PDA

View Full Version : Người Việt chấm chung nước mắm có thể bị ung thư​ ​



KiwiTeTua
12-08-2017, 07:52 PM
<iframe width="800" height="400" src="https://www.youtube.com/embed/SFPYmYGB9VQ" frameborder="0" allowfullscreen></iframe>



Người Việt chấm chung nước mắm có thể bị ung thư​ ​

Thói quen lâu đời nay lại dậy sóng cộng đồng khi các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng đây chính là nguyên nhân dẫn đến lây nhiễm nhiều bệnh và có thể dẫn tới ung thư.

Ở Việt Nam, trong ăn uống nhiều người thường dùng đũa của mình gắp thức ăn cho người khác hay dùng chung một chén nước mắm… Đó là thói quen có từ hàng trăm năm nay, nhưng theo các chuyên gia dinh dưỡng, thói quen ăn uống này chính là con đường để vi khuẩn helicobacter pylori (Hp) xâm nhập vào cơ thể nhanh nhất. Đây là một loại vi khuẩn sống trong dạ dày có thể gây viêm loét niêm mạc dạ dày – tá tràng dẫn tới ung thư.


https://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd1017/1512762434-1nm.jpg

- Đại đa số các gia đình người Việt đều có thói quen như trong bữa ăn điển hình của một đại gia đình ở miền Tây này: Ba bát nước mắm được xếp quanh bàn để mọi người chấm chung món cá cuộn rau sống:

Câu chuyện về sự lây lan vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp) ngẫu nhiên “miệng – miệng” do thói quen ăn uống “chung đụng” của người Việt đang gây chú ý cộng đồng. Nhiều người biết thói quen này là con đường lây nhiễm nhiều bệnh, nhưng rất khó để thay đổi được. “Bạn thử hình dung nếu bữa cơm gia đình chia mỗi người một bát nước mắm riêng thì sẽ ra sao?”, Facebooker Le Diep đặt câu hỏi.

Dù biết văn hóa ăn uống “chung đụng” của người Việt thể hiện được sự gắn kết chia ngọt sẻ bùi, nhưng nó cũng chứa đựng những nguy cơ làm mầm bệnh phát tán.

Là người từng bị nhiễm vi khuẩn Hp, Facebooker Nguyễn Hoàng nói: "Tôi rất sợ cách ăn uống chung chạ của người Việt. Tôi sợ những bữa ăn đại gia đình. Tôi không thích cách tỏ tình thân mến của người Việt khi ngồi cùng mâm cỗ, vì họ hay dùng đũa cá nhân tiếp thức ăn cho người khác để bày tỏ lòng hiếu khách. Có lần tôi nhắc khéo ông anh họ nên trở đầu đũa khi gắp thức ăn cho ai đó... Vậy mà tôi bị cả nhà mắc là ‘vô ý thức’".

Đồng quan điểm trên, Facebook Nguyễn Hậu bình luận: “Tôi nghĩ mọi người nên bỏ thói quen dùng chung một chén nước mắm, uống chung một ly rượu hay dùng đũa của mình gắp thức ăn cho người khác. Tôi đi ăn nhiều nơi, thấy một số người hay dùng đũa khua khoắng vào nồi lẩu, tô canh… rất mất vệ sinh”.

Chia sẻ về cách phòng ngừa và vệ sinh trong ăn uống, Facebooker Lê Hồng nói: “Gia đình tôi ăn cơm là mỗi người một khay riêng biệt, có nghĩa là nước chấm cũng riêng. Lúc đầu, mọi người đều hơi bỡ ngỡ nhưng sau thành quen. Cách ăn uống này, tôi thấy rất hay, vì vừa vệ sinh, vừa ăn hết định mức khẩu phần của từng người. Khách đến nhà, tôi cũng áp dụng vậy, chế độ theo định mức khẩu phần…, và từ từ khách cũng quen và đánh giá cao”.

Cả nhà bị lây bệnh vì chung chạ mâm cơm
Facebooker Hà My chia sẻ câu chuyện về gia đình chị khi có một người bị nhiễm vi khuẩn Hp nhưng không ai để tâm đến việc phòng ngừa. Hậu quả, cả nhà bị lây bệnh.

Chị kể: "Cách đây hai năm, em trai của tôi bỗng nhiên kêu buồn nôn và đau rát bỏng vùng bụng trên. Ban đầu, cả nhà đều nghĩ chắc đau bình thường nên chỉ xoa dầu. Ngày hôm sau, em vẫn kêu đau như thế, bố đã đưa đi khám. Bác sĩ thông báo: Em bị viêm loét niêm mạc dạ dày vì nhiễm vi khuẩn Hp. Tôi làm ở dưới thành phố, xin nghỉ vài hôm về nhà chăm, tâm sự với em thì mới biết em bị lây từ người yêu.

Tôi lên mạng tìm hiểu về loài vi khuẩn Hp, thấy nhiều người cũng bị mắc bệnh này. Họ đều khuyên cho người bệnh ăn riêng để tránh lây lan. Và tôi có đề xuất ý kiến này với gia đình làm phần ăn riêng cho em ấy và khuyên không nên ăn “chung đụng” sẽ rất dễ lây nhiễm.

Bố mẹ không nghe, còn chửi tôi te tua: “Em đang ốm không thương sao còn phân biệt đối xử với nó”. Tôi càng giải thích thì bố mẹ chửi càng nhiều hơn. Tôi đâu có suy nghĩ phân biệt đối xử gì, chỉ là làm vậy để giảm thiểu khả năng lây bệnh mà thôi.

Vài tháng sau, bố mẹ tôi đi khám sức khỏe tổng quát, kết quả đã bị nhiễm vi khuẩn Hp. Đến lúc này, bố mẹ mới chịu tìm hiểu thông tin từ bác sĩ và nhận ra rằng vi khuẩn Hp sống trong dạ dày, nó có thể gây viêm loét niêm mạc dạ dày – tá tràng, dẫn đến ung thư. Lúc này, bố mẹ mới biết sợ".

Người Việt khó bỏ được thói quen ăn uống ‘chung đụng’
Nhiều người cho rằng để bỏ được thói quen ăn uống “chung đụng” ở Việt Nam là không thể. Vì nó dường như là một nét văn hóa đặc trưng đã ăn sâu vào mỗi người Việt.

Đặc điểm đó dễ nhận thấy nhất trong mâm cơm của người Việt là bát nước chấm. Người phương Tây quan niệm, mỗi người cần có một bát nước chấm riêng để sạch sẽ, vệ sinh. Người Việt ta lại cho rằng, mâm cơm thì phải có bát nước chấm chung mới thấy ngon miệng, mới thể hiện được sự sẻ chia của gia đình.

"Trong bữa cơm hàng ngày của gia đình người Việt, đặc biệt ở vùng thôn quê luôn có một chén nước mắm được đặt giữa mâm cơm. Nó như là biểu tượng cho sự chia sẻ ngọt bùi, gắn kết tình yêu thương. Bởi thế thói quen đó mới trở thành văn hóa, có sức sống lâu bền. Tất nhiên nếu nhìn, phân tích ở góc độ y học hiện đại thì có thể sẽ có nhiều thứ phải bàn. Nhưng các bạn cũng thử hình dung, nếu mỗi người một chén nước mắm để chấm riêng thì sẽ thế nào?", Facebooker Trần Hiệp bình luận.

Còn Facebooker Lê Thắng viết: "Tôi hiểu, nếu thay đổi thói quen này được thì rất tốt, nhưng chỉ với những người khá giả, giàu có thôi. Nhà nghèo có 5, 7 người, không giám mua nước mắm ngon để ăn thì lấy đâu ra mà mỗi người chấm riêng một chén nước mắm?".

"Còn chuyện vệ sinh sạch sẽ trong ăn uống ai cũng ý thức rõ, nhưng để thực hiện được là rất khó. Cụ thể, tôi về nhà bạn ở dưới miền Tây, họ uống rượu chung một ly xoay vòng thì mình cũng phải theo, không uống họ sẽ trách móc. Còn xin cái ly để uống riêng thì sợ họ nói mình chảnh"...

Quốc Anh


_______________________________________


Người Việt ăn thường chấm chung chén nước mắm, coi chừng!

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ nhiễm vi khuẩn HP trong cộng đồng rất cao là do thói quen ăn uống “chung đụng”.


https://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd1017/1512762457-2nm.jpg
Dùng chung nước chấm hay gắp thức ăn cho nhau cùng một đũa ăn dễ lây nhiễm nhiều bệnh - Ảnh: T.T.D.

Khi ăn uống, người Việt có thói quen chỉ chấm chung một chén nước chấm, dùng đũa cá nhân của mình gắp thức ăn cho người khác để bày tỏ sự hiếu khách... Tuy nhiên, đây cũng chính là con đường lây lan vi khuẩn HP ngẫu nhiên “miệng - miệng”, thậm chí nhiễm nhiều bệnh khác.

Đừng nghĩ là việc nhỏ
Helicobacter pylori viết tắt HP là vi khuẩn sống trong dạ dày có thể gây viêm loét niêm mạc dạ dày - tá tràng. HP còn được xác định là nguyên nhân hàng đầu có thể gây ung thư dạ dày. Ở các nước có nền công nghiệp chưa phát triển như nước ta, do yếu kém về điều kiện nguồn nước, thực phẩm, vệ sinh con người, tỉ lệ nhiễm vi khuẩn này chiếm đến 90% dân số.

Nếu tránh được các yếu tố nguy cơ và thực hiện một số biện pháp phòng ngừa nhất định, chúng ta có thể giảm nguy cơ bị nhiễm khuẩn HP. “Tiêu diệt” HP rất khó vì con vi khuẩn này phát sinh tính đề kháng, tức chống lại tác dụng của kháng sinh rất nhanh và phức tạp. Để đối phó với tính đề kháng rất nhanh của vi khuẩn HP, các nhà khoa học y dược luôn phải theo dõi, tìm các phác đồ điều trị mới để thay cho các phác đồ bị thất bại.

Việc điều trị HP rất khó khăn nên từ lâu người ta nghĩ đến phòng ngừa, tức không để HP lây nhiễm từ người này sang người khác. Không bị lây nhiễm thì không phải gian nan trong việc điều trị.

Vi khuẩn HP có thể có trong nước bọt, chất nôn, dịch tiết ra từ dạ dày hoặc miệng. Nguy cơ nhiễm khuẩn HP sẽ tăng nếu những chất này được đưa đến miệng hoặc cho tay vào miệng sau khi chạm vào những nơi chứa vi khuẩn.

Đối với người dân Châu Á, dùng đũa ăn cơm vừa gắp thức ăn chung, vừa ăn cơm và cho thức ăn vào miệng khiến nguy cơ nhiễm HP rất cao. HP sẽ từ miệng người bị nhiễm theo đũa và cơm lây vào thức ăn khi được dùng để gắp.

Dễ nhiễm nhiều loại bệnh
Nên từ bỏ thói quen chấm chung một chén nước chấm, dùng đũa của mình gắp thức ăn cho người khác để tỏ sự hiếu khách. Một số người còn dùng đũa “khua khoắng” hết miếng này đến miếng khác trên đĩa chung trước khi gắp được một miếng ưng ý, rồi lại dùng chính đũa của mình gắp cho người khác.

Thói quen ăn uống này tưởng như thân tình nhưng nó là con đường để vi khuẩn HP xâm nhập vào cơ thể nhanh nhất. Bên cạnh đó, sở thích ăn uống ở hàng quán vỉa hè kém vệ sinh càng làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn HP, thậm chí nhiễm nhiều bệnh lây qua đường miệng khác như viêm gan siêu vi A, viêm gan siêu vi E.

Để hạn chế nhiễm khuẩn HP và cả sự lây nhiễm các mầm bệnh lây qua miệng trong cộng đồng, mọi người nên tập thói quen giữ vệ sinh cá nhân, tránh chung đụng trong ăn uống.

Nếu có điều kiện, nên dùng phần ăn riêng, nhất là nước chấm. Nếu món ăn bắt buộc phải dùng chung, nên để vào đó một chiếc muỗng sạch dùng chung. Múc riêng ra vào chén mình mỗi khi dùng. Không nên dùng chung ly uống nước để đảm bảo vệ sinh cho mình và cho người.

Tập thói quen rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, không thấm nước bọt khi đếm tiền, lật giấy...
Theo BS CK1 Đào Thị Yến Thủy thì dùng chung muỗng đũa dễ lây nhiễm hơn dùng chung nước chấm nguyên chất. Tuy nhiên, chung nước chấm vẫn có nguy cơ nhiễm vi khuẩn, virus và truyền bệnh cho nhau.

BS. Trần Ngọc Lưu Phương cho biết cách tốt nhất vừa đảm bảo vệ sinh vừa tránh những bệnh lây nhiễm qua ăn uống là nên có một đôi đũa chung và một cái muỗng chung để gắp đồ ăn cho mọi người (nếu cần) cũng như múc nước mắm vô chén cá nhân của mình.

NGUYỄN HỮU ĐỨC