PDA

View Full Version : Trốc Gốc



loibangTQLC
09-08-2009, 09:52 PM
Trốc Gốc
Chinh Nguyên


Tôi không đợi bình minh ló dạng nơi phía đông, nhưng thỉnh thoảng tôi cũng đưa mắt nhìn qua màn cửa sổ để thấy ánh sáng lan dần trong sương sớm, và tiếng chim bắt đâu hót trên đỉnh cành cao của hàng cây bên ngoài bức tường, trên lối đi của đường Tully. Thời gian này là lúc tôi kéo màn cửa sổ, nhìn ra hàng cây để tìm con chim quen thuộc luôn đậu trên cành cao trước của sổ, bên ngoài bức tường, để hót một hơi dài như không muốn dứt, rồi bay đi mất dạng, nhưng nó sẽ trở lại vào sáng sớm hôm sau. Hàng cây này khi mới trồng chúng thấp hơn mặt tường, bây giờ đã cao gấp ba bức tường, và phủ bóng mát vào hông nhà mỗi buổi trưa hè. Ánh sáng của mỗi ngày lướt lên những ngọn cây trong sương sớm, lá rung nhẹ lấp lánh đón chào, tiếng chim hót líu lo mừng rỡ một ngày mới đang vươn lên trong tia sáng chan hòa khắp ngả, và tôi biết rằng đời tôi đã qua được một ngày, sẽ sống thêm một ngày kế tiếp với những kỷ niệm, những khao khát chưa tròn và ước mong cho đời tôi được yên trong nửa kiếp tầm gởi bèo trôi sông lạ mà bến cũ vẫn hoài trông…!

Nửa đêm hôm qua tự dưng gió lớn và mưa nặng hột đã làm mái tôn nhựa patio vang lên những tiếng động mạnh của gió và lộp độp của những giọt mưa vỗ vào mái tôn. Tôi nói với Mỹ Thanh, vợ tôi: -

- Nghe tiếng mưa rơi nặng hột, gió vỗ trên mái tôn bập bùng, và tiếng sấm sét đì đùng trong hơi mưa lạnh đêm khuya sao mà giống cảnh mưa rừng Ban-Mê-Thuột…! Chỉ tiếc rằng không có nước lũ màu đỏ chảy vào cống rãnh trên đường phố và mưa không đƣợc dầm dề mấy ngày như mưa của núi rừng Cao Nguyên Lâm Viên! Mỹ Thanh đáp lại với giọng ngái ngủ.

- Thôi… Ngủ đi ông…! Tôi sợ mùa mưa Ban Mê Thuột của ông quá rồi! Nước thì đục ngầu đổ vào cống như thác. Bùn lầy dính chặt vào guốc phải lấy dao lớn đẽo mới ra…! Nếu không đẽo đất ra, đất sẽ bám thêm vào dần dà đôi guốc sẽ dầy cao thêm và nặng tới mấy ký lô…!

Tôi yên lặng để vợ ngủ, nhưng lòng tôi dậy lên những trận mưa rừng ngày cũ, những kỷ niệm khó quên của tuổi thiếu thời, và những dấu yêu tuổi học trò không phai mờ trong ký ức. Khi tôi còn cắp sách đi học tại trường Tiểu Học Cộng Đồng Trần Hưng Đạo, mỗi năm có những trận mưa lớn kéo dài cả tuần không dứt, nước đỏ đổ từ trên đồi xuống thung lũng ào ào như thác, gió rung cây trong những tiếng sấm nổ lưng trời. Mỗi sáng đi học tôi đều luồn sách vào bụng, cầm chiếc nón lá che đầu, mặc chiếc quần xà lỏn, và chân trần tôi bước khỏi hàng hiên nhà mang theo tiếng nhắc nhở của mẹ:

- Đi khéo nghe con, coi chừng ngã… nuớc trôi xuống suối thì khổ…!

- Dạ!

Những bước chân trần ngày đó tôi đã chậm chạp đi dưới mưa rừng trong ngõ hẹp quanh co với hàng giậu cao hơn đầu hai bên, và thỉnh thoảng có cành vươn ra lối đi. Tôi đi từ trên đồi gần nhà ông Huấn, ngang qua ngõ nhà Ông Lý Thuận, Ông Lý Cảnh, rẽ trái chạm ngõ nhà Nguyễn Khắc Vỵ, qua phía bên phải để bước trên tấm ván ngang qua lối thoát nước của hồ bơi ngay cửa ngõ nhà Nguyễn Văn Hưởng, cố bấm chân xuống đất để leo lên con dốc trơn trượt trước nhà Đỗ Mộng Sơn để vào trường Tiểu Học Cộng Đồng ngay trên đầu dốc, Thày Đỗ Minh Giảng làm Hiệu trưởng thời gian đó. Khi tới trường, áo tôi đã ướt sũng trên lưng, sách vở đã ẩm và hai chân đã dính đầy bùn. Tôi luôn vào lớp trễ về mùa mưa và ngồi xuống băng ghế để mặc nước ở quần áo chạy theo chân nhỏ xuống nền xi măng nhưng đã phủ lên một lớp bùn dầy, trong khi thày Vinh làm lơ, và tiếp tục giảng bài như không hề thấy tôi vào lớp trễ… Tôi ôm cái lạnh run rẩy của mưa rừng Ban-Mê và yên lặng nghe thày dạy tới khi tan trường về. Con đường vẫn lất phất mưa rơi. Những vũng nước đục đọng trên hố sâu, đất quánh lại trơn trượt như mỡ, và lối thoát nước của hồ bơi đã dâng nước trôi đi mấy tấm ván cầu làm tôi không thể bước qua được. Tôi rất khổ sở khi phải nhảy qua lối thoát nước này vì chân tôi ngắn, và bên kia bờ lại bùn trơn trợt, đôi khi vừa nhẩy qua tôi đã ngã văng vào bụi cây, có khi túm được hàng giậu bên kia thì sách vở từ bụng đã tuôn xuống đường. Lúc này tôi chỉ còn cách nhặt lại sách vở rớt, lấy áo chùi cho sạch bùn, nhưng lần nào bùn cũng đầy những trang sách, và không thể đọc được nữa. Mỗi lần tôi ngã, mỗi lần tôi làm rớt sách vì những trận mưa rừng, mẹ tôi lại buồn vì thương con, sợ tôi bị nước lũ cuốn đi và lại tốn tiền mua sách cho tôi học. Để được yên tâm, mẹ lại bỏ công dắt tôi đi, đón tôi về mỗi lần mưa lớn đầu mùa, và đã làm tôi sung sướng được đi bên mẹ trong niềm ấm áp che chở.

Trên đường mưa trơn mẹ con gần gũi thủ thỉ chuyện trò. Có nhiều lần mẹ tôi đã dạy tôi cách làm người thật thà ngay thẳng, hiếu đạo, và thương anh em. Cũng có những lần mẹ tôi kể những chuyện hồi mẹ tôi còn là con gái ở làng Thành Lập, Hà Đông, với những niềm vui bên cạnh ông bà ngoại trong cảnh thanh bình quanh bếp lửa của mùa đông lạnh căm căm của xứ Bắc. Có một lần mẹ nói: - Con sinh ra ở quê nghèo, chạy giặc khi còn ẵm trên tay. Khi ở Hà Nội con được mấy năm sung sướng ăn đi học, nhưng bây giờ cha mẹ lại nghèo khổ con phải chịu lây…! 11 tuổi rồi đó con ạ…! Chính vì câu này mà mẹ con ôm nhau khóc giữa lối đi hẹp đường trơn trước nhà ông Vệ. Mẹ khóc vì thương tôi không sung sướng được bằng mẹ khi tuổi còn ấu thơ. Mẹ buồn vì thấy tôi thua thiệt bạn bè cùng lớp bởi đời sống di cư bỏ Bắc vào Nam. Chính vì nỗi khổ của anh em tôi, mẹ thường trách cha tôi đã quá nghe chú Quân bỏ quân ngũ Pháp về làng sau 1954 hầu tìm cách xa lánh thực dân Pháp, và muốn sống trong cảnh thanh bình nơi quê nội. Chú Quân đã vẽ cho cha tôi một hình ảnh an lành xứ sở sau cuộc chiến giữa Việt Minh và Pháp tại Điện Biên Phủ, để rồi cha tôi đã bị bắt giữa đêm bởi chính lệnh của chú tôi, sau khi cha tôi về làng, và sống bình yên được vài tuần. Những người lính Cộng Sản mang cha tôi đi học tập kiểm thảo, tẩy não tưởng mất xác nơi miền thượng du Bắc Việt đã làm mẹ tôi buồn rầu khóc thầm đêm ngày…! Sau khi cha tôi được thả trở về làng, cha mẹ tôi đã bỏ hết tài sản chạy lấy thân giữa đêm đến nỗi không còn gia sản nuôi con khi gặp hoạn nạn. Tôi ôm lấy mẹ khóc vì thương mẹ đã nhọc nhằn tần tảo ngày đêm để kiếm sống cho gia đình, nuôi chị em tôi ăn học và đặt cả hy vọng trong tôi. Đã có lần mẹ tôi nói:

- Con là trai lớn trong gia đình, mai mốt cha mẹ già con phải một mình lo lắng cho mấy em.

Mẹ tôi nghĩ rằng tôi không hiểu câu mẹ tôi nói, nhưng thực ra 11 tuổi đời sớm sống cùng mẹ nhọc nhằn kiếm sống giữa chiến tranh, và nhìn thấy sự lam lũ của mẹ, tôi đã vội biết thế nào là khổ, là sướng trong tuổi niên thiếu ngày đó. Tôi đã biết rằng bom đạn của quân ngoại xâm đã đổ xuống để tàn phá quê tôi gần như không còn cái gì được nguyên vẹn. Cộng Sản cũng đã bắt thanh niên trong làng đi dân công đào hố đắp mô trên quốc lộ 1 để đôi khi bị quân Pháp bắn giết bất ngờ. Và chính tôi cũng bị các thày, cô Cộng Sản hỏi khéo để điều tra về cuộc sống của cha mẹ. Tôi cũng nhận biết rằng khi ở Hà Nội, học ở trường Tiểu Học Bạch Mai tôi đã đƣợc bác kéo xe cõng lên xe cả lúc đi lẫn về trong những trận mưa lớn, hay mưa ngâu của Hà Nội… Và tôi cũng thực hiểu rằng khi lớn khôn tôi cũng phải nhọc nhằn đắng cay như cha mẹ nếu có chiến tranh xẩy ra ở Miền Nam… Sống trong cảnh đổi thay bất ngờ vì chiến tranh như mẹ dạy bảo, tôi thực sự đã biết phải chấp nhận rủi may trong đời, và phải phấn đấu để sống còn…! Cũng từ đó tôi đã nghe lời mẹ dạy trong sự cần mẫn, chịu khó và cố vươn lên bằng đôi tay nhỏ nhoi đen bóng vì nắng Ban-Mê. Sáng tôi đi học, chiều về cố gắng cầm cán cuốc bổ mạnh xuống đất để giẫy cỏ, hoặc đào hố trồng cà phê, hay vun đất thành luống trồng khoai, và đôi khi ngồi một mình trên cán cuốc để nghỉ mệt trong khi im lặng nhớ về kỷ niệm làng xưa. Tôi cũng thuờng phụ mẹ chăm sóc đàn heo, giúp chị lo cho mấy em, và có lẽ vì thế tôi đã mất dần tuổi dại…! Mưa, nắng và mầu đất rừng Ban-Mê-Thuột đã làm tôi dần lớn lên cùng những ấu thơ nhọc nhằn bên mẹ cha, và càng lớn tôi lại càng cảm thấy gánh trách nhiệm gia đình, tình yêu, bạn bè và đất nước trên vai càng thêm đầy, và không thể quăng bỏ cho ai đã làm tôi quên đi tên những thằng bạn trong ngõ hẻm Bạch Mai, Hà Nội của một thời thơ ấu cũ, quên đi cả hận thù những người khác giống đã bắn vỡ ngực chú Sơn tôi trên ruộng khoai, và tôi quên luôn cả lối đi dấu cũ đường về làng Thành Lập miền Bắc.

Tôi chấp nhận Ban-Mê như là một tổ ấm cho đời tôi tìm sống bên cha mẹ và lạc loài lênh đênh bên những luống khoai và màu đất đỏ Cao Nguyên có những đồi cà phê hoa trắng rung rinh trong nắng mỗi độ đầu mùa. Ban-Mê-Thuột như là một cái phao cho tôi bám vào để sinh tồn…! Nhƣ một dấu yêu rộng mở thần thánh, đã là nơi tôi khôn lớn và vươn lên bên những cách rừng già thâm u có những tiếng hú của vượn, tiếng hót của đủ loài chim rừng dưới bầu trời xuân xanh nắng bụi, mưa rừng và giá lạnh căm căm khi đông về…! Kỷ niệm ấu thơ Miền Bắc sự thật đã nhạt nhòa trong trí tưởng bên cạnh rừng xanh bát ngát của Cao Nguyên Lâm Viên, và cũng từ đó tôi lớn lên bên cạnh những gốc cà phê, rặng nhãn, cạnh đàn heo, đàn bò do cha mẹ tôi đã cố gắng trong nhọc nhằn để tạo nên… Bây giờ tất cả đã như giấc chiêm bao, tôi lại thêm một lần nữa vội vàng bỏ nước giữa cảnh chiến tranh hoang tàn, loạn quân, loạn dân trong thành phố Sài Gòn sau khi Tổng-Thống-hai-ngày Dƣơng Văn Minh tuyên bố đầu hàng địch vô điều kiện, và ra lệnh quân đội buông súng để bước lên tàu Trƣờng Xuân chiều 30 tháng 4 năm 1975 với niềm uất hận, tủi nhục không ngờ đối với quyết định của cấp lãnh đạo. Cái nhọc nhằn nửa đời mà cha mẹ tôi đã chịu của ngày tháng 1954 bỏ quê xuôi Nam, nay lại trở lại với tôi nhƣ một oan khiên đeo đẳng. 1954 cha cõng con trên lưng giữa đêm khuya bỏ làng. 1975 con bỏ lại cha mẹ, anh em đành lìa nước ra đi làm kiếp lưu vong…! Cái nghiệp chướng thoát ly quê hương mà tôi cố cắt bỏ vẫn không thoát được đã bám vào tôi như hình với bóng. Tôi đã bắt buộc phải cưu mang nó như cưu mang hình dáng của kẻ nội và ngoại thù. Đau đớn nào hơn khi tôi biết thực rằng kẻ nội thù là anh em cùng giống, cùng máu đỏ da vàng và nói tiếng Việt Nam. Tôi cố quên họ cũng không được, tôi chối bỏ họ cũng không xong, bởi vì họ là anh em tôi và cùng giống Lạc Long hùng mạnh một thời đã viết trong sử sách dựng nước…!

Mẹ đã dạy: Anh em như thủ túc, do đó tôi lỡ nào nhìn họ như kẻ không cùng dòng giống! Nhưng họ thì khác. Họ nhìn tôi như kẻ thù, và họ muốn moi tim tôi ra cho thỏa mãn hung tính tàn ác man rợ mà họ đã vô tình học được của ngoại bang. Trước mắt họ, tôi là tội nhân, là kẻ thù và họ cần phải triệt để thanh toán. Đó là cái dã tâm của kẻ khác giống đế quốc kinh tế và sức mạnh mới trong thế kỷ 20 đã dạy anh em miền Bắc và cố vấn nhóm bù nhìn lãnh đạo miền Nam, hầu làm anh em tôi mâu thuẫn lẫn nhau, tranh chấp bá quyền để giết hại lẫn nhau, và chỉ có đế quốc đứng giữa hưởng lợi…! Những mục tiêu chính trị ngoại bang chẳng bao giờ có chính sách thương yêu nòi giống Việt, do đó họ đã dựng lên một ngăn cách chính trị ngụy tạo vô hình bằng hai chữ Cộng sản và Tự Do vô nghĩa để trục lợi! Đã có nhiều lần tôi tự hỏi thầm: Tại sao những cường quốc không trả sự quyết định tự do, tự cường lãnh thổ quốc gia cho những nước nhược tiểu, mà lãnh đạo do chính nhân dân bầu lên? Tại sao họ cứ áp đặt những cố vấn của họ bên cạnh những người lãnh đạo nước nhược tiểu, mà họ đã dựng lên hầu đưa chính sách ngược lòng dân của họ vào giới lãnh đạo bù nhìn để lũng đoạn và làm tê liệt sức quật cường nhân bản của dân tộc nhược tiểu? Chính đám chính khách vô nhân đạo trá hình đạo đức của các cường quốc đã là những đầu mối của chiến tranh và bất hoà cho những nước nhược tiểu. Sống hay chết của dân nhược tiểu đều do những chính sách lừa gạt trá hình trong sự giúp đỡ với mưu đồ đen tối trong lòng họ. Ấy thế mà anh em tôi, những người mang dòng máu Việt ở cả hai miền đã coi những lãnh đạo của họ như một anh hùng, trong khi những vị anh hùng này đều dựa lưng vào kẻ ngoại thù và coi kẻ ngoại thù như bạn hữu ban ân. Họ hãnh diện là vị lãnh đạo cầm súng ngoại bang đưa cho anh em mình bôi mặt bắn giết lẫn nhau, và không cần tìm một sự hoà bình cho dân tộc. Chiến tranh từ lòng ích kỷ, vụ lợi, tham vọng bá quyền mà ra…! Sau những năm dài anh em chém giết nhau, người dân hai miền Nam Bắc đã được hưởng những hạnh phúc gì? Có chăng là cả nước bị bóc lột đến tận xương tủy và kềm kẹp tù đầy sau khi đã không còn tiếng súng…! Một nhà tù rộng lớn bao trùm cả một quốc gia, trong đó lớp thống trị lại là những người ngày xưa được dân miền Bắc tôn lên như một anh hùng dân tộc chống Mỹ, Ngụy…! Còn nữa, những người lãnh đạo miềm Nam đã làm được gì để cứu dân trong và sau cuộc chiến tranh 1954 và sau biến cố phản bội đảo chánh 1963? Họ chẳng làm được gì cả ngoài ăn chơi phù phiếm, bè phái và mang một cái tội khó tha trong lịch sử mai hậu đó là giết chủ rồi kéo ngoại bang vào nhà làm băng loạn xã hội, và phá hoại kỷ cương mỹ tục Việt tới cội rễ. Cuối cùng họ cũng bỏ lại những người lính chiến đã anh dũng hy sinh vì dân tộc, và giữ miền Nam cho họ được vinh thân phì gia để thoát ra hải ngoại. Những người lính chiến miền Nam đã bị Việt Cộng cướp đoạn quyền sống đã và đang đi dần vào cõi chết trong tủi nhục. Họ là những anh hùng vô danh trong lịch sử chiến tranh Việt Nam…! Bây giờ người dân Việt trong nƣớc đang nghèo đói dưới gông cùm Cộng Sản, và người Việt hải ngoại đã mất lòng tin vào lãnh đạo của họ… Ai sẽ là Lê Lợi, Quang Trung hay cũng chỉ là lãnh đạo bất tín, phản bội ý dân, bè phái, chia rẽ và độc quyền yêu nước….!

Nằm trên giường nhưng không thể ngủ tiếp, tôi lắng nghe những cơn gió giật mái tôn nhựa patio và tiếng mưa rơi, lòng tôi chùng xuống như thủa nào nghe tiếng mẹ dặn trong mưa và mắt luôn để ý tới chiếc đồng hồ treo tường để đợi sáng…!

Vừa bước vào phòng viết, tôi đã định kéo màn cửa sổ để kiểm soát lại mấy cây ngoài bờ tường, nhưng chưa kéo màn tôi đã nhìn thấy một cành lớn đã gẫy và rơi vào sân bên hông nhà. Khi màn cửa sổ đã kéo lên trọn vẹn, tôi trố mắt nhìn hai cây lớn gần sân sau. Chúng đã đổ nghiêng ra ngoài đường Tully, cành lá xơ xác nhô lên khỏi mặt tường và đang có tiếng cưa gốc cây bên ngoài bức tường trên lối đi. Tự nhiên tôi cảm thấy một nỗi buồn tràn vào lòng như sợi tơ đã được căng ra rồi bất chợt đứt, tôi buột miệng kêu:

- Mỹ Thanh….! Hai cây lớn đã bị trốc gốc rồi em…! Có tiếng vợ tôi trong phòng ngủ gần đó phát ra: - Bộ anh khóc phải không? Cây gẫy có gì đâu…! - Không, anh nói cây bị trốc gốc…! - Trốc gốc thì chính phủ trồng cây khác, nếu không nhà mình sẽ quang đãng hơn. Về mùa thu lá rụng đầy sân…! Làm gì mà giọng nói anh buồn thiu vậy…?

Tôi buông người ngồi xuống ghế trước bàn viết rồi chợt suy nghĩ miên man: Vợ tôi giống như những vị lãnh đạo Nam Việt Nam trước 75…! Có nghĩa là vợ tôi mặc kệ cho cây đổ và ỷ lại đã có người lo trồng lại cây khác. Nàng không nghĩ rằng nếu trồng lại cây khác với một sự giúp đỡ có hạn của nhân viên chính phủ, cây cũng sẽ lại đổ và nàng cũng sẽ phải để ý tới bức tường vì ảnh hưởng bởi cây đổ đè lên. Niềm Nam thất bại cũng chỉ vì những lãnh đạo đã ỷ lại và giao Nam Việt Nam cho quan thày của họ cai trị theo chính sách cố vấn lũng đoạn một cách trực tiếp vào lập trường của chính phủ bị giúp, và lừa gạt qua hai tiếng đồng minh “hổ trợ”! Chính những người lãnh đạo này đã là lô nệ mới cho chính sách thuộc địa mới thẩm thấu vào nội bộ mà họ cố tình làm ngơ vì sợ như cảnh cố Tổng Thống Diệm đã bị giết bởi đám loạn tướng từ bàn tay nhúng máu của quan thày phía sau, và có thể họ cũng là một trong những tướng hèn được chia phần nên nếu há miệng sẽ mắc quai. Hoặc vì danh lợi cá nhân đang vơ vét chưa thỏa lòng mà quên đi bổn phận trách nhiệm đối với dân tộc.

Thời hậu giết chủ, lãnh đạo Miền Nam hoàn toàn trông nhờ vào sự giúp đỡ hạn hẹp của ngoại bang, họ nhìn vào đàng trước là quyền hành độc tôn để tranh giành nhau, mà quên

đi cái bẫy rập cắt viện đang chờ họ sa vào, trong khi quân thù trước mặt. Lãnh đạo nhìn nhau với cây súng trên tay, bằng những người lính xả thân cho họ để đi tới chỉnh lý, đảo chánh rồi đảo chánh đã làm nản lòng dân, phá sản sức chiến đấu của quân đội, chỉ ngoại bang và Cộng Sản có lợi trong chính sách bàn giao tiệm tiến trao quyền giữa Cộng Sản và những đế quốc mới. Sau 1963, trước 1975, lãnh đạo Miền Nam là nhóm Tướng lãnh chia quyền đích thực không cần dân mà họ chỉ cần ngoại bang ủng hộ để giữ cái ghế lãnh đạo của họ. Ðến khi chính sách Mỹ xoay chiều, họ lúng túng chơi ván bài tháu cáy rút quân chiến lược để kêu Mỹ trở lại. Mỹ không trở lại, họ bỏ nước chạy trước quân thù có đầy đủ viện trợ của Trung Cộng và Nga Sô. Họ đang tâm bỏ lại đồng đội mặc cho quân thù chém giết đọa đày trong tủi nhục. Họ bỏ lại dân trong đói khổ lầm than, và họ chạy qua Mỹ để hưởng lộc trợ cấp của một quan thày không lương tâm. Ấy vậy mà một số người lãnh đạo này vẫn đứng lên như một lãnh đạo của người Việt hải ngoại sau khi đã hoàn hồn, rồi nghĩ tới tham vọng và hô hào dân Việt hải ngoại sát cánh bên họ để chống Cộng. Ai sẽ tin họ đây…? Cây trốc gốc…! Người dường như mất nguồn…! Lá rụng sẽ về đâu? Tôi tự nhìn vào tôi như một thân cây. Một thân cây đã bị trận lốc lớn nhổ lên và quăng tới một vùng đất lạ. Thân cây đã bị chôn xuống một nửa, nửa trên nhiều cành đã gẫy, vài cành khác đã trụi lá và xơ xác như lạc hồn…!

Tôi là một trong những cành cây gẫy…! Thật sự tôi đã bỏ cội nguồn để lang bạt xứ người, để bơ vơ kiếm sống, và chấp nhận làm một nô lệ mới trên xứ lạ cho miếng cơm manh áo, cho sự nghiệp phù phiếm và cho tôi nhận biết rằng người Việt vẫn cố vươn lên trên đất lạ để vẻ vang dòng giống, nhưng người Việt cũng vẫn còn ngơ ngác nhìn nhau như không quen và đầy ắp những nghi vấn cho sự đoàn kết hầu có thể thắng nội và ngoại thù. Chính những lãnh đạo phản bội bất tín trong quần chúng đã là cái oan khiên ngăn cách giữa người Việt, và chiến tranh ý thức hệ giữa anh em đã là một kết quả cho sự chia rẽ này…!

Tôi bỗng nhớ tới những ngày trên quê nội, bên đồng lúa xanh ngút ngàn tầm mắt chạy dọc theo dải sông Hồng. Ở đó có lũy tre xanh, có đàn cò trắng nhởn nhơ bay, có tiếng chuông chiều vang vang đồng nội. Nơi đó tôi sinh ra và rốn nhau đã chôn chặt như đánh dấu cội nguồn cho một kiếp người. Nơi đó tôi đã khóc tiếng đầu tiên chào đời và gọi tiếng ba đầu tiên để nhận tình thân gốc rễ Việt Nam con Lạc cháu Hồng…! Tôi nhìn đăm đăm vào cành cây gẫy trong sân, để thấy cành cây này đã giống như tôi, một trận bão lớn đã làm xa lìa gốc rễ và vết đau trên thân cây vẫn trơ ra đó với thời gian và nắng đang lên. Nắng sớm đã tràn về… nhưng cành cây bắt đầu héo lá và đời sống của cành chỉ còn một con đường không thể lựa chọn, đó là cúi xuống cuộc đời để chấp nhận cho số phận đẩy đưa, không sớm thì muộn cũng trở thành cát bụi vô tình trong lửa thiêu, gió lốc trên quê hương người có nhiều bẫy rập phồn hoa…! Tôi như cành cây gẫy đã hoảng loạn trong biển đời đớn đau tàn phá. Tôi đã đui chột nụ lá khi tuổi đời vừa tập cắp sách theo mẹ tới trường làng để học chữ A, B…, và chưa nhận ra được chữ nào là đầu chữ nào là cuối. Những chữ cái nhẩy loạn trong đầu và xuất hiện chờn vờn trong trang sách tập đọc như nô đùa với tuổi thơ tôi. Tuổi ấu thơ tôi đã dại khờ nghịch đùa với những bình mực tím để đổ vương lên áo, và đã mê muội nằm lên những trang vở để tập viết nguệch ngoạc không ra chữ, thế mà mẹ tôi vẫn vui vẻ nuông chiều…!

Một đêm giặc về, tôi thức dậy trong nỗi kinh hoàng của mẹ. Ấu thơ tôi đã còm cõi khóc trên lưng mẹ giữa lửa khói chiến tranh, giữa đêm dân trong làng bàng hoàng thức giấc bất ngờ vì những tiếng nổ long trời của trái phá. Có những tiếng gọi ơi ới, tiếng gào thét tắc nghẹn, và tiếng khóc thảm sầu ai oán. Tôi chẳng biết gì hơn là để mẹ nắm tay tôi giao cho chú Sơn, và chị tôi run lẩy bẩy khóc ôm chân mẹ trong ánh lửa bập bùng bốc cháy khắp nơi, cùng tiếng đạn pháo hú ghê rợn bay qua đầu chúng tôi rồi nổ rung chuyển mặt đất . Chú Sơn kéo tôi chạy thoát ra khỏi làng trên những cánh đồng lúa dưới những tiếng hú của những trái phá, và bỏ lại đàng sau làng tôi với những cột lửa bốc cao trong đêm tối…! Tôi và chú Sơn chạy qua làng Bái Vàng rồi chạy vào nhà Dòng Công giáo ở làng Hoàng Nguyên gần quận Sổ Nghệ, cách Hà Nội khoảng 10 cây số. Ngày tháng chạy loạn đó, tôi không hiểu tại sao có chiến tranh, tại sao người giết người, và tại sao con ngƣời thù hận lẫn nhau…? Tôi cũng không hiểu ai đã gây ra thảm cảnh quê hương bị tàn phá, xác chết ngổn ngang trong làng, và xác chết bỏ đồng hoang. Nhưng trí nhớ tôi đã ghi trọn vẹn mọi thảm loạn từ ngày quê tôi tràn lan lửa khói, từ ngày tôi vừa chạy theo sức kéo tay của chú Sơn vừa quay lại khóc gọi mẹ, và vừa ngã để chú Sơn kéo lê trên những rãnh khoai để thoát khỏi làng. Trí nhớ tôi gợi lên cho tôi biết rằng tôi đã chạy bán sống bán chết theo chú kéo đi, vấp phải người chết ngổn ngang trong đêm tối giữa tiếng nổ của đạn pháo và ngã trên vũng máu người trong sân nhà Dòng Hoàng Nguyên ngày nào.

Nhà Dòng làng Hoàng Nguyên là nơi đào tạo ra các linh mục cho vùng đồng bằng của sông Hồng Hà, nó là nơi phát xuất tin lành Công giáo trong vùng Nam Định, Hà Nam, Phủ Lý và cuối tỉnh Hà Đông gần quận Sổ Nghệ. Nó cũng là nơi mọi người dân quê mộc mạc, chất phác tin rằng thực dân Pháp sẽ hành quân ngang qua, nhưng sẽ không pháo kích vào nhà Dòng hoặc giết dân và các linh mục đang tỵ nạn trong khuôn viên nhà thờ. Họ ôm trong lòng niềm tin vào cây thập tự giá trên nóc nhà thờ sẽ cứu họ, vì cây thập tự giá là biểu hiệu cho Công giáo, hòa bình, và xóa bỏ hận thù trong lòng mọi người. Do đó mỗi khi có cuộc càn quét của thực dân Pháp trong vùng là nhà thờ nào cũng mở của để dân chúng chạy vào tỵ nạn. Trên đường chạy tới nhà Dòng Hoàng Nguyên, tôi đã thấy rất nhiều người ở các làng khác tay ôm con, dắt ông bà hoặc gánh con mỗi đứa một bên thúng. Có kẻ bị thương đang được cáng võng tất tƣởi dồn về nhà Dòng. Trên tay những người trẻ có vài ba bộ quần áo, mấy túi gạo, con gà, và họ đang khóc sụt sùi chạy lên xuống để tìm người thân đã thất lạc. Những người tỵ nạn cũng nhƣ tôi đều mang trên mặt nỗi sợ hãi qua những lần chết hụt giữa bom đạn của quân phiệt Pháp và Việt Minh. Tôi không biết giữa họ ai phải ai trái, nhưng tôi chỉ hiểu rằng bom đạn đã đổ vào làng tôi và mấy làng bên để tàn phá giết dân vô tội, và những khúc mắc so sánh trong lòng tôi về quân phiệt Pháp và Việt Minh lại tự nhiên hiện ra, trong khi chú Sơn kéo tôi chạy trên đường ruộng. Sự thật với tuổi dại ngày đó, tôi chỉ học ở làng qua các thày cô du kích Việt Minh và được họ dạy rằng: quân phiệt Pháp là ngoại xâm và là kẻ thù của dân tộc, Đảng Cộng Sản là bạn của dân, giúp dân chống Pháp và dành tự do và độc lập chủ quyền cho Việt Nam. Nhưng sau khi cắp vở về nhà, tôi lại mang những lời thày cô dạy ra hỏi cha tôi, và được cha tôi dạy trái ngược rằng: những lời thày cô con dạy chỉ đúng một phần nhỏ, tuy nhiên họ dạy con về Cộng Sản là bạn dân thì sai. Con còn nhỏ chưa hiểu, khi lớn con sẽ biết nhiều hơn.

Những lời dạy trái ngược giữa thày cô và cha tôi đã làm tôi im lặng, và tôi đã tự ý đi tìm kiếm giải đáp một mình bằng những so sánh giữa du kích Việt Minh và thực dân Pháp. Tôi hiểu được rằng khi quân thực dân Pháp hành quân về làng, những du kích Việt Minh lại lẩn trốn, đôi khi họ bắn vài phát súng hoặc làm nổ vài nơi trong làng để quân Pháp nổi giận tàn sát dân lành, bắn phá, và lục soát khắp nơi để kiếm kẻ thù. Đôi khi quân Pháp còn lùa dân trong làng vào một nhóm, rồi bắt vài người ra để tra tấn dã man tới chết trước mặt mọi người, hầu đe dọa dân chúng để tìm manh mối kẻ thù của họ. Sau khi quân phiệt Pháp ra khỏi làng và để lại những đau thương tang tóc cho dân, thì cũng là lúc du kích Việt Minh trở về làng và kêu gọi dân tụ họp trong đêm khuya để học tập đoàn kết chống Pháp. Dù muốn hay không, những người dân sống trong cảnh chẳng đặng đừng này cũng phải cúi đầu vâng theo, nếu không đi họp người dân cũng sẽ bị du kích giết lúc nào không hay. Tôi hiểu được du kích Việt Minh giết người trong làng, vì có lần ông nội tôi đã than với mẹ tôi khi hai người ngồi nói chuyện ở phòng khách, trong khi tôi nằm ngủ ở chõng tre ngoài hiên, và vô tình thức giấc không ai biết.

- Thằng Quân dường như nó đi theo Việt Minh. Đám du kích trong làng bất nhân quá, chúng nó giết anh Mão con ông Cả đầu làng tối hôm qua, vì không theo chúng đi đắp mô ở quốc lộ số một trên đường vào chợ Lịm…! Mẹ tôi ngước đôi mắt buồn phiền nhìn ông nội, và lắc đầu thở dài. - Chuyện này, nhà con biết chú ấy theo Việt Minh từ lâu rồi. Nhà con khuyên chú ấy không nghe. Hai anh em cãi nhau lớn lắm đó thày…! Ông nội tôi thở dài. - Nó làm chuyện ác đức con biết không?

- Con biết, nhưng không thể ngăn cản chú ấy được đâu! Chú ấy đã ăn sâu vào lý thuyết Cộng Sản mất rồi…! - Thày nghĩ thấy buồn quá…! Mẹ tôi an ủi: - Thôi thày kệ chú ấy đi. Bất chợt ông nhìn mẹ tôi như lo lắng điều gì, ông hỏi. - Thế chồng con nó đâu rồi? - Chồng con bỏ làng đi rồi. - Sao thày không biết. - Anh trốn đi lúc nào, con đâu có biết, con chẳng biết anh ấy bây giờ ở đâu…! Ông tôi bất ngờ đứng dậy khỏi ghế.

- Trời ơi…! Thật là loạn. Thằng theo Việt Minh, thằng bỏ nhà đi biệt tích không tin tức…! Con có nghe chồng con nó nói đi đâu không? Mẹ tôi lắc đầu rồi khóc sụt sùi.

- Không thày…! Anh chỉ nói rằng khi nào yên anh sẽ về đón gia đình…!

- Nó đi mấy ngày rồi? Ông nội tôi hỏi.

- Anh đi sáng nay, lúc đưa thằng Chinh đi học là anh ấy đi luôn. Con không biết nhà con đi đâu, nhưng nhà con nói sẽ cho tin về cho con hay. Ông tôi vỗ bàn.

- Sao con không nói sớm cho ta hay?

- Con nghĩ rằng để anh ấy đi tốt hơn là ở trong làng. Anh ấy chống chú Quân theo Việt Minh. Thày hiểu mà… Có ngày anh em giết nhau thì nguy lắm. Tốt hơn là để nhà con đi…! Ông tôi thở một hơi thật dài nhƣ trút được gánh nặng.

- Con nghĩ cũng đúng! Tụi du kích bây giờ hung hăng và làm nhiều điều bất nhân quá lắm rồi…!

- Thày đừng cho thằng Chinh nó biết chuyện này.

Ông tôi gật đầu.

- Ừ, nó có hỏi ta cũng không nói ra đâu…! Sau khi nghe được những điều này, tôi đã chạy ra sau nhà ngồi khóc một mình. Tôi hứa với lòng là sẽ không hỏi ông và mẹ về chuyện cha tôi đã bỏ làng ra đi, nhưng tôi cũng tự hỏi trong lòng: Cha đi đâu vậy…? Tôi đã theo chú Sơn chạy loạn trong vô thức và đứng trước cổng của nhà Dòng Hoàng Nguyên lúc nào không hay. Tôi ngạc nhiên thấy những người chạy loạn đổ dồn vào nhà Dòng. Họ chen chúc nhau trong khuôn viên nhỏ bé của nhà Dòng với hy vọng được an toàn dưới cây thập tự giá trên nóc gác chuông nhà thờ, một dấu hiệu mà người dân quê chất phác tin tưởng như một phép lạ có thể che chở họ. Người tỵ nạn quá đông, họ đã nằm, ngồi ngổn ngang chật chỗ trong khuôn viên, lan ra cả ngoài bức tường cao quá đầu người và làm tan hoang những ruộng khoai, bắp xung quanh nhà Dòng. Những người dân quê chất phác này đã vội vã mang theo họ những gì có thể sống tạm bợ vài ngày trong khi lánh nạn. Họ sẽ trở về sau khi hết nghe tiếng súng nổ, và sự càn quét của thực dân Pháp đổ về từ căn cứ chợ Lịm và Đồng Văn. Chú Sơn đi tìm chỗ ngủ cho hai chú cháu khi trời đã về chiều, trong khi tôi đứng chăm chú nhìn hai ba người lính Việt Minh mặc quần áo đen đào hố cá nhân, giao thông hào bên ngoài bức tường gần cổng chính, và lẩn sau những bụi tre của nhà Dòng. Thỉnh thoảng họ đưa súng cá nhân bắn lên chiếc phi cơ thám thính của Pháp đang bay vần vũ trên không phận của nhà Dòng như thách đố và phô trương lực lượng. Mỗi lần phi cơ nghiêng cánh và chúc xuống là mỗi lần hai ba xác người dân quê tung lên cùng với tiếng gào thét thê thảm tắc nghẹn sau tiếng nổ lớn của trái phá đã được tung ra từ phi cơ.

Bất chợt một tràng súng đại liên của người lính Việt Minh từ trên tháp chuông bắn ra trong khi chiếc phi cơ thám thính đã bay xa và không trở lại vì trời đã bắt đầu tối. Chú Sơn kéo tôi vào một góc tối của nhà Dòng để chiếm chỗ ngủ. Tôi nằm gác đầu lên đùi chú trong khi chú ngồi dựa lưng vào góc tường. - Ngủ đi con mai hết đánh nhau chú cõng con về. Chú nói nhỏ với tôi. - Dạ. Nhưng thực tình tôi không thể ngủ được vì những tiếng gọi tìm nhau vang lên ơi ới trong ánh sáng chợp chờn ghê sợ của những cây nến không đủ chiếm bóng tối. Có những tiếng rên đau đớn của kẻ bị thương, và tiếng nức nở của kẻ còn sống khóc người thân đã mất vì những trái phá hồi chiều, hay trên đường chạy loạn. Tôi chợt ngồi nhỏm dậy chỉ cho chú vài ba người lính Việt Minh cầm súng đi vội vàng thoát ra cổng như lẩn trốn vào bóng đêm. Chú tôi nhìn theo họ, nói khẽ. - Họ rút quân, thế là mai chú cháu mình sẽ về làng. Nhưng tiếng hú ghê rợn của đạn pháo bay trên đầu và những tiếng nổ long trời như reo bắp đã trải trên khuôn viên nhà Dòng sau lời chú tôi nói. Mọi người lộn xộn nhốn nháo kêu gào, và xô nhau chạy ra khỏi nhà Dòng trong khi những cuộn lửa bốc lên khắp mọi nơi. Chú tôi kinh hoàng cầm lấy tay tôi và kéo tôi chạy bất kể chân đã đạp nên những vật gì. Tôi chạy theo chú kéo đi nhưng vẫn nghe tiếng đạn pháo tiếp tục nổ như bắp rang làm xác thân người dân quê đã liên tục tung lên trong ánh chớp sáng xẹt lửa của trái phá.

Trong khi đang cố gắng chạy ra ngoài để thoát thân, tôi nhìn thấy những dẫy nhà đang cháy sập xuống, và có những tiếng gào thảm thiết của người bị thương càng lúc càng vang lên trong đám lửa bốc cao. Với ánh lửa rực sáng điên loạn của chiến tranh và đạn pháo nổ, tôi nhìn thấy những người bị thương lăn lộn gào thét kêu cứu nằm lẫn với xác người ngổn ngang trên sân và bãi trống bên trong và ngoài nhà Dòng. Tôi đã đạp lên những mảnh xác người và đụng phải ruột của người chết lẫn máu văng lên lủng lẳng trên cành tre để thoát ra ngoài từ khúc tường bị đạn pháo bắn đổ. Sau khi thoát ra ngoài, hai chú cháu đã mệt nhoài và nằm sóng soài dưới rãnh khoai lang để thở. Lúc này, tôi cảm thấy mùi máu tanh trên quần áo nên sợ hãi nói với chú.

- Chú… Chú…! Con bị đạn rồi. Chú Sơn lấy tay rờ khắp người tôi và nói.

- Tay chú rờ tới chỗ nào đau thì con nói cho chú biết.

- Dạ. Sự thực tôi chẳng thấy đau ở chỗ nào cả nhưng bàn tay chú tôi vẫn rờ khắp người tôi, và tôi lại càng cảm thấy mùi máu tanh nồng hơn khi tay chú Sơn đã rờ tới cổ. Tôi nói với chú:

- Con chẳng thấy đau chỗ nào cả, nhưng sao tay chú nhơn nhớt ở cổ con và có mùi tanh ghê lắm. Chú Sơn xòe đôi tay ra nhìn trong ánh trăng mờ đục và thất thanh thốt lên.

- Giêsu lạy Chúa tôi…! Sao người con toàn là máu không vậy.

- Con ngã vào vũng nước khi chú kéo con chạy ngang qua sân. Chú Sơn lắc đầu.

- Đó không phải là vũng nước đâu con. Tôi ngồi nhỏm dậy.

- Vũng gì vậy chú. Chú Sơn nhìn tôi lắc đầu một lần nữa rồi lẩm bẩm đọc kinh trong khi tiếng súng dần yên lặng, và hai chú cháu ngủ thiếp đi vì mệt lúc nào không hay.

Khi tôi tỉnh lại vì những tiếng ồn ào khác lạ, và vòng quanh hai chú cháu đã thấy một nhóm thực dân lính Lê Dương đang chĩa súng có lưỡi lê vào chúng tôi trong khi trời còn mờ tối. Họ nói tiếng Pháp xí xô và tay họ chỉ trỏ lung tung, trong khi hai chúng tôi không biết gì cả. Chú tôi bị họ trói ghì tay lại phía sau và kéo tôi ra xa chỗ chú tôi đứng. Chúng đá chú tôi lăn lộn trên ruộng khoai như đá banh vì mỗi lần chúng hỏi cung, mà chú tôi đã không trả lời. Thật tình, chú tôi đâu có hiểu chúng nói gì…! Chú tôi chỉ luôn cúi đầu van lạy, và hết lời cầu khẩn kẻ khác giống nòi để được tha, nhưng chúng chỉ buông những tiếng cười man rợ của kẻ thống trị và giận dữ đánh đập chú tôi. Bất chợt một tràng súng nổ, tôi há hốc mồm gào thét khi thấy lồng ngực chú tôi vỡ tung, máu tuôn ra có vòi và ngã xuống nằm ngang trên luống khoai. Tôi nhào tới ôm chú tôi khóc ngất trong khi nhóm lính Lê Dương buông tiếng cười khả ố rồi bỏ đi mặc tôi ngồi khóc bên xác chú. Chú Quân đã tìm thấy tôi bên cạnh chú Sơn trên ruộng khoai gần nhà Dòng Hoàng Nguyên vào giữa trưa, trong khi cuộc càn quét tàn sát của quân đội Pháp vẫn còn trong vùng để tìm kẻ thù, tuy nhiên tiếng súng đã bớt bắn phá trong vùng xôi đậu. Người dân trong làng cũng từ từ kéo nhau về với vẻ mệt nhọc bơ phờ đau khổ của những kẻ mất ngủ, sợ hãi, mất mát và thoát chết trong chiến tranh. Họ kéo lê đôi chân rướm máu với quần áo rách nát xơ xác và mang những khuôn mặt mất hồn về làng. Có người đã ngã ngất xỉu trên ruộng lúa vì đói. Có người vừa đi vừa khóc thảm thiết vì mất con, mất vợ, mất chồng. Cũng có người được cáng về làng vì bị thương. Một vài người mất tay, mất chân đau đớn rên la vì không thuốc chữa, những vết thương đã làm mủ chỉ chờ chết.

Làng đã bị thiêu hủy tàn phá vì bom dạn thế mà họ vẫn trở về để nhìn, để khóc, để lăn lộn trên đống tro nguội lạnh của nền nhà hoang tàn, đổ nát vì đó là cội rễ, nơi họ đã khóc chào đời và cũng chính là nơi máu và nước mắt của nhiều thế hệ đã đổ ra và nhọc nhằn giữ lấy…! Nhà của ông bà nội tôi cũng không hơn gì những nhà bên hàng xóm, chỉ còn lại vài cây cột gẫy cháy dở dang, và cái bếp đã bị sập quá phân nửa, phần còn lại cũng xiêu vẹo nhƣ muốn ngã luôn xuống đất. Chú Quân đã mang xác chú Sơn về nhà và đặt xác chú Sơn giữa sân trong tiếng khóc của bà nội và mẹ tôi. Bà nội nhào tới ôm lấy xác chú Sơn và nhìn vào lồng ngực bầy nhầy mất tim gan của chú rồi lăn ra sân ngất đi, trong khi mẹ tôi sụt sùi ôm bà lay gọi…! Ông tôi chỉ nhìn xác chú Sơn rất nhanh rồi quay mặt đi, ông đứng trên nền nhà đổ nát yên lặng với đôi vai rung rung trong khi nước mắt ông tràn ra hai má. Nhưng oan nghiệt thay, thực dân Pháp rút quân về căn cứ đi qua làng tôi, thế là cả làng tôi lại thêm một phen nữa tán loạn vì đạn pháo, bom rơi. Cả gia đình bỏ mặc chú Sơn nằm giữa sân để chạy nấp trong các bụi bờ hầu cứu lấy thân, và cũng vì thế mà mẹ tôi quyết đị bỏ làng ra đi. Sau những trận lửa loạn đó, tôi đã theo mẹ bỏ làng đi không về như cây đã trốc gốc. Bước chân tôi đi mỗi ngày mỗi xa. Cành lá hồn tôi cũng úa tàn theo tuổi đời rong ruổi xế chiều như hai cây lớn trên lối đi đường Tully. Tôi nghĩ tới chú Quân, con người của Cộng Sản! Tôi đau lòng nhớ tới chú Sơn, một người hiền hòa quê mùa chỉ biết kiếm sống bằng đôi tay lam lũ chân quê, ấy vậy lại bị chết oan uổng vì những viên đạn của ngoại xâm, và tức nhục trước sự đe doạ của Việt Minh khi còn sinh thời. Tôi chợt buồn nhớ tới cha tôi, một đời nhất tâm ôm vào lý tưởng tự do, tự cường dân tộc, nhưng rồi cũng buông xuôi bỏ xác xứ người, và tiếc nuối một đời.

Tôi và chú Quân đều là hai kẻ chối bỏ lời mẹ, tình quê. Hai kẻ trốc gốc xa cội, bỏ nguồn…! Chú đã già và đã nằm xuống với lý tưởng sai mà chú đã cưu mang; nhưng tôi nửa đời biền biệt nhận xứ lạ làm quê hương để làm thân tầm gởi trong khi cội nguồn đang quằn quại đau thương trùng trùng…! Tôi sực nhớ tới bài thơ Một Trẻ Một Già tôi viết trong mùa đông 2003, khi dìu mẹ ra sân sau:

Một Trẻ Một Già

Đông về tuyết phủ đỉnh núi xa,
Nắng sớm reo vui gọi trước nhà,
Gió mang lạnh giá hòa sương sớm,
Cành trơ không lá đợi đơm hoa.
Sao thấy lòng tôi phơi phới quá…!
Đông về kỷ niệm Chúa sinh ra,
Mang niềm vui sống cho nhân loại,
Việt Nam rồi sẽ hết can qua.
Chợt thấy mẹ tôi mặt lắng buồn,
Mắt người ngấn lệ muốn trào tuôn,
Thở dài mẹ nói: Đông rồi đó,
Nhớ mãi nghe con, nhớ lấy nguồn…!
Vạn mũi kim sầu nhói buốt tim,
Nắng vàng chợt úa, gió im lìm,
Tôi ôm vai mẹ tìm an ủi, Một già,
Một trẻ khóc trong tim.
Bao giờ tôi mới nói là quên,
Quên được hay sao vạn nỗi niềm,
Quê hương còn đó, đời vong quốc…
Đông về khắc khoải ngủ không yên.

Nhân ngày lễ Vu Lan, August 13, 2005.
Con viết kính mẹ 92 tuổi đời mẹ vẫn khắc khoải vì các con.