PDA

View Full Version : Xin đừng gọi Chú... bằng Anh



Longhai
01-10-2017, 03:42 AM
Xin đừng gọi Chú... bằng Anh


Nguyễn Khắp Nơi


Chuyện nghe được từ nhóm bạn Tiểu Đoàn 43 Biệt Động Quân.

Sáng ngày 29/4/1975, Tiểu đoàn 43 Biệt Động Quân đang đóng tại căn cứ Long Bình, Biên Hòa, thì được lệnh của Bộ Chỉ Huy Biệt Động quân đi tăng cường cho Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung ở Hóc Môn. Đoàn GMC di chuyển thật khó khăn vì các chốt chặn của quân ta bố trí dầy đặc trên đường đi, tới mỗi chốt đều phải dừng lại, trình Sự vụ lệnh rồi mới được chấp thuận cho qua, nên mãi đến 2 giờ chiều mới tới được Trung Tâm. Thiếu Tá Xẻn cho bố trí ngay tại khu Vườn Tao Ngộ rồi vào trình diện Đại Tá Huấn, Chỉ huy phó. Cũng vừa lúc đó, bên ngoài Trung Tâm một đoàn xe Việt Cộng dẫn đầu bằng mấy chiếc T54 trên Quốc Lộ I, từ Hốc Môn xuống, cũng đến ngang Trung Tâm, bắn nhau đì đùng với các chốt của Quân Trường bên kia đường. Sau một chập bắn nhau, tiếng súng ngưng. Hai xe T54 đã vào chiếm Trường Dạy Lái Xe, sát Quốc lộ I.

Sáng 30 tháng 4, sau khi phối hợp bố trí với quân số cơ hữu của Trung tâm, Tiểu đoàn sửa soạn tấn công vào đoàn xe tăng của Việt cộng thì nghe tin Tổng Thống Dương Văn Minh đầu hàng quân địch và yêu cầu các Quân nhân buông súng chờ bàn giao. Thiếu tá Xẻn không còn cách nào khác, đành nghe lệnh mà giải tán Tiểu đoàn, cho Quân nhân các cấp ai về nhà nấy (Trích trong bài (Tiểu đoàn 43/LĐ4 BĐQ & Vị Tiểu đoàn Trưởng sau cùng - BĐQ Giang văn Xẻn).

Kể từ ngày đó anh em Biệt Động Quân của Tiểu Đoàn 43 thất lạc mỗi người một phương : Người thì vào rừng tiếp tục chiến đấu, người thì vượt biên vượt biển, một số lớn bị gom đi tù cải tạo trong những trại tù khắc nghiệt ở cả ba miền Bắc Trung Nam, bị hành hạ tới sức cùng lực kiệt bỏ thây nơi sơn lam chướng khí.

Sau khi được định cư tại Hoa Kỳ, ai cũng phải lo gây dựng lại cuộc sống, đôi khi gặp nhau nhắc lại chuyện xưa, nhớ lại những người bạn cùng chung chiến đấu, thiếu người này, thiếu người kia, không biết ai còn ai mất.

Một ngày rảnh rang, Lương đem cuốn Tập San Biệt Động Quân ra đọc. Thông thường, anh không đọc từ đầu mà dở ngay ra mục Nhắn Tin, để hy vọng tìm ra những bạn bè cùng đơn vị. Đột nhiên, anh để ý tới bản tin như sau :

“Tôi tên là Nguyễn Lang, hiện cư ngụ tại Tây Ninh, muốn tìm người anh ruột tên Nguyễn, cấp bậc Thiếu Uý, thuộc Đại Đội 4/43 BĐQ, đã chết trong trại tù cải tạo ở miền Trung. Ai biết nơi chôn cất của anh tôi ở đâu, xin làm ơn liên lạc qua địa chỉ email, gia đình chúng tôi vô cùng cảm tạ.”

AH ! Có tin của một người bạn rồi ! Ai chứ Thiếu úy Nguyễn thì Lương rành quá rồi ! tuy khác Đại đội, nhưng quen nhau rất thân, nhất là khi bị đi tù cải tạo, anh và Nguyễn bị nhốt chung trong một láng trại.

Đọc xong tin nhắn trên, Lương vội vàng trả lời cô Lang cũng qua email :

“Tôi cùng đơn vị và ở tù cùng trại với Thiếu Uý Nguyễn. Anh Nguyễn chết năm 1976, ở Sơn Định, trại này cách thành phố Tuy Hoà chừng ba mươi cây số hướng Tây Bắc. Mộ phần anh Nguyễn được quấn lá chôn sơ sài trong một rẫy tranh, nằm phía tay trái con đường mòn dẫn vào trại. Nên khởi hành từ Tuy Hoà vào buổi sáng sớm, tìm có hay không có hài cốt cũng phải về lại Tuy Hoà trước 3 giờ chiều, không được về trễ, vì nơi đây toàn rừng núi, ít xe cộ, ở lại qua đêm rất nguy hiểm. Chúc may mắn.”

Gởi email rồi, Lương ngồi hồi tường đến những ngày còn trong trại tù cải tạo Sơn Định, biết bao kỷ niệm hiện ra như một cuốn phim trong đầu của anh, không biết cô Lang còn giữ email này để nhận được email của mình hay không ? Hay là mình email lại cho cô Lang một lần nữa, xin cô địa chỉ nhà để tự mình về lại Việt Nam dẫn đường cho cô lên Sơn Định ?

Về lại Việt Nam là điều không thể chấp nhận được rồi ! Khi ra đi định cư ở Hoa Kỳ, Lương đã thề không bao giờ trở lại cho đến khi Quê hương không còn bóng dáng một tên Việt cộng nào nữa. Về lại quê hương, dù là với mục đích gì đi chăng nữa, khi nhìn thấy mấy thằng nón cối là máu nóng của anh lại sôi sục lên, chỉ muốn tận diệt chúng, thì chắc chắn phần bất lợi sẽ xẩy ra cho anh, thôi thì cứ chờ xem sao đã. Chờ thì chờ, nhưng trong bụng anh vẫn cứ hồi hộp, không biết cô Lang có tìm được hài cốt người anh ruột xấu số hay không ?

Vào tháng 5/2016 vừa qua, Lương đã tìm được một số bạn cũ cùng Tiểu đoàn, họ ở San Jose, cùng mời anh xuống đó họp mặt.

Đến nơi, những người bạn 43 BĐQ hăm hở chào mừng Lương bằng cái siết tay thật chặt, đầy tình chiến hữu, họ mừng vui đón anh như anh em cùng một gia đình. Những ngụm bia ngọt ngào, những tiếng cười đầy khí phách của một thời sống chết có nhau, nghe như vọng về từ những chiến trường xưa.

Anh em cùng nhau nhắc lại... Ngày đó, khoảng tháng 3/1975, Liên Đoàn 25 Biệt Động Quân với ba Tiểu Đoàn 67, 76 và 90 đóng tại Thanh An, phía tây Pleiku. Cảm thấy chưa đủ, Bộ Tổng Tham Mưu đã gởi thêm Liên Đoàn 4 Biệt Động Quân đến Pleiku với Tiểu Đoàn 42 đóng tại Bầu Cạn phía đông Pleiku, trên Quốc lộ 19; Tiểu Đoàn 43 đóng tại Hàm Rồng và Tiểu Đoàn 44 đóng tại Pleiku. Sau những trận đánh khốc liệt ở đây, Tiểu đoàn đã di tản về Tuy Hòa, rồi Long Bình.

Những người còn sống nói chuyện với nhau, không quên những người đã chết... Chợt nhớ tới Thiếu úy Nguyễn, Lương kể ra câu chuyện cô Lang, em ruột của người bạn vắn số, không biết cô Lang có tìm được hài cốt người anh hay không ?

Nghe anh kể xong, cả bàn tiệc chợt im lặng mà nhìn vào Song, người bạn ở cùng Đại Đội 4 với Nguyễn. Lương ngạc nhiên nhìn Song rồi lại nhìn đám bạn, không biết chuyện gì đang xẩy ra ? Song nhìn anh em, cười cười nâng ly bia uống cạn rồi chậm rãi kể :

“Như anh em đã biết, tôi với Nguyễn ở cùng Đại đội. Hồi còn chinh chiến, tụi tôi cùng ra trận chung với nhau, cùng chia xẻ những gian lao cực khổ và oai hùng của đời Lính Biệt Động, khi về phép cũng cùng nhau đi quán, đi phòng trà với nhau, hai thằng còn độc thân chơi xả láng sáng về sớm... hành quân tiếp.

Khi đi tù cải tạo, tụi tôi lại ở chung trại với nhau, cùng với anh Lương đây, ba thằng lại quậy tiếp, cùng diệt trừ đám ăng ten, vừa vạt mỏ những thằng quản giáo lưu manh cậy thế thắng trận hiếp đáp đám tù cải tạo. Bị hành hạ làm việc quá mức, lại không có thức ăn bồi dưỡng thêm, vừa đói lạnh lại vừa không thuốc men chữa trị, nhiều anh em đã bỏ thây tại trại tù này. Lúc đó, Nguyễn đang bị bịnh, không ăn mà cũng không uống được (có cái gì để mà ăn ở cái vùng Tuy Hòa gió đá này !). Một buổi tối, Nguyễn chợt nắm tay tôi nói lời trăn trối :

“- Tao độc thân, chưa vợ con, chỉ có con em còn ở quê nhà... mày nếu còn sống, tìm con em tao... ráng giúp cho nó... ”

Thằng Nguyễn chết, anh Lương đã kể rồi, không có ván đóng hòm, anh em xoay đủ kiểu cũng không tìm được một khúc vải dù là nhỏ, đành phải lấy lá chuối quấn quanh thân xác người chiến hữu, bươi đất chôn sơ sài trong một rẫy tranh, nằm phía tay trái con đường mòn dẫn vào trại.

Sau đó là những màn chuyển trại, chia láng làm anh em mình thất lạc mỗi đứa mỗi nơi. Tới khi được về cũng không còn hơi sức đâu mà về Tây Ninh, tìm nhà của Nguyễn, mà có tìm đi chăng nữa, không biết gia đình nó còn đó hay là đã dời đi nơi đâu rồi. Kế đó là lo đi HO, rồi qua tới quê hương thứ hai, ai cũng lo làm ăn kiếm sống rồi mới tìm nhau. Tôi cũng để ý tìm lại anh em cùng Tiểu đoàn để tâm sự hàn huyên. Tình cờ, cũng giống như anh Lương, tôi cũng đọc Tập San Biệt Động Quân, cũng đã đọc được lời nhắn của Cô Lang, tôi mới biết là gia đình của Nguyễn vẫn còn ở chỗ cũ. Nhớ lại lời trăn trối của Nguyễn, tôi nghĩ mình phải làm một điều gì đó cho hắn.

Thế là tôi viết email cho Lang, kể lại thời gian cùng ở tù cải tạo chung với Nguyễn cũng biết chỗ chôn Nguyễn, tôi xin địa chỉ của Lang rồi âm thầm mua vé máy bay về lại Việt Nam, dẫn đường cho gia đình bốc mộ cho Nguyễn.

Gia đình của Nguyễn vẫn còn ở căn nhà cũ mà đã có lần về phép chung, Nguyễn rủ tôi về nhà nó thăm cha mẹ già và đứa em gái, lúc đó còn nhỏ xíu. Nay Lang đã có gia đình riêng và có một đứa con gái. Bữa ăn đầu tiên ở nhà Lang, tôi thắc mắc hỏi :

“- Làm sao mà em biết được địa chỉ của Tổng Hội Biệt Động Quân mà gởi thơ tìm tin tức của Nguyễn ?”

Lang vui vẻ bật mí :

“Hồi anh Nguyễn bị đi tù cải tạo, em đã lớn rồi, nên biết nơi ảnh bị giữ. Khi anh của em chết, em cũng được báo tin nhưng không cho biết là chết ngày nào và chôn ở đâu, nên không có cách nào mà tìm xác ảnh. Chòm xóm của em cũng có nhiều người đăng Biệt Động, rồi bị thương từ hồi anh và anh Nguyễn còn đang đánh trận đó. Những người Thương Phế Binh này lâu có lại nhà tụi em chơi, khoe rằng họ có nhận được quà tết của Tổng Hội Biệt Động Quân ở bên Mỹ. Em nhớ tới anh Nguyễn, mới xin địa chỉ gởi thơ đại qua bên đó, may ra còn người bạn nào của ảnh nhớ lại mà tìm dùm làm phước. May quá, em có nhận được email của anh Lương và chút tiền ảnh gởi làm lộ phí, hai vợ chồng em tính đi đại, ở Tuy Hòa vài ngày, ráng tìm cho ra đặng bốc mộ cho ảnh về với gia đình. Đang tính đi thì nhận được email của anh, nói sẽ về giúp tìm mộ anh Nguyễn, làm tụi em mừng quá, chắc là vong hồn ảnh cũng biết gia đình đang tìm cách bốc mộ cho ảnh nên ảnh mới tìm cách báo cho anh để anh về phụ tụi em đó. Để tối nay, vợ chồng em thắp nhang cho ảnh, nói ảnh dẫn đường cho anh em mình tìm cho ra mộ của ảnh đem về.

Bốn mươi năm vật đổi sao rời, huống chi là nắm mộ của Nguyễn, không biết nó còn ở chỗ cũ hay là nhà cửa đã mọc lên tràn lan hết rồi. Ngay như không có gì thay đổi, tôi cũng không chắc là tìm ra nơi đã chôn thằng bạn thân.

Đến Tuy Hòa, tụi tôi ra bến xe, hỏi thăm xe nào đi Sơn Định, rồi mướn cả người lẫn xe mà ra đi từ sáng sớm. Sơn Định là nơi rừng rú hoang vu, nên vật cũng chẳng đổi mà sao cũng chẳng rời, trại tù vẫn còn trơ gan cùng tuế nguyệt, rẫy tranh cũng vẫn còn và quan trọng nhất là con đường mòn dẫn vào trại vẫn không thay đổi. Nhìn căn trại, nhớ lại những kỷ niệm xa xưa, nhớ thằng bạn thân nằm xuống, nhìn chung quanh, tôi cố định hướng cái mộ của Nguyễn nằm ở chỗ nào ? Đào tới đào lui mấy lần, mới tìm được một ít xương tàn với cái đầu lâu. Lang thương anh khóc thảm thiết, phần tôi, tôi cố nhớ ra những vật đã chôn chung vói Nguyễn để xác nhận. Tôi không nhớ Nguyễn còn thẻ bài đeo quanh cổ hay không, nhưng nhớ là hắn có mang đôi giầy MAP, nên nói những người đi cùng ráng tìm cho ra, nếu là mộ của Nguyễn, chắc chắn sẽ còn tàn tích của đế giầy hay miếng thép ở đế giầy hoặc là dây giầy, hoặc là một cục đá hình tam giác mà khi chôn Nguyễn, tôi đã cố tình đặt lên trên người hắn. May quá, Lang tìm ra một cái đế giầy và tôi tìm được cục đá hình tam giác. Thế là nắm xương tàn này đúng là của Nguyễn rồi, Lang khóc quá chừng tới nỗi xỉu luôn tại chỗ, phần tôi, cố gom cho hết hình hài người chiến hữu, lấy nước đem theo rửa thật sạch rồi mới bỏ vào bao ny lông đem về.

Mồ mả cho Nguyễn xong xuôi, tôi ở lại vài ngày, hỏi vợ chồng Lang sinh sống ra sao ? Cần tôi giúp cái gì ? Vợ chồng Lang nói đang sinh sống bằng nghề chạy xe ôm, cũng đủ tiền sống rồi, nên tôi để lại ít tiền cho Lang sửa lại căn nhà rồi hứa sẽ trở lại lần nữa để giúp vốn cho hai vợ chồng làm ăn.

Mấy tháng sau, tôi trở lại thắp nhang cho thằng bạn, rồi bàn với vợ chồng Lang sẽ giúp vốn mua một chiếc xe tám chỗ ngồi để hai vợ chồng chở khách du lịch, thu nhập sẽ khá hơn. Hai vợ chồng Lang cám ơn tôi rất nhiều, nhưng nói không dám nhận vì số tiền đó quá lớn. Tôi nhắc cho Lang biết là trước khi chết, Nguyễn có trăn trối cho tôi ráng giúp đỡ cho em nó nếu tôi còn sống và gặp lại nó. Nay tôi vẫn còn sống và cũng đã gặp lại em của Nguyễn, tôi phải giúp đỡ.

Mãi mấy hôm sau, sau bữa ăn tối, vợ chồng Lang ấp úng hỏi tôi :

“- Anh Song... cho em tò mò một chút... từ hồi anh về thăm tụi em... hổng thấy anh nhắc đến chuyện vợ con của anh... Anh chị có bao nhiêu đứa con rồi ? Tụi nó... lớn hết chưa... ?”

Tôi cười khì :

“- Vợ còn chưa có... có chi con... ”

“- Sao anh... hổng lấy dzợ... ?”

“- Hồi đi lính thì sống nay chết mai, lấy vợ làm chi cho khổ người mình yêu ! Hết đi lính thì đi tù cải tạo. Hết tù cải tạo thì qua Mỹ lo làm ăn kiếm sống... Ở không lo chuyện bao đồng riết... nhìn lại mình đã gần 60 rồi, già rồi... hổng muốn lấy ai nữa !”

“- Vậy... anh lấy ai mà... nối dõi tông đường... ?”

“- Nối rồi đứt cũng vậy ! Tôi ở không quen rồi !”

“- Anh Song à... anh muốn giúp tụi em... mà tụi em nghe hoàn cảnh của anh... cũng muốn giúp anh... ”

“- Cứ nói đi.”

“- Con Cà Na nhà em...”

“- Cái gì !!! Con nhỏ còn nhỏ xíu... hỉ mũi chưa sạch... hai em đừng có lộn xộn, anh nổi cơn móc cả thằng Nguyễn lên mà cự đó! ”

“- Con Cà Na cũng đã... hai mươi lăm tuổi rồi, nó lớn rồi chứ hổng nhỏ đâu anh ơi! Em có hỏi nó rồi... đám con trai ở đây, nó hổng có ưng ai hết ! Nó có biết về cuộc sống độc thân của anh... nó tội nghiệp cho anh lắm... nó muốn... lo cho anh... săn sóc cho anh“

“- Hổng được đâu ! Tôi cỡ này... con Cà Na cỡ đó... lấy nó, bạn bè tôi nó chửi tôi thúi đầu... trâu già gặm cỏ non. Thôi... bỏ qua chuyện đó đi !”

“- Thực tình thì tụi em cũng muốn cho nó có cơ hội ra ngoại quốc sinh sống, đặng cho cuộc sống của nó được vươn lên... ”

“- Vậy thì lo cho nó đi du học đi, tôi sẽ lo cho nó học hành tới nơi tới chốn, cho tới khi nó tốt nghiệp Đại Học.”

“- Nó... hết học được rồi anh Song ơi! Hay là như vầy... Anh cưới con Cà Na... giả bộ thôi, cho nó có cơ hội qua đó học hành đi làm gởi tiền về nuôi tụi em, đó cũng làm một cách anh giúp tụi em vậy !”

“- Để tôi... suy nghĩ lại... ”

Tôi để tiền lại cho hai vợ chồng mua chiếc xe chở khách du lịch rồi về Mỹ.

Sáu tháng sau, tôi trở lại, thấy hai vợ chồng chăm chỉ chạy xe, con Cà Na cũng đã có bằng lái xe, chạy phụ với cha mẹ, nên cuộc sống gia đình đã có phần thảnh thơi, tôi cũng mừng, coi như đã giúp cho Lang phần nào rồi, xong nhiệm vụ đời trai... hậu chiến rồi. Tôi đã mua vé sẵn, tình ở vài bữa rồi... chuồn êm về Mỹ.

Ai dè, bữa cùng gia đình Lang đi Sài Gòn ăn tối, Cà Na vụt miệng nói với tôi :

“- Chú Song... Con có phụ ba má kiếm tiền... nhưng mà chỉ đủ sống chứ không có tiền trả lại cho chú đâu ! Chú... cho con qua bên đó với chú... con sẽ đi làm gởi tiền về cho ba má thì mới trả hết nợ cho chú được.”

“- Chú đâu có đòi nợ đâu !”

“- Chú không đòi, nhưng con vẫn có nhiệm vụ phải trả nợ cho chú... Coi như chú... giúp con đi !”

Tôi bí lối, không biết nói sao, đành trả lời :

“- Nhưng mà chú nói rõ cho ba má cháu và cháu biết : Chú chỉ làm đám cưới giả, giúp cho cháu qua Mỹ sinh sống thôi đó nha, chứ không phải chú lấy cháu thiệt đâu đó ! Qua Mỹ, chú sẽ chỉ giới thiệu cháu là cháu thôi đó nha ! Khi cháu học hành xong xuôi rồi, có việc làm rồi, thì cháu cứ dọn ra ngoài sinh sống, gởi tiền về cho ba má. Sau khi cháu có thẻ xanh rồi, chú cháu mình sẽ ly dị, cháu có cuộc sống riêng của cháu, chú có cuộc sống riêng của chú đó nha, chú không dính tới cháu nữa đâu đó !”

Lương nghe xong câu chuyện, cười ha há, hỏi liền một khi :

“- Rồi sao ? Đoạn kết ra sao ?”

“- Thì... tôi làm đám cưới với Cà Na, đem nó qua đây đã năm năm rồi. Nó đã học hành xong xuôi rồi, đi làm rồi, gởi tiền về giúp cha mẹ rồi.”

“- Năm năm... ? Hai người đã... có mấy đứa con rồi... ?”

“- Ở chung nhà, nó một phòng... tôi một phòng... chú cháu giữ lễ nghĩa đường hoàng... đâu có chuyện gì khác đâu !”

“- Chỉ có...Bụt mới tin chuyện này ! Có bao giờ... chú cháu anh đi shopping, đi ăn tối, đi họp gia đình Biệt Động Quân chung với nhau hay không ?”

“- Có chứ... nhưng mà chỉ có mình ơn tui đi thôi... mắc mớ gì tới nó mà đưa nó đi !”

“- Vậy thì ở nhà... ai nấu cơm ? Hai người có... ăn chung bao giờ không ?”

“- Mạnh ai nấy nấu... mạnh ai nấy ăn. Khi nào nó muốn mời tôi ăn chung thì tôi ăn”

“- Vậy thì câu chuyện đâu đã có hồi kết cuộc đâu !”

“- Kết rồi ! Tôi đã nói nó dọn ra ở chỗ khác đi, nhiệm vụ của tôi xong rồi.”

“- Rồi Cà Na có dọn ra hông ?”

“- Hông !”

“- Tại sao vậy ?”

“- Anh hỏi nó chứ hỏi tôi làm chi ! Nó nói... chừng nào chú lấy vợ thì con dọn đi. Chú chưa lấy vợ thì con còn ở đây lo cho chú.”

“- Vậy thì... chừng nào anh mới lấy vợ đây ?”

“- Có ai đâu mà lấy !”

“- Ha ! Như vậy tức là, anh với Cà Na cùng nhau đi vào cái vòng lẩn quẩn rồi! Một đằng thì nói... chừng nào chú lấy vợ thì con đi, tức là muốn... gọi Chú bằng Anh. Một đằng thì... chẳng có ai để mà lấy, nhưng mà nhất định... Đừng gọi chú bằng anh. Thôi... hai bên đừng... mắc cở nữa, cứ chú chú con con hoài, mệt quá đi.”

“- Già rồi, hổng còn mắc cở nữa đâu ! Tôi chỉ giúp đỡ em của Nguyễn thôi. Chú là chú... con là con.”

Lương đưa ly bia lên cụng với anh em, cụng với Chú Song... Ấy quên, anh Song, nói lớn :

“ Rồi ! Cạn ly bỏ qua chuyện này đi. Năm tới, Hội Biệt Động Quân Bắc Cali tổ chức Đại Hội Biệt Động Quân Hải Ngoại, tôi sẽ qua thăm các bạn lần nữa, hy vọng... có Cọp Con Cà Na ẵm cho vui.

Viết theo email của LNguyen, do anh Lý 42 chuyển, nhân dịp đi thăm anh em Biệt Động Quân Bắc Cali vào tháng 5 năm 2016 vừa qua.



Nguyễn Khắp Nơi