PDA

View Full Version : Làm sao thoát khỏi trạm Công an phạm xá ?



loibangTQLC
08-02-2009, 01:02 AM
Để tiếp theo bài " Tấm giấy thông hành định mệnh " :

(Bài 3)
Quốc Hận 20-7-1954:
Làm Sao Thoát

Khỏi Trạm

Công An Phạm Xá?

*

Vào lúc 5 giờ sáng, trên bầu trời Hà Nội, ánh trăng sao lấp lánh. Bên dưới, ánh đèn điện sáng trưng. Chỗ nào trong thành phố cũng có cờ đỏ sao vàng của đảng CSVN mà nhiều người gọi là "cờ Máu". Nổi nhất ở hai bên đường, "cờ Máu" được cắm trước cửa nhà, tạo thành hai hàng dọc. Theo luận điệu tuyên truyền của Cộng Sản, đó là biểu tượng ở thủ đô, sau ngày miền Bắc đã được hoàn toàn "giải phóng"!

Thế nhưng, đồng bào miền Bắc lại bỏ "quê cha đất tổ", bỏ cả cơ nghiệp, di cư vào Nam tỵ nạn với hai bàn tay trắng. Nếu Cộng Sản không ngăn cấm, tổng số đồng bào di cư tỵ nạn không ở mức 1 triệu người như hiện thời, mà chắc chắn, sẽ tăng gấp năm ba lần. Nhiều người vẫn còn nhớ, sau ngày hiệp định Genève ký kết, trên nhiều ngả đường -- như đoạn đường từ Phủ Lý, xuyên qua Hà Nội để ra Hải Phòng -- hàng trăm hay cả ngàn người, lũ lượt đi lánh nạn mỗi ngày. Không lâu sau, Cộng Sản đã thẳng tay ngăn cấm. Nên dân chúng miền Bắc, không dám đi công khai như trước nữa. Ai muốn vào Nam, phải tìm cách đi trốn, như gỉa mạo giấy tờ, đóng kịch làm hành khất, hoặc sử dụng phương cách khác để thoát thân.

Trong thời gian này, dân cư ở Hà Nội chưa bị kìm kẹp chặt chẽ như dân cư ở vùng thôn quê. Một phần, vì Cộng Sản mới nắm quyền kiểm soát thành phố này. Một phần, Hà Nội có trụ sở của "Uỷ Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến". Nên Cộng Sản e ngại phần nào. Tuy nhiên, mỗi khi nhìn thấy dân chúng, từng toán năm ba người đi trên đường phố, hướng về phía ga xe lửa thì công an Cộng Sản nghi ngờ. Chúng chặn lại, xét hỏi xem toán bộ hành ấy có phải là "toán Việt gian", muốn trốn ra Hải Phòng để đáp tàu thuỷ vào Nam hay không?

Vì tình cảnh như thế, sáng nay cô Hòa, em của ông Văn, hết sức thận trọng khi sửa soạn ra ga xe lửa. Nhờ kinh nghiệm đi đây đi đó buôn bán, cô Hoà rất thông thạo đường Hà Nội -- Hải Phòng. Lúc bình thường, cô có tật "sợ bóng sợ gió". Nhưng khi hữu sự, cô đối đáp lanh lợi và đôi khi liều lĩnh. Chỉ vì dậy sớm hơn thông lệ nên cô Hoà e ngại, công an nghi ngờ. Lỡ mà chúng đến gõ cửa, cả gia đình cô sẽ khốn đốn.

Trong tâm trạng "có tật giật mình", cô Hòa vừa sửa soạn hành lý vừa nơm nớp lo sợ. Lúc thì cô nhìn đồng hồ. Lúc thì cô nhìn qua cửa sổ. Đợi đến lúc ánh binh minh ló dạng, cô mới bước tới bên giường, đánh thức hai cậu con trai.

- Dậy các con! Các con dậy... đi rửa mặt, thay quần áo, rồi mẹ cho đi chơi.

Hùng và Việt đều uể oải, mắt nhắm mắt mở, lần lượt ngồi dậy. Vì muốn đến nhà ga đúng giờ như dự trù, nên cô thúc dục hai đứa trẻ:

- Nhanh lên các con, nhanh lên.

Nói xong, cô Hòa bước vi sang phòng khách. Cô bật đèn lên rồi đứng im lặng trong giây lát. Nhìn hai đứa cháu, vẻ mặt ngây thơ, đang lim dim ngủ, cô Hòa cảm thấy ái ngại trong lòng. Nhưng cuối cùng, cô vẫn phải xúc tiến cuộc hành trình như đã dự liệu.

- Thức dậy hai cháu! Tuấn và Thảo tỉnh dậy nào!

Cô Hòa nhắc đi nhắc lại nhiều lần mà hai đứa trẻ vẫn nửa tỉnh nửa mê. Nên cô phải kiên nhẫn, đợi cả mấy phút sau, Tuấn mới uể oải ngồi dậy. Còn Thảo, vừa tỉnh dậy thì ánh mắt ngấn lệ, nhìn cô Hòa rồi ngớ ngẩn hỏi:

- Bao giờ.... mẹ cháu sẽ lên đây, hở cô?

Cô Hoà thương cảm, âu yếm nắm tay Thảo:

- Mẹ cháu ở tuốt.... miền quê tỉnh Hà Nam, xa lắc.... xa lơ, làm sao cô biết được!

Trước khi bước vào phòng, cô Hoà biết thể nào Thảo cũng hỏi như thế. Vì mấy ngày vừa qua, mỗi khi tỉnh dậy, Thảo nhớ mẹ thì cùng Tuấn, quấn quýt ở bên cạnh cô Hoà, hỏi hết chuyện này sang chuyện khác. Nhất là chuyện về bà Văn, khi nào trốn thoát lên Hà Nội, làm sao cô Hoà biết được! Trong lòng bùi ngùi khôn tả, nhưng cô Hoà vẫn thúc dục Tuấn và Thảo:

- Hai cháu đi rửa mặt, nhanh lên, rồi cô cho đi chơi.

Cô thầm nghĩ, trong cuộc hành trình này, nếu thành công thì từ nay Tuấn và Thảo sẽ không bao giờ gặp lại bố mẹ nữa. Nếu thất bại, hai em sẽ bị công an bắt trở về quê cũ. Nếu vậy, chắc chắn Tuấn và Thảo sẽ phải theo mẹ ra đấu trường. Ngoài "tội địa chủ", bà Văn còn bị buộc tội là "gởi hai đứa con, trốn theo mẹ mìn Ngô Đình Diệm vào Nam". Cô Hòa nghĩ như vậy thì vừa lo sợ, vừa cảm thấy thương tâm. Còn bản thân cô, sau khi bỏ quê hương đi lánh nạn Cộng Sản, biết đến bao giờ cô mới có dịp trở lại? Từ đây, gia đình, họ hàng và bạn hữu, sẽ "nghìn trùng xa cách", mỗi người một nơi.

"Tiếc thật! Nếu hai cháu Tuấn và Thảo trốn lên Hà Nội sớm hơn mấy ngày thì gặp bác Văn ở nhà mình rồi!"

Mỗi khi nghĩ như vậy, lại thêm một lần cô Hòa cảm thấy bực bội và thương tiếc khôn nguôi. Hình ảnh ông Văn, râu dài tóc bạc, thất thểu đến nhà cô tá túc trước khi trốn ra Hải Phòng. Chẳng hiểu ông có xin được giấy tờ ở Hải Phòng hay không, mà không thấy trở lại Hà-Nội? Biết đâu, ông đã vội vàng về thẳng Hà-Nam? Thật là xui xẻo! Tại sao ông không ghé lại nhà cô Hòa trước khi về quê? Suốt mấy ngày đêm, cô Hòa nóng lòng, mong gặp lại ông Văn. Nhưng hôm nay, ngày cuối cùng, cô không thể chờ thêm được nữa. Vì không còn bao lâu nữa, Cộng Sản sẽ tiếp thu thành phố Hải Phòng. Cô không còn lựa chọn nào hơn là phải ra đi. Dĩ nhiên, Tuấn và Thảo cũng phải đi theo. Đây là chủ ý của bà Văn khi cho Tuấn và Thảo "lên Hà Nội thăm cô Hoà".

Từ khi trốn thoát lên Hà Nội, cả ngày Tuấn và Thảo thơ thẩn bên nhau ở trước cửa nhà. Mỗi lần có tiếng chuông điện reo ở ngoài cổng, hai em lại hí hửng, tưởng là bố mẹ thì hăm hở chạy ra. Nhưng rồi, cả hai em đều thất vọng, vẻ mặt lại buồn thiu. Nếu Tuấn và Thảo biết rõ, hôm nay là ngày vĩnh biệt cha mẹ, chắc chắn không bao giờ hai em bằng lòng đi theo cô Hòa. Vì vậy, cô Hòa đợi cho đến giây phút cuối. Trước khi đi, cô gọi Hùng, Việt, Tuấn và Thảo đến. Trong thâm tâm, cô vẫn lo ngại công an Cộng Sản nghe lén, nên nói nhỏ:

- Sáng sớm, nhiều người còn ngủ, không ai được nói lớn, hoặc gây tiếng động làm phiền hàng xóm. Bây giờ, mình ra ga xe lửa, đi Hải Phòng thăm bác Khôi.

Tuấn và Thảo thẫn thờ. Nỗi buồn của hai em hiện rõ trên vẻ mặt ngây thơ.

- Thế không đợi bố mẹ cháu hở cô?

Cô Hòa nhìn Tuấn rồi nghẹn ngào:

- Cô đã đợi... suốt mấy ngày liên tiếp. "Chắc là... là bố mẹ cháu sẽ lên sau". Có thể, bố cháu đã về thẳng Hà Nam rồi... Bây giờ cô phải ra Hải Phòng. Cháu nhớ lời dặn của mẹ cháu không? "Lên thăm cô Hòa, khi cô đi đâu, phải đi theo nếu không sẽ lạc".

Tuấn nài nỉ cô Hoà:

- Cô dẫn Hùng và Việt ra Hải Phòng. Còn chúng cháu... xin cô cho ở lại, chờ bố mẹ chúng cháu. Cháu và Thảo... chỉ ở trong nhà thôi, không ra ngoài đường, không sợ đi lạc cô ạ?

Cô Hoà lúng túng trong giây lát. Nhưng ngay sau đó, cô tỏ ý dứt khoát:

- Không được. Mẹ cháu dặn, các cháu phải đi cùng với cô.

Thảo lau nước mắt rồi phụng phịu nói:

- Cháu muốn ở đây... chờ mẹ, chờ bố cháu.

Mặc dù trong lòng thương cảm, nhưng cô Hòa muốn tỏ thái độ cương quyết, nên quắc mắt nhìn Thảo, rồi nói:

- Tất cả các cháu phải đi cùng với cô. Không có ai được ở lại.

Nói xong, cô nắm chặt tay Tuấn và Thảo, rồi bảo Hùng và Việt:

- Đi kẻo trễ, đi các con.

*

...Vừa bước vào nhà ga xe lửa, cô Hoà hấp tấp đi mua vé. Vì cô e ngại, nếu lỡ chuyến tàu này, cả gia đình lại phải chờ, ngày mai mới có chuyến khác. Thế nhưng, sau khi lên tàu, cô ngồi vào ghế xong xuôi mà cả 5 phút sau, chuyến tàu mới khởi hành.

Còi tàu hét lên, làm Tuấn và Thảo -- đang mải miết tư lự -- phải giật mình. Hai em nhìn nhau, ánh mắt ướt lệ. Tuấn cũng như Thảo đều có linh cảm, không bao giờ còn gặp lại cha mẹ nữa! Những chuỗi ngày bơ vơ khi vào Nam, sớm hiện ra trong trí tưởng tượng của Tuấn. Trong khi ấy, cô Hòa nhìn hai cháu, trong lòng cảm thấy xót xa, nhưng không biết làm thế nào để an ủi chúng. Âm thanh chát chúa của tiếng còi vang lên lần thứ nhì làm cô Hòa có cảm tưởng, đó là tiếng gào thét của hai đứa cháu mình trong cơn tuyệt vọng.

Xa quê hương, trong hoàn cảnh ấy, làm sao cô tránh khỏi đau lòng. Để tránh khỏi xúc động, cô Hòa nghĩ sang chuyện khác. Nhưng rồi, đôi mắt cô vẫn ngấn lệ. Cô bèn cúi xuống, tháo đôi giày ra khỏi chân để phủi cho sạch cát. Làm như vậy, cô hy vọng có thể che dấu được những người xung quanh. Nếu thấy cô khóc, thể nào cũng có kẻ tò mò, thắc mắc. Nhất là trên chuyến tàu này, thiếu gì công an Cộng Sản gỉa dạng là thường dân. Trong toa xe của cô, có khoảng chừng 20 hành khách ngồi đối diện nhau trên 2 dẫy ghế. Đa số là ông già, bà lão và trẻ em. Cô Hòa ngại nhất gã mặc áo xanh -- ngồi phía bên phải Hùng. Vì vậy, Tuấn và Thảo càng sụt sùi khóc, cô Hòa càng lúng túng. Làm thế nào, cô tránh khỏi "đôi mắt cú vọ" của hắn ta? Cô Hòa bước lại chỗ Tuấn và Thảo, rồi lần lượt cài cúc áo cho chúng:

- Tàu bắt đầu chạy nhanh rồi đấy, hai cháu có thể nhìn qua cửa sổ, nhưng chớ đưa tay ra ngoài. Nhiều đoạn đường, tàu chạy sát bên cạnh xe khác, nguy hiểm lắm. Kìa! Nhìn bên ngoài kìa! Có chuyện gì mà đông người tụ lại như thế?

Trước khi trở về chỗ cũ, cô ghé sát vào tai Tuấn và Thảo rồi nói nhỏ:

- Không được khóc. Các cháu ngoan, phải nghe lời cô, nín ngay lập tức.

Tuấn và Thảo vâng lời, nhưng đôi mắt vẫn đỏ hoe. Con tàu chạy mỗi lúc một nhanh. Những tiếng "xình... xịch" của bánh xe lăn trên đường sắt, nối tiếp nhau tạo thành âm thanh sầu thảm trong lòng kẻ ly hương. Cô Hòa hiểu rõ tâm trạng của Tuấn và Thảo hơn ai hết. Chính cô là kẻ phải bỏ tất cả cơ nghiệp, đi trốn Cộng Sản. Làm sao cô tránh khỏi đau lòng? Vì vậy, cô không thể nào ngăn được nước mắt. Dù nói chuyện vẩn vơ với Việt và Hùng để làm ra vẻ tự nhiên, nhưng đôi mắt cô Hoà vẫn ngấn lệ.

Cô Hòa biết, ga Phạm Xá là trạm cuối cùng thuộc quyền kiểm soát của Cộng Sản, trước khi đoàn tàu băng qua ranh giới vào địa phận Hải Phòng -- tạm thời, thuộc quyền kiểm soát của Chính Phủ Quốc Gia. Do đó, chuyến tàu của cô phải dừng lại nửa tiếng đồng hồ để công an Cộng Sản kiểm soát hành khách lần cuối. Đồng thời, chuyến tàu này còn phải chờ chuyến tàu chạy ngược chiều từ Hải Phòng vào Hà Nội. Trong khoảng thời gian này, bất cứ hành khách nào bị nghi ngờ là công an gọi vào văn phòng thẩm vấn. Nạn nhân có thể bị bắt giam.

Vừa lúc đoàn tàu ngừng trên sân ga thì tiếng hành khách gọi nhau ơi ới. Mấy em bé bán bánh, bán mía... chạy tới chạy lui rao hàng, khiến nhà ga ồn ào như nơi họp chợ. Lúc ấy, có gã hát xẩm, hấp tấp bước lên tàu. Hắn ta đeo chiếc kính đen, một tay chống gậy, một tay cầm chiếc nón lá. Vừa bước vào cửa xe, gã đưa chiếc nón ra xin tiền và ngân nga hát:

“Mấy đời... bánh đúc... có xương

Mấy đời... Mỹ Diệm... lại thương... dân mình”

Nghe thoáng qua, cô Hòa hiểu hai tiếng "Mỹ Diệm" ám chỉ chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam đang được Hoa Kỳ ủng hộ. Cô Hòa nhột dạ. Nếu để ý, ai cũng thấy mặt cô đổi sắc. Trong khi kẻ khất thực gợi ý, khuyên đồng bào không nên di cư vào Nam thì chính gia đình cô đang đi tỵ nạn. Nhiều người thường nói "có tật giật mình" là như vậy. Từ lúc bước lên tàu, cô Hòa mang mặc cảm, bị công an theo dõi. Bây giờ, gã áo xanh vẫn còn ngồi yên chỗ cũ, vẫn liếc mắt nhìn cô. Hắn ta để ý từng cử chỉ của cô. Thêm lần nữa, cô làm ra vẻ tươi cười rồi gọi kẻ khất thực:

- Này...

Cô nhanh nhẹn, móc túi áo, lấy ra mấy tờ giấy bạc "cụ Hồ", ném vào chiếc nón của kẻ hành khất. Cô chủ quan nghĩ rằng, nếu tỏ ra thích thú mấy câu hát ấy, gã áo xanh sẽ hài lòng. Nhưng không may cho cô, ngay lúc ấy Tuấn và Thảo quay lại nhìn: Gã áo xanh chứng kiến, hai em khóc từ hồi nẫy đến bây giờ. Hẳn là có chuyện gì bất ổn? Thế là hắn đứng phắt dậy, đi thẳng vào phòng công an ở nhà ga. Tim cô Hòa đập mạnh vì biết trước, chuyện bất hạnh sẽ xẩy ra.

Một phút... rồi hai phút chậm chạp trôi qua khiến cô Hoà ngộp thở. Cô "cầu Trời khấn Phật" cho thời gian mau qua, để chuyến tàu khởi hành sớm. Được vậy, cô mới có thể thoát nạn.

Bỗng nhiên, có tiếng còi tàu hét lên. Cô Hòa ngước mắt nhìn về phía cuối sân ga. Ồ! Chuyến xe lửa chạy ngược chiều từ Hải Phòng đi Hà Nội, đang từ từ tiến vào ga Phạm Xá.

Chuyến tàu có 10 toa sơn màu xám, nối đuôi nhau, chạy rất chậm, rồi ngừng sát bên cạnh toa xe của cô Hòa. Cảnh ồn ào lại diễn ra với tiếng rao hàng, tiếng người gọi nhau ơi ới. Hai em bé bán quà rong, tranh giành khách hàng, rồi sinh ra ẩu đả ngay trước cửa nhà ga. Tên công an đi ngang thấy vậy, bước tới can thiệp. Cô Hoà nhìn rõ, hắn mặc quần áo ka-ki, cổ áo gắn huy hiệu "sao vàng". Sau khi dọa nạt hai đứa trẻ bán hàng, hắn ta đi về phía toa xe của cô. Hắn bước rất nhanh. Mặt cô Hòa tái mét lúc hắn bước đến chào cô rồi chỉ tay về phía Tuấn và Thảo:

- Hai em bé này có phải là người nhà của chị không?

Hai bàn tay cô Hòa run run. Miệng cô ấp úng:

- Vâng, hai cháu là ...

- Chị theo tôi, xuống văn phòng công an "làm việc".

Tuấn và Thảo nắm chặt lấy tay nhau. Không hiểu tên công an có nhìn thấy hai đứa trẻ sợ hãi hay không? Cô Hòa lẳng lặng theo hắn, bước ra khỏi toa xe lửa. Trong lúc bối rối, cô biết làm cách nào để thoát nạn? Có thể, chúng sẽ buộc tội cô là "dụ dỗ trẻ con theo Mỹ-Diệm vào Nam"? Nếu vậy, cô sẽ bị tống giam. Tuấn và Thảo sẽ bị công an bắt mang về quê cũ. Hùng và Việt sẽ bơ vơ không còn ai nương tựa. Cô nhớ đến cuộc sống lẻ loi của cô suốt 7 năm qua -- từ khi chồng cô tử nạn. Một mình cô xoay sở, nuôi hai đứa con thơ. Cô tưởng là tạm yên và hy vọng sau này các con khôn lớn, học hành thành đạt. Nếu vậy thì cuộc sống của gia đình cô mới tươi thắm. Nào ngờ, thảm họa Cộng Sản lan tràn. Cô Hòa phải bỏ cà cơ nghiệp để vào Nam, nhưng khó có thể thoát nạn!

Khi tên công an dẫn cô Hòa ra khỏi toa xe, đi được chừng mươi bước thì bất ngờ, có tiếng gọi lớn:

- Cô Hòa! Cô Hòa!

Cô quay lại phía sau rồi mừng rỡ:

- Bác Văn! Bác Văn!

Gã công an cũng nhìn thấy, từ trên toa xe của đoàn tàu Hải Phòng đi Hà Nội, ông Văn đang hấp tấp bước xuống sân ga. Thế rồi, ông và cô Hòa đều im lặng, mở tròn đôi mắt nhìn nhau. Quả là "Trời xui Đất khiến" nên hai anh em mới gặp nhau ở ga Phạm Xá. Nhất là ông Văn, trong giây phút tới, ông còn ngạc nhiên hơn nữa. Chuyện được gặp lại Tuấn và Thảo ở đây là ngoài sức tưởng tượng của ông. Từ ngày bị Cộng Sản bắt giam, ông không hề biết bất cứ tin tức nào về gia đình của ông. Ông Văn cứ đinh ninh, khi nào về đến nhà thì mới gặp vợ con. Mặc dù chưa thoát khỏi bàn tay Cộng Sản nhưng ông Văn vẫn cảm thấy ấm lòng: Trong cơn hoạn nạn, ông được gần gũi những người thân yêu.

Còn cô Hòa, khi vừa nhìn thấy ông Văn thì cảm thấy nhẹ nhõm như trút được gánh nặng ngàn cân trên vai. Bao nhiêu trách nhiệm về Tuấn và Thảo, cô trả lại cho ông. Cô đặt nhiều hy vọng vào ông -- người anh trong gia đình mà cô vẫn mang lòng kính mến.

"Thật là phúc đức"! Nghĩ như vậy, cô hy vọng sẽ thoát khỏi trạm kiểm soát này. Khi lấy lại bình tĩnh, dù chỉ một phần, cô Hòa chợt nghĩ, "được ăn cả, ngả về không"! Đứng cạnh tên công an, cô vừa nhìn ông Văn vừa liều lĩnh nói:

- Trời ơi! Hai cháu Tuấn và Thảo mới "vào Hà Nội chơi" vài ba ngày, mà lúc nào cũng nhớ nhà, đòi về bằng được. Chúng đang ngồi ở đằng kia kìa, bác Văn ạ.

Thêm lần nữa, ông Văn ngỡ ngàng, đôi mắt mở tròn nhìn cô Hoà:

- Thật hả... Thật... hả? Đâu... hai cháu đang ở đâu?

Cô Hòa vừa chỉ tay, vừa nói:

- Bác tưởng là em nói đùa hay sao? Hai cháu nhớ nhà, khăng khăng đòi về... Hai cháu đang ngồi ở trong toa xe thứ tư kia kìa. Bác đến gặp hai cháu đi. Em phải vào văn phòng công an, có chuyện cần.

Ông Văn cuống quýt, muốn chạy đến, ôm chầm lấy các con. Nhưng ông tinh ý đoán là đang có chuyệm bất ổn, nên miễn cưỡng, ngưng lại trong giây lát. Lòng ông rạo rực, thoáng nghĩ là "ở hiền gặp lành, nên Trời mới giúp ông". Mà thật là như vậy. Cô Hòa chỉ biết là ông ra Hải Phòng để xin mấy tấm "Giấy Thông Hành". Nhưng cô không hề biết, việc ấy thành công hay thất bại. Trong lòng hồi hộp vô cùng, cô Hoà đăm đăm nhìn ông Văn, đợi câu trả lời.

- Sau khi hai cháu đi... nhà cửa vắng vẻ... Tôi nhớ các cháu quá, nên muốn vào Hà Nội, vừa đón các cháu, vừa có dịp thăm cô. May mắn quá, chúng ta gặp nhau ở đây.

Cô Hòa thở ra nhẹ nhõm. Ông Văn đã nhanh trí, nương theo lời nói của cô, đúng như ý cô mong muốn. Cô hăng hái tiếp lời ông Văn:

- Bác nên vào Hà Nội chơi. Thủ đô được "giải phóng" rồi, không còn bóng "thằng Tây" nào nữa.

Ông Văn đoán chắc là tên công an đang lắng nghe ông và cô Hòa nói chuyện. Vì đây là vùng ranh giới, gần thành phố Hải Phòng, nên hắn được lệnh, làm ra vẻ dễ dãi để lấy lòng dân. Nhưng thực sự, cặp mắt "cú vọ" của hắn vẫn theo dõi từng cử chỉ của ông Văn và cô Hoà.

Sống ở miền Bắc, ông Văn cùng cô Hòa đều biết, trước khi quân Pháp rút lui -- nhường quyền kiểm soát cho Cộng Sản ở Hà Nội, hoặc bất cứ thành phố nào theo lịch trình của hiệp định Genève quy định -- cán bộ Cộng Sản đã bí mật, len lỏi khắp nơi trong thành phố để phỉnh gạt dân chúng mua sắm cờ đỏ sao vàng. Vì vậy, khi Cộng Sản vào thành phố, cả rừng "cờ Máu" xuất hiện. Nhiều người ngây thơ lầm tưởng, dân chúng đã tự động "chào mừng ngày thành phố được giải phóng"! Nên ông Văn dựa vào kinh nghiệm ấy, "đóng kịch ngây thơ", tỏ vẻ vui mừng:

- Còn mấy hôm nữa là "Bộ Đội sẽ tiếp thu" thành phố Hải Phòng. Khu phố tôi ở, nhà nào cũng chuẩn bị, có sẵn cờ đỏ sao vàng và ảnh "cụ Hồ" rồi.

- Thôi, bác đến gặp các cháu đi. Chút nữa gặp lại, mình sẽ nói chuyện nhiều hơn.

Ông Văn mừng quýnh, hấp tấp chạy tới toa xe, tìm Tuấn và Thảo. Ông tâm niệm, khi ba bố con gặp nhau, cần phải thận trọng. Nhất là lúc nói chuyện, phải khéo léo, kẻo "tai vách mạnh rừng". Nếu bọn công an biết được sự thật, cả nhà ông sẽ khốn khổ.

Còn cô Hòa, chân bước theo tên công an, trong lòng cảm thấy nửa mừng nửa lo. Cô không hiểu, gặp ông Văn ở nhà ga là may hay là rủi? Khi công an vặn hỏi mà cô không trả lời trôi chảy thì cả gia đình sẽ bị mang họa. Cô hiểu, ba chữ "khu phố tôi" trong lời nói của ông Văn, có hàm ý là ông đã sinh sống ở Hải Phòng từ lâu. Như vậy, chắc chắn là ông Văn đã xin được mấy tấm "Giấy Thông Hành" cho Tuấn và Thảo. Còn gì may mắn hơn!

Tuy nhiên, khi vào phòng công an, cô vẫn phải đắn đo từng chữ trong lời nói thì mới hy vọng tránh được tình trạng "ông nói gà, bà nói vịt". Người lớn tuổi còn có khi lỡ lời, huống chi là Tuấn và Thảo. Nếu hai em "dấu đầu hở đuôi" thì cả nhà sẽ vào khám!

Tên công an dẫn cô Hòa bước vào phòng thẩm vấn. Bên trong, gã "thủ trưởng" ngồi bên chiếc bàn giấy đọc công văn. Khi thấy thuộc cấp dẫn cô Hòa đến, gã ngước mắt lên nhìn, rồi ra chiều lễ phép, chỉ vào chiếc ghế:

- Mời chị ngồi.

Cô Hòa lẳng lặng, đưa giấy tờ cho hắn xong, rồi ngồi xuống ghế. Gã "thủ trưởng", vừa xem xét giấy của cô Hoà, vừa hỏi:

- Cô đem gia đình, đem trẻ em ra Hải Phòng, "đi theo Mỹ Diệm" vào Nam, phải không à?

Cô Hoà liền lắc đầu, rồi chối:

- Thưa, "oan cho tôi quá". Tôi được công an ở Hà Nội cấp giấy phép cho ra Hải Phòng để mua hàng hóa cho tiệm buôn. Nhân tiện chuyến đi này, tôi mang hai cháu... là Tuấn và Thảo... con ông anh tôi, trở về Hải Phòng.

Cô xoay người, nhìn tên công an hồi nẫy đang đứng bên cạnh gã "thủ trưởng", rồi nói tiếp theo:

- Anh đã chứng kiến, bác Văn là bố của hai cháu, đã đáp tàu từ Hải Phòng vào Hà Nội đón hai cháu. May mắn, bác Văn gặp tôi và hai cháu ở đây.

Gã "thủ trưởng" nhìn đồng đảng:

- Có đúng như thế không đồng chí?

- Đúng.

Hắn ta xác nhận nhưng rồi hỏi vặn cô Hòa:

- Còn hai em trai, ngồi bên cạnh chị lúc nẫy thì sao?

Cô Hòa đưa giấy tờ của Hùng và Việt cho hắn xem và nói:

- Hai đứa trẻ ấy là con tôi. Mấy anh em chúng nó rủ nhau, xin theo tôi ra Hải Phòng.

Gã "thủ trưởng" ngắt lời cô Hòa, giải thích theo tài liệu mà gã đã được huấn luyện:

- Có nhiều kẻ đang "trốn theo Mỹ-Diệm vào Nam". Nhiều khi chúng còn "lừa bịp, rủ trẻ em hàng xóm đi theo". Vì thế, chúng tôi được lệnh, chặn đứng tệ trạng này.

Dứt lời, hắn sai đồng đảng ra ngoài, gọi bốn em nhỏ và ông Văn vào văn phòng. Cô Hòa ngồi chờ, trong lòng vô cùng hồi hộp, chẳng biết thân phận mình và gia đình bác Văn sẽ ra sao? Chắc hẳn, chỉ có "Trời mới biết". Càng chờ lâu, nhịp tim cô càng đập mạnh. Ngồi xa gã "thủ trưởng" cả chục thước mà cô Hòa vẫn sợ hắn ta nghe thấy.

Cổ nhân thường nói, "Thiên bất dung gian". Nếu quả thật như vậy, cô Hòa không thể nào thoát được. Vì cô đang "gian dối" với bọn công an để đem gia đình trốn vào Nam, làm sao cô tránh khỏi sợ hãi? Để làm ra vẻ tự nhiên, cô Hoà cúi xuống, mở chiếc xách tay. Trong đó có đôi găng bằng len, cô đan xong tối hôm qua. Nhưng 2 chiếc kim đan, cô vẫn còn để ở bên cạnh. Nên bây giờ, cô có thể tháo đôi găng tay ấy ra, rồi ngồi đan lại, để che giấu vẻ sợ hãi.

Thế nhưng, khi cô vừa cầm đôi găng trên tay thì ông Văn từ ngoài cửa bước vào. Tuấn và Thảo lấm lét đi bên cạnh cha. Chỉ có Hùng và Việt, đi vào phòng công an mà vẫn thản nhiên như không có chuyện gì xẩy ra. Nhìn thấy vẻ thiểu não của ông Văn, cô Hòa chạnh lòng thương xót. Nếu để ý, ai cũng thấy ông mất bình tĩnh. Cô biết yếu điểm ấy của ông Văn và cũng là yếu điểm của chính bản thân cô. Nhưng cô vẫn hy vọng, bọn công an sẽ cho là điều "thông thường". Vì trong xã hi VN, mỗi khi tiếp xúc với kẻ có quyền lực, đa số dân chúng đều "sợ bóng sợ gió" -- mặc dù không có ý gian. Bàn tay ông Văn run run, đưa tấm "Giấy Thông Hành" cho gã "thủ trưởng". Vừa cầm tấm giấy trên tay, gã hỏi ông Văn:

- Anh đi Hà Nội, có chuyện gì?

- Gia đình tôi nghèo khổ, từ vùng quê loạn lạc, đến Hải Phòng làm thuê, sinh sống ở đây mấy năm rồi. Sau khi "bộ đội ta" tiếp thu Hà Nội, tôi "vui mừng", cho hai cháu vào chơi với gia đình cô Hòa. Nhưng vì nhớ các cháu, tôi đi đón, không ngờ ba bố con gặp nhau ở đây.

Cô Hòa hồi hộp, liếc mắt nhìn Tuấn và Thảo. Hai em đều hiểu, bố mình đang nói dối bọn công an. Gã "thủ trưởng" nhìn ông Văn đăm đăm rồi hỏi:

- Anh đã có giấy chứng minh là dân cư ngụ ở Hải Phòng, còn hai em nhỏ thì sao?

Ông Văn mừng thầm, móc hai tấm "Giấy Thông Hành" ở trong túi áo ra rồi nói:

- Đây là giấy của hai cháu. "Hôm vào Hà-Nội chơi, hai cháu quên không mang theo". Thật là may, sáng nay đi đón các cháu về Hải Phòng, "tôi e ngại bọn quân Pháp khám xét", nên mang theo phòng hờ cho hai cháu.

Gã "thủ trưởng", xem giấy của Tuấn, rồi xem giấy của Thảo rất kỹ lưỡng. Hắn lật qua lật lại, để so sánh với tấm "Giấy Thông Hành" của ông Văn:

- Tấm giấy của anh được cấp phát hồi đầu tháng 6 năm 1951, còn hai tấm giấy kia được cấp vào đầu năm 1952. Như thế thì giấy của anh được cấp phát trước nửa năm, nhưng tại sao, trông lại mới hơn mấy tấm giấy của hai em nhỏ?

Ông Văn nhanh trí:

- Hàng ngày... đi làm lao động, tôi luôn luôn mang theo giấy tờ, phòng khi bọn lính Tây xét hỏi. Vì sợ mưa nắng bất thường, tôi gói kỹ tấm giấy trong bao ny-lông. Còn 2 tấm giấy của hai cháu nhỏ, ít khi dùng đến. Các cháu để lăn lóc trong ngăn kéo lâu ngày, mà không có bao bọc gì cả, nên chóng phai mầu. Vì thế, trông cũ hơn.

Tên "thủ trưởng" nhìn vẻ mặt khắc khổ và dáng điệu gầy gò của ông Văn trong bộ quần áo rách thì tưởng ông là "thành phần bần cố". Nhưng không vì thế mà hắn vội tin, kể cả lời gỉai thích của ông Văn. Hắn nhìn Tuấn rồi nhìn Thảo đăm đăm để so sánh đặc điểm trên mặt của hai em, có đúng như trong "Giấy Thông Hành" hay không? Ông Văn tiên đoán, thể nào bọn công an cũng điều tra trẻ con. Nếu bọn chúng vặn hỏi Tuấn và Thảo thì khó lòng mà thoát nạn. Cô Hòa cũng hồi hộp không kém ông Văn. Nếu lỡ chúng hỏi, "tại sao hồi nẫy ở trên toa xe lửa, Tuấn và Thảo khóc", cô sẽ giải thích như thế nào?

Chợt nhớ trên áo Tuấn và Thảo, đeo băng đen -- thật sự là tang bà ngoại -- cô Hòa bèn liều lĩnh "một sống, hai chết". Thêm lần nữa, cô nói như VẸM trước mặt VẸM:

- Chẳng dấu gì các anh, gia đình chúng tôi mới có đại tang. Mẹ của hai cháu mới mất. Anh tôi đang phải sống trong cảnh "gà trống nuôi con". Tội nghiệp hai cháu, mỗi lần nhớ đến mẹ thì lại sụt sùi. Chẳng thế mà nhiều lúc ở trên tàu, các cháu đã khóc.

Tuấn và Thảo cùng nhìn cô Hòa. Còn ông Văn, dù biết cô nói dối nhưng vẫn chạnh lòng, nhớ đến tình cảnh đau thương của bà Văn ở quê nhà. Ông đưa tay lên lau nước mắt. Tuấn và Thảo nhìn cha, rồi lần lượt mếu máo khóc theo. Thế là bi kịch diễn ra trong phòng công an mà cô Hòa là người "đạo diễn". Tên "thủ trưởng" thấy sự việc xẩy ra, "ăn khớp với nhau" thì tin là "chuyện thật". Tuy nhiên, hắn nhìn Tuấn và Thảo rồi hỏi:

- Hai em tên là gì?

- Hoàng Nguyên Tuấn.

Thảo ấp úng:

- Hoàng... Phương Thảo.

- Em cho biết, ngày và nơi sinh của em?

- Em sinh ngày...

- Còn Tuấn?

- Em sinh ngày...

- Thảo cho biết, họ và tên của mẹ em?

- Mẹ em là...

Mặt cô Hòa tái mét. Nếu Thảo khai tiếp, "mẹ em đang ở quê nhà" thì hỏng hết mọi chuyện! Trong khi ấy, ông Văn lại sợ Tuấn và Thảo không nhớ địa chỉ giả mạo ở Hải Phòng trên tấm "Giấy Thông Hành" mà ông đã kín đáo cho hai em xem và úp mở, dặn dò chúng hồi nẫy. Nếu hai em quên địa chỉ, câu chuyện sẽ bị lộ. Thế nhưng, khi Thảo vừa dứt lời, tên công an liếc mắt nhìn đồng hồ treo trên tường. Sắp đến giờ xe lửa khởi hành! Hắn chỉ còn khoảng 10 phút nữa để tra vấn 5 người khác -- đang chờ hắn ở trong phòng. Nên hắn không thể nào hạch hỏi gia đình ông Văn, kỹ lưỡng hơn.

- Có thế thôi. Lên Tàu!

Nghe hắn nói, cô Hòa và ông Văn thở ra nhẹ nhõm. Mặc dù hai người mừng rỡ, nhưng không ai dám cười nói. Họ lần lượt bước ra khỏi phòng thẩm vấn. Tuấn và Thảo quấn quýt đi bên cạnh ông Văn. Cô Hòa vội vàng nói:

- Bác và hai cháu đứng đây, em đi mua vé khác cho bác lên tàu trở lại Hải Phòng.

- Ừ, nhờ cô.

Thế rồi, tất cả mọi người, lần lượt bước lên tàu. Đợi tới lúc khởi hành, tiếng còi tàu hét lên, cô Hòa mới dám tươi cười nhìn ông Văn. Tuấn và Thảo ngồi sát bên cạnh cha, líu lo kể chuyện ở quê nhà.

Thật ra, từ khi gặp Tuấn và Thảo ở ga Phạm Xá, ông Văn nóng lòng, muốn biết thực trạng của gia đình. Nhưng ông e ngại, trên xe có công an nghe lén. Ông buộc lòng, ngăn cản không cho Tuấn và Thảo nói. Bây giờ, đoàn tàu đã chạy nhanh và vượt ra khỏi khu nhà ga Phạm Xá. Ông Văn dồn dập, hỏi chuyện Tuấn và Thảo. Cô Hòa thì công khai, nói lớn:

- Thoát rồi bác Văn ơi!

Ông Văn gượng cười. Ông đang lắng ghe, Tuấn và Thảo thay phiên nhau kể lể tâm tình. Nào là chuyện ba mẹ con bị tra tấn. Nào là chuyện hai anh em đi trốn. Thảo thỏ thẻ, nói với cha:

- Mẹ bảo, "tối nay hay tối mai... mẹ sẽ lên đến Hà Nội".

Ông Văn đưa tay lên lau nước mắt. Cô Hòa nhìn thấy thì biết, anh mình đang đau xót cho người vợ còn kẹt lại ở quê nhà. Cô xích lại, ngồi gần ông Văn.

- Bác Văn à. Còn mấy ngày nữa là Cộng Sản tiếp thu thành phố Hải Phòng, bác biết không?

Ông Văn không trả lời trực tiếp vào câu hỏi của cô Hòa, nhưng vừa sụt sùi, vừa nói:

- Tôi... nhờ cô, mang hai cháu vào Nam trước. Ngày mai tôi sẽ trở lại Hà Nội, về quê đón...

Cô Hòa ngắt lời, giọng quả quyết:

- Khi về đón bác gái, cho là có "giấy tờ hợp lệ", cho là mọi sự sẽ dễ dàng, nhưng liệu hai bác có kịp tới Hải Phòng, đáp chuyến tàu cuối cùng vào Nam được không? Chắn chắn là không. Bác cần nghĩ đến tương lai của hai cháu Tuấn và Thảo. Em sẵn lòng mang hai cháu vào Nam và chăm nuôi chúng. Nhưng dĩ nhiên thương con, chăm sóc cho con, không ai bằng cha mẹ. Nếu không có mẹ, hai cháu cũng còn có cha.

Ông Văn hiểu lời khuyên của cô em thì đưa hai tay lên ôm mặt, khóc nức nở. Cô Hòa cũng xúc động không kém. Nên cô ngồi sụt sùi, rồi im lặng mấy phút đồng hồ. Đợi đến khi lấy lại được bình tĩnh, cô mới dứt khoát:

- Bác cần suy nghĩ kỹ lưỡng, kẻo "xôi hỏng bỏng không" đấy. Nếu bác trở lại đón bác gái, kết cuộc, cả hai vợ chồng sẽ bị kẹt. Còn mấy hôm nữa thôi, không thể nào trốn thoát, em bảo đảm điều ấy. Nếu bác không nghe, khi vào Nam, hai cháu sẽ bơ vơ không có bố mẹ. Bác sẽ ngồi trong trại tù Cộng Sản mà hối hận cho đến khi nhắm mắt. Tốt hơn hết, bác đi cùng với hai cháu vào Nam. Em biếu bác món tiền để bác thuê người, đến báo tin cho bác gái biết. Được tin hai con và chồng đã thoát vào Nam, bác gái sẽ mãn nguyện.

Ông Văn khăng khăng nói:

- Không! Không thể được! Tôi... phải về! Tôi không muốn cô gánh nặng trách nhiệm, mang hai cháu vào Nam, nhưng không còn cách nào hơn.

Trong lúc ấy, Tuấn và Thảo ngồi sụt sùi khóc, nhưng vẫn lắng nghe ông Văn và cô Hòa bàn luận. Nghĩ đến cảnh vào Nam, không có cha, hoặc không có mẹ... hai em khóc nức nở. Thảo gục đầu vào vai ông Văn rồi mếu máo:

- Bố đừng... bỏ chúng con. Sau khi bố về đón mẹ, bao giờ bố trở lại Hải Phòng hở bố?

Nghe tiếng ngây thơ của Thảo nỉ non bên tai, ông Văn đau buốt tận đáy lòng. Ông dang hai tay, ôm Thảo và Tuấn. Thế là cả ba bố con ông, ngồi khóc nức nở, quên hẳn các hành khách đang ngồi kế bên. Còn cô Hòa, trước đây có lời lẽ cứng rắn, khuyên ông Văn vào Nam. Nhưng bây giờ, cô cũng bị tình cảm lung lạc. Đợi một lúc lâu sau, cô mới có thể ngỏ lời, khuyên can ông Văn -- nhưng giọng nói, vẫn còn nghẹn ngào:

- Bác... nên... nghe lời em... Xin bác đừng về, không có lợi đâu bác ạ.

- Không! Tôi.... phải.... về đón nhà tôi. Nếu hai vợ chồng không trốn thoát thì cũng chia sẻ được nỗi khổ đau với nhau. Tôi không muốn bà ấy phải gánh chịu tất cả tai họa của gia đình. Vào Nam! Ừ, vào Nam với hai đứa con, hóa ra tôi ích kỷ! Tôi không nỡ lòng làm như vậy được! Tình nghĩa..... vợ chồng, suốt mấy..... chục năm nay sống chết bên nhau. Tôi không thể vào Nam được... Cuộc đời tôi ngu dại, nghe theo lời đường mật của Cộng Sản nên mới sa vào cảnh gia đình tan nát như thế này...

Ngồi bên cạnh ông Văn, Tuấn vẫn sụt sùi. Thảo không muốn mất cha, mà cũng không muốn xa mẹ. Cô bé vừa khóc, vừa ngây thơ nói:

- Bố đừng bỏ... chúng con. Cho chúng con đi theo, về với mẹ. Thôi bố ơi, đi về. Đi về bố ạ, về với mẹ... con không muốn đi nữa đâu.

Mang tâm trạng sầu thảm của kẻ ly hương, khi nghe Thảo rên rỉ như thế, cô Hòa ôm mặt khóc nức nở! Đoạn cô mếu máo, nói với ông Văn:

- Em khuyên bác...... lần cuối. Bác cần..... tỉnh trí để phán xét. Nếu bác trở về đón bác gái, kết cuộc..... cả hai vợ chồng.... sẽ bị kẹt. Hai cháu vào Nam, sẽ bơ vơ không có bố mẹ. Khi ngồi trong tù Cộng Sản, bác sẽ ân hận thì đã quá trễ rồi.

Ðỗ Quốc Anh-Thư

(Xin xem tiếp bài 4:

Serpent, Chuyến Tàu Vĩnh Biệt)