PDA

View Full Version : Tấm giấy thông hành định mệnh .



loibangTQLC
07-25-2009, 12:59 AM
Để tiếp nối bài viết trước " Đoạn đường chia ly " ( Phần 1 )

PHẦN 2 :

Quốc Hận 20-7-1954:

Tấm Gíấy
‘Thông Hành Ðịnh Mệnh’
*

Trong trụ sở Cảnh Sát Quốc Gia ở thành phố Hải Phòng, hôm nay ồn ào khác thường. Người bước ra, kẻ đi vào. Ở ngoài hành lang, một nhóm thanh niên dăm bẩy người, trong lúc chờ đợi giấy tờ thì xúm lại với nhau, nói chuyện ồn ào. Bên trong phòng làm việc, nhiều toán nhân viên công lực đang sửa soạn hành trang để di chuyển vào Nam.

Ở phía phải căn phòng, sau chiếc bàn gỗ nâu, có anh cảnh sát trẻ măng, đang ngồi nói chuyện với ông già nhà quê. Ai cũng thấy, râu tóc ông bạc phơ, hai má hóp lại, da trán nhăn nheo. Nhìn vẻ thiểu não, ai cũng có thể đoán là ông đang gặp chuyện bất hạnh. Chắc hẳn là bi thảm lắm? Bộ quần áo nâu bạc mầu của ông, có nhiều chỗ đã rách, làm người ta liên tưởng đến các nạn nhân chiến tranh. Sau khi gia đình tan nát, nhà cửa bị thiêu rụi, họ phải đi ăn mày trên đường phố.

Vì thế, anh cảnh sát cảm thấy tội nghiệp cho hoàn cảnh của ông già. Nên ngay khi gặp, anh ta đã ân cần giúp đỡ và nói chuyện với ông, rất niềm nở. Sau vài lời chào hỏi xã giao, anh ấy hỏi:

- Ông có việc gì, muốn chúng con giúp đỡ?

- Gia đình tôi...

Ông già nói đến đó thì ngưng trong giây lát. Nạn nhân ngồi trầm ngâm như đang đắn đo chuyện gì quan trọng lắm. Anh cảnh sát đoán, hẳn là chuyện riêng tư nên ông mới ngần ngại kể lể ở chỗ đông người.

- Mời ông vào phòng riêng ở phía trong cho tiện. Ở ngoài này, ồn ào quá.

Dứt lời, anh dẫn ông vào phòng thẩm vấn. Đây là căn phòng nhỏ, vẻn vẹn chỉ có một chiếc bàn và hai chiếc ghế. Anh bỏ cuốn sổ trên bàn, rồi mời ông già ngồi ở ghế đối diện với anh. Sau khi đóng cửa phòng, anh hỏi ông già:

- Ông đừng ngần ngại, cứ cho chúng con biết rõ sự thật. Được vậy, chúng con mới có thể giúp ông hữu hiệu.

Ông gìa vẫn tỏ vẻ ngần ngoại. Vì không biết dự tính của mình có thành công hay không, nên ông lại càng lúng túng. Sau giây lát, ông cố gắng, tóm lược câu chuyện bất hạnh đã xẩy ra để trình bầy với nhân viên công lực.

- Gia đình tôi... sống ở miền quê tỉnh Hà Nam. Giữa đêm tối, công an Cộng Sản đã ập vào nhà, bắt tôi mang đi. Chúng gán cho tôi là "Việt gian, phản động". Sau mấy tháng bị giam ở Bồng Lạng, tôi gặp được hai người bạn -- hoạt động trong phong trào Việt Minh trước đây -- tận tình giúp đỡ, nên tôi được thả ra. Trước khi tôi trở về quê nhà, họ đã nói gần nói xa, khuyên tôi nên tìm cách, mang gia đình vào Nam lánh nạn. Đây cũng là dự tính của tôi từ trước ...

Anh cảnh sát ngồi gật gù, tỏ ý chăm chú nghe. Nạn nhân kể tiếp:

- Tôi lo sợ... lịch trình di cư vào Nam, theo hiệp định Genève quy định, sắp hết hạn đến nơi rồi. Thế mà vợ con tôi còn kẹt ở trong vùng Cộng Sản kiểm soát. Nên sau khi được thả, tôi nóng lòng về nhà. Nhưng khổ nỗi, đi đến đâu tôi cũng bị công an xét hỏi giấy tờ. Chúng đang ngăn cản đồng bào di cư vào Nam. Như vậy, khi về quê nhà, làm sao tôi có thể trốn thoát cùng với gia đình? Do đó, tôi phải liều lĩnh dùng tấm "Giấy Ra Trại" của chúng đã cấp, để cố tình "đi lạc" lên Phủ Lý, thoát lên Hà Nội rồi ra Hải Phòng.

Anh cảnh sát mỉm cười rồi nói với nạn nhân:

- Ông đã may mắn, gặp chúng con ở đây.

- Vâng, mới được giai đoạn đầu, còn nhiều chông gai lắm anh ạ.

Ông già ngưng trong giây lát rồi trình bầy ước nguyện của mình:

- Tôi nóng lòng, mong làm sao mang được gia đình ra Hải Phòng để di cư vào Nam. Xin các anh vui lòng... làm phúc giúp đỡ, bằng cách cấp cho cả nhà tôi, mỗi người một tấm "Giấy Thông Hành" với địa chỉ ở Hải Phòng. Ngày cấp, xin các anh ghi, khoảng 2 hay 3 năm về trước. Khi đi đường, nếu bị công an Cộng Sản xét hỏi, chúng tôi sẽ dùng giấy ấy làm bằng cớ để chứng tỏ: "Chúng tôi là dân cư ngụ ở Hải Phòng, về thăm họ hàng ở miền quê, khi đất nước đã độc lập, tự do"!

Thấy anh cảnh sát mỉm cười, nạn nhân phấn khởi nói tiếp:

- Tất cả bọn công an ở làng tôi, đều biết rõ từng người trong gia đình chúng tôi, nên không có loại giấy nào, có thể đánh lừa được chúng. Nhưng hy vọng, sau khi trốn thoát khỏi làng, chúng tôi có thể dùng giấy của các anh cấp cho. Vì thế, tôi dự tính cho gia đình trốn khỏi làng lúc gần sáng. Mong anh làm ơn làm phúc, giúp đỡ chúng tôi.

Dứt lời, ông già nhìn anh cảnh sát đăm đăm. Anh cảnh sát, hỏi nạn nhân:

- Xin ông cho biết rõ, họ và tên, ngày sinh và quê quán để con ghi vào sổ trong phiên trực văn phòng ngày hôm nay.

- Tôi là Hoàng Nguyên Văn, sinh ngày... quê ở làng... tỉnh Hà Nam.

Anh cảnh sát vừa ghi chép vừa nói với ông Văn:

- Chuyện ấy không khó..... Chúng con... đã được lệnh, tìm mọi cách để giúp đỡ đồng bào di cư vào Nam tỵ nạn. Nhất là đồng bào đang sống trong vùng Cộng Sản kiểm soát. Nhiều người ở miền quê, cũng có thân nhân sa vào tình cảnh tương tự như trường hợp của ông. Họ đã đến đây, nhờ chúng con giúp đỡ.

Ông Văn mỉm cười. Nhưng niềm hy vọng lại tan biến ngay sau đó:

- Tôi e ngại tấm "Giấy Thông Hành" anh cấp cho, ghi ngày tháng từ mấy năm trước, nhưng tại sao trông vẫn còn mới nguyên? Khi xét giấy, nếu công an Cộng Sản nghi ngờ, chúng tôi khó lòng thoát nạn.

Anh cảnh sát giải thích:

- Ông cứ yên tâm. Chúng con đã có cách, làm cho "Giấy Thông Hành" và nét chữ trên đó, trông cũ đi, giống hệt như giấy "đã được cấp từ mấy năm về trước".

- Được vậy thì hay quá, cám ơn các anh.

- Ông cho biết họ và tên, ngày sinh, nơi sinh, cùng đặc điểm trên mặt của bà Văn và các em.

Ông Văn hăng hái:

- Nhà tôi tên là... Cháu trai là Hoàng Nguyên Tuấn, sinh ngày... Cháu gái là Hoàng Phương Thảo... Đặc điểm trên mặt là....

Sau khi lý lịch của từng người đã được ghi chép đầy đủ, anh cảnh sát nói với ông Văn:

- Xin mời ông ra phòng ngoài, ngồi chờ. Khi nào giấy tờ xong xuôi, chúng con sẽ báo cho ông biết...

*

... Hơn hai tiếng đồng hồ trôi qua. Anh cảnh sát bước ra hành lang, trao cho ông Văn 4 tấm "Giấy Thông Hành". Cầm 4 tấm giấy trên tay, ông Văn mừng quýnh. Ông vừa mở ra xem, vừa lắp bắp nói:

- Cám ơn...anh. Cám ơn anh.

- Không có chi. Giúp đỡ đồng bào vào Nam tỵ nạn Cộng Sản là nghĩa vụ hiện thời của chúng con.

Còn gì vui mừng hơn, trong lúc lâm nạn mà được ân nhân giúp đỡ. Ông Văn cảm động, trong lòng chứa chan hy vọng. Mặc dù, 4 tấm "Giấy Thông Hành" chỉ là bước đầu của hành trình tỵ nạn. Nhưng ông vẫn cảm thấy sung sướng. Trước khi tạm biệt, anh cảnh sát thân mật, nắm tay ông Văn và nói:

- Cầu chúc ông thành công, mang được gia đình ra Hải Phòng, kịp chuyến tàu vào Nam.

- Cảm ơn anh... rất nhiều.

- Mong gặp lại ông bà Văn và hai em Tuấn và Thảo ở Sài Gòn.

Ông Văn mỉm cười, chào nhân viên công lực rồi hấp tấp bước ra khỏi trụ sở cảnh sát. Ông muốn ra ga xe lửa thật sớm để đáp tầu đi Hà Nội. Theo dự trù thì chiều nay, ngay sau khi đến Hà Nội, ông sẽ thuê xe về Phủ Lý rồi đi bộ về quê nhà .....

*

…... Khi đến nhà ga xe lửa, ông Văn mới biết, không có chuyến tàu nào đi Hà Nội -- sớm như ý ông mong muốn. Ông không biết làm gì hơn là chờ đợi. Ngồi nhìn cảnh vật chung quanh nhà ga, trong lòng ông Văn chứa chan hy vọng. Giữ 4 tấm "Giấy Thông Hành", giống như giữ "4 tấm bùa hộ mệnh" trong túi áo, ông tin tưởng là gia đình ông có thể trốn thoát ra thành phố Hải Phòng. Nhờ vậy mà tất cả nổi khổ đau của ông từ khi đại nạn Cộng Sản lan tràn, được xoa dịu phần nào.......

.......Thế nhưng, chỉ trong chốc lát, niềm hy vọng ấy dần dần lạt phai. Nỗi khổ tâm của ông -- trước tình cảnh bi thảm của bà Văn cùng hai đứa trẻ thơ -- bùng lên như lửa cháy. Từ khi bị Cộng Sản bắt giam đến bây giờ, ông Văn không hề biết bất cứ chuyện gì xẩy ra trong gia đình. Ngồi ở nhà ga xe lửa, hết giờ này qua giờ khác, ông Văn lo nghĩ triền miên. Mà càng lo nghĩ chừng nào, ông lại càng cảm thấy đau lòng và ân hận chừng nấy. Nhất là chuyện ông tham gia phong trào Việt Minh trước đây.

Hình ảnh bà Văn cùng hai đứa con thơ hiện ra trong tâm tưởng của ông. Ngày ông lên đường tham gia kháng chiến, một tay bà Văn bế Thảo, một tay dắt Tuấn, theo ông đến tận đầu làng. Lúc chia tay, bà ôm mặt khóc nức nở. Hôm đó, Thảo níu lấy áo cha, nói là "bố đừng đi nữa". Còn Tuấn, cứ hỏi đi hỏi lại, "bao giờ bố sẽ về"? Từ đó, ông Văn xa nhà ròng ra suốt 5 năm trời. Bà Văn phải sống trong gian khổ và nguy hiểm vô cùng. Ban ngày, quân Pháp cho phi cơ đến dội bom. Ban đêm, du kích Việt Minh quấy nhiễu. Chúng bắt dân làng phải hoạt động cho đoàn thể này, phải tham gia phong trào kia. Nhiều lần chúng còn bắt dân làng đi phá đường, đắp ụ hay đào hầm hố.

Ngoài việc chăm sóc hai đứa trẻ thơ, bà Văn còn phải cai quản tất cả công việc ruộng vườn. Nào là thuê người cầy cấy. Nào là mướn người gặt lúa và tìm cách, đem thóc lúa vào "Liên Khu Tư", nộp thuế cho Chính Phủ Việt Minh .....

..... Hừ! Tin theo Mặt Trận Việt Minh, tham gia kháng chiến! Để rồi bị tù đầy, cơ nghiệp bị cướp đoạt, gia đình bị tan nát! Ông Văn thầm nghĩ, nào chỉ có vài chục, hay vài trăm gia đình bị sa cơ như gia đình ông! Thực sự, hàng trăm ngàn, hay hàng triệu gia đình sa vào thảm hoạ. Ngay sau khi kháng chiến thành công, ai cũng bị Cộng Sản ép buộc, cúi đầu "thờ Mao Chủ Tịch, thờ Stalin bất diệt". Đại đa số dân chúng "làm ngày chưa đủ, tranh thủ làm đêm", nhưng cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Cuộc sống còn nghèo khổ, lầm than hơn thời Pháp Thuộc bội phần.

Càng suy nghĩ, ông Văn càng bị lương tâm ray rứt. Dù vô tình hay cố ý, dù nhiều hay ít, những ngươi như ông Văn đã nhúng tay vào tội ác. Tội ác với gia đình. Tội ác với dân tộc. Vì vậy, tất cả nỗi xót xa cho gia đình cùng uất hận trong lòng ông Văn dâng lên:

Xưa kia hoạt động cho Việt Minh, ông tưởng đó là hành động yêu nước. Bây giờ ông mới biết, tiếp tay với Cộng Sản là hành động phản quốc. Xưa kia, ông tưởng góp phần với Việt Minh làm "cách mạng" là xây dựng quê hương. Bây giờ ông mới biết, ông là kẻ "nối giáo cho giặc", phá hoại quê hương. Hiện nay, trong lúc tuổi già sức yếu, lo liệu cho gia đình trốn Cộng Sản chưa xong, ông biết làm gì để "lấy công chuc tội"?

Suốt mấy tiếng đồng hồ, ông ngồi chờ ở nhà ga, lo nghĩ hết chuyện này thì xoay sang chuyện khác. Làm sao ông Văn có thể đem được gia đình, trốn thoát ra Hải Phòng để đáp tàu di cư vào Nam? Tình thế ngặn nghèo, rồi niềm thương nỗi nhớ trong lòng dâng lên, khiến ông Văn ôm mặt, khóc nức nở.

- Này ông... Có chuyện gì vậy hở ông?

Ông Văn ngước mắt lên nhìn.

Có cô gái mặc áo nâu, mang khăn tang trắng, vẻ mặt dịu hiền, đang đứng bên cạnh ông. Cô gái gật đầu chào ông rồi ôn tồn, khẽ nói:

- Con đến đây đón thân nhân, chờ nửa tiếng đồng hồ rồi. Trông thấy ông, con chạnh lòng nhớ đến bố con -- mới mất cách đây 3 tháng. Con đang tính đến hỏi chuyện thì thấy ông khóc. Con e ngại, đó là chuyện gì riêng tư chăng? Nhưng rồi con lại nghĩ, cứ hỏi thử xem, chuyện gì xẩy ra, may ra con có thể giúp ông được chăng?

Nghe giọng nói nhỏ nhẹ và lễ phép, ông Văn có cảm giác như đang gặp lại Thảo. Sau vài lời xã giao, ông đem tất cả những chuyện đã xẩy ra trong gia đình, kể cho cô gái nghe. Cô gái ngậm ngùi, rồi tâm sự với ông:

- Gia đình con hiện thời đang ở trong trại tạm trú, sắp sửa đáp tàu vào Nam. Vì thời hạn di cư sắp hết, nên con nóng lòng mong đợi gia đình người chị cả của con -- đi xe lửa ra đây để cùng nhau vào Nam như đã hẹn? Con rất lo ngại cho gia đình chị con ở trong vùng Cộng Sản, không hiểu có trốn thoát được hay không?

Nghe cô gái nói đến đây, ánh mắt ông Văn sáng lên. Ông nhìn cô gái rồi cuống quýt hỏi:

- Trại tạm trú của đồng bào di cư ở đâu hở cô?

Cô gái chưa kịp trả lời, ông lại nói tiếp:

- Tôi vội vàng mà quên mất, không chừng gia đình tôi đang ở trong trại tạm trú? Từ đây đến đó, xa không cô?

- Không xa lắm. Ông thuê xe chạy thẳng đến đường Cát Dài, trại nằm ở phía bên tay phải.

Ông Văn lẩm bẩm:

- Có thể, bà ấy đang ở trong trại tạm trú? Hay bà ấy đã dẫn hai đứa trẻ vào Nam rồi?

Ông còn nhớ lời, ông đã dặn dò bà Văn trước đây:

"Lỡ có chuyện gì đột ngột xẩy ra, như tôi bị bắt giam chẳng hạn, bà phải lo liệu mang hai con vào Nam trước ngày di cư hết hạn".

Vì vậy, ngay sau khi được cô gái chỉ dẫn, ông Văn hấp tấp, chạy ra khỏi nhà ga. Chờ bên lề đường, khi thấy chiếc xích-lô chạy đến gần, ông Văn vội vàng vẫy tay. Chiếc xe ngừng ngay trước mặt ông.

- Chở tôi đến trại tạm trú của đồng bào di cư ở đường Cát Dài.

Ngồi trên xe, ông Văn suy nghĩ triền miên, để rồi niềm hy vọng dần dần tan biến.

- Khó lắm. Mang theo hai đứa trẻ, làm sao bà ấy có thể trốn thoát được?

Ông Văn thầm nghĩ như thế. Đoạn ông Văn mở túi áo ra xem số tiền hiện có. Vì ông e ngại, ông không có đủ tiền chi tiêu. Nào là tiền ăn uống hàng ngày, nào là tiền thuê xe xích-lô, tiền mua vé xe lửa... Ông nhớ lại thời gian, sau khi ở trại giam được thả ra, ông gặp mấy người bạn thân. Họ chung nhau tặng ông khoản tiền để đi đường. Hôm gặp cô Hòa ở Hà Nội, ông cũng mượn được thêm mấy trăm đồng nữa. Vì vậy, trong túi áo của ông có 2 loại tiền. Tiền Việt Minh có ảnh Hồ Chí Minh. Tiền Đông Dương có ảnh vua Bảo Đại. Ông Văn quay lại hỏi gã phu xe:

- Này, có nhận tiền Việt Minh không?

Gã phu xe vừa cười vừa nói:

- Giời ơi! Tiền "cụ Hồ", tại sao lại không nhận? Chỉ còn mấy hôm nữa, bọn Pháp phải rút lui, thành phố Hải Phòng này sẽ hòan toàn được "giải phóng".

Qua lời nói, hắn lộ rõ cảm tình với Cộng Sản. Ông Văn cảm thấy khó chịu. Trong khi ấy, gã phu xe nhìn bộ quần áo nâu của ông Văn thì đoán:

"Người miền quê, chắc là vừa trốn thoát lên tỉnh, đang tìm đường di cư vào Nam".

Vì vậy, vừa đạp xe, gã vừa hỏi chuyện ông Văn:

- Ông đến trại tạm trú, có việc gì hay đang chuẩn bị vào Nam?

Ông Văn nói bâng quơ:

- Có chút việc riêng.

- Nhiều đồng bào, "nghe bọn Mỹ-Diệm tuyên truyền xúi dại", vào Nam bằng "tàu há mồm". Nhiều kẻ say sóng, đau yếu, chết ở trên tàu, xác bị quẳng xuống biển. Những kẻ sống sót, đến nơi thì thất vọng, cực khổ lắm, chẳng ai tìm được việc làm. Mà tại sao, họ lại bỏ nhà cửa, bỏ ruộng vườn, mồ mả tổ tiên, "đi theo bọn thực dân đế quốc"? Những người di cư vào Nam bây giờ, đâu có khác gì những kẻ đi làm đồn điền cau-xu cho Pháp khi xưa...

Ông Văn làm lơ, ngồi im lặng. Trong khi ấy, gã phu xe nói tiếp:

- Người ta nói không sai đâu ông ạ: “Mấy đời bánh đúc có xương. Mấy đời Mỹ Diệm lại thương dân mình”! Ông nên suy nghĩ cho kỹ, sau khi vào Nam, hối hận thì đã muộn rồi.

Hắn ta tưởng là tất cả dân chúng miền quê đều dễ tin. Nên hắn tiếp tục tuyên truyền cho Cộng Sản. Nhưng luận điệu nào, có thể lay chuyển được ý định của ông Văn? Những người như ông, sau khi hiểu rõ sự thực về Cộng Sản thì vào Nam, dù thế nào chăng nữa, vẫn còn thoải mái hơn cả trăm ngàn lần, so với cuộc sống dưới ách nô lệ Mác-Lênin.

Ông Văn làm lơ, mặc cho gã phu xe lải nhải, nói gì thì nói. Vì ông biết rõ, trong thời gian này, chính phủ Ngô Đình Diệm đang được Hoa Kỳ ủng hộ tích cực để thu hồi toàn vẹn chủ quyền quốc gia từ tay người Pháp. Cuộc di cư vĩ đại của đồng bào miền Bắc được Hoa Kỳ tài trợ. Vì vậy, cơ quan tuyên truyền của Cộng Sản tung ra những luận điệu đả kích "Mỹ Diệm" rất thậm tệ.

Bỏ qua những điều "chướng tai gai mắt", ông Văn ngồi trên xe, đăm chiêu lo nghĩ, rồi cảm thấy hồi hộp. Không hiểu khi đến trại tạm trú, ông sẽ gặp gia đình hay không? Lúc xe chạy tới gần ngã tư, ông nóng lòng, hỏi gã phu xe:

- Còn bao lâu nữa sẽ đến nơi?

- Qua khỏi ngã tư này là đến rồi.

Xuống xe, ông Văn hấp tấp trả tiền, rồi vội vàng đi vào trong trại tạm trú.

(Xin xem tiếp bài 3:

‘Làm Sao Thoát Khỏi Trạm Công An Phạm Xá’?)