ Hà-Nội và làng Thành Lập quê xứ Bắc theo cha xuôi Nam để ôm lấy tự do hạnh phúc đời người. Xuân quê xứ bắc có hoa đào nở, có cúc vàng tươi như lụa Hà-Đông, có hoa thủy tiên với lá hoa vươn lên theo cách gọt củ của từng người chơi, có pháo nổ trên ngọn cây nêu, và nắng ấm trong sớm mai gây lạnh của mùa đồng vừa dứt.
Mùa xuân Hà-Nội với những gánh hàng hoa đủ màu sắc trên vai của những cô gái làng Ngọc Hà gần Ba-Đình tràn ra trên phố, lan ngang qua Kim Mã, Khâm Thiên, rồi chạy vòng quanh Hồ Hoàn Kiếm, hàng Ngang, hàng Đào, cuối cùng đổ xuôi xuống chợ Đồng Xuân và theo đường Bạch Mai về chợ Mơ.
Mùa xuân Hà-Nội ngày tháng cũ yên vui áo mới với bánh mứt hạt dưa,
vậy mà tôi đành đoạn bỏ đi 50 năm và chỉ một lần quay lại rồi dặn lòng thôi từ đây chắc là giã bìệt…!
Nhiệt độ nóng tại thành phố San Jose có hoa vàng đã giảm, nắng trưa chỉ còn đủ ấm để hun cho lá xanh đổi màu, và gió đã có chút lành lạnh gây nhớ về buổi chiều, đủ để chuyên chở mùa thu trở lại với lá vàng hiu hắt, cho mùa đông xót xa lạnh giá và tiếp đó là mùa Xuân của hy vọng vươn lên trên xứ người có nhiều khát vọng bon chen, có nhiều quyến rũ bạc tiền, và cũng có nhiều đắng cay trải dài trong cuộc sống tạm dung…!
Một chu kỳ sáu mươi năm của nạn đói Ất Dậu đã sắp qua, và cha tôi cũng đã bỏ lại tất cả ước mong, chôn thân xác trên đất khách để hồn bay về quê nội, nơi cha tôi hằng mong mỏi khi còn sinh thời. Cha tôi đã thật về quê !
Khi cha tôi còn sống, mỗi bữa ăn cha tôi thường nhìn con cháu ăn uống, và dặn dò cặn kẽ : Các con các cháu đừng bao giờ bỏ phí miếng ăn, hạt cơm là hạt ngọc. 1975 định mệnh xoay vận nước và đã cho các con sự may mắn chạy ra khỏi cái ngục lớn Cộng Sản đang trùm xuống cả nước, nên phải thương tới những kẻ chưa thoát được quốc nạn. Họ khổ sở lắm đó, sự khổ sở đói khát của dân quê chắc cũng gần như năm Ất Dậu. Dân ở tỉnh còn lấy lất xin ăn, chứ dân quê chỉ trông vào ruộng đất khô, nếu mất mùa mà còn phải đóng thuế nặng cho các cán bộ vùng thì chỉ còn ăn rau trừ cơm và chết đói…! Những ông chủ nhân 1975 như loạn sứ quân này còn ác hiểm hơn là thực dân Pháp. Thực dân Pháp bắn giết dân chúng là tại bị Việt Minh lừa gạt trong tuyên truyền, chiến tranh. Việt Minh bắn giết quân Pháp rồi lẫn trong dân và lấy dân làm lá chắn, trong khi thực dân Pháp nhìn người Việt thì gần như họ không hiểu ai là thù địch, nên đã có những hành động bất nhân. Dĩ nhiên thực dân Pháp vẫn là những kẻ đi chiếm đất mới và tròng vào cổ dân Việt cái xích lô nệ, nên người Việt có lòng vì nước đều muốn đuổi họ đi.
Việt Minh Cộng Sản thì khác, họ là người Việt cùng chung văn hoá, lịch sử thăng trầm của quê hương, nhưng họ đã chối bỏ và chụp lên đầu dân cái cũi khủng bố diệt chủng hàng ngày. Thực dân Pháp coi người Việt là lô nệ, nhưng Cộng Sản coi người Việt như con vật là công cụ để chúng sử dụng. Các con phải nhớ rằng người Việt Minh Cộng Sản mà giết người Việt được thì không còn gì để họ từ chối không làm!
Cái kỹ thuật giết người ghê gớm nhất của Cộng Sản sau 75 là họ giết người hàng loạt trong các trại tù cải tạo gần rập khuôn với Đức quốc xã giết dân Do Thái của thế chiến thứ hai. Cộng sản khác Đức quốc xã ở chỗ lùa những người lính VNCH vào trại tù với danh nghĩa êm đẹp là học tập cải tạo, nhưng sự thực là họ lùa dân quân vào rừng sâu nước độc không bác sĩ săn sóc để giết mà không ai hay. Cộng Sản bắt những người này ban ngày làm không được nghỉ, tối về phải tụ lại học tập, đêm thì gọi từng người lên văn phòng khủng bố tinh thần, có kẻ đã bị giết bởi những đòn thù của giám trại. Họ bỏ đói tù nhân với một bát nước cháo gạo cho cả ngày lao lực, và khoai mì cân từng ký cho mỗi khẩu phần, mà khoai mì nếu ăn nhiều khi vừa nhổ lên sẽ bị bệnh phù thũng mà chết vì nhựa độc của khoai, con có biết hay không ?
Tôi lắc đầu .
- Con mới được nghe cha kể lần này mà thôi.
Cha tôi gật gật đầu, trong khi quay nhìn tôi với đôi mắt xa xôi, và dường như trong đôi mắt già nua ấy còn vương lại một chút gì kỷ niệm trong đời mà cha tôi sực nhớ ra.
- Ờ..! Con chưa ở tù trại Lý Bá Sơ trong khu tư thì làm sao biết được cái hoả ngục trên trần gian của tụi Cộng Sản đã dựng lên. Bây giờ còn hơn như vậy nữa con à. Ta còn nhớ khi bỏ khu chiến về làng, vì sợ Việt Minh theo dõi sẽ bị giết vì tội phản động, một phần sợ bị Pháp bắt, ta phải lẩn trốn khắp nơi và ẩn thân trong những bụi bờ không dám gặp ai để tìm đường về làng. Ta đã phải mất mấy ngày đói, cái đói làm con người mất hết nhân phẩm, lương tri cho nên khi đêm xuống ta đã phải đi nhổ su hào trộm và đem nướng ăn. Mà lạ thật, su hào nướng ăn ngon đáo để…!
Bống cha tôi hỏi tôi :
- Ngày mai là Tết phải không con.
Tôi gật đầu.
- Dạ, năm Giáp Thân
Cha tôi nhấc ly trà và uống một hơi cạn, tôi nhìn thấy cha có nét buồn vời vợi, trong khi cha tôi chậm chạp đứng dậy đi ra sân sau, và vẫy tay kêu các cháu đang chạy nhảy trên sân. Sau đó cha tôi nói với tôi :
- Tết trên xứ lạ đâu có gì vui phải không các con ? Cha chẳng nghe được tiếng pháo đì đùng ba ngày tết, cũng chẳng có hoa đào, hoa mai, hoa cúc để trưng trong nhà. Ra ngõ cũng chẳng gặp ai để chúc tụng, nhà nào vui nhà nấy, rồi con cháu rủ nhau bày tiệc cho qua ba ngày tết, nhiều gia đình cha mẹ cũng phải đi làm cả ba ngày tết. Buồn lắm phải không các con ?
Ngày xưa tuy Pháp thuộc nhưng dân làng ta cũng mở yến tiệc linh đình kéo cả tuần, bây giờ 90% dân trong nước hầu như ôm bụng đói thì làm sao có tết hở con ?
Cũng thế, cha tôi thường gọi các cháu lại, xoa đầu từng đứa, chỉ cho mỗi đứa một chỗ ngồi đúng với thứ bậc của nó trong gia đình và cha tôi thường nói :
- Ngồi như thế các cháu mới bìết đứa nào là cháu đích tôn của ông nội, đứa nào là anh, là em và đứa nào phải nghe lời đứa nào. Anh em như tay chân của mình các cháu biết chưa ? Cắt chân tay ra đau lắm, có phải không các cháu ?
Mấy đứa cháu nội của cha tôi đều vâng dạ vang lên như cái chợ để tỏ ra ngoan và vâng lời.
- Da…Vâng ..Vâng .. Da.. !
Sau khi các cháu đã ngồi quanh cha tôi, và yên lặng lắng nghe cha tôi kể chuyện. Cha tôi luôn nhìn quanh các con cháu một vòng rồi thở dài, với đôi mắt trĩu buồn như ứa lệ, trong khi đầu hơi cúi xuống với mái tóc trắng như tơ.
Cha tôi lần nào cũng thế, Ông đều mở đầu cho các cháu nghe bằng hai chữ định mệnh và hai chữ này dường như nó đã ăn sâu vào đời ông :
- Các cháu biết không, con người ai cũng có định mệnh cả, có dẫy dụa cách mấy cũng không thể thoát ra được. Mà định mệnh phúc hay họa đều do cái vốn phước đức của những cha ông đi trước để lại, nếu các cháu cứ ăn hết vốn này mà không biết làm phước để dành cho lớp sau, thì cái vốn sẽ hết. Nên khi lớn thành tài, các cháu đều phải biết làm phước và có lòng nhân thương người, biết không ?
- Định mệnh là gì hả ông nội ? Thằng con trai lớn của em trai tôi giơ tay hỏi ông.
Cha tôi quơ tay.
- Hây, dài dòng văn tự để giải nghĩa lắm cháu à. Các cháu dòng máu Việt da vàng mũi tẹt, ăn cơm Mỹ, học tiếng Mỹ làm sao hiểu nổi thế nào là định mệnh. May lắm là ở với ông bà, ông bắt nói tiếng Việt nên các cháu mới nói được tiếng Việt như hôm nay.
Có tiếng xì xào ở cuối sân lẫn với tiếng cười nhỏ:
- Ông không biết nói tiếng Anh.
Cha tôi nghiêm nghị nhìn về phía có tiếng nói nhỏ vừa phát ra.
- Cháu nào nói rằng ông không biết nói tiếng Anh ? Đúng, ông già rồi không học nữa, nhưng tiếng mẹ đẻ của ông, ông vẫn nhớ và nói như nói với các cháu bây giờ. Ông là người Viẹt Nam. Các cháu là người Việt Nam phải nói tiếng Viẹt Nam. Đừng quên dòng dõi mình.
Người mà quên dòng dõi mình chỉ có Việt Minh mà thôi..!
Tôi chợt nghĩ tới bài báo viết trên báo Mercury New với cái tựa “Người không có quốc gia”, tôi đã đọc lâu lắm rồi nên không nhớ tên tác giả. Đại khái cô ta viết, cô ta là thế hệ thứ bốn trong một gia đình gốc Nhật, dĩ nhiên cô ta đã sanh ở Mỹ và tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ. Cô ta có bằng Ph. D.; tuy nhiên, điều làm cho cô ta tự ái là mỗi lần cô ta tiếp xúc với đám đông bạn bè, sẽ có vài người không coi cô ta là người Mỹ, vì cha mẹ là người Nhật nên vóc dáng cô ta hoàn toàn là ngươi Á đông và nếp sống ảnh hưởng cha mẹ.
Có vài người bạn đã hỏi cô ta trong sự ngạc nhiên của họ, nhưng không có ý kỳ thị :
- Ồ, sao chị nói tiếng Anh rành rõi qua vậy ?
- Chị sang Mỹ bao lâu rồi ?
Cô ta luôn trả lời với họ :
- Tôi là người Mỹ .
Sau câu trả lời này, những người hỏi cô đều nhìn cô bằng cặp mắt nghi ngờ và mở miệng xin lỗi.
Cô ta đã suy nghĩ mãi về vấn đè này và quyết định quay về Nhật làm ăn, nhưng khi về Nhật cô ta lại không hoà nhập được với xã hội gốc rễ của cô, chỉ vì cô không nói được tiếng Nhật, và cũng không hiểu được cái cười tiếu lâm của người Nhật châm biếm sâu xa ra sao !
Cuối cùng cô ta phải trở lại Mỹ và viết bài “Người không có quốc gia”.
Cô ta đã kêt luận như sau : Tôi là người buông rơi gốc rễ và không nơi nào chấp nhận tôi trên quê hương của họ.
Tôi nhìn cha, rồi nhìn đàn cháu mà lòng chợt thấy băn khoăn, cái đau của kẻ mang kiếp sống tạm xứ người, và chấp nhận được xã hội bản xứ đồng hoá. Mãn nguyện được là công dân của người khác giống chỉ vì hai chữ “tự do”, có nhà không thể ở ! có nước mà phải lưu vong!
Ôi hai chữ “tự do” oan nghiệt để kẻ cùng nòi giết lẫn nhau rồi xô nhau ra biển đông..!
Tôi thầm nghĩ những đứa cháu đang ngồi trước mặt, mai đây con cháu chúng nó cũng sẽ có đứa quên nguồn, cũng sẽ lại là người không có quốc gia như cô gái Nhật kia…!
Bỗng cha tôi cười từ tốn sau khi uống hớp trà, chỉ tay về phía tôi, và nhìn các cháu, nói tiếp.
Thôi ông làm thí dụ là cháu sẽ hiểu ngay.
- Bác của con là một thí dụ. Này nhé bà của các cháu đang có bầu, nhưng vẫn vác cuốc ra ruộng khoai, vì ở quê phải khó nhọc mới có ăn, ai ngờ đau bụng sinh ra bác của các cháu ở ruộng khoai.
Sự giải thích hai chữ “định mệnh” bằng thí dụ đơn giản này đã làm cho lũ trẻ càng không hiểu gì, chúng nhìn tôi cười phá lên làm rộn cả sân sau. Cha tôi ra dấu cho đàn cháu yên lặng rồi ôn tồn kể.
- Bác của các cháu sinh trên nuống khoai, được hai tuổi thì gặp năm đói Ât Dậu rồi chiến tranh mấy chục năm, bác của các cháu vẫn sống nhăn ra. Ông nói sơ sơ như vật thôi nhá, khi lớn các cháu sẽ hiểu mà… sẽ hiểu nhiều hơn…!
Cha tôi nghỉ để nhắp thêm ngụm trà nguội, rôi cha tôi kể tiếp.
- Này nhé, các cháu à…! Khi ông còn trẻ… quê ngoài xứ Bắc … mỗi mùa xuân về là cả làng chia nhau xuống ao làng bắt cá bỏ chung lại một đống, và nhà nào có con trai trong năm đó là phải nuôi heo và nộp cho ban hội làng, để làng mở tiệc ăn mừng đầu năm… Họ gọi là Hàng Giáp đấy. Cả làng chia nhau mỗi người một bổn phận như mổ heo, làm cá, chẻ củi, làm bánh và nấu các món ăn trong những nồi thật lớn của làng đã mua để dùng vào việc hội hè của làng.
Khi tất cả đều hoàn toàn xong, cả làng chia nhau theo từng cấp bậc như các cháu ngồi bây giờ. Đứng đầu làng là ông tiên chỉ. Ông cố của các cháu cũng là cụ tiên chỉ đấy. Cả làng cùng nhau ngồi ăn uống, nói chuyện thật vui vẻ và hạnh phúc. Ông phải đóng Hàng Giáp cho Bác của tụi con hai con heo lớn đó..! Ba ngày tết là pháo nổ lẹt đẹt khắp trong làng, và mở hội quanh vùng huyện như : Trọi trâu trên vùng đất trống của làng Vân, hát chèo, đánh cờ người trên sân đình của làng Đọ, hoặc thi thả diều của làng ta trên sân nhà thờ. Các cháu biết không , vui ơi là vui…! Bây giờ thì hết rồi…!
Chợt mắt cha tôi nhìn lên trần nhà như dấu một nỗi buồn đã quá xa trong đời ông. Cha tôi nhìn lại mấy cháu nói với giọng trầm buồn.
- Nhưng tết Ất Dậu vì đói nên đã không có tiệc Hàng Giáp nữa. Trong mấy tháng đầu năm mỗi sáng khi mở cổng ra là ông thấy người chễt bên vệ đường…
Mẹ tôi vội cắt ngang lời cha tôi.
- Ba mươi tết mà ông nói chuyện này… xui lắm đó nghe. Chinh, con kéo cha con đi chỗ khác đi. Đừng để các cháu nghe, tụi nó sẽ bị ảnh hưởng đó…!
Tôi nhìn cha tôi mà thương cảm cho đời ông có nhiều khúc mắc băn khoăn chứa ẩn trong lòng, tuổi trẻ của ông đã đốt cháy trong tiếng gọi của thời thanh niên tiền phong, đã mê loạn vì câu độc lập tự do hạnh phúc bánh vẽ tuyên truyền gian trá của Hồ Chí Minh, để mộng của cha buông xuôi theo dòng nước sông Lô, chẳng còn gì khi ông nhận thức được sự dối trá của Việt Minh.
Một đêm cha tôi phản tỉnh bỏ chiến khu trốn về làng, và theo Quốc Dân Đảng với tên húy Ký Sê. Từ đó đời cha tôi chỉ có chạy trốn Việt Minh, thực dân Pháp và không bao giờ cha tôi ngủ một nơi trong một đêm. Cha tôi di chuyển luôn luôn và dần dà mẹ tôi không nhận đưọc tin tức.
Tôi ôm vai cha dẫn vào phòng khách, trong khi mẹ tôi bận rộn bên cạnh mấy cô con dâu trong bếp với nồi bánh chưng. Tôi hỏi cha tôi.
- Sao hôm nay cha lại kể chuyện tết Ất Dậu vậy ?
Cha tôi bấm đốt tay.
- Năm nay là năm Thân rồi, Ất Dậu sẽ kế bên thôi.
- Có gì đâu mà cha cứ phải nhớ năm Ất Dậu ?
Cha tôi quay mặt nhìn tôi, ông hỏi.
- Thế anh không biết thật à ?
- Biết cái gì chứ ?
- Nạn đói năm Ất Dậu, và những tác nhân gây nên nạn đói…!
Tôi nhìn cha tôi và gật đầu.
- Thì cũng tại Pháp, Nhật cố tình thi hành chính sách nông nghiệp có lợi cho mẫu quốc của họ. Họ bắt dân cắt bớt việc trồng lúa, và thay vào là trông đay hoặc cây kỹ nghệ.
Cha tôi ngước lên nhìn tôi sau khi ông đã ngồi xuống salon.
- Cái đó chỉ là nguyên nhân chính để gấy ra nạn đói Ât Dậu, nhưng kẻ nhẫn tâm đứng nhìn dân chết đói cả triệu lại là Việt Minh Cộng Sản!
- Tại sao vậy ? Việt Minh đều là người Việt Nam mà cha, họ không làm thế đâu, mặc dù họ gian trá bỉ ổi…! Lương tâm của họ vất đâu ?
Cha tôi lắc đầu thở dài, và nói với giọng buồn vời vợi.
- Việt Minh làm gì có lương tâm hả con ! Chú Quân của con theo Việt Minh Cộng Sản đó, nó đâu có lương tâm !
- Chuyện này thì con biết, qua hành động chú cho thuộc cấp đánh gẫy tay mẹ để hỏi tin tức của cha.
Mẹ tôi nhìn tôi lắc đầu trong tiếng thở dài, mắt mẹ nhìn cha tôi và với giọng thật buồn.
- Lúc đó anh mới 7 tuổi, và ngồi khóc trong góc phòng giam của du kích xã cùng với mẹ. Anh không nhớ sao được ! Cộng Sản không có gia đình, anh em! Mà cũng tại cha của anh..!
- Con chỉ nhớ chút ít mà thôi.
Cha tôi yên lặng trong nỗi xúc động khi nhắc tới tên chú Quân, sau đó cha tôi nói tiếp.
- Con không biết cái xảo quyệt của Việt Minh đâu…! Năm Ất Dậu, Việt Minh đã cố tình để dân đói hầu tuyên truyền kéo dân theo họ. Con có biết không ? Để có gạo, Cộng Sản đã lợi dụng người dân đói để tổ chức cướp các kho gạo cứu đói trên các chuyến xe, tàu chở gạo từ Nam ra Bắc, và chuyển vào chiến khu để nuôi quân và cán bộ. Chính vì lý do này mà nạn đói càng thêm nan giải, và đã chết hàng triệu người...! Khốn nạn thật…! Bây giờ có ai mà cản chúng nổi nữa…!
Tôi vỗ vai cha an ủi.
- Chuyện này đã lâu rồi, có ai biết được Cộng Sản làm vậy đâu.
- Con không biết à ? Nhạc sĩ Văn Cao cũng đã theo Việt Minh để cứu đói cả gia đình ông ta.. Chuyện Việt Minh giả dân đói cướp các kho gạo tiếp tế ra Bắc năm Ất Dậu người quốc gia cách mạng ai mà không biết !
- Thôi bỏ đi cha à, nhớ hoài them nhức đầu mà thôi !
- Ây, con quên rồi sao..? Các em con còn ở bên Việt Nam, dân Việt mấy chục triệu người đã và đang ngất ngư vì đói ! Làm cực nhọc cả ngày không mua nổi chén gạo ! Con phải nhớ tới dì Chúc và gởi tiền cho Dì ăn tết nghe chưa. Dì con khổ vì các con đó.
Tôi rưng lệ nhớ tới dì, em mẹ tôi. Dì đã không lấy chồng và ở bên mẹ để lo cho các cháu trong thời loạn ly khi cha tôi biệt tích trốn chạy Việt Minh, và thực dân Pháp.
Năm 1954 Dì cũng muốn theo mẹ ra đi, nhưng bà ngoại già nua không thể đi dưọc, nên dì đã khóc mấy đêm trước khi cha mẹ tôi bỏ làng ra đi. Dì ở lại miền Bắc để lo cho bà ngoại, nhưng đã bị Cộng Sản ép dì phải lấy người thương binh Cộng Sản như một ân huệ lấy chiến sĩ làm chồng, và từ đó đời dì lại phải mang thêm một gánh nặng, mẹ và người chồng thương binh bất đắc dĩ không yêu thương.

1995, nghe lời cha, vợ chồng tôi mua vé máy bay về Việt Nam ăn tết và thăm quê nội. Trước khi mua vé máy bay tôi rất hồ hởi và nôn nao muốn được nhìn lại VN sau 20 năm tôi tha phương tỵ nạn, và quê nội sau 60 năm mịt mờ trong trí nhớ, nhưng khi cầm hai vế máy bay lòng tôi như chùng lại. Tôi để mặc Mỹ Thanh sắp xếp những thứ cần thiết cho một chuyến đi về nơi tôi mong ước từ mấy chục năm, nhưng khi đã có thể thực hiện được lòng tôi bỗng chốc dửng dưng nguội lạnh, cái nguội lạnh như một kẻ đang dự định chuyến du lịch thăm phong cảnh ở nơi không phải quê hương mình, và chẳng đặng đừng phải đi.
Tôi không muốn trở lại Việt Nam…! Không phải tôi muốn vất đi tất cả dĩ vãng, và chối bỏ chính mình. Không phải tôi đã thật sự thay lòng đổi dạ để quên đi quê hương, và anh em tôi đang nghèo đói, nhưng trước mặt tôi đã sừng sững cái nhà tù khổng lồ cả nước, cái nhà tù mà tôi cùng với mấy triệu dân Việt Hải ngoại đã cố gắng chạy thoát trong gang tấc.
Đã có bao nhiêu người vượt biển, đi bộ qua những hiểm nguy mất xác trên biển cả mênh mông và rừng hoang đầy thú dữ, để kẻ mất vợ, người mất chồng, và cha mẹ, con cái phải đứt ruột mất nhau trong kinh hoàng từng ngày từng đêm trên đường trốn chạy. Đã có biết bao đau thương của cảnh bắt cóc, cướp đoạt hành lý, cưỡng hiếp trinh tiết đã xẩy ra cho họ trên bước đường đi tìm tự do chỉ vì không thể sống chung với Cộng Sản, và nhóm lãnh đạo không có lương tri.
Những đớn đau của người vượt biển, đi bộ đã làm lương tâm thế giới sửng sốt mở lòng nhân cứu giúp. Nhưng sao bây giờ tôi lại quay về và muốn chui vào trong cái nhà tù vĩ đại mà tôi đã may mắn thoát ra.
Cũng thế tôi biết chắc chắn rằng trong cái gông cùm vĩ đại đó có cạm bẫy giết người, và sự bất ổn thường trực có thể sẩy ra bất cứ lúc nào cho tôi và mọi người.
Thật oan nghiệt đau đớn chẳng đặng đừng chỉ vì tình quê, tình ruột thịt, và nỗi đau kỷ niệm một đời, mà một số đông người Việt hải ngoại thật tình đã phải nhắm mắt bước vào cái cũi để tự giam mình, để tự cảm thấy mất tự do, và luôn luôn phải chú ý nghi ngờ hang động của mọi người chung quanh, cuối cùng tôi cũng sắp sửa bước vào như họ..!
Cái mâu thuẫn trong tôi là thế, yêu tự do, chết vì lý tưởng công bình bác ái xã hội, cũng như không chấp nhận chế độ Cộng Sản, nhưng khi thoát khỏi cái chế độ có đầy xảo trá, khủng bố và có thể nguy hiểm tới tánh mạng, thì chính lòng mình lại nhói lên một niềm đau vong quốc, một nỗi nhớ ngút ngàn kỷ niệm, với những xót xa cho người thân còn lại bên kia bờ Thái Bình Dương.
Tôi ở bên này của thế giới tự do có đủ mọi phương tiện và no đủ
đến nỗi phải sợ bệnh không dám ăn, trong khi anh em tôi đang chết dần mòn vì đói rách từng phút từng giây, lúc nào họ cũng chỉ ước ao có chén cơm muối đầy, có tấm áo vá cho ấm thân, và họ đang đưa tay ra cho tôi nắm. Tôi đã không thể quay mặt và tôi đã nắm chặt lấy tay họ. Nước mắt tôi đã rơi để ôm lấy họ như ôm chặt lấy nỗi đau của đời mình. Chính người Cộng Sản Việt cũng nhìn thấu nỗi đau chung này của dân Việt Hải ngoại để lợi dụng cho đảng của họ được vững và họ được vinh thân phì gia ngồi trên đầu, trên cổ dân!
Từ đó trong lòng tôi tự tạo nên một vũng lầy cho hồn tôi cắn rứt, dẫy dụa, và không thể thoát khỏi trong sự chọn lựa dứt khoát..! Những người Việt hải ngoại đều không cố ý muốn nhốt hơn 80 triệu dân Việt quốc nội vào cái cũi thú vĩ đại, để cho những người Cộng sản lợi dụng, và rút tỉa sức lao động của họ cho tới chết. Nhưng hành động lại trái ngược với ý trí của họ trong cái băn khoăn phải, trái rã rời giữa gia tộc anh em với câu “bầu ơi thương lấy bí cùng”…!
Gởi tiền giúp người thân hoặc đi về Việt Nam là đã gián tiếp nối tay xấy dựng chế độ Cộng Sản, bằng chứng đã 60 năm kể từ ngày đảng Cộng Sản Đông Dương thành lập. Một thời gian quá dài để người dân Việt biết thế nào là sự tàn ác của Cộng Sản, và đã chán chế độ bất lương này tới tận xương tủy. Nhưng đảng Cộng Sản vẫn càng ngày càng thêm vững mạnh để phát triển chính sách khủng bố, cướp đoạt cũng chỉ vì nỗi đau ruột già anh em mà người dân Việt có hơn bốn ngàn năm nhân nghĩa, anh em như thủ túc nên đã không thể cắt bỏ.
Chế độ Công Sản Việt Nam như một con ký sinh trùng khổng lồ đang bám vào hơn 80 triệu dân quốc nội, và đang dưa tay ra để bám vào dân Việt Hải ngoại bằng những quyết nghị, những lời kêu gọi hoà hợp hoà giải gỉa tạo, và cài những tên phản gián trong cộng đồng người Việt Hải ngoại hầu gợi lên lòng thương nước yêu nòi của kẻ xa quê, hầu bòn rút tiền bạc từ Hải ngoại gởi về cho người thân (gần ba tỷ đô la mỗi năm).
Tiếc thay cũng có nhiều kẻ vì lợi đã tiếp tay cho Cộng Sản trong chính sách hút máu này bằng đủ mọi bùa phép như văn nghệ, báo chí giao lưu, thậm chí có vài người đã nhắm mắt để không nhìn thấy sự đau khổ của những người Việt quốc nội, họ đang tâm kinh tài cho Cộng Sản, và hô hào đoàn kết dân tộc, nhưng không bao giờ hô hào giải thể chính sách bạo quyền, hoặc hạ bệ xác Hồ Chí Minh.
Mỗi lần Công Sản hoà hợp hoà giải thì ngay sau đó sẽ có những cuộc thanh trừng đẫm máu từ chính tay người Cộng Sản gây nên.
1946 Đông Minh Hội, Việt Minh đã phản bội lòng tin của các đảng phải quốc gia, họ đã ngang nhiên tiếm quyền, ám sát và mật báo cho thực dân Pháp bắt các nhà lãnh đạo quốc gia , và đã làm Hà-Nội xôn xao sợ hãi một thời, khi nhìn thấy xác những vị lánh đạo đảng phái quốc gia lần lượt nổi lên mặt nước của hồ Aler gần Kim Mã, Khâm Thiên.
1956, Cộng Sản cải cách ruộng đất tại Miền Bắc cố ý san bằng địa chủ, hoặc cướp cạn những người dân quê có tiền, và cũng để cướp đất của dân. Cộng sản đã gây ra cảnh đẫm máu kinh hoàng trong chính sách dã man này. Chính Hồ Chí Minh cũng phải giả bộ nhỏ vài giọt nước mắt cá sấu để xin lỗi và gạt lòng dân.
1956 thảm sát dân làng Quỳnh Lưu khi người dân đứng lên đòi hỏi sự công bằng của chế độ về ruộng đất.
1968 sau khi kiểm soát Huế vài ngày, Cộng Sản đã đẩy những công chức, lính VNCH, Sư, Linh Mục, công chức và những người dân chống đối xuống những hố đã đào sẵn để chôn sống. Cả ngàn dân Huế đã chết tức tưởi ngay trong những ngày đầu tết nguyên đán Mậu Thân.
1975 một cảnh tượng diệt chủng của Cộng Sản đã lùa cả triệu quân nhân VNCH vào trại cải tạo để bỏ chết đói dần mòn, và họ cũng đã đẩy vài triệu dân thành phố vào kinh tế mới, với hai bàn tay trắng không có sự giúp đỡ, mà trái lại đã bị ngược đãi bằng sự khủng bố tinh thần của những cai ngục cộng Sản, hoặc phó mặc dân đói gục bên ven rừng.

Tôi là thế…! Tôi đã mâu thuẫn với chính tôi và đối với mọi người !
Tôi nói là sẽ không về Việt Nam và chỉ về khi nước thanh bình, nhưng tôi đã cầm hai vé máy bay của hãng hàng không Eva và sẽ về Việt Nam.
Tôi đã phản lại lời tôi một cách dễ dàng qua sự bao che bởi tình nghĩa
anh em oan nghiệt và sự cắn rứt của lương tâm.
Chiêc phi cơ dần hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất, trong khi lòng tôi bồi hồi khó tả, bất chợt lá cờ đỏ thoáng qua cửa sổ phi cơ, và những ụ mái cong, hầm núp pháo kích của những chiếc phi cơ F5 xây bằng xi-măng dần xuất hiện bên phi đạo đã làm tôi nghẹn lòng, và mắt thấy cay.
Tôi đã khóc thương những thằng bạn đã nằm xuống bên hai phi đạo vì pháo kích của địch vào phi trường , và tôi cũng chợt se lòng khi sực nhớ tới chiếc phi cơ C119 Hỏa Long đã bay vần vũ quanh phi trường, để bắn vào quân địch, hầu ngăn ngừa địch tiến quân trong những giờ phút gần tàn của cuộc chiến. Cả phi đoàn đã không thể dẫn chiếc phi cơ xuống phi đạo vì phòng không của địch bao vây tứ phía trên không phận, Họ đã anh dũng tan xác như pháo bông cùng với chiếc phi cơ. Trước mắt tôi lúc đó những người lính Không Quân trên chiếc máy bay này dã chới với bơi trong không gian rồi rớt xuống vào lòng đất mẹ như một mãn nguyện muôn đời. Những người anh hùng trong phút cuối đã trả nợ nước non đúng với nghĩa của danh dự và tổ quốc.
Việt Nam đã khác biệt từ cội rễ với những tư bản đỏ, với những chủ nhân đỏ sau 75. Việt Nam bây giờ cặm cụi chấp nhận như cô gái bán thân cố gắng sống cho qua từng ngày. Những ngày cận tết tại những chợ họp đông cũng có bông hoa, cây kiểng bày bán khắp nơi, nhưng người bán thi nhìều mà người mua thì ít. Những thành phố mà tôi đã sống và đã đi qua trong lứa tuổi 30 mươi nay đã thật sự vắng những nụ cười ngây thơ của học trò, những tà áo trắng, áo xanh, áo tím cũng vắng mà chỉ còn vương trên mặt người dân nỗi nhọc nhằn kiếm sống qua ngày mà vẫn khong đủ ăn!
Trên những đường phố lớn của Sài-Gòn, Hà-Nội thỉnh thoảng tôi nhìn thấy những đứa trẻ ăn mày đen đủi, quần áo rách như giẻ che thân, chúng đông đúc bẩn thỉu bu quanh một vài người ngoại quốc chìa tay xin, đã làm những người ngoại quốc này phải hấp tấp bỏ chạy.
Nhũng cảnh này đã làm tôi nhớ tới ngày tôi ghé Vũng Tàu để thăm người em họ vợ trên đường Đồ Chiểu, gần chợ Vũng Tàu và rạp hát Điện Biên trước 75 là Ngọc Quế.
Tôi mê cái hương vị mì bò viên của xe mì trên đường Ba Cu (Nguyễn Thái Học), cái mùi vị mà tôi chỉ được ngửi thấy ở những xe mì bán tối tại Sài Gòn trên đường Trương Minh Giảng (Lê-Văn Sĩ) về khuya trước 75.
Trong khi tôi ngồi trên ghế đẩu để nhìn anh bán mì tung những sợi
mì lên cao rồi hứng vào chén, tôi chợt nhìn thấy hai bóng đen nhỏ rất nhanh xông tới cái bàn để gần tôi trên vỉa hè vừa có khách ăn xong và bỏ đũa xuống. Bé chị một tay bế em, và tay khác rất nhanh, sành sỏi chụp lấy tô súp cặn húp xì xụp, và sau đó ngậm lại trong miệng mớm cho đứa em đang bồng trên tay.
Tôi kéo tay Mỹ Thanh chỉ cho nàng em gái nhỏ độ sáu tuổi, tay bế một đứa em khoảng nột năm và đang mớm cho em. Hai đứa nhỏ đều dơ dáy đen đủi nép ngồi bên góc tối xe mì tự lúc nào, đến khi chúng phóng lại gần vì chút nước súp cặn tôi mới nhìn thấy, và những người khách tới ăn mì đêm dường như cũng chẳng cần để ý tới chúng nó.
Tôi và Mỹ-Thanh kéo chúng lại và nhường cả hai tô mì cho chúng, trả tiền hai tô mì và đi bộ về sau khi đã dúi cho chúng một số tiền lẻ.
Suốt quãng đường từ xe mì trên đường Ba Cu tới cuối đường Đồ Chiểu
Tôi đã im lặng nghĩ hoài về hai đứa nhỏ, vài bữa nữa là tết, cha mẹ chúng đâu ? Việt Nam sau mấy chục năm không chinh chiến sao lại sản xuất ra những trẻ khổ nhục đói ăn? Mùa xuân sẽ về trên đất Việt nhưng các em nhỏ như hai đứa bé kia chắc chắn không có mùa xuân ?
Tôi tìm về làng Thành Lập qua ký ức mong manh của nỗi nhớ thời tuổi lên tám, cái tuổi mà tôi theo mẹ bỏ làng giữa khói lửa chiến tranh, và làng tôi đã bị thiêu rụi. Xe vừa đi qua chợ Lịm tôi bảo anh tài xế thắng xe, quay lại và đi rất chậm để tôi nhìn về phía bên phải của xe và tìm về nỗi nhớ.
Mỹ Thanh hỏi tôi.
- Anh làm gì vậy ? Đã tới chưa ?
Tôi không trả lời Mỹ Thanh nhưng bảo anh tài xế đậu lại trước cửa chợ Lịm, trong khi tôi mở cửa xe bước ra ngoài. Đôi mắt tôi cố nhìn thật xa và cố đào xâu trong trí những hình ảnh ngày xưa mà tôi đã thường nhìn thấy trong nỗi nhớ của tuổi thơ. Tôi quay lại nói với Mỹ Thanh.
- Đây rồi, nhưng mấy chục năm rồi, đã thay đổi nhiều quá..!
- Tạo sao anh biết là chỗ này ? Mỹ Thanh ngạc nhiên hỏi.
- Vì đây là con đường mà ngày trước anh theo mẹ đi chợ Lịm.
Tôi nhìn anh tài xế nói.
- Băng qua cái dốc đê này là có thể sẽ biết đường đi vào làng Thành Lập.
- Tại sao anh không hỏi những người đi chợ ? Có thể họ bìết làng
Thành Lập ở đâu.
Bỗng mắt tôi thoáng bắt được cái nóc nhà thờ ở một khoảng cách xa vài cây số trên đồng ruộng bao la. Lòng tôi mừng rỡ quay lại nói với Mỹ Thanh.
- Anh tìm ra rồi ?
- Đâu ? Chỗ nào ?
Tôi chỉ cái nóc nhà thờ mờ đen trong buồi chiều đồng nội, mà ở đó tôi đã được làm phép rủa tội, ở đó tôi đã quỳ gối bên ông nội cầu kinh mỗi ngày chúa nhật, và ở đó tôi đã thường chạy trên sân nhà thờ để đón hoa gạo rơi và bọc vào trong áo để chơi chung với cô bạn gái tên Mến.
Cũng như tôi thường nhìn lên tháp nhà thờ để chiêm ngưỡng con sáo sậu đậu trên cây thánh giá hót dài gọi bạn trong mỗi hoàng hôn, và tôi mê tiếng hót của con chim sáo như thèm sữa mẹ !
Lòng tôi xúc động trong sự vui buồn nhạt nhòa, nước mắt tôi tự nhiên ứa ra đã làm cho Mỹ Thanh ôm vai tôi vỗ về.
Tôi bảo anh tài xế cho xe ngang qua đường rầy xe lửa và xuống dốc, tới một cái cầu nhỏ vừa xe đi qua. Trong khi tôi nhắm hướng cái tháp chuông và người tài xế định cho xe chạy chậm qua cầu. Chợt có người đàn bà đứng dang tay chắn lối và nói lớn giọng đặc sệt Bắc kỳ
- Trước khi qua cầu, anh phải đóng thuế.
Tôi chợt nhận thấy có sự lừa dối gian xảo quái đản trên mặt người đàn bà. Tôi hỏi.
- Cái cầu này chỉ bắc qua cái mương nhỏ khoảng 5 thước mà cũng
phải đóng thuế sao?
- Phải đóng thuế chứ sao. Luật Công An ở đây là xe qua phải đóng thuế.
Tôi ngạc nhiên hỏi lại bà ta.
- Sao lại luật Công An mà không phải luật của chính phủ ?
- Luật chính phủ không có nên dùng luật của Công An chứ sao.
Mỹ Thanh thấy tôi có vẻ bực vì lý do không hợp lý này, nên nàng nói
- Thôi đi anh, anh không nhớ 5 đồng không muốn mất tại Tân Sơn Nhất hay sao ?
Tôi chợt nhớ cái cảnh đòi tiền mãi lộ trắng trợn của nhóm kiểm soat phi cảng. Tôi lắc đầu chán ngán cái chế độ cướp cạn này, và nghiêm mặt hỏi bà đòi tiền thuế.
- Phải đóng bào nhiêu?
- Năm chục ngàn.
Mỹ Thanh móc bóp đếm tiền và đưa cho bà ta, và tôi ngoắc anh tài xế cho xe qua cầu, nhưng xe vừa tới chân cầu bên kia, bỗng có một bà nhà quê ẵm đứa con nhỏ bên nách ra chặn xe lại và nói.
- Ông phải đóng số tiền thuế như ông đã đóng ở bên kia cầu.
Tôi hơi bực nên trả lời hơi sẵng giọng.
- Tôi trả thuế bên kia rồi mà, sao chị lại đòi nữa ở bên này.
Chị ta thản nhiên, mở ngực ra cho con bú rồi nhìn tôi nói.
- Bên đó khác bên này khác. Nếu ông không trả tiền thi lùi xe lại.
Mỹ-Thanh nhanh chóng đưa cho chị ta năm chụ ngàn, và bảo anh tài xế.
- Tôi anh cho xe qua cầu đi.
Xe vừa qua cầu dừng lại cho tôi và Mỹ-Thanh mở cửa bước vào, tôi nói với anh tài xế.
- Sao ở Việt nam không có luật lệ nào hết trọi vậy anh tài ?
Anh tài xế thản nhiên đáp.
- Việt Nam không có luật lệ như nơi ông ở, ở đây mạnh ông Công An coi khu nào thì ban hành luật ở khu đó.
Tôi lắc đầu chán nản.
- Thật quái đản..!
Xe đã bò chậm chạp để tránh những ổ gà lớn, và sâu như vũng trâu tắm. Thân xe lắc lư như say rượu, đôi khi chúng tôi phải xuống xe để xe được nhẹ hầu dễ vượt qua những chỗ trơn trượt vì trận mưa bóng mây mới vừa bay qua. Xe đi qua một đoạn đường khoảng hai cây số nhưng đã mất gần tiếng đồng hồ, một đoạn đường quanh co và xe dễ dàng lăn xuống hố..!
Tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi xe đã vào tới làng tôi, và đậu ở ngay giữa sân nhà thờ gần cây hoa gạo đỏ, mà tuổi thơ tôi đã chạy nhảy rong chơi. Nỗi tủi buồn trong lòng tôi chợt dấy lên dường như tắc nghẹn nơi cổ, trong khi những đứa trẻ quần áo xốc xếch đen đủi và rách nát đầy mảnh vá chằng chịt cùng vài người lớn ở đâu chạy ra.
Họ chạy ra không phải để nhìn người khách lạ như tôi, mà họ chạy ra để được chính tay họ rờ vào chiếc xe bằng con mắt ngạc nhiên như chưa từng nhìn thấy chiếc xe bao giờ.
Tôi chới với với nỗi xót đau khi nhìn quê cũ, nơi mà tôi sinh ra đầu đời, nơi mà tôi tung tăng theo sau nội trên những đường làng dể bắt bướm, hái hoa dại mỗi ngày chúa nhật. Nhưng bây giờ quê tôi sao tàn tạ, tôi chợt thương người dân quê tôi để mặc lệ tràn ra đôi má.
Làng Thành Lập đây sao ? Tại sao nó cô đơn như một gò đất hoang để chứa những người nghèo nàn khốn khó sinh sống. làng không phải là làng mà là một nhóm lều lá vách đất lụp xụp chỉ đủ che nắng mưa, và nhà thờ dường như đã không có cha sở chăm sóc giáo dân đã sụp một góc.
Tôi nhìn thấy vài con bò gầy trơ xương cột bên cụm tre, vài con chó gầy gò chạy quanh cắn người lạ, và vài con heo con sổng chuồng ốm tong teo đang dùng mõm ủi đất bên bờ ao rau muống.
Tôi chợt nhìn vào hồn tôi, rồi nhìn lũ trẻ để đớn đau hiểu được rằng tôi đã may mắn ra đi, nhưng tôi cũng dở khóc dở cười khi quay về để nhìn thấy thảm trạng đau thương đã kéo dài già nửa thế kỷ trên quê hương tôi.
Tôi cúi chào bà cụ già đang đứng nhìn tôi và hỏi .
- Dạ xin chào bà, bà làm ơn chỉ cho cháu nhà bà Chúc ở đâu.
Mắt bà cụ tự dưng sáng lên, bà hỏi lại tôi với giọng bắc mà tôi đã không còn quen tai.
- Bác ở đâu thế ? Bà Chúc không còn ở trong làng nữa.
Tôi chộp vội lấy tay bà.
- Vậy bà Chúc bây giờ ở đâu ?
Bà quay nhìn ra cách đồng, và đưa tay chỉ.
- Bà Chúc đang ở trong cái lêu tranh ngoài bở ruộng, bà sống ở đó một mình.
- Bà dẫn cháu tới đó được không.
Bà cụ lắc đầu.
- Anh ra đó không được đâu, bùn lầy lấm giày, thôi để tôi gọi con trai của bà dùm anh.
- Dạ, cám ơn bà .
Tôi đứng đợi một lúc lâu thì có một người đàn ông nhỏ tuổi hơn tôi rẽ đám đông chạy tới. Tôi đoán trong lòng có lẽ đây là con trai dì Chúc, và tôi bước tới phía anh ta. Anh ta ôm lấy tôi dù rằng tôi chưa biết anh ta là ai, nhưng anh ta đã buông tôi ra vừa khóc vừa nói.
- Trời ơi…! anh Chinh phải không ? Sao anh tìm được làng mà về ?
Tôi gật đầu.
- Phải, tôi là Chinh. Tôi tìm tháp chuông nhà thờ để về làng.
Sao anh biết tôi ? Tôi hỏi anh ta.
- Em là Bình, con trai dì Chúc của anh. Bác có gởi hình anh về, và
viết thư cho mẹ em nói rằng có ngày anh sẽ về làng. Mẹ em nhắc anh luôn.
Tôi nhìn quanh hỏi thằng em chưa bao giờ biết mặt.
- Bình, Dì dâu ?
- Mẹ em ra ở riêng ngoài nương rồi !
- Tại sao vậy ?
Bình nắm lấy tay tôi kéo đi.
- Em dẫn anh đi, nếu gặp chỗ bùn, em cõng anh.
Tôi cười, thôi để anh đi theo em tới thăm dì, và thăm mồ mả ông bà luôn, tuy nhiên trước khi tôi đi, tôi có dặn nhỏ Mỹ-Thanh.
- Em làm ơn cho mỗi người một trăm đông tiền của Cộng Sản được không ? Chỗ dì ở em đi không được đâu.
- Mất khoảng 200 đô chứ mấy, anh đùng lo chuyện này.
Anh đi di.. rôi mời dì về đây, em muốn gặp dì.
Tôi bước tới ôm lấy dì tôi trong chiếc lều vách đất mái tranh lụp xụp không đủ ánh sáng. Hai dì cháu ôm nhau khóc ròng trong cơn xúc động, và đì đưa tay xoa mặt tôi mỉm cười.
- Vậy là con đã về làng, Ngày trước cháu bụ bẫm, nay tóc đã hai màu ! Cháu vẫn nhớ tới dì và vẫn nhớ tới cái làng thành Lập nghèo nàn này, như vậy là dì mãn nguyện rồi. Dì tôi ôn tồn nói.
Tôi nắm chặt tay dì.
- Con đâu có quên những ngày dì bỏ con vào một bên thúng, và bên thúng kia là thúng gạo đầy. Dì gánh con chạy loạn khắp nơi, thật tội cho dì…!
- Thôi chuyện xưa qua rồi, con về thăm dì là tốt rồi. Bao giờ con lại đi ?
Câu hỏi của dì chân thật nhưng bỗng lòng tôi xoáy đau, dì tôi đó bầy giờ đã già nua tóc bạc và đang sống trong nghèo nàn, áo rách vá miếng này chồng lên miếng kia. Câu hỏi của dì đã làm tôi chới với nghẹn lời. Tôi cầm tay dì dúi vào túi áo dì năm trăm đô la, và đưa cho Bình một trăm đô, sau đó tôi nói với Bình.
- Số tiền này anh tặng em, em phải mang dì về nhà em săn sóc, nếu không anh sẽ đưa dì vào Nam sống ở Ban-Mê-Thuột với mấy cô em gái của anh.
Bình nhìn tôi.
- Em đâu có bất hiếu với mẹ em đâu, nhưng bà muốn sống như vậy. Mẹ em tối ngày đọc kinh là nhắc tên anh luôn à..!
Tôi cầm tay dì và khom lưng.
- Thôi dì để con cõng dì một lần được không ? Con cõng dì vào làng để dì ở với em Bình rồi con phải đi.
Dì nhìn tôi với đôi mắt tràn lệ, nhưng có chút niềm vui.
- Con không cõng được dì đâu ? Con đi thật à ?
Tôi gật đầu.
- Hay dì vào Ban-Mê-Thuột sống với mấy cô em gái của con không?
Dì lắc đầu.
- Không, dì không đi đâu nữa. Dì ở làng này và chết ở đây thôi. Ông bà tổ tiên cũng nằm xuống ở đây, chỉ có cha con là ngoại lệ…!
Tôi và Bình thay nhau cõng dì vào làng mặc dầu dì từ chối, nhưng tôi cũng cố năn nỉ dì để tôi cõng dì. Trên lưng tôi dì kể lại những chuyện xưa:
- Con biết không, sau ngày con theo cha mẹ con vào Nam, Dì ở lại với bà khổ lắm con à…! Ông chủ tịch làng bây gìơ đã chết lâu rồi. Ông ta theo dì và bắt dì lằm bé, ông ta ngày nào cũng doạ nạt bà. Nhưng dì đòi tự tử không chịu. Sau cùng, ông ta lập hội bảo trợ thương phế binh, thế là ông ta đưa bố thằng Bình vào nhà bà, bắt dì phải nuôi và ép dì phải lấy. Vì bà dì nhắm mắt buông suôi cho xong, bố thằng Bình đâu có làm được gì, mất một chân lại cụt một tay. Họ lùa thanh niên vào Nam giải phóng, khi bị tàn phế họ bỏ mặc cho dân nhận làm mẹ, làm chị rồi làm chồng.
- Vậy là dì phải gánh thêm một gánh nặng nữa. Tôi thở dài nói nhỏ với dì vì sợ Bình nghe được.
- Khổ lắm con, Dì phải đi mót lúa từng cánh đồng xa, mang về chà lấy gạo nuôi bà và một cái miệng chỉ biết ăn, nói như vẹm nhưng không biết làm. Có những ngày mùa đông dì cũng phải nội xuống ao hái rau muống về luộc chấm tương ăn qua ngày. Mùa nắng dì phải đi làm thuê đập đất ruộng cho người ta , mà đất Bắc quê nghèo đâu có ai giàu có đâu mà thuê người, ai cũng mang thân mình làm mà không đủ ăn, co' nhà lấy người cày thay trâu ! Họ bóc lột hết rồi, nên dì chỉ đập đất đổi công lấy bát gạo ăn mà thôi. Đến mừa mưa thì dì đi bắt cua đồng, ếch nhái mang về nấu ăn. Dì hận tụi Cộng Sản này lắm con à…!
Tôi nhận thấy nước mắt dì thấm qua vai áo tôi, nước mắt của dì, nước mắt của bao nỗi nhọc nhằn khó nhọc cả đời mà dì đã âm thầm giữ kín trong lòng, nay dì để mặc trào ra trên vai tôi. Tôi cõng dì mà tưởng như cõng trăm ngàn nỗi buồn phiền của dì. Khi thấy Bình đang bước tới gần trong khi lưng tôi cũng đã mỏi. Tôi chợt nghĩ tới những ngày dì gánh tôi chạy loạn trên vùng quê xứ bắc. Chắc dì cũng mỏi mệt lắm, nhưng dì đău dám dừng chân nghỉ, vì nếu dì nghỉ chân thì làm sao chạy qua nổi vùng đang có mưa đạn bom rơi, và thực dân Pháp đang tràn tới.
- Thôi dì à… Bỏ chuyện buồn xưa đi. Dì đã hơn tám mươi rồi, nhớ làm chi chuyện đó. Tôi an ủi dì.
- Nhưng dì giận lắm..! Tại sao người miền Nam không giải phóng miền Bắc mà lại để cho tụi Cộng Sản chiếm hết miền Nam vậy con ?
- Cái chuyện này khó giải thích cho dì hiểu lắm đó. Để khi nào con về lại sẽ kể
dì nghe.
- Ồ, con về rồi đi, bao gìơ con về lại ? Dì già rồi không chờ được con đâu…!
Mắt tôi chợt dưng lệ trong khi cõng dì trên lưng và cố đi chậm lại cho vững bước.
Đúng, dì sẽ không bao giờ muốn tôi về để sống dưới gông cùm, mà đì đã và đang sống. Dì mong cho tôi ra đi và nên người, nay dì đã nhìn thấy tôi về. Theo như dì nói là tôi đã trả ơn dì bằng một cây số cõng dì trên lưng để dì thực sự ôm lấy tôi, thế là đủ lắm rồi. Tình mẹ, tình dì. Dì đã mang cả tuổi xuân của dì để bảo vệ tôi từ khi mới lọt lòng mẹ, dì đã bỏ lại tuổi đời dì trong những khổ đau dằn vặt trong chế độ Cộng Sản suốt 60 năm để nuôi nắng bà, và bị ép lấy chồng bộ đội thương binh cho qua cuộc đời.
Dì xoa đầu tôi trong nỗi xúc động làm tay run run.
- Con đã về đây thăm dì là may rồi. Con nên nhớ tới làng nước xưa nghe con. Đừng mất gốc..! Thằng Bình bố nó mất rồi, các con phải thương nhau, đừng như bố cháu với anh Quân em của cha con.
Tôi cúi đầu bùi ngùi nhớ tới sự khác biệt chính kiến giữa cha tôi và chú Quân để đi đến tình trạng có thể giết nhau trên chiến trường lửa đạn. Nay cha tôi và chú Quân đã qua đời nhưng lần cuối của đời người hai người cũng chẳng được trông thấy nhau, và để nói với nhau một lời bằng tình thân ruột thịt. Tôi nhìn dì gật đầu.
- Da.
Khi máy bay vừa chạm phi đạo của phi trường quốc tế San Francisco
Tôi đã biết rằng quê hương tôi bây giờ đang đau khổ và xa ngàn trùng, nhưng tôi đã nhủ lòng nhất định không quay về để bước vào cái ngục tù, cạm bẫy đang bao trùm cả nước.
Đã mấy mùa xuân qua, và mỗi lần xuân tới tôi lại nghĩ tới dì tôi, người dì cả đời hiền như mẹ vẫn đứng chờ tôi, và câu dì nói “đừng mất gốc”
Đã làm tôi băn khoăn se lòng với nỗi niềm vời vợi thương nhớ bâng khuâng.
Chu kỳ 60 năm Ất Dậu đã qua nhưng cơn bão của sự đói khát không cơm áo đã lại diễn trên quê hương Việt Nam như ngày nào dưới chế độ bạo tàn Cộng Sản và đã kéo dài mấy mươi năm.
Măn mới Bính Tuất lại đến trong nỗi buồn và băn khoăn nhớ nhung diệu vợi về quê nhà. Tôi cúi đầu cầu nguyện cũng như mọi người đang cầu nguyện cho quê hương sớm có thanh bình.
Tôi chợt nhớ chuyện Từ Thức lạc vào động tiên để hưởng tự do hạnh phúc, với đủ hoa bướm, mộng mơ và miên viễn một đời, nhưng Từ Thức cũng có những phút cô quạnh, tủi buồn nhớ tới quê hương để rồi bỏ tất cả hạnh phúc đang có lần bước tìm về quê cũ.
Nhưng tôi, anh chàng Từ Thức của thời đại mới bỏ động tiên của thế giới tự do tìm về nơi cũ để nhìn thấy sự thay đổi, để khóc cho quê hương trong những năm dài ngục tù đen tối không tương lai.
Nhưng Từ Thức khi quay lại cửa Thiên Thai đã đóng, mịt mờ sương khói và đã ngẩn ngơ cả đời.
Riêng tôi, tôi có đường về Mỹ quốc, cửa của hạnh phúc tự do luôn mở để đón tôi quay lại trong thao thức với vạn nỗi băn khoăn nửa đời cho quê mẹ đau thương…!

San Jose Oct. 11, 2005.
Chinh Nguyên